Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Chơi chữ dựa vào tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa

TRIỀU NGUYÊN

1. Chơi chữ là gì?

Chơi chữ là "lợi dụng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,... trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước,...) trong lời nói" (1); "một biện pháp tu từ, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,... được vận dụng một cách đặc biệt, nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, lí thú" (2)

Cù Đình Tú đã nêu một định nghĩa đầy đủ hơn về chơi chữ: "Chơi chữ là cách tu từ vận dụng linh hoạt các tiềm năng về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt nhằm tạo nên phần tin khác loại song song tồn tại với phần tin cơ sở. Phần tin khác loại này - tức lượng ngữ nghĩa mới - là bất ngờ và về bản chất, không có quan hệ phù hợp với phần tin - tức thông báo - cơ sở" (3). Ông đã trình bày các kiểu chơi chữ trong tiếng Việt như đã định nghĩa: chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm, chữ viết (cùng âm, điệp âm, chiết tự,...); chơi chữ bằng phương tiện từ vựng - ngữ nghĩa (cùng nghĩa, nhiều nghĩa, trái nghĩa, cùng trường ý niệm,...); chơi chữ bằng phương tiện ngữ pháp (tách và ghép các yêú tố trong câu theo những quan hệ ngữ pháp khác nhau, đánh tráo quan hệ cú pháp trong câu) (3).

Dựa vào những định nghĩa trên, có thể giúp vào việc nhìn nhận, phát hiện các cách chơi chữ trong nói năng hàng ngày, trong văn chương. Có điều là những định nghĩa này chỉ quan tâm đến các phương tiện ngôn ngữ được biểu hiện trên văn bản, mà chưa chú ý tới cái không được phô bày ra rõ ràng bằng chữ bằng lời.

2. Chơi chữ dựa vào tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa

2.1.Tiền giả định là những hiểu biết được xem là bất tất phải bàn cãi, bởi đã được các bên giao tiếp mặc nhiên thừa nhận và dựa vào chúng để tạo nên ý nghĩa tường minh trong phát ngôn của mình (4). Trong giao tiếp nói chung, tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa diễn ra ở một vài tầng lớp, ngành nghề nhất định. Còn trong sáng tác và tiếp nhận văn học, đặc biệt là văn học cổ, các dữ liệu văn học, văn hóa (tục ngữ, truyền thuyết, lịch sử, điển cố văn học, tác phẩm thơ văn,...), được sử dụng, vận dụng một cách tự nhiên, đương nhiên khi cần (mà không phải giới thuyết, chú giải gì). Nói khác đi, dữ liệu văn học, văn hóa là tiền giả định trong giao tiếp văn học.

Sử dụng tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa phù hợp với yêu cầu diễn đạt, khiến lí lẽ thêm vững chắc, ý tứ cũng hàm súc hơn lối miêu tả bình thường. Nhưng, hiển nhiên là không phải bao giờ dùng tiền giả định thuộc văn học, văn hóa cũng là chơi chữ. Hiện tượng chơi chữ chỉ xảy ra khi điều tiền giả định kia bị xuyên tạc, để biểu hiện theo ý đồ riêng của người sáng tạo. Gọi tác phẩm (hay một bộ phận của tác phẩm) có sử dụng điều tiền giả định đang bàn là A, điều tiền giả định đó là B, thì B luôn luôn có giá trị đúng, dù A có giá trị đúng hay sai (dữ liệu văn học, văn hóa tồn tại khách quan, không thuộc vào ý muốn của người nghệ sĩ; vả lại, khi trích dẫn chúng để làm cứ liệu, dẫn chứng, là đã thừa nhận sự đúng đắn của chúng rồi). Như vậy, muốn chơi chữ dựa vào B, thì hoặc chỉ chọn một hoặc một vài yêu tố nào đấy của B, trích dẫn ra với dụng ý không giống B, hay có vẻ như dẫn nguyên vẹn B ra, nhưng thực chất thì nội dung của B đã bị làm cho thay đổi. Đó là hai dạng xuyên tạc B thường gặp.

Khi B bị xuyên tạc (tức B có giá trị chân lí sai), thì A có giá trị rỗng; nhưng xét ở khía cạnh sắc thái diễn đạt (về mặt chơi chữ), thì hiện tượng chơi chữ đã xảy ra. Vì bấy giờ A vừa mang nghĩa tự thân, vừa gợi ra một lượng ngữ nghĩa do tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa có nội dung không đồng nhất, thậm chí trái ngược, song song tồn tại, tạo cách kiểu ỡm ờ, hai chiều như dụng ý của người sáng tạo (còn khi B có giá trị chân lí đúng, thì dù giá trị của A đúng hay sai, vẫn không xảy ra hiện tượng chơi chữ kiểu A > B đã nói).

Ví dụ, câu "Lạ gì bỉ sắc tư phong; Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" (Truyện Kiều - Nguyễn Du), thì "bỉ sắc tư phong" vốn nguyên câu chữ Hán là "phong vu thử, sắc vu bỉ", nghĩa là dồi dào về mặt này thì kém cỏi về mặt kia, như dồi dào về tài sắc thì kém cỏi về số mệnh (theo luật thừa trừ). Nguyễn Du sử dụng đúng ý câu Hán văn cổ, tức dùng dữ liệu văn học, văn hóa để minh xác, củng cố cho luận điểm của mình. Không có vấn đề chơi chữ ở đây.

Cũng rút ra từ kinh điển cổ, một bức trướng mừng thọ nọ ghi bốn chữ: "tử tôn thằng thằng" (con đàn cháu đống, ý khen là người có phúc). Nhưng người được chúc thọ vốn là một kép hề trên sân khấu, và nguyên văn lời Hán có chứa "tử tôn thằng thằng" là "chung tư vũ, hoăng hoăng hề, nghi nhĩ tử tôn thằng thằng hề" (đại ý là: loài cào cào gắn bó nhau, con cháu đông đúc). Lời ấy không lấy gì làm tử tế (khi chuyển từ chuyện một loài sâu bọ có hại mà lắm con sang chuyện người lắm tử tôn) đã đành, lại thêm chuyện cùng âm với "thằng hề" thuần Việt, mà không ai có quen biết với chủ nhân (người được chúc thọ) lại không biết. Nhưng đấy là lời trong Kinh thi, và nó hoàn toàn không mang ý như bức trướng nọ đã xuyên tạc. Khi đặt lời Kinh thi kia ra khỏi bức trướng, thì bốn chữ "tử tôn thằng thằng" rất trọn nghĩa; có điều, dữ liệu văn học, văn hóa được mặc nhiên thừa nhận trong sinh hoạt văn hoc, văn hóa nghệ thuật, nên cái nghĩa trái ngược của lời Kinh thi ấy vẫn luôn xuất hiện sóng kèm (theo đúng ý đồ của người viết nên bức trướng). Ở đây, hiện tượng chơi chữ đã xảy ra(5).

2.2. Chơi chữ dựa vào tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa, theo đó, có thể được chia làm hai loại: loại tách một hoặc một vài yếu tố từ chỉnh thể dữ liệu và đặt vào ngữ cảnh mâu thuẫn với ý nghĩa vốn có của dữ liệu được tách; và loại dùng phần xác dữ liệu, còn nội dung (hay nội dung cốt lõi) đã được thay đổi.

2.2.1. Chơi chữ theo cách tách một hoặc một vài yếu tố từ chỉnh thể dữ liệu và đặt vào ngữ cảnh mâu thuẫn với ý nghĩa vốn có của dữ liệu được tách, ngoài ví dụ "từ tôn thằng thằng" đã trình bày, còn các ví dụ dưới đây:

+ Có một ông vốn thợ cưa, sau gặp thời trở nên giàu có, mua được phẩm hàm, bèn mở tiệc ăn khao. Trong số những câu đối, hoành phi đưa đến mừng, có bức trướng đề ba chữ "ăn cơm vua". Nghĩa bức trướng phù hợp với phẩm tước vua ban. Nhưng nhiều người đọc lại tủm tỉm cười vì một ý khác. Ý này gợi lên cái nghề cò cưa thuở khó nghèo của ông ta, do lời đồng dao "Kéo cưa lừa xẻ; Ông thợ nào khỏe; Thì ăn cơm vua; Ông thợ nào thua; Thì về bú tí!..." mà có. (5).

+ Mấy cậu học trò đến chọc ghẹo một cô gái. Cô này ra một vế đối: "Yêu nhau như bâu, như dót, như hót vào thúng, như búng con quay, như xoay thợ tiện, như bện hàng tơ". Mấy cậu chịu bí, chẳng những không dám đến nhà cô nọ mà đi ngang đầu ngõ cũng sợ, phải tìm lối khác mà đi, có khi phải chui rào, lội nước để tới trường. Thầy dạy họ là ông nghè Nguyễn Quý Tân biết chuyện, mới bày cho cách đối lại rằng: "Lấy đây có bầu, có bạn có ván cơm xôi, có nồi cơm nếp, có dệp bánh chưng, có lưng hũ rượu". Về đối lại rất tương xứng với vế ra. Mặt khác, nó còn mở ra trước mắt người đọc (nghe) một cảnh tượng nô đùa vui vẻ của trẻ thơ, do lời đồng dao "Ông giẳng ông giăng; Xuống chơi với tôi,... " tạo nên.

+ Nguyễn Công Trứ trong bài Hàn nho phong vị phú, có câu "Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no; đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ". Người đọc dễ liên tưởng đến hai câu chữ Hán "quân tử thực vô cầu bão" (người quân tử chăm lo việc đạo lí, không lấy chuyện ăn ngon mặc đẹp làm điều) và "thái bình chi thế, ngoại hộ bất bế" (đời ấm no, cửa ngoài không cần đóng do không có trộm cướp gì), mà cho rằng chàng nho sĩ họ Nguyễn đang ở trạng thái an bần lạc đạo (chịu nghèo khổ mà vui với lẽ đạo).

Điều ấy là hoàn toàn đúng, nếu không đọc đoạn văn chứa nó dưới đây:

... Đầu giường tre, mối dũi quanh co;
Góc tường đất, trùn lên lố nhố.
Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô;
Hạt mưa xoi hang chuột trên nhà, con mèo ngấp ngó.
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng buồn kêu;
Đầu giàn, chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no.
Đêm năm canh an giấc ngáy kho khọ, đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ.
Ấm chè góp lá bàng lá gối, pha mùi chát chát chua chua;
Miếng trầu têm vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ
Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu.
Khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú...

Rõ là nhà thơ đang mỉa mai cái nghèo túng của mình. Và "ăn chẳng cầu no", "cổng thường bỏ ngỏ" là vì không có mà ăn, không có thứ gì đáng để đóng cửa mà giữ gìn, chứ đâu phải vì lo việc đạo, vì không có trộm cướp! Nếu đọc từ đầu bài, còn nghe cả cái giọng bực dọc, tức giận của ông: "Chém cha cái khó, chém cha cái khó; khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó!". Như vậy, các nội dung "quân tử thực vô cầu bão" và "thái bình chi thế, ngoại hộ bất bế" được viện dẫn để giễu cợt cả ý phủ định (trong lúc, đấy là những vấn đề nghiêm túc và không thể phủ định).

+ Tương truyền, Trần Tế Xương có câu đối "tập cổ":

Vấn chinh phu dĩ tiền lộ;
Vọng mĩ nhân hề nhất phương.

Vế đầu là một câu trong bài "Quy khứ lai từ" của Đào Tiềm (có nghĩa: hỏi thăm đường người đi đánh giặc); vế sau là một câu trong bài "Tiền Xích Bích phú" của Tô Đông Pha (có nghĩa: nay người đẹp ở phương nao). Ghép lại, chúng tạo nên một ngữ cảnh riêng (nhân vật, không gian, thời gian,... đều khác với tác phẩm chứa chúng trước đó), có người nói là nhà thơ đã thể hiện nỗi ước mong có người anh hùng xuất hiện để cứu nước đang bị họa thực dân (5).

+ Và đây là bài thơ "Cái ống máng":

Trên vì nước, dưới vì nhà,
Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng!
Nhìn càng lã chã giọt hồng.
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.

Bài thơ vịnh "Cái ống máng" rất hay này do bốn dòng trong "Truyện Kiều" ghép lại. Đây là bài "tập Kiều". Lí do xếp vào mục này như đã nêu ở ví dụ trước (5).

2.2.2. Chơi chữ theo cách dùng phần xác dữ liệu, còn nội dung (hay nội dung cốt lõi) đã được thay đổi, được minh họa bởi một số ví dụ dưới đây:

+ Có bài "ca dao mới":

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng ăn học y khoa
Nay chừ quan đốc nhà ta
Mở tư phòng mạch, ô voa con cò. (Nhất Lâm)

Nó được hình thành từ một bài ca dao quen thuộc:

Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Em về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Nếu sự chia lìa tình cảm ở bài ca dao truyền thống là do việc vua quan bắt buộc, người vợ phải lo "nuôi cái cùng con", đợi chồng hoàn thành nghĩa vụ trở về, thì với bài ca dao mới, chuyện chia tay là do anh chồng bội bạc. Người xưa nói "bần tiện chi giao bất khả vong, tào khang chi thê bất khả hạ đường" (người bạn lúc nghèo không nên quên, người vọ lúc cám bã nuôi nhau không nên bỏ) (Hậu Hán Thư), vậy mà người chồng đã bỏ cô vợ không chỉ nuôi để sống mà nuôi để học, thì thật đáng trách. Sự phê phán này của bài "ca dao" hoàn toàn xa lạ với bài ca dao truyền thống đã làm khuôn cho nó.

+ Bác Hồ có một số bài thơ làm theo lối "tập cổ", trong đó, có hai bài sau:

THANH MINH

Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lung lí tù nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tự do hà xứ hữu?
Vệ binh dao chỉ biện công môn.
(Thanh minh mưa bụi mịt mù rơi,
Trong ngục tù nhân dạ rối bời.
Ướm hỏi: tự do đâu có được?
Lính canh xa trỏ... cửa quan ngồi). (Huệ Chi dịch)

TẶNG TRẦN CANH ĐỒNG CHÍ

Hương tân mĩ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi,
(Sâm banh rượu ngọt chén lưu li,
Toan nhắp tì bà ngựa giục đi
Say khướt sa trường chớ cười vội,
Chẳng cho địch thoát một tên về) (Phan Văn Các dịch) (6)

Bài "Thanh minh" dựa vào bài thơ cùng tên của Đỗ Mục, chỉ thay mười chữ; bài "Tặng Trần Canh đồng chí" dựa vào bài thơ tứ tuyệt của Vương Hàn, và chỉ thay có bảy chữ. Nguyên văn hai bài này như sau:

Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
(Thanh minh lất phất mưa phùn,
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu là,
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.) (Tương Như dịch)

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi
(Bồ đào rượu ngát chén lưu li,
Toan nhắp, tì bà đã giục đi.
Say khướt sa trường anh chớ mỉa,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.) (Trần Quang Trân dịch) (6)

Từ nỗi buồn vì cô đơn giữa tiết thanh minh, đang muốn được chén rượu làm vơi của người lữ khách (bài của Đỗ Mục), đến sự nóng lòng về chuyện tự do vì phải chịu giam cầm phi lí của người trong ngục (bài của Bác Hồ) là hoàn toàn khác nhau về con người, sự việc, không gian, thời gian. Tuy vậy, đọc bài của Bác, chúng ta không khỏi liên tưởng đến hình ảnh người lữ khách đang lùi lũi đi về thôn Hạnh Hoa trong bầu trời mịt mù mưa bụi. Bài thơ tạo được hai lớp hình tượng sóng kèm như vậy, do nhà thơ đã dùng bình cũ để đựng rượu mới.

Bài "Tặng Trần Canh đồng chí" ra đời khoảng tháng 10 năm 1950. Ngoài việc thay rượu bồ đào bằng hương tân (sâm banh) ở câu đầu (vì kèm theo bài thơ, có tặng món quà chiến lợi phẩm là rượu sâm banh của Pháp), đến câu cuối Bác mới đổi năm chữ, khiến bài thơ mang không khí hưng phấn, lạc quan của người chiến thắng. Điều này hoàn toàn khác với tâm trạng bi quan, lãng tử của người lính chiến xưa mà Vương Hàn đã miêu tả.

3. Đến đây, đã có thể thấy rằng, chơi chữ nhất là chơi chữ trong văn chương, không chỉ riêng các phương tiện ngôn ngữ được biểu hiện trên văn bản mà còn có sự tham gia của các dữ liệu văn học, văn hóa là tiền giả định của sáng tác và tiếp nhận văn học. Kiểu chơi chữ này cùng với kiểu chơi chữ dựa vào các phương tiện ngôn ngữ biểu hiện trên văn bản, lập thành một thể thống nhất. Về mặt lí luận, nó góp phần làm sáng rõ hai mặt ý nghĩa, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn, trong lĩnh vực chơi chữ; về mặt thực tiễn, nó giúp vào việc giải quyết vấn đề "tập Kiều" và "tập cổ" ("tập Kiều" là một dạng của "tập cổ", "tập Kiều" chỉ thuộc vào hình thức chơi chữ 2.2.1, trong lúc "tập cổ" có loại thuộc 2.2.1 nhưng cũng có loại thuộc 2.2.2) cùng những hình thức chơi chữ tương tự với các ví dụ đã trình bày.

Và có thể phát biểu một định nghĩa phù hợp hơn: Chơi chữ là một phương thức diễn đạt đặc biệt, ở đó song song tồn tại hai lượng ngữ nghĩa khác hẳn nhau được biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa. (7)

T.N
(132/02-2000)


------------------------------------------
(1) Hoàng Phê (chủ biên) 1994. Từ điển tiếng Việt, Hà Nội, Khoa học xã hội - Trung tâm từ điển học; tr.116.
(2) Nhiều tác giả 1983. Từ điển văn học, tập 1, Hà Nội; Khoa học xã hội; tr.404.
(3) Cù Đình Tú 1983 Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt Hà Nội, Đại học và Trung học chuyên nghiệp; tr. 320 - 324.
(4) Đỗ Hữu Châu 1995. Giản yếu về ngữ dụng học, Huế, Giáo dục; tr. 65.
(5) Phần văn bản dẫn ra ở ví dụ, dùng theo Lãng Nhân 1992. Chơi chữ (bản in lần 4) Hà Nội, Văn học; các tr.10,7,43 và 85.
(6) Phần văn bản dẫn ra ở ví dụ dùng theo Thế Anh 1998. "Nhưngx bài thơ tập cổ của Bác Hồ", Ngôn ngữ và đời sống 5 (31); tr.3,4.
(7) Việc phân tích định nghĩa và trình bày tổng thể vấn đề, thuộc công trình chuyên nghiên cứu về chơi chữ sắp được công bố của người viết.

____________________________________________________

Bài Học Tiếng Việt

TRUYỆN - Nguyễn Huy Thiệp

Ðể tưởng nhớ V. T. P. "Ta như chim, tiếng Việt như rừng" (Lưu Quang Vũ) Vũ lên xe điện ở ga Cầu Mớị. Chàng vào thành phố để dự bữa tiệc mừng nhà mới của người bạn quen tên là Hoàng.. Chàng rất ít khi đi dự những buổi tiếp tân thế nàỵ. Đây là trường hợp đặc biệt.

Vũ là nhà văn, nhà tiểu thuyết danh tiếng. Chàng mới 25 tuổị. Khi người ta còn trẻ, lại danh tiếng chắc hẳn cuộc đời đẹp lắm ?

- Cũng đẹp ...cũng đẹp - Vũ mỉm cười và lẩm bẩm như thế.. Không có lý do gì người ta lại đi phỉ báng cuộc đời, coi nó là xấu cả.. Mà em ...Vũ xua đuổi hình ảnh một cô gái ra khỏi óc mình.. Chàng nghĩ đến những cuốn sách sắp viết ...Khéo không mà lao lực ...

Công việc của nhà văn là gì ? Vũ nhiều lần tự hỏị. Chàng không bao giờ có thì giờ nghĩ về điều đó cho thấu đáọ. Phải 25 năm nữa, phải 50 tuổị. Chàng biết thế ...Nhưng chàng không biết rằng trước mắt chàng chỉ còn có 2 năm nữa mà thôị. Đấy là định mệnh của chàng! Đấy là số phận của chàng! Chàng đã hứa với Thượng Đế hãy dành cho chàng 2 năm để chàng viết ra một cuốn sách thật ra trò.. Sống lâu cũng chẳng để làm gì ...

Vũ cảm thấy chàng là một "nhà ngôn ngữ" hơn là một nhà văn. Chàng yêu tiếng Việt. Không! Không phải tình yêu. Chàng thích sự chính xác của từ ngữ: chính xác về tình cảm, về cấu trúc, tóm lại là nghệ thuật. Chàng sung sướng nếu người ta gọi chàng là người viết ra được những quyển sách tiếng Việt hay nhất. Cũng không để làm gì ...nhưng mà như thế sẽ lý thú chứ ? Mà em ...

- Cố gắng đi tìm bản chất - Vũ lẩm bẩm - cũng không để làm gì ? Để xác định một trạng thái ư ? Một tình cảm ử ? Một cách ứng xử ư ? Quá ư tầm thường! Mà vô nghĩa ...

- Hay là nhịp điệủ - Vũ lại băn khoăn tự hỏi. Chàng biết rằng vũ trụ kia hỗn độn vô minh, trái đất chúng ta quá bé nhỏ, con người quá bé nhỏ ...Văn học không phải là tất cả.. Không nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió ...Thế còn lương tâm ? Nhưng sao lại đi băn khoăn điều đó làm gì ? Hai trong vô số những cửa ải, những vấn nạn mà nhà văn phải đối đầu là đạo đức và chính tri ....Nghĩa là lương tâm. Rồi đến gì nữa ? Rồi đến tiền ...Cũng không phải thế. Sống thôi! Vũ mới 25 tuổi mà! Chàng còn trẻ tuổi.

Vũ biết chàng là một trong những nhà văn tiên phong ơ ? Việt Nam. Ơ ? Việt Nam người ta mới viết tiểu thuyết, làm thơ, làm báo chừng mười năm nay. Ở đây gần như chưa có văn học. Một vùng đất trống. Không sao cả. Văn học còn trẻ tuổi, chàng còn trẻ tuổi. Nghĩa là chàng còn vô vàn những khám phá, những ngạc nhiên và cơ hội. Chàng sẽ viết ra những phát kiến của chàng về tâm hồn người dân Việt giống như nhà thám hiểm địa lý đi lên Bắc cực viết về loài ga gô trắng hay chim cánh cụt.

Vũ đưa mắt nhìn ra cửa sổ xe điện, Hà Nội đang vào xuân. Mưa nhỏ, Hà Nội nhơ nhớp và nghèo xác. Không phải cái nghèo thông thường: nó là cái nghèo vô lối, dị mọ, không đâu có. Tất cả đòi hỏi phải khai hóa, phải học hỏi từ đầu. Ôi cái đất nước Việt Nam, cái cộng đồng người Việt Nam khốn khó của chàng! Sao ánh mắt người Việt nó nhanh thế kia ? Nó u ám thế kia ? Bọn gian dối và dâm đãng! Bọn con hoang! Điều cần nhất là sự lương thiện và lòng nhân ái thì các ngươi coi khinh! Không ai dạy dỗ, chỉ bảo, khai hóa cho các ngươi cả.. Các ngươi đi nhạo báng các bậc thầy! Vật dụng ư ? Đáng lẽ là tôn giáo thì là vật dụng.. Rồi các ngươi sẽ phải trả giá cho sự ngu dốt của mình.

- Thưa ông, ông cho tôi hỏi, hôm nay là ngày thứ mấy hả ông ?

Một người khách đi xe điện hốt hoảng hỏi Vũ. Chàng giật mình, chàng trả lời:

- Hôm nay là ngày thứ bẩy, ông ạ.

- Chết! Đã thứ bẩy rồi ư ?

Vũ gật đầu. Tất cả sẽ rối rít cả lên, sẽ ân hận, sẽ cuống quýt khi những cái mốc tận thế theo nhau lũ lượt kéo đến: ngày cuối tuần, tháng cuối năm, cuối tuổi xuân, cuối đời, cuối thế kỷ.. Khi Thượng Đế hào phóng ban cho chúng ta sự sống thì chúng ta đã coi thường nó thế nào, đã phí phạm nó thế nào! Rất nhiều người Việt đã sống mà như chết vậy ...

Khi Vũ coi văn học là một phương tiện để chàng khám phá cuộc sống, khám phá mình, khám phá xã hội ...chàng bỗng chợt nhận ra bản thân mình, mọi người, cả xã hội xung quanh đều có vẻ yếu đuối và không thành thật. Mạnh mẽ và thành thật ...Rất khó đấy, các bố ạ, các vi ....Điều ấy văn học không làm được, nó chỉ phát hiện ra thôi. Văn học Việt Nam, ngay buổi sơ khai của nó, giống như một đứa trẻ nhỏ, phải làm những việc quá sức, những việc không ra gì, thậm chí phải làm việc chính trị là thứ việc cần nhiều phương pháp ứng đối khuynh hoạt. Người ta chú ý đến bộ mặt bên ngoài hơn nội dung bên trong. Người ta soi gương, ngắm nghía, chau chuốt cho bộ mặt mình: nào cạo râu, nặn trứng cá, tỉa lông mày, các cô gái bôi son ...Người ta chú ý thái quá đến bộ mặt bên ngoài, nói nhiều đến con người xã hội hơn con người tự nhiên. Người ta đã "lịch sự", đã "chính trị", đã đạo đức giả, đã cố ý lờ đi cái ấy: con người tự nhiên, kẻ thành thật nhất, trung hậu nhất, ngang bướng và ương ngạnh Vũ trân trọng gọi con người tự nhiên ấy là "ông lớn". "Ônglớn" còn có ông nhỏ gọi là "ông b ...". Hãy lắng nghe ông ta! Đấy là bậc thầy của trực giác. Ông ta có luật chơi riêng chi phối tính cách con người, thậm chí số phận con người. Ông ta mới là trung tâm thần kinh, mới là trí tuê ....Hoàn toàn không phải đầu óc mà là đầu b ...Người ta đã tôn vinh một vị ngụy quân tử đẹp mã mà quên đi vị quân tử thực: bái vật tổ đại phu, nhà chiến lược ...

Xe điện đi từ Cầu Mới, qua ấp Thái Hà, đỗ ơ ? Giám (Quốc Tư ? Giám) hơi lâu để tránh tầu đi Cầu Giấy. Vũ tì tay lên thành cửa sổ. Hà Nội lướt qua dưới mắt chàng. Chàng sợ rồi thành phố này rồi sẽ mất đi những kỷ niệm, sẽ mất đi những vẻ đẹp nên thơ êm đềm của nó. Có thể cả tuyến xe điện này cũng sẽ mất đi. Cũng không hề gì ...Bởi cuộc sống vốn là như thế. Kìa nước chảy dưới cầu. Kìa sông trôi ra biển. Bao nhiêu giá trị đều là vô nghĩa. Ôi ôi, sao chàng lại đi nghĩ ngợi như một người bạc nhược, sớm chán nản mọi sự thế này ? Mà em ...Bao nhiêu kỷ niệm trong đời ...

Nỗi chán chường âm ỉ ...Sự bất lực đương nhiên ...Những cái ấy tấn công chàng, từng tí một, từng ngày một, dai dẳng. Chúng ta đang suy đồi. Vũ bực mình vì chàng chỉ có một cuộc sống mà xung quanh chàng toàn là người ích kỷ lăm le muốn ăn thịt chàng, muốn chia máu chia thịt của chàng. Chàng không thể chia máu chia thịt của chàng cho ai, có muốn cũng không làm được. Chàng cũng ích kỷ. Chàng cũng chỉ có một cuộc sống thôi, một dấu vết thôi. Chàng tìm cách nhân nó lên nhiều lần. Đấy là văn học. Một phép nhân ảo thuật. Văn học cũng là sự cùng quẫn, cũng đầy dối dá và ngụy tạo. Tóm lại, văn học cũng chẳng ra gì.

Khi quan sát con người, Vũ đau đớn khi chàng chỉ toàn nhận ra những nét súc vật ở con người. Ở đám người trẻ, đấy là bộ mông, cặp đùi, ánh mắt ráo hoảnh. Nhục thể, toàn là nhục thể. Ở đám người già, đấy là sự hư hoại tinh thần, những mảng tóc rụng, những hàm răng giả, những "tư tưởng" ...Vũ sợ đám người già, do sự bất lực của chúng, sự yếu đuối của chúng, nỗi sợ hãi cái chết, những mong muốn "yên ổn" đã ngầm khủng bố toàn xã hội bằng các đạo pháp, gia pháp, các quy định luật lệ và nghĩa vụ. Những quy định giới luật cũng là sự bất lực của giáo dục đối với tính chất súc vật của con người tự nhiên. Con người tự nhiên vốn dĩ vô luân, nó tự do.

Xe điện đi ngang qua Cửa Nam, qua phố Hàng Bông, phố Hàng Gai. Vũ xuống xe điện ở đầu Bờ Hồ. Một cô gái mặc váy rất ngắn đứng che khuất tầm mắt nhìn Tháp Rùa. Cặp đùi rất khỏe. Vũ rùng mình, cặp đùi rất khỏe và đáng thương như ở một lực điền. Trong văn học, sự phô diễn "đạo đức nhà văn" đôi khi cũng giống ở cô gái mặc váy rất ngắn kia ...Chỉ có tôn giáo, bởi sự nghiêm nhặt của hệ thống nghi lễ và sự mực thước kinh điển, là được phép bàn về đạo đức mà không lố bịch, không gợn hoài nghi. Còn ở mỗi chúng ta, chúng ta chỉ nên cầu nguyện.

Vũ chậm rãi đi qua phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường ... Đây rồi, bên trái, nhà số chẵn.

Bữa tiệc mừng nhà mới của Hoàng có khá đông khách. Thấy có các vị tri huyện, tri phủ, nghị viên ...Giới văn chương nghệ thuật cũng đều là những tay có tên tuổi, có máu mặt. Hoàng lấy con gái một vị quan to. Hoàng đã đi du học ở Pháp. Hồi nhỏ, Hoàng và Vũ đều học một trường. Nghe nói, Hoàng có dính líu đến những vụ buôn lậu mờ ám, dính líu đến cả buôn lậu ma túy và vũ khí.

Vũ được vợ chồng Hoàng đón tiếp nồng nhiệt. Hoàng giới thiệu Vũ với những người quen:

- Thưa các ông, thưa các bà ...Đây là nhà văn danh tiếng, một người trẻ tuổi, một Vic-to Huy-gô ở Việt Nam! Vâng! Đã được cụ Tản Đà khen ngợi ... Ông Vũ mới 25 tuổi, bằng tuổi tôi, nhưng ông Vũ dí dỏm hơn nhiều ...

Hoàng mỉm cười. Hoàng rất tự chủ ở chốn quan trường và nơi đô hội. Vũ biết Hoàng giàu tiền của, nhiều thế lực, bản thân Hoàng cũng có học vấn khá cao.

- Hắn đang chia máu, chia thịt của ta cho các bạn mình - Vũ thấy vui vui khi đi theo Hoàng. Ngay từ nhỏ, Hoàng đã lịch lãm hơn chàng. Hắn không bao giờ cô đơn ... Điều quan trọng nhất là hắn không bao giờ cô đơn. Vậy thì hắn mạnh hơn ta hay hắn đã bẩn thỉu hơn ta ? Không biết!

Hoàng có vẻ biết rõ và tự chủ ở trong trò chơi. Hoàng ghé vào tai Vũ nói nhỏ:

- Hãy cười lên, thằng chó! Mi không dung được người ta thì người ta dung mi sao được ? Hãy để ta giới thiệu mi với em vợ ta ...Con ngốc đó vốn hâm mộ mi ...

Hoàng dẫn Vũ đến chỗ vơ. Hoàng ngồi giữa đám các cô, các bà. Vợ Hoàng tên là Yến.

- Chào anh - Yến đưa tay ra - Anh dạo này thế nào ?

- Tâm trạng tôi không được tốt lắm - Vũ lúng túng trả lời.

- Anh thì bao giờ có tâm trạng tốt đâu - Yến mỉm cười ý nhị.

- Đúng đúng ... Vũ đỏ mặt lên. Mọi người cùng cười.

- Đây là em gái tôi - Yến giới thiệu với Vũ - Cô ấy tên là Hồng, cô ấy vốn có đọc anh, rất khâm phục cách kể chuyện của anh. Cô ấy khen anh thông minh sắc sảo.

- Chao ôi,sao không ai đi khen ta lương thiện mà chỉ đi khen ta thông minh sắc sảo mà thôỉ - Vũ tê tái nghĩ. Bản tính Vũ lương thiện, chàng luôn luôn giữ mình lương thiện, mọi suy nghĩ của chàng đều hướng về sự lương thiện. Chàng đã dại dột bày tỏ lên trang giấy những nhân vật thông minh sắc sảo mất rồi. Chàng đã bị người đời đánh đóng chàng với các nhân vật của mình. Chắc chắn, dưới mắt người đời, chàng hẳn là một quái vật ghê gớm.

- Thưa ông ...em hình dung ông là một người khác thế này. Ông cô đơn..có phải không ạ ? Ông lại kiêu ngạo nữa ...có phải không ạ ?

Vũ nhìn đi đôi tay để trần của cô gái. Đôi tay rất đẹp, chắc hẳn ngày xưa Kinh Kha khi nhìn đôi cánh tay vũ nữ cũng thở dài y hệt Vũ đây.

- Tráng sĩ ...Hề ...

- Ông ấy vẫn y như cô hình dung đấy chứ! - Hoàng cườị - Vậy cô có muốn làm thành món đồ hiến tế cho nền văn học Việt Nam hay không ?

- Không ...em chẳng dại. Tương lai em sẽ là một bà tri huyện ...

- Chúc mừng cô ...Vậy cô là người đứng đắn lương thiện ...

Tiếng cười lại ran lên vui vẻ, Vũ quay mặt về phía cửa sổ. Chàng chẳng lạ gì lối đối thoại sắc sảo hóm hỉnh kiểu phòng khách thế này. Người Việt Nam bắt chước lối sống phù hoa ở bên ngoài rất nhanh, rất khéo.

Hoàng bo ? Vũ ở lại để ra chào khách. Bây giờ Vũ mới có dịp nhìn kỹ hai chị em Yến, Hồng.

- Cũng đẹp ...cô chị đẹp hơn cô em. - Đấy là ý nghĩ đầu tiên của chàng. "Nơi người đàn bà, tất cả đều là ẩn nghĩa", Vũ chợt nhớ đến nhận xét của một triết gia. Thực ra, toàn bộ những bí mật của thế giới này loanh quanh cũng chỉ ở một vài dạng thức cơ bản mà thôi: âm dương, thiện ác, trước sau, phải trái, đúng sai, xấu tốt, trẻ già, trên dưới ...Con người mãi mãi vướng vào các sợi dây của những mối quan hệ không cân bằng, tất yếu sẽ nhầm lẫn và rối bòng bong. Sự nhầm lẫn chồng chéo lên nhau, khiến con người mãi mãi bất khả tri, mãi mãi vô minh.

- Thưa ông, khi ông viết truyện, ông nghĩ đến ai trước nhất ...Độc giả ư ? Hay là ông ? Hay là một người phụ nữ nào kia ?

- Nếu là một người phụ nữ được thì tốt quá ...Vũ trả lời - nhưng không phải lúc nào cũng như thế cả. Ở tác phẩm đầu tay thì tôi nghĩ đến mẹ tôi.

Mọi người ồ lên ngạc nhiên như vừa phát hiện ra một điều gì có ý nghĩa lắm, cao cả và lương thiện lắm.

Vũ đỏ mặt, chàng đã nói dối. Không phải là mẹ. Chàng đã diễn đạt không đúng với tư tưởng của chàng. Đấy là chàng muốn được như thế mà thôi. Hình ảnh mẹ với chàng thật xa vời. Chàng chỉ thương mẹ thôi. Mẹ chàng không biết chữ. Chàng nhớ rằng khi viết tác phẩm đầu tay, chàng chỉ nghĩ đến tiếng Việt, chàng cũng chỉ a dua học đòi các nhà văn trước chàng, không phải cụ thể một ai nhưng có lẽ là một tay cùng hội cùng thuyền nhố nhăng có tài dẫn lối đưa đường. Thường thường, đấy chỉ là một tay nhà văn hạng xoàng.. Chúng ta biết rằng những tay cảnh sát chỉ đường phần lớn chỉ là những tay đeo lon hạ sĩ. Khi chàng bước lên con đường danh vọng, chàng nhớ đã không có bóng dáng một người phụ nữ nào nâng đỡ hoặc cản đường chàng. Lúc ấy chàng là một gã trai trong trắng và ngốc nghếch. Lúc ấy, chàng nghĩ rằng trong văn học hẳn chứa ẩn sự lương thiện hoặc một cái gì đó cao nhã, không phàm tục, có khả năng nâng đỡ con ngườị. Chàng hân hoan vì vẻ đẹp của ngôn từ, của tiếng Việt, những âm thanh trong lòng chàng cứ thế ngân lên, hoặc là minh triết hoặc là ngọng nghịu, nhưng tất cả những ngôn từ ấy đều lương thiện và trong trắng. Chắc chắn là thế, dĩ nhiên là thế. Chàng thấy con người thật đẹp mà đời thật đáng sống. Chàng thấy yêu mình vô cùng, chàng như một con chim non vừa phát hiện ra đôi cánh của mình, nó bay lên trời xanh, nó ngã xuống, nó cười khúc khích, nó lại bay lên, cứ như thế. Con chim non cứ bay lên cao, cao mãi ...

- Thưa ông ...Điều gì quan trọng nhất đối với nhà văn ?

- Không có điều gì quan trọng cả. Điều cần nhất là phải bảo vệ mạng sống của mình giống như một tay buôn lậu hay tù sổng. Ta phải chăm sóc bản thân ta như chăm sóc cái cây ...Phải bắt sâu, nhổ cỏ ...phải tỉa cành ...Rồi kiên trì sống, từng ngày một. Nuôi dưỡng một ý chí nào đó hướng về phía ánh sáng và sự lương thiện ...Hình như đó là tôn giáo - Vũ lúng túng, chàng không thể nói to ra những ý nghĩ của mình như thế. Có nói cũng không ai hiểu cả. Bất khả tri ...Chàng cũng chỉ lờ mờ hiểu rằng chàng đang đi trên một con đường chông gai gian khó nhưng chàng đang đi đúng đường. Chàng mò mẫm, dò từng bước chân nhưng cơ bản là khá chính xác trong cái đầm lầy đó, trong cái cõi hỗn độn, trong đêm tối vĩnh cửu, vừa chông chênh, vừa phù du hư ảo lại vừa nguy hiểm chết người. Ôi ôi, có lẽ chỉ có tình yêu thôi, thứ rượu mạnh ghê gớm, liều ma túy say sưa túy lúy mới có thể kích thích được chàng lúc này, khiến cho chàng lãng quên bao nhiêu hệ lụy ở đời để sống với cá nhân mình ở trong chốc lát. Nghệ thuật nói chung, trong đó có văn học, giống như rượu mạnh hay ma túy (nhiều khi nó có khả năng thay thế rượu mạnh hay ma túy) là một trong những thứ hiếm hoi ở đời may ra còn tạo được đôi chút khoảng trống cho cá nhân con người - cái góc u tối và khuất nẻo, nơi giấu một ít của cải có thực tên là ...Vũ không muốn nói ra tên của bí mật đó. Mà em ...Chàng sẽ nói ra điều bí mật đó vào giây khắc cuối cùng ...

Bữa tiệc đã được dọn ra và rượu sâm banh nổ bôm bốp. Hoàng cầm ly rượu đi chạm ly với từng người một, Vũ lại được Hoàng giới thiệu một lần nữa với đám quan khách, trong đó có cả mấy vị quân nhân và công chức ngành thuế vụ.

- Thưa ông Vũ, so với chúng tôi, công việc của ông cao nhã hơn nhiều ...

- Thưa ông, tôi không dám ...

Vũ cảm thấy chàng như đang bị sỉ nhục, chọc ghẹo hoặc nhạo cợt. Việc đi tìm ý nghĩa cuộc sống và những băn khoăn của chàng về hạnh phúc giữa đám người này có vẻ tầm phào, quá ư lạc lõng, ngược đời. Giá vàng lên xuống ở đây quan trọng hơn, ông nọ ông kia mất chức quan trọng hơn ...Vâng ...Các món hời ...Bà chị có một vạn quan ...Bác Tham vừa mới xây nhà ...Cậu Tú vừa đi du học ...

- Tất cả bọn người này đều sinh động, say sưa, hăng hái, thậm chí cuống cuồng ...họ ngọ nguậy không mệt mỏi ...Đời là chiến đấu ...Đời là sân khấu ...hoặc anh là đe hoặc anh là buá.. Dô đi ...Nhào dô ... Xả láng. Hay là họ đúng ? Hay là ta sai ? Mà tiền bạc ở đâu ra lắm thế?

- Thưa ông Vũ, xin ông đừng nghĩ ngợi nhiều. Hai chị em Yến,

Hồng kéo Vũ đi ra một góc. - Chỗ này không hợp với tạng của ông đâu! Đám người phàm tục chúng tôi chỉ đuổi theo sự hào nhoáng ... Xã hội kim tiền mà! Ông là thi sĩ, nhà tiểu thuyết ... Mối quan tâm của ông là tâm hồn con người ... Có phải không ạ ? Vậy thưa ông, tâm hồn người ta là cái gì vậy ?

Vũ phì cười. Giống như một công án Thiền Tông. Chàng nhớ có nhà văn từng nói rằng tâm hồn không thể sống thiếu những trò phù phiếm và trò chơi vui, tâm hồn giống như con thú, nó lúc nào cũng đói, khi thiếu thức ăn là nó xé xác các tâm hồn khác, cuối cùng thì nó tự xé xác mình.

Vũ diễn đạt điều đó cho hai người đàn bà nhưng họ không hiểu. Vũ bực mình vì trong tiếng Việt không có cách chi, không có từ ngữ nào có thể biểu đạt được trạng thái và ý nghĩa của thứ mà Vũ gọi là "tâm hồn". Lần đầu tiên, Vũ nhận ra tiếng Việt có phần nghèo nàn khi biểu lộ những nội dung, khái niệm trừu tượng.

- Tâm hồn là một trạng thái khởi động hoặc ngơi nghỉ. Vũ lúng túng giải thích và chàng cũng không tin lắm với lối giải thích của chàng. Như ở phương Tây, trên đường giao thông có những đèn báo hiệu chỉ đường ...Đèn xanh, đèn đỏ ứng với sự thuận nghịch. Ở đấy không có tâm hồn vì nó đương nhiên là thế, nó là sự khẳng định đã rồi. Trạng thái trung gian của đèn vàng mới đáng kể: nó mờ ám, vừa khẩn trương, lại vừa quyết liệt. Hoặc là thế nọ hoặc là thế kia, ở đây sẽ có trạng thái mà ta gọi là "tâm hồn" ...nó lựa chọn, khởi động và ngơi nghỉ ...và theo tôi, bao giờ nó cũng lựa chọn sự bảo thủ, vì con người vốn bảo thủ ...con người nào có tâm hồn đều rất yếu và bảo thủ ... Họ luôn hoài nghi, ngờ vực lòng mình.

Vũ thở dài. Chàng có vẻ loanh quanh và thiếu lương thiện.

- Thưa ông, chúng tôi chẳng hiểu ra sao nữa cả ... có thể ông muốn

nói đến sự ân ái hay ngoại tình chăng ? Ông có bị sốt hay không ? Ông có bị mê sảng hay không ? Sao mặt ông tái đi như thế ? Ông cho phép tôi xem nhiệt độ ở trán ông thế nào ?

Vũ phì cười. Chàng cũng không hiểu tại sao người ta lại đi liên tưởng đến trò ân ái hoặc vụng trộm. Chẳng lẽ sự đời oái oăm đến thế kia cơ ? Tiếng Việt quả thực là thứ ngôn ngữ dễ gây nhầm lẫn.

Yến đặt tay lên trán Vũ và chàng bỗng nhiên như bị kích động. Cũng không phải hoàn toàn kích động mà có phần nào giống với tâm trạng của kẻ chán đời, của người nhận được ra lẽ hư vô ở trong sự sống, sự vô nghĩa vớ vẩn của các trò đời, cũng như sự bất lực của chính mình. Vũ cầm lấy bàn tay Yến đặt trên trán chàng bóp nhẹ, Vũ kéo nó để vào hạ bộ của mình. Chàng nói:

- Thưa bà, nó ở đây!

Chàng muốn nói đến thứ mà người đời vẫn gọi là lý tưởng sống hay giá trị sống, một cái gì đại loại như thế tương đương với những từ "cao thượng" hay "hạnh phúc" .

Tất cả khách khứa nhìn dồn về phía hai người. Yến sợ hãi rụt phắt tay lại, ngã vào lòng cô em gái. Hoàng tiến đến trước mặt Vũ, Hoàng cố kiềm chế nhưng giọng nói vẫn cứ run lên:

- Thưa ông, may mà sự việc xảy ra trong nhà tôi và tôi không muốn động thủ, tôi không muốn phiền phức! Chắc ông biết rõ ở ta mạng người rất rẻ, cho dù ông có là nhà văn danh tiếng bậc nhất thì cũng không khác gì con chó! Xin mời ông xéo khỏi đây ngay lập tức!

Vũ ngạc nhiên, chàng thấy Hoàng "trở mặt", giống như tục ngữ nói - như "trở bàn tay". Một phút trước đây họ đã cư xử với nhau như hai người bạn thân thiết nối khố cơ mà! Hơn nữa, trong thâm tâm, Vũ không hề có ý xúc phạm Hoàng hay vơ. Hoàng. Chàng chỉ muốn bày tỏ một thứ tình cảm rất thật, rất gần gũi, rất con người mà cũng tự nhiên thôi như người nguyên thủy vẫn làm. Yến đẹp như thế. Còn Vũ chẳng lạ gì Hoàng. Hắn đểu như thế, hắn phản bội và ăn cắp ... Những vụ buôn lậu ma túy và vũ khí ... Hàng chục triệu đồng bào của chàng đang sống như súc vật ... Chàng muốn Yến biết rằng chàng không ốm, tinh thần và tâm hồn chàng đều khỏe mạnh.

Vũ nói:

- Thưa các vị ... lỗi không phải của bà ấy..Tôi xin lỗi ...Tôi muốn nói rằng tự nhiên có những lý lẽ khác với chúng ta ...

Vũ không nói được hết câu thì chàng đã bị người ta tống ra khỏi cửa. Chàng chỉ loáng thoáng nghe thấy tiếng Hoàng mắng vợ:

- Cô đáng xấu hổ ... chính cô cũng thích ... cô đã không tự bảo vệ danh tiết cho cô ...

Yến khóc nức nở và tiếng khóc ấy khiến Vũ thắt tim lại.

Vũ đi như chạy. Trời Hà Nội ngợp trong mưa xuân. Mưa xuân mà sao những giọt mưa xuân lại nặng như chì ...Mưa như roi quất vào mặt. Hà Nội nghèo xác và dị mọ. Ở đây không có ai còn khả năng nghĩ ngợi hoặc phát sáng những tư tưởng khiến cho tinh thần con người mạnh mẽ lên thêm nữa ư ? Tất cả đều loanh quanh, luẩn quẩn như đám bọ gậy hay cung quăng. Nhục thể và vật dụng ...Toàn những cô hồn, chẳng ra người, chẳng ra ngợm ...Đấy là tất cả Hà Nội của chàng.

Vũ thấy lạnh, chàng rùng mình và thấy đau nhói trong tim. Chàng lên xe điện trở về nhà. Chàng cũng chẳng biết rằng màn đêm đang buông dần lên thành phố. "Đêm kinh thành xa như giấc mơ ..." Vũ lơ mơ ngủ gật, chàng cũng chẳng biết đến xe điện đã bị "pan" ơ ? Giám bao lâu nữa.

Mất điện. Tất cả hành khách đi trên xe điện đều bị dồn xuống đường đi bộ. Vũ kéo cao cổ áo, chàng lủi thủi đi ra ngoại ô, về phía nhà mình. Đến Ngã Tư Sở, chẳng biết chàng nghĩ thế nào, chàng rẽ vào một ổ hút thuốc phiện và nằm ở đấy cho đến nửa đêm.

Vũ về nhà thì đã gần sáng, người lão bộc già loay hoay mở cửa cho chàng. Người chàng ướt như chuột lột.

- Thưa ông, ông vào nhà đi kẻo lạnh ...Nửa đêm có hai bà sang trọng đi xe tay đến tìm ông ...Họ không xưng tên. Họ bảo rằng ông là nguyên do nỗi bi kịch trong cuộc sống của họ nhưng họ tha lỗi cho ông. Đằng nào cuộc sống của họ cũng đã bi kịch rồi, có thêm một bi kịch nữa cũng chẳng mùi gì ... Ông không có khả năng gì đáng để cho họ quan tâm, vì ở ta nhà văn là hạng vứt đi! Ông bị cấm cửa không được đến nhà ông Hoàng ...Bà lớn tuổi hơn nói rằng tâm hồn của ông có thể to hơn người thường thật ...

Vũ ngồi vào bàn viết. Chàng cố xuôi đuổi hình ảnh một cô gái ra khỏi óc chàng. Mà em ..."Bài học tiếng Việt". Chàng bắt đầu câu chuyện của chàng như thế đúng vào lúc những tia nắng mùa xuân chiếu vào cửa sổ nhà chàng ..."




Ghi chú cuối chuyện:

Trong buổi bình minh của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX này có những tài năng văn học trẻ. Có những nhà tiểu thuyết sớm nổi tiếng ngay ở tuổi 20. Có người 27 tuổi đã chết, để lại bao nỗi tiếc thương cho người đời. Câu chuyện trên được viết dựa trên cảm hứng về cuộc đời một nhà văn như thế, lấy bối cảnh ở Hà Nội khoảng trước những năm xảy ra Đại Chiến thế giới thứ II (1939 - 1945). Nhà văn trẻ với thiên tài của mình, nổi lên rực rỡ trên văn đàn khoảng từ 4 đến 6 năm. Những thiên tài thường không dùng dằng nhiều với những hệ lụy mà người đời cứ tưởng bở rằng ở đấy có nhiều giá trị hoặc ý nghĩa gì. Ngôi nhà được kể trong truyện, tiếc thay nay không còn nữa, đại để nằm ở chỗ Thư Viện Gơ-tơ Hà Nội bây giờ. Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ mới hình thành, đòi hỏi sự tìm tòi và làm phong phú thêm bởi nhà văn và những người có thiện chí. Bài học tiếng Việt đôi khi cũng là những bài học buồn cười, tầm phào hoặc nhầm lẫn. Mong rằng độc giả rộng lòng hiểu cho ý muốn của người viết chuyện này. Cầu chúc sự may mắn và bằng an đến cho tất cả mọi người.

Hà Nội, 1999
____________________________________________

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Nhân loại "sợ" chữ và "cưu mang" chữ

Đỗ Minh Tuấn (Nhà văn)

Chữ nghĩa quan trọng lắm, linh thiêng lắm và cũng nguy hại lắm. Cho nên kẻ chơi chữ là kẻ sang trọng, cũng ngang với trò chơi "đế vương". Kẻ dùng chữ làm vũ khí thường làm các bậc vua chúa "kiêng dè, kinh sợ". Chữ nghĩa văn chương đã gây ra biết bao nhiêu buồn vui, xáo trộn và đe dọa, khiến người ta cảnh giác, nghi ngờ song vẫn cưu mang nó. Nhưng khi nó bị chính văn nhân quên lãng, người ta mới cảm thấy bối rối, xót xa.

Chữ nghĩa quan trọng và "nguy hiểm" lắm

Nhiều người bảo rằng chữ nghĩa, văn chương là thứ quan trọng lắm, "bút sa gà chết", chỉ đặt sai một dấu phẩy thôi là có thể gây chết người như bỡn. Người ta vẫn dẫn ra câu chuyện thầy thuốc thấy sách viết "Đau bụng uống nhân sâm" vội kê đơn cho con bệnh. Khi xảy ra án mạng, giở lại sách xem thì trang sau còn có hai chữ "tắc tử", nghĩa là đau bụng uống nhân sâm thì chết ngay lập tức.

Sách dạy nghề ý tứ thẳng băng mà chữ nghĩa còn đỏng đảnh khùng điên độc ác thế, sách văn chương rậm rít ý tình, ngoắt nghéo tâm tư, đọc một suy mười, chữ nghĩa còn đáng kinh sợ hơn gấp bội. Trong lịch sử, chẳng đã từng xảy ra bao nhiêu án văn tự đó ư? Chả cứ gì chữ nghĩa trong văn chương, chữ nghĩa ở đời nói chung là nguy hiểm chết người.

Anh hùng cái thế gặp nhau trong Tam Quốc, chỉ giống nhau một chữ "Hoả" viết trong lòng bàn tay thôi mà trời đất đảo điên, khói lửa mịt mù, giang sơn binh biến. Chỉ luận sai một chữ trong mớ chữ cung quăng của bác sĩ thời nay là có thể làm toi mạng bệnh nhân. Chỉ một chữ "duyệt" viết sai chính tả của các quan chức, là hàng ngàn tỷ của nhân dân có khi trở thành mây khói, chui vào túi bọn người tham nhũng.
Nhà văn thì cho rằng Trời sinh ra chữ để con người ký thác sinh mệnh hồn vía mình trong đó. Có thần thánh hiển linh trong chữ để làm chứng cho tài nghệ văn chương. Trước khi viết một chữ để thờ, người xưa thường trai giới tâm niệm cả tháng trời để như thể dọn đường cho thần thánh đăng quang trong nét bút xuất thần.

Chữ quan trọng lắm, linh thiêng lắm và cũng nguy hại lắm. Cho nên kẻ chơi chữ là kẻ sang trọng, cũng ngang với trò chơi "đế vương". Kẻ dùng chữ làm vũ khí thường làm các bậc vua chúa "kiêng dè, kinh sợ". Kẻ lấy chữ làm phương tiện lập thân bị người xưa khinh chê vì đem cái cao sang nhất để phục vụ cho những dục vọng cá nhân tầm thường, nhỏ bé. Trong lịch sử trầm luân của nhân loại, chữ nghĩa văn chương đã gây ra biết bao nhiêu buồn vui, xáo trộn và đe dọa, khiến người ta cảnh giác, nghi ngờ với sức mạnh và phép thuật của nó.

Từ khi báo chí ra đời, chữ nghĩa lại có thêm tầm quan trọng khác. Báo chí lợi hại lắm, chữ nghĩa không thận trọng cũng dễ làm lòng người phân tâm. So với chữ trên báo thì chữ nghĩa trên sách lại có vẻ ít đáng sợ hơn, vì nó thu lu trong tủ sách, trong thư viện, gáy bìa chễm chệ, như thể quan văn lụng thụng áo dài, yếu đuối vòng vo.

Chữ trên báo như quan võ xông xáo trong đời. Nó vừa múa may trên tay bác xích lô xong, đã thấy quát tháo trên bàn ông Bộ trưởng. Ngay cả khi tờ báo bị cặp mông núng nính của bà bán thịt đè lên, chữ nghĩa vẫn không chịu chết. Có thể vào lúc nghỉ trưa nằm khểnh bên mẹt thịt, bà ta tiện tay đưa mảnh báo lên xem. Thời quá độ người dân như bà có bao nhiêu bức xúc, bực dọc vì bị đám thuế vụ, lưu manh, quản lý chợ, đầu gấu trấn tiền các kiểu, vì con cái học thêm tốn nhiều tiền quá, vì cái loa của thằng bé bán báo ra rả quảng cáo về vụ án như nện búa vào đầu dây thần kinh, vì cái chân giò ôi không bán được.v.v. Lúc ấy, mẩu báo bà đọc dễ như đổ thêm dầu vào lửa lắm. Vì thế, biên tập báo phải kỹ, chớ để "sểnh" ra một câu chữ.
Đó là lý do vì sao chữ nghĩa trên báo thường trơn tru trụi trần như gà vặt sạch lông khiến nhiều người viết báo tỵ nạnh sao chuyện kia viết được trong tiểu thuyết, truyện ngắn mà không thể viết ra trên báo? Rốt cuộc, trên những vị trí trang trọng nhất của tờ báo thường là những cụm từ tân văn mòn sáo...

Trong kỷ nguyên truyền hình lên ngôi, người ta nói hình ảnh quan trọng lắm, báo hình có sức mạnh gấp nhiều lần báo viết. Nếu hình ảnh trên ti vi không quan trọng thì tại sao mới chỉ qua một đợt chiếu phim "Hoàn Châu Cách Cách" thôi mà đồ chơi Tàu, áo mũ Tàu, mặt nạ Tàu, tràn ngập cả Tết trung thu của người Việt? Hình ảnh có sự năng động, có ma thuật lớn thôi miên ám thị người xem, bắt họ phải mua nước ngọt Cocacola, dùng bột ngọt Azinomoto và bỏ phiếu cho ngài Mitterand trở thành Tổng thống.

Vì hình ảnh quan trọng thế nên phim ảnh chiếu trên truyền hình phải cân nhắc lắm, không thể thoải mái như phim nhựa chiếu ngoài rạp hay băng đĩa xem trong gia đình được! Người ta có thể xuất bản cả bộ tiểu thuyết tình dục "Kim Bình Mai" hoặc tự do thuê đĩa phim này ở ngoài quầy băng về xem, nhưng không thể chiếu trên ti vi cho toàn dân xem được. Hình ảnh quan trọng là thế, những tưởng nó đánh bạt được chữ nghĩa. Ai dè, chữ nghĩa quỷ quái vẫn ăn theo tầm quan trọng của hình ảnh, thậm chí nhiều khi làm cho hình ảnh bị lộ tẩy, bị gánh tội oan...

Chẳng hạn, khi một vị giữ trọng trách nào đó đang xem phim truyền hình phải chạy vào toilet, thì lúc ấy trên tivi có thể tha hồ trình diễn các hình ảnh yêu đương bạo lực mà chẳng hề hấn gì vì vị ta có nhìn thấy hình ảnh nào nữa đâu! Nhưng nếu chẳng may lúc ấy có một câu thoại gai góc buột ra len lỏi vào tai vị ta, có thể làm vị ta giật mình, đòi xem lại bộ phim và chấn chỉnh, phê bình nhà đài, nhà báo. Thế là chữ nghĩa vẫn quan trọng hơn hình ảnh trên thực tế.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi có vị duyệt phim truyền hình theo kiểu nhắm mắt lại lim dim nghe lời thoại. Khi nghe thấy có câu nào gờn gợn là vị ta choàng tỉnh đòi tua ngược lại băng để định vị giây phút bắt cắt, bắt sửa câu thoại nguy hiểm ấy sao cho êm tai vô hại. Thế mới biết ngôn ngữ vẫn vô cùng quan trọng.
Hình ảnh có thể làm cả một lớp trẻ trở nên bạo lực, dâm đãng, buông thả, đua đòi, làm sôi động cả thị trường mốt thời trang và thị trường hàng mã, làm hàng triệu người ngượng chín mặt khi xem quảng cáo, song nó không làm ai mất ghế. Nhưng một câu thoại gai góc, lập lờ có thể làm mất chức một vị quan như chơi. Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào, cứ thiến sạch những câu thoại khả nghi là yên tâm nhất. Nền điện ảnh có vì thế mà trở nên tầm thường, xuống cấp thì cũng chẳng chết ai! Có truyền hình rồi mới thật tin chữ nghĩa quả là quan trọng nhất !

Khinh chữ, gác chữ và cưu mang chữ

Chữ nghĩa quan trọng và nguy hiểm thế nên xưa nay người ta "canh gác" chữ cẩn mật lắm. Thậm chí, để phòng vệ với chữ nghĩa từ xa, nhiều khi người ta đề cao những người nói năng viết lách nhợt nhạt và công thức, chữ tác đánh chữ tộ, dây cà ra dây muống vì họ là những người có một bản lĩnh ghê gớm để trị lũ chữ nghĩa. Họ khinh chữ, tạt tai ngữ pháp, đá đít văn phạm..., y như một dũng tướng một mình một ngựa xông vào làm toán loạn đám giặc cỏ vậy.

Những diễn văn ậm ờ luộm thuộm của họ chính là bãi chiến trường nơi bọn giặc chữ bị chết như ngả rạ. Xét ra, sự bóng bẩy sinh động gai góc của chữ nghĩa văn chương cũng đã có sứ mệnh thiêng liêng cao cả, nhưng sự mòn sáo và nhàm chán còn thiêng liêng và cao cả hơn nhiều, vì rốt cục thì chữ nghĩa có bị cạo trọc, lột trần, cũng là vì một sự thanh bình yên ổn trong cõi thế mà thôi! Văn chương chữ nghĩa phải lùi đi, phải hy sinh cho hoà bình, phồn vinh và trật tự mới của toàn nhân loại.
Cái tâm thế đó đã sinh ra những tên "đao phủ" chữ, những biên tập viên chặt chém không thương tiếc những chữ nghĩa khả nghi theo phương châm "giết nhầm còn hơn bỏ sót". Nhưng mặt khác, nó cũng sinh ra những biên tập viên tri kỷ tri âm, biết trân trọng xót thương và cưu mang chữ nghĩa như cưu mang Chúa trong cơn thương khó. Họ biến hoá khôn lường như những thầy phù thủy. Khi buộc lòng phải xử trảm những câu chữ tâm đắc nào đó, họ thường tìm cách cho chữ nghĩa "cải trang" chạy trốn. Ngòi bút của họ quyết liệt, nghiêm minh, nhưng thực ra họ chỉ vung đại đao chém cụt bộ râu dài, như Tào Tháo cắt râu khi chạy trốn, làm biến dạng câu chữ để câu chữ ấy tiếp tục sống.

Cái kiếp chữ thời phong kiến đầy huý kỵ phải sống chui sống lủi kể cũng nhục nhằn. Nhưng thật trớ trêu, chữ nghĩa có khả năng biến cải hình hài, biến vải liệm thành áo bào của nó. Chỉ cần một ánh mắt tri âm tri kỷ chạm vào nó là chữ nghĩa lại hiện nguyên hình. Như thể nó là một Tiên ông hoá thân thành kẻ ăn xin rách rưới và hèn kém để thử thách lòng người, ai nhìn thấy cái bản lai diện mục đằng sau những hình tướng tầm thường, kẻ đó đáng được hưởng ân sủng của thánh thần.

Chữ nghĩa tàng hình, biến hình thật quỷ quái tinh ma. Vì thế nó thật đáng sợ. Những người biên tập văn chương có thiện chí, có lương tâm đôi khi phải bôi thêm bùn, trát thêm nhọ vào cốt cách Tiên ông của chữ nghĩa để giấu kín chữ nghĩa hơn, đó chỉ là cách họ giúp cho chữ nghĩa tìm ra kẻ tri âm đích thực, kẻ cưu mang đích thực mà thôi!

Ngày xưa, kiểm duyệt và biên tập là hai nghề khác nhau. Kiểm duyệt chữ nghĩa của đám nhân văn sĩ tử, kể cả thiên tài nhiều khi cũng chỉ cần vài người biết đọc thông viết thạo, viết sai chính tả cũng được, nhưng phải thuộc luật và biết gạch xoá cho rõ nét. Chữ của nhà văn siêu hạng cũng chỉ cần một nhát gạch y như chữ của bọn người vừa tập tọng viết văn, làm thơ.

Thế nhưng, dù kiểm duyệt khắc nghiệt đến đâu, người ta vẫn tuyên án tử hình chữ nghĩa trang trọng công khai, không đối xử với chữ nghĩa của văn sĩ thi nhân lạnh lùng, vô cảm. Ở những chỗ kiểm duyệt gạch bỏ người ta in công khai dòng chữ "Kiểm duyệt bỏ đoạn này", như thể xây cho những chữ bị xử trảm một nghĩa địa có khuôn viên trang trọng, để những người động lòng trắc ẩn với chữ nghĩa có thể biết mà tìm kiếm xác những câu chữ bị tử hình để khâm liệm và mai táng.

Chữ nghĩa thanh cao và thâm sâu vẫn luôn được các văn nhân và những người tri kỷ cưu mang trong những cơn thương khó. Ai ngờ đâu có một ngày, chính các văn nhân lại trở thành kẻ vô địch trong trò chơi tạt tai chữ nghĩa, dẫm bẹp văn chương như ở Đại hội nhà văn lần thứ 8 vừa qua.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
_____________________________________________________

ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VN LẦN VIII: Y NHƯ MỘT “XỚI VẬT” LÀNG ?!

8-900 hội viên ai người lớn ?
6-7 chục tuổi đầu vẫn trẻ con !


Phạm Viết Đào.

Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ tám nếu tính từ chiều ngày 4 với cuộc họp đảng viên và bế mạc vào chiều ngày 6/8/2010, Đại hội diễn ra trong vòng 2 ngày rưỡi; Tham dự đại hội có 736 trên tổng số 923 đại biểu; trong đó có 623 đại biểu là đảng viên…Đại biểu dưới 40 tuổi trên dưới một chục người còn phần đông từ 50 tới 70 tuổi…
Theo dõi không khí đại hội và những chuyện xảy ra tại không gian đại hội thấy Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra gần giống như một “xới vật” làng; một cái làng có nhiều đám trẻ choai choai, ít công ăn việc làm, cứ đụng đến chuyện gì, trái ý nhau một tí, chưa hiểu nhau, thế là chẳng ai chịu ai, chẳng ai nhường nhịn ai lao vào vào vật nhau…
Tại Đại hội nhà văn lần thứ VIII đã xảy ra mấy kiểu, dạng vật nhau rất khôi hài và mất nhiều thời gian của đại hội, có người bảo là căng thẳng, nhưng có người lại khoái cho đó là vui, mới là đại hội văn:

1/Vật nhau giữa Đoàn chủ tịch với các Hội viên về việc bầu Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội:

Khi bàn đến các thể thức bầu chủ tịch Đoàn, bầu Đoàn thư ký, một thủ tục hành chính buộc phải có thế mà đã xảy ra chuyện đôi co giữa nhà thơ Bùi Minh Quốc với Chủ tịch Đoàn; Cả hội trường vỗ tay tán thành phương thức và cơ chế bầu ra cái đám ngồi chịu trận trên Chủ tịch Đoàn do Ban chấp hành đề xuất. Đa số các nhà văn đều nghĩ: ai ngồi lên chủ tịch đoàn cũng được, khổ chứ báu gì, vênh vang gì, thế nhưng nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng lại có ý kiến, đề nghị thay đổi, để những ý kiến mà Ban chấp hành đề xuất là không dân chủ. Thế là lại phải sử dụng đến giơ tay biểu quyết, đến sức mạnh của số đông, tức là kéo cả làng ra để giải quyết một việc nhỏ.

2/ Vật nhau huỳnh huỵch, tứ tung khi bàn thủ tục, thể thức tổ chức bầu cử Ban chấp hành tại đại hội:

Nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Đoàn chủ tịch lưu ý các nhà văn tập trung chú ý nghe ông giải thích kẻo hiểu sai thế thức bầu cử mới; với thể thức bầu cử này, y như bầu cử tổng thống ở một số nước, chia làm 2 vòng. Với thể thức mới hy vọng bầu đủ 15 ủy viên. Mặc dù đã giải thích cặn kẽ nhưng rồi cũng phải mất gần tiếng đồng hồ cho việc trao đi đổi lại thể thức mới này để đi đến đại hội sẽ đưa vào danh sách 30 ứng cử viên để chọn lấy 15, tức 2 chọn 1…
Người này cướp micro của người kia, người kia mắng người nọ sao lại dám tranh phát biểu trước mình; có đại biểu phát biểu giống như sắp lăn ra chực vạ: Tôi là phụ nữ, tôi là nhà văn thuộc hội trẻ, tại sao các anh là nhà văn cậy thế đàn ông, ăn hiếp tôi không cho tôi nói. Có ông trên tầng hai xin phát biểu, chủ tịch đoàn ngồi xa không nhìn thấy không đưa micro cho ông thế là ông dậm chân, to tiếng với chủ tịch Đoàn là phân biệt đối xử. Mới có vài thủ tục bước đầu mà hội trường đã rạo rực hẳn lên. Không trách cố nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng phát biểu trong một lần đại hội: Liên hiệp quốc có gần 200 quốc gia còn Hội Nhà văn Việt Nam có tới hơn 400 hội viên, mỗi hội viên là một công quốc (thời Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký mới chỉ có ngần ấy); còn hiện nay Hội nhà văn VN có trên 900…

3/ Vật nhau giữa các “ông trẻ” Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo với Hữu Ứơc và Chủ tịch Đoàn…

Trong khi cả hội trường đang nhao nhao xin tham gia ý kiến về thể thức bầu cử, “ông trẻ “ Trần Mạnh Hảo giành được micro không cần Chủ tịch Đoàn cho phép, cứ thế oang oang. Ông phát biểu đại ý ông đã đi nhầm chỗ, ông đi họp là để bàn chuyện văn chương nhưng lại sa vào chuyện bầu bán ỏm tỏi. Lập tức micro của Trần Mạnh hảo mất tiếng; Trần Mạnh Hảo hầm hầm xông lên bục, ở đây micro mất điện nốt, Trần Mạnh Hảo cáu sườn quay sang quát: Hữu Ước là thằng trẻ con?
Thực ra Trần Mạnh Hảo trong chuyện này ứng xử sai, đã là đại hội thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải bầu cho được ban lãnh đạo mới; bảo người ta dẹp bầu cử khác gì phá ngang. Còn cái chuyện nhùng nhằng là do lỗi các hội viên: chín người mười ý. Chắc vì nghĩ Hảo là kẻ phá ngang nên ai đó giật giây để cúp điện không cho Hảo nói. Việc Hảo hùng hổ xông lên diễn đàn mắng Hữu Ước là đồ trẻ con cũng là một kiểu ứng xử theo cách của đám chọi con ở làng…Còn cúp micro không cho Hảo phát biểu cùng là kiểu ứng xử, dùng quyền lực theo kiểu trẻ ranh.

Ngay trong chuyện đề cử người vào Ban chấp hành, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết đã được 3 người dúi vào tay một danh sách tên các nhà văn được đánh máy sẵn để Thọ bỏ cho. Có một số người còn ráo riết vận động tìm giải pháp lật đổ nhà thơ Hữu Thỉnh bằng cách: vận động mọi người bầu, dựng " con bài " Nguyễn Khoa Điềm lên, đưa vào danh sách bầu cử, đưa ông này để làm đối trọng với Hữu Thỉnh thì chắc lật được thế cờ. Nghe thấy vậy, Nguyễn Khoa Điềm lập tức cáo ốm, nằm nhà, gửi giấy cho Ngô Minh xin rút vì sợ phải làm đối trọng với Hữu Thỉnh. Một kiểu vận động lật đổ theo cách trẻ con…

Còn nhà thơ Bùi Minh Quốc lên tận Chủ tịch Đoàn đề nghị cho phép được phát biểu ý kiến về một số cá nhân trong danh sách được đề cử nhưng Chủ tịch Đoàn đã không đồng ý, lại một cú vật nhau.Bùi Minh Quốc là người ham hố gây những dấu ấn chính trị nhưng lại không biết cách, nếu không muốn nói là ngây ngô...
Xong phần bầu ra danh sách người đề cử được 30 người, 12 người xin rút, danh sách còn lại 18 ứng cử viên; lập tức nhà thơ Lê Kim đề nghị Ban bầu cứ chốt danh sách 18, không bổ sung thêm. Ý kiến này đã được một số người nhao nhao vỗ tay. Ý kiến “đổi mới” quyết nghị vừa thông qua mấy tiếng đồng hồ này đã bị phái “ phàm là “ do nhà văn Hữu Ước cầm đầu bác bỏ.
Nhà văn Hữu Ước ngồi trên Chủ tịch đoàn lớn tiếng chê trách nhà thơ Lê Kim đã đeo lon Đại tá mà không hiểu luật. Sáng, Đại hội đã biểu quyết danh sách đề cử 30 người, 12 người rút thì cứ phải bổ sung thêm 12 cho đủ 2 chọi một. Thế là hội trường lại nhao lên xông vào vật nhau giữ hai luồng ý kiến. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhanh chân, nhanh ý lên bục để nắm lấy ngọn cờ đổi mới, bằng cách đề nghị đại hội biểu quyết: Ai ủng hộ xóa đi cái quyết nghị của Đại hội vừa mới thông qua cách đó nửa ngày bằng cách giơ tay? Cả hội trường số đông lại giơ tay đồng ý phủ quyết cái quyết nghị phải đòi đưa cho bằng được 30 người vào danh sách bầu cử để chọn cho dân chủ. Kết quả là số người được đưa vào danh sách được đa số đồng ý giơ tay bầu chỉ có 18 người. Thế là phái “đổi mới” do nhà thơ Hữu Thỉnh cầm chịch đã cho đo ván phái “phàm là” do nhà văn-Trung tướng Hữu Ước phất cờ ?!
Tóm lại buổi sáng hăng lên thì các hội viên đòi “dân chủ” cho rộng,cho nhiều, buổi chiều vật nhau nhiều mệt nên lại chấp thuận “tập trung” cho nó nhanh, khỏe.Nghĩa là cái gọi là tinh thần yêu dân chủ của đám đông này cũng lại rất chi là “ trẻ người non dạ “…
Vào giờ ăn trưa, dư luận bàn ra tán nhiều về chuyện micro của Hảo. Ăn trưa xong tôi gặp Trần Mạnh Hảo khuyên: Ông trẻ con, nói phát cái gì đáng nói, đáng phản đối hãy nói cho nó ra tấm ra miếng. Hảo đắc ý nói: Tớ đã tạo được scandal, cả thế giới biết, thế là đạt yêu cầu. Đúng là phá bĩnh theo kiểu trẻ con? Có ý kiến nói chuyện gây gổ của Hảo đã đến tai một số hãng thông tấn quốc tế, đến tai nghị sĩ Mỹ; nếu thế tức là Hảo đã trẻ hóa được các nghị sĩ Mỹ và các phóng viên quốc tế…
Còn nhà thơ Bùi Minh Quốc thì lên chủ tịch đoàn quyết liệt đề nghị cho phát biểu, cuối cùng thì Chủ tịch Đoàn cũng bố trí cho nhà thơ Bùi Minh Quốc lên bục với điều kiện chỉ trình bày trong 10 phút như các đại biểu khác. Phần đầu nhiều đại biểu cho là Bùi Minh Quốc còn tỉnh táo, nói còn lọt tai được số đông cử tọa. Thế nhưng càng về sau nhà thơ này cũng lại nói năng linh tinh, nhảm, bước qua thời gian vượt quá 20 phút, cử tọa vỗ tay ầm ầm, đập bàn đập ghế, chủ tịch đoàn nhiều người rời chỗ, rồi 2 nhà văn lên dỗ dành Bùi Minh Quốc thôi không phát biểu những ông chịu rời bục. Đến đây thì người nghe thấy ông chày cối theo kiểu trẻ con. Cuối cùng chủ tịch Đoàn và nhà thơ Bùi Minh Quốc và Chủ tịch Đoàn cũng đạt được thỏa hiệp: Để ông nói thêm mấy câu rồi tuyên bố giải tán, cuộc vật nhau bất phân thắng bại.
“Ông trẻ” Hữu Ước cũng hăng lao vào xới vật
Buổi chiều 6/8/2010 sau khi chuyện bầu bán đã gần xong, “ ông trẻ “ Hữu Ước mặt mũi có vẻ xúc động, đau khổ lên bục, ông lên để vật nhau với Chủ tịch Đoàn với, ông Bùi Minh Quốc, với ông Trần Mạnh Hảo; ông đề nghị nên tổ chức đại hội nghiêm túc hơn. Ông nói hàm ý “ông Đảng” không bao giờ sợ các “ông trẻ “ dân chủ cả, nhắc các ông này đừng có mà quá trớn.
Ông thanh minh giải độc cái dư luận cho rằng: trong cái đám ngồi ở chủ tịch Đoàn ấy, nghi ông là kẻ đầu têu đã dùng nghiệp vụ an ninh để cắt micro không cho Trần Mạnh Hảo nói. Ông thanh minh ông với Hảo từng là bạn chiến đấu cả trong đời lẫn trong văn đàn. Nắm trong tay 4 tờ báo lớn nhưng chưa viết một chữ nào đánh Hảo. Những gì Hảo viết ra, xuất bản ông đều đọc hết, không sót chữ nào; thế nhưng Hảo lại không chịu đọc ông, sách của ông viết ra dày hàng thước…”Ông trẻ “ Hữu Ước có vẻ uất trước việc Trần Mạnh Hảo dám mắng ông, trước ba quân đường đường là một danh tài, một anh hùng thời đổi mới là đồ trẻ con, không biết viết văn, nó như thế là xúc phạm ghê gớm, là coi thường ông, ông không chịu nổi…
Tóm lại sự đôi co, vật nhau giữa 2 ông trẻ này có mỗi vậy, mỗi ông trẻ con mỗi kiểu. Khi nghe ông Hữu Ược khoe sách văn, kịch của ông dày hàng thước nhiều người phì cười: uy tín của nhà văn đối với bạn đọc đâu có đo bằng độ dày của số sách in. Có khi chỉ cần vài câu thơ mà người đời người ta vẫn nhắc từ đời này qua đời khác…
Cũng may đây là đại hội bàn những chuyện chung chung, báo cáo những chuyện chung chunng, từ báo cáo đến tham luận chỉ nêu những chuyện rông dài chứ nếu đây là một cuộc đại hội trong đó có thủ tục ví như phê và tự phê nhau trong sáng tác chẳng hạn. Nếu đại hội họp có nội dung đó thì đánh nhau to, không khéo tan cả hội trường ? Bởi những ông trẻ có cái mạnh của sự nhố, cái ông già thì có cái già rơ của ẩm ương, gàn dở của kiểu già…

4/Chương trình tham luận đại hội: những cuộc vật nhau chí tử

Nghe nhiều ông nhà văn lên bục phát biểu cử tọa có cảm giác những ông này do cao tuổi, quanh năm ở nhà bị vợ quản thúc, không cho ra khỏi nhà, lại không cho nói nên được dịp ra trước đám đông thì như hổ sổ chuồng.
Người lên đọc cứ cố đọc, nói lấy điều mình muốn nói, kệ người nghe có muốn nghe, có chịu mình nghe không. Cái hệ thống âm thanh của hội trường quá tốt, quá chuẩn thành ra sự hung hãn trong khẩu khí của các văn nhân nghe như búa, vồ bổ vào tai.
Một số nhà văn hoặc tìm cách bỏ ra ngoài hoặc không tiện ra ngoài thì thỉnh thoảng lại hè nhau vỗ tay một cử chỉ thể hiện muốn diễn gia ngừng diễn văn, có người bị vỗ tay đến 3, 4 lần mà vẫn không chịu ngừng, tiếp tục “ đè sấp “ cử tọa bắt phải nghe; có ngường tra tấn nhã nhặn hơn, bị vỗ tay mấy lần vẫn nài nỉ, ép người ta nghe mình nói cho bằng được: xin nghe tôi thêm vài phút. Có vị lại còn rất ngộ, nghe tiếng vỗ tay còn cất tiếng hỏi: các bạn hoan nghênh hay muốn tôi chấm dứt đây…Lại vỗ tay, lại cứ đọc, càng vỗ tay càng đọc tợn…Có người mước lên bục rồi thì quay lại búa luôn: Nếu các vị vỗ tay tôi xuống ngay; ông thách chúng tôi à, thế là vỗ tay ào ào. Ông đủng đỉnh quay xuống, Chủ tịch đoàn ái ngại lại dỗ dành ông phát biểu. Không biết cứ bắt người ta nghe điều mình nói để được cái gì không biết ?
Hội thảo diễn ra trong cái khung cảnh: Người lên diễn đàn cậy cái thế trên bục, thế đang sở hữu một công cụ âm thanh có khả năng át giọng mọi người; người nghe cậy cái thế số đông; cả hai đều có thế mạnh thế là vật nhau nhừ tử…
Điều này thì không đỗ lỗi cho Ban chấp hành và Chủ tịch đoàn vì chủ tịch Đoàn bị rơi vào các tình thế: Ngôi chịu trận dước dàn đèn cao áp từ trên cao chĩa xói thẳng vào óc mà không dám ngọ nguậy. Ngồi im như thóc chứng kiến cảnh vật nhau giữa các đại biểu ham nói, thích dạy bảo người khác- một nét tâm lý của trẻ vị thành niên với các cử tọa buộc phải ngồi nghe, bị dàn âm thanh tra tấn nhừ tử, bằng không ít những tham luận tràng giang đại hải chẳng đâu vào đâu…Còn may tham luận chỉ diễn ra trong nửa ngày, nếu kéo dài thêm chắc khối người ốm; thế mà mấy ông còn kêu giành thời gian ít cho việc thảo luận về văn chương ?!
Nghe khẩu khí của một số nhà văn trên diễn đàn rất nhiều nhà văn thở dài: văn nhân nước mình sao mạ tụt hậu với thời thế, ngây ngô trước thời cuộc như vậy thì viết văn làm sao hay được.Người đời vẫn kỳ vọng nhà văn phải trải đời, lõi đời lắm nên mới chứng kiên, lọc đưa lên trang giấy được. Nơi mà nhà văn bộc lộ mình đó là trang giẩy chứ không phải là ở các bục bệ của các diễn đàn…Đúng là: Hội 8-900 hội viên ai người lớn; 6-7 chục tuổi đầu rồi mà vẫn cứ trẻ con…

Tại Đại hội này cũng có những nội dung nghiêm túc, những ý kiến đáng để các nhà văn suy ngẫm. Đó là sự có mặt và ý kiến phát biểu của ông Trương Tấn Sang, Thường trực Bộ Chính trị đã phát biểu với Đại hội một số ý kiến. Các nhà văn chăm chú theo dõi những ý kiến phát biểu thận trọng, những lời lẽ đúng mực trong việc bày tỏ tình cảm, trách nhiệm cũng như sự đánh giá ghi nhận của các cơ quan chức năng quản lý đối với vai trò của văn học, tới sự nghiệp phát triển văn học nói chung và đối với giới nhà văn nói riêng.
Ông Trương Tấn Sang đã lưu ý đến vai trò quan trọng của văn học trong sự nghiệp bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn và khí phách của nhân dân. Qua ý kiến phát biểu của ông Trương Tấn Sang cho thấy: Cơ quan cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nâng tầm của văn học, nhà văn bình đẳng và dân chủ với các lực lượng chính trị khác trước trách nhiệm và sứ mệnh hướng về một mẫu số chung: xây dựng và bồi dưỡng Chủ nghĩa yêu nước; Tinh thần dân chủ; Trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước…
Trong chừng mực nào đó, giới văn học được coi là đội quân xung kích và có nhiều thế mạnh trong đại nghiệp này, đại nghiệp xây dựng, bồi đắp sức mạnh tinh thần cho nhân dân. Những ý kiến nêu trên của ông Trương Tấn Sang là những ý kiến chí nghĩa, chí tình; vấn đề còn lại đó là làm sao nhận thức nghiêm túc và nhanh chóng thể chế nó để tạo điều kiện giúp các nhà văn phát tiết ra được những gì tinh hoa nhất của cá nhân mình, góp vào đại nghĩa, đại nghiệp chung của cả dân tộc đang ở vài giai đoạn có những bước phát triển về kinh tế, nhưng lại gieo neo về các giá trị tinh thần.
Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của tổ chức Hội Nhà văn, của từng nhà văn phải tìm cách nhanh chóng vượt được lên chính mình, nhanh chóng thoát ra khỏi sự khủng hoảng, bế tắc do sự tụt hậu toàn diện và về mọi mặt của giới văn học so với các tầng lớp khác trong xã hội. Đó thật sự là một thực tế đau lòng và đáng hổ thẹn. Điều này đã bộc lộ ít nhiều trong Đại hội VIII vừa qua, trong cuộc hội thảo mới tổ chức có nửa ngày mà đã xuất hiện không ít nhừng ý kiến nhảm,nếu không muốn nói là giống như ngủ mê giữa ban ngày…

__________________________________________

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Các phương thức lạ hoá trong nghệ thuật biểu đạt truyện cười

TRIỀU NGUYÊN

1. Khái quát

Sở dĩ người nghe (đọc) truyện cười phát ra được tiếng cười, bởi vì lí trí, tình cảm của họ gặp phải điều không bình thường: thay vì họ tưởng cuối cùng nhân vật sẽ nói, sẽ làm điều “A”, thì hoá ra nhân vật đã nói, làm điều “B”, thậm chí “không A”. Tức trí tuệ, cảm xúc đã không lường trước, đã bị đánh lạc hướng trước đối tượng đang quan tâm. Và thông thường, càng lạ lẫm, bất ngờ, tiếng cười càng sảng khoái, thú vị.

Phương thức, thủ pháp nghệ thuật góp phần quan trọng làm nên điều ấy, gọi chung là lạ hoá. Có ba phương thức lạ hoá thường gặp ở truyện cười, đó là lạ hoá theo lối phóng đại, lạ hoá theo lối tạo sự việc bất ngờ, và lạ hoá theo lối dựng hoàn cảnh phi thực tế.

2. Miêu tả các phương thức lạ hoá trong nghệ thuật biểu đạt truyện cười

2.1. Lạ hoá theo lối phóng đại

+ Lối phóng đại phổ biến là phóng đại các thói tật của nhân vật. Cách phóng đại là thông qua các hành động (lời nói, việc làm) của nhân vật mà biểu hiện cái thói tật được phóng đại ấy. Thí dụ, truyện “Cây bất ở biển Đông” kể về sự kém cỏi của thầy đồ, chẳng những trước cụm từ “Phàm huấn mông” (Phàm việc dạy học) đã không hiểu nghĩa, mà đến chữ “bôi” (cái chén) cũng không đọc được, trong lúc chúng được ghi ở Tam tự kinh (sách dạy vỡ lòng cho trẻ ngày trước). Làm thầy mà đến sách vỡ lòng cũng chưa thông suốt thì sao gọi được là thầy? Cho nên, đây là một sự phóng đại. Sự phóng đại ấy được thể hiện qua việc thầy dạy bừa “Phàm huấn mông” là ông Phàm, ông Huấn, ông Mông, và biến “bôi” thành “bất” với nghĩa là cây bất (mọc ở biển Đông!), ở hai buổi dạy khác nhau, tức thuộc hai hoàn cảnh nói năng riêng biệt. Hoặc như truyện sau:

DIỆU KẾ

Một quan võ có tính sợ vợ. Một hôm, đang cầm cự với giặc ở biên thuỳ, bỗng nghe tin mật báo là phu nhân đang ở sau lưng xốc tới để hỏi tội quan về việc đem nàng hầu đi theo. Quan bèn triệu ban tham mưu lại vấn kế. Kẻ đưa kế này, người bày mưu nọ, quan đều thấy không ổn.

Bỗng một viên quân sư, vốn dòng râu quặp, tiến lại tâu rằng:

- Trước mặt, địch quân như gió bão, sau lưng phu nhân như nước lũ. Song lọt vào tay giặc không nguy bằng lọt vào tay phu nhân. Chỉ có nước tướng quân hàng giặc, để thoát khỏi tay phu nhân là hay hơn cả.

Quan vỗ đùi khen:

- Diệu kế! Tuyệt diệu kế! [5, 61]

Việc sợ vợ được phóng đại đến mức chịu đầu hàng vào tay giặc (có thể bị giết chết, thường cũng phải thân bại danh liệt) còn hơn gặp mặt vợ. Điều phóng đại ấy được thực hiện bởi một chuỗi các sự việc: a) Quan nghe vợ đến hỏi tội đem nàng hầu đi theo là hoảng hốt, vội triệu ban tham mưu lại để tìm cách đối phó; b) Các kế sách đưa ra, quan đều cho không ổn; c) Khi viên quân sư râu quặp (cùng hội cùng thuyền với quan) nêu kế “hàng giặc, để thoát khỏi tay phu nhân”, thì quan rất phấn chấn, xem đó là “diệu kế”! Các sự việc này nối tiếp nhau, và kết hợp lại để tạo nên một sự phóng đại (về cái tật sợ vợ) - Tức: a + b + c = “tật sợ vợ được phóng đại”.

+ Như vậy, có thể thấy, cách phóng đại vừa trình bày khác với việc phóng đại ngay một chi tiết được đề cập thường gặp trong ca dao và thơ. Chẳng hạn, trong ca dao: “Lỗ mũi thì tám gánh lông; Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho” (lông mũi mọc nhiều của chị nọ được phóng đại lên thành tám gánh, ngay lúc được nêu); trong thơ: “Vật mình vẫy gió, tuôn mưa; Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai” (Truyện Kiều, đoạn tả nỗi đau đớn của Kim Trọng lúc chàng gặp lại gia đình Vương Quan, sau khi nghe ông bà viên ngoại kể lại tai hoạ khiến Thuý Kiều phải bán mình. Cách miêu tả chàng Kim vật vã được phóng đại đến mức “vẫy gió, tuôn mưa”, nhằm cho thấy sự đau đớn dữ dội, tột cùng của chàng).

Xét về cấu tạo ngữ pháp, cách phóng đại trong truyện cười được thực hiện ở các ngữ cảnh khác nhau thuộc phạm vi văn bản, còn với ca dao và thơ, như qua hai trích dẫn được nêu, chúng là một bộ phận của nòng cốt câu, ở đây là phần báo (thường gọi là vị ngữ), thuộc phạm vi câu.

2.2. Lạ hoá theo lối tạo sự việc bất ngờ

+ Nói bất ngờ nhưng sự việc được nêu phải phù hợp với kết cấu, nhân vật, tức tương ứng với cốt kể (hay đoạn mạch) và tính cách, đặc điểm của nhân vật. Nghĩa là, bất ngờ mà hợp lẽ, chứ không tuỳ tiện, vô lối. Chẳng hạn, truyện “Chiếc làn xách” kể việc hai vợ chồng vào siêu thị mua hàng, mua xong, đến chỗ gửi làn xách, người chồng vờ “cầm nhầm” cái làn mới của người khác, để cái làn cũ của mình lại. Chi tiết (do người vợ làm và nói ra) “cái ví tiền để trong làn che quyển sách lên” xuất hiện cuối truyện thật bất ngờ. Sự bất ngờ ấy không phải vì nhân vật quên hay vô tình (các sự việc gần với ngẫu nhiên), mà bởi đó là quy định của siêu thị, nhân vật là khách mua hàng buộc phải tuân thủ (để làn xách, mũ nón vào một vị trí riêng, ngoài phạm vi các quầy hàng được bày bán). Do vậy, đó là chi tiết hợp lẽ. Mà mỗi khi sự mất mát không vin được vào một lí do nào khác, thì điều sai phạm, lỗi lầm nổi rõ lên: việc “cầm nhầm” cái làn của nhân vật người chồng bị kết án và trả giá. Đó là ý nghĩa của việc hợp lẽ đang đặt ra.

Hoặc như hai truyện cười sau:

ĐẶT VÒNG

Bà vợ thực hiện kế hoạch hoá gia đình, đi đặt vòng tránh thai. Ông chồng hỏi:

- Họ đặt vòng to hay nhỏ?

- To nhỏ nào ai nhìn thấy, ai đo!

Chồng hỏi lại:

- Vòng đó làm bằng gì? Nhựa hay sắt mạ nhỉ?

- Hình như i-nốc, vì lúc đặt trên đĩa nó kêu leng keng.

Chồng giật thót người:

- Ấy chết, bà bảo họ đổi lại vòng nhựa đi, mình là nông dân hay đi ngoài đồng gặp mưa bão, sét nó bắt i-nốc đánh chết tươi đấy! [4, 60]

TƯỜNG TẬN

Mẹ dặn con:

- Quán cà phê mờ bên kia đường là bậy bạ lắm, đừng sang uống mà hư người đi đấy con ạ.

Ông bố nghe vậy, hùa theo:

- Đúng như vậy, bọn tiếp viên bên ấy, ăn mặc hở hang, có nhiều đứa xinh nhưng đều hư hỏng cả, cái gì cũng tiền, phải mười nghìn đồng một lần nó nâng cốc đưa lên mồm cho khách uống đấy.

Bà vợ nghe vậy sửng cồ lên:

- À, hoá ra ông đã sang rồi phải không? Nếu không sang làm sao mà ông biết tường tận đến vậy! [4, 216]

Với truyện “Đặt vòng”: Việc “ông chồng giật thót người”, bảo vợ đổi lại vòng nhựa, thay vì vòng i-nốc, do sợ “sét nó bắt i-nốc đánh chết tươi đấy!” thật bất ngờ. Sự hợp lẽ của điều bất ngờ này là do ít hiểu biết, nhưng quan trọng hơn là yếu tố tâm lí: quá nhạy cảm với đối tượng liên quan, ở nhân vật người chồng (đây cũng là tâm lí chung của giới mày râu).

Với truyện “Tường tận”: Việc người mẹ đang từ tốn răn dạy con trai về cà phê đèn mờ, bỗng sửng cồ lên với chồng về chính chuyện ấy, thật bất ngờ. Sự hợp lẽ của điều bất ngờ này là khi nghe từ miệng ông chồng nói ra những “tiếp viên”, “ăn mặc hở hang”, “xinh”, “mười nghìn đồng một lần nâng cốc...” có vẻ sành sõi, thì cơn ghen trổi dậy, khiến bà ta nhanh chóng đổi vai, từ vai người mẹ (đang thân mật) sang vai người vợ (nổi tam bành), làm bật ra nhận xét hồ đồ: “Nếu không sang làm sao mà ông biết tường tận đến vậy!” (chẳng lẽ, thí dụ, chỉ nghe người khác kể thôi, há không biết được ngần ấy hay sao?).

+ Sự việc bất ngờ chủ yếu được tạo ra ở tình tiết cuối truyện. Sự việc ấy như một bí mật, phải đợi đến cuối mới “bật mí”. Mà phải thế mới tạo được sự thích thú cho người đọc (đối với loại truyện sử dụng lạ hoá theo lối này), và góp phần tạo ra tiếng cười. Nói như vậy để phân biệt với phương thức lạ hoá theo lối phóng đại. Lạ hoá theo lối phóng đại được thực hiện bởi một chuỗi các sự việc trên nhiều tình tiết. Tình tiết cuối truyện có khi chỉ như một sự xác định sau cùng. Chẳng hạn, tình tiết cuối truyện “Diệu kế” (“Quan vỗ đùi khen: - Diệu kế! Tuyệt diệu kế!”), nêu việc chấp nhận đầu hàng giặc để thoát tay vợ của quan, đồng thời, về phương thức biểu đạt, đã xác định lối phóng đại đang được sử dụng từ các tình tiết trước.

2.3. Lạ hoá theo lối dựng hoàn cảnh phi thực tế

Hoàn cảnh phi thực tế không chỉ là hoàn cảnh thuộc thế giới siêu hình, siêu nhiên, với nhân vật là thần thánh, ma quỷ, mà còn là hoàn cảnh của cuộc sống thật, với nhân vật là người bình thường.

Có thể xem mọi hoàn cảnh thuộc thế giới siêu hình, siêu nhiên, với nhân vật là thần thánh, ma quỷ được dựng lên, đều là hoàn cảnh phi thực tế. Truyện “Khuyến giáo” đã tạo dựng một hoàn cảnh như vậy. Nhân vật là một ông chuyên đi khuyến giáo nhưng có được bao nhiêu thì “lẻm vào mồm hết”, lúc chết bị Minh Vương bắt đày vào ngục tối, mới đến cửa ngục, đã bảo những người bị giam: “Các bác ở đây, tối thế này mà cũng chịu được à? Để tôi đi khuyến giáo, mỗi bác cúng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê người mở một cái cửa sổ thật to thông lên trời, cho nó sáng ra chứ!”. Ứng xử trong hoàn cảnh khắc nghiệt này, nhân vật đã bộc lộ cái thói tật mang tính bản chất, và góp phần quan trọng để làm nên tiếng cười.

Hoặc như truyện sau:

CHỈ CÓ MỘT CON MA

Con Diêm Vương ốm. Diêm Vương sai quỷ sứ lên trần đón thầy lang xuống chữa. Khi tên quỷ sứ đi, Diêm Vương dặn:

- Tìm nhà thầy lang nào có ít ma đứng ở cửa nhất, thì hãy vào.

Lên đến trần, tên quỷ sứ đi khắp nơi, không tìm được thầy lang nào như thế cả. Nhà thầy nào xoàng ra cũng ba bốn chục con ma đứng ở cửa.

Đang định quay về thì bỗng thấy nhà một thầy lang nọ chỉ mỗi một con ma. Mừng quá, tên quỷ sứ bắt thầy lang đó xuống âm phủ. Xuống đến nơi, liền dẫn thầy vào yết kiến Diêm Vương.

Diêm Vương đón được thầy giỏi mừng lắm, phán hỏi:

- Nhà ngươi làm thuốc đã bao năm nay mà khá như vậy?

Thầy lang thưa:

- Thưa, tôi mới làm nghề thuốc này được mấy hôm nay, và cũng mới chữa cho một người thôi ạ! [5, 124]

Tạo hoàn cảnh con Diêm Vương ốm, sai quỷ sứ lên trần mời thầy lang xuống chữa, mới hay: thầy lang nào cũng từng giết chết hàng loạt người! Sở dĩ dựng hoàn cảnh này, vì chỉ có ma quỷ mới nhìn thấy ma quỷ (chứ người trần mắt thịt thì không thấy ma quỷ được), và phải làm thế mới có cơ sở kết án mấy ông lang băm.

Bên cạnh hoàn cảnh phi thực tế thuộc thế giới siêu hình, có không ít hoàn cảnh phi thực tế là hoàn cảnh của cuộc sống thật. Nói cuộc sống thật, bởi đó không phải là chốn sinh hoạt của ma quỷ, thần thánh như thường thấy trong văn học, mà là nơi trần thế, đời thường. Nhưng đây là một loại đời thường đã bị bóp méo, “che mắt”, để chỉ xuất hiện dưới một dạng thức tương ứng với kết cấu gây cười mà tác giả dân gian muốn thể hiện. Truyện “Chọn người gầy mà chữa” kể về một ông lang tồi làm chết bệnh nhân, nhà chủ doạ kiện lên quan, khiến ông hốt hoảng, lạy lục van xin. Nhà chủ bắt phải khiêng quan tài đi chôn thì mới tha. Thầy lang gọi vợ và hai con cùng đi khiên. Do người chết béo, quan tài nặng, mọi người phải méo mặt. Họ thốt lên những lời oán thán về nghề chữa bệnh. Dựng lên hoàn cảnh này, tác giả dân gian đã gạt bỏ tập quán, nghi lễ về việc tang ma mà dân tộc nào, địa bàn nào cũng có. Tập quán, nghi lễ ấy không để chỉ bốn người là vợ chồng và hai con của ông lang đi khiêng quan tài (1). Nên đây là hoàn cảnh phi thực tế.

Hoặc như truyện sau:

ĐỔ MỒ HÔI MỰC

Một ông tai mắt trong làng, tính thích ăn đỗ đen luộc, nhưng lại sợ vợ. Một hôm, nhân lúc vợ đi vắng, ông ta luộc một nồi đỗ đen ăn vụng. Ăn được một ít thì vợ về. Lúc ấy, lại đến giờ phải ra đình lễ thánh. Sợ để nồi đỗ ở nhà vợ biết thì nguy, ông ta trút vào mũ, rồi đội lên đầu mà đi. Dọc đường, nước đỗ cứ chảy ròng ròng, lem luốc cả mặt.

Ra đến đình, mọi người trông thấy, hỏi vì sao. Ông ta đáp:

- Ấy, tôi thường có tính đổ mồ hôi mực như thế đấy! [5, 70]

Tạo hoàn cảnh một chức sắc làng ăn vụng đỗ đen luộc mà sợ vợ, đến mức trút nồi đỗ vào chiếc mũ đặc biệt (chỉ đội khi đi lễ thánh), khiến nước đỗ (màu đen) chảy xuống lem luốc cả mặt, thì rõ là phi thực tế. Bởi đã “tai mắt trong làng” thì hiếm có ai ngu dại như thế. Dựng hoàn cảnh này, dân gian hẳn muốn trêu đùa, kết án mấy ông râu quặp, vì sợ vợ mà đánh mất cả tác phong, tư cách của mình.

3. Nhận xét, kết luận

- Tổng thể truyện cười nói chung là một tiếng cười. Tiếng cười ấy được tạo ra từ kết cấu (ở trường hợp đang đặt ra, được gọi là cơ chế gây cười). Để cơ chế này vận hành, nói cách khác, để tiếng cười bật ra, cần có sự hỗ trợ của một (hay một vài) phương thức, thủ pháp nghệ thuật. Phương thức, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu ở đây là lạ hoá. Điều cần nhấn mạnh là cái phương thức, thủ pháp vừa nêu chỉ có vai trò quan trọng trong một số bước của cơ chế, chứ không phải chính nó là cơ chế ấy (2). Tức xét bình diện khái quát, phương thức lạ hoá có vai trò phụ giúp, trợ lực để cơ chế sử dụng nó phát huy tác dụng (3).

Bên cạnh đó, cũng nhận ra rằng, ba lối lạ hoá vừa trình bày có thể sử dụng riêng rẽ (như “Đổ mồ hôi mực”, “Đặt vòng”,...); đồng thời, cũng có thể kết hợp với nhau trong cùng một truyện (như “Diệu kế”, “Chỉ có một con ma”,...).

- Do trọng tâm ý nghĩa và tiếng cười dồn vào tình tiết cuối, mà nội dung của tình tiết này phù hợp với tính cách, đặc điểm của nhân vật chính, nên ở đây có sự biểu hiện mạnh các phương thức nghệ thuật gây cười. Nếu lạ hoá theo lối phóng đại hay dựng hoàn cảnh phi thực tế, nội dung của tình tiết này lắm khi chỉ như một sự thừa nhận hoàn cảnh phi thực tế đã được nêu trước ấy, thì lạ hoá theo lối tạo sự việc bất ngờ là nhiệm vụ duy nhất mà tình tiết cuối phải thể hiện.

- Truyện cười truyền thống vận dụng phương thức lạ hoá cả ba lối phóng đại, tạo sự việc bất ngờ, và dựng hoàn cảnh phi thực tế; trong lúc truyện cười hiện đại chủ yếu dùng lối tạo sự việc bất ngờ. Lối phóng đại và dựng hoàn cảnh phi thực tế khiến sự vật, sự việc bị méo mó, bất thường. Lối tạo sự việc bất ngờ có yêu cầu về tính hợp lẽ, logic của các tình tiết, đoạn mạch truyện. Cho nên, xét mặt hiện thực, truyện cười truyền thống không gần gũi với cuộc đời thường bằng truyện cười hiện đại. Nói cách khác, truyện cười truyền thống thiên về tư duy hình tượng, đậm chất hư cấu nghệ thuật, trong lúc truyện cười hiện đại có phần thiên về tư duy lí tính, coi trọng mặt lí lẽ và tính xác thực của sự vật, sự việc.

Trong một chừng mực nhất định, có thể tìm thấy lí do như sau: với truyện cười truyền thống, bởi lời nói việc làm góp phần gây cười ở tình tiết cuối phải phù hợp với tính cách, đặc điểm định trước của nhân vật, tức đối tượng đề cập của tình tiết này hạn chế, khiến phương thức biểu đạt cũng bị ràng buộc tương ứng; cho nên, để lạ hoá, lối phóng đại hoặc dựng hoàn cảnh phi thực tế là những thủ pháp thích hợp. Còn truyện cười hiện đại thường không bị ràng buộc như vậy, lại đòi hỏi cao về tính hiện thực, nên lạ hoá theo lối bất ngờ tỏ ra hữu hiệu hơn (4). Lí do khác, có tính tất yếu, là quan niệm thẩm mĩ của cộng đồng thay đổi, khiến phương thức biểu đạt trong tác phẩm nghệ thuật (ở đây là từ truyện cười truyền thống đến truyện cười hiện đại), cũng thay đổi theo.


---------------
(1) Việc khiêng quan tài thường phải huy động vài chục trai tráng (không lấy phụ nữ).
(2) Thí dụ, cơ chế hành chính một cửa hiện nay, giả sử cơ chế này có tác dụng tốt như mong đợi, thì các hiệu quả có được tuy xuất phát từ các bộ phận chuyên môn, nhưng khi nhìn nhận khái quát, thì không phải từ mỗi bộ phận này hay sự tổng hợp từ chúng, mà từ cái cơ chế được tuân thủ.
(3) Cho nên, sẽ không chuẩn xác khi nói: “lời nói đáng cười, cử chỉ đáng cười, hoàn cảnh đáng cười,...” [1, 386]; hoặc: “Vì vậy, một trong những biện pháp gây cười là phóng đại sự thật” [1, 387]; hoặc: “Để gây tiếng cười thực là giòn giã, truyện cười dân gian hay dùng yếu tố bất ngờ” [1, 388] - “Lời nói đáng cười, cử chỉ đáng cười, hoàn cảnh đáng cười” trên đại thể thuộc vào tiếng cười nói chung, chứ không hẳn là các thuộc tính của thể loại truyện cười. “Biện pháp phóng đại” và “yếu tố bất ngờ” cũng chỉ góp phần vào cơ chế gây cười, chứ tự thân chúng không làm nên tiếng cười trong truyện cười.
(4) Chú ý, phóng đại hay phi thực tế đều dựa trên một thực thể (cái đang có) để tác động, hoặc làm cho khác về kích cỡ (phóng đại), hoặc làm cho khác về cách thức (phi thực tế); phân biệt với bất ngờ, không dựa trên cái đang có, mà thường bằng một liên tưởng khác loại, hay trái lẽ.

_________________________________________________

Con dao hai lưỡi

Đặng Huy Giang


Trong thơ, có người ưa dùng chất liệu tinh, có người ưa dùng chất liệu thô. Điều này cũng giống những người chơi đồ vật, chơi cây cảnh vậy. Nhưng việc sử dụng chất liệu thô chỉ dành cho những bậc cao thủ. Bởi vì chất liệu thô giống như con dao hai lưỡi. Lơ mơ là đứt tay liền.

Tôi gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật lần đầu tiên vào tháng 10/1978. Thời điểm ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật mới chuyển về Báo Văn nghệ làm biên tập viên thơ thay nhà thơ Xuân Quỳnh chuyển sang Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Sở dĩ tôi nhớ như in như thế vì có một kỷ niệm khó quên: Bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trên báo Văn nghệ cùng với Thi Nhị, Nguyễn Đình Chính, Trần Việt Dũng… vào tháng 10/1978 trong số báo có một trang thơ viết về Hà Nội.

Ngày ấy, tôi mới làm thơ, nên có dịp gặp được một nhà thơ đàn anh mà tôi hằng ngưỡng mộ như Phạm Tiến Duật thì quả là may mắn. Nhớ có lần gửi ông bài thơ "Tiễn người bên bến nước sông Thương" tôi mới viết, khi đọc đến câu: "Đôi mắt ai như hai dấu nặng", thì ông lắc đầu. Ông nói luôn: "Viết câu này không ổn. Em nên sửa ngay. Nếu đôi mắt mà như hai dấu nặng thì là đôi mắt của người mù à?". Rồi, không hiểu sao, tự nhiên ông quay ra nói về chất liệu tinh và chất liệu thô trong thơ:

- Trong thơ, có người ưa dùng chất liệu tinh, có người ưa dùng chất liệu thô. Điều này cũng giống những người chơi đồ vật, chơi cây cảnh vậy. Nhưng việc sử dụng chất liệu thô chỉ dành cho những bậc cao thủ. Bởi vì chất liệu thô giống như con dao hai lưỡi. Lơ mơ là đứt tay liền. Rồi như để minh chứng, ông đọc những câu thơ rời rạc của nhà thơ nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmét: "Bà nội trợ đứng ở ban công phô bầy bộ ngực/ Và khi ta nhễ nhại, đói ăn, điên dại/ Ta có nỗi mê mải của kẻ đi săn để cắn vào thịt em". Đến 2 câu (cũng của Nazim Hikmét) thì ông dừng lại rất lâu và đọc như nhấn, như xoáy vào từng từ:

"Anh ra tù ba tháng/ Vợ anh liền có chửa".

Hai câu thơ này, tác giả đã sử dụng ngôn từ trực tiếp, thoạt nghe tưởng thô nhưng lại không thô và hàm chứa ẩn ý. Nazim Hikmét đã tố cáo sự giam cầm, không chỉ giam cầm người tù mà còn giam cầm cả sự sinh sôi. Bởi vì thế nên khi người tù ra tù ba tháng thì vợ của người tù liền có mang.

Gần đây, trên một tạp chí văn, vô tình tôi đọc được mấy câu thơ rất thô (hay là mấy câu thơ sử dụng chất liệu thô) qua bài "Ghi ở chợ trời". Bài thơ kể về một người có tuổi đi bán sức lao động. Đang lúc chán chường vì không gặp khách thì:

Mắt bác chợt ánh lên
Khi một sề luống tuổi
Vừa khép váy rỉ tai:
Em mua mình một buổi.

Và, ngay lập tức, người bán sức lao động có tuổi phản ứng:

Bác lắc đầu quầy quậy:
- Tôi chỉ bán sức thôi
Cái "kia" không dùng được
Mảnh bom "cúp" đi rồi…

Nhắc đến cái "kia" đã sợ. Nhưng sợ hơn là cái "kia" đã bị mảnh bom "cúp" mất. Chả nhẽ nhà thơ không có cách diễn đạt khác? Chả nhẽ làm thơ mà cứ phải nói sát sàn sạt theo lối "tự nhiên chủ nghĩa" như thế sao? Theo tôi, đây là hai câu rất phản cảm và không có gì đáng gọi là thơ cả. Và chúng không chỉ dừng ở thô mà đã tiến tới... thô lậu từ lúc nào không hay.

Tuy nhiên, có người lại nói với tôi: Không chỉ có tác giả bài thơ "Ghi ở chợ trời" phạm vào "phốt" ấy đâu nhé. Trước đây, cũng đã có một vài nhà thơ dùng những từ rất "mạnh" khiến nhiều độc giả đọc xong hoặc phát hoảng hoặc đỏ mặt đấy. Đó là những câu: "Em ơi giao hợp nơi đâu"; "Đêm về anh tiết canh em"; "Chiều hôm nay có mầu quần lót của em…"...

__________________________________________________

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Thử định vị tầm của tác phẩm văn học Việt Nam trên trường quốc tế

(Toquoc)-Một trong những vấn đề quan trọng nhất của văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI là phải hội nhập với nền văn học thế giới. Câu hỏi đặt ra trước khi hội nhập là vị trí của văn học Việt Nam hiện ở đâu. Để cung cấp cho độc giả thông tin về vấn đề này, báo điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà văn có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch thuật văn học Việt Nam.

PV: Là người có nhiều năm làm công việc dịch thuật, theo dõi tình hình văn học trong và ngoài nước, ông đánh giá Văn học Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực và thế giới?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Trước hết cần nói rõ điều này: tôi không phải là người nghiên cứu Văn học Việt Nam nên tôi chỉ có thể trả lời với tư cách là một người đọc bình thường, biết sao nói vậy.
Thật ra, đây là câu hỏi rất cần thiết, nhưng không dễ, vì muốn trả lời một cách nghiêm túc, thuyết phục thì phải: 1/ Thống nhất dùng những tiêu chí nào để đánh giá các nền văn học; 2/ Nắm được những con số thống kê về các nền văn học - trước hết là của Việt Nam - để so sánh. Tôi không có các điều kiện đó, mà ở nước ta hình như cũng chưa có ai làm chuyện này. Tôi hi vọng và đề nghị Viện Văn học, hoặc Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra làm bảng xếp hạng các nền văn học thế giới (như bảng xếp hạng bóng đá, GDP hoặc nhân quyền hàng năm ấy) để minh định vị trí văn học Việt Nam ta. Còn ở đây tôi nói chỉ hoàn toàn theo cảm tính cá nhân.
Tôi hình dung các nền văn học thế giới thành một hàng diễu hành xếp theo thứ tự to trước nhỏ sau, và thấy văn học nước mình chìm khuất ở tít đâu đâu ấy. Không nói đến sự che lấp, lấn át của những gã khổng lồ như Nga, Anh, Mĩ, Italia… ngay cả những tên ngoài văn học chẳng có gì ghê gớm lắm (về kích cỡ của đất đai, dân số, kinh tế…) như Ba Lan, Guatemala, Nigeria, Thổ Nhĩ Kì… ta cũng không được xếp ngang hàng, mà thậm chí cả những anh chàng được cho là tí hon (dân số chưa bằng 1/10 nước ta) như Áo, Na Uy, Thụy Sĩ… ta vẫn còn phải theo sau. Dân tộc Ireland bốn triệu người có năm Giải Nobel Văn học; còn Iceland 300 ngàn dân, Saint Lucia chỉ 160 ngàn cũng mỗi nước một Giải. Đến nay đã có 35 nước được trao giải này, mà giờ nếu ai ước mơ Việt Nam nhận Giải Nobel Văn học thì sẽ bị coi là một trò đùa tai quái. Nói về khu vực, ở phạm vi châu lục thì tình hình cũng không khác đi bao nhiêu khi mình phải đứng cạnh những “ông lớn” như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc; còn thu gọn lại trong khu vực Đông Nam Á thì may ra Văn học Việt Nam được xếp vào loại khá, không đến nỗi thua chị kém em, mặc dù có những quốc gia đông dân hơn hoặc tương đương Việt Nam như Indonesia, Philippine, Thái Lan… Riêng trên bán đảo Đông Dương thì có vẻ như mình có cơ chiếm ngôi đầu bảng!

PV: Ông có vẻ… chê bai Văn học Việt Nam? Chẳng lẽ Văn học Việt Nam thật sự không có gì nổi bật so với thế giới? Ông nghĩ như thế nào về sự phát triển của chính nền Văn học Việt Nam hiện nay?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Tôi không chê bai, tôi cũng yêu quí và tự hào với Văn học của ta chứ, nhưng đó là hình dung của tôi về bức tranh toàn cảnh. Không nên nói đại lên về một nền văn học phát triển rực rỡ, tiên phong gì đó khi ra nước ngoài người ta chưa biết mình là ai, như thế nào (cứ nghe lại những chia sẻ chân tình của bạn bè các nước trong Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới đầu năm vừa rồi thì rõ). Nhìn chung, nền Văn học của Việt Nam hiện nay thuộc loại chưa phát triển vì chưa có các tác giả có thể ra thế giới làm nên tên tuổi của mình.
Bản thân việc đánh giá “sự phát triển” của nền văn học Việt Nam hiện nay cũng có vấn đề cần xem xét. Nói đến “nền văn học” là nói đến đỉnh cao, chứ không phải các Câu lạc bộ Thơ hàng ngàn hội viên nhà nhà làm “thơ”, người người in “thơ”. Văn học Việt Nam trong nhiều năm gần đây không có đỉnh cao. Phải ghi nhận một thực tế là khi điểm các thành tựu Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay, các nhà nghiên cứu nghiêm túc (và trong nhận định của bạn đọc hiểu biết) chỉ nhắc đi nhắc lại Vũ Trọng Phụng, Thơ Mới, Nam Cao… sau đổi mới là Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, rồi đến Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh là dừng - nghĩa là thành tựu gần đây nhất cũng đã xa đến hơn 20 năm rồi, nghĩa là suốt bốn nhiệm kì Đại hội Nhà văn trôi qua vẫn chưa có tác giả, tác phẩm nào tương xứng được kể tiếp - chứ chưa nói thay thế những thành tựu đã định danh cũ! Thỉnh thoảng cũng rộ lên dư luận về cuốn này cuốn nọ, nhưng nhìn kĩ lại thì thường là vì những lí do nằm ngoài văn chương, nằm ngoài tác phẩm, rồi chìm dần, chìm hẳn… Giải thưởng của Hội Nhà văn hàng năm cũng có đấy, nhưng cứ mỏng, cứ thưa dần, và hình như trao rồi là… quên.

PV: Trong nhiệm kỳ vừa rồi, tức 5 năm về trước, chúng ta có “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư được xem là đáng chú ý. Như vậy không thể phủ nhận nỗ lực của Hội Nhà văn?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Đúng, “Cánh đồng bất tận” được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong mấy chục năm gần đây, nhưng nó lại rơi vào một trường hợp “điển hình” không lấy gì làm vui của Văn học Việt Nam hiện nay. Lần đầu, truyện được đăng ở báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn - cơ quan văn chương lớn nhất của nước ta - mà không ai để ý; nhưng mấy tháng sau khi xuất hiện trên báo Tuổi trẻ thì tạo nên dư luận sôi nổi. Đến khi “bị đánh”, nó trở thành một hiện tượng; năm 2006 được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hàng năm. Theo tôi, sự nổi tiếng này ít nhiều cũng có tác động của dư luận báo chí. Bản thân tác phẩm hay thì là hay thật, nhưng Ngyễn Ngọc Tư hình như vẫn chỉ mới dừng lại ở đó, chưa phải là một tác giả tiêu biểu ở mức độ cao. Còn coi đây là ‘nỗ lực” của Hội Nhà văn thì e không thỏa đáng.

PV: Thưa ông, vậy thì một số tác phẩm văn học Việt Nam có mặt ở nước ngoài trong thời gian vừa rồi nói lên điều gì?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Nó nói lên rằng Văn học Việt Nam vẫn có thể có chỗ đứng trong đoàn diễu hành của văn học thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa rằng nó đứng hàng đầu - tiên phong. Và Việt Nam cần phải nỗ lực thật nhiều để có được vị trí tương xứng với điều mong muốn và có thể.

PV: Chúng ta có thể cải thiện vị trí đó được không? Nếu có thì bằng cách nào?

Đoàn Tử Huyến: Mọi thứ đều có thể cải thiện được, nhưng phải có điều kiện. Tôi muốn đề cập đến hai điểm sau đây.
Một là, làm thế nào để ta có những thành tựu văn học được bạn đọc thế giới chú ý và hoan hỉ đón nhận? Đó phải là đích thực những tác phẩm nghệ thuật phản ánh được cảm quan của thời đại. Thử nhìn lại, văn học ta trong những năm qua không có nhiều tác phẩm như vậy - những Tướng về hưu, Nỗi buồn chiến tranh, Cánh đồng bất tận... Sở dĩ có cái sự “không có nhiều” ấy là do ở ta chưa có đủ điều kiện để nhà văn sáng tác. Để làm nên tác phẩm (hay dở chưa nói) cần ít nhất một trong ba động cơ, hoặc là hai hoặc cả ba. Một là cái nghiệp, tức là sự thôi thúc nội tâm, không viết không được, dù là tài ít hay tài nhiều. Hai là vì tiền, có thể viết theo đơn đặt hàng, thậm chí viết thuê cho người khác mà không kí tên. Ba là vì danh, có người bỏ tiền ra in sách hoặc trực tiếp mua lấy danh. Cả ba động cơ đó đều có thể tạo nên những tác phẩm để đời (như trường hợp Balzac, Vũ Trọng Phụng, viết vì mưu sinh là chính), nhưng phải với điều kiện là họ được tự do viết những điều họ nghĩ và được xuất bản tác phẩm của mình. (Tất nhiên, tài năng là tiên quyết, điều đó không cần phải nói). Một nền văn học muốn phát triển thì phải để cho cả ba động cơ ấy được tự do thể hiện và sau đó xã hội lựa chọn tác phẩm nào là đích thực văn chương - nghĩa là có sự kết hợp giữa nghệ thuật và nhu cầu cuộc sống. Còn ở ta, nói vì tiền thì nhuận bút quá thấp, không đủ để sống; nói vì danh thì phải lựa cách để không bị đánh cho thân bại danh liệt - nghĩa là khi viết vẫn canh cánh sao cho sách được in và an toàn (có như vậy mới có tiền và có danh!). Đó là chưa nói đến động cơ lớn nhất, bao trùm làm nên giá trị tác phẩm, là nghiệp - tức là không thể không viết những cái muốn viết, chứ không phải viết theo ý người khác: làm nên cái nghiệp, cái thiên chức của nhà văn là sự nhạy cảm, đồng cảm với những số phận bé nhỏ, bị áp bức trong vị thế người phản biện đối với cơ chế luôn bảo thủ trong tương quan với nhu cầu phát triển của xã hội, mà động đến cái đó ở nước ta thì cầm bằng không được in là cái tương đối chắc!
Phải ra, một xã hội, một nhà nước thông minh luôn cố gắng tìm cách vượt lên mình để giải quyết, đáp ứng nhu cầu đó - tự do sáng tạo - và tạo điều kiện tốt nhất cho sự ra đời những tác phẩm văn chương nghệ thuật có thể đến được với người đọc thế giới.
Hai là, cách tổ chức để đưa những tác phẩm đã có ra thế giới như thế nào (1). Về điều này nhà văn Hồ Anh Thái đã nói khá đủ trong bài Con đường xuất ngoại cho văn học Việt Nam (eVan, 4/8/2010, nguồn từ Văn nghệ); tôi xin nhấn mạnh thêm là để thành công thì phải có vai trò đầu tư của nhà nước và phải có định hướng đúng: muốn thành công trong việc đưa Văn học Việt Nam ra nước ngoài thì phải dựa vào tiêu chí văn chương, nghệ thuật chứ không phải bất cứ tiêu chí nào khác - như tuyên truyền chính trị, quan hệ cá nhân... Cho đến nay điều này chưa làm được, hi vọng ở tương lai khi những người quản lí hiểu ra và thực sự giải quyết vấn đề. Ở đây xin có tiếp một nhận xét nhỏ, là nhìn chung thì Văn học Việt Nam chưa có đỉnh cao nổi bật - đặc biệt là ở thể loại nặng: tiểu thuyết - để làm điểm ngắm cho bạn bè nước ngoài, nhưng ở một mặt bằng nào đó thì thơ, và cả truyện ngắn của ta không đến nỗi quá sút kém. Thơ Việt Nam (nói chung, không chọn riêng tác giả), nếu được chăm chút chọn dịch ra thế giới thì có thể được tiếp nhận và đánh giá khá cao. Bằng cứ là dư luận gần đây đánh giá khá tốt về các tập thơ Việt Nam do nhóm Nguyễn Duy, Nguyễn Đỗ - Paul Hoover dịch ra tiếng Mĩ, nhóm Lâm Quang Mĩ - Pawel Kubiak dịch sang tiếng Ba Lan, hay tập Thơ Việt Nam do Nhà xuất bản Tranan (Thuỵ Điển) hợp tác thục hiện với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Truyện ngắn cũng vậy, những nhà văn Việt Nam được giải thưởng ở nước ngoài (không kể giải Asian!) phần nhiều là do truyện ngắn (Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê…). Thơ và truyện ngắn là những thể loại có truyền thống của Văn học Việt, lại gọn nhẹ (về dung lượng chữ) nên nếu biết cách giới thiệu trúng, chuẩn ra nước ngoài thì tôi tin sẽ có vị trí xứng đáng hơn là hiện nay đang có trên thế giới.

PV: Để giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài, vừa mới đây thôi, chúng ta đã có một Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam khá rầm rộ?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Về Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài của Hội Nhà văn thì thực tế là thất bại. Thất bại ở chỗ, có tiếng đấy, có sự kiện đấy nhưng tiền tiêu quá nhiều, công sức bỏ ra cũng khá nhiều (của các đại biểu trong nước và nước ngoài) mà hiệu quả quá ít. Việc làm như thế không vì văn chương, những động tác không vì văn chương nghệ thuật thì không thể thúc đẩy sự phát triển của văn chương. Tôi dám nói rằng, cho tôi một số tiền như vậy, trong một vài năm tôi sẽ đưa được ít nhất vài chục tác phẩm ra nước ngoài (bằng sách in với bản dịch hoàn chỉnh) và trong đó có những tác phẩm được dư luận đánh giá tốt làm thay đổi cái nhìn của bạn bè quốc tế về bộ mặt của Văn học Việt Nam.

* Xin cảm ơn dịch giả!

Hiền Nguyễn (thực hiện)
------------------------
(1) Vừa rồi thông tin từ Hội Nhà văn là đã có 570 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, theo tôi nếu hiểu chính xác thì đây là con số không thể có (không kể cách gọi một bài thơ, một truyện ngắn được in trong các tuyển tập hoặc trên báo chí cũng là một tác phẩm, hay đây là con số thống kê tất cả các đầu sách văn học Việt Nam được in ở tất cả các nước trên thế giới).

_________________________________________________________________

Tắc thì làm ruộng chứ đừng “núp sau bụi rậm” sáng tác

A Sáng

Có ông nhà văn sau khi thấy trên mạng xuất hiện một bài viết không hay về mình thì lập tức đùng đùng nổi giận, viết ngay một bài to sụ để chửi lại, dù ông không biết tác giả đó là ai, và những kiểu bài viết như thế chẳng có giá trị gì. Giới văn chương vẫn thiếu một cái gì đó gọi là tính văn nhân, rất dễ bị kích động, nổi đoá như dân hàng thịt.

Internet ra đời và kèm theo đó là sự thay đổi kỳ diệu của cuộc sống con người. Giới văn chương bắt đầu thoả sức "xuất bản" những tác phẩm của mình mà không hề lệ thuộc vào bất cứ nhà xuất bản hay tờ báo nào. Chưa bao giờ những người cầm bút được tự do - hết sức tự do để công bố tác phẩm của mình trước bàn dân thiên hạ như vậy. Họ tự lập trang Web, Blog... và thoả sức sáng tác. Đã xuất hiện nhiều trang Web xuất sắc, thu hút rất bạn đọc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với cư dân nghiền mạng.

Thế nhưng cũng bắt đầu từ đó, mạng trở thành mảnh đất để những kẻ cầm bút thiếu bản lĩnh, vô trách nhiệm, hèn kém, hoặc có thể nói là vô văn hoá lợi dụng. Họ dấu tên hoặc mượn một bút danh nào đó và bắt đầu viết những bài báo thiếu lành mạnh. Họ bắt đầu công kích ông A, bà B, anh C... hết sức thoải mái. Thậm chí, nhiều cây bút còn kể những chuyện hết sức kém, hoặc bịa tạc câu chuyện nào đó nhằm hạ nhục một người khác. Và chẳng thiếu gì những bài phê bình văn chương cực kỳ độc đoán nhằm đè bẹp nhà thơ X, nhà văn Y vì trong họ đã sẵn lòng đố kỵ, hay ganh ghét.
Có những bài viết hết sức công phu, dẫn chứng hùng hồn, quy chụp mạnh mẽ... nhưng tất cả tác giả đều giấu tên, hoặc mượn bút danh nào đó. Điều này cho thấy giới văn chương của chúng ta vẫn thích ném đá giấu tay, hay nói nôm na là thiếu bản lĩnh. Nếu chúng ta không thích thơ hay văn của ai đó tại sao không thẳng thắn viết ra những ý kiến riêng của mình và chịu trách nhiệm trước những lời lẽ ấy? Chỉ có những người hèn, yếu bóng vía, hoặc bất tài mới núp đằng sau công nghệ mạng để công kích người khác. Người đó biết rõ ràng rằng, những bài viết kiểu thế sẽ không được bất cứ tờ báo chính thống nào đăng tải, nếu có họ cũng sẽ yêu cầu biết chính xác tác giả để còn chịu trách nhiệm, vì thế họ mượn Web, Blog hay một cái gì đó ở trên mạng để công bố. Như thế người ta gọi là núp trong bụi rậm chửi ra, đứng ngoài bóng tối ném đá vào... làm như vậy chỉ hợp với những người không đàng hoàng mà thôi.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ trước kỳ Đại hội Nhà văn toàn quốc, những trang Web, Bolg cá nhân nóng lên hừng hực vì những bài viết kiểu thế. Và chỉ cần ngửi qua cũng biết đó là những nhà văn của chúng ta tự viết. Họ nói xấu nhau, dè bỉu nhau, lên án nhau, hạ bệ nhau bằng một thứ được gọi là "văn chương" nhưng tất cả đều núp sau bụi rậm, chỉ rất ít những cây bút lấy tên thật đàng hoàng và nếu có cũng hết viết hết sức lố bịch. Cái dòng thông tin không chính thống ấy chẳng có tác dụng gì, nhưng xem ra nó rất hấp dẫn với những cây bút hèn hạ. Thế nhưng khi vào thảo luận trong đại hội, tất cả họ im re, chẳng ai lên tiếng một cách mạnh mẽ như đã từng viết trên mạng. Hèn! Đó là kết luận của những ai quan tâm tới văn chương mạng.

Có người phải thốt lên rằng, sao các nhà văn, nhà thơ của mình có nhiều thời gian cho việc viết những thể loại nhăng nhít thế? Cái thời gian ấy nếu để sáng tác có lẽ được cả rổ tác phẩm chứ chẳng đùa. Đáng buồn thay, suốt nhiều năm qua bạn đọc chẳng được thưởng thức tác phẩm văn chương nào ra hồn, vẫn chỉ những tác phẩm lẹt đẹt, hoặc thể loại "dâm thư" rẻ tiền. Không ít các nhà văn vì ấm ức chuyện gì đó với thủ trưởng, bạn bè, hay xã hội đã tự "xổ" vào Blog của mình. Nhưng nếu chỉ viết để giải toả, hoặc giữ cho riêng mình thì chẳng sao, nhưng ngay lập tức họ cho nó nổi lên mạng để người khác đọc.

Cũng có ông nhà văn sau khi thấy trên mạng xuất hiện một bài viết không hay về mình thì lập tức đùng đùng nổi giận, viết ngay một bài to sụ để chửi lại, dù ông không biết tác giả đó là ai, và những kiểu bài viết như thế chẳng có giá trị gì. Giới văn chương vẫn thiếu một cái gì đó gọi là tính văn nhân, rất dễ bị kích động, nổi đoá như dân hàng thịt. Sự tranh luận nếu có xuất hiện ở những tờ báo chính thống và mang tên tác giả đàng hoàng cũng chỉ nhằm công kích cá nhân. Rất hiếm hoi bạn đọc được chứng kiến một cuộc tranh luận trên diễn đàn để đi đến một sự khai mở nào đó trong học thuật. Nhà văn A viết phê bình về vấn đề của nhà văn B, và ngay lập tức nhà văn B nổi đoá không thèm để ý hay phân biệt đâu là tranh luận, đâu là cãi vã, cứ thế viết ào ào chửi lại.

Ở tờ tuần báo Văn nghệ - cơ quan ngôn luận chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam đã không ít lần chứng kiến cảnh các nhà văn chúng ta ầm ầm lao đến toà soạn, bắt phải in bài tranh luận. Nhưng khi công bố, các biên tập viên thường phải cắt bớt, hoặc chỉnh sửa cho nghiêm chỉnh, hoặc có văn hoá hơn... thì ngay lập tức họ lao tới chửi bới rằng, chữ nghĩa của tao là chuẩn mực không được cắt xén, chỉnh sửa. Tao kiện! Nhưng nếu đăng nguyên văn bài viết kiểu ấy sẽ thấy nó là một bài chửi ngoa ngoắt, thậm chí hết sức tục tĩu. Thế mới thấy cái chất văn nhân của một số nhà văn còn quá nghiệp dư và cách xa văn hóa. Việc bạn đọc phải đợi mãi chưa thấy tác phẩm nào đàng hoàng xuất hiện cũng là điều dễ hiểu, nhiều tác phẩm chỉ nhăng nhít, oằn èo.

Và thứ ấy nó đầy rẫy trên mạng. Ôi! Các văn nhân! Xin hãy dùng thời gian vàng ngọc vào sáng tác, nếu bế tắc thì về quê làm ruộng, hoặc ra quán uống bia cho sướng cái thân, tội gì mò mẫm bên bàn phím để viết ra những thứ như thế làm gì. Và nếu dũng cảm hơn thì gặp nhau mà nói chuyện đàng hoàng, cùng lắm oánh nhau một trận cho ra chất hảo hán. Đằng này cứ núp sau bụi rậm, âm mưu trong bóng tối, mượn công nghệ tiên tiến của nhân loại để thoả mãn sự hèn làm gì. Ôi! Đáng thương! Đáng hổ thẹn!

________________________________________________