Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Mỹ học trong sự biến chuyển của triết học ngày nay


Luôn suy ngẫm và chiêm nghiệm về tồn tại người cùng thế giới sống của nó để thấu hiểu “nhân cách đang đổi thay trong một thế giới đang thay đổi”, triết học đã có những bước ngoặt lớn qua thế kỷ XX và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI.

Đó là bước ngoặt bản thể luận, nhân loại học, ngôn ngữ học trong thế kỷ XX và bước ngoặt thực tiễn trong thế kỷ XXI. Xuyên suốt những bước ngoặt ấy, mỹ học thể hiện ra như là nền tảng của tri thức triết học ngày nay. Tuy nhiên, với khả năng hiện có, việc tìm hiểu và nghiên cứu cách tiếp cận thẩm mỹ với tri thức triết học một cách toàn diện gặp không ít khó khăn. Trong bài viết này, chúng tôi dừng ở việc bước đầu xem xét một số quan điểm mới xuất hiện gần đây trong cách tiếp cận này và trên cơ sở đó, đưa ra một vài suy nghĩ của mình.
Trong chiều hướng kiếm tìm ấy, trước tiên cần phải nói đến công trình Cơ sở thẩm mỹ của bản thể luận triết học của Naiman Evghenhi Arturovich. Đây là luận án tiến sĩ khoa học triết học mà ông đã bảo vệ thành công từ năm 2004 tại trường Đại học Tổng hợp Tomxk. Theo E.A.Naiman, với bước ngoặt bản thể luận diễn ra từ giữa thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã hướng đến phân tích các hệ thống triết học như những bản thể luận chuyên biệt nhằm khám phá và mô tả bản chất người. Chính giờ đây mới xuất hiện một bản thể luận thực sự - bản thể luận triết học. Chúng ta biết rằng, bản thể luận triết học không quan tâm đến cái gì đang tồn tại mà chỉ quan tâm tới sự tồn tại là cái gì, trong đó có vấn đề phương thức tồn tại của con người. Trong tình huống ấy, thân thể của con người được xem như kinh nghiệm đầu tiên của tồn tại. Chính vì thế mà xúc cảm người, trước tiên là những trải nghiệm thẩm mỹ trở thành phương tiện và công cụ để phân tích và kiến tạo bản thể luận triết học. E.A.Naiman cho rằng, cho đến nay, cách tiếp cận thẩm mỹ với bản thể luận triết học vẫn chưa hiện hình một cách hệ thống trên cả bình diện lý luận lẫn bình diện phương pháp luận. Vì vậy, có thể nói, luận án tiến sĩ khoa học của ông là một trong những dự án mang tính tiên phong.(*)
Theo E.A.Naiman, mối quan hệ giữa mỹ học và triết học tồn tại trong suốt tiến trình phát triển của triết học châu Âu. Parmenide và Heraclit đều mong muốn triết học trở thành mỹ học; vì thế, không phải ngẫu nhiên mà thi ca có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bản thể luận của các ông. Tuy nhiên, sau đó  Platon nhận thấy rằng với sự trợ giúp của luận chứng hóa (argumentation), triết học đã “trục xuất” mỹ học ra khỏi đối tượng của mình để tự giải thiêng       hoá (desacralisation) và thế tục hoá (secularisation) nhằm hạn chế uy quyền của thi ca. Arixtốt đã tiến hành khu vực hoá (regionalisation) mỹ học bên trong tri thức triết học: nhận thức mang tính thi ca trở thành đối tượng của triết học còn lý luận thi ca chuyển thành một bộ môn riêng biệt. 
Với việc tuyên bố hoà tan cái thẩm mỹ vào trong bản thể luận triết học, Hêghen là người đầu tiên tiến hành phê phán việc khu vực hoá mỹ học của Arixtốt. Trong hệ thống triết học của Hêghen, nghệ thuật đã được giải thoát khỏi khu vực hạn hẹp để nhập vào triết học. Trong thế kỷ XX, cả M.Heidegger lẫn H.G.Gadamer cùng ủng hộ mệnh đề về “cái chết của nghệ thuật” của Hêghen. Nếu M.Heidegger phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa chủ quan của mỹ học, thì H.G.Gadamer lại muốn nhập mỹ học vào chú giải học. Với H.G.Gadamer, vấn đề bản thể luận của việc hiểu đã trở thành vấn đề chung của cả mỹ học lẫn chú giải học. Các phạm trù mỹ học bắt đầu được lý giải như các phạm trù bản thể luận. Hơn nữa, nghệ thuật không được tư duy trong việc trình bày hay lý giải mà bản chất của nó được khám phá trong tình thế trình diện (presentation) - hiện diện (presence). H.G.Gadamer đã gắn kết nhận thức thẩm mỹ với nhận thức bản thể luận: chủ thể thẩm mỹ không phải gì khác hơn là chủ thể của khả năng phán đoán thẩm mỹ, đồng thời là chủ thể của quá trình chơi. E.A.Naiman cho rằng, quan điểm “biến cố thẩm mỹ” của M.Bakhtrin cũng rất gần gũi với quan điểm này. Như vậy, từ giữa thế kỷ XX, cái thẩm mỹ bắt đầu được xem xét trong hệ thống trình diện - hiện diện mà nhờ đó, mỹ học và bản thể luận được kết gắn và thâm nhập vào nhau.
Có một hiện tượng cần lưu ý, vào cuối thế kỷ XX các nhà triết học, như Pol de Man, Nancy, Foucault, Delezeur, Lyotard, Bourdieu, Derrida, v.v. đều hướng đến xem xét lại vai trò quyết định của sự phản tư thẩm mỹ của I.Kant trong việc khám phá những cội nguồn không diễn giải, không phân tích của tư duy. Theo quan điểm của các nhà triết học này, dường như I.Kant đã ở “bên ngoài” mỹ học. Đối với I.Kant, mỹ học với nguyên lý tiên nghiệm nằm trong cơ sở của nó không được rút ra từ những suy luận chung về hiện tượng nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật. Chính những vấn đề nhận thức lý luận đã trở thành cơ sở cho sự phản tư thẩm mỹ. I.Kant là người đầu tiên nhận thấy cách lý giải không thuần thẩm mỹ các phạm trù mỹ học, như “cái đẹp” và “cái cao cả”. Ngoài ra, ở I.Kant, mỹ học giữ vị trí trung tâm trong hệ thống triết học, nó được “cởi bỏ” để lớn dậy trong triết học và là những tiềm thế cho hoạt động triết học. Như vậy, I.Kant là người đầu tiên đã khước từ việc kiến tạo mỹ học với tư cách một lĩnh vực riêng biệt của tri thức triết học: những vấn đề thẩm mỹ được xem xét như những vấn đề triết học. Với bộ ba phê phán, I.Kant đã chứng minh rằng mỹ học tiên nghiệm chỉ có thể được hình thành và phát triển trong việc phê phán nhận thức lý luận.
Đi theo con đường lý giải bản thể luận các phạm trù mỹ học không phải chỉ có mỗi I.Kant với lý luận về “cái đẹp” và “cái cao cả” (đề tài nghiên cứu của J.Lyotard, J.Nancy, J.Derrida,    Pol de Man), mà còn có D.Diderot với việc hiểu “mimesic” (đề tài nghiên cứu của Ph.Laku Labart), Holderlin với lý luận về “cái bi” (đề tài nghiên cứu của Ph.Laku Labart, J.Nancy, P.Jirar) và Ph.Schlegel với lý luận “Witz” (đề tài nghiên cứu của J.Nancy, M.Phrank). “Nhờ những cách lý giải đó, các phạm trù mỹ học được suy ngẫm trong tình thái “hiện diện” đã bắt đầu trở thành phương tiện chủ yếu để phê phán các lý luận chủ thể siêu hình, chủ quan và duy tâm - tư biện. Mỹ học phương Tây đã mở đường và sáng tạo nên “mỹ học phê phán”, một mỹ học có khả năng suy ngẫm lại những phạm trù thẩm mỹ xuất phát từ những quan hệ mà trước đây thường bị liệt vào những lĩnh vực phi thẩm mỹ của tinh thần”(1).
Tiếp tục con đường ít nhiều đã được khai phá, E.A.Naiman muốn xác định xem những nguyên lý của nhận thức mỹ học đã thâm nhập và tác động vào hoạt động triết học như thế nào, thông qua việc làm sáng tỏ những cơ sở thẩm mỹ của nhận thức bản thể luận cùng với việc sử dụng các khái niệm mỹ học như những công cụ phê phán có khả năng khám phá đặc thù của các quá trình siêu hình học. Ông tự đề ra cho mình nhiệm vụ tiếp tục hoàn thành việc kiến tạo lại bản thể luận dưới cách nhìn của mỹ học - một công việc ít nhiều đã được thực hiện trong triết học của I.Kant, triết học của chủ nghĩa lãng mạn, triết học tư biện của Hêghen, triết học hiện tượng học và hiện sinh. Theo ông, một ý đồ như vậy đòi hỏi trước hết phải chỉ ra mối liên hệ sinh thành của nhận thức bản thể luận và nhận thức mỹ học. Trên bình diện lịch sử, mối liên hệ sinh thành ấy đã được thể hiện trong các lý luận “giải phóng thẩm mỹ của cái hiện sinh” từ Schiller đến Foucault và Rorty. Trong các lý luận này, kinh nghiệm thẩm mỹ được xem xét như là nguyên lý cơ bản của sự tự nhận thức và cuộc sống thực tiễn hàng ngày, còn nhu cầu siêu hình học của con người lại có cội nguồn thẩm mỹ. Trên cơ sở đó, E.A.Naiman khẳng định: “Bản thể luận thể hiện cả chiều đo triết học cũng như chiều đo thẩm mỹ trong trường triết học”(2).
Xurina Tachiana Vladimirovna đã mở rộng chiều hướng nghiên cứu của Naiman khi khẳng định rằng, “thi ca như là cơ sở thẩm mỹ của bản thể luận văn hoá”(3). Trước hết, T.V.Xurina đã nhận thấy rằng hầu như toàn bộ những cách tiếp cận hiện thời về vấn đề tồn tại và những khả năng nhận thức nó đều ít nhiều có liên quan và gắn bó với mỹ học. Không có một trào lưu triết học nào hiện nay có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cơ sở thẩm mỹ. Ngày nay, việc xây dựng bức tranh bản thể luận thế giới được thực hiện không phải bằng tính duy lý, mà bằng cái đẹp mà không phủ nhận khả năng của Ratio. Tri thức triết học đang nhích dần tới một thái cực khác của văn hoá, một thái cực mà ở đó giá trị có hình thức cụ thể cảm tính hoàn thiện của mình - hình thức thi ca.  Siêu hình học đã nắm giữ văn hoá để nảy sinh Logos như Ratio và đã chế định những mối quan hệ trong môi trường văn hoá theo kiểu duy lý khoa học. Với sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại, siêu hình học đã bị giải kết cấu còn quyền lực của nó - quyền lực của Logos như Ratio cũng bị bãi bỏ. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã giải kết cấu tính duy lý như cái khởi nguyên liên kết ban đầu nhưng không thể đưa ra một cái gì đó thay thế cho nó; vì thế, văn hoá đã mất cơ sở của mình, bị rã ra thành “những đoạn và những mẩu” như R.Rorthy đã từng nhận xét. Trong tình huống đó, T.V.Xurina cho rằng, “cần phải hướng tới những khả năng vốn có của thi ca, bởi lẽ cái đẹp như ý niệm nền tảng trong sự hình thành tồn tại đã nằm trong cơ sở của bản thể luận (chủ thể - tồn tại) cũng đồng thời là sự sáng tạo. Vì lẽ đó, triết học cũng có phẩm chất của mỹ học, còn mỹ học được thực hiện như thi ca, nghĩa là như cội nguồn của việc truy vấn đến tận cùng về thế giới, như phương thức “lôi cái tính khai mở ra” (M.Heidegger). Bởi, sự hình thành của chân lý cho phép hiện thể đang là, ở đó vẻ đẹp là dấu hiệu của sự thống nhất cao cả. Với việc xem xét bản thể luận từ góc độ của vẻ đẹp và cái đẹp, chúng ta nhận thức thế giới trong hành vi chiêm nghiệm mà nhờ đó, tư tưởng được nảy sinh từ “sự sang chấn tâm hồn” (M.K.Mamardashvili). Cái chủ thể trở thành cái khách thể còn cái đã được khách thể hoá lại mang tính bản thể luận, nghĩa là có đặc trưng tích hợp của thế giới thông qua sự tồn tại của các hình thái khác nhau của nó”(4).
T.V.Xurina đã cố diễn giải thêm rằng, luận án của bà hướng đến đề tài này do xuất phát từ tình huống văn hoá hiện thời - tình huống mất cội rễ hiện sinh của con người. Trong tình huống đó, hoạt động có suy ngẫm của con người cũng như toàn bộ toà nhà văn hoá dường như đã bị mất cái khởi nguyên liên kết ban đầu, dường như bị treo lửng lơ trong không trung. Do vậy, ngày nay, vấn đề tìm kiếm những cơ sở của văn hoá, nền tảng của văn hoá trở thành cấp bách một cách hiển nhiên. Dõi theo việc mất “cội rễ” trong nền văn hoá hiện thời, một nền văn hoá đang gắng vùng vẫy, tìm cách để thoát khỏi tình trạng “tái sản xuất”, khuôn mẫu, thoát khỏi một hệ hình xơ cứng, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, nhằm tránh lâm vào sự hỗn loạn (chaos) đòi hỏi phải tìm kiếm cơ sở, nền tảng cho sự sáng tạo cái mới. Xuất phát từ đó, T.V.Xurina đã “hướng tới thi ca (poiesis) như sự sáng tạo và cho rằng nếu xem xét trong toàn bộ ý nghĩa và việc hiểu của mình thì thi ca là nền tảng bản thể luận của văn hoá. Đề tài thi ca như nền tảng bản thể luận của văn hoá đã không được chuyển thành một đề mục trong lý luận và triết học văn hoá, dẫu rằng đã có không ít các nhà triết học và văn hoá học bằng cách này hay cách khác nhắc nhở phải chú ý nhiều hơn nữa tới đề tài này. Ngày nay, khi mà việc giải kết cấu siêu hình học đã được tiến hành và đã xuất hiện nhu cầu tìm kiếm những nền tảng, những cơ sở của tư duy và tồn tại, vấn đề những nền tảng của văn hoá, trong đó có vấn đề thi ca ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi sự giải quyết của mình”(5).
Trong việc tìm lại cội rễ thực sự để làm sao cho cuộc sống của con người hiện đại hôm nay thoát khỏi “tha hoá”, nếu E.A.Naiman muốn chỉ ra bình diện thẩm mỹ trong bản thể luận triết học, T.V.Xurina cố gắng mở rộng hơn khi kiếm tìm cơ sở thẩm mỹ của bản thể luận văn hoá thì V.V.Bưchkov lại muốn mỹ học có một vai trò “phóng khoáng” hơn và bao quát hơn khi tuyên bố: “Mỹ học - đó là khoa học về sự hoà hợp của con người với Vũ trụ”.
Công trình của V.V.Bưchkov quả là đặc biệt, ở chỗ dù nó được đề là giáo trình cho các trường đại học ở Nga, nhưng người đọc vẫn thấy đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, một cuốn bách khoa thư rút gọn về mỹ học hiện thời. Kế thừa tư tưởng của Viện sỹ V.X.Stropin về sự hình thành và phát triển của nền văn minh sinh thành từ công nghệ và tương ứng với sự tiến triển ấy là sự hình thành nối tiếp nhau các hệ hình của tư duy, của khoa học và triết học trong lịch sử: hệ hình cổ điển, hệ hình phi cổ điển và hệ hình hậu phi cổ điển. V.V.Bưchkov đã vận dụng sáng tạo những cơ sở phương pháp luận ấy trong công trình của mình. Ông phân chia lịch sử phát triển của mỹ học thành ba giai đoạn: mỹ học cổ điển, mỹ học phi cổ điển và mỹ học hậu phi cổ điển.
Theo V.V.Bưchkov, trong mỹ học của thế kỷ XX đã diễn ra không ít những biến chuyển lớn lao: đánh giá lại các giá trị truyền thống, cải tổ lại các hệ hình cảm xúc, nghệ thuật và tư duy. Tất cả những việc đó đã tạo điều kiện cho việc xuất hiện mỹ học phi cổ điển. Mỹ học phi cổ điển mong muốn biến đổi thực sự đối tượng của mỹ học cùng với việc gạt bỏ không ít những phạm trù truyền thống và đưa vào hàng loạt những khái niệm mới - những cận phạm trù (paracategories) mà phần lớn những khái niệm và cận phạm trù ấy đối với mỹ học cổ điển may lắm cũng chỉ được xếp ở bên lề, mà không được nhập vào trường thẩm mỹ. Mỹ học phi cổ điển đã khước từ những cơ sở siêu hình học của mỹ học và trên bình diện phương pháp luận, chuyển trọng tâm sang kinh nghiệm của các khoa học nhân văn cụ thể: ngôn ngữ học, tâm lý học, xã hội học, ký hiệu học, đã sử dụng những diễn ngôn cấu trúc và hậu hiện đại. Trong việc xác định lại đối tượng của mình, mỹ học phi cổ điển đã đan kết với ngữ văn học và nghệ thuật học, văn hoá học và chính trị học. Vì thế đã có một tình huống đầy nghịch lý: xuất hiện một khoa học nhờ liên kết các khoa học cụ thể mà không có đối tượng rõ ràng. Mỹ học phi cổ điển muốn dẫn dắt chúng ta bước vào “tinh thần của thời đại”, hoà nhập vào tình huống hiện thời của văn hoá - tình huống POST-CULTURE(6). 
Khi bước vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, V.V.Bưchkov khẳng định rằng chúng ta lại đang ở ngưỡng hình thành một giai đoạn mới trong sự phát triển của ý thức thẩm mỹ, của mỹ học như một khoa học: mỹ học hậu phi cổ điển. Sự hình thành mỹ học hậu phi cổ điển này tương ứng với quá trình phát triển mang tính toàn cầu của nền văn minh sinh thành từ công nghệ và cũng giống như những khuynh hướng đang xuất hiện trong tri thức khoa học tự nhiên (khoa học hậu phi cổ điển) và trong triết học (triết học hậu phi cổ điển). Đối với lĩnh vực thẩm mỹ của chúng ta, thực chất của quá trình này nằm ở sự phân tích hiện thời tri thức thẩm mỹ dựa trên nền tảng siêu hình học triết học của mỹ học cổ điển (cội rễ) và tiếp thu một cách chủ động những kinh nghiệm của mỹ học phi cổ điển (những cành, nhánh) và nhờ qua những sự rẽ nhánh đó quay trở lại xem xét một cách sáng tạo những luận điểm cơ bản của mỹ học cổ điển.
V.V.Bưchkov đã nhận xét một cách tinh tế rằng, ở đây chẳng có gì là mới mẻ trong quá trình này. Nó cũng tựa như những kịch bản đã được thực hiện trong lịch sử văn hoá chung của nhân loại. Thực tế cho thấy, khi chuyển hoá từ nền văn hoá cổ đại sang nền văn hoá Thiên chúa giáo, các nhà biện hộ Thiên chúa đầu tiên chẳng đã phủ định một cách nghiêm ngặt toàn bộ những thành quả của văn hoá cổ đại để sau đó vài thế kỷ, các giáo phụ lại tích cực thu thập, gìn giữ, nghiên cứu và nhập không ít những thành quả của văn hoá cổ đại vào nền văn hoá của mình. Vấn đề là ở sự triệt để và sâu sắc ít nhiều của những quá trình này. Trên cơ sở những cái lắng đọng lại sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển của mỹ học phi cổ điển, chúng ta có thể đưa ra một vài kết luận quan trọng.
Trước hết, chúng ta muốn khẳng định rằng, mỹ học cũng như đạo đức học hay triết học không biến mất và không thể biến mất. Trong bản chất của mình, đối tượng của mỹ học không hề thay đổi và biến đổi (trong trường hợp ngược lại sẽ là một khoa học khác nào đó). Điều chủ chốt mà chúng tôi muốn khẳng định qua những trang sách của công trình này: đối tượng của mỹ học thuộc về những cái phổ quát bản chất của tồn tại người và văn hoá, không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai có ý định coi thường, vứt bỏ hay tuyệt đối hoá nó”(7).
V.V.Bưchkov cho rằng, quá trình làm sáng tỏ nghĩa và định hình đối tượng của mỹ học đã trải dài suốt thế kỷ XX và được khởi đầu bởi công trình của B.Croch. Bắt đầu từ đó, mỹ học khước từ những định nghĩa cổ điển (mỹ học là triết học về cái đẹp và nghệ thuật) và phạm trù mới - cái thẩm mỹ như một phạm trù khái quát nhất, có nội dung thực sự trong việc xác định đối tượng của mỹ học đã nảy sinh và được phổ biến rộng rãi. Cũng không phải vô cớ mà một số nhà mỹ học phi cổ điển có ý tưởng coi mỹ học như triết học văn hoá. Như trên đã nói, mỹ học hậu phi cổ điển ở đầu thế kỷ XXI của chúng ta là sự tổng hợp của mỹ học cổ điển và phi cổ điển. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi cái ý nghĩa siêu hình học trong việc xác định đối tượng của mỹ học cổ điển vẫn gia nhập vào nội dung cái thẩm mỹ hiện nay. “Trong bình diện rộng nhất, ý nghĩa này có thể được thể hiện bằng các khái niệm “tiếp xúc” (contact) và “hài hoà” (harmonie). Khoái cảm thẩm mỹ chỉ nảy sinh trong trạng thái tiếp xúc của chủ thể thẩm mỹ với vũ trụ, với các cơ sở siêu việt của nó thông qua các khách thể thẩm mỹ… Nhờ sự tiếp xúc ấy mà sự hài hoà hữu cơ giữa chủ thể và vũ trụ đã xuất hiện, chủ thể trải nghiệm khoái cảm tinh thần cao cả. Trong ý nghĩa ấy, mỹ học có thể được xác định như khoa học về khoái cảm tinh thần, còn kiểu quan hệ chủ thể - khách thể đã được chỉ ra thể hiện bằng phạm trù cái thẩm mỹ và nó tạo thành đối tượng của mỹ học mà không phụ thuộc vào việc mỹ học đang ở giai đoạn nào trong sự tồn tại lịch sử của mình: cổ điển, phi cổ điển hay hậu phi cổ điển. Như vậy, mong muốn của chủ thể hướng tới sự hoà hợp với vũ trụ, tới sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất với vũ trụ là mục đích bên trong của kinh nghiệm thẩm mỹ. Sự định hướng này là một trong những cái phổ quát bản chất của tồn tại người như một thực thể tinh thần… Tôi muốn làm nổi bật lên và nhấn mạnh về sự hài hoà như một nguyên lý siêu hình học nằm trong cơ sở của cái thẩm mỹ”(8).
Hiểu mỹ học như một khoa học nghiên cứu về sự hài hoà giữa con người và vũ trụ buộc chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò và vị trí của mỹ học trong hệ thống các khoa học triết học ngày nay. Cũng không phải vô cớ mà từ đó nảy sinh những quan điểm xem mỹ học chính là triết học đầu tiên và cái thẩm mỹ trở thành nền tảng của tri thức triết học ngày nay.
Trong khuôn khổ của một bài báo, qua một số tài liệu bước đầu được lựa chọn nhằm phác thảo diện mạo của đường hướng tìm kiếm mới trong triết học nói chung và mỹ học nói riêng, chúng tôi có đôi điều suy nghĩ sau:
Thứ nhất, không thể phủ nhận chiều hướng tích cực của việc “mỹ học hoá” tri thức triết học: mong muốn triết học chuyển hoá từ thế giới của khoa học, của tư duy sang thế giới sống nhằm giúp con người và nhân loại vượt qua những tình huống hiểm nguy.
Thứ hai, cần phải công bằng thấy rằng, thực ra việc phê phán siêu hình học và hướng triết học đến thực tiễn, đến thế giới sống đã được C.Mác và Ph.Ăngghen tiến hành từ giữa thế kỷ XIX. Những tác phẩm nối tiếng của các ông trong tiến trình hình thành và phát triển quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử, đặc biệt trong Luận cương về Foieurbach đã minh chứng điều này. Vì thế, có những nhà triết học đã xem triết học Mác là một trong những cội nguồn của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Thứ ba, không ai phủ nhận vai trò của tri giác cảm tính trong đời sống của con người. Sống là trải nghiệm, là cảm xúc, là nghiệm sinh. Nhưng sống cũng còn là suy tư, đánh giá và lựa chọn. Sự tuyệt đối hoá cảm xúc, kinh nghiệm đã từng có ở chủ nghĩa duy cảm, chủ nghĩa lãng mạn. Hơn nữa, không ít ví dụ cho thấy thế giới của cảm nhận, kinh nghiệm chưa đảm bảo tính chân thực của sự việc. Khi đọc lại lời nói đầu của Ph.Ăngghen trong Biện chứng của tự nhiên, ta thấy tiếp cận bản thể luận với tư duy của ông cũng góp phần khẳng định rằng đoá hoa tư duy luôn dẫn dắt con người, dẫn dắt nhân loại hoà nhập với vũ trụ.(9)
Thứ tư, trong quan điểm của V.V.Bưchkov có không ít điều hợp lý, nhất là khi ông cho rằng giai đoạn hậu phi cổ điển là sự tổng hợp của giai đoạn cổ điển và giai đoạn phi cổ điển. Điều đó có nghĩa chủ nghĩa duy lý vẫn cần thiết và sẽ hồi sinh với một diện mạo mới trong tương  lai.
 
***************
(1) E.A.Naiman. Cơ sở thẩm mỹ của bản thể luận triết học. Tômxcơ, 2004, tr.4 (tiếng Nga).
(2) E.A.Nainan. Sđd., tr.9.
(3) T.V.Xurina. Thi ca như cơ sở thẩm mỹ của bản thể luận văn hóa. Tômxcơ, 2005, tr.4 (tiếng Nga).
(4) T.V.Xurina. Sđd., tr.4.
(5)  T.V.Xurina. Sđd., tr.4.
(6) Trong chuyên luận của mình, giáo sư V.V.Bưchkov đã dành nhiều trang để nói về POST-CULTURE. Vì khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi sẽ nói kỹ về khái niệm này trong những bài sau.
(7) V.V.Bưchkov. Mỹ học. Mátxcơva, 2004, tr.524 (tiếng Nga).
(8) V.V.Bưchkov. Sđd., tr.526
                                                
Theo Nguyễn Huy Hoàng – VHNA 

_______________________________________________________________

Tia nắng trời

Truyện ngắn của Tomasz Jastrun (Ba Lan)


Cách Barcelona không xa, có một ngọn núi tên là Montserrat(1). Xem ra Chúa Trời tạo ra ngọn núi này là Ngài có mục đích rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta làm gì có quyền được hỏi về những mục đích của Chúa Trời, khi chính chúng ta cũng chẳng biết mục đích của mình là gì?
Ngọn núi nằm trên bình nguyên, đơn độc, đỏ quạch, như được đắp từ cát nóng chảy đông đặc sau cú sét đánh. Trên đỉnh núi tọa lạc một tu viện. Họ đang đi, nhằm hướng tu viện này, trong một ngày nắng đẹp. Nàng đang bay trên đôi cánh ngắn, song chắc khỏe, của tuổi mười chín, đi bên cạnh là chị nàng, người đang mang trên vai gánh nặng của cuộc ly hôn không cưỡng nổi đang tới gần.
Thật khó gặp được một nơi dành cho phụ nữ đủ đầy như vậy - có thể nói như thế - dành cho phụ nữ theo kiểu hoàn toàn đàn ông. Từ trên tường các nhân vật nữ nghiêm nghị và linh thiêng trong Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước đang nhìn, họ giả vờ không đích mục sở thị người qua lại. Nàng nhận ra trong số họ có vị thánh nữ bảo trợ của mình.
Tại nhà mồ, nàng đứng trước tượng đen Đức Mẹ tay trái cầm quả táo phước vàng, trên vòm cao các nữ thiên thần đang chơi đàn. Họ nở trên môi nụ cười của người đàn ông mà cách đây mấy tuần đã ân ái cùng nàng trong đêm, một trong những đêm nàng thấy chiêm bao, cái đêm này đang phai mờ dần, nhưng sẽ không bao giờ biến mất, cho dù sau nhiều năm tháng.
Chàng đã cười y hệt như vậy khi nàng không hất bàn tay rụt rè của chàng ra khỏi đùi nàng. Một vài hình ảnh lướt nhanh trước mắt nàng: hơi thở của chàng quyện vào hơi thở của nàng, tay nàng trong tay chàng, chân chàng quấn chân nàng. Và thời khắc này, thời khắc đã xong xuôi mọi chuyện, dường như là thời khắc sẽ tồn tại muôn đời. Tuy nhiên đó chỉ là thời khắc được cho phép tồn tại lâu hơn so với những thời khắc tồn tại bình thường mà thôi.
Có cảm giác những thiên thần đang nhìn từ trên cao phát xấu hổ trước những hình ảnh nàng mường tượng trong đầu – thậm chí ở chỗ như thế này mà nàng không đeo nổi dây chuyền. Nàng tin rằng, một số nhà thờ có khả năng đọc được ý nghĩ của con chiên. Có phải vì vậy mà các bức tường nhà thờ thường đen ngòm hay không nhỉ? Tường của nhà thờ này khá đen, nhưng nàng không nghĩ, đây là những bức tường nhơ bẩn.
Nàng chóng mặt. Chân nàng run như cầy sấy khi nàng bước ra khỏi nhà mồ. Không gian giáo đường lạnh lẽo, ngát mùi trầm hương – mùi thơm này khiến nàng yên dạ. Nàng cảm nhận, có ánh mắt đang nhìn nàng. Nhưng đó không phải là cái nhìn của một nữ thiên thần. Thường thì, chỉ cần một cái nhìn là nàng biết được người đàn ông có hấp dẫn hay không. Cảm giác của nàng về cái đẹp của người đàn ông đang nhìn nàng lúc này không phải là vô tiền khoáng hậu. Tác động lên các giác quan thẩm mỹ trí tưởng tượng của nàng là mái tóc đen, xoăn, da màu ô liu, và trên cái nền như vậy - hai hàm răng trắng, đều, đôi mắt sâu, tự tin, nụ cười ẩn giấu bên dưới nhãn cầu. Chàng đứng cách nàng trên chục mét – lý tưởng của nàng đó! – nàng mang trong mình lý tưởng này từ thời khắc nàng trở thành đàn bà, nghĩa là từ cách đây không lâu, nhưng nàng có cảm giác đã trăm năm nay rồi. Có ai lại không đợi chờ một cuộc gặp gỡ như thế này hay không nhỉ? Liệu niềm hy vọng này, niềm hy vọng có thể được thỏa mãn bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào, có phải là một trong những động cơ của cuộc sống hay không?
Như thể theo yêu cầu của nàng, chàng bước lại bên nàng, để lại nhìn nàng và lần này cái nhìn của chàng không thể là tình cờ nữa rồi. Sự khẳng định này làm các ý nghĩ của nàng rực sáng. Nàng đáp lại bằng nụ cười, chẳng bao giờ chàng bội tình nàng, có lẽ vì vậy mà chỉ khi nào nàng tin chàng thì nàng mới cho chàng xuất hiện. Tiếng thì thầm cục cằn của chị nàng đã bứt nàng ra khỏi giấc mơ.
- Ngay cả trong nhà thờ em cũng không thể giữ nổi mình!
Bên ngoài trời nắng như đổ lửa, nhưng nàng cảm thấy chân và tay nàng nổi da gà. Đây có phải là da quỷ hay không nhỉ, khi nàng đang ở nơi này?
Chàng đứng, tựa người vào bức tường bao quanh tu viện, như thể đang lấp đầy lỗ thủng nhỏ, cái lỗ thủng đã chờ sẵn họ từ hàng trăm năm nay. Chàng cười…
Nàng mỉm cười, bước lại, như thể để hôn chàng. Họ chìa tay cho nhau. Một câu hỏi được đặt ra, câu hỏi mà cả người trẻ lẫn người già ở tất cả các trường học tiếng đều phải luyện rèn, hy vọng đến một ngày nào đó sẽ là câu hỏi quan trọng nhất của đời họ. “Do you speak English?”
Họ có ít thời gian, xét cho cùng, thời gian và lời nói chẳng còn cần nữa. Cảm nhận sự hệ trọng của tình hình, chị nàng đi ra bên cạnh. Chàng dúi vào tay nàng mảnh giấy, kín đáo, như cậu học trò dúi phao thi cho bạn gái vậy. Không nhìn vào mắt nàng, chàng hỏi tên nàng.
- Monika? – Chàng gật đầu trân trọng, như thể đó chính là cái tên chàng chờ đợi và bây giờ đã nhận được sự khẳng định. Khi đã xong xuôi, chàng chạy theo các bậc cầu thang, không một tiếng động, như thể không bao giờ có chàng.
Nàng cuộn mảnh giấy lại, cẩn thận, như sợ rơi mất những lời ghi trong đó. Trên mảnh giấy này có điềm báo nhiệm mầu về một thời kỳ mới, có địa chỉ viết vội vàng, với chú khỉ đang cười ở giữa.
Nàng biết, sẽ không bao giờ nàng gặp lại chàng được nữa rồi, nàng biết có luật chi phối những cuộc gặp gỡ như thế này, nàng linh cảm, sẽ nguy hiểm biết nhường nào nếu thay đổi luật này. Trên đất Ba Lan, nếu có một người đàn ông nào đó đang chờ nàng, thì nàng cảm nhận sự tồn tại của người này trên cổ mình, do cổ nàng bị dây chuyền thít chặt. Nàng bước đi chậm rãi, chị nàng bước theo sau, lặng lẽ như một cái bóng.
Từ Warszawa nàng đã viết thư cho chàng. Tại sao nàng lại không làm như vậy nhỉ? Nàng sợ, phép màu của câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như…?” sẽ hành hạ nàng hàng năm trời.
Sự lặng im đến cùng cực và vô biên đã đáp lại bức thư của nàng, rằng trong nháy mắt mọi thứ đã quay về đường cũ rồi.
Nàng đã quên màu mắt của chàng, nhưng nàng vẫn nhớ, đó là một buổi chiều tháng chín, một buổi chiều nắng nóng, với ngọn núi trong gương chiếu hậu, được tia nắng trời chiếu rọi.
Lê Bá Thự dịch
Từ nguyên bản tiếng Ba Lan

____________________________________________________________

Sóng thần núi voi

Truyện ngắn của Tiến Đạt

1.
Anh bị dựng đầu dậy lúc ba giờ mười lăm phút bảy giây sáng. Giọng ông chủ bút Củ Cải nói không dứt “Chú đón xe về Bãi Bồi gấp. Có nguồn tin riêng vừa báo sắp có đợt sóng thần”. Anh hiểu, đó là lệnh, không được chậm trễ.
Bãi Bồi, làng chài nằm cạnh núi Voi, đang là tâm điểm của các giới đầu tư đón đầu săn đất xây khu nghỉ dưỡng dành cho du khách hạng sang và nhà nghỉ cao cấp dành cho giới thượng lưu, anh đã đặt chân đến cùng ông chủ bút. Mục đích chuyến đi lần đó ông chủ bút tìm đất xây nhà nghỉ cho tuổi xế chiều. Đó cũng là ngày đầu tiên anh đặt bút ký hợp đồng làm việc tại tạp chí Củ Cải. Ông chủ bút cho anh hai lựa chọn. Một, nắm mảng săn tin hậu trường ngôi sao. Tất cả mọi chuyện liên quan đời sống và nghề nghiệp của sao phải cập nhật liên tục trên trang “Các sao làm gì?” Hai, phụ trách trang “Sự kiện sốt”, chuyên theo dõi những sự kiện xã hội nổi tiếng được dân tình quan tâm. Tin nóng, tiền thưởng tươi. Tin nóng độc quyền, thu nhập bài viết bằng thu nhập trung bình cả tháng. Tin nguội, thu nhập giảm. Tin cọp báo bạn, áp dụng hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến buộc thôi việc. Mọi ràng buộc, chi tiết dích dắc ghi rõ trong hợp đồng.
Ông chủ bút có lý do để bác đề nghị của anh muốn lập ra và phụ trách hai trang “Phút cuối tử tù” và “Theo dấu chân tê giác núi Chúa”. Nghề viết đã dạy anh rằng, tâm sự cuối cùng của tử tù trước khi bước ra trường bắn là đề tài hấp dẫn về mặt truyền thông và mang tính hiệu quả cao về mặt tuyên truyền pháp luật. Sở thích đeo đuổi đời sống tê giác núi Chúa, vì anh thích phiêu lưu.
Anh quyết định phò ông chủ bút vì ông là ân nhân kéo anh thoát khỏi đám u mê xôi thịt. Sau một thời gian, anh bị ngộp thở vì mùi tiền và son phấn. Anh ngộ sau một buổi sáng ngồi nghe ông giảng thuyết vô vi.
“Chú em không làm đại sự được nếu chỉ biết nghĩ đến tiền và gái đẹp. Tiền chỉ là phương tiện. Gái đẹp rất dễ làm đàn ông ngộ nhận và hư hỏng. Đàn ông muốn làm chuyện lớn phải biết từ bỏ đam mê vụn vặt. Chú em là cây bút có nghề. Chú muốn để lại tiếng thơm cho đời, phải biết áp dụng quy trình và công nghệ. Còn không, vứt sọt rác”.

2.
Nhiếp ảnh gia tự do. Gã đàn ông mặt tái. Cô gái mười hai ngón tay chủ quán cà phê kiêm chủ dãy phòng trọ mang khuôn mặt buồn u uẩn.
Nhiếp ảnh gia trải ra bàn hàng chục tấm hình chụp chân dung cô gái. Cô gái hờ hững nhìn lướt qua.
“Em có thần thái hoa hậu”, nhiếp ảnh gia ngắm nghía tấm ảnh cô gái chống cằm nhìn ra chiến thuyền mờ xa ngoài biển, đưa ra nhận xét.
Anh từng xem tác phẩm của nhiếp ảnh gia trong thời gian anh ta làm cộng tác viên tạp chí Củ Cải trong chuyên mục “Các sao làm gì?” Anh ta từng chụp hàng loạt ảnh sao X nóng bỏng vòng một, diễn viên Q thon thả vòng hai, cô đào N rực lửa vòng ba. Ông chủ bút đánh giá hiệu quả của tác phẩm nhưng đành quyết định ngừng cộng tác do không chịu nổi yêu sách tiền nhuận ảnh ngày càng tăng.
Gã đàn ông xòe bộ bài năm mươi hai lá điệu nghệ như tài tử Hồng Kông trong các phim casino. Gã cười hơ hớ và rút ra con đầm pích, lật ngửa trước ánh mắt lơ đãng của cô gái.
“Số em hồng nhan bạc tỉ. Tuổi mười tám bị tình lừa. Tuổi hai tám lừa tình. Tiền bạc đến sau tuổi bốn mươi. Hậu vận trung bình khá. Nhưng luôn có quới nhơn đàn ông phù trợ”.
Gã đàn ông từng dắt anh và chủ bút Củ Cải loanh quanh Bãi Bồi từ sáng sớm đến sáu giờ chiều. Anh ta nói kẻ nào muốn có duyên sống và làm ăn tại Bãi Bồi chân phải giẫm hết mọi ngõ ngách để chào thổ địa. Được ông chủ bút tâng bốc và mời uống xoay vòng vài ly, gã nằm ngủ ngay trên bàn nhậu, ngáy như sấm. Tỉnh dậy, dịu mắt, thông báo vừa gặp thổ địa. Thổ địa phán kẻ săn đất hôm nay (ý nói ông chủ bút) không có cơ duyên vì thời trai trẻ từng có lần báng bổ thánh thần. Ông chủ bút cười khẩy, nhưng trong bụng tin sái cổ. Bằng chứng, khi yên vị trong xe ô tô quay lại thành phố, tuyên bố từ bỏ ý định dưỡng già tại Bãi Bồi.
Gã đàn ông đã nhận ra anh là người quen.
“Khỏe không, anh nhà báo?”
“Cảm ơn anh, tôi cũng bình thường”.
“Ông chủ anh đâu?”
“Ổng bận không đi”.
“Anh đi săn sóng thần, đúng không?”
Anh im lặng. Anh vừa nhìn thấy gáy trắng ngần của cô gái có dán hình con bướm. Bướm nhỏ, xanh lam.
Gã đàn ông đứng lên, đi ra khỏi quán. Anh ta đi một đoạn, quay trở lại, ghé miệng vào tai anh.
“Con bé xinh nhưng hôi nách. Thằng cha chụp ảnh đã bị trúng chưởng. Cảnh giác nghen anh nhà báo!”

3.
Anh trọ tại quán cà phê của cô gái mười hai ngón tay. Phòng anh nằm cạnh phòng nhiếp ảnh gia tự do. Bức tường gỗ ngăn giữa hai phòng không xua được mùi thuốc lá, bia rượu cùng nước hoa của người phòng bên cạnh. Dạo anh và ông chủ bút đến đây, ông chủ bút có ý định tìm chỗ ngủ trưa, nhưng khi khảo sát căn phòng đã bỏ ngay ý định vì ông đánh hơi có mùi chuột cống.
“Tôi có nguyên tắc kinh doanh riêng, anh phải tuân thủ”, trước khi làm thủ tục nhận phòng, cô chủ ra điều kiện khách không được dắt gái về phòng.
Mười hai giờ đêm, sau khi báo cáo tình hình với chủ bút, anh nằm xuống giường, nhưng giấc ngủ không đến. Tiếng sóng ngoài biển dội ầm ào. Anh linh cảm vùng biển này không thể có sóng thần, như từ bao đời nay. Buổi chiều, anh đi dạo khắp làng, cảm nhận sinh hoạt của người dân trong vùng vẫn như ngày thường. Anh quên không kịp báo với ông chủ bút đã gặp nhiếp ảnh gia tự do. Anh không tin anh ta đến đây để săn sóng thần, như anh.
Anh đã truy ra nhân thân của gã đàn ông mặt tái và cô gái mười hai ngón tay. Dân trong vùng khẳng định gã đàn ông từng làm công nhân xuất khẩu lao động. Anh ta biệt xứ tại nước ngoài gần mười năm. Ngày trở về, thay vì thành đại gia hoặc trung gia, anh ta chỉ còn bộ đồ mặc trên người và trong giỏ xách toàn hóa đơn nợ nần. Cô gái mười hai ngón tay là con gái út của ông chủ đoàn cải lương Thanh Nghệ xuất thân từ vùng đất cách Bãi Bồi khoảng năm mươi cây số. Người mẹ dắt cô chạy đến vùng này vì không chịu nổi tính trăng hoa của chồng. Hầu hết các cô đào trẻ trong đoàn hát vướng vòng tình ái với ông chủ. Cách đây năm năm, mẹ cô gái mất vì huyết áp cao. Trăn trở lớn nhất của bà trước khi chết là được nhìn thấy đứa con gái trẻ đẹp bước lên xe hoa. Thanh niên trong vùng mê khuôn mặt đẹp, vóc dáng nóng bỏng của cô gái nhưng không ai dám tính chuyện hôn nhân.
“Đàn ông nhìn vào hai bàn tay của tôi sợ chạy mất dép. Họ sợ lấy vợ mang lại xúi quẩy”, cô gái xòe bàn tay ra trước mặt anh.
“Tôi thấy bàn tay cô cân đối!”
“Cân đối hay dị thường?”
“Tôi nghĩ nó không dị thường!”
“Tôi không dễ mắc lừa trò tán gái của trai thành phố các anh đâu!”
Gã đàn ông đi nhanh vào quán. Gã kéo ghế ngồi ngay bàn của anh và cô gái, móc bao thuốc lá trong túi lấy ra một điếu, ngắt bỏ đầu lọc, bật quẹt châm lửa.
“Vẫn chưa có tin sóng thần”, gã lên tiếng. “Chờ đợi chắc cũng tốn kém kha khá cho nhà báo và nhà chụp ảnh đấy”.
“Phong lan mùa này trổ chưa anh Quân?”, cô gái hỏi.
 Gã đàn ông nhìn cô gái không chớp mắt.
“Anh nghĩ tôi chỉ biết mê tiền?”
“Không. Anh nghĩ em… còn mê cả trai đẹp và nghệ sĩ thành phố!”
“Quỷ tha ma bắt anh! Tôi nói thật, đến xứ này gần mười lăm năm nhưng chưa biết hoa phong lan núi Voi như thế nào, dù nghe thiên hạ khen đẹp và mùi thơm thấu trời xanh!”
“Hoa phong lan vùng này đẹp lắm sao?”, anh hỏi gã đàn ông.
“Nó đẹp vì nguyên sơ. Chưa bị khai thác do lâm tặc không có thời gian chơi hoa”, nhiếp ảnh gia bước ra từ trong nhà, góp chuyện. “Tôi đã lên hồ trên đỉnh núi. Tôi choáng ngợp vì vẻ diễm ảo của nó. Gái đẹp lên đó tạo dáng thì tuyệt”.

4.
Anh là người cuối cùng rời quán cà phê lúc bốn giờ sáng để chạy lên đỉnh núi Voi sau tiếng đập cửa báo động của gã đàn ông mặt tái.
Sóng thần!
Đứng trước tình huống chưa từng xảy ra trong đời, anh bối rối. Anh kịp trấn an. Nhiệm vụ của anh đến đây không phải chạy trốn trước mọi người, dù cái chết đối với anh lúc này cũng đáng sợ và phi lý. Ít ra, anh phải hoàn thành sứ mệnh đã hứa với ông chủ bút và trở thành một trong những người đưa tin tường tận về cơn đại hồng thủy, cho dù tạp chí của anh chỉ dành cho độc giả là các bà nội trợ và những cá nhân chuyên sưu tầm chuyện lạ, đời sống của các sao. Sau những thăng trầm từ sự bồng bột và tính hiếu thắng trẻ con đã dạy anh bài học đàn ông hơn thua nhau ở chữ tín và sự nhạy cảm thời cuộc. Quyết định theo chân mọi người lên đỉnh núi Voi cũng vừa an toàn cho bản thân vừa là địa thế tốt để anh tác nghiệp.
Gã đàn ông mặt tái nắm tay cô gái chạy trước, dẫn đường, phía sau tay nhiếp ảnh gia khoác lỉnh kỉnh máy móc bám theo sau, miệng thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại. Anh đi cuối cùng. Những ánh bình minh đầu tiên đang dần lộ lên từ góc biển. Tay nhiếp ảnh gia đứng lại, luống cuống chọn thế đứng, bấm máy liên hồi. Bấm xong, co giò chạy thục mạng lên phía con đường dốc ngày càng khúc khuỷu.
“Dừng lại, dừng lại các anh ơi!”, cô gái đưa ra đề nghị.
Một đàn bướm rừng bay phấp phới trong màn sương sớm. Không gian bốn bề tĩnh lặng, thuần khiết. Khuôn mặt cô gái hớn hở, đôi mắt ngời sáng. Lần đầu tiên anh phát hiện vẻ đẹp khó cưỡng của cô gái. Từ ngày rời bỏ chốn son phấn phù hoa, anh chưa hình dung có một ngày trái tim mình rung động lại trước sức hút phụ nữ.
Nhiếp ảnh gia đốt phim không tiếc. Gã đàn ông mặt tái không khoanh hai tay, đứng nhìn.
“Em sướng chết mất các anh ơi!”, cô gái đánh tan im lặng của ba gã đàn ông.
“Đẹp không em?”, gã đàn ông đi lại nắm tay cô gái, hỏi.
Cô gái lặng lẽ gật đầu. Anh nhìn thấy những sợi tóc mảnh mai và mềm mại vương trên trán cô gái. Mười hai ngón tay nhẹ nhàng buông chùng xuống chiếc áo hoa màu hồng nhạt chủ nhân của nó.
“Người đẹp làm anh ngộp thở”, nhiếp ảnh gia nhún vai.
“Hồ trên đỉnh còn xa không anh Quân?”, cô gái hỏi.
“Khoảng chừng vài nhát rựa dân lâm tặc”, gã đàn ông nháy mắt.

5.
Cuối cùng, anh cũng diện kiến hồ trên đỉnh. Hồ nhỏ, nếu dân đồng bằng gọi vũng nước, không hơn! Bán kính khoảng 8m, nhấp nhô những tảng đá ẩn hiện trong dòng nước trong vắt. Điểm nổi bật nhất quanh hồ là những gốc cây cổ thụ bám vào các tảng đá, quấn quanh cây là những chùm phong lan mùa rộ hoa.
Bàn chân cô gái tung tăng khắp nơi. Gã đàn ông lột khuôn mặt nhợt nhạt và láu lỉnh ngày thường, biến thành hoàng tử hào hoa dìu công chúa sắc nước hương trời lang thang trong khu rừng cổ tích. Tiếng họ cười nói vang vọng vào thân cây, vách đá, dội lại.
“Tôi ngờ ngợ điều gì đó bất ổn”, nhiếp ảnh gia nói với anh khi cả hai ngồi im lặng nhìn gã đàn ông và cô gái. 
Góc hồ, vẫn mặc nguyên quần áo, cô gái nhúng mình xuống dòng nước trong vắt. Mái tóc cột bó đằng sau bung ra, nghiêng xuống mặt hồ. Gã đàn ông bụm nước vào lòng hai bàn tay, rưới nhẹ lên mái tóc cô gái. Giọng cô gái cười lảnh lót, hòa dàn hợp ca chim rừng sớm mai.
“Trong phi vụ này tôi và ông bị lừa vố đau”, nhiếp ảnh gia không kiềm được tức giận. “Tôi xuống núi”, nhiếp ảnh gia đứng dậy, vùng vằng bỏ đi.
Lúc này, dù cơn sóng thần bất ngờ ầm ào đến, cũng chẳng thúc ép được anh. Anh nhắm mắt, tọa thiền, tự thưởng cho mình nụ cười khi tìm ra lời nói để lúc xuống núi chia tay cô gái sở hữu mười hai ngón tay xinh.

______________________________________________________________

Một nhà văn chỉ bấu vào cuộc đời bằng ba ngón tay

TP - Mái tóc chải lật tôn thêm vầng trán dô. Đôi má tuy hóp nhưng dưới cặp mày dài bạc ngó hơi dữ, chừng như cũng tôn thêm thứ nhãn lực thi thoảng lại ánh lên từ cặp mắt. Mà cặp mắt ấy chỉ còn một phần mười.

Mười bốn vết thương, ba mảnh đạn còn găm trong hộp sọ. Tay trái liệt. Bàn tay phải còn 3 ngón. Mỗi khi bước vào căn phòng bí bách tít trải vừa khít hai chiếc chiếu đôi sâu trong ngõ chật khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) ngó ông thu lu ngồi, quen là thế nhưng tôi vẫn giật mình. Ẩn sĩ Sơn Tùng!
Đó là Sơn Tùng thời còn chưa bị bạo bệnh. Giật mình bởi chỉ còn ba ngón tay co quắp như thế mà hơn 10 đầu sách, những Búp Sen Xanh (đến thời điểm này đã hơn 20 lần tái bản với 60 vạn cuốn; và có lẽ cũng khá hy hữu là lời đề tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mãi 25 năm sau mới được in trọn vẹn?) Búp Sen Vàng, Hoa Râm bụt, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Bác về, Vườn nắng...
Những Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và nhiều chính khách đã từng ôm nhà văn Sơn Tùng nâng niu bàn tay còn ba ngón ấy rưng rưng: Chỉ còn 3 ngón tay mà vẫn bấu được vào cuộc đời (lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Cũng chính Thủ tướng ký quyết định cấp cho nhà văn một căn hộ nhưng dứt khoát nhà văn không nhận "Nếu đ­ược Bác giải quyết nhà ở cho cháu thì không tránh khỏi cái tiếng cháu viết sách về Bác Hồ để rồi lần đến cửa Thủ t­ướng Phạm Văn Đồng để xin nhà!".
Gọi ẩn sĩ vì từ lâu, với thương tật nặng nhất (1/4) ông rất ít khi rời Chiếu văn (giới văn bút Hà Thành vẫn gọi nơi ở của nhà văn như thế). Ngoài lúc phải đi cấp cứu (khi vết thương trên đầu tái phát, huyết áp vọt lên 240, nhịp tim 150) có gặp gỡ giao lưu thì đã có mấy anh xe ôm đầu ngõ. Nhưng đa phần thiên hạ tìm đến vị ẩn sĩ có sức hút lẫn sự lôi cuốn kỳ lạ này với nhiều duyên do.
Chiếu văn không mấy bữa mà vắng khách. Từng bệt trên Chiếu văn như chủ nhân kia xa là những Văn Cao, Vũ Đình Hòe, Vũ Kỳ và bữa nay, sáng sớm chủ nhật ngày 17-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thư thả bước vào căn hộ xập xệ quen thuộc ôm xiết lấy nhà văn Sơn Tùng. Gọi quen thuộc bởi ông đến thăm nhà văn đã nhiều lần...
Ngày 24-4-1971, kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng. Đoàn TN nhân dân cách mạng miền Nam khi đó ở căn cứ miền Đông Nam Bộ quyết định ra số báo đặc biệt. Buổi sáng ngày 15-4-1971 khoảng 9 giờ 30 phút, Sơn Tùng đang ngồi viết xã luận cho số báo này thì đùng cái tối tăm mặt mũi rồi mê man không biết gì nữa bởi trận oanh tạc bất ngờ ác liệt của địch vào căn cứ. Mãi sau đó ông mới biết người cõng mình lên khỏi hầm và băng bó cho ông đầu tiên là ông Sáu Phong - Nguyễn Minh Triết, khi đó phụ trách văn phòng cơ quan mà ông là bí thư chi bộ có đảng viên Sáu Phong sinh hoạt. Khi ấy Sơn Tùng 43 tuổi...
Chủ tịch nước với dáng ngồi thoải mái bên Sơn Tùng trắng xanh bấy bớt khá nhiều so với lần trước rồi anh Sơn Tùng ơi! Lần trước là lần nhà văn đang cấp cứu vì chứng tai biến đột ngột. Liệt hai tay và chân trái. Cứ nằm bằn bặt thiếp đi... Phổi, tiết niệu tổn thương trầm trọng tưởng không qua khỏi. Hai lần Chủ tịch dành thời gian ghé bệnh viện thăm ông. Bấy bớt nhưng lần thăm này, nhà văn có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm.
Đây là ai? Bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn chừng như thử coi trí nhớ của ông phục hồi đến đâu chỉ vào một phụ nữ đã đứng tuổi ngồi bên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Nhà văn Sơn Tùng tưởng như lơ ngơ nhưng rất mau phát ra âm thanh mặc dầu chưa tròn vành rõ chữ người đẹp rừng xanh...
Chủ tịch nước cười phá lên quay lại giới thiệu, đây là cô Kim Chi trong đoàn văn công giải phóng có quen biết thân thiết với cánh báo chí tuyên huấn ở R. Bữa nay gặp đồng đội cũ, tật bệnh như thế mà anh Sơn Tùng vẫn nhận ra được là mừng lắm... Còn đây nữa? Bà Hồng Mai chỉ vào Chủ tịch. Nhà văn Sơn Tùng với cái cười khó khăn đập đập tay sang Chủ tịch ý chừng còn lạ gì vị này nữa.
Sợ nhà văn nghe chưa tốt nên âm lượng giọng nói của Chủ tịch nước hơi cao. Ông hỏi han tỷ mỉ việc ăn uống thuốc men của ông anh thế nào (trước đó với động thái thân thiết, Chủ tịch xoa vai nhà văn giới thiệu đây là ông anh của tôi).
Bộc bạch với nhà văn việc sắp tới được nghỉ ngơi nên chắc có điều kiện đến thăm bạn bè anh em đồng đội cũ. Ông thông báo vừa có chuyến đi về khu căn cứ hồi chống Mỹ mà trận bom quái ác gây thương tích cho Sơn Tùng. Rằng khung cảnh xưa đã biến đổi nhiều quá tưởng như không nhận ra bởi những khoảng rừng hoang ngày ấy nay bà con mình đã trồng cao su kín hết!
Hướng về phía bà Hồng Mai, giọng Chủ tịch trầm xuống... Như vậy tính từ thời điểm mùa xuân 1968, bốn phóng viên Báo Tiền Phong là Sơn Tùng, Phạm Hậu, Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền và họa sĩ Ái Nhi vào tăng cường cho chiến trường đều trải qua gian khổ ác liệt. Riêng anh Sơn Tùng do vết thương quái ác phải ra Bắc điều trị cũng qua gần 4 năm gian khổ bom đạn. Phần việc gian nan cực nhọc nhất cũng đến tay chị từ thời điểm ấy... Chúng tôi rất biết ơn chị...
Chủ tịch đang nói thời điểm ấy, có lẽ cũng từ năm 1971, cô y tá xinh đẹp Phan Hồng Mai đang công tác ở một bệnh viện lớn của Thủ đô đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với người thương binh nặng hạng 1/4 này.
Người ta nhắc đến một nhà văn Sơn Tùng tài năng tiết tháo, ngang thẳng nhưng nếu không có sự chăm sóc nuôi dưỡng khi vết thương kịch phát, thì có lẽ cũng mãi phế đi một anh thương binh Sơn Tùng trong bệnh tật lẫn quên lãng. Nội cái chuyện khi ông dứt khoát từ chối căn hộ sang trọng mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi ấy cấp cho, chắc ông cũng phải thoáng nghĩ đến người vợ đang phải chăm bẵm nuôi nấng mình quá bằng con trẻ? Như vậy chất ngang thẳng tiết tháo ấy có lẽ phải được san sẻ cho cả hai người? Phải như thế nào thì bà mới lẳng lặng tự nguyện hàng mấy chục năm trời trụ vững trong một căn hộ chật chội tồi tàn không có công trình phụ này mà chăm bẵm ông?
...Tận bây giờ, tôi cứ ngờ ngợ về cái duyên quý mến của nhiều yếu nhân với nhà văn Sơn Tùng? Trên sân đình làng Lỗ Khê, Đông Anh sáng mồng Một Tết Giáp Thìn (1964), thấy phóng viên Báo Tiền Phong Sơn Tùng đứng ngay cạnh Bác Hồ đang mải mê ghi chép. Ông Bộ trưởng Hoàng Đức Thịnh nói với nhà báo đứng xa ra... Bác nghe được quay lại ờ cái chú này phải để nhà báo đứng gần thì mới nghe được hết chứ đứng xa chữ tác đánh chữ tộ thì nguy...
Khi đó ít ai biết, năm 1950, tại Nghệ An, anh cán bộ Đoàn Bùi Sơn Tùng đã có một đêm hầu chuyện người anh trai của Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Khiêm và chị gái Bác là bà Nguyễn Thị Thanh. Sơn Tùng gọi bà Thanh là o. Bà nội nhà văn Sơn Tùng là cháu họ bà nội Bác Hồ. Em trai ông nội nhà văn đỗ tú tài cùng khoa với em trai cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Bác.
Nhà văn Sơn Tùng sau này, trong một lần gặp Bác đã kể lại chuyện đó và ông có viết sơ qua trong một cuốn sách. Rồi tấm gương người thiếu niên dũng cảm Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay trong một tai nạn vẫn học giỏi. Loạt bài của phóng viên Sơn Tùng trên báo Tiền Phong những năm sáu mươi ấy đã lan nhanh, vang xa và có tác dụng rất mạnh. Một phong trào học tập noi gương Hoa Xuân Tứ được phát động rộng khắp.
Một lần tác nghiệp ở một hội nghị, Sơn Tùng được gặp lại Bác Hồ. Người thân mật vỗ vai hỏi vui: Này chú viết gương Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế, chú có bịa ra mấy chục phần trăm thì khai thật với Bác đi? Lần được gặp Bác ấy, Sơn Tùng không ngờ lại là lần gặp cuối cùng! Và cũng không ngờ chuyện Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế ấy lại vận vào cuộc đời sau này của phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng.
...Đã bao lần tôi ngước lên hai tấm ảnh trên vách tường Chiếu văn. Trên đó có tấm hình nhà văn trong vòng tay ôm xiết thân ái cùng những giọt nước mắt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này có dịp ngồi lại với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng (tác giả bức ảnh) thì ông bộc bạch, từng chuyên chụp ảnh Đại tướng nhiều năm nhưng lần đó nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, không rõ hai người trước đó gặp nhau nhiều lần không nhưng chưa bao giờ thấy tướng Giáp khóc như lần gặp nhà văn Sơn Tùng ấy khiến người cầm máy ghi lại cảnh đó cũng rưng rưng! Tôi học, học được ở Sơn Tùng nhiều lắm... Đó là lời xúc động mà Đại tướng nói với mọi người bữa đó mà Trần Hồng chứng kiến.
Tôi cũng may mắn được nhà văn kể cho nghe thời gian được Võ Đại tướng mời lên nhà làm việc nhiều lần. Chuyện đó xin được kể vào dịp khác.
Không có đàn đệm nhưng căn hộ chật ních người sớm nay đến chia vui nhân nghe cái tin nhà văn được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thoắt lặng đi khi cô cháu gái nội của nhà văn, với chất giọng mộc đang luyến láy những giai điệu thiết tha của ca khúc Chiếc nón bài thơ. Lần ấy nhà văn kể tôi nghe hoàn cảnh ông viết bài thơ Chiếc nón bài thơ rồi sau đó bài thơ đã có duyên may mắn đến với nhạc sĩ Lê Việt Hòa và được nhạc sĩ phổ nhạc ra sao.
Chủ tịch nước tươi cười đón lấy bức ảnh lồng khung kính (có nội dung hơi bị lạ Bác Hồ ngồi thiền ở hang Pác Pó) mà gia đình nhà văn tặng, xúc động chúc thêm nhà văn mau được bình phục.


 Theo Xuân Ba
______________________________________________________________________

Khi trên đầu rợp trắng mây trôi!


-Nhà thơ Hoàng Cát rời chiến trận với chiếc chân giả và mảnh đạn trong đầu. Về với đời thường, có lúc anh lâm vào cảnh ngộ "tưởng chừng như không sống nổi". Nhưng Hoàng Cát đã vịn vào thơ mà đứng dậy.  Để vô ưu với  đời.  Như chưa từng đau. Chưa từng khổ.

"Chỉ biết bây giờ mình đang sống"

Đến bây giờ, Hoàng Cát chừng như đã nhận ra rằng chẳng còn gì là quan trọng nữa, sống hay chết, được hay mất, cũng không còn băn khoăn nhiều. Điều tuyệt vời nhất là những phút giây hiện tại, Hoàng Cát có một gia đình ấm cúng, có bạn bè thân thiết, có người để trao gửi tình yêu và có thơ.

Từ kiếp nhân sinh mà đến được chỗ thanh thản, Hoàng Cát đã đi một chặng đường nhọc nhằn hơn rất nhiều người khác. Nguyễn Huy Thiệp từng viết: “Cuộc đời trôi đi đơn giản, day đi dứt lại làm gì?”. Với cuộc đời Hoàng Cát, khó mà nói đến hai chữ đơn giản. Và những tập thơ tê tái buồn trước đây của Hoàng Cát quả thật day đi đã lắm, dứt lại đã nhiều.
Có lẽ cũng chẳng cần lo lắng quá cho Hoàng Cát, khi anh đã ở cái tuổi biết mình, biết người, biết đời. Tinh thần hiện sinh của anh thật mạnh mẽ. Hoàng Cát đau khổ của ngày hôm qua đã thuộc về quá khứ. Hoàng Cát bây giờ chi chút từng giây phút sống. Anh tận hưởng niềm hạnh phúc trong tình cảm gia đình, anh viết những bài thơ về vợ, về con, về cháu chứa chan tình cảm. Anh cũng cảm động và hạnh phúc nghẹn ngào trước tình cảm bạn bè.

Thế là xuất hiện một Hoàng Cát rất chơi, rất nghênh ngang, thoải mái như chưa từng thấy:

Vẫn bít rít quần “gin”, phông cộc
Mặc kệ trên đầu rợp trắng mây trôi 
(Còn ngày nào)


Chỉ đến giờ này, Hoàng Cát mới thực sự quyết định: cái gì đã qua để nó đi qua, chỉ cần biết bây giờ mình đang sống..

Các bạn ơi, tôi yêu các bạn lắm!

Năm 1974, Hoàng Cát viết truyện Cây táo ông Lành, và bị “tai nạn sa cành táo" – theo kiểu nói của bè bạn. Anh bị quy cho tội danh nặng nề, mất việc, viết báo không đâu dám in. Anh lâm vào hoàn cảnh cùng quẫn cả về đời sống và về tinh thần.

Hoàng Cát có nhiều bài thơ nhắc lại thuở tủi cực trong cuộc đời. Có mấy câu thơ đơn sơ thế này: Hăm ba tết: đập tan tành quán cóc/Kẹo bánh hất tung, tôi ôm mặt khóc òa!...mà như xát muối. Những năm tháng ấy anh đã làm tới 17 nghề để kiếm sống: làm nem chạo, nấu kẹo vừng, cuốn thuốc lá, bỏ mối thuốc lào, nuôi gà, nuôi lợn,...và bán chè chén vỉa hè là một nghề trong số đó. Vì thế mà có những câu thơ trên.

Những ngày giáp tết lạnh thấu xương, Hoàng Cát yếu ớt với cái chân trái giả và một mảnh đạn vẫn nằm trong hộp sọ, với cuộc sống tưởng chừng không bao giờ có ngày mai, đã cuồng nộ đã đập tan cái quán nước vỉa hè của mình, để rồi lại ôm mặt khóc bất lực, tuyệt vọng. Mệt mỏi đến mức anh đã từng nghĩ Chỉ muốn nằm cho cỏ mọc trên lưng (Buồn hoang).

Một nhà thơ, một nhạc sỹ cùng có những câu chữ lạnh người, bởi họ đều nhìn ra cái tội tình xiết bao của thân phận mình và thân phận con người.

Thơ Hoàng Cát không chuốt gọt chữ nghĩa. Thậm chí nhiều câu, nhiều từ lóng ngóng vụng về. Nhưng sự hồn nhiên, lòng chân thật thì không giấu vào đâu được, cứ đầy ứa ra từng câu từng chữ. Đọc Hoàng Cát, biết anh vui thật buồn thật, cười thật khóc thật nên cảm động vô cùng. 

Ai đã gặp Hoàng Cát trong những buổi gặp mặt bạn bè, càng hiểu anh là người không thể dối trá: bao giờ cũng là một Hoàng Cát mặt đỏ bừng, nước mắt chứa chan, ôm hết bạn thơ này đến bạn văn khác rồi kêu lên: Các bạn ơi, tôi yêu các bạn lắm!

Tóc trắng vẫn  đơn phương yêu

Hoàng Cát bay giờ có mái tóc trắng xóa. Anh đưa nó vào thơ khiến người ta ngậm ngùi với hình ảnh trở đi trở lại: mây trắng, “tóc trắng mây rồi”, “tóc anh trắng rồi”, “tóc trắng xóa trên đầu”, “trên đầu rợp trắng mây trôi”... Ngậm ngùi lắm chứ, khi mà người ta đang đi đến giới hạn cuối cùng của đời mình. Anh thảng thốt: “Bất ngờ tóc trắng rụng đầy tay.
Hoàng Cát sinh năm Nhâm Ngọ, 1942, quê: Nam Lạc, Nam Đàn, Nghệ An; sống tại Hà Nội từ 1960; là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã in. Thơ:  Tháng giêng dai dẳng (1991); Ngôi sao biếc (1994); Mùa thu -  tình yêu cuộc đời (1999); Thì hãy sống (2002); Cám ơn vỉa hè (2006);  Thanh thản (2008); Tuyển tập thơ Hoàng Cát (2009). Truyện: Chuyện tình của Xin
Và Hoàng Cát...yêu!  Đọc những câu thơ viết cho người trong trái tim anh, nhận ra Hoàng Cát cứ yêu như mới yêu lần đầu hoặc là đang yêu lần cuối vậy. Anh tuyên bố: “Tôi sẽ chết nếu không sống trong một tình yêu nào đó, dù là tình yêu đơn phương” - rồi anh thêm - “mà hầu như là đơn phương cả”...

Hoàng Cát có một blog cá nhân trên trang vnweblogs, nơi tụ họp của nhiều nhà văn, nhà thơ và những người yêu văn chương. Rồi một ngày, anh đem lòng si mê một blogger nữ tên là Phương Phương chân thành, tha thiết. Hoàng Cát hồn nhiên kể về mối tình đơn phương tuối xế bóng này một cách nồng nhiệt như thể mới 20. Rất nhiều bài thơ tình của anh mang hình bóng nàng:

Hoàng hôn rồi – anh vẫn ném thia lia
Những tia nắng cuối đời cho số phận
Thì em hỡi! Việc gì anh lẩn tránh
“Anh yêu em” – Anh quyết nói to lên!
(Người trên blog)


Và đây là hai câu thơ tình tuyệt hay của Hoàng Cát, chỉ người yêu ở cái tuổi này và yêu tha thiết lắm mới viết được thế:

Tóc anh trắng trên đầu nức nở
Tim vẫn hồng nhịp đập thương yêu
(Buông neo)


Sao mình chưa chết?

Thơ Hoàng Cát sau này nhắc nhiều đến cái chết. Theo anh sự sống nói chung và cuộc sống hẹp nói riêng không có một tí giá trị nào nếu không có cái chết. Hoàng Cát tự nhủ: trong một khoảng hạn hẹp, sống thế nào đó để chết thanh thản. Cái chết đã trở thành một ám ảnh, một triết lý trong thơ anh.

Hoàng Cát nói về cái chết thấm thía lắm, bởi ít ai đối mặt với cái chết nhiều như anh. Trong chiến tranh cái chết kề sát bên đã đành, 15 năm nghi án cũng là chết theo một cách nào đó, và khi được viết trở lại, cuộc sống thoải mái hơn thì căn bệnh nhồi máu cơ tim lại mọc lên trong người anh, chực cướp anh đi bất cứ lúc nào... Mỗi buổi sáng thức dậy, Hoàng Cát vẫn tự hỏi mình: sao đêm qua mình nằm ngủ mà không chết.

Hoàng Cát ngạc nhiên tuyên bố: Tôi chưa chết, đấy mới là chuyện lạ.

Nhưng Hoàng Cát không sợ hãi, bi lụy khi nói đến cái chết. Với anh, cái chết có ý nghĩa sâu sắc, nó cho anh biết giá trị của sự sống để sống cho ra sống, chẳng phí hoài. Và cái chết cũng là chốn đi về, khi Hoàng Cát đã chọn cho mình một sự buông neo thanh thản, mà theo anh, là một cái chết đẹp:

Mỗi ngày sống – với tôi, giờ đây đều rất tuyệt.
Trong cô đơn, tôi nghe Mozart
Beethoven, Chopin, Subert, và Bach
Tôi tan chảy vào âm thanh tuyệt đích

Âm nhạc và Thi ca
Đó là Hạnh phúc lớn lao có thật.
Tắm đẫm nhạc – xác thỏa lòng nhắm mắt
Hòa tâm huyết vào thơ – hồn thanh thản buông neo.

(Chào)

Hoàng Cát có nhiều bài thơ tự nhủ mình, hướng mình đến sự thanh thản, đến tình yêu, tình thương, sự dâng hiến hết mình. Phải chăng anh đã đạt đến một mức nào đó của cái tâm vô sở cầu. Hoàng Cát bây giờ: Tôi sung sướng như là không – tôi nữa.

Nhưng điều này ở anh cũng khiến người ta có cảm xúc suy nghĩ lẫn lộn, phần mừng vui vì Hoàng Cát đang hạnh phúc; phần buồn thương vì có vẻ như Hoàng Cát đã sắp xếp xong mọi sự, chỉ chờ một cuộc gọi là ra đi...
Mà rồi ai chẳng có một cuộc ra đi như thế, chỉ có điều liệu có được tâm hồn thơ thới đến dường kia.

theo Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

___________________________________________________________