Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Nhiều tác phẩm bị chìm bóng dưới bụi thời gian

Xuân Nguyên

Mặc dù bản thảo Sống Mòn đã được nhà văn Nam Cao hoàn thành từ trước Cách Mạng nhưng phải đợi tới sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc cuốn tiểu thuyết mới lần đầu ra mắt độc giả.

Có lẽ là vì thế, vì được xuất bản khi thời đại đã chuyển nên Sống Mòn như bị lỡ mất nhịp, không làm thành một sự kiện lớn trong dư luận văn học hồi bấy giờ. Rồi liên tiếp sau đó là những biến động lớn lao và không ngừng cho tới tận năm 1975 của đất nước khiến cuốn tiểu thuyết có chiều nội tâm quá sâu và quá nặng ưu tư ấy vốn đã không thể có đông người đọc càng ít người đọc hơn, vốn đã quá kín đáo và kín tiếng lại càng bị chìm tiếng đi giữa một thời đại văn học bừng bừng hào khí và đầy những tiếng động vang dội.

Ngày nay, Sống Mòn đã được nhắc tới nhiều hơn, nhưng vẫn có vẻ là được nhắc tới một cách lớt phớt. Dường như chính tầm cỡ những truyện ngắn của Nam Cao đã tạo nên một định kiến rằng Nam Cao là tác gia truyện ngắn, sự nghiệp để đời bằng truyện ngắn, chỉ truyện ngắn.

Tuy nhiên khi độc giả chịu chấp nhận thách thức của sự khó đọc và không hấp dẫn của một tiểu thuyết không trọng cốt truyện, không trọng tình huống, không trọng hành động, không trọng đối thoại, chỉ những miên man nghĩ và nghĩ mà thôi, sẽ thấy rằng sự nghiệp Nam Cao không thể sống mãi nếu vắng Sống Mòn.

Xét riêng thời kỳ tiểu thuyết trước năm 1945, tức là buổi đương thời thực sự của Sống Mòn, thì Sống Mòn không phải là tác phẩm tiêu biểu. Không tiêu biểu, bởi vì Sống Mòn là một hiện tượng đơn nhất, duy nhất, là một cái gì đấy khác biệt và cách biệt hẳn về chất so với mọi tác phẩm được coi là tiêu biểu của tiểu thuyết thời kỳ đó. Cả của những thời kỳ sau, cả của bây giờ. Bút pháp tiểu thuyết của Nam Cao vượt xa bút pháp đương thời của không chỉ tiểu thuyết Việt Nam.

Cho đến ngày hôm nay Sống Mòn vẫn xứng đáng được coi là một trong những tác phẩm hàng đầu của tiểu thuyết VN. Thậm chí nếu được yêu cầu chỉ kể tên một tác giả và một cuốn thôi chắc chắn sẽ có không ít độc giả nói rằng đó là Nam Cao, đó là Sống Mòn.

Thế nhưng, dù vậy, thành tựu hết sức đáng tự hào và đáng để kiêu hãnh ấy của tiểu thuyết VN cho đến nay vẫn thực sự là đang “sống mòn”. Đây có thể là trường hợp tiêu biểu cho tình trạng các kiệt tác bị chìm bóng dưới bụi thời gian.

Trong thời kỳ văn xuôi trước 1945 còn có nhiều tác phẩm tuy không ở tầm cỡ của Số Đỏ và Sống Mòn nhưng vẫn rất đáng đọc đối với đọc giả thời nay, cũng đang bị chìm bóng dần đi một cách đáng tiếc như thế. Chẳng hạn như Những ngày thơ ấu, tiểu thuyết hồi ký của Nguyên Hồng. Không nổi tiếng và quan trọng trong sự nghiệp của Nguyên Hồng bằng Bỉ Vỏ, nhưng Những ngày thơ ấu lại dường như là hay hơn, cho đến ngày hôm nay, vẫn là một tác phẩm cực hay.

Hoặc, các tiểu thuyết của nhà văn Lê Văn Trương. Không hiểu vì sao tới bây giờ vẫn chưa nhà sách nào tiến hành tái bản tác phẩm của nhà văn này? Phải chăng vì những đánh giá nghiệt ngã của một số nhà phê bình của cả thời đó lẫn thời nay, rõ ràng là có mang màu sắc “cao đạo trí thức” xem thường những tác giả được hâm mộ ở tầng lớp dưới, những tác giả viết nhanh, viết không cầu kỳ câu chữ, viết có vẻ vì miếng cơm manh áo, mà hình thành nên một định kiến sự thực là rất quan cách và cổ hủ ngăn trở độc giả ngày nay đọc Lê Văn Trương.

Bản thân tôi và có lẽ chẳng riêng tôi thì lại thấy các tiểu thuyết Lê Văn Trương là rất thú vị và không phải là không hấp dẫn. Một bút pháp bình dân đáng nể, nhất là có thể học được nhiều ở ông trong cách dẫn truyện, trong cách bộc bạch tâm sự của tác giả một cách tuỳ hứng, ngẫu hứng, không bị câu chữ và cấu trúc gò bó mất cảm hứng và sự sảng khoái của ngòi bút.

Có thể nhiều độc giả trẻ hiện nay khi đọc xong Lê Văn Trương sẽ không thích, nhưng không hề đọc ông thì vẫn là một sự bỏ lỡ rất đáng tiếc. Dĩ nhiên, không chỉ có Lê Văn Trương. Còn nhiều tác giả và tác phẩm trong những năm vang bóng một thời ấy của tiểu thuyết đã bị mất bóng theo năm tháng.

Để mai một tác phẩm của mình, dù chỉ là một cuốn thôi, nên tiểu thuyết VN cũng đã tự làm phí hoài đi một phần năng lượng của mình.

Theo Văn Nghệ Trẻ

______________________________________________

Nhà văn gốc Việt đoạt giải văn chương danh giá nhất Canada

Hiền Hoà

SGTT.VN - The Governor General’s Literary Awards là giải văn chương uy tín và lâu đời nhất của Canada, dành cho các phẩm viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Việc tiểu thuyết Ru (tiếng Pháp) của nhà văn gốc Việt Kim Thuý đoạt giải này là một bất ngờ đầy vinh dự.

Lễ trao giải vừa được tổ chức ở Rideau Hall, tư dinh của Thủ hiến (Governor General) Canada là David Johnston vào lúc 18 giờ ngày 25.11, tại Ottawa. Cùng đoạt giải với Kim Thuý năm nay còn có David Paquet với tác phẩm kịch nghệ.

Tiểu thuyết Ru (NXB Libre Expression, Groupe Librex) được nhật báo Le Figaro (Pháp) đánh giá: “Văn của Kim Thuý chảy như những vần thơ – nó chuyên chở và khuây khoả; nó đầy sinh lực và bắt người đọc suy nghĩ”.

Kim Thuý họ Lý, sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Mười năm sau, cô là thuyền nhân đến Malaysia cùng gia đình, sau đó định cư ở Quebec, Canada. Cô tốt nghiệp luật (1993), sau khi học khoa ngôn ngữ và dịch thuật (1990) tại đại học Montréal. Ở xứ sở mới, cô từng làm nhà hàng, thợ may, thông dịch viên, luật sư và sản xuất phim. Hiện cô là nhà văn toàn thời gian.

“Ru”, tiếng Pháp có nghĩa là dòng suối nhỏ; trong tiếng Việt là lời ru – một ký ức ấu thời, thường gắn với người nữ. Ru là tác phẩm đầu tay, phát hành tháng 1.2010 với 10.000 bản, thành công vang dội ngay từ khi ra mắt ở Pháp. Sau hai tuần, phải tái bản thêm 5.000 cuốn, đến bây giờ thì lên đến 45.000 bản. Kim Thuý cho biết cô từng có một quán ăn tên Ru de Nam, nên “ru” là một ám ảnh.

Ru có tính chất tự truyện, gồm nhiều đoạn văn rất ngắn kể lại các biến cố trong đời tác giả. Được nhận xét là giọng văn đầy nữ tính, ấm áp, rung động, thoát khỏi giới hạn đời sống thường ngày, Kim Thuý biết điều khiển cảm xúc độc giả một cách tuyệt vời, đưa họ từ buồn tới vui, từ vật chất sang tinh thần.

Kim Thuý cũng đoạt giải RTL-Lire 2010 tại Liên hoan sách Paris, trao ngày 10.5.2010. Cuối tháng 10 vừa rồi, tác phẩm của cô được chọn vào chung khảo giải Prix des 5 continents 2010 (giải Văn chương năm châu 2010) của các nước nói tiếng Pháp. Sau khi nhận giải RTL-Lire 2010, khoảng 25.000 bản Ru đã được bán tại Canada. Tác phẩm đang được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Ý, Thuỵ Điển, Đức…

Kim Thuý cho biết, dù tư duy và viết bằng tiếng Pháp, nhưng cô vẫn nói được tiếng Việt, “đó là ngôn ngữ của ấu thời, ngôn ngữ của bếp núc”.

________________________________________________________

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Đi tìm tác phẩm văn học đoạt giải

Thi Thi

(HNM)- Giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (2006-2010) vừa công bố với 14 tác phẩm đoạt giải, được đánh giá là thành công ở nhiều mặt. Tác phẩm, tác giả có giải được giới thiệu trang trọng bằng panô lớn tại buổi lễ ấm cúng. Tuy nhiên, một đời sống thực của tác phẩm, sức ảnh hưởng của tiểu thuyết đoạt giải trên thị trường lại vẫn là điều còn phải băn khoăn…

Sự cảm phục dành cho người viết


Phải nói rằng, giải thưởng tiểu thuyết này đã mang đến cho người quan tâm tới văn học một cảm nhận rất "định lượng" về một đội ngũ còn nặng lòng với tiểu thuyết ở nước ta. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh là: "Trong lúc văn hóa đọc đang chịu nhiều áp lực, thị phần văn học đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại, thì số người trụ lại với tiểu thuyết không những không cạn đi mà ngày càng được bổ sung những tên tuổi mới. Thực tiễn đó bác bỏ những dự báo nản lòng cho rằng "tiểu thuyết đã chết".

Nhìn riêng qua 3 cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam cũng thấy rõ điều này: từ 176 tác phẩm trong lần đầu, con số này đã tăng lên 200 tác phẩm lần thi thứ hai và 247 tác phẩm ở lần thi thứ ba. Đương nhiên, số lượng không phản ánh hết diện mạo một nền tiểu thuyết, nhưng trong thời điểm như đã nói ở trên khi văn hóa đọc đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi văn học dịch chiếm lĩnh thị trường, thì cái "số đông" ấy là một dấu hiệu đáng mừng.

Khách quan hơn, nhìn ở ngoài cuộc thi cũng thấp thoáng thấy những cây bút nhiều lứa tuổi nặng lòng cho tiểu thuyết. Nhà văn áo lính Nguyễn Xuân Thủy vừa công bố "Sát thủ online" - dường như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về tội phạm mạng internet. Rồi Phong Điệp, Đình Kính và nhiều nhà văn khác cũng đang ấp ủ dự định với những trang viết dài hơi.

Cho dù được đánh giá thế nào, cho dù chất lượng đã đạt tới tầm mong muốn hay chưa, song sự vào cuộc và đi tới cùng mỗi tác phẩm tiểu thuyết của các nhà văn chân chính đều đáng cảm phục. Đó thực sự là những cuộc trải nghiệm dữ dội và cô đơn như cách nói của nữ tiểu thuyết gia người Pháp Marguerite Duras.

Một thế giới tiểu thuyết rộng mở

Thành công đáng kể nữa trong cuộc thi tiểu thuyết nói trên theo đánh giá của Hội Nhà văn Việt Nam chính là "độ mở về không gian nghệ thuật". Nhiều tác phẩm hàng ngàn trang, bao quát cả một giai đoạn lịch sử khá dài với bao biến cố dồn dập. Ở đó tác giả xây dựng cả một đội ngũ nhân vật đông đảo, vận động trong một không gian nghệ thuật phức hợp. Tiêu biểu cho hướng đi này là "Xiêng Khoảng mù sương" của Bùi Bình Thi, "Dưới chín tầng trời" của Dương Hướng và "Cuồng phong" của Nguyễn Phan Hách. Bên cạnh đó là dòng tiểu thuyết lịch sử với những đại diện như "Mạc Đăng Dung" của Lưu Văn Khuê, "Đêm Sài Gòn không ngủ" của Trầm Hương, "Lý Công Uẩn" của Ngô Văn Phú, "Nguyễn Thị Lộ" của Hà Văn Thùy. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: "Sự phóng khoáng, táo bạo trong tư duy tiểu thuyết ở cuộc thi này là một biểu hiện sinh động tiến trình đổi mới của văn học ta". Và "Tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết thế sự, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết chiến tranh… đã tạo nên những kênh riêng, những lợi thế riêng để tiếp cận nhiều tầng vỉa của đời sống".

Đi tìm tiểu thuyết đoạt giải

Nếu cộng tất cả những trải nghiệm của hơn 200 tác giả, cộng khoảng thời gian đổ tâm huyết dựng nên hình tượng trong mỗi tác phẩm thì sẽ thấy một hiện thực ngồn ngộn, khổng lồ đã được tinh lọc. Khối thông điệp này sẽ hiện diện trong đời sống thế nào là điều hết sức quan trọng, có lẽ hơn cả giải thưởng. Nó sẽ "va đập" vào mỗi ngóc ngách trong đời sống con người làm con người sống trong hơn, thiện hơn ra sao mới thực là đích đến của tác phẩm.

Ấy vậy mà, tác phẩm đoạt giải trong đời sống còn khá lặng lẽ. Giống như nhiều giải thưởng văn học, giải thưởng sách khác ở nước ta, tác phẩm rất im ắng ngoài hiệu sách. Đành rằng, do đã xuất bản từ lâu trước khi có giải nhưng ngay cả khi còn ngoài hiệu sách, các tác phẩm này cũng chưa được nhà sách chú ý. Tin tức về tác phẩm đoạt giải văn học trong nước hình như chưa trở thành sự chờ đón của những nhà phát hành. Việc tái bản sau khi tác phẩm đã có giải cũng không có gì mới mẻ. Nơi bày tác phẩm "hot" nhất của mỗi nhà sách tràn ngập tác phẩm dịch hoặc sách của các cây bút "teen". Vậy vị trí nào cho tác phẩm văn học đoạt giải ngoài thị trường trong khi công nghệ quảng bá yếu ớt như vậy? Và ai sẽ đứng ra làm công việc này?

Nhà văn Thiên Sơn, cây bút trẻ nhất đoạt giải trong cuộc thi tiểu thuyết nói trên cho rằng: Văn xuôi nước ta trong thế kỷ vừa qua có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nhưng văn xuôi trong nước cũng đang phải chịu nhiều áp lực trước các giải thưởng lớn có uy tín như Nobel, Goncourt… hoặc những tác phẩm nước ngoài đi theo tập đoàn xuất bản lớn, được các đơn vị làm sách trong nước quảng bá rầm rộ. Trong khi đó văn xuôi trong nước có nhiều tác phẩm chất lượng, gần gũi với người Việt Nam lại gần như bị lãng quên.

Cũng theo nhà văn Thiên Sơn, để khắc phục tình trạng này về lâu dài Hội Nhà văn Việt Nam cần nâng cao chất lượng giải bằng việc ghi nhận những nhân tố mới, những tìm tòi mới. Tự thân những đổi mới này sẽ tạo sức hấp dẫn cho giải. Cùng với đó là tập hợp đội ngũ phê bình uy tín hướng người đọc vào những tác phẩm chất lượng. Và trước mắt, mỗi khi có giải thì chuyện quảng bá nên chăng cũng cần mạnh mẽ hơn.

Chưa biết những mong muốn trên của Thiên Sơn cũng như nhiều nhà văn khác sẽ được thực hiện đến đâu. Xong, riêng vấn đề quảng bá về cuộc thi nói chung, tác phẩm dự thi nói riêng (chưa nói đến tác phẩm đoạt giải) thì quả là Hội Nhà văn Việt Nam đã quá "kín tiếng".

_________________________________________

Phê bình văn học nghệ thuật: Đất rộng người thưa

NAM THANH

Những nhà phê bình VHNT của Việt Nam hiện tại đều thuộc thế hệ lão thành.

Hôm qua (28-12), lần đầu tiên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) tổ chức hội thảo Phê bình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông - thực trạng và giải pháp.

Tự làm nhà phê bình

Thực tế hiện nay, cứ nhắc đến lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) trên các phương tiện truyền thông thì suy nghĩ mặc định trong nhiều người là “phê bình kém quá hoặc biết gì mà viết”. Điều đó cũng không sai bởi trên các báo, tạp chí hiện nay hiếm thấy những bài viết phê bình chuyên nghiệp của người có đào sâu, nghiên cứu mà chủ yếu là bài viết của chính phóng viên mảng VHNT các báo viết chạy theo sự kiện. Và các phóng viên này thường không được đào tạo chuyên môn về lý luận phê bình.
Nhiều đại biểu cũng cùng suy nghĩ rằng phê bình trên các phương tiện truyền thông lâu nay thiếu tính chuyên nghiệp bởi các bài phê bình mang tính chủ quan của người viết báo, không dựa trên một chuẩn nào về phê bình tác phẩm. “Chính vì vậy mà cùng một bộ phim, cùng một vở diễn, cùng một quyển sách, tờ báo này khen ngất trời nhưng tờ báo khác phân tích khác hẳn, chỉ ra đầy đủ những sai trái của nó. Và cũng chính vì không có một chuẩn nào để đánh giá tác phẩm nghệ thuật nên thị trường âm nhạc ngày càng nhiễu loạn với vô số bài viết lăng xê vô tội vạ. Những ca sĩ trẻ chuyên hát nhép, những diễn viên mới đóng vài phim đã ngang nhiên trở thành sao, những chương trình ca nhạc nhố nhăng được phát sóng trên các đài truyền hình lớn chỉ với mục đích thu tiền tài trợ và quảng cáo là chính” - nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long phát biểu.

Theo GS-TS Mai Quốc Liên, rất cần có phê bình VHNT trên truyền thông bởi đó là sự nối dài, hỗ trợ cho tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, thực tế đang có hai dạng phê bình tồn tại song song: Phê bình trên các phương tiện truyền thông (trang mạng, đài, báo in) và phê bình đại học, nghiên cứu chuyên sâu (các tạp chí nghiên cứu). “Hai dạng phê bình này phải được kết hợp và gần nhau hơn mới mong có những tác phẩm lý luận phê bình thực tế và có chiều sâu” - GS-TS Mai Quốc Liên góp ý.

Thiếu người trẻ làm lý luận phê bình

Những nhà phê bình được đào tạo bài bản và còn theo con đường phê bình VHNT trên mặt báo giờ khá hiếm hoi, nếu còn họ cũng đã quá lớn tuổi. Trong tham luận của mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dẫn chứng: Từ năm 1976-1984, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đào tạo được ba khóa lý luận phê bình với 26 người. Từ đó đến nay, các cựu sinh viên phần lớn đã chuyển ngành, chỉ còn hai người đang tham gia giảng dạy.
Không chỉ mỹ thuật, ở mảng điện ảnh, phần lớn các nhà phê bình đều thuộc thế hệ được đào tạo tại trường điện ảnh VGIK của Liên Xô (Nga).
Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh) mỗi khóa chỉ đào tạo được năm sinh viên lý luận phê bình sân khấu điện ảnh trình độ cao đẳng. Nay trường đã thành đại học nhưng mã ngành này, chương trình đào tạo vẫn chưa được Bộ GD&ĐT thông qua nên… chưa thể tuyển sinh! Từ năm 1986, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh chuyên ngành lý luận phê bình sân khấu điện ảnh, cho đến năm 2000 mới tuyển sinh lại nhưng cũng không liên tục, chủ yếu hiện nay chỉ là các lớp đào tạo ngắn hạn về lý luận phê bình do các quỹ văn hóa nước ngoài cấp kinh phí đào tạo trong vòng một tuần, một tháng…
Tháng 5-2010, 70 thành viên của lớp Nghiên cứu, trao đổi lý luận, phê bình VHNT thuộc Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương sau khi kết thúc một khóa học đã thành lập một diễn đàn trên mạng về lý luận phê bình. Thế nhưng hoạt động của diễn đàn này cũng èo uột như tình hình chung của hoạt động lý luận phê bình. Có thể thấy những nhà phê bình VHNT của Việt Nam hiện tại đều thuộc thế hệ lão thành, người trẻ thì không mặn mà lắm với lý luận phê bình nữa.
Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, khẳng định hoạt động phê bình VHNT trên các phương tiện truyền thông góp phần quan trọng cho đời sống VHNT của nhân dân TP.HCM phong phú, phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy hoạt động phê bình còn mang tính đơn lẻ, thiếu tổ chức, tập hợp để có đủ sức mạnh trên các lĩnh vực. Các bài phê bình trên báo còn nặng tính giới thiệu tác giả, tác phẩm. Thiếu cả đội ngũ phê bình được đào tạo…
Để khắc phục những điểm yếu này, nhà nước phải tăng cường lãnh đạo, quản lý với công tác lý luận phê bình, nhất là lý luận phê bình trên truyền thông; quy hoạch và đào tạo cụ thể lực lượng phê bình chuyên nghiệp.

[Thiếu chuẩn cho lý luận phê bình

Hiện phê bình VHNT không có lý luận cơ bản để định hướng. Nhà phê bình phải làm việc trong hoàn cảnh lý luận cơ bản bị xáo trộn, vì thế rất khó định giá được tác phẩm, tác giả. Tôi rất băn khoăn bởi hoạt động phê bình của chúng ta đang “mạnh ai nấy làm” bởi chúng ta chưa tìm được hệ thống lý luận phê bình Việt Nam thay cho hệ thống lý luận phê bình xã hội chủ nghĩa chung. Hơn nữa, chúng ta thiếu một hệ thống sách công cụ làm trọng tài cho lý luận phê bình. Ngoài bốn tập Từ điển bách khoa toàn thư thì những lĩnh vực khác của VHNT chưa có hệ thống từ điển, sách chính thống.
PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn]

___________________________________________

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Địa đàng không quên

Truyện ngắn của MẠC CAN


Tôi sinh ra trên sông Tiền - còn có một tên khác là sông Bảo Định - thuộc tỉnh Định Tường, thường gọi là Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Vì nghề nghiệp, tôi đã đi và sống nhiều nơi, về các tỉnh thành khác. Không hiểu sao tôi cứ hay nhớ các rạp chiếu bóng ở những nơi từng đi qua. Các huyện xa xôi hẻo lánh có vài rạp chiếu bóng nhỏ không khí trầm lặng buồn hiu, mỗi tuần chỉ chiếu một hai suất, dù vậy mỗi khi ở đó tôi vẫn hay chờ vô coi chiếu bóng. Mỹ Tho có rạp chiếu bóng ở giữa con phố khá đẹp nhìn ra bờ sông lớn. Khi ở Sài Gòn, tôi quen rong chơi các đường phố và vẫn thích đi coi chiếu bóng. Tôi khoái nhất là các rạp chiếu bóng ở phía trước để tấm panô vẽ tuồng phim bằng bột màu coi rất hấp dẫn. Rồi tôi sưu tập những tờ chương trình quảng cáo, giới thiệu phim, có hình tài tử dán vô một cuốn tập dầy. Thường lệ vào buổi chiều mát mẻ, đông đảo khán giả tới mua vé, đứng chờ vô rạp, con nít chạy giỡn chung quanh, người lớn nói chuyện vui nhộn. Có lẽ nhờ vậy, nhờ ghiền coi chiếu bóng, tôi vừa coi vừa vô tình học lỏm cách diễn và cách quay phim hồi nào không hay, cho nên khi lớn lên có dịp gặp người đi săn ảnh chọn vai cho phim nào đó, tôi cũng được mời làm diễn viên điện ảnh, vai… phụ thiệt là phụ, cho một vài phim. Vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Định, Đa Kao, Bà Chiểu, Khánh Hội… lúc đó có khá nhiều rạp chiếu bóng. Trung tâm Sài Gòn có rạp Rex, một rạp lớn và một rạp mini trên lầu. Cách đó không xa, ở các con đường nho nhỏ khác cũng không thiếu. Rạp Vĩnh Lợi rạp Đại Nam rạp Tân Thuận chiếu phim Tây, rạp Long Phụng chiếu phim Ấn Độ, còn riêng rạp Lê Lợi thì chuyên trị phim đen trắng chọn lọc. Mới đây tôi gặp một ông bạn già, nói chuyện nầy nọ sau bao nhiêu năm không gặp. Anh với tôi ngồi suốt đêm, bên chai rượu đỏ, nói về các tài tử điện ảnh, về những cuốn phim mà chúng tôi coi lúc còn trẻ, trong các rạp nhỏ xíu tối hù, nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi với anh luôn cùng đố nhau nhớ tên các rạp, rạp nào nằm ở đâu, trên con đường gì, nếu tôi nhớ không kịp thì anh nhắc, rồi ngược lại, lần hồi chúng tôi nhớ ra nào là rạp Cầu Bông ở Đa Kao, rạp Moderne và Kinh Thành gần chợ Tân Định, rạp Ca Thay khu Chợ Cũ… Cũng có khi hai đứa bị “đứt phim”, không nhớ nổi. Nhiều khi chỉ nhớ mang máng ở khu phố nào đó trước kia có một rạp chiếu bóng, vậy thôi. Tôi nói với anh về rạp chiếu bóng Eden nằm trong khu thương xá có nhiều tiệm bán quà lưu niệm, sách báo và tranh ảnh. Anh lim dim mắt lắng nghe tôi nói:
- Lúc đó anh biết không, tôi có mối tình đầu tiên.
Anh bạn tôi vừa cười vừa té ho vì trong câu chuyện gì gì tôi cũng chen vào một chút chuyện tình. Mà chuyện tình nào cũng đầu tiên. Tôi lại hỏi anh:
- Anh nhớ Quyên không?
- Quyên nào?
Anh không nhớ là Quyên nào, vì thật ra có không ít cô gái tên Quyên. Lúc đó tôi với anh và Quyên nầy là bạn thân cùng làm chung ở một nhà hàng ăn cũng là phòng trà ca nhạc. Anh bạn chững chạc, to cao đẹp trai, làm về âm thanh ánh sáng. Quyên ở trong đoàn múa. Còn tôi xấu trai, lùn tịt thì… học nấu bếp và học làm người pha chế rượu. Chuyện lạ kỳ làm sao Quyên lại khoái anh bếp… tương lai là tôi, có lẽ vì - chỉ là có lẽ thôi - mỗi tối tôi hay đem lên phòng hóa trang của đoàn múa vài dĩa khoai tây chiên, trong đó có một dĩa đặc biệt dành riêng cho em.
Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao lúc đó, hay là nhằm giờ linh nên Quyên bất thần rủ tôi đi coi chiếu bóng mà không rủ anh bạn đẹp trai. Quyên rủ một mình tôi, thôi thì cũng đừng nghĩ là nhờ dĩa khoai tây chiên giòn.
- À, Quyên “khoai tây chiên”!
Tới đây thì anh bạn chợt nhớ ra. Còn tôi thì xác nhận:
- Không sai.
Một buổi tối Quyên từ phòng hóa trang trên lầu tư xuống bếp tìm tôi trả cái dĩa:
- Anh gì ơi. Chiều mai em đi làm sớm.
Tôi lau bàn tay đang dính dầu mỡ vào cái tạp dề mang trên bụng vì tôi đang phụ bếp khử tỏi xắt chiên thịt bò áp chảo. Mỗi khi Quyên trả cái dĩa đựng khoai, tôi hay làm bộ vô ý khẽ chạm vào một ngón tay của Quyên, có chút xíu “gia vị” vậy thôi cũng đà quá đã. Quyên không để ý chuyện nhỏ đó, em cầm một củ khoai gọt gọt vỏ liệng vô cái sọt rồi nói tiếp:
- Anh đi coi chiếu bóng với em nha?
Gì chớ chiếu bóng là tui khoái hết biết, lại còn “đi coi với em nha?” thì sướng run người. Còn một chuyện, cái rạp Eden nầy có xa xôi gì, chỉ vài bước đi tắt qua tiệm bánh ngọt là tới cửa bếp nhà hàng nơi tôi chiên khoai đó thôi. Ngày nào tôi lại không tới thăm ông Chà Và gác cửa, vô coi cọp một suất. Tôi biết chiều mai rạp Eden sẽ chiếu phim ma. Coi phim ma thì các cô gái hay sợ kêu rú lên, lúc đó là dịp tôi sẽ nắm chặt tay nàng!
Chiều hôm sau tôi cũng… đi làm sớm. Ngượng nghịu với cái áo sơmi mới, tôi luẩn quẩn trong hành lang Eden mà tim đập mạnh, bụng dạ đánh lôtô. Hay là Quyên với mấy cô gái trong đoàn múa bày trò chọc tôi? Nhưng ai bước xuống xe xích lô bên kia đường kia kìa? Quyên chớ còn ai, chắc là Quyên hẹn với anh chàng nào đó đi coi chiếu bóng! Mấy cô trẻ hay quên mà thường thì không nói hết ý định của mình. Kỳ đời cho tới giờ phút ấy tôi vẫn “nghi” người mà Quyên vui miệng hẹn hôm qua không phải là tôi! Quyên cầm cái dù làm duyên đi qua đường, giữa đường Quyên làm duyên dừng lại chờ một chiếc xe hơi chạy qua… Diễn viên mà! Tới lề đường bên nầy Quyên chăm chú nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Sao lại ngạc nhiên? Thôi đúng rồi, chắc không phải chỉ là tôi mà còn một người nữa! Tôi nghĩ Quyên nhìn xuôi ngược rồi sẽ hỏi “Anh chờ ai vậy?”, nhưng Quyên cười và nói khác hơn là tôi tưởng tượng:
- Anh chờ em lâu chưa?
Bỗng nhiên tôi nói ngọng:
- A…n…h có đem theo… túi khoai tây chiên.
- Cũng được, khỏi mua ở ngoài. Anh mua vé chưa anh?
Hai ba tiếng kêu anh liền một lúc. Quyên đi trước, cổ chân trái của Quyên có đeo chiếc vòng vàng tây với cái chuông nhỏ, mỗi bước đi nghe leng keng vui tai. Quyên vừa đi vừa múa qua các tiệm chép và bán tranh, bán sách, tới cửa vào trong rạp. Tôi lù khù không dám bước song song với Quyên, vì Quyên cao hơn tôi đẹp hơn tôi nhiều, ví lại hồi nào giờ nói thiệt bà con thương, tôi có đi chơi chung với con gái đâu mà. Tôi tới cửa tò vò mua hai vé. Người bán vé cúi thấp xuống, tôi thấy cặp mắt mở lớn hết pha của cô ta nhìn tôi ngạc nhiên, rồi cái ông Chà Và gác cửa xé vé cũng nhìn tôi không khác. Quyên cầm túi khoai tây chiên đi trước. Tôi đưa cho ông Chà Và hai vé. Ông ta kín đáo chỉ Quyên, tôi gật đầu thì ông ta cười, theo tôi nghĩ là ông ta… khen tôi có bồ đẹp.
Rạp Eden có cái màn dầy che ánh sáng khi khán giả bước vô, ai cũng phải chui qua mới tới vườn địa đàng lúc nào cũng tối hù trong kia. Một lúc sau tôi mới quen mắt, thấy Quyên đã ngồi xuống ghế chỗ bên cạnh tôi đang đứng. Mắt Quyên nhìn lên màn ảnh, còn miệng thì nhai khoai tây. Trên màn ảnh lúc đó có một chiếc xe ngựa chạy trong mưa tuyết, trên con đường rừng vắng hoe. Rồi chiếc xe dừng lại nơi cửa… nhà mồ. Bàn tay của Quyên đang thò trong cái túi giấy đựng khoai tây, bỗng nằm im trong đó luôn, còn miệng Quyên cũng dừng lại không nhai nữa. Hình như có tiếng gì kêu leng keng dưới chân Quyên. Quyên giật chân co lên ghế, vẫn còn tiếng kêu leng keng như lục lạc trên cổ hai con ngựa cạnh nhà mồ kia. Người xà ích vẫn ngồi trên xe giữ cương ngựa. Từ bên trong nhà mồ, một con dơi bay qua cổng sắt chui vô hòm xe, hiện ra một người đàn ông ốm nhách. Ông ta nhe chiếc nanh nhọn dài ứa máu, quay lại nhìn xuống… khán giả. Quyên rú lên làm rơi cả túi khoai tây chiên, nắm chặt tay tôi kéo tôi ngồi xuống cạnh Quyên. Quyên trốn con ma, úp mặt vào vai tôi, mùi thơm từ mái tóc của Quyên làm tôi ngây ngất. Tuy vậy tôi cũng không quên thời cơ quyết liệt nầy, được cầm bàn tay của nàng một cách chánh thức, khỏi phải trung gian qua dĩa khoai, ấy là cũng nhờ cái ông ma cà rồng trên màn ảnh kia. Phim ma hay thật, đúng là phim ma chánh hiệu. Quyên nhắm mắt không coi nữa, mà thời gian vô tình vẫn còn hiệu lực, vì hai đứa về nhà hàng lúc nầy cũng còn sớm, Quyên chưa tới giờ ra sân khấu còn tôi chưa chiên khoai. Tôi xúc động để yên cho Quyên ngủ vùi trên vai tôi mà không dám cục cựa, rủi Quyên thức thì uổng, cảm giác của tôi lúc đó như lên Thiên Thai, bây giờ già rồi nhớ lại cũng còn run. Tôi ngồi im re hít thở nhẹ cho tới khi đèn trên trần rạp bật sáng, nhìn lại chỉ có tôi với Quyên trong cái rạp vắng hoe. Tối hôm đó tôi vẫn… chiên khoai nhưng không dám đem dĩa khoai lên phòng hóa trang. Tôi nghĩ là các cô kia đã biết chuyện. “Tôi Với Quyên Yêu Nhau”, năm chữ nầy có thể làm tên cho một cuốn phim ăn khách lắm chứ. Tôi vừa hãnh diện vừa tội nghiệp cho Quyên vì tôi chỉ là anh chàng phụ bếp.
Có những cuộc tình giễu cợt như vậy làm cho người ta vui sống một lúc. Những con đường lá me bay bay dưới mưa, và rạp chiếu bóng của các cặp tình nhân với tôi đã quen thuộc. Riêng với rạp Eden thì còn khá nhiều chuyện để nhớ. Toàn bộ rạp chiếu bóng nầy nằm trong tòa nhà thương xá và những căn phòng cho thuê, kín bưng không hề có chút ánh sáng mặt trời. Dường như chỉ có mỗi tôi biết một nơi có chút ánh sáng ngoài đường phố lọt vào trong rạp. Lâu lâu chán cái cảnh gọt khoai rồi tập pha rượu, tôi hay chuồn ra ngả sau nhà hàng tới cười cười với ông Chà Và gác cửa rạp, rồi chui qua cái màn dầy vô coi phim, nhiều lúc ngủ quên luôn trong đó. Trong rạp tối hù, cái tủ bán kem thường ngày luôn có một người mà tôi không hề thấy rõ mặt ngồi cạnh. Nhưng vào một suất chiếu buổi trưa tôi không thấy người đó, vì vậy mới thấy sau chỗ cái ghế anh ta ngồi có chút ánh sáng lóe lên. Ánh sáng từ đâu chui qua kẽ hở, có lẽ là khi xây cất khu rạp những người thợ hồ quên không trét xi măng kỹ. Tôi tò mò đứng nhìn. Kẽ hở chỉ rộng chừng ngón tay, khi tôi áp mắt nhìn ra thì thấy thấp thoáng ngoài kia là đường phố tràn ngập ánh nắng, nhưng không thể định hướng được là nơi nào vì tầm mắt qua kẽ hở bị hạn chế khá nhiều. Tôi lấy que kem đút qua kẽ hở làm dấu, rồi hàng ngày tôi đi quanh ngoài khu phố thương xá tìm... que kem, tức là tìm nơi mà ánh sáng ngoài phố chui vào trong vườn địa đàng.
Từ buổi chiều đi coi chiếu bóng với Quyên cho tới buổi tối hôm đó và những ngày sau, tôi khó gặp Quyên. Tôi nghĩ là Quyên hối hận việc rủ anh chàng cù lần nhát gái là tôi đi coi phim ma. Tôi cũng còn một vài lần đem dĩa khoai chiên lên phòng hóa trang, nhưng Quyên không mặn mòi lắm, rồi sau đó chuyện dĩa khoai chiên và Quyên đi vào kỷ niệm.
Một ngày buồn hiu, tôi vô rạp Eden coi chiếu bóng một mình rồi tò mò tới gần cái tủ kem sát vách tường, nhìn qua kẽ hở. Bên trong nầy là rạp chiếu bóng còn ngoài kia là đường phố. Tôi nhắm một mắt nhìn một mắt ra đường bất chợt thấy một - cận ảnh - cổ chân một cô gái có sợi dây chuyền vàng tây và cái chuông nhỏ, rồi thì - toàn hẹp - bên cạnh là đôi giày tây láng bóng của một người con trai. Mắt tôi - lia lên - một chút theo khoảng dài của kẽ hở - như là với ống kính zoom. Tôi thấy bàn tay người con trai nắm chặt bàn tay người con gái…
Từ ngày đó cho tới khi tôi trôi dạt tứ phương tám hướng, sao tôi vẫn nhớ mãi những rạp chiếu bóng và những con đường nhộn nhịp của Sài Gòn hoa lệ. Nhiều lần tôi trở về vẫn có ý tìm que kem mà tôi làm dấu bên trong vườn địa đàng. Nói vậy cho đỡ nhớ chớ que kem nào mà còn, vì mấy chục năm đã qua, đi quanh quẩn trên đường phố, chung quanh rạp chiếu bóng, tìm hoài vẫn không thấy nơi nào có cái kẽ hở để nhìn vào trong rạp. Nhìn ra thì đã mà nhìn vô thì không thể. Tôi vốn nhiều tưởng tượng và hay tự làm khổ mình. Song tôi tin là ở trong rạp chiếu bóng mà Quyên rủ tôi đi coi phim ngày nào đó đã xa, còn một nơi có chút ánh sáng xuyên qua tường, dù cho là không có đi nữa tôi cũng không bao giờ quên. Làm sao mà quên được, dù kỷ niệm chỉ còn là cay đắng. Thôi thì tôi cũng không cách nào khác, để nhớ chút hương xưa trên mái tóc Quyên, là tìm về một buổi chiều em ngủ say giấc bên tôi. Đâu đó cho tới bây giờ vẫn còn phảng phất mùi khoai tây chiên…
oOo
Chuyện tới đây là hết, nhưng tôi nghĩ là nên đùa thêm một chút cho vui. Nếu như có đạo diễn nào muốn làm phim theo truyện ngắn nầy, tôi sẽ kể dài ra thêm. Quyên mà biết thì không chừng em còn ôm chặt tôi hơn. Trên trần nhà và phía sau tấm phông trắng màn ảnh của rạp Eden, sẽ có nhiều con ma khác, từ oan hồn của những tình nhân từng ngồi bên nhau trong rạp Eden về tìm lại chút kỷ niệm xưa… Còn rất nhiều chuyện hấp dẫn xảy ra trong Vườn Địa Đàng. Nhưng bây giờ thì xin dừng lại.
À, tôi còn quên một chuyện. Hình như người bán tủ kem lâu lâu lại biến mất. Có lúc tôi thấy anh ta đứng đâu đó, trong bất cứ phim nào. Diễn viên điện ảnh nầy xuất hiện nhiều nhất là mỗi lần rạp chiếu phim ma. Rồi từ trong phim, anh ta lại trở xuống ngồi trong bóng tối cạnh tủ kem…

___________________________________________

Những lý do "đoản thọ" của loại văn chương "ám chỉ"

Phạm Khải


Ngày 16/12 vừa qua, trên trang web của một nhà thơ trẻ, tôi có đọc được một bài viết (được ghi lấy từ nguồn Báo Sức khỏe & Đời sống) tên gọi "Sách ám chỉ và những điều cần lên tiếng" của tác giả Trần Thế Hòa. Bài viết đặt ra một vấn đề theo tôi là khá nhạy cảm, nhiều người "ấm ức" nhưng không tiện nói hiện đang xuất hiện một cách "ngang ngửa" trong đời sống văn học hiện nay. Đó là vấn đề dùng sáng tác để ám chỉ, bôi nhọ nhau, trả đũa những nỗi uất hờn cá nhân.
Tác giả Trần Thế Hòa viết: "Gần đây, các nhà xuất bản đều rất ngạc nhiên khi ngày càng nhận được nhiều bản thảo viết tay. Dù dày mỏng thế nào, các biên tập viên cũng dễ dàng nhận ra những tác phẩm "ám chỉ" các đồng đội ở cơ quan cũ, ám chỉ cả những hàng xóm láng giềng, ám chỉ đủ thứ mà họ cho là không hợp với mình. Chân dung bà A, ông B hiện ra chẳng khác nào những kẻ xấu xa, đồi bại, vô liêm sỉ... Có ông trước đây khi còn đương chức, bị cấp trên trù úm gây khó dễ nên bao nhiêu oán thù đổ hết vào trang viết, khiến vị cấp trên ấy như một tên hề trong hàng lãnh đạo cơ quan". Trước hiện tượng này, tác giả Trần Thái Hòa cho rằng: "Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một quy phạm chung cho vấn đề nhạy cảm và khó khăn này.
Việc lên tiếng bảo vệ sự trong sáng của sáng tác văn học không bao giờ thừa...". Cũng theo Trần Thế Hòa: "Các văn tài như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... vẫn lấy chất liệu, nhân vật trong cuộc sống để sáng tác, xây dựng nhân vật rất thành công. Nhưng có điều, sự khác nhau giữa những văn tài và các nhà "ám chỉ học" là ở động cơ và cái tâm trong lao động sáng tác".
Tôi tán thành với tác giả Trần Thế Hòa về việc trong đời sống văn học của chúng ta hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều các loại sách ám chỉ. Tôi cũng tán thành với quan điểm "sự khác nhau giữa những văn tài và các nhà "ám chỉ học" là ở động cơ và cái tâm trong lao động sáng tác". Tuy nhiên, cũng còn một số điểm tôi muốn bàn thêm với tác giả, cũng như muốn nói kỹ hơn về việc cái "tâm", cái "động cơ" khác nhau giữa các nhà văn lớn và những "tài năng nhỏ" thể hiện rõ nhất ở điểm nào.
Trước hết, phải nói ngay rằng, văn chương "ám chỉ" là một hiện tượng đã có từ lâu và đây là một vấn đề không thể dùng luật để áp chế, cho nên, mong ước "chúng ta cần xây dựng một quy phạm chung cho vấn đề nhạy cảm và khó khăn này" của tác giả Trần Thế Hòa thực sự là việc quá... khó khăn (theo tôi là bất khả thi). Vả chăng, việc nhà văn dựa vào nguyên mẫu trong đời thực để sáng tác cũng là một chuyện... thường tình. Không nên cho rằng, nhà văn không được và không nên lấy nguyên mẫu (để viết với dụng ý... chê) thuộc thành phần được... nhiều người biết đến (như một ý kiến tôi đọc được trên báo trước đây). Vậy chỉ được lấy nguyên mẫu là những người "thường thường bậc trung", thậm chí là "dân đen" trong cuộc sống thôi sao?
Cũng không nên băn khoăn nhiều về việc thái độ của "nguyên mẫu" ấy đối với nhà văn ra sao. Nhà văn Tô Hoài từng kể rằng, khi nhà văn Nam Cao viết xong tiểu thuyết "Sống mòn" (ban đầu có tên gọi "Chết mòn"), ông than thở với Tô Hoài: "Bao giờ những người trong tiểu thuyết này chết đi, mình mới đem in được sách. In bây giờ thì không dám nhìn mặt ai nữa". Nhà văn Đào Vũ, khi in xong tiểu thuyết "Cái sân gạch" cũng không dám tặng sách cho nguyên mẫu "lão Am" của mình (một trong những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, tên ngoài đời là Mạc Văn Tự). Lý do - như cách nói vui của con trai "lão Am": "Ăn ở nhà cụ mà viết "xấu" về cụ, cụ chẳng chửi cho chết cha. Kể nếu mà đọc, chắc cụ cũng bực mình, vì sách viết không đúng về cụ. Nhưng bọn tôi, lúc ấy tuy còn trẻ song rất hiểu là nhà văn khi sáng tác cũng cần phải hư cấu". Kể ra vậy để thấy, dựa trên những "nguyên mẫu" trong đời thực rồi thêm thắt để sáng tạo nên các nhân vật văn học là một đặc điểm sáng tạo của nhà văn. Vấn đề là sự thành công đến đâu mà thôi.
Có một câu danh ngôn nổi tiếng "Giữa cái vĩ đại và cái lố bịch đôi khi chỉ cách nhau một gang tay". Nếu như với các nhà văn có tài năng lớn, có tâm hồn cao cả, khoáng đạt thì các nguyên mẫu chỉ là cái cớ để từ đó, họ dựng lên những biểu tượng mang tính thời đại, hoặc để ngợi ca, hoặc để cảnh báo (về một mẫu người mà xã hội cần noi theo hoặc loại trừ); hoặc để họ gửi gắm những quan điểm nhân sinh. Thậm chí, từ nguyên mẫu ấy, họ bồi đắp "xương thịt" từ chính đặc điểm tính cách của mình, từ những chất liệu của tâm hồn mình để thành những nhân vật có sức "lý tưởng hóa" cao. Chính vì thế mới có chuyện, từ một nguyên mẫu cỡ chỉ thế này, họ đã chuyển đổi, "nâng cấp" lên thành một nhân vật văn học cỡ thế kia. Như trường hợp xảy đến với nhân vật Giăng Vangiăng trong bộ tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô. Nhân vật này vốn có nguyên mẫu là một... tên cướp khét tiếng của nước Pháp (tên gọi Viđốc). Khi Huygô biến Viđốc thành nhân vật văn học thì y đã chấm dứt những hoạt động tội ác của mình, nói theo ngôn ngữ bây giờ là "đã hạ cánh an toàn". Từ nguồn tiền giành giật được trong suốt mấy chục năm, y có tiền gửi nhà băng và thậm chí, trong mắt người đời, còn trở thành một nhân vật khả kính. Rõ ràng, khi đưa Viđốc vào trong tác phẩm của mình, Huygô muốn lấy đó như biểu tượng của sự hoàn lương, và với sức sáng tạo mạnh mẽ của Huygô, nhân vật đã được "thăng hoa" hơn đời thực rất nhiều. Ai đọc tiểu thuyết "Những người khốn khổ" đều khó có thể hình dung tại sao từ một nhân vật có quá khứ bất hảo thế kia lại có thể biến đổi thành một nhân vật Giăng Vangiăng thánh thiện đến nhường ấy.
Vậy cái khác giữa các nhà văn lớn và các... "tiểu tác giả" của những cuốn sách "ám chỉ" mà tác giả Trần Thế Hòa nêu ra, theo tôi, ngoài yếu tố tài năng thì nguyên nhân chính vẫn là: Họ luôn sáng tác vì những giá trị văn học đích thực chứ không nhằm để thỏa mãn sự yêu ghét cá nhân, nhằm để "trả nợ ân oán giang hồ".
Trong lịch sử văn học từng lưu truyền những câu chuyện vể sự "nổi loạn" của nhân vật. Có khi, ban đầu tác giả muốn nhân vật của mình phải thế này, nhưng rồi, theo diễn biến tự nhiên của câu chuyện, nhân vật cần phải có đời sống khác, có hành động khác buộc tác giả phải "điều chỉnh" lại cho nó hợp với lôgic của đời sống. Thi hào Nga Puskin từng than thở với một người bạn: "Anh có thể tưởng tượng được cái cô Tachiana (tên một nhân vật trong tác phẩm của Puskin) đã xỏ tôi một vố như thế nào không? Cô ấy đi lấy chồng. Chuyện đó thực tôi không thể nào ngờ là có thể xảy ra được với cô ấy". Về những "sự cố" kiểu này, văn hào Lép Tônxtôi cũng cho biết trong thực tế sáng tác, ông từng gặp nhiều lần và theo quan điểm của ông, đám nhân vật của ông đã "làm những gì mà họ phải làm trong cuộc sống thực và thường xảy ra trong cuộc sống, chứ không làm những gì tôi muốn".
Trở lại với trường hợp các tác giả của những cuốn sách "ám chỉ" mà tác giả Trần Thế Hòa đã nêu. Sự thực, trong đời sống sáng tác, chúng ta từng bắt gặp không ít những tác giả chỉ chăm chăm "xây dựng nhân vật" kiểu như, nếu nhân vật ở ngoài đời tên là Bảy thì trong sách được đổi là Thất; nhân vật ngoài đời giữ chức danh tổng thư ký hội này thì trong sách lại cũng giữ một chức tương đương, rồi thì ngoài đời nhân vật mang đặc điểm ngoại hình thế nào thì trong sách cũng mang đặc điểm thế ấy; những nét dị thường kiểu như lé, lùn, hiếng, hói...vv... được họ khai thác triệt để, cốt sao chỉ để ai đọc là nhận ra ngay nhân vật mà họ muốn trút thù trút oán. Thậm chí, có trường hợp sách in xong, tác giả còn tìm cách "gửi" tới cho nhân vật, hoặc "đánh tiếng" để nhân vật biết. Cách xây dựng nhân vật kiểu ấy, và chỉ có thế, theo tôi sẽ khó mà tạo nên những nhân vật có tính biểu tượng cao. Tác phẩm cũng khó đem tới cho độc giả một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc.
Người đọc (ngoại trừ những người tò mò một cách tức thời) về lâu dài cũng sẽ hờ hững với những tác phẩm như vậy. Bởi một khi "nguyên mẫu" của nhân vật trong tác phẩm không còn là đối tượng được người đời quan tâm chú ý nữa, thì hiển nhiên sức thu hút độc giả của những cuốn sách ấy theo đó cũng đặt dấu chấm hết. Hãy ngẫm lại xem, đời sống văn học mấy mươi năm qua chẳng đã chứng minh rất rõ việc này đó sao?

_____________________________________________________

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Người nhìn thấu linh hồn

VŨ THANH HOA

1. Bà thầy bói xòe bàn tay có các móng tô đỏ trầy xước, vuốt nhẹ những con bài úp lên nhau thẳng tắp, đoạn bà nhắm mắt, miệng khấn lầm rầm...

Đột ngột, bà lật một con bài lên, gật đầu rồi từ từ mở mắt, bảo:

- Cô này lận đận về đường tình duyên phải biết!

Thúy đưa mắt nhìn tôi, thì thào:

- Thấy chưa...

- Cô cho biết năm sinh.

Thúy nói. Bà thầy bói ghi chép vào cuốn sổ cũ. Lâu rồi Thúy không thích nói thật năm sinh của mình, nhưng lại rất muốn bằng cách gì đó “gửi thông điệp” đến một người, một nhóm người, một thành phố, một quốc gia, cả nhân loại chung quanh biết rằng... nó chưa kết hôn bao giờ, hay nói một cách “bình dị” là “Thúy chưa có chồng”. Nhóm bạn cùng lớp của Thúy đứa mấy con, đứa li dị, thậm chí có đứa đã kịp “đi hai bước” nữa. Tôi là một trong số bạn thân ít ỏi của Thúy cũng có thể tạm coi đã “yên bề” với hai đứa nhóc và một người đàn ông được nhắc đến với danh xưng “ông xã”.

Bà thầy bói đưa cho Thúy mảnh giấy, một cái bút bi, bảo:

- Cô ký tên mình vào đây.

Thúy ký. Bà thầy bói lại bảo:

- Ký lần nữa, phải ký hai lần mới chuẩn.

Thúy nắn nót ký lần nữa. Vẻ cẩn thận của Thúy làm tôi liên tưởng những lần đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Bà thấy bói nheo mắt nghiên cứu chữ ký rất kỹ, rồi chậm rãi bảo:

- Cô rất khó lấy chồng trước năm bốn mươi tuổi, sau đó thì cô sẽ có một khả năng khác thường...

- Là thế nào hả bác?- Chúng tôi cùng hỏi.

- Là... cô sẽ có khả năng rất đặc biệt, như của người cõi trên ấy: nhìn thấu, nhìn thấu, chả ai lừa được cô đâu...

Thúy đưa bà tờ giấy bạc chẵn, bà thầy bói tỏ vẻ thờ ơ, khẽ gật đầu rồi lại nhắm mắt lầm rầm gì đó. Suốt đoạn đường về, Thúy không nói gì.

2.
Tôi đắp chăn cho hai đứa nhỏ ngủ, kéo đôi tất ra khỏi chân đức phu quân đang... ngáy khò khò thì nghe chuông điện thoại reo.

- Mình xin lỗi, khuya rồi nhưng tối mai cậu nhớ đến nhé - Thúy bảo.

- Có gì thế?

- Trời ơi, sinh nhật mình mà cũng quên!

- À... ừ, sorry, sorry. Ôi, thông cảm nhé, tớ bận quá...

- Không sao, nhớ đến sớm với tớ một chút là được rồi.

Tôi đến, quà là thỏi son môi màu trầm và bó hoa lys tím. “Ok, bạn yêu” - Thúy ôm lướt vai tôi. “Mặc thế này được chứ?” - Nó hỏi và xoay một vòng. Tôi nhìn tấm váy màu xanh biển đắt tiền, giấu khéo léo vòng eo đã có xu hướng “bánh mì” và hở khéo léo khoảng cổ thon trắng “gợi tưởng tượng về vô cực”.

- Được đấy nhưng sao... cẩn thận thế?

- Có vị khách đặc biệt - Nó nheo mắt.

- Thế à, để xem.

Khách mời còn năm người nữa: hai đôi vợ chồng, và tôi hiểu ngay anh chàng đi một mình kia là “đối tượng”. “Đối tượng” mang một lẵng hoa hồng đỏ rực, trang trọng trao cho Thúy. Thúy e ấp. Tôi phấn khởi mời luôn giùm Thúy:

- Mời các bạn ngồi. Bắt đầu nhé.

Sâmbanh được “đối tượng” mở rất điệu nghệ, nổ “bốp” rõ to và sủi bọt nhưng không vãi giọt nào ra bàn, sang mà tiết kiệm. Đúng là “người đương thời”! Được đấy. Cả bọn vỗ tay:

- Anh Trí (tên đối tượng) giỏi quá!

- Nhờ ngồi bên Thúy, tự dưng khéo thế! - Anh ta liếc nhìn Thúy, mỉm cười.

Biết là nịnh nhưng vẫn hay, giờ kiếm người nịnh đã hiếm mà kiếm người nịnh hay càng hiếm, tôi đưa mắt cho Thúy khích lệ, Thúy đỏ mặt.

Rồi rượu cạn, các món ăn cũng vơi, bánh kem đã cắt, cùng hát và vỗ tay trong giai điệu “Happy birthday to you”, thổi một cây nến tượng trưng... chúc mừng đủ thứ nhưng ai cũng tảng lờ tuổi tác chủ nhà, tế nhị. Lần lượt mỗi người viện đủ lí do ra về, tất nhiên trừ đối tượng, tế nhị. Tôi bấm cho điện thoại tự đổ chuông, nháy mắt với Thúy, bảo:

- Ông xã gọi.

- Ừ, thôi vậy, cám ơn cậu, mai nhé. - Thúy tiễn tôi ra cửa. Đối tượng nhiệt tình dọn dẹp giúp Thúy li, chén... Cửa khép.

3.
Tôi thức giấc vì chuông điện thoại đổ liên hồi.

- Alô?

- Tớ đây - Giọng Thúy.

Tôi vừa ngáp vừa nhìn đồng hồ: 1 giờ sáng.

- Thế nào rồi? - Tôi hỏi uể oải.

- Tớ sợ quá...

- Bạo lực à? Vội thế?

- Không... là sợ tớ, mình sợ mình ấy, cậu hiểu không?

- Không?

- Cậu về. Anh ta rủ tớ xuống phố, bọn tớ đi uống thêm một chầu say khướt nữa rồi rẽ vào một khách sạn, tớ để mọi chuyện diễn biến tự nhiên nhưng...

- Căng thẳng làm gì, anh ta quen biết cậu cũng lâu rồi mà, vả lại, với cậu đâu phải lần đầu tiên...

- Không, không...- Giọng Thúy run rẩy rồi bật khóc nức nở.

- Gì thế? - Tôi tỉnh ngủ hẳn - Tớ xin lỗi, nói thế làm cậu buồn à?

- Không... lúc anh ta cởi áo, đồng hồ trên tường bỗng điểm chuông 12 giờ đêm và tớ bỗng thấy từ trong anh ta bước ra một con người khác, nó tách rời hẳn con người thật bấy lâu, một cơ thể trơn bóng từ từ trườn ra hơi giống loài bò sát với những đường gân chằng chịt...

- Trong bóng tối à? Khiếp thế? - Tôi rùng mình.

- Và lúc ấy, khuôn mặt mọi khi tớ biết bỗng nhòe nhoẹt đi, vẫn là khuôn mặt anh ấy nhưng rất khác, khác lắm.

- Cái gì? Chắc cậu say thôi...

- Tớ thấy anh ấy đi qua đi lại trước mặt tớ, luôn mồm văng tục và bảo: Tôi cố gắng lắm mới đến với cô hôm nay chỉ vì tôi muốn lấy một con vợ cho xong nhiệm vụ, tôi đã tìm thấy một phụ nữ tạm ổn về nhiều mặt tuy chả hấp dẫn gì mà lại bắt đầu già...

- Rồi sao? Rồi sao?

- Tớ, tớ... òa khóc, anh ta vẫn nói: Cô hơn gì tôi mà khóc, cô yêu quái gì tôi, nếu cô trẻ lại 5 tuổi, cô sẽ chọn một thằng khá hơn tôi nhiều, tôi biết tỏng cô đấy... Và thế là tớ chạy về nhà, tắm gội xong rồi gọi cho cậu...

- Bạn thân yêu, cậu ngủ ngon và quên anh ta đi nhé, có thể là một giấc mơ não nùng, sáng mai sẽ khác thôi.

Im lặng.

- Alô? - Tôi lo lắng.

- Tớ đây, cám ơn cậu, chỉ có mỗi cậu là chịu trận tớ bao năm qua, cám ơn nhé bạn gái, lời cám ơn đúng vào sinh nhật bốn mươi tuổi của mình.

- Ừ, ngủ đi, chúng mình là bạn mà.

- Ừ.

Tôi gác máy. Nằm mãi mà không ngủ lại được, tôi chợt nhớ mấy cái móng tay tô đỏ trầy xước của bà thầy bói cùng lời tiên đoán mà thấy ớn lạnh, tôi kéo chăn trùm kín đầu cố thiếp đi...

4.
Tôi hẹn Thúy ở quán café. Nó mặc chiếc áo len cổ tròn màu xám, tóc xõa, khuôn mặt đánh phấn trắng toát trông giống một manơcanh.

- Cà phê nóng.

Thúy nói với cô phục vụ nhỏ đến mức cô ta phải ghé sát đầu về phía nó. Tôi hỏi:

- Cậu sao rồi?

- Tớ thấy giống một ác mộng nhưng qua rồi.

- Ừ, chắc do rượu.

- Ừ... Tớ sẽ thử một anh chàng khác.

- Thử? Ai?

- Tay đồng nghiệp cùng công ty, đang li thân vợ...

- Hắn biết cậu thử thì sao?

- Sao biết chứ, nhưng tớ cá là hắn chả quan tâm đến thử hay thật.

- Hì, chúc cậu thành công.

- Bây giờ thành công hay thất bại cũng không khác mấy.

- Thế à?

- Ừ, nhìn ở mặt này là thành công nhưng mặt kia là thất bại, tớ cần chồng nhưng lại chả cần chồng.

Tôi thở dài, chỉ mỗi tôi là chịu khó ngồi nghe Thúy triết lí. Tôi không biết có bao nhiêu cô gái ở thành phố này, ở đất nước này, ở thế giới này, ở thời đại này triết lí như Thúy.

5.

- Thế nào? - Tôi hỏi thì thào vào máy, sợ trong nhà nghe thấy.

- Khủng khiếp lắm! - Giọng Thúy lạnh lùng.

- Hả?

- Tay đồng nghiệp vừa ôm choàng lấy tớ, tớ lại thấy khuôn mặt hắn nhoè nhoẹt đi, hắn lập tức phân thân, một thân thể từ từ trườn ra khỏi cái xác với cái bụng béo mỡ, những thớ thịt nhõng nhẽo, lông lá tua tủa, rồi hắn cười hô hố khả ố...

- Kinh quá!

- Hắn chỉ vào mặt tớ, liên tục so sánh thân thể tớ với những người đàn bà đã chung chạ với hắn, hắn bảo: Tất cả các mụ đàn bà đều ra vẻ đức hạnh hay dịu hiền để che giấu mục đích chung nhất là mồi chài những tên đàn ông cho dục vọng của mình mà thôi. Khi sa cơ lỡ vận sẽ nhìn thấu bộ mặt đàn bà. Chúng chỉ chuyên rút hết xương tủy và hủy hoại đàn ông.

- Cậu ngồi im sao?

- Lần này tớ bình tĩnh, bảo: Đó là kết luận của kẻ chiến bại.

- Hắn nói sao?

- Hắn cười ha hả đáp: Làm gì có ai chiến thắng, một vòng quay cuồng bế tắc. Chết trong cô độc cũng khốn nạn như bị cầm tù suốt đời với một mụ đàn bà.

- Cậu không khóc nữa à?

- Không, tớ điềm nhiên ngồi dậy, sửa sang lại áo quần và gọi taxi, về.

- Thôi ngủ đi, từ nay cậu sẽ thấu hết gan ruột của bọn đàn ông cho đến khi gặp được một anh chàng thật thà.

- Ừ, tớ bắt đầu tin như thế. Chúc cậu ngủ ngon.

6.

- Cậu chưa ngủ chứ? - Tôi hỏi thì thào.

- Chưa, tớ ngồi xem tivi một mình, buồn.

- Đừng buồn nữa, tớ đã tìm cho cậu một người vừa ý.

- Ừ - Giọng Thuý vẻ thờ ơ, nó thờ ơ vì sợ lại thất vọng, sợ lại nhìn thấu sự thật, thờ ơ để kìm bớt hồi hộp và hi vọng...

- Phó giám đốc mới của mình, chưa vợ, đẹp trai, bốn lăm tuổi. Trưa mai bọn mình đi ăn nhé?

- OK.

Chúng tôi hẹn nhau ở tiệm Thức ăn nhanh, Thúy mặc bộ váy công sở thời thượng, anh phó giám đốc mới của tôi mặc bộ vest lịch lãm. Thức ăn nhanh, mọi người dùng nhanh cùng với 3 li pepsi khuyến mãi, anh phó giám đốc liếc nhìn đồng hồ, bắt tay Thúy:

- Rất vui được quen biết em, ngày mai anh hân hạnh mời em đi xem phim nhé.

- Dạ...- Thúy lấp lửng đưa mắt nhìn tôi, tôi khẽ gật đầu. Làm bộ làm gì, đâu còn nhiều thời gian, anh ta còn muốn gặp nữa là tốt rồi. Đừng để đến lúc thấy một người đàn ông ngó mình lâu lâu là đã mừng thầm.

7.
Tôi bấm số Thúy. Máy đổ chuông mãi, cuối cùng cũng nghe được giọng Thúy:

- Tớ đây, vừa định gọi cho cậu.

- Thế nào, thế nào?

- Vào rạp, đèn tắt. Phim Mỹ, hay và lãng mạn...

- Ôi dào, hỏi anh phó giám đốc cơ!

- Anh ta đặt tay lên tay tớ, lập tức một hình nhân gầy nhẳng, với những khúc xương trơ khốc, èo uột, run rẩy, bệnh hoạn trườn ra khỏi thân hình oai phong thường ngày, anh ta cười khẩy và thì thào với tớ: Tôi có cả tá các cô gái như cô chực chờ nhưng tôi chẳng muốn lấy một ai trong số các cô cả. “Tại sao?” Tớ hỏi. Anh ta vẫn cười khùng khục: Rặt một lũ thực dụng, trái tim đều đã hóa đá. Các cô muốn đi một bước ngắn nhất để thành bà phó giám đốc mà tưởng rằng tôi là một đứa trẻ dễ dắt mũi lắm à? Tôi nhìn các cô xếp hàng mà ngán ngẩm. Cô có cái nhà to thì chân vòng kiềng và nói chuyện quá vô duyên, cô có đôi chân dài thì chỉ lăm lăm vào túi tiền của tôi và đầu óc rỗng tuếch, cô có chút trí tuệ thì lại khô cằn như một thằng đàn ông và luôn luôn nhìn thế giới sau khi đã “khử trùng”. Tôi thà ngồi với lũ gái làm tiền lại thấy thoải mái hơn.

- Cậu cũng quen nhìn thấu rồi mà?

- Ừ, nhưng tớ cũng chẳng thể ngồi tiếp được nữa, tớ vào toilet rồi ra khỏi rạp, về.

- Thế thì làm thế nào lấy chồng đây... Cứ tưởng nhìn thấu bọn đàn ông sẽ thuận tiện hơn chứ...

- Chắc số tớ một mình thôi...- Giọng Thúy rưng rưng.

Tôi thương nó quá, bảo:

- Cậu có nhiều thế mạnh mà, phải tự tin. Ngủ đi nhé, rồi cậu sẽ gặp người mình muốn thôi.

- Ừ, cám ơn bạn yêu, mình cũng quen rồi, không sao đâu...

8.
Chuông reo.

- Tớ nghe đây, Thúy.

- Tớ thấy hạnh phúc

- Ừ... có thế chứ, từ từ kể nhé, tớ nghe đây...

- Tớ gặp lại người yêu cũ...

- Và cậu nhìn thấu được anh ấy rồi chứ?

- Ừ... Khi anh ấy ôm hôn tớ, tớ thấy một chàng trai khoẻ mạnh, dịu dàng, vóc dáng săn chắc vững chãi với những cơ bắp cân đối hài hòa, trườn ra khỏi thân hình bé nhỏ của anh ấy. Ngày xưa, tớ từng bỏ anh ấy vì nghĩ anh ấy quá khiêm nhường đến mức nhu nhược, nhưng giờ nhìn thấu được linh hồn, tớ đã nhận ra con người thật của anh ấy...

- Tớ xúc động quá, có lẽ sắp khóc mất. Anh ấy nói gì với cậu không?

- Anh ấy bảo: Anh đi khắp nơi, quen nhiều người đàn bà nhưng em vẫn mãi là mối tình sâu đậm nhất trong lòng anh, anh yêu em vô cùng và dù em thế nào và là ai, anh vẫn chỉ muốn lấy em làm vợ.

- Cậu bảo sao, cậu đồng ý chứ, ngày xưa anh ấy có nói thế không?

- Không, ngày xưa anh ấy luôn bối rối và vụng về mỗi khi gặp tớ, trong lớp, có nhiều tay dẻo mép và ga-lăng hơn nhiều nên tớ đã bỏ anh ấy...

- Chúc mừng cậu, đừng bỏ lỡ cơ hội lần nữa nhé.

9.
Chuông đổ giữa đêm khuya, tôi luôn sợ những hồi chuông hối hả giữa đêm như thế.

- Cô là bạn cô Thúy?

- Vâng, có chuyện gì? Chị là ai?

- Tôi là hàng xóm của cô Thúy, cô đến ngay nhé, cô Thúy vừa ngất xỉu ở cầu thang, đã đưa đi cấp cứu, khi tỉnh lại cô ấy chỉ muốn gặp cô...

Phòng cấp cứu. Trắng toát. Thúy trắng nhợt. Nó hé mắt nhìn tôi.

- Thúy ơi, sao thế? - Tôi khóc.

- Anh ấy chết rồi.

- Ai chết? Sao chết?

- Người yêu cũ của tớ, bọn tớ chuẩn bị đám cưới thì bỗng nhiên anh ấy chết đột ngột trong khi ngủ...

- Trời...

Tôi ôm chặt Thúy, tốt nhất không nên nói gì, biết nói gì nữa...

10.
Bà thầy bói ung dung xòe những móng tay tô đỏ trầy xước, vuốt sống lưng những con bài úp lên nhau thẳng tắp. Bà nhắm mắt lầm rầm... Rồi bà đột ngột lật một con lên, lắc đầu:

- Chú ấy khó mà sống lâu ở cõi trần lắm, cô đừng buồn.

- Tại sao? Tại sao chứ? - Chúng tôi cùng hỏi.

- Cô nhìn thấu được chú ấy rồi mà?- Bà thầy bói chỉ ngón tay vào Thúy.

- Tất nhiên, vì thế tôi mới quyết định lấy anh ấy.

- Ai cũng có hai phần: phần Người và phần Ma, nếu phần Người mạnh hơn phần Ma thì khó mà tồn tại lâu được ở cõi trần.

Thúy khóc. Bà thầy bói lại nhắm mắt, chìm vào một cõi nào đó một lúc, rồi bà bảo Thúy xoè bàn tay ra, sau khi nhìn kỹ những đường chỉ tay của nó, bà bảo:

- Chú ấy ra đi cũng có nghĩa là gánh hết mọi khổ đau cho cô. Từ nay trở đi cô lại như một người bình thường...

- Tức là sao ạ?

- Tức là cô không nhìn thấu được linh hồn ai nữa, cô sẽ lại như tất cả các cô gái khác...

Tôi nắm tay Thúy. Chúng tôi về. Trên đoạn đường vắng, Thúy không nói gì, tôi bảo:

- Thế cũng hay cậu ạ, thật thật - giả giả, ma ma - người người phân định mà làm gì, tất cả vẫn nhòe nhoẹt ra đấy thôi.

Tôi không biết đó là tiếng gió hay tiếng Thúy trả lời nho nhỏ:

- Ừ.

__________________________________________________

Thời của tản văn và tạp bút

Độc giả sẽ vẫn yêu thích tạp bút, nếu không muốn nói hiện nay là thời của tạp bút khi quỹ thời gian của người đọc không đủ dành cho tiểu thuyết dông dài. Tạp bút, tản mạn đâu phải chuyện “thiên tào”, mà là chuyện rất người.

Năm 2005, khi quyển Tản mạn trước đèn của nhà văn Đỗ Chu nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, văn học Việt nam bắt đầu mở ra thời kỳ tạp bút xuất bản ồ ạt. Riêng NXB Trẻ đã cho ra đời 3 quyển tạp bút: Nghiêng tai dưới gió của nữ sĩ Lê Giang; Tạp bút Mạc Can dày hơn 300 trang in, Mùi của ngày xưa - tạp bút nhiều tác giả. Cùng thời gian, tạp văn Ngôi nhà và con người của nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cũng ít nhiều gây chú ý cho người đọc, dù trước đó đã đăng rải rác trên một vài báo. Rồi nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư..., tạp văn của họ đã mang lại nhiều thú vị.

Mảnh đất nhiều màu

Hầu hết trên các báo đều lần lượt có mục tạp văn, tạp bút hay tản văn..., đó là mảnh đất nhiều màu mỡ lẫn màu sắc cho các ngòi bút thể hiện đề tài mình muốn nói. Các tạp văn trong Ngôi nhà và con người của nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương phần nhiều đã được in trên các báo như: Người Lao Động, Phụ Nữ TP HCM, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... Nghiêng tai dưới gió của nhà thơ Lê Giang cũng thế, chị đã cho in báo trước khi tập hợp và chọn lọc in thành sách.

Kể cả nhà thơ Đỗ Trung Quân, người chuyên viết tạp bút trên các báo, cũng không phải là ngoại lệ trong cách làm sách t.a.p.b.u.t.đỗ. Từ ngày tạo dựng được thương hiệu ngòi bút truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư nhận được nhiều lời mời chào viết báo và lẽ đương nhiên chị không thể bỏ qua mảnh đất tạp văn luôn sẵn sàng “bén rễ” những hạt giống ưu tư của bất kỳ ai. Quyển Mùi của ngày xưa bao gồm 60 tác giả từng in trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật, tháng 8 này, cũng đã thành sách.

Từ lâu, thể loại tạp bút, tạp văn, tản văn... đã được nhiều nhà văn viết, đưa in trên các báo. Đầu tiên vì độ dài của một tạp văn tương đối nên rất tiện cho các báo xếp trang. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng: “Tản mạn khó viết hay không là tùy người. Nhưng tản mạn là gì? Thì tôi nói nó có thể viết gì cũng được. Và viết kiểu nào cũng được”. Vì theo nhà thơ họ Đỗ, tản văn không câu nệ hình thức cũng như đề tài nên không trói buộc người viết. Tuy vậy không có nghĩa là tản văn thấp kém hơn các thể loại khác. Mới đây, NXB Hội Nhà văn cho in tuyển tập tản văn và truyện ngắn hay về Hà Nội thật đồ sộ gồm rất nhiều tác giả lừng danh.

Tuyển tập chia làm hai phần tản văn và truyện ngắn cho thấy sự “bình đẳng” giá trị giữa hai thể loại. Còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gom chung tản văn và những kiểu lý luận phê bình viết như tản văn in chung thành một tập Giăng lưới bắt chim cuối năm 2005 và vừa tái bản vào tháng 6 năm nay.

Tản mạn hiện hình tự truyện

Trong lời tựa Nghiêng tai dưới gió, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận xét: “Tôi đọc, lại nghĩ mình đang đọc tự truyện”. Người đọc sẽ cùng chung nhận xét với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi bắt gặp nhiều mẩu chuyện như là hồi ký, nhật ký về những sinh hoạt đời thường của mái ấm nhà thơ Lê Giang.

Trong Nghiêng tai dưới gió, có những đoạn kể về sinh hoạt văn nghệ một thời của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn khi đi thực tế sáng tác trên Đăk Lăk (Tiếng sáo đêm Đăk Phơi)... Và bối cảnh ra đời bài hát Hãy yên lòng mẹ ơi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ khi “ông” chở “bà” đi chợ (Đi chợ với đàn ông). Những mẩu chuyện như thế, nhà thơ Lê Giang đã dùng tên tạp văn như là “lý do” để gọi cho những hồi ức, tình cảm, tự sự... của mình.

Nhà văn Mạc Can chân tình bộc bạch: “Tôi muốn viết tản mạn này theo hướng dẫn độc giả tập luyện cách nói chuyện và trả lời trong vỏ não”. Những người tự nói chuyện và trả lời trong vỏ não với dáng vẻ “ngây thơ” như thế ông cho đó là những hiệp sĩ đối lập với “người săn mồi”.

Khác với những tạp bút thường thấy trên các báo, tạp bút Mạc Can dài hơn rất nhiều và không dừng lại ở chuyện “hoa lá cành”, đôi khi nó là những cuộc đối thoại “mật mã” với những ai ông hay gặp bên ly trà đá. Mạc Can chỉ uống trà đá, có thể vì ông đã quen với quá khứ một thời từng đi bán trà đá rồi chăng? Đọc tạp văn của “nhà văn trẻ” này mà ngộ ra cảnh đời tác giả từng trải thì đó là tự truyện.

Một lần đọc tạp bút ngắn Ma và người của Nguyễn Ngọc Tư khiến tôi phải bật cười thú vị. Thì ra cô nhà văn hay nói chuyện “tưng tửng” này rất sợ ma. Dù đoạn cuối tạp bút Nguyễn Ngọc Tư bảo mình bây giờ sợ người hơn. Đó chỉ là cách nói cho đỡ sợ, vì theo Nguyễn Ngọc Tư: “Người sợ ma có trí tưởng tượng ghê lắm”. Tin rằng với trí tưởng tượng “ghê lắm” của mình, thì Nguyễn Ngọc Tư vẫn còn sợ ma vô cùng. Nên người đọc sẽ vẫn yêu thích tạp bút, nếu không muốn nói hiện nay là thời của tạp bút khi quỹ thời gian của người đọc không đủ dành cho tiểu thuyết dông dài. Tạp bút, tản mạn đâu phải chuyện “thiên tào”, mà là chuyện rất người.

nguồn: Văn học quê nhà

______________________________________

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Văn chương là hơi thở dấu ấn mọi kiếp người

Thi Thi

(HNM) - Tiểu thuyết "Hội thề" của Nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải A Giải thưởng tiểu thuyết (2006-2009) chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước đó, "Hội thề" đã được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và giành giải nhất cuộc thi kịch bản điện ảnh hướng tới Thủ đô nghìn tuổi.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân chia sẻ cùng bạn đọc Hà nội mới về tiểu thuyết này cũng như quan điểm văn chương của ông.

- Tiểu thuyết "Hội thề" được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi tiểu thuyết, thể loại "vua" của văn học, cá nhân ông có bất ngờ không?

- Được giải nhất hay không được giải gì cả, cũng không có gì bất ngờ với tôi. Con gà mái đẻ xong, nó rời ổ, cục tác vài tiếng và thường quên ngay quả trứng, lo đi nhặt thóc để làm quả trứng khác.

- "Hội thề" gửi gắm một thông điệp rất lớn về người trí thức. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về điều tâm huyết mà ông gửi gắm trong tác phẩm? Hà Nội đã qua 1000 năm tuổi, theo ông bài học lịch sử lớn nhất, cần phải phát huy mạnh mẽ kể từ thời khắc "nghìn năm" qua là gì?

- Trong tiểu thuyết của tôi, nhiều anh hùng chiến công đầy mình của khởi nghĩa Lam Sơn từng thị phi và nghi kỵ mấy ông nghè từ Thăng Long vào tụ nghĩa muộn, trong tay không công trạng gì ngoài cuốn Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi. Âu cũng là lẽ thường tình khi mấy ông tướng dũng mãnh có thừa coi khinh trí thức. Nhưng Lê Thái Tổ đã vượt qua tất cả bọn họ để chấp nhận và giao quyền rất cao, chức rất trọng cho những con đại bàng hun đúc được trí tuệ của đất Thăng Long văn hiến. Chính những trí thức lớn này của Thăng Long (Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Trú, Phạm Văn Xảo) đã chắp cánh cho cuộc khởi nghĩa bay xa, thoát ra khỏi nguy cơ trở thành một cuộc nổi dậy cục bộ và cầm chắc thất bại nếu không có chiến lược đúng đắn. Hội thề Đông Quan là cái mốc chói lọi "xưa nay chưa từng có" trong lịch sử dân tộc, thành quả của tầm nhìn vĩ đại và lòng thành trọng dụng trí thức của Lê Thái Tổ. Đó cũng là bài học của ngàn năm dựng nước. Cái đáng sợ nhất của bất kỳ triều đại nào là trí thức quay lưng bỏ đi, điều này giống như linh hồn lìa khỏi xác.

- "Hội thề" cho dù không "ôm" nhiều sự kiện lịch sử nhưng các nhân vật của gần bảy trăm năm trước sống động như đang ở đâu đây quanh ta. Ông quan niệm thế nào về tiểu thuyết lịch sử (phải bám bao nhiêu phần trăm vào sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử; đâu là ranh giới trong xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử…)?

- Lịch sử được ghi trong chính sử thường chỉ có một. Nếu có khác nhau thì cũng chỉ là một ít dị biệt mà thôi. Nhưng còn một lịch sử trong dã sử, trong truyền kỳ, trong huyền thoại… thường được truyền khẩu và cũng nhiều khi ghi thành sách. Rồi còn một lịch sử khác nữa trong tiểu thuyết, nở rộ từ thời Walter Scott (Anh), người kết hợp thành công bút pháp lãng mạn với tính nghiêm túc của lịch sử. Trong tiểu thuyết lịch sử, nhà văn mặc sức tưởng tượng những gì mà độc giả chấp nhận cho anh ta có quyền tưởng tượng để thể hiện sự lựa chọn hoàn toàn cá nhân. Nếu không dành được cho mình cái quyền đó thì nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử để làm gì?

- Ông có thể chia sẻ nhận định của mình về tiểu thuyết Việt Nam 5 năm qua? Điều gì làm ông vui mừng nhất và điều gì khiến ông lo lắng nhất. Ông có đọc và chú ý tới các cây bút trẻ viết tiểu thuyết hiện nay không? Có gương mặt nào mang lại cho ông những trang viết bất ngờ, thú vị?

- Các nhà văn trẻ hơn lớp chúng tôi là viết rất hay về những gì họ muốn viết. Bằng ngôn ngữ, phong cách của họ. Tôi không viết được như họ và cũng không nên "cưa sừng làm nghé" để viết như họ. Tôi sẽ viết theo kiểu của tôi, tất nhiên cũng phải biết thay đổi, biến hóa vì đó là đòi hỏi của sáng tạo. Mới lạ rất đáng quý. Nhưng có một điều các nhà văn mọi thế hệ không được quên: "Văn chương là hơi thở liên tục ghi lại dấu ấn của mọi kiếp người đã đến và đã đi qua, những gì xa lạ với con người, ở bên ngoài con người thì cũng đồng thời ở ngoài văn chương".

- Sắp tới ông có dự định hoặc đang bắt tay viết tác phẩm mới nào không?

- Tôi đang viết trên bàn phím máy laptop và thấy nốt phím bị mòn nhiều nhất là phím "xóa". Có ba cái khó của một nhà văn già: viết khó, tự đánh giá khó (khó tính nên hay "xóa") và cái thứ ba, công bố càng khó (cái này ở nước ta thì ai cũng biết). Nhân dịp này cho tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với NSND, đạo diễn điện ảnh Hải Ninh, người đã rất tâm đắc và cổ vũ tôi đưa dấu ấn Hội thề Đông Quan vào nghệ thuật điện ảnh, cám ơn các nhà sử học từng viết rất nhiều sách về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, họ cho tôi sử liệu đã đành mà còn truyền cho tôi cảm hứng. Theo tôi, trong những gì nền sử học hiện đại làm được cho đến hôm nay, những nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa này là hoàn chỉnh và giá trị nhất.

- Xin cảm ơn nhà văn!

______________________________________________

Trần Ninh Hồ từ văn đến thơ và…

Nguyễn Đức Huệ

Trần Ninh Hồ là vậy, đằng sau cái vẻ khôi hài cười cợt, lãng tử phong tình ẩn chứa những nỗi niềm đắng chát, những trăn trở suy tư về sự biến thiên thời vận, sự quái đản của cuộc đời trong những guồng quay đảo lộn, khiến cho đôi mắt luôn nheo cười ấy nhiều lúc bỗng trở nên giá lạnh như băng.
Giở danh mục “Nhà văn ta đang làm gì?” tuần này (cái danh mục mà tôi đã cất công chuẩn bị từ hơn nửa năm nay), thấy tên bác Trần Ninh Hồ, thoạt tiên mừng lắm. Nhà anh ở ngay Ngã Tư Sở, gần khu phố nhà tôi, có thể ới một câu là đến. Nhưng sau vài phút nghĩ suy lại thấy hơi cấn cái. Cả làng văn ai cũng biết các nhà văn ta thường có tác phẩm ứng cử vào giải thưởng hàng năm của Hội và sẽ chính thức xét giải vào tháng 12. Mà tháng 12 lại sắp đến rồi, nếu bây giờ không chỉ nói riêng một vị thì… không khéo người ta lại nghĩ mình làm “phờ rờ” cho cánh hẩu cũng nên ấy chứ!
Nhưng việc phải làm cứ phải làm thôi. Vả lại ai chứ bác Trần Ninh Hồ đâu phải cái dân từng “lảo đảo trường ốc” bao lần lều chõng đi thi mà không đậu? Cách đây hơn chục năm (nếu không nhầm thì là năm 1996) anh đã từng “ẵm” giải thưởng thơ của Hội, chưa kể một xâu giải thưởng của báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Giải phóng… tính từ khi khởi nghiệp đến giờ, chưa kể hàng chục truyện ngắn hay, thơ hay được đưa vào tuyển tập, tổng tập văn học, vào sách giáo khoa, được ghi trên các “cây thơ” hoặc thả lên trời trong những dịp Hội Nhà văn tổ chức Ngày Thơ hàng năm rất là hoành tráng. Ô, nếu bây giờ đem những thành tích đó gộp vào, xếp lên chưa biết chừng còn cao vượt đầu tác giả, phải đến mét sáu, mét bảy, có dư ấy chứ!
Dân Kinh Bắc vốn nổi tiếng hào hoa bậc nhất, ai mà không kính nể. Chưa cần về đến Bên kia sông Đuống, chỉ quanh đất Hà Thành đây thôi khối anh tài, và trong nghiệp văn xem chừng vị nào cũng đã dày công tu luyện cả, ngoài sư ông Hoàng Cầm vừa viên tịch còn có các sư bác Nguyễn Bản, rồi các sư huynh Đỗ Chu, Nguyễn Phan Hách và cố nhiên không thể không tính đến sư… Hồ.

Không biết đến bao giờ tôi thành Phật thành tiên
Hai mươi tuổi làm sao tôi “tu” kịp
Tôi cũng không sao yêu những tính toán so đo trần tục
Tình yêu là một thứ điên điên, một thứ rất… phiền!

Đó là đoạn thơ trích trong bài Chuyện tình người trẻ tuổi của anh. Bài thơ được viết từ năm 1962, khi Trần mới mười chín tuổi, vừa đoạt giải thi Học sinh giỏi văn toàn quốc, lẽ ra được xét đặc cách vào đại học nhưng vì vướng tí thành phần nên anh đã tình nguyện đi Thanh niên xung phong, lên mãi trên Việt Bắc. Bài thơ phản ánh đúng tâm trạng tác giả lúc bấy giờ, vậy mà không hiểu sao mãi đến gần đây anh mới đưa vào tập thơ Nhớ và quên. Nhiều bài thơ khác cũng vậy, tác giả viết từ lâu rồi nhưng bây giờ mới cho ra mắt bạn đọc phải chăng vì thế mới sinh ra cái tiêu đề tập thơ như thế?

Em gieo tình yêu hồn nhiên như đèn toả sáng
Như dòng sông gieo hoa đỏ đôi bờ
Hoa cỏ thì toả hương sông mải trôi nào biết
Như ánh đèn đâu biết những trang thơ

Thơ viết từ ngày xửa ngày xưa đấy, bây giờ đọc vẫn tươi nguyên, như thể vừa mới viết xong còn chưa ráo mực, trách nào đến giờ anh vẫn cứ trẻ trai như thuở ấy.
Lại nói về chuyện nhớ và quên. Xung quanh chuyện này giữa tôi và Trần Ninh Hồ có một kỷ niệm, nhỏ thôi nhưng rất đáng nhớ. Cách đây hơn ba chục năm, hồi tôi mới tập tọng viết văn, khi đó người viết chưa nhiều như bây giờ và cái gọi là “văn học công nông binh” đang được đề cao nên ngay từ tác phẩm đầu tay, tôi đã được trao giải thưởng rồi được Hội Nhà văn triệu tập về dự trại sáng tác ở Quảng Bá. Tại đây có một dãy nhà tập thể dành cho cán bộ nhân viên đang công tác ở các cơ quan hội. Trần Ninh Hồ lúc đó làm biên tập viên báo Văn nghệ, được phân một căn hộ ở khu này. Anh có một mình nên buổi tối đi làm về thường la cà sang chỗ mấy anh em “trại viên” tán chuyện. Một lần vào phòng tôi, thấy có cuốn sổ ghi chép, anh liếc qua mấy trang rồi bảo: “Mày ghi chép linh tinh thế làm gì?” Tôi đáp: “Đây là em bắt chước bác Tô Hoài. Đọc cuốn Sổ tay viết văn của bác ấy thấy rất bổ ích, nên mới học theo”. Anh lắc đầu cười: “Mỗi người viết có một cách làm riêng. Tao thì ngược lại, chẳng bao giờ ghi chép. Cái gì cần nhớ sẽ nhớ, không cần nhớ sẽ quên. Mà văn chương nó hay ở cái mình nhớ chứ!”. Tôi nghe có lý, bèn bỏ luôn thói quen này. Quả nhiên càng về sau tôi càng thấy Trần Ninh Hồ nói đúng, mỗi khi viết cái gì, những gì cần nhớ lập tức được huy động, không cần đến sổ tay ghi chép, dù chỉ là để kiểm tra xem chi tiết mình viết ra có xác thực không như bác Tô Hoài dậy. Có lẽ cái cách của bác ấy là nhằm viết bút ký hay hồi ký chứ không chỉ nhằm viết truyện.
Hồi ấy Trần Ninh Hồ đã khá nổi tiếng. Anh mới ở chiến trường Đông Nam bộ về được ít lâu rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều vốn sống, lại đang sung sức, đầy hứng khởi, viết rất nhiều, hết truyện đến thơ, hết văn đến kịch, lại còn tạt ngang tạt ngửa, viết cả cho thiếu nhi và sưu tầm biên soạn các loại sách nghiên cứu nữa. Thôi thì đủ loại, ngòi bút tha hồ tung hứng, các báo tơi tới đặt bài. Có lần được báo Tiền phong giới thiệu hẳn một trang như nhà văn cỡ lớn, anh khoái quá sang rủ tôi lên mãi phố Bát Đàn gần chợ Đồng Xuân, đãi liền một lúc hai bát phở. Sau đó đi dạo quanh Bờ Hồ, trò chuyện, đọc thơ. Được ăn phở thì đương nhiên phải khen thơ rồi, nhưng quả là thơ anh hay thật. Cũng viết về Ngã ba Đồng Lộc, anh không sa vào tình trạng tả thực như nhiều người khác mà vẽ nên một cái gì đó rất mơ hồ nhưng đầy sức truyền cảm về sự hi sinh của những người nữ TNXP nơi tuyến lửa. Họ như những “vầng trăng sớm” lưu luyến bao nhiêu cái “ánh ngày” tươi sáng của cuộc đời này:

Một phương gió thổi qua chiều
Một màu mây với rất nhiều nhớ thương
Một con đường khuất trong sáng
Một vầng trăng sớm còn vương ánh ngày…

Theo trí nhớ của tôi thì thành công đầu tiên của Trần Ninh Hồ, hay nói cách khác là anh khởi nghiệp bằng văn (xuôi) chứ không phải thơ. Truyện ngắn anh viết cũng tài, năm 1971 đã được giải Nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ, gần như cùng lúc với cuộc thi Thơ mà Phạm Tiến Duật đoạt giải Nhất. Hồi ấy được giải báo Văn nghệ là ghê lắm, cụ Xuân Diệu khi trao giải cho Phạm Tiến Duật còn phải nhún mình nhận là “lão Ô thái tuế” và gọi anh là “Đại bàng non” kia mà. Nhưng cái mà Trần Ninh Hồ tâm huyết hơn cả và có lẽ cũng thành công hơn cả, vẫn là thơ. Có người nói rằng văn xuôi, nhất là tiểu thuyết với đặc thù và dung lượng của nó mới có thể chuyển tải hết những điều tác giả muốn nói cùng bạn đọc, nhưng với Trần Ninh Hồ, tôi lại cảm thấy hình như với thơ, anh nói được nhiều hơn, kí thác được nhiều hơn so với những gì anh viết ở thể loại khác. Người ta nói thơ anh rất phong tình, đúng vậy, nhưng đằng sau sự phong tình đó luôn được thể hiện bằng một cách nhìn riêng, đôi khi có vẻ như một nghịch lý. Thường thì các nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên quyến rũ con người, làm say lòng người, nhưng anh thì ngược lại, chính vẻ đẹp con người quyến rũ thiên nhiên:

Mảnh vườn em qua ngày đó
Lá xanh bay theo tóc mềm
Cỏ xanh tràn theo gót nhỏ
Để giờ vườn hoá vô biên

Có lẽ do cách nhìn khác người như vậy, thường anh viết khá dễ dàng, nhìn đâu cũng ra được tứ thơ. Một đề tài muôn thuở như vầng trăng, anh có đến 16 bài tứ tuyệt, mỗi bài một góc nhìn, một phát hiện nhỏ thôi, nhưng thật thú vị:

Nhìn thế nào mà thấy cây đa
Cuội thổi sáo và trâu gặm cỏ
Ai xưa nghĩ chuyện này khi trăng tỏ
Có phải trong đêm người ấy xa nhà?

Hay trong bài Trăng hạ tuần, dù hơi phảng phất hương vị Đường thi, vẫn thể hiện cách nhìn riêng chỉ Trần Ninh Hồ mới có.

Có vầng trăng vàng thắm
rụng mãi vào đêm sâu
Hình như nó chạm đất
tan thành sương trắng đầu?

Hay là:

Mãi thức làm thơ mong tặng em
Hết trăng khuya khoắt lại chong đèn
Nào hay gương mặt em - thơ tặng
Mờ cả trăng khuya, nhạt cả đèn!

Ồ, thì ra cái gương mặt mà mình yêu dấu kia bao giờ cũng mang những nét đẹp tiềm ẩn đến mức không dễ gì thơ đạt tới. Và phải chăng vì thế, làm thơ về tình yêu, hay ta quen gọi là thơ tình, vẫn luôn là niềm đam mê của mỗi nhà thơ.

Con người trưởng thành theo năm tháng, người làm thơ cũng vậy. Càng sống nhiều, đi nhiều, tầm mắt càng rộng mở thì tư duy càng chín. Có trường hợp vì thế thành ra bị sốc, mất đi cảm xúc sáng tạo. Nhưng Trần Ninh Hồ luôn tỏ ra bền bỉ, không lỡ nhịp bao giờ. Nếu như trong các tập thơ trước đây, anh được xem làm nhà thơ lãng tử phong tình thì sau này anh lại nghiêng về sự chiêm nghiệm và đôi khi phản tỉnh:

Các học thuyết, tuyên ngôn, cương lĩnh bây giờ
nhiều hơn cả thời “Bách gia chư tử” !
nhiều như thể triết học cũng… cập nhật!
như những bản tin
rào rào mưa đổ

làm mệt nhoài những computer!
Cứ tưng tửng khơi khơi như thế, vậy mà đôi khi làm người ta phải giật mình trước một điều gì đó, tưởng rất giản đơn nhưng vô cùng hệ trọng:

Kẻ yêu ta nhiều nhất chắc chắn là thời gian
Đã cho ta biết lẫy, biết bò, biết đứng dậy
Rồi biết nói. Ôi chao là biết nói
Giữa lạnh im. Chợt tất cả nồng nàn
Nhưng rồi kẻ coi thường ta nhiều nhất lại là Thời gian
Chẳng hề biết từng có ta đi đường nói cười giữa trời đất
Khi tất cả những đi đứng nói cười của ta kia không còn gì đáng nhớ thật
Chỉ là những bắt chước vụng về vô ích những - trôi - qua…

Không chỉ găm ý tưởng sâu xa vào trang viết, bên cạnh đó còn thể hiện một thái độ. Và thái độ của Trần Ninh Hồ trong thơ anh, cũng giống y cái tính ngỡ như tếu táo và láu lỉnh của anh, là một nụ cười rất “liền anh liền chị”:

Có cuộc thi văn chương dựng lên như xới vật
giải nọ giải kia như đánh cá, cua
Có người viết như giành cơm giật áo
Mới “lên đài” đã sặc máu ăn thua !
Người đi gặt gánh về toàn thóc lép
Cứ thấy rạ rơm là bảo… được mùa!

Nhưng những bài thơ tôi thích nhất của Trần Ninh Hồ, vẫn là các bài viết về cái sự “quên quên nhớ nhớ” của anh. Thật cảm động khi anh viết về nhà văn Nguyễn Khải sau khi ông mất ít lâu:

Điện thoại vẫn ở trong bộ nhớ
Đôi khi chợt bấm, vội thôi
Mỗi lần đi qua nơi ấy
Định ghé. Nhưng đâu còn người!

Phải bao ngày mới quen được
Rằng không còn nữa trên đời
Một người thường đi phía trước
Trên mọi khúc quanh đời tôi

Và phải chăng cũng do cái sự luôn “nhớ nhớ quên quên” ấy, thỉnh thoảng anh lại giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya:

Tôi thường có nhiều đêm choàng tỉnh
Mà không sao hiểu được vì sao
Mắt ráo hoảnh như chưa từng ngủ
Không bâng khuâng, không chút cồn cào
Cũng không có câu thơ nào đến cả
Những câu thơ từng ước vọng động trời
Chẳng có lẽ vô cùng tĩnh lặng
Và êm đềm đã đánh thức tôi?

Trần Ninh Hồ là vậy, đằng sau cái vẻ khôi hài cười cợt, lãng tử phong tình ẩn chứa những nỗi niềm đắng chát, những trăn trở suy tư về sự biến thiên thời vận, sự quái đản của cuộc đời trong những guồng quay đảo lộn, khiến cho đôi mắt luôn nheo cười ấy nhiều lúc bỗng trở nên giá lạnh như băng:

Nước mình làm gì có tuyết
Mà trong thơ tuyết đầy trời

Bảo giả ừ thì cũng giả
Bảo thật thì là thật thôi!

Tuyết không rơi ngoài trời đất
Mà hình như từ hồn người

Có thể hôm nay chưa tuyết
Mà ngày mai tuyết mới rơi?

Những câu thơ thao thức không yên như thế của Trần Ninh Hồ hình như rất đồng điệu với tâm trạng của nhà văn Đỗ Chu, đến mức ông đã lấy nó để mở đầu cho một vệt tuỳ bút “Tản mạn trước đèn” rất đặc sắc của mình in trên báo Văn nghệ cách đây chưa lâu:

Giật mình quen thói đèn khuya
Chợt buồn ai thức mà chưa với mình
Nào hay người chẳng vô tình
Trong mơ người cũng lặng thinh mà buồn…

Đọc Trần Ninh Hồ những năm gần đây, nhất là tập thơ Nhớ và quên ra đời năm 2008, có cảm giác anh đã đến độ lão thực, nhìn thấu mọi điều và đang có ý định lui về ở ẩn. Nhưng không phải vào nơi thâm sơn cùng cốc mà ở ẩn ngay giữa chốn thị thành. Ấy mới là cao! Hình như xưa nay kẻ thức giả vẫn khen nhau như vậy.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ

Tên khai sinh: Trần Hữu Hỷ
Sinh ngày 23 tháng 7 năm 1943.
Quê quán: Làng Sen Hồ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1976)
Tác phẩm chính:
- Thơ: Trăng hai mùa (1976); Viết cho một người (1990); Thấp thoáng trăm năm (1996); Giấc mơ vách núi (1999); Thơ gửi cho thơ (1999); Lữ thứ với con người (2004); Cho người tôi thương nhớ (2005); Nhớ và quên (2008)
- Tập truyện ngắn: Vườn hoa cổng ô (1976); Ở trận (1976); Điều không ngờ tới (1984); Thư cuối năm (1985).
- Bốn tập truyện ngắn và một tập truyện dài: Đường đến trường cho thiếu nhi
- Nhiều bài bình luận về lịch sử, văn học, nghệ thuật, xã hội trên báo…

(Văn nghệ)
____________________________________________________________

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Khói trời lộng lẫy

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư


1

Nghe tiếng mưa khi mưa hãy còn xiêu xiêu ngoài sông, rồi mưa băng qua bờ lá có căn chòi hoang ở phía Nam cồn, ào vào bãi đất xơ rơ những thân lau sậy cháy, giờ thì mưa đã dội trên mái nhà, trượt theo những đuôi lá mục mưa thả mình vào đất. Khe vách rách rã chẻ mỏng những ngọn gió ướt, chém ngọt qua người, lạnh rởn lỗ chân lông.

Tôi lụi hụi ngồi dậy đắp mền cho thằng Phiên. Tấm mền ngắn ngủn, mong ấm cổ thì hở chân, che kín đôi chân thì phong phanh vai trần. Lại chạm tay vào nó như thường chạm khẽ trong đêm. Có lúc thằng nhỏ hơi mỉm cười, có lúc nó càu nhàu rồi lăn sát vách mùng, có khi nó quạu quọ gạt tay tôi ra. Nó phản ứng kiểu nào tôi cũng vui bởi ý nghĩ, nó còn ở bên tôi.

Nhưng khuya nay, khi tay tôi vờn trên cái mũi lấm tấm mụn của Phiên, khi cái đầu gối xương xẩu của nó co lại thúc vào sườn tôi đau nhói, vẫn cảm giác thằng nhỏ đang rời đi xa lắm rồi. Nó đi trên chiếc xáng cơm cùng những gã đàn ông lạ. Chiều qua, chiếc xáng đã nhổ neo rời khỏi cồn. Nhưng mưa mùa triền miên cùng với những cơn giông gió cũng không ngăn được nó quay lại, càn rướn vào rặng ô rô rách bươm.

Và không có gì ngăn gã đàn ông trên chiếc xáng kia tới tìm tôi, với vẻ nham nhở thường ngày, hỏi tôi suy nghĩ tới đâu rồi. Nham nhở như gã của ba ngày trước, khi chìa ra một vuông báo cũ ố vàng và khiêu khích hỏi tôi có gì để đổi không. Mảnh giấy nhỏ nhoi ngó chừng vô nghĩa nhưng gần như tôi không có gì đáng giá đánh đổi, ngoài chính tôi. Gã chỉ chờ đợi điều đó thôi, khẽ cười đắc thắng.

Nhưng tôi câm lặng không phải vì tuyệt vọng mà vì những bức ảnh trong bài báo phất phơ trên tay gã. Ba tôi, Anh, và tôi của ngày hai mươi ba tuổi. Tấm hình tôi dán trong bộ hồ sơ xin việc, mặt quang quẽ, tóc vén lên vành tai, nhìn thẳng, hơi mỉm cười nhưng mắt tối. Trên bài báo, ba cái ảnh nằm gần như cạnh nhau, nhưng hai người kia đang tuyệt vọng tìm tôi. Ngày trên trang báo dừng lại ở mười ba năm trước.

Ngày hai mươi ba tháng tám. Không biết bữa đó tôi với Phiên đang ở trên chuyến xe đò nào trong một lộ trình trốn chạy. Ngày hôm đó, có thể chúng tôi đang ôm nhau ngủ còng queo trong một toa xe lửa hôi sặc cứt gà, một phòng trọ mốc meo, có thể chúng tôi đang ngồi tàu đò, lúc đi qua cái cồn xanh mịt những rặng dừa nước, rặng bần có ai đó thở dài ứ hự, “cho tui nhiêu tiền cũng không lên cái cồn Bần này ở, buồn thấy mẹ…”, tôi liền kêu tàu ghé lại. Anh tài công xửng vửng, chắc hôn vậy, chắc chỗ này không, tôi gật đầu cười, bồng Phiên bước lên bờ, nói về tới nhà rồi, cưng ơi.

Chiếc tàu de khỏi bờ lá, Phiên vẫn đang ngái ngủ trên vai tôi, không biết rằng từ nay nó sẽ sống một cuộc đời khác, với cỏ cây, với sông nước, và vài ba nóc nhà thưa thớt của xóm cồn.

2

Khoảng cách ngàn cây số cũng không ngăn được những chiêm bao. Có thể ban ngày tôi thường nhớ, khi ngó cỏ cây, nhìn những người xóm Cồn í ới giúp tôi lợp nhà, ven vách, nhìn Phiên lửng đửng đi từng bước trên đất… tất cả đều quen thuộc. Như những gì cất giữ ở Viện di sản thiên nhiên và con người.

Mỗi chiêm bao là một lát cắt, một cảnh phim dang dở về nơi đó. Có khi tôi thấy vía mình ngập ngừng đi vào một tòa nhà cũ chìm lút trong một khuôn viên um tùm cây cỏ. Qua mấy bậc tam cấp gãy nứt nối với khoảng hành lang hơi tối có vài căn phòng khép cửa. Cuối lối có mảnh sân rộng nằm giữa tòa nhà, nắng sáng rót lưng chừng. Nhiều tấm pano được treo trên bốn bức tường vây quanh, giăng giăng những khẩu hiệu, bên này là “giữ gìn cái đẹp của nhân loại như giữ nhịp đập trái tim mình”, “Cái đẹp thường mong manh và tàn nhẫn, chúng ta sẽ chạm vào điều kỳ diệu giữa cơn đau”, bên này là “cần có một tâm hồn lớn để cảm thụ những cái đẹp cuộc đời”. Chữ nào cũng chắc nụi, lớn lao.

Vía tôi bị chữ hù, cứ hí húi đong đếm coi tâm hồn mình bao lớn, rồi vía thấy một dòng chữ khác được đắp nổi lên tường, “Không có gì là mãi mãi, hãy cất giữ thế giới này”. Vía tò mò, hồi nhỏ tới giờ chỉ biết đất nước muôn năm, anh hùng muôn năm. Ở đây họ nói không có gì là mãi mãi.

Tò mò quá, vía đẩy cửa vào.

Và trong những chiêm bao hao khuyết tôi từng đêm, những cánh cửa của tòa nhà Viện di sản thiên nhiên và con người luôn mở ra rất chậm, sau tiếng kèn kẹt là vùng ánh sáng chói lòa, như thể phía tôi là bóng tối.

Khi đó thằng Phiên lăn sát vào tôi, hay chân nó đập xuống giường trong lúc trở mình làm tôi thức giấc, ký ức vẫn tiếp tục mở ra những cánh cửa, mở ra những rung động, bất ngờ. Một vài căn phòng giống như biển, ngay lập tức khiến tôi chìm sâu, ngộp thở, nhưng tôi hoàn toàn không muốn vùng vẫy, chạy trốn. Lý do đôi lúc chỉ vì trong đó có người đàn ông giống như một người nào đó tôi đã gặp trong đời, một người tôi đã mất dấu.

Nhưng người đàn ông phỏng vấn tôi hôm xin việc không tỏ ra chút nào quen biết, anh ta hờ hững và xa lạ, lơ đãng khép mở hồ sơ trên tay, lơ đãng hỏi một câu lơ đãng, em có kinh nghiệm gì?

Trời, kể hết chắc tới mai. Tôi đã từng rửa chén và phục vụ ở nhà hàng, sơn tường nhà, phát tờ rơi, chăn trẻ con, xé vé ở rạp chiếu phim… và tôi còn có khả năng tươi cười, bất kể hoàn cảnh nào. Nhưng chẳng hiểu sao khi anh gác chân còn lại lên bàn, tôi lại nói ra một kinh nghiệm kỳ lạ:

- Tôi lắng nghe người ta nói.

- À, vụ này hay nghen, vậy chớ em nghe làm sao?

Tôi nhìn mấy tờ giấy bay lắt xắt trên bàn, và nghĩ mình có quyền nói dóc là trực đường dây nóng cho sản phẩm dầu gội hay thuốc diệt muỗi abc nào đó. Nhưng tôi ngước lên, cố bắt chước vẻ giễu cợt của anh ta, làm bộ điều tôi nói ra đây không quan trọng, “cũng lâu lâu rồi, tôi có làm bồ mướn”.

À, người đàn ông không biến sắc, anh ta làm như mới nghe nói tới nghề này lần đầu, nói lạ quá, em kể thêm chút nữa đi. Tôi dùng hết vẻ thản nhiên mà tôi vơ vét được, thuật một câu chuyện mà tôi biết nó chán òm. Có lúc không tìm ra học phí, bạn bè nói làm bồ mướn cũng có tiền, rồi giới thiệu cho tôi một anh. Chúng tôi gặp nhau không đem quá khứ theo, không có cả tên, gọi anh ơi em ơi như mặc nhiên tên họ là Anh tên tôi là Em. Những cuối tuần, tôi nín thở chờ điện thoại run lên và Anh nói sẽ đón. Chúng tôi đi ăn, uống, đi tới những cái quán nước vắng người để ngồi chơi. Có khi anh nói, tôi nghe. Có khi Anh không nói gì thì tôi im lặng, im lặng cũng là cách lắng nghe. Cao trào của mối quan hệ này là một lần Anh bật khóc nên tôi cho mượn vai. Tóc Anh hơi rối làm cổ và má tôi nhột ran, cả người tê dại, nhưng tôi cố chịu, vì tôi là bồ mướn. Nên vai này coi như được trả tiền rồi.

- Chúng tôi… không đi xa.

- Đi xa là đi đâu? – Lại giễu cợt.

- Từ eo tôi trở xuống.

Tôi quyết định dừng câu chuyện ở đó, giữ đoạn cuối trong lòng. Sau bữa cho mướn vai, tôi bỗng nghĩ, thôi kệ, đi xa cũng được, nhưng Anh không bao giờ gọi nữa. Không có tăm tích nào trên đời, như một giấc mơ vậy. Tôi buồn xanh xương. Không bao giờ tôi hình dung mình gặp lại giấc mơ xưa trong căn phòng này, vẫn gương mặt phớt đời, vẫn cái nhìn ngạo nghễ, và vẻ lạnh lẽo xa xôi.

Tự dưng, tôi thèm muốn tìm được một công việc nào đó ở đây, quét lá cây trong vườn cũng được. Buổi phỏng vấn là một cơn nín thở, và òa vỡ khi người đàn ông xốc xấp giấy tờ lại, bắt tay tôi:

- Từ giờ cô sẽ lắng nghe thiên nhiên nói.

Cái kiểu bắt tay cũng hờ hững, đầy vẻ ban ơn. Tôi không thấy phiền chút nào hết. Tôi vui muốn chết.

3

Chuyện đời tôi được người xóm Cồn đồn đoán, thì thầm rằng, yêu một người bị gia đình phản đối, tôi bất chấp trốn nhà theo anh ta, sinh thằng Phiên, rồi bị anh ta bỏ, không biết đi đâu về đâu, tôi tạt qua xóm Cồn ở tạm, chờ ba má tha thứ tôi sẽ dẫn con về. Chưa bao giờ tôi kể, nhưng ánh mắt u tối của tôi, thằng nhỏ đang lẽo đẽo dưới chân tôi, kiểu cười tránh những câu hỏi khó, tất cả đã nói thay.

Rằng tôi tới đây chờ đợi một sự lãng quên, giống ông Sáu Câu từng chịu án giết người, giống chị Thắm lẩn tránh những đòn ghen của bà vợ lớn, giống chị Thiện bỏ lại ở quê chồng con và món nợ hụi hè … Những người mà họ nợ dù tình cảm hay tiền bạc, biết họ ở đây, nhưng không ai đuổi theo. Cái cồn nằm giữa dòng sông Mê mênh mông, tự nó như một chốn lưu đày.

Chân trời chỉ nước và cây, mặt trời mọc trên sông rồi lặn vào sông, bờ Bắc bờ Nam nhiều bụi rậm mọc hoang lẫn trong những chòm cây cối. Chiều nào bìm bịp kêu, nắng chìm lỉm theo. Tôi hay nhìn về đó, tự hỏi người ta còn tìm kiếm tôi không?

Một ông già vác cần câu đi qua, hỏi tôi, nhớ nhà hả cô?

(còn nữa)
_________________________________________________

Những năm cuối đời của nhà văn Bút Tre

Hà Văn Thể

Tôi đã nhiều lần qua lại cái bến Vực mà ông đã qua, cũng nhiều lần đứng trên con đò sang sông nhìn về cái làng giữa sông cách đó chừng vài ba trăm mét phía Ba Gò, xã Sơn Quang và tôi cũng từng làm thơ về bến sông này, nhưng vẫn không thể cảm nhận tự nhiên rất thật như ông: "Con đò dịch đít sang ngang/ Bên kia có một cái làng thò ra". Vâng, sự vật dịch chuyển thì đúng như thế, mà câu thơ Bút Tre viết, đọc lên cứ là lạ, buồn cười.

Ông với tôi là người cùng một làng. Ông ở thôn trong, tôi ở thôn ngoài. Làng Vạn Thắng này xưa vì đường sá chưa có, nên muốn đi ra ngoài phải qua sông Thao, sang thị xã Phú Thọ, rồi mới có ôtô, tàu hỏa. Khi ông nghỉ hưu về quê, tôi còn đang học phổ thông, lại là người cùng làng nên ít nhiều biết về ông, nhất là những năm tháng cuối đời của ông ở quê nhà.

Ông tên là Đặng Văn Đăng, sinh năm 1911. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đi dạy học ở Tuyên Quang, rồi về dạy ở quê. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông thoát ly công tác ở Ban Thi đua Khu 10. Sau cải cách ruộng đất, ông được điều về Bộ Ngoại giao làm thư ký cho Bộ trưởng Ung Văn Khiêm một thời gian, sau đó ông lại về Phú Thọ, làm Trưởng phòng Thông tin, thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh. Đến năm 1962, ông được đề bạt Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ.

Nhớ lại những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta chủ trương các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Hưởng ứng cuộc vận động này, Nhà xuất bản Phổ thông bấy giờ cho phát hành nhiều tập sách in các bài diễn ca, văn vần dễ thuộc, dễ nhớ để tuyên truyền. Chẳng hạn phê phán nạn tảo hôn có bài "Trời mắc oan": "Chuyện đâu có chuyện nực cười/ Chú bé lên mười lấy vợ mười lăm/ Nửa đêm vợ bế đi nằm/ Chẳng may chú bé đái dầm ướt chăn/ Sáng ra nghe mẹ chữa rằng/ Đêm qua mưa dột ướt thằng con tôi/ Chuột kêu rúc rích đầu hồi/ Ai gây nên nỗi cho trời mắc oan".

Trong bối cảnh như thế, lại là Trưởng ty Văn hóa xông xáo nhiệt tình, ông Đăng cũng rất hào hứng sáng tác thơ, với bút danh Bút Tre, để tuyên truyền cho các cuộc vận động ngay tại tỉnh nhà. Ông viết về làng quê trung du đang từng ngày đổi mới: "Từ sông Lô đến sông Hồng/ Con đò ban sớm, cánh đồng chiều hôm/ Ngọt khoai, bùi sắn, thơm cơm/ Xanh tươi vườn tược, vàng ươm ruộng đồng". Hoặc cổ động cho phong trào trồng cây: "Cờ cắm, chữ chăng khắp nẻo đường/ Trồng cây ai đó hát trong sương…".

Ông Vũ Kim Biên là người nghiên cứu văn hóa dân gian, rất gần gũi với ông Đăng, hiện còn lưu giữ nhiều bài thơ của ông, nhận xét: "Bút Tre không bao giờ viết về những điều nhảm nhí và cũng không chủ định làm thơ gây cười, tuy nhiên ông vốn tính dễ dãi, đôi khi sa vào tự nhiên chủ nghĩa, viết nhanh, viết một lèo không cần sửa nháp, nên thường mắc vào các lỗi như: ngôn ngữ đơn giản, thô mộc, ít tinh tế, còn nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp; thấy vần là ghép làm cho ý thơ chạy lung tung, chuyện nọ xọ chuyện kia; có câu bí vần, tối nghĩa phải làm chú thích". Chính vì thế, mặc dù không chủ ý làm thơ gây cười, nhưng một số câu thơ của ông khiến độc giả khi đọc lên vẫn không nhịn được cười: "Tàu xe đi lại nhịp nhàng/ Thái Nguyên - Yên Bái, lại càng Lào Cai" hoặc:"Đồng Lương- Phú Lạc, Sai Nga/ Bao nhiêu lợn nái, trâu cà bấy nhiêu"… và một số câu khác không tiện trích ra ở đây. Từ năm 1962, chỉ trong vòng 1- 2 năm, ông đã sáng tác ba tập: "Quê hương Phú Thọ", "Phú Thọ lớn lên" và "Rừng cọ đồi chè". Với chức Trưởng Ty của ông lúc đó, ông quyết định cho in liền ba tập thơ. Khi các tập sách ra đời đã bị phê phán kịch liệt. Nhiều ý kiến từ Trung ương đến tỉnh, yêu cầu phải kiểm điểm rút kinh nghiệm từ công tác xuất bản, đến nội dung nghệ thuật, chủ yếu là sự non nớt, tùy tiện trong nghệ thuật thơ Bút Tre.

Ông Hà Văn Hiệt, nguyên Phó ty Văn hóa, người được chứng kiến và phải tham gia giải quyết sự việc lúc đó, cho biết: Mặc dù bị phê phán, nhưng ông Đăng vẫn không chịu. Ông cãi rằng: "Tôi chỉ làm vè tuyên truyền, ai cần đọc thì đọc, còn không thì tôi sáng tác cho tôi". Từ đó, Bút Tre vẫn sáng tác, nhưng không in một chữ nào nữa. Dư luận làng Đồng Lương bấy giờ, nhìn chung cũng không ai thích thơ Bút Tre và cũng không để ý lắm về hiện tượng này.

Năm 1973, ông Đăng nghỉ hưu, về quê từ cương vị Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Phú. Ngày về vẫn chỉ có một chiếc xe đạp cọc cạch và một bọc sách đèo đằng sau. Về hưu, có thời gian, ông Đăng còn sáng tác nhiều hơn. Chị Vi Thị Lương, con dâu ông, năm nay 57 tuổi, kể lại: Ngày ông về, cả nhà ở trong ngôi nhà tuềnh toàng, hai hàng cột, tranh tre nứa lá. Nhà nghèo có gì ăn nấy. Ông thích nhất là món súp sắn. Nói là súp cho sang, chứ thực ra là sắn khô giã thành bột, rồi quấy thành cháo. Ốc, trai, rau cỏ ngoài đồng kiếm được thứ gì, nấu thứ ấy. Cái món súp này ăn một hai bữa là ngán tận cổ, nhưng không hiểu sao ông vẫn thích.

Về hưu, ông vẫn lao vào công việc rất nhiệt tình. Ông đề xuất với xã mở công trường làm sơn ta. Cây sơn ta ngày trước có bạt ngàn ở vùng đồi Đồng Lương, không hiểu sao một thời gian bị phá đi gần hết, nay khôi phục lại. Khi công việc đã kha khá, ông mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn ở Sở Văn hóa về tuyên truyền. Trước khi viết tiểu thuyết "Dốc nắng", nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã viết bài ký sự "Ông giáo làng", trong đó có một phần nói về gia cảnh của ông Đăng. Khi bài bút ký in ra, tỉnh cảm thông đã yêu cầu ngân hàng cho ông vay tiền làm nhà. Với số tiền 1.500 đồng thời đó, ông đã làm được ngôi nhà mới. Ông nói với mọi người: "May có thằng nhà văn nó về nói hộ, mới được Nhà nước cho vay, chứ tự mình xin vay ngại lắm".
Số tiền ấy ông phải trả dần 9 năm mới hết. Hàng ngày, cứ lúc nào rảnh rỗi, ông lại đạp xe quanh làng, gặp ai cũng vào thăm nhà, nhưng không ngồi lâu nhà ai bao giờ, chỉ hai ba phút lại đi ngay. Một lúc ông qua cả chục nhà. Đồng Lương là làng đồi nên đường nhiều dốc, có lần ông đi xe đạp xuống dốc thì bị ngã. Nghe nói "bay" đi cả... hàm răng. Mới đây gặp chị Lương, tôi có hỏi chi tiết này, chị bảo người ta đồn thế thôi. Lúc ông ngã có văng hàm răng ra thật, nhưng đó là răng giả, chứ răng thật thì chết. Có một chuyện vui là không biết ông xin ở đâu về một số cây hồng giống trồng ở vườn, hàng ngày chăm sóc rất kỹ càng, và khi cây ra quả trông rất đẹp, ông liền làm bài thơ treo ở cổng: "Nhà anh có một vườn hồng/ Lung linh quả chín, đèn lồng cành tơ/ Cây hồng như ước như mơ/ Khách qua đường những ngẩn ngơ đứng nhìn/ Ai xem thì hãy thăm tìm/ Trái hồng như thể trái tim trên đời". Chỉ có điều cái giống hồng này quả không ăn được vì chát xít, sau đó ông lại phải phá bỏ. Rồi ông tổ chức đám cưới cho con, cũng có thơ chúc mừng: "Nắng vàng rực rỡ trước mùa đông/ Trăm họ chung vui việc vợ chồng/ Nhất Phiến - Lương Duyên đời cộng sản/ Pháo nổ râm ran với rượu nồng…".

Nhưng tâm huyết nhất của ông khi về nghỉ hưu ở quê, là ấp ủ viết về lịch sử 100 năm làng Vạn Thắng. Ông sưu tầm rất nhiều tài liệu, lại gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rõ ý định và được tướng gửi thư về khích lệ. Ông say mê làm việc thâu đêm suốt sáng, viết hết tập giấy nọ sang tập giấy kia, tràng giang đại hải. Lịch sử làng mà viết thành thơ dằng dặc, không rõ sự kiện nào với sự kiện nào, nên không thành ra cái gì cả. Sau này ông Vũ Kim Biên vê,ì giúp biên soạn cuốn Địa chí xã, ông đã đóng góp những tài liệu vào cuốn sách này.

Tôi bảo anh Phiến (con trai ông Đăng) và chị Lương cho xem các tài liệu nhà thơ Bút Tre để lại. Chị Lương bảo bây giờ chẳng còn gì nữa, ông Vũ Kim Biên và ông Nguyễn Hữu Nhàn lọc lựa những thứ gì đọc được, lấy được, thì mang hết đi rồi. Nhưng chị vẫn hì hục ôm ra một bọc lớn, toàn một thứ giấy dang đã ngả màu vàng ố, chi chít chữ của nhà thơ Bút Tre. Ở các tờ giấy này, chỉ chỗ đánh các số 1, 2, 3… (đánh dấu chương, khổ, đoạn) thì tôi đọc được, còn thì không hiểu chữ gì và ông viết gì. Tôi đưa một tờ cho chị Lương và nói: "Chị quen chữ của ông, đọc giúp một đoạn tôi nghe". Chị cũng lắc đầu bảo: "Chữ ông em chỉ mình ông em đọc được, chứ chúng em cũng chịu". Nghe nói chỉ có một người là cô văn thư ở Sở Văn hóa Phú Thọ ngày xưa đọc được chữ của ông Đăng, còn chịu tất.

Đã 23 năm ông đi xa, giờ ông thanh thản yên nghỉ ngay trên mảnh đất vườn nhà. Mặc dù người đời vẫn nhắc tên ông, có thể họ vẫn gán cho ông đủ thứ để gây cười, nhưng chắc là ông không bận tâm, bởi cuộc đời ông là hiện thân của niềm vui sống, với một phong cách đơn giản đến xuề xòa, nhưng trong suy nghĩ thì ông luôn chân thành và nghiêm túc.

Tôi đã nhiều lần qua lại cái bến Vực mà ông đã qua, cũng nhiều lần đứng trên con đò sang sông nhìn về cái làng giữa sông cách đó chừng vài ba trăm mét phía Ba Gò, xã Sơn Quang và tôi cũng từng làm thơ về bến sông này, nhưng vẫn không thể cảm nhận tự nhiên rất thật như ông: "Con đò dịch đít sang ngang/ Bên kia có một cái làng thò ra". Vâng, sự vật dịch chuyển thì đúng như thế, mà câu thơ Bút Tre viết, đọc lên cứ là lạ, buồn cười. Chị Lương con dâu ông hiện giờ còn thuộc nhiều thơ ông, có lần hỏi về câu này, ông bảo sự thật nó thế thì ông viết thế, chả biết hay dở thế nào.

______________________________________________________________

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Cô gái sưu tầm (tiếp theo và hết)

Truyện ngắn của Tomasz Jastrun (Ba Lan)

Phải sau một thời gian tôi mới nhận ra, chính nàng áp đặt tất cả các nguyên tắc cuộc chơi của chúng tôi, một cuộc chơi mà lúc đó tôi có cảm giác được nhân lên gấp đôi chỉ trong nghĩa tốt của từ này. Mỗi tuần tôi gặp nàng khoảng hai ba lần, không phải thường xuyên – lúc nào nàng cũng bận. Chính bản thân tôi cũng chẳng biết, tôi bắt tay vào việc viết hộ nàng bản luận văn cuối học kỳ từ khi nào. Thậm chí tôi đã tìm được một số tài liệu cần cho chúng tôi trong việc viết đồ án tốt nghiệp cử nhân của nàng.
Một hôm, vào buổi tối, một trong những buổi tối hai chúng tôi có mặt tại nhà hàng tôi ưa chuộng, nàng nói tiếng Tây Ban Nha với mấy vị khách nước ngoài ngồi bàn bên cạnh.
- Em biết thứ tiếng này hay sao? – tôi hỏi, lấy làm ngạc nhiên.
- Chút ít thôi - nàng trả lời khiêm tốn, nhưng tai tôi nghe thấy nàng nói trôi chảy…
Mấy ngày sau, chiếc xe ô tô mới tinh của nàng, mác BMW, màu đen, sang trọng, làm tôi hoàn toàn bị bất ngờ.
- Em được người ta tặng chiếc xe này đấy – nàng nói, mỉm cười. Tôi đã quen với nụ cười đắc thắng này của nàng – nó hiện rõ trên môi mỗi khi nàng thành công.
- Còn em, sao em lại đi nhận món quà như thế này, như thế này…? – tôi nói líu lưỡi.
Thấy tôi bực tức, nàng sợ. Nàng vùi đầu vào vai tôi, như con chim bị trói.
- Nhưng em còn biết làm gì nào?
Trong câu trả lời cũng là câu hỏi này bỗng nhiên nàng trở nên hèn yếu, bất lực như một đứa trẻ con. Tôi tìm cách giảng giải – người ta không nhận những món quà như thế, trừ phi đó là quà của chồng mình hoặc của bố đẻ, chứ không bao giờ lại đi nhận quà của găngxtơ.
- Nhưng Edek là một găngxtơ tử tế, một anh chàng dễ thương - nàng nói.
- Đồ ngu! – tôi quát.
Nàng khóc nức nở. Tôi cũng vậy. Tôi khóc mình, khóc nàng, khóc sự thiếu chín chắn của chúng tôi. Nàng hứa sẽ trả lại ô tô. Hình như nàng định làm việc này hôm qua, nhưng không dám hỏi ý kiến tôi.
Như mọi khi, mỗi khi nàng thấy lương tâm bị cắn rứt thì nàng lại càng yêu tôi mãnh liệt hơn, sẵn sàng chiều chuộng tôi. Cái hoang dã tình dục của nàng quyện vào lương tâm bị cắn rứt làm tôi mất cả tự tin.
- Anh tát vào mặt em đi - nàng thì thầm, cắn vào tai tôi.
Tôi chần chừ, nàng cắn lần nữa, đau.
- Mạnh lên đi anh - nàng nói, giọng van nài.
Với cái tai đau điếng, tôi đã dễ dàng thỏa mãn yêu cầu của nàng, tôi càng tát mạnh, nàng càng thấy sướng.
Nàng không trả lại ô tô. Hình như Trzonek bực mình, đừng làm hắn bực mình là hay hơn cả… Hắn không thích nhận quà trả lại. Tôi cảm nhận, mọi chuyện đang đi theo chiều hướng xấu. Tôi mệt mỏi. Tôi không thể tập trung tư tưởng làm việc. Không may cho đất nước, nhưng lại may cho tôi, cuộc khủng hoảng trong ngành xây dựng đang càng ngày càng trở nên trầm trọng.
Đó quả là những ngày tồi tệ. Monika đã cắt đứt quan hệ với tôi. Tôi vẫn tin là tôi yêu nàng. Nàng đặt ống nghe xuống. Tôi tưởng chỉ trong chốc lát – hóa ra là mãi mãi. Nàng đã bắt tôi phải nói thật cơ mà. Lúc đó tôi vẫn chưa biết, thật thà thuộc diện những cái cực kỳ tương đối trong thế giới những cái tuyệt đối.
Suốt cả một tuần tôi dò xét cái lỗ thủng sau khi chia tay với Monika. Nó gắn vào đâu đó với vực thẳm vũ trụ. Lắm khi tôi nghĩ, trên thế giới đang tồn tại cội nguồn của nghị lực và tình cảm, một cái bể chung bắt đầu cạn dần trong thời đại chúng ta. Giống như sự kiên nhẫn của cả hành tinh đối với những kẻ ăn bám nó. Phải chăng Monika đã không thay thế mẹ tôi, chưa bao giờ nàng gần tôi đến mức khiến tôi tin nàng đến cùng?
Còn cô gái này đã là người yêu và con gái của tôi. Thậm chí nếu cô nàng có vẻ dại khờ một cách dễ thương đi chăng nữa, thì đó lại là một nét đáng yêu. Monika đã chăm sóc tôi, tình cảm của nàng cho tôi sức mạnh để chăm sóc cô gái. Chồng Monika chăm sóc nàng, càng bị bội tình anh ta càng chăm sóc chu đáo. Vậy thì người yêu của tôi đã trao cho người đàn ông nào một phần tình cảm của tôi dành cho nàng? Tôi sa vào con đường suy ngẫm dẫn tới tối tăm mịt mùng.
Tôi ngồi vào xe ô tô và lao xe về hướng tối tăm đó… Các ô cửa sổ nhà nàng tối om. Nàng đi Krakow – danh chính ngôn thuận là như vậy. Người bảo vệ chào hỏi tôi niềm nở, tôi tán chuyện với gã, lúc nói về tất cả mọi thứ, lúc chẳng nói về bất cứ thứ gì. Tôi có cảm giác gã lại mỉm cười một cách khó hiểu, vì gã đang biết chuyện gì đó, điều chẳng bao giờ gã chịu nói ra.
Mấy hôm trước tôi phát hiện thấy chùm chìa khóa dự phòng trong ngăn kéo của nàng. Tôi nhét ngay vào túi, theo thói quen – cứ cho là tôi mượn tạm đi. Cánh cửa căn hộ nhà nàng quen tôi, cho nên chẳng hề gây khó dễ khi tôi mở. Mỗi căn hộ có mùi riêng của nó. Trong cái mùi quen đối với tôi, nhưng vắng mặt nàng, có gì đó xa lạ một cách đáng ngại. Tôi rón rén bật chiếc đèn bàn, ngồi xuống ghế đi văng, nơi tôi vẫn thường ngồi. Máy ghi âm tự động nhấp nháy đèn đỏ. Cánh cửa bí hiểm với ổ khóa kiểu cổ, hoa văn đẹp, nhìn tôi. Tôi xoay tay nắm, cửa khóa. Tôi nhìn thấy chùm chìa khóa căn hộ, một chiếc chìa khóa nhỏ treo ngay bên cạnh… khớp với ổ khóa cửa này.
Tôi mở cửa căn phòng nhỏ ấy, nơi không khí đặc và ẩm, chiếc đèn nhỏ tỏa thứ ánh sáng mờ ảo càng nhân thêm cảm giác khó thở. Căn phòng có vẻ là phòng thư viện, các kệ sách gắn sát vào tường, tuy nhiên sách chẳng có là bao. Đống đồ vật hổ lốn chất trong phòng này có thể gây chóng mặt. Các đồ vật này cho cảm giác chúng nằm đó hoàn toàn do ngẫu nhiên, thế nhưng cái trật tự mà chúng được sắp đặt lại gợi một điều khác.
Bên cạnh bức tượng bằng hổ phách thấy đặt một dụng cụ mạ vàng, thô, dùng đo áp suất không khí, hai chiếc mặt nạ người da đen treo trên chỗ tường trống. Một cơ quan nội tạng dị kỳ ngâm trong dung dịch foocmôn, nom rất tởm. Bên dưới vật nói trên có treo một mảnh giấy gắn đinh ghim – “Quà của Sergiusz Kowalski, chủ nhiệm khoa ngoại bệnh viện Szaszerow, 45 tuổi, một người đàn ông tóc vàng lịch thiệp”. Các vật khác có ký hiệu giống nhau. Tôi nhận ra ngay chiếc hộp secession tôi tặng nàng cách đây không lâu. Tôi đã thấy lo khi không thấy chiếc hộp để trên bàn trong phòng khách. Nó làm gì ở đây? Mảnh giấy thông báo: – “Krzysztof Marzecki, kiến trúc sư 29 tuổi”.
Đó là tôi. Tôi thấy xấu hổ khi tên tôi là Marzecki. Bây giờ tôi tìm cách đọc cùng lúc tất cả các lời chú dẫn, thâu tóm tất cả… nhưng không làm nổi.
Tôi thấy một vỏ chai vang mà chúng tôi đã từng uống. Tôi đọc – “buổi tối, K.M 1. 29, tại nhà tôi, 12 tháng 8 năm 2002…” Có cả một pho tượng Phật nhỏ, pho tượng đã biến mất khỏi văn phòng của tôi một cách bí hiểm. Một dương vật nhân tạo to khủng khiếp, có ký hiệu bí hiểm “ZW, a18,1.33/6”. Mấy cái roi treo trên tường – thậm chí một chiếc có cán với hoa văn đẹp. Tuy nhiên dụng cụ rửa ruột hình quả lê khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Quả lê rửa ruột có thể đại diện cho loại kỷ niệm tình dục nào nhỉ?! Lời chú dẫn ghi: - “Robert, 1.25 những trò chơi đêm tháng sáu”. Có thể dễ dàng nhận ra gã thợ may áo lông qua đuôi của các loại da thú. Trên chục chiếc cà vạt cũng có tên gọi và địa chỉ hẳn hoi. Có những hiện vật được sắp xếp theo các khóa. Trong số đó có những kỷ vật mang về từ các đảo xa, xen giữa là bộ sưu tập các đồ vật được coi là bí mật chỉ của riêng nàng, có các đồ tặng phẩm, kể cả các kỷ vật từ các bữa ăn tối tại các nhà hàng sang trọng. Và những chiếc roi cùng quả lê thông ruột nói trên… Có thể gọi tất thảy bằng một cụm từ - chiến lợi phẩm!
Tôi bước ra khỏi căn phòng như một nhà khảo cổ học vừa có cuộc phát hiện gây chấn động, tôi đã tận dụng thịnh tình của bức tường để ngã vật xuống thảm.
Ngôi nhà thở mạnh, tủ lạnh rên la, nền nhà cọt kẹt, bên nhà hàng xóm có người đi tiểu tiện. Giọt cuối cùng, giọt riêng biệt suýt rơi vào đầu tôi, còn thác nước xả làm tôi đau. Bất thình lình có tiếng sột soạt, như thể có người mở cửa, đó là máy ghi âm tự động hoạt động. Một giọng đàn ông mạnh mẽ, tức tối, tưởng như sẽ bắt gặp sự kháng cự, nhưng chỉ chạm trán với dư âm của chính mình mà thôi.
- Thằng này sẽ giết… đ.m! Tại sao cô dám tắt điện thoại di động?! Cấm cô làm như thế nữa. Nội trong một giờ đồng hồ cô mà không gọi lại… thì đ.m, thằng này sẽ đến nhà thổ!
Tôi nghe lại tất cả các đoạn băng đã ghi. Lần lượt, trên chục giọng nói khác nhau, toàn giọng đàn ông, bực tức đủ các tông, những lời hăm dọa, những lời van xin, một số lời khẳng định gặp nhau. Trong cái chuồng thú dữ tợn này chỉ có độc một giọng nói tình cảm, và tiếc rằng đó là giọng nói của tôi: - “Em yêu đang ở đâu vậy, hồi âm cho anh đi em”. Có một số giọng nói tôi nhận ra chẳng khó khăn gì, nói to nhất là gã thợ may áo lông thú, còn cựu linh mục thì nói giọng thì thầm, nham hiểm. Tôi nhanh chóng bị lạc trong mê cung dữ dằn của thù oán và tạ ơn, của những ngày và những giờ, của hứng tình và những cảm xúc thô bỉ.
Tôi nhìn vào gương. Tôi lấy làm lạ - mặt tôi vẫn còn nguyên xi, tóc tôi không bị bạc, tai, râu, cả môi nữa đâu vẫn hoàn đấy.
Tựa hồ sau cú sét đánh, tình yêu của tôi hóa màu tro, được bao bọc bởi uất hận. Tôi đấm mạnh vào gương. Tôi muốn nhìn thấy máu, tiếc thay bàn tay tôi vẫn không bị làm sao cả, thay vào đó, bây giờ mặt tôi xuất hiện trong các mảnh gương vỡ, nom khá hẳn lên. Tôi là người của thất bại, từ đầu đến cuối. Tầm cỡ nỗi bất hạnh của tôi thì chắc tôi phải làm một chuyện khủng khiếp, một vụ tày đình. Tôi đã quyết định tự vẫn trong căn phòng toàn đồ chiến lợi phẩm của nàng. Song tôi đã từ bỏ ý đồ này khi nghĩ rằng, người ta sẽ sấy khô tôi và đặt xác tôi lên ngăn cao nhất.
Trên tờ lịch treo tường tôi thấy có địa chỉ một khách sạn ở Krakow, chẳng biết nàng có ngủ trọ ở đó không nhỉ? Không nghi ngờ gì nữa, nàng đang ân ái với Pawel. Tôi đi ra ga xe lửa, nhảy lên tàu tốc hành. Tôi sẽ có mặt ở Krakow lúc nửa đêm.
Khi tàu chuyển bánh, tôi quyết định sẽ siết cổ nàng bằng chiếc cà vạt nàng đã tặng tôi. Tôi tháo chiếc cà vạt tôi đang đeo, thử làm động tác siết cổ, đoạn nhét chiếc cà vạt vào túi, tuy nhiên, như con rắn, lúc lúc chiếc cà vạt lại thò cái đầu nọc độc của mình ra.
Suốt ba giờ đồng hồ ngồi trên tàu tôi nghĩ miên man về những khổ đau mà tôi đã phải gánh chịu, trí tưởng tượng mở ra trước mắt tôi những cái vực sâu hoắm. Tôi đã vạch ra hàng loạt kịch bản cho cuộc chạm trán này… Nàng cùng với Pawel, cả hai đang ân ái trên giường, hắn nằm trên người nàng, mà không, nàng nằm trên người hắn… nàng chỉ có một mình, nhưng sặc mùi đàn ông lạ… nàng cãi lại… tôi bắt nàng khai, tôi bóp cổ nàng bằng cà vạt. Tôi toát mồ hôi hột vì tội ác, tôi đã nói, đã rên la, đã quát tháo gì đó với chính mình. Bà già ngồi cùng khoang tàu với tôi hoảng hồn, chuồn sang khoang khác.
Chạy qua phố xá vắng tanh, dưới mưa rơi, xe taxi đưa tôi đến khách sạn Dưới Bông Hồng. Nhân viên thường trực nhìn tôi với vẻ thăm dò. Gã xem danh sách khách trọ. Nàng ở phòng số 45.
Gã chần chừ bảo rằng, theo gã không nên gọi chuông vào giờ muộn như thế này. Tôi chẳng biết, có gì ở trong hai mắt tôi, thế nhưng khi tôi nhìn gã thì ngay lập tức gã nhấc ống nghe lên.
Giọng nàng mơ mơ màng màng, ngái ngủ, không hề sợ sệt – phải chăng nàng chỉ có một mình?
- Em nằm mơ thấy anh… anh đang ở Krawkow… trong khách sạn…? ... Anh lên ngay với em đi…!
Ở cửa phòng, nàng lao vào ôm chầm lấy cổ tôi. Tôi cảm nhận, chiếc cà vạt đang chui ra khỏi túi tôi, bò xuống dưới đất. Nàng ấm áp, thơm mùi thuốc lá và mùi chiêm bao – sao lại thuốc lá nhỉ? – nàng có hút thuốc đâu - tuy nhiên, ý nghĩ này dừng lại giữa đường, và chấm dứt trong cái hôn.

Lê Bá Thự dịch
_____________________________________________