Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

VĂN NGHỆ SĨ VÀ NHỮNG CÁ THỂ “LẬP DỊ”

ĐÀO PHẠM THÙY TRANG


Có thể nói chưa bao giờ văn nghệ sĩ (VNS) nhận được quá nhiều sự quan tâm của Nhà nước như hiện nay. Từ những chương trình hỗ trợ sáng tác- sáng tạo, những cuộc thi từ nhỏ đến lớn cũng tiêu phí không biết bao nhiêu là tiền của Nhà nước, rồi những đợt thực tế sáng tác từ Hội địa phương đến trung ương mà kinh phí phần lớn vẫn từ tiền ngân sách.

Đi trại sáng tác bây giờ đối với văn nghệ sĩ thật tình phải gọi là một đợt nghỉ dưỡng mới đúng. Những phòng nghỉ theo tiêu chuẩn khách sạn “sao”, ăn uống như “đại biểu” mà tác phẩm thì… là những tác phẩm có sẳn mang theo! Có người sẽ gọt giũa chút ít, có người để “y thinh” và nộp theo kiểu “trả lễ quỉ thần”, còn tác phẩm mới sáng tác từ trại ư? Thảng hoặc lắm, mà có chăng thì… hãy đợi đấy!

Đó là chưa kể đến cách sống của văn nghệ sĩ trong 15 ngày ở trại. Thật là “trưởng giả” đến bất ngờ. Ai cũng biết, những trại trung ương như NST Vũng Tàu, NST Đà Lạt, NST Nha Trang, NST Đại Lải… thì luôn có sự hóan đổi VNS miền này đến miền nọ, vùng này đến vùng kia hầu tạo ra cảm xúc mới để sáng tác. Thế nhưng chính điều đó đã làm thói “trưởng giả” của một số cá thể được nâng cao!

Về việc ăn uống, VNS không dễ gì chấp nhận thực đơn của nhà bếp mà hay yêu cầu thứ này thứ nọ sao cho “thật đặc sản” của vùng miền ấy, nhưng phải “hợp khẩu vị” với mình (?). Tôi từng biết một vài VNS phía Bắc, khi đi trại đến Vũng Tàu thì yêu cầu nhà bếp không nêm đường vào thức ăn, và bữa ăn của VNS luôn phải có ớt tươi nguyên trái, ớt tươi xắt lát và cả ở bột xào dầu! Hoặc vài nhóm VNS phía Nam, khi đi trại ở Đà Lạt thì kêu rằng phải có món xà lách trộn, canh củ dền, khoai tây… như vậy mới đúng là “đặc sản”. Khi đi trại ra phía Bắc, VNS phía Nam (thường là chỉ được một lần đi duy nhất) hay kêu gào rằng thức ăn nhạt quá, lại thiếu nước mắm, canh chua gì mà chua “thụt lưỡi”, kho sao không ngọt ngọt… Họ đòi hỏi một cách vô cùng thái quá, y như rằng họ là “vua”, là muốn gì được nấy, là thích thì thôi, không thì tha hồ mà họanh họe nhà bếp chứ không hề nhớ mình đang là khách mời, là cần thiết sự lịch thiệp vốn vĩ của một VNS.

Về chuyện ở càng “khó coi” hơn. Họ, những VNS trẻ lắm cũng tầm 30, có nghĩa là phần nhiều đã thuộc U50. Lứa tuổi rảnh rang trong việc con cái, nhà cửa để đầu tư cho sáng tác, cũng là lứa tuổi đã chín chắn trong mọi việc đối nhân xử thế. Vậy mà họ không nghĩ như thế. Đa số các NST cứ hai ngày là nhân viên sẽ dọn phòng một lần. Thời gian đó phòng vừa đủ dơ để dọn, vả chăng VNS sử dụng phòng để có nơi yên tĩnh, riêng biệt mà viết, mà tiếp chuyện nhau chứ có làm gì để quá cần nhân viên vệ sinh? Nhưng không phải vậy. Phòng nữ thì đầy rẫy tóc rụng, vỏ bánh kẹo, trái cây, trong toi-let thì vung vảy xà bông, kem đánh răng, sữa tắm, sữa rửa mặt… họ “ní nuận” rằng “Có nhân viên vệ sinh, tội gì mình phải dọn”. Và sau đó chỉ già nửa ngày là kêu om sòm lên rằng phòng mình dơ quá, yêu cầu dọn dẹp!!! Phòng nam thì đầy xác trà, vỏ bao cà phê, vỏ lon bia và nhất là tàn thuốc cứ vứt lung tung. “Chẳng may” được mời vào chơi khi gia chủ vừa đi đâu đó về phòng là bảo đảm khách sẽ “bung sườn” ngay bởi bao mùi vị cùng xộc ra một lúc.

Và đỉnh điểm của sự “lập dị” của không ít cá thể mang danh VNS là ở NST Vũng Tàu vào tháng 4.2010 do UBTQ tổ chức. Ban tổ chức thừa hiểu trại mang tính tòan quốc thế này là mỗi tỉnh chỉ được chọn 1-2 người. Có người tận đỉnh Hà Giang, có người miền Trung cát trắng, và cũng không ít người ở tận cùng tổ quốc, nếu không có sự quan tâm đặt biệt của Nhà nước thì có thể trong đời họ không thể nào đến được Vũng Tàu nên đã mở lời rằng “Các anh chị từ xa tới đây, có thể là sẽ có nhiều bạn bè mời đi thăm thú nơi này nơi khác. Nếu các anh chị không dùng cơm của trại thì vui lòng báo cho ban tổ chức chúng tôi biết để chúng tôi báo lại với nhà bếp cho không uổng phí phần cơm”. Lý ra họ phải biết trân trọng ban tổ chức trại, trân trọng thời khắc ít ỏi của 15 ngày bên nhau để rồi có khi suốt cuộc đời cuộc gặp gỡ này chỉ là kỉ niệm. Nhưng một số VNS không nghĩ như vậy. Tôi “may mắn” được cử làm phó trại phụ trách đời sống của anh chị em trại viên nhưng quả tình chưa một lần được nhận “thông báo” rằng hôm nay bản thân VNS nào sẽ dùng bữa ở ngòai. Mà chỉ là khi lên mâm cơm, chờ mãi thấy thiếu thì tự gọi điện thọai xem sao đến giờ mà anh (chị) chưa đến phòng ăn. Lúc ấy mới té ngửa rằng “Anh (chị) đang nhậu với bạn bè bên ngòai”. Thật là… đến lúc này thì vàng nuốt còn không ngon chứ nói gì cơm!

Thế nhưng đã có vài VNS thật sự làm cho tôi bị sốc. Đó là nữ tác giả Đ.T.T ở Ninh Thuận. Buổi sáng chị bỏ bữa với lý do “Có một người bạn mời tiết canh”, buổi trưa không thấy báo gì, lại vẫn bỏ bữa, buổi chiều khật khưỡng bước vào phòng ăn huơ tay “chào cả nhà” rồi thôi. Tôi bước theo hỏi chị, ngày mai có dùng bữa bên ngòai nữa không, để tôi báo với nhà bếp, để như thế này thì uổng phí quá. Chị cười khì khì “Ối giời ơi… có gì mà em lo thế không biết! Không ăn thì bỏ, của Nhà nước chứ của bố gì mình mà sợ hao tốn!”. Lời chị ồn ào theo men rượu và tiếng cười của cả phòng ăn vọng ra làm tôi súyt khóc. Chị giàu có đến thế ư? Tiêu chuẩn ngày cả trăm ngàn mà không ăn thì bỏ? Chị có biết, chị bỏ bữa một lần là bằng cả gia đình lao động sống cả ngày không?

Có lẽ cần phải nói thêm rằng, NST Vũng Tàu có hai nhân viên bếp nhưng thời điểm 4.2010 một người phải nghỉ hộ sản mà NST không tìm được nhân viên hợp đồng ngắn ngày nên các nhân viên lễ tân phải xuống bếp phụ- nếu rảnh. Vậy là vẫn một người phục vụ 20-25 người, thế nên tôi hay xuống phòng ăn sớm để đi qua hai đọan cầu thang đứng dựng mà xuống tầng hầm- nhà bếp để phụ trợ. Chắc mãi thành quen, các VNS trại viên quên béng tôi cũng như họ, mà nghĩ rằng tôi là nhân viên phục vụ nên cứ gọi lọan lên. Nữ thì xin cốc nước chè, cái thìa bé, chiếc đũa, chiếc khăn ăn (dù mọi thứ ở bàn bên cạnh)… Nam thì “xin” cái ly, vài lát ớt xắt (dù rằng dĩa ớt trái cạnh bên). Buồn cười thật.

Nhưng buồn nhất là đêm giao lưu cùng Hội VHNT Bà Rịa- Vũng Tàu. Mười giờ mới giao lưu xong, sau đó thì liên hoan nhẹ. Nhưng chị bếp bảo rằng nhà chị ở xa, chị không thể chờ để dọn tiệc. Thì chị sẽ nấu sẳn, khi nào ăn, trại vui lòng xuống bếp múc lên. Vậy xem như vẹn cả đôi đường rồi. Trước khi vào buổi giao lưu, tôi “báo cáo” tình hình “đội nhà” mình như thế và kêu gọi mọi trại viên cùng chung tay chứ một mình tôi không thể phục vụ bữa tiệc những 40 người- dù chỉ là liên hoan nhẹ. Và tôi “khẩn thiết” nhờ hai anh D.Đ.K cùng P.M.L của tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.
Buổi giao lưu sắp xong, tôi lại nhờ hai anh xuống phụ nhưng họ “quăng cục lơ” to đùng. Tôi lại gọi lần hai, lần ba và bây giờ thì họ gắt “Bộ em không thể làm sao? Em không biết làm sao mà gọi bọn anh hòai!”. Tôi… không biết thật, nhưng là không biết gọi họ là gì cho phải phép!

Dù sao thì những cá thể như kể trên không nhiều nhưng cũng không phải là quá hiếm trong đội ngũ VNS. Có lẽ họ nghĩ rằng, họ có một hai bài đăng ở báo trung ương, đi một hai trại cấp trung ương thì họ đã là “sao” rồi, mà “sao” thì mọi người phải phục vụ, mọi sự tốt đẹp nhất phải dành cho “sao”. Nhưng họ quên rằng với cách sống như thế thì không muộn họ sẽ là “sao xẹt” trong lòng bè bạn. Và điều dễ thấy nhất là vì tài năng của họ không đủ nâng đỡ cho tên tuổi trở nên nổi tiếng nên họ phải nhờ sự lập dị mà trở thành “có tên tuổi” trong làng văn nghệ.

______________________________________________________________

Nghệ thuật của ngôn ngữ và vấn đề dịch phong cách Proust

Nguyễn Giáng Hương

Đi tìm thời gian đã mất (ĐT) được coi là một tác phẩm khó đọc bởi sự chồng chéo của các tầng lớp nghĩa được diễn đặt bằng câu chữ và việc sáng tạo từng câu chữ một cách tinh tế. Thật vậy, Marcel Proust không những là tiểu thuyết gia mà còn một nhà phê bình lớn, một nhà lý luận về phong cách học. Những quan điểm của ông thể hiện qua chính tiểu thuyết ĐT cũng như tác phẩm lý luận Chống Sainte-Beuve (Contre Sainte-Beuve) và nhiều bài viết, bài tựa cùng thư từ còn để lại. Theo ông, lớp vỏ ngôn ngữ không đơn giản chỉ là một phương tiện biểu đạt của văn chương mà chính nó cũng là một nhân tố quan trọng làm nên văn chương. Cái nhìn của nhà văn về thế giới không những thể hiện qua nội dung tư tưởng của tác phẩm mà còn thể hiện một cách chân thực và sâu sắc qua phong cách của tác giả. Điều này đã được Marcel Proust khẳng định rất rõ trong tập Thời gian tìm thấy lại (Le Temps retrouvé):

Phong cách (…) cũng như màu sắc đối với người họa sĩ, không phải là một vấn đề về kỹ thuật mà là về cách nhìn. Nó là một phát lộ, vốn sẽ không thể có được bằng những phương tiện trực tiếp và hữu thức, về sự khác biệt về chất có trong cách mà thế giới hiện ra với mỗi chúng ta, sự khác biệt mà, nếu không có nghệ thuật, thì sẽ mãi là bí mật vĩnh hằng của mỗi con người.[1]
Nói cách khác, phong cách tác giả không đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật hay chỉ là lớp vỏ ngoài trang trí cho tác phẩm văn chương mà nó là cách nhìn rất riêng của mỗi người về thế giới, phân biệt với cách nhìn của những người khác. Với quan niệm này, tiểu thuyết ĐT đã mang lại cho độc giả một phong cách nghệ thuật rất riêng của nhà văn Marcel Proust: những câu dài phân nhánh với cú pháp đa tầng phức tạp, những sự “phình to” của suy ngẫm, liên tưởng, các phép ẩn dụ so sánh, sự chính xác của ngôn từ, nhịp điệu văn chương chảy dài liên tục...

Tuy nhiên, trong mọi bản dịch dù có ý thức đến đâu, phong cách tác giả vẫn là yếu tố dễ bị nguy hại nhất. Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ tồn tại một bản dịch hoàn chỉnh của tập Dưới bóng những cô gái tuổi hoa (À l’ombre des jeunes filles en fleurs) của dịch giả Nguyễn Trọng Định (NXB Văn học, 1992; tái bản, 2008). Một số đoạn trích ngắn đuợc rút ra trong tổng thể bảy cuốn của tác phẩm cũng đã được các dịch giả Đặng Thị Hạnh, Đào Duy Hiệp, Đào Bích Hạnh dịch và giới thiệu trong cuốn Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỷ XX (Đặng Thị Hạnh, NXB Đà Nẵng, 2000) và trên tạp chí Văn học nước ngoài số 3, 2002 nhân kỷ niệm 80 năm mất của Marcel Proust.

Bài viết dưới đây xin trình bày những kết quả khảo sát về phong cách học trong nguyên tác tiếng Pháp và trong các bản dịch tiếng Việt của Dưới bóng những cô gái tuổi hoa nhằm so sánh những cái được và mất về dụng ý nghệ thuật của tác giả trong các bản dịch. Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ xin khảo sát theo hai vấn đề ngôn ngữ cơ bản của văn bản là vấn đề cú pháp và vấn đề từ vựng. Qua đó, bài viết muốn rút ra những nhận xét và kết luận chung cho việc dịch tác phẩm ĐT của Marcel Proust nói riêng và của dịch văn học nói chung.

1. Câu Proust và những vấn đề dịch thuật

Trong tác phẩm ĐT mọi chi tiết đều thể hiện cách nhìn về thế giới của chủ thể với tư cách là nhân vật, nhà văn, người kể chuyện, người sáng tạo nghệ thuật. Cấu trúc tiểu thuyết như một khối nhà thờ lộng lẫy đồ sộ được hình thành trên những trụ cột là nhân vật, không gian, thời gian, sự kiện, chủ đề. Đó là một kết cấu phức tạp, chồng lớp lên nhau nhưng chặt chẽ đến từng chi tiết. Yếu tố câu dưới góc độ là đơn vị nhỏ nhất của diễn ngôn (discours) cũng được cấu trúc theo cách mà các sự vật cấu thành bên trong chủ thể sáng tạo. Đối với Proust, mọi sự vật thông qua cái nhìn của nhà văn có một trật tự hoàn toàn khác biệt so với trật tự thực của chúng ở thế giới bên ngoài. Về luận điểm này, nhà lý luận văn học người Áo Léo Spitzer cũng nhận định:
Tôi thấy trong sự sáng sủa của cách sắp xếp này là một hệ quả trực tiếp của cái nhìn tinh thần của nhà văn: Proust không chỉ thấy sự phức tạp trong các sự vật, mà ông còn nhìn thấy khắp nơi những tấm lưới; cái nhìn của ông phân tách, kết hợp, sàng lọc.”[2]

Proust không bao giờ đứng bên trong thế giới để nhìn về nó mà luôn tách mình ra khỏi nó, tự đặt mình trên một tầm cao hơn để nhìn được mọi vật trong chuyển động của chúng - như một chiếc máy bay tách lên khỏi mặt đất - để nhận ra trong đó một trật tự, một quy luật chung của chúng. Trên phương diện văn bản, những trật tự, quy luật này thể hiện trong cấu trúc rẽ đôi (la duplication), cấu trúc chính phụ (la subordination) và sự phát triển vòng tròn (le développement cyclique) của những câu văn dài phức tạp. Chính tác giả cũng bày tỏ: “[...] nhưng tôi buộc phải dệt nên những dải lụa dài bởi tôi bám theo chúng, và nếu tôi rút ngắn các câu của mình, điều đó làm nên những mẩu câu, chứ không phải là những câu.”[3]

a. Khái niệm “cấu trúc rẽ đôi” được tác giả Pháp Jean Milly gọi tên trong một nghiên cứu phong cách học của ông có tên Câu văn Proust[4]. Nguyên tắc rẽ đôi là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong cách phát triển diễn ngôn của Marcel Proust. Đây là nguyên tắc thể hiện trật tự thế giới trong tâm lý tác giả gồm những thực thể tồn tại bên nhau một cách song hành. Chúng đối lập nhau, tương đương nhau hay bổ sung cho nhau để tạo nên nhiều mặt của cuộc sống qua lăng kính của tác giả vốn vô cùng phức tạp. Nguyên tắc này thể hiện trong văn bản ở một loạt các thủ pháp nghệ thuật như phép song song, phép đối lập, phép so sánh, phép ẩn dụ, phép hoán dụ... Ở cấp độ câu, nó không những thể hiện về mặt cú pháp mà còn về mặt quan hệ lôgíc giữa những thành phần cấu tạo câu. Nguyên tắc rẽ đôi nếu hoạt động một mình thường không gây nhiều khó khăn cho việc dịch thuật bởi tính rành mạch, rõ ràng và cân xứng của cấu trúc. Tuy nhiên các thủ pháp nghệ thuật đối xứng đôi khi vẫn bị mất đi do những đặc trưng cú pháp khác biệt giữa tiếng Pháp và tiếng Việt.

b. Cấu trúc chính phụ tạo thành do việc chêm vào các mệnh đề phụ, các cụm thành tố phụ trong câu, là phương tiện chủ yếu để xây dựng những câu dài “phình to” của Proust. Mỗi chi tiết lại được cụ thể hóa bằng những mệnh đề quan hệ khác nhau, một chi tiết trong mệnh đề quan hệ lại được chêm thêm một ý phụ khác nữa... Cứ như thế, tầng lớp các thành tố phụ chồng chất lên nhau, đan lồng vào nhau tạo thành câu ghép nhiều bậc, khiến mạch văn chậm lại, chủ đề chính đôi khi bị đẩy đến tận cuối câu. Không phải ngẫu nhiên Proust lại phức tạp hóa câu văn của mình đến như vậy. Mỗi câu văn, mỗi thành tố đều nằm trong một trật tự chặt chẽ theo cách mà tác giả nhìn về thế giới bên ngoài bao gồm mọi sự vật hiện tượng tồn tại và diễn ra trong một trật tự, một quy luật nhất định.

Cấu trúc này đặt ra một vấn đề lớn trong dịch thuật. Qua việc xây dựng các cấu trúc chính phụ đa tầng Proust đã đề cao tính chặt chẽ trong cú pháp tiếng Pháp thể hiện ở các mệnh đề quan hệ, việc từ biến đổi thành các từ loại khác nhau, sự hợp thời hợp thức của động từ trong câu. Trong nguyên bản, các thành tố phụ vì thế dù phức tạp và chồng chéo nhưng với sự tỉ mỉ người đọc vẫn tìm ra được quan hệ giữa thành tố này với thành tố kia, từ đó nhìn ra được cấu trúc tổng quát của câu. Đây cũng chính là một trong những khó khăn chủ yếu trong việc dịch câu Proust sang tiếng Việt. Thuộc hệ ngôn ngữ đơn âm tiết, từ ngữ tiếng Việt luôn bất biến, các quan hệ cú pháp dựa trên trật tự sắp xếp các từ và việc sử dụng các hư từ. Đặc điểm của loại hình ngôn ngữ này là không có những biến đổi ngữ pháp như chia động từ, hợp giống hợp số của tính từ, các liên từ lôgíc mà cụ thể là các đại từ quan hệ cũng rất hạn chế... Chính vì vậy, việc trung thành với các cấu trúc chính phụ lồng ghép trong câu văn Proust có nguy cơ dẫn đến những câu văn dịch trúc trắc, tối nghĩa với người đọc Việt Nam.

c. Một cơ chế vận hành nữa trong câu văn Proust là lối phát triển vòng tròn. Cơ chế này hoạt động dựa trên việc trở lại chủ đề chủ yếu bằng việc lặp từ hay gợi lại một chi tiết tương tự sau một hàng loạt chi tiết “làm chậm” (élément retardant) chêm vào. Cấu trúc này đảm bảo tính chặt chẽ trong diễn ngôn Proust mà bề ngoài có vẻ như bị phân tán bởi nhiều chi tiết mở rộng. Cấu trúc vòng tròn phát triển ở nhiều cấp độ: cấp độ trong câu, cấp độ trong đoạn hay trong trường đoạn và cả cấp độ tổng quát của toàn bộ tiểu thuyết. Ở cấp độ một câu riêng lẻ cấu trúc này thể hiện ở việc lặp lại một từ hay một cụm từ, lặp lại song song nhiều từ hay nhiều cụm từ... Trong văn bản dịch, thường không khó trung thành với cấu trúc này nhưng đôi khi việc này dễ bị sao nhãng bởi các dịch giả với cố gắng thay đổi sự lặp lại mà tác giả đã cố tình tạo ra, đôi khi chỉ đơn giản bằng một phép đảo trật tự của từ ghép hay việc thay thế từ đồng nghĩa.
Những cách tổ chức câu nói trên là một hình thức trình bày đơn giản của cấu trúc tổng thể tiểu thuyết ĐT. Các chủ đề tổng quát của tác phẩm cũng được diễn giải theo lối sóng đôi, bị đẩy lùi về phía sau bằng hàng loạt chủ đề mở rộng khác rồi lại được tác giả quay trở lại theo nguyên tắc phát triển vòng tròn. Mặt khác, cấu trúc câu còn có hiệu quả về hình ảnh, âm sắc, nhịp điệu vẫn luôn là những yếu tố được Proust đặc biệt chú trọng trong việc tạo ra phong cách nghệ thuật riêng của mình. Qua khảo sát trên tổng số 80 câu dài (có câu chiếm tới trên 20 dòng, khổ sách 11×17cm) của nhà văn Marcel Proust với hai bản dịch tiếng Việt khác nhau, chúng tôi nhận thấy dịch giả Nguyễn Trọng Định có xu hướng mang lại cho độc giả Việt Nam một ĐT dễ đọc, dễ hiểu. Những người đọc Proust chưa từng tiếp cận với nguyên bản có thể sẽ thích bản dịch này hơn do các câu dài với nhịp điệu liên tục, cú pháp đa tầng đã bị đơn giản hóa bằng cách tỉnh lược chi tiết thành câu ngắn gọn hơn hay ngắt câu thành nhiều câu nhỏ... Cách xử lý này phải chăng đã đi ngược với ý kiến của tác giả đã nêu ở trên: những câu ngắn chỉ là những mẩu câu chứ chưa thành câu. Vả lại cách dịch này đã tạo ra ở độc giả của bản dịch những cảm xúc hoàn toàn khác với những cảm xúc của độc giả đọc nguyên tác. Đối với bạn đọc Pháp, đọc Proust vẫn luôn là một thử thách thú vị, cái sâu sắc của phong cách nghệ thuật khiến người ta phải chăm chú, nghiền ngẫm để thưởng thức từng giọt văn chương chứ không phải là một tác phẩm để đọc nhanh, đọc lướt. Việc tước đi thử thách này của độc giả nước ngoài theo nhà phê bình người Ý Umberto Eco là sự “xâm phạm một trong những quyền lợi” của người đọc [5] .

Thấy rõ vấn đề đó, các bản dịch sau này, tuy mới chỉ tồn tại đơn lẻ ở dạng những đoạn trích, đã cố gắng khắc phục những nhược điểm trên. Tuy nhiên diễn đạt trong tiếng Việt đôi khi trở nên khiên cưỡng và quan hệ giữa các thành tố trong câu đôi khi không rõ ràng hay lệch lạc đi so với nguyên tác, ví dụ như trong các đoạn trích dịch của Đào Bích Hạnh. Ở bản dịch của Đặng Thị Hạnh, tuy không nhiều nhưng ta có thể nhận thấy một sự tỉ mỉ trong việc tìm hiểu nguyên bản và chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bản thân dịch giả cũng cho rằng các đoạn dịch vẫn chưa phải là hoàn hảo nhưng chúng cũng góp phần tạo một nền tảng bước đầu cho một bản dịch hoàn chỉnh và nghiêm túc hơn của tiểu thuyết ĐT trong tương lai.

2. Từ ngữ của Marcel Proust

Trong Chống tính lu mờ năm 1954, Proust đã phần nào dự báo về giá trị thẩm mỹ của tác phẩm ĐT sẽ là một tác phẩm được viết bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, một thứ ngôn ngữ nhạy cảm đặc trưng; đó là thứ ngôn ngữ mà tính biểu cảm trong sáng của ngôn từ không loại trừ cái bí ẩn nội tại của tác phẩm văn chương. Qua những nhận xét về bản dịch Ruskin của mình, Proust phê phán việc sử dụng từ hiếm và đề cao vai trò biểu cảm của từ ngữ chính xác. Phong cách văn chương của Marcel Proust không chỉ thể hiện qua cách tổ chức, sắp xếp từ ngữ mà còn trong chính cách lựa chọn và sáng tạo từ.

a. Cấu tạo từ: Quan niệm rằng “văn chương là ngôn ngữ”, Proust không sử dụng từ ngữ một cách đơn giản như những tín hiệu ngôn ngữ chỉ sự vật hay khái niệm. Trong quá trình sáng tác ĐT, ông thực hiện một quá trình tìm về bản chất của từ ngữ, hướng chất liệu từ ngữ đến các suy tư triết học.

Để thể hiện tính không thể nắm bắt của chủ thể cá nhân đối với thế giới, Proust đặc biệt ưa dùng những từ mang ý phủ định với tiền tố “in-” như “insoupçonnée”, “inaccoutumé”, “inconnu”... Cần phân biệt hai tiền tố biểu thị ý phủ định trong tiếng Pháp là “in-” và “des-”. Nếu như “des-” chỉ sự phá hủy như “destruction” (phá hủy), “défaire” (tháo dỡ), “désordre” (mất trật tự) thì tiền tố “in-” lại mang sắc thái về sự thiếu vắng. Mặt khác, theo Curtius, tiền tố “in-” còn có tác dụng phản ánh “tính vô tận của quá trình diễn biến nội tâm và tính vô tận của những chi tiết được ghi lại”[6]. Trong tiếng Việt, tiền tố trên có thể được dịch bằng một số từ phủ định như “không” (“incertain” - không chắc chắn), “bất” (“injuste” - bất công, “incommode” - bất tiện), “vô” (“inefficace” - vô hiệu). Hơn nữa, Proust có vẻ ưa dùng tiền tố “in-” kèm với hậu tố “-able” hay “-ible” để thể hiện khả năng không thể như “infaillible”, “innombrablement”, “imprévisible”... Cấu tạo [in + từ gốc + able] là một hình thức ngôn ngữ biểu đạt ý nghĩa triết học về sự bất lực của con người trong việc nắm bắt những điều vĩnh hằng của thế giới như Thời gian, Chân lý... mà nhà văn luôn trăn trở trong từng trang viết của mình. Để dịch đầy đủ những hàm nghĩa trên của các tiền tố và hậu tố, cách diễn đạt chuẩn sẽ là [không thể + từ gốc + (được)]. Tuy nhiên, các dịch giả có xu hướng thay thế cấu trúc phủ định này thành một từ trái nghĩa với từ gốc ở dạng khẳng định như “tuyệt vời” hay “chắc nịch” thay cho “không thể sai lầm” (infaillible), “cực kỳ đa dạng” (innombrablement) để diễn đạt “đa dạng không đếm xuể”. Hầu hết các kiểu diễn đạt phủ định theo cấu trúc trên chỉ được giữ lại khi từ gốc không có từ trái nghĩa trong tiếng Việt như “impossible”, “imprévisible” với từ gốc là “possible” (có thể), “prévisible” (dự kiến).

Ám ảnh về sự bất lực của con người trước việc nắm bắt Chân lý vĩnh hằng của thế giới, Marcel Proust không ngừng nhìn lại, thực hiện các cuộc hành trình hồi cố để chiếm lĩnh được quá khứ, được Thời gian. Vì vậy, trong tác phẩm người đọc dễ dàng quan sát thấy một mật độ dày những từ được cấu trúc [tiền tố “re-” + từ gốc] chỉ một hành động hồi cố, lặp lại như “reconnaître”, “retrouver”, “recréer”, “reconquérir”... Đặc điểm này thể hiện ngay trong chính tên của tiểu thuyết A La Recherche du temps perdu. Từ “recherche” là danh từ của động từ “rechercher”, động từ này được cấu tạo bởi tiền tố “re-” và động từ gốc “chercher” có nghĩa là “tìm”. Nghĩa ban đầu của động từ “rechercher” được hiểu đúng như cấu tạo của nó: “tìm lại lần nữa”, nghĩa phái sinh: “dò tìm cái gì đó” - thực chất vẫn là sự tìm đi tìm lại[7]. Danh từ “recherche” trong tên tiểu thuyết được sử dụng với nghĩa phái sinh này. Cách dịch vẫn được công nhận từ trước đến nay là Đi tìm thời gian đã mất tuy đúng về nghĩa đã vô tình làm mất đi hàm nghĩa lặp lại của tiền tố “re-”. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên dịch giả Dương Tường đã đề xuất một cái tên mới là Tìm lại thời gian đã mất.

Để diễn đạt ý lặp lại, trong tiếng Việt có từ “lại” hay “trở lại” như “gặp lại” (revoir), “xuất hiện trở lại” (reparaître) và từ “tái” như “tái tạo” (recréer). Bàn về sự lựa chọn giữa yếu tố “lại” và “tái” trước tiên cần phải chú ý rằng văn phong Proust luôn tìm đến sự chuẩn mực, trang trọng và đôi khi có phần cổ điển. Vì vậy, kho tàng từ ngữ Hán-Việt sẽ là một công cụ rất hữu ích để phần nào tái hiện được văn phong ấy tới độc giả Việt Nam. Về phương diện này bản dịch của Nguyễn Trọng Định thể hiện khả năng sử dụng vốn từ cổ, từ Hán Việt có phần tinh tế hơn cả. “Recréer” do đó được dịch giả dịch là “tái tạo” và có lẽ “renaître” cũng nên dịch là “tái sinh” thay vì “nảy sinh trở lại”:
[…] préparer habilement les circonstances qui pourront la faire renaître […]. (Ex. 1, page 227)
[…] khéo léo chuẩn bị các cơ hội có thể tái sinh cảm giác đó […].
Tuy nhiên nhiều trường hợp hàm nghĩa lặp lại chỉ được gợi lên qua hình thức cấu tạo của từ nhưng nghĩa sử dụng trong văn bản lại là nghĩa phái sinh như trường hợp của từ “recherche” hay “recouvrir” (phủ kín), “reconnaître” (nhận ra). Vì vậy nghĩa lặp lại đôi khi bị mất đi trong bản dịch.
Một vấn đề nữa liên quan đến cú pháp hơn là giá trị thẩm mỹ bên trong nghĩa của từ, đó là hiện tượng danh từ hóa (nominalisation) thường xuyên gặp trong câu Proust. Câu văn trong ĐT rất dài nhưng cũng rất cô đọng, súc tích. Không có một chi tiết nào dù chỉ một dấu chấm hay dấu phẩy là không có ý nghĩa. Từng ấy tầng lớp các ý nghĩa được nén trong một câu văn của Marcel Proust có lẽ với nhà văn khác phải mất hàng trang giấy, hàng chục câu mới diễn đạt được. Một trong các thủ pháp “nén ý” của tác giả là việc danh từ hóa các hành động, sự kiện thay vì một cụm chủ-vị để lồng chúng vào một kết cấu chủ-vị khác hoặc chú thích, đánh giá thêm bằng các tính từ hay các mệnh đề phụ thuộc.

Cách tạo từ này có vẻ không được ưa chuộng trong tiếng Việt do tính bất biến của từ. Một động từ hay tính từ được danh từ hóa trong tiếng Việt luôn có xu hướng làm câu văn rườm rà và vụng về như “hésiter” (do dự) → “hésitation” (sự do dự), “efficace” (hữu hiệu) → “efficacité” (tính hữu hiệu) hay dài hơn nữa là “comparable” → “incomparabilité” (tính không thể so sánh được). Khảo sát một số ví dụ cũng cho thấy phần lớn cấu tạo danh từ hóa không hoàn toàn được trung thành trong các bản dịch. Bên cạnh một số ít danh từ cấu tạo từ động từ hay tính từ được dịch đúng về từ loại, một số khác bị chuyển lại thành cấu trúc chủ-vị. Cách làm này tuy không sai về mặt ý nghĩa, nhưng với những câu vốn đã dài và phức tạp trong nguyên bản vô tình ta đã làm chúng rối rắm hơn bằng cách chất thêm kết cấu chủ-vị khiến người đọc càng khó phân biệt các thành tố, các tầng chủ-vị trong câu.

b. Nghĩa của từ: Trong việc lựa chọn từ ngữ, Proust luôn đề cao việc sử dụng ngôn từ chính xác. Tác giả thậm chí còn đi sâu vào lịch sử hình thành nghĩa của từ để đặt nó trong bối cảnh phù hợp. Các từ ngữ có khi không được sử dụng với nghĩa thông dụng mà với nghĩa cổ. Ví dụ trong câu:
Pour remonter à un temps plus ancien, la modestie et l’honnêteté qui donnaient souvent de la noblesse au visage de notre vieille servante ayant gagné les vêtements que, […], elle avait revêtus pour le voyage afin d’être digne d’être vue avec nous sans avoir l’air de chercher à se faire voir, Françoise, […], faisait penser à quelqu’une de ces images d’Anne de Bretagne peintes dans des livres d’Heures par un vieux maître, […]. (J.F.F., tr. 218)
Để ngược trở về một thời đã xa hơn, sự khiêm tốn và trung thực thường xuyên mang lại cho gương mặt người lão bộc của chúng tôi một vẻ cao quý lây cả lên trang phục của bà mà, […], Françoise, […], khiến người ta nghĩ tới một trong những tấm ảnh về Anne de Bretagne do một bậc thầy lão luyện vẽ trong những cuốn sách Kinh nhật tụng, […]. (ĐBH, tr. 40)
Nếu ngược dòng thời gian, thì phải thừa nhận sự khiêm tốn và trung thực vốn thường mang lại cho gương mặt người lão bộc chúng tôi một vẻ cao quý, như đã in cả dấu ấn lên trang phục của bà;[…]; Françoise khiến người ta nghĩ tới những tấm hình Anne de Bretagne trong những cuốn sách kinh, […]. (NTĐ II, tr. 16-17)
Hai từ “modestie” và “honnêteté” được dịch theo nghĩa hiện đại là “khiêm tốn” và “trung thực”. Nhưng trong văn cảnh này tác giả sử dụng hai từ này với nghĩa cổ của chúng. Đây là một ví dụ trong đoạn viết về nhân vật Françoise. Giọng kể của người kể chuyện đôi khi cũng biến đổi, pha tạp ngôn ngữ Françoise: đôi khi diễn đạt trở nên suồng sã, có khi lại dùng từ địa phương hay dùng từ theo nghĩa cổ như phong cách nói chuyện của nhân vật này. Việc sử dụng nghĩa cổ của từ trong trường hợp này mặt khác được thông báo ngay trước đó bằng cụm “pour remonter à un temps plus ancien” (“nếu ngược dòng thời gian” - NTĐ). Tác giả không những ngược dòng thời gian để so sánh chân dung Françoise với Anne de Bretagne của thế kỷ XV mà còn ngược về lịch sử hình thành nghĩa của từ. Trong Dictionnaire Universel (1690), Furetière định nghĩa: “Modestie: - sự đúng mức, sự giữ ý tứ trong cảm xúc và trong tất cả những gì biểu hiện ra bên ngoài; - cư xử bẽn lẽn, tôn trọng lề thói” và “Honnêteté: - thuần khiết về phong tục, của người biết sống; - cách hành động đúng đắn, chân thật, lịch sự, ân cần, nhã nhặn”[8]. Nét nghĩa cổ của hai từ trên hoàn toàn phù hợp với vẻ đẹp thanh lịch đúng mực của người đầu bếp Françoise. Do đó, hai từ “modestie” và “honnêteté” nên dịch là “sự đúng mực” và “phẩm hạnh”. Từ Hán-Việt “phẩm hạnh” (phẩm: tư cách; hạnh: nết na) phần nào cũng mang lại không khí trang trọng, cổ điển cho câu văn.

Ngoài ra, vấn đề quy chiếu và vấn đề nghĩa mở rộng của từ cũng là một khó khăn trong việc dịch tác phẩm ĐT nói riêng và trong dịch thuật nói chung. Khó khăn này liên quan đến sự khác biệt văn hóa giữa hai ngôn ngữ, khiến những khái niệm đôi khi không chồng khít nhau mà biến thiên theo hiểu biết và tư duy ngôn ngữ của từng dân tộc. Một ví dụ điển hình thường xuyên được nhắc đến trong các tiểu luận về sự khác biệt ngôn ngữ nói chung là từ “con chó”. Trong giới hạn khảo sát, từ này được sử dụng trong câu sau đây:
Mais devant la clarté de son regard, devant les lignes délicates de ce nez, de ces lèvres, devant tous ces témoignages absents de tant d’êtres cultivés chez qui ils eussent signifié la distinction suprême, le noble détachement d’un esprit d’élite, on était troublé comme devant le regard intelligent et bon d’un chien à qui on sait pourtant que sont étrangères toutes les conceptions des hommes, […]. (J.F.F., tr. 219)
Nhưng trước ánh mắt trong sáng, trước cánh mũi và làn môi thanh tú của bà, trước tất cả những biểu hiện thiếu vắng ở biết bao con người có học thức mà giá có thì chúng là nổi bật sự xuất chúng, sự thanh thoát cao quý của một bộ óc tinh anh, người ta bối rối như đứng trước ánh mắt của một con vật, tuy người ta biết mọi quan niệm của con người đều xa lạ với nó; [...]. (NTĐ II, tr. 17)
Khái niệm “con chó” (le chien) ở tiếng Pháp và tiếng Việt mang những nét nghĩa mở rộng khác nhau tùy theo quan niệm, cách nhìn của mỗi dân tộc về khái niệm đó. Trong tiếng Pháp, con chó không những là một con vật nuôi trong nhà mà còn là một người bạn, một thành viên của gia đình. Nó được ví với lòng trung thành và sự thông minh. Ở câu trên, so sánh giữa Françoise và những người có học thức được liên tưởng với so sánh giữa con chó và thế giới con người. Thế giới của Françoise được so sánh với thế giới của con chó vì đó là thế giới của kẻ hầu người hạ không được tiếp xúc với những tri thức của nhân loại. Mặt khác, hình ảnh con chó được sử dụng cũng nhằm gợi lên trí thông minh bản năng, tự nhiên đôi khi không thể hiện qua lời nói mượt mà mà qua ánh nhìn đối với con chó và cũng như qua vẻ bề ngoài của Françoise. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, khái niệm “con chó” trước hết là một con vật nuôi dùng để giữ nhà, dùng để giết thịt. Do đó trong ngôn ngữ Việt Nam thông tục vẫn có diễn đạt “Đồ con chó!” để chửi một người hèn hạ, không có đạo đức, tư cách như một con người hay “Ngu như chó” để chửi kẻ đần độn. Ngày nay, chỉ một số ít người mới bắt đầu coi chó như bạn, đối xử âu yếm như người. Chính vì lý do này, hình ảnh “con chó” được so sánh với Françoise đã được dịch giả Nguyễn Trọng Định giảm nhẹ trong tiếng Việt bằng cách thay thế nó bằng một danh từ chung chung hơn là “con vật”.

Qua khảo sát các bản dịch chúng tôi nhận thấy bản dịch của Nguyễn Trọng Định thể hiện sự vượt trội trong cách dùng từ hoa mỹ, trang trọng và cổ điển hợp với giọng văn của Marcel Proust. Rất tiếc ở bản dịch này đã mất đi nhiều chi tiết, tính trung thành đôi khi không được tôn trọng khiến tác phẩm tiếng Việt đôi khi như một tác phẩm phóng tác hơn là một dịch phẩm hoàn chỉnh. Từ ngữ cũng được dịch giả Đặng Thị Hạnh dày công chọn lựa và tính chính xác được đề cao hơn, cũng có đôi chỗ từ ngữ của dịch giả này thành công hơn dịch giả trước. Người dịch thứ ba có thể do đã kỳ công trong việc cấu trúc câu sao cho trung thành với nguyên bản nên việc lựa chọn từ ngữ có phần không được chú trọng. Nhìn chung qua cả ba cách dịch có thể thấy bản dịch của Đặng Thị Hạnh có phần cân bằng được tương đối về tính chính xác cũng như tính thẩm mỹ. Dịch giả đã nắm được cái hồn của tác phẩm cũng như tư tưởng của nhà văn. Đặng Thị Hạnh hướng việc dịch của mình vào chất lượng chứ không phải vào số lượng, điều này giải thích số lượng hạn chế các đoạn dịch của dịch giả này. Sự kết hợp bản dịch này với khả năng chắt lọc từ ngữ của dịch giả đầu tiên có thể hứa hẹn một sản phẩm hoàn thiện hơn.

3. Bàn về vấn đề dịch thuật

Một số người quan niệm rằng thông tin của nguyên bản và lối hành văn thuần Việt - với tư cách là ngôn ngữ đích là hai nguyên tắc cơ bản của dịch văn học. Về vấn đề nội dung, việc chọn từ ngữ sao cho trung thành đã khó, việc đem lại hiệu quả cảm xúc đến với độc giả còn khó hơn. Đôi khi, những khác biệt về văn hóa gây cản trở không nhỏ đến việc dịch các tác phẩm văn chương. Hai từ trong hai ngôn ngữ khác nhau dù tham chiếu vào cùng một khái niệm nào đó vẫn phản ánh trong ý thức các độc giả thuộc hai nên văn hoá khác nhau những hiện thực khác nhau. Về điểm này chúng tôi xin dẫn một ví dụ nổi tiếng của nhà lý luận người Đức Walter Benjamin về hai từ “pain” và “brot”[9]. Hai từ này đều chỉ cùng một khái niệm “bánh mì” nhưng đối với hai dân tộc Pháp và Đức lại bao hàm hai thực tế hoàn toàn khác nhau. Với người Pháp, “pain” là loại bánh mì hình que dài ruột trắng thường ăn với bơ kèm theo cà phê hoặc sữa. Trong khi đó “brot” gợi lên cho người Đức loại bánh mì đen tròn thường ăn kèm với thịt. Và tất nhiên đối với người Việt Nam thì từ “bánh mì” lại gợi lên một thực tế khác, bánh mì nhỏ ruột trắng hay ăn với patê chỉ dùng làm thứ quà vặt không dùng như cơm gạo. Mặc khác, từ ngữ ngoài nghĩa cơ bản còn mang những nghĩa mở rộng khác tùy theo từng không gian văn hóa. Trong một số trường hợp dịch giả buộc phải chú thích về ý nghĩa mở rộng của khái niệm trong ngôn ngữ gốc hoặc tìm một khái niệm tương đối tương đương khác mang hiệu quả nghệ thuật tương tự như Nguyễn Trọng Định trong ví dụ về khái niệm “con chó”. Vấn đề này cũng được Umberto Eco đưa ra trong cuốn Dire presque la même chose (bản dịch tiếng Pháp) về những kinh nghiệm dịch thuật của ông. Bàn về tính trung thành của bản dịch, ông nhấn mạnh tính trung thành không phải là ở việc dịch từ sang từ, mà là việc dịch từ thế giới này sang thế giới kia. Theo ông từ ngữ mở ra cả một thế giới và người dịch phải mở ra cùng một thế giới mà tác giả đã tạo ra cho người đọc của một môi trường tiếng khác, dù cho các từ ngữ có thể không tương đương nhau. Nhiệm vụ này đòi hỏi các dịch giả phải thực hiện một quá trình “thương lượng” sâu sắc về mặt tinh thần chứ không chỉ đơn giản là trên câu chữ. Điều này giải thích tại sao cuốn sách của ông tên là Nói điều gần giống chứ không phải là Nói giống thế.

Về hình thức ngôn ngữ nghệ thuật, hiện nay tiêu chuẩn thuần Việt của các bản dịch vẫn đang được đặt dấu hỏi. Nhiều ý kiến phản ánh xu hướng ngoại lai ảnh hưởng theo văn bản gốc của các bản dịch, ngược lại lại có những ý kiến đề cao một thứ ngôn ngữ dịch khác biệt với ngôn ngữ sáng tác. Bàn về vấn đề này làm chúng tôi nghĩ đến trường hợp của nhà thơ nữ, dịch giả người Nga Marina Tsvetaeva dịch thơ của Pouchkine và thơ của mình sang tiếng Pháp. Không những Tsvetaeva đã áp dụng những vần luật, nhịp thơ của Pouchkine vốn không phải là truyền thống của thơ Pháp vào ngôn ngữ này mà bà còn thay đổi cả ngữ pháp tiếng Pháp như việc lược bỏ các đại từ bổ ngữ, các tính từ sở hữu... Những bản dịch tiếng Pháp của bà là sự kết hợp nhịp nhàng giữa đặc điểm ngôn ngữ và thi ca Nga với ngôn ngữ, vần luật Pháp để tạo nên một những dịch phẩm độc đáo và theo bà có thể chuyển tải được tư tưởng và đặc biệt là phong cách nghệ thuật của tác giả. Bà quan niệm rằng ngôn ngữ phải chịu theo con người ta áp đặt, những lỗi sai ngữ pháp cũng là một phần của việc sáng tạo ngôn ngữ. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan niệm của các tác giả Pháp luôn xoay vần câu chữ của mình theo các nguyên tắc ngữ pháp, vần luật chặt chẽ. Marina Tsvetaeva đã tạo ra một thứ ngôn ngữ tiếng Pháp riêng của chính bà. Nghiên cứu các bản dịch thơ của Tsvetaeva khiến ta đặt ra một câu hỏi: Liệu dịch thuật mà đặc biệt là dịch văn học cho phép sự sáng tạo ra một ngôn ngữ mới trong ngôn ngữ đích như vậy hay không? Nếu phong cách quan trọng đến thế đối với Proust, ta có thể xử lý văn bản “proustien” như cách Marina Tsvetaeva đã làm với thơ Pouchkine?

Một trong những bước cần thiết để tìm được giải pháp cho các vấn đề dịch Proust là tìm hiểu kinh nghiệm của chính Proust với vai trò là một dịch giả. Trước khi Proust viết tiểu thuyết ĐT, ông là một dịch giả của John Ruskin. Những nhận xét của ông về dịch thuật cũng như những cảm nhận của ông về nghệ thuật của Ruskin đã góp phần quyết định rất lớn cho phong cách nghệ thuật chủ đạo của tác phẩm. Trong Chống Sainte-Beuve, Proust khẳng định một cuốn sách của một tác giả là sản phẩm không phải của cái tôi xã hội mà là của một cái tôi khác sâu kín hơn khác với cái tôi kia, ở tận bên trong tác giả. Viết, nói một cách khác là quá trình dịch ra thành lời những xúc cảm của cái tôi sâu kín. Ngược lại, dịch cũng như viết là quá trình thẩm thấu cái tồn tại bên ngoài, nhào nặn nó, chiếm lĩnh nó để trở thành một chất liệu tâm lý. Hay nói một cách khác dịch giả cũng là một nhà văn và dịch cũng là một quá trình sáng tạo nghệ thuật. Dịch văn chương không đơn thuần chỉ là việc chuyển thông điệp từ ngôn ngữ này đến ngôn ngữ khác mà cũng là một tác phẩm nghệ thuật mới gồm tư tưởng của nhà văn và những cảm nhận cá nhân thể hiện qua bản dịch bằng ngôn ngữ bên trong, ngôn ngữ tinh thần của dịch giả. Tương tự như vậy Walter Benjamin trong bài viết “Nhiệm vụ của dịch giả”[10] khẳng định cốt lõi của một tác phẩm văn chương không phải là những sự kiện, biến cố làm nên tác phẩm mà là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Một bản dịch chỉ dừng lại ở việc chuyển thông điệp sẽ là một bản dịch tồi. Muốn thành công nó phải đạt tới những giá trị thẩm mỹ tinh túy trong tác phẩm văn chương nguyên bản. Nhận định này đặc biệt quan trọng đối với tác phẩm ĐT - một tiểu thuyết đi tìm một định hướng, một phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Tác phẩm ĐT dù về bản chất là một cuốn tiểu thuyết nhưng đây là một cuốn tiểu thuyết mang đậm chất thơ. Ngôn ngữ và nhịp câu luôn khiến ta cảm thấy như đang đọc những mạch cảm xúc của một nhà thơ. Về mặt kỹ thuật, ta cũng có thể tìm thấy thường xuyên trong văn bản những cách ngắt nhịp, gieo vần tương thích với luật thơ ca Pháp. Cùng với nhịp điệu lê thê của những câu văn dài hàng trang giấy và từ ngữ chọn lọc chính xác, ĐT mang một văn phong rất riêng, rất lạ. Những ai dịch Proust cũng phải sáng tạo nên một thứ ngôn ngữ độc đáo, khác biệt không những có khả năng chuyển tải trung thành những thông điệp của tác giả mà còn mang lại vẻ đẹp về phong cách, về tâm hồn của nhà văn đến với độc giả Việt Nam. Muốn vậy, người dịch không những phải hiểu nội dung tác phẩm mà phải sống trong nó, cảm thụ nó bằng tất cả sự nhạy cảm của tâm hồn để sáng tạo ra một tác phẩm dịch như một nhà văn sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình.


________________________________________
[1] PROUST Marcel, Le Temps Retrouvé (T.R.), Paris, Gallimard, Col. Folio, 1990, tr. 220.
[2] SPITZER Léo, “Le stype de Marcel Proust” in Etudes de style, Paris, NRF, Gallimard, Col. Bibliothèque des idées, 1970, tr. 399.
[3] PROUST Marcel, lettre de 1905 à Robert Dreyfus in Correspondance générale IV, Paris, Plon, 1930, tr. 201.
[4] MILLY Jean, La phrase de Proust, Paris, Champion, Col. Unichamp, 1983.
[5] ECO Umberto, Dire presque la même chose traduit de l’italien par Myriem Bouzaher, Paris, Grasset, 2006, tr. 22.
[6] Trích dẫn Curtius của Léo SPITZER, nt, tr. 448.
[7] Từ điển tiếng Pháp Le Trésor de la langue française informatisé trực tuyến: http://atilf.atilf.fr/dendien/scripts/tlfiv5/advanced.exe?33;s=3927253725; mục A và mục C.
[8] Furetière Antoine, Le Dictionnaire universel, 3 vol., Paris, S.N.L.-Le Robert, 1978.
[9] WALTER Benjamin, Oeuvres I, Paris, Gallimard, 2000, tr. 244-260.
[10] Sđd.

____________________________________________________

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Những trạng thái tâm hồn nghệ sĩ

Đinh Quang Tốn

Nhớ và quên là hai trạng thái tâm lý tình cảm bình thường của con người. Nhớ hay quên do rất nhiều yếu tố tự nhiên hợp thành, thường rất khó tác động. Không thể cố gắng mà nhớ, cũng không thể cố mà quên được, mà đôi khi còn ngược lại. Văn chương cổ kim Đông Tây đã biểu đạt hai trạng thái tình cảm này của con người rất sâu sắc.

Nhớ và quên

Từ ngàn xưa, những người dân bình thường đã gửi nỗi nhớ của mình trong những câu ca dao: "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!". Đó là tình cảm chân thành mộc mạc mà da diết bởi nó gắn với những kỷ niệm nghèo khó, vất vả. Từ bảy thế kỷ trước, ông quan Nguyễn Trung Ngạn trên đường đi sứ đã có nỗi nhớ quê hương điển hình đi vào lịch sử đời sống tinh thần của dân tộc trong bài thơ "Quy hứng": "Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách chẳng bằng về!". Nỗi nhớ ấy quan trọng vô cùng đối với một con người. Thậm chí có nhà thơ đã khái quát đó là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một con người: "Quê hương, nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người" (Đỗ Trung Quân).

Trong đại kiệt tác "Truyện Kiều", thi hào Nguyễn Du đã bốn lần khắc họa nỗi nhớ nhà của nàng Kiều, mà lần nào cũng thiết tha, da diết. Nỗi niềm tha thiết, diết da nhất là nỗi nhớ người yêu và nhớ cha mẹ: "Tưởng người dưới nguyệt chén đồng/ Tin sương luống những rày trông mai chờ/ Bên trời góc bể bơ vơ/ Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai/ Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ/ Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm". "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn mà bản dịch hay nhất được truyền tụng của Đoàn Thị Điểm là một nỗi nhớ dài của người chinh phụ có chồng ra chiến trận. Nỗi nhớ là thể hiện tình yêu của mình với đối tượng được tưởng nhớ. Nỗi nhớ càng da diết thiết tha thì tình cảm càng sâu nặng. Đây là nỗi nhớ về cảnh chia ly: "Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?". Và nỗi nhớ đã biến thành hoạt động hàng ngày, với tấm lòng chung thủy: "Biếng cầm kim, biếng đưa thoi/ Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa/ Mặt biếng tô, miệng cũng biếng nói/ Sớm lại chiều dòi dõi nương song/ Nương song luống ngẩn ngơ lòng/ Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?". Đại thi hào của nước Đức Gớttơ cũng có một nỗi nhớ da diết được gửi vào lịch sử văn chương nhân loại, nói về tình yêu thời trẻ là "Nỗi đau khổ của chàng Vecte".

Lần giở lại lịch sử văn chương dân tộc và nhân loại, nỗi nhớ của thi nhân để lại cho đời rất nhiều những kiệt tác. Ở Việt Nam, Nguyễn Du với "Độc Tiểu Thanh ký", Tú Xương với "Sông Lấp", Nguyễn Khuyến với "Khóc Dương Khuê", Tản Đà với "Thề non nước", Tố Hữu với "Việt Bắc", Lê Anh Xuân với "Dừa ơi", Nguyễn Duy với "Sông Thao"... Trên thế giới thì "Vọng nguyệt" của Lý Bạch, "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu, "Ơi hồ!" của Muýtxê, "Gửi..." của A.Puskin cũng là những tuyệt tác nói về nỗi nhớ...

Nỗi nhớ được mọi người và các thi nhân nhắc đến nhiều như là để đo sự sâu sắc của kỷ niệm: Nhưng "quên" cũng là một nghệ thuật. "Quên" cũng là một trạng thái day dứt xót xa lắm. Khi đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc ở nửa đầu thế kỷ XX đã viết tác phẩm "Kỷ niệm để quên đi" thì chúng ta không thể coi thường trạng thái "quên" được. "Quên" tức là không nhớ. Nhưng biết phải "quên" tức là còn nhớ đấy, mà có khi còn sâu sắc hơn nữa kia. A.Puskin đã quên như thế nào: "Tháng ngày qua những cơn gió bụi/ Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ/ Lãng quên rồi lời em huyền diệu/ Nhòa tan rồi bóng dáng nguy nga"... Đó là những viên ngọc long lanh của sự "quên". Tôi vừa được đọc tập thơ mới của nhà thơ Lê Thành Nghị "Sông trôi không lời". Tên tập thơ có điều gì đấy gợi sự "quên". Và tôi đã giật mình khi đọc được câu thơ: "Tôi mất một đời để quên một người". Vâng, "quên" còn nặng hơn cả "nhớ". Ai đó đã nói "nỗi nhớ trĩu nặng". Nhưng "quên" cũng có nhẹ nhàng gì.

Vui và buồn

Từ nhỏ, câu ca dao nói về vui và buồn đã in trong trái tim tôi: "Vui từ trong ngõ vui ra/ Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về". Đời người là gắn với vui và buồn. Tất nhiên những niềm vui thì thích hơn là những nỗi buồn. Nhưng những người sống sâu sắc thì không sợ nỗi buồn. Nỗi buồn có khi lại cho ta sức mạnh để vùng dậy.

Năm 1989, bây giờ không còn nhớ vì sao lúc ấy tôi lại viết bài thơ "Những niềm vui, những nỗi buồn":

Đời người bao nỗi vui buồn
Nào ai biết được ngọn nguồn từ đâu
Lúc buồn - đảo vắng đêm thâu
Khi vui - cây cối lần đầu nở hoa...

Có niềm vui của hôm qua
Hôm nay nghĩ lại lòng xa xót buồn
Có nỗi buồn như sao Hôm
Tưởng đâu lại hóa trong hồn sao Mai...

Biết đâu đời ngắn đêm dài
Lo chi tạc những tượng đài, người ơi!

Tôi chỉ nhớ rằng, lúc ấy cuộc sống của tôi đang có rất nhiều niềm vui, chứ không có gì đáng buồn cả. Gia đình tôi đang sống rất hạnh phúc, vừa được chuyển từ làng quê ra thị xã. Công việc thì từ giáo viên được đi làm báo, làm văn học nghệ thuật mà tôi đã yêu quý từ lâu. Làm công việc biên tập, tôi được bạn bè văn chương quây quần hết ngày này sang ngày khác... Vậy thì, vì sao tứ thơ vui và buồn lại phát ra từ hồn tôi? Phải chăng đó là tiếng vọng tự nhiên của tâm hồn mà cuộc đời tôi đã trải nghiệm cho đến lúc ấy? Lạ vậy, hồn thơ của mỗi người cũng có tuổi đấy chứ! Nếu câu thơ chỉ viết về nỗi niềm thực tại thì làm sao có sức nặng?

Khi Nguyễn Du miêu tả nỗi buồn của nàng Kiều, là ông đã phải tả bằng sự chiêm nghiệm vui buồn của cả cuộc đời mình, nên nó đã trở thành nỗi buồn trong văn chương muôn đời:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi...

Còn "mặt trời thi ca Nga" A.Puskin miêu tả niềm vui khi gặp lại người đẹp thuở trước, thi sĩ cũng huy động mọi cảm xúc tài năng làm cho niềm vui tràn ngập mà sâu sắc in mãi vào văn chương nhân loại:

Cả hồn anh bỗng bừng bừng tỉnh giấc
Trước mắt anh, em lại hiện lên
Như hư ảnh mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong
Quả tim lại rộn ràng náo nức
Vì trái tim sống dậy đủ điều
Cả thiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu...

Như vậy, vui và buồn trong thơ văn không phải là vui buồn ngẫu nhiên. Hoàn cảnh chỉ tạo cớ để vui buồn ập đến. Tất nhiên, sự lựa chọn cung bậc tình cảm phù hợp với hoàn cảnh phụ thuộc vào tài năng của nghệ sĩ. Mà sự lựa chọn này cũng là sự lựa chọn tự nhiên do tầm cỡ tâm hồn nghệ sĩ quyết định. Sự tính toán sao cho vừa chỉ ở những người thợ vụng và chắc chắn thất bại. Đấy là vàng nguyên chất, là kim cương của tâm hồn mà người nghệ sĩ dâng cho cuộc đời, dâng cho nghệ thuật. Vì vậy, những vàng mười và kim cương của nghệ thuật là rất khó, rất hiếm. Kể cả những thiên tài, thì cũng chỉ có được một chút nào đó mà thôi, dù tác phẩm của họ là những trái núi đồ sộ. Có thể đấy cũng là một loại quặng quý, nhưng vàng mười và kim cương thì chỉ có một phần trong đó.

Nhịp đập của trái tim có quy luật riêng. Không ai điều chỉnh được tâm hồn mình, kể cả những nghệ sĩ thiên tài. Vì thế, Pêtôphi (Hunggari), H.Hainơ (Đức), A.Puskin (Nga), Míckiêvích (Ba Lan), Muýtxê (Pháp) mới đau khổ về tình yêu mà kết ngọc thành thơ để muôn đời. Phải chăng, vui và buồn, sướng vui và đau khổ đối với người nghệ sĩ đều là trạng thái của hạnh phúc? Họ được sống đến tận cùng của cung bậc tình cảm, mà những trái tim bình thường, những người bình thường không thể nào có được! Thi sĩ Éptusencô (Nga) đã nói điều này thay cho mọi văn nghệ sĩ chăng:

Xin đừng cho tôi một nửa bao giờ
Cho tôi cả bầu trời, cho tôi tròn mặt đất...
Tôi không muốn hưởng nửa phần hạnh phúc
Thì một nửa đau thương, đừng cứ phải để dành!

(Hà Nội, 29/8/2010)
______________________________________________

Ao làng và Nobel Văn học

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Ông (bà) ấy là ai? Ông (bà) ấy đã đến Việt Nam hay chưa? Có cuốn nào của ông (bà) ấy đã được dịch sang tiếng Việt? Người trong giới viết lách và độc giả quan tâm thời sự văn chương ở Việt Nam vẫn thường hỏi nhau như vậy mỗi lần viện hàn lâm Thuỵ Điển công bố một tên tuổi đoạt giải Nobel Văn học.

Nếu tác giả Nobel Văn học năm đó từng được dịch ra tiếng Việt, chúng ta sẽ hoan hỉ nói với nhau rằng, tác phẩm, tiểu sử của ông ta từng “được phát hiện” ở Việt Nam. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ dành cho dịch giả, con người vốn âm thầm đứng sau mỗi tác phẩm kia một sự kính trọng đặc biệt – kính trọng vì ông ta, hẳn không phải là rủi may, đã phát hiện ra những tác phẩm giá trị và đưa đến với xứ sở “hẻo lánh” này ngay từ khi nó còn chưa được thiên hạ đóng chuẩn vàng ròng (cứ mặc định rằng, Nobel là một giải thưởng có giá trị đóng chuẩn sự nghiệp văn chương cho những tên tuổi lớn).

Và phía sau sự kính trọng dành cho dịch giả, chúng ta sẽ tiếp tục đặt ra câu hỏi, như vậy thì khi dịch sang tiếng Việt, nó được đón nhận như thế nào? Có gì đặc biệt so với các cuốn sách làng nhàng khác?

Đã có những tác giả Nobel văn học xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Le Clézio (Nobel 2008) là một ví dụ. Từ 11 năm trước khi Clézio nhận Nobel Văn học, dịch giả Huỳnh Phan Anh đã dịch sang tiếng Việt tiểu thuyết Désert (Sa mạc, NXB Hội Nhà Văn, 1997). Sa mạc là cuốn sách quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp của nhà văn này, nhưng khi ra mắt tại Việt Nam, tầm vóc của nó chỉ được ghi nhận bằng… truyền miệng qua những nhóm đọc sách tinh ý. J.M Coetzee, nhà văn Nam Phi đoạt Nobel Văn học 2003 nhưng trước đó một năm, cuốn tiểu thuyết Disgrace, bản dịch tiếng Việt là Ruồng bỏ (Thanh Vân dịch, NXB Phụ Nữ, 2002) đã được giới thiệu tại Việt Nam và không tạo ra nhiều dư luận như sau khi tác giả của nó được xướng danh tại giải Nobel. Năm nay, nhà văn Peru Mario Vargas Llosa được gọi tên ở Nobel Văn học 2010 cũng vậy. Những người đọc sách Việt Nam có thể hân hoan vì từ năm 1986, tác phẩm quan trọng của ông này là La tía Julia y el escribidor (Dì Hulia và nhà văn quèn – Vũ Việt dịch, NXB Tác Phẩm Mới) đã được xuất bản tại Việt Nam. Nhưng, cũng phải nói với nhau rằng, tại Việt Nam, số phận của tác phẩm Mario Vargas Llosa có vẻ hẩm hiu hơn so với các tiểu thuyết của Gabriel Garcia Márquez. Cùng là tầm vóc đại thụ của văn chương Mỹ Latinh, nhưng Márquez may mắn hơn, được Nobel gọi tên từ 1982 và, trời sinh cho Márquez một ông Nguyễn Trung Đức – dịch giả tiếng Việt giỏi, dấn thân!

Như vậy, hiểu biết về các tác giả lớn với người đọc văn chương thế giới bằng tiếng Việt chủ yếu trông chờ vào khả năng thẩm định giới thiệu của những dịch giả thính nhạy và giới phê bình, truyền thông tinh ý. Song, điều này cũng “hên xui”. Vì có khi quan điểm dịch thuật của tác giả lại không ăn khớp với quan điểm kiểm duyệt của hệ thống xuất bản, để hoang phí nhiều bản dịch tốt của những tác phẩm, tác giả tầm vóc trên thế giới mà lẽ ra độc giả đã được biết đến.

Ngoài ra, với những tác phẩm giá trị được giới thiệu sớm tại Việt Nam, thì tình trạng thụ động, bệnh thiếu thông tin và chứng “ăn theo” thông tin có sẵn bên ngoài của giới truyền thông, phê bình cũng góp phần làm cho nhiều tác phẩm giá trị khi đến Việt Nam chịu số phận hẩm hiu. Và dù rất ngưỡng mộ các dịch giả, vẫn phải nói rằng, việc chọn lọc và dịch thuật trước đây vẫn diễn ra theo kiểu ngắn hạn, thiếu sự dấn thân khám phá có tính hệ thống để giúp người đọc dễ dàng nhận diện chân dung của từng tác giả, sự nghiệp văn chương một cách rõ ràng. Điều này cũng dễ hiểu, vì nhiều dịch giả hiện nay thiếu vắng khả năng phê bình tác phẩm và có độ xác tín cao vào chính tác phẩm mà mình chọn lựa dịch thuật.

Gần đây, một số dịch giả trẻ đã nhận ra điều này, việc lập dự án, chọn lựa và dịch thuật trọn bộ tác phẩm của từng tác giả lớn đang được tiến hành. Việc mua tác quyền trọn bộ và sớm cung cấp cho độc giả những tác phẩm quan trọng đang là “sự kiện” văn chương thế giới đã được một số nhà xuất bản, công ty sách tư nhân trong nước tiến hành. Và nhờ thế, Orhan Pamuk, Le Clézio, Salman Rushdie, Haruki Murakami, Paul Auster… và sắp tới là Umberto Eco, Phillip Roth hay Mario Vargas Llosa… sẽ đến với độc giả tiếng Việt một cách hệ thống cùng với những thông tin hiểu biết “bền vững” hơn.

Và chúng ta lại sẽ đặt câu hỏi: Tác phẩm của ông (bà) ấy đã đến Việt Nam chưa? Chưa. Cho đến nay, mỗi kỳ thế giới rộn ràng với giải Nobel Văn học, câu hỏi quen thuộc này vẫn lởn vởn trong giới quan tâm tại Việt Nam ở một nền văn học còn “hẻo lánh”, mức độ hội nhập chưa cao, rào cản văn hoá, ngôn ngữ và cơ chế xuất bản còn quá lớn.

Rất nhiều tác giả quan trọng đối với thế giới hãy còn xa lạ với Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm hàng đầu thế giới đang “đầu hàng” trên con đường nhọc nhằn đến với vài ngàn độc giả tiếng Việt. Đó là nguyên nhân chính sinh ra một chứng bệnh nguy hiểm: “Giải thưởng thế giới, Nobel văn chương đâu phải là cái đinh gì ghê gớm lắm. Nền văn học của ta mới rực rỡ hoành tráng biết bao!”

Nguồn: Sài Gòn tiếp thị

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Nguyễn Trọng Bình

Xuất hiện trên văn đàn lần đầu tiên vào năm 2000 (với truyện ngắn Ngọn đèn không tắt – giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II) đến nay Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít nhà văn trẻ được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Với sở trường là những truyện ngắn viết về con người và vùng đất nơi miền cực Nam của Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Tư đã dần chinh phục được tình cảm của đông đảo bạn đọc không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Có thể nói, một trong những điều đọng lại trong lòng độc giả khi đọc Nguyễn Ngọc Tư chính là nhờ chị biết thổi vào tác phẩm của mình những giá trị văn hóa của cha ông, cụ thể là những đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long! Qua những sáng tác của chị, độc giả không những được thưởng thức câu chuyện thắm đượm tinh thần nhân văn mà còn được cung cấp thêm những cứ liệu văn hóa về vùng quê sông nước đồng bằng sông Cửu Long rất bổ ích.

1. Văn hóa và làng quê Nam bộ - tiền đề hình thành quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Cà Mau – vùng đất phương Nam cuối cùng của tổ quốc; vì thế, một trong những tiền đề quan trọng góp phần hình thành nên quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư có nguồn gốc và cơ sở sâu xa là những yếu tố văn hóa mang đặc trưng riêng của vùng đất và con người nơi đây.
So với Trung bộ và Bắc bộ thì Nam bộ là vùng đất còn rất “trẻ” cả về vị trí địa lí lẫn lịch sử văn hoá (ở đây chúng tôi nhìn nhận ở góc độ tương quan giữa ba miền trên toàn vẹn lãnh thổ từ khi bắt đầu có cư dân người Việt sinh sống). Tuy nhiên, với khoảng trên 300 năm hình thành và phát triển, Nam bộ đã dần tạo nên một hình ảnh đẹp cả về đời sống xã hội lẫn đời sống văn hoá.
Trước hết, nói về tính cách cũng như cách đối nhân xử thế của con người, có thể thấy điểm nổi trội nhất của người Nam bộ là cách suy nghĩ bộc trực, phóng khoáng; lối sống “xả láng sáng về sớm” và luôn “chơi hết mình” vì người khác. (Thật ra về những những nét tính cách này của người Nam bộ, không phải người Việt Nam sống trên các vùng, miền khác không có. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những nét nổi trội và ưu thế nhất góp phần làm nên cá tính riêng của con người ở mỗi vùng, miền…trên lãnh thổ ta mà thôi). Bên cạnh đó, người Nam bộ trong suy nghĩ và lời nói cũng thể hiện một cái gì đó rất bộc trực và thẳng thắng. Nói như nhà văn Sơn Nam đó là“tinh thần phóng khoáng thực tế, ghét những lí luận quanh co. Cứ nói thẳng để xem chuyện đó ra sao. Muốn gì thì nói phứt nó ra. Họ ghét những cuộc tranh luận về lí thuyết chính trị hoặc lí thuyết siêu hình, và có thành kiến cho rằng kẻ dùng quá nhiều lí luận là “lẻo mép”, gian xảo. Họ thích nói chuyện vui, chuyện có đầu có đuôi, những giai thoại khôi hài. Nói “lí luận” là “buồn ngủ”. Nói chuyện quanh co là kém thành thật” [4]. Người Nam bộ, vì thế, trong giao tiếp ứng xử có người cho rằng họ nói chuyện có khi “bụm miệng không kịp” vì chuyện gì cũng “huỵt tẹt” cũng “bốp chát”, “rổn rảng”, “có sao nói vậy”… điều này đã góp phần hình thành nên một thứ ngôn ngữ rất đặc trưng trong giao tiếp, nói năng của người Nam bộ. Ngôn ngữ ca dao dân ca Nam bộ thể hiện rất rõ điều này:

- Gió đưa bụi chuối tùm lum
Má dữ như hùm ai dám làm dâu.
- Dao phai kề cổ, máu đổ tui không màng
Chết tui, tui chịu chứ buông nàng tui hổng buông!
- Anh về em nắm vạt áo la làng
Anh phải bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho em!
- Má ơi con má hư rồi
Má lo trang điểm phấn dồi nó cũng hư.
- Nước ròng trong ngọn chảy ra
Nghe chồng em chết anh bôn ba qua liền!

Ngoài ra, đọc truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu chúng ta sẽ thấy những nét đẹp và đặc trưng của người Nam bộ cũng được nhà thơ miêu tả rất sâu sắc qua hàng loạt nhân vật đầy dũng khí và đầy nghĩa tình như: Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực… Có thể thấy, người Nam bộ trong sinh hoạt còn có chút “quê mùa”, “thô kệch” tuy nhiên họ cũng rất biết thế nào là “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng.” Phải chăng vì thế, mỗi khi nhắc đến người dân Nam bộ, có một điều rất thú vị là không biết tự lúc nào người ta lại ưu ái và trìu mến gọi đó là người“rất Nam bộ” hay “Nam bộ rặt” rất ngộ nghĩnh và đáng yêu.
Về mặt tự nhiên, Nam bộ là vùng đất với những sông ngòi chằng chịt, những ao hồ và ruộng đồng mênh mông… Do cấu tạo tự nhiên có tính đặc thù như thế nên có thể thấy trong sinh hoạt đi lại của người dân người Nam bộ, nhất là ở những vùng quê nông thôn chủ yếu là ghe, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng… Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến cách xây dựng và miêu tả hiện thực và con người trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Người đọc dễ dàng bắt gặp trong cách thể hiện của chị mọi sinh hoạt và đời sống của con người đều mang dấu ấn của vùng đất phù sa sông nước như: ruộng đồng, kinh rạch, dòng sông, con đò, ghe xuồng, chợ nổi…
Một vấn đề nữa, nói đến Nam bộ cũng là nói đến cái nôi của bộ môn nghệ thuật cải lương. Người Nam bộ vốn rất mê cải lương, rất hay hát những bài vọng cổ cũng như rất quý trọng những người nghệ sĩ ở những đoàn, gánh hát đã đem lời ca tiếng hát của mình để phục vụ bà con sau một ngày lao động vất vả. Cuộc sống sinh hoạt của họ thường gắn liền với những cuộc hát hò vui chơi mà họ gọi là “đờn ca tài tử” thắm đượm tình làng nghĩa xóm… Có thể nói, tất cả những yếu tố trên là kho cứ liệu văn hóa dồi dào, là nguồn cảm hứng mãnh liệt giúp Nguyễn Ngọc Tư xây dựng và khắc họa hình tượng con người Nam bộ mang đậm chất văn hóa Nam bộ: mê đờn ca tài tử, thích hát vọng cổ và đặc biệt là rất thích trở thành nghệ sĩ cải lương…
Cuối cùng, hiện nay, khi đất nước đã thật sự bước vào quỹ đạo chung của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa; nhắc đến vùng đất Nam bộ đặc biệt là các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ (trong đó có Cà Mau) có một sự thật làm mọi người phải xót xa, đó là: tuy vùng đất này là vựa lúa, vựa lương thực lớn nhất nước nhưng về mặt bằng dân trí và trình độ học vấn của người dân thì lại thấp nhất nước. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý về giáo dục và văn hóa thì đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Đây có thể nói là một thực trạng đau lòng. Chính thực trạng đau lòng này làm nảy sinh nhiều vấn nạn, gây ra nhiều bi kịch của con người nơi đây. Và đó cũng là một trong những đặc điểm quan trọng góp phần tạo nên cách nhìn và thể hiện con người với những ước mơ và khát vọng đời thường, nhỏ nhoi trong hàng loạt truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Những con người vì thất học nên cái nghèo, cái đói nghèo cứ mãi đeo đuổi. Để sinh tồn họ phải lăn lộn, phải bươn chải quanh năm trên ruộng đồng, sông nước thậm chí phải đánh đổi cả thân xác…
Như vậy, có thể nói do được sống và lớn lên trên mảnh đất Nam bộ, những nét tính cách trong văn hóa ứng xử cũng như ngôn ngữ của cha ông đã ăn sâu vào tiềm thức của Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế, khi sáng tác, những nét văn hóa “rặt Nam Bộ” ấy đã đi vào trang viết của chị một cách tự nhiên như một điều tất yếu không thể nào khác được.

2. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư – ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc

Bao trùm các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là hiện thực cuộc sống con người trên mảnh đất Nam bộ với cánh đồng lúa mênh mông, những con sông uốn lượn hay những bờ kinh, con mương và vô số những đầm, đìa, rạch, xẻo...; những chợ nổi với ghe xuồng, sóng nước tấp nập…; những câu hò, điệu hát lên xuống theo từng con nước lớn, ròng; hay những bài vọng cổ buồn được cất lên từ những đoàn ca múa cải lương đang len lỏi mưu sinh tận trong những chợ quê nghèo… Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng được triển khai trên cái nền của “bức tranh” sinh hoạt văn hóa ở làng quê Nam bộ độc đáo ấy, nói như nhà văn Nguyên Ngọc đó chính là “không gian… của Nguyễn Ngọc Tư”. Ở phương diện nào đó, đây là những lời quãng bá và “tiếp thị” bằng văn chương rất độc đáo Nguyễn Ngọc Tư về những nét đẹp của văn hóa làng quê đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã lí giải vì sao những ai đọc văn Nguyễn Ngọc Tư cảm thấy rất thích thú, yêu mến và xúc động khi đọc đến những dòng, những câu chị miêu tả về cảnh sinh hoạt “đời thường” của người dân quê ở xứ sở ruộng đồng, sông nước miền Tây Nam bộ. Đọc truyện của chị, như tác giả Huỳnh Công Tín đã nhận xét thì: “người đọc sẽ cảm nhận được chất Nam Bộ thể hiện khái quát ở nhiều phương diện của tác phẩm… Trong tác phẩm của chị có một không gian Nam Bộ với những loại cây, tên gọi nghe quen, dân dã: “mắm, đước, sú, vẹt, bần, tra, tràm, choại, quao, ô rô, dừa nước...”, với những vàm, kinh, rạch, xẻo, tắt chằng chịt, mà tên gọi cũng gợi trí tò mò, tìm hiểu ở người đọc: “vàm Cỏ Xước, Vàm Mắm, kinh Cỏ Chác, kinh Mười Hai, kinh Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng, Rạch Ruộng, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây Quao...”, hay những tên ấp, tên làng, tên chợ nhiều chất Nam Bộ: “xóm Xẻo, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm Miễu, chợ Ba Bảy Chín, Cái Nước, Trảng Cò, Đất Cháy, Mút Cà Tha …” [6].
Vì vậy có thể nói, ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trước hết được thể hiện ở sự khẳng định và niềm tự hào của nhà văn về những phẩm chất và giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư vì thế người đọc không những được thưởng thức những câu chuyện thắm đượm tình người mà còn được cung cấp cấp thêm nhiều cứ liệu văn hóa rất bổ ích về vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Ví như người đọc sẽ hiểu thêm về chợ nổi ở Nam bộ; hay hiểu thêm về những gia đình, những con người cả đời phải bươn chảy, mưu sinh trên những chiếc ghe theo từng con nước lớn, ròng được chị tái hiện rất chân thật, sinh động nhưng cũng không kém phần mượt mà và duyên dáng.
“Giang nói không có con kinh con rạch nào mà ghe chưa đi qua, không có đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước rong… Lúc đó con Thủy còn mềm xèo nhỏ xíu như con mèo mướp. Hệt như Giang, nó lớn lên trên ghe. Lúc buôn bán, lúc nấu cơm, ông Chín không bồng được, Giang buộc sợi dây dù vô chân nó, đầu kia Giang buộc vô mui ghe. Con Thủy bò chán bò chê rồi nằm ngửa ra, ngó những trái cà, trái khóm, trái bí, bầu ông Chín treo lúc lỉu trên nhánh chà đằng mui ghe.” (Nhớ sông)
Hay đọc Nguyễn Ngọc Tư người đọc phần nào sẽ hiểu thêm về nghề “nuôi vịt chạy đồng” trên những cánh đồng mênh mông, bạt ngàn, “cò bay thẳng cánh” rất đặc trưng ở vùng sông nước Nam bộ:
“Mùa gặt năm nào anh cũng xuôi ghe chở bầy vịt chạy đồng về xóm gạch giồng này. Rồi cất cái chòi bằng lá chuối, quây lưới cầm vịt trên khúc đê trồng so đũa. Từ chỗ này, mỗi ngày anh lang thang lùa vịt đi ăn khắp cả vạt đồng, qua tới vườn xóm lung. Tới khi người ta bừa đất chuẩn bị sạ vụ mới, Sáng lại ra đi…” (Một dòng xuôi mải miết)
Người đọc cũng sẽ bắt gặp trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư những cứ liệu văn hóa về vùng đất Nam Bộ với “cái nôi” của môn nghệ thuật cải lương; hay về những người dân quê Nam bộ vì mê hát cải lương, mê ca vọng cổ đã không ngần ngại bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ giàu sang vinh hiển để đi theo những đoàn gánh hát cho thỏa niềm đam mê ca hát:
“Hôm sau khi gánh hát Kim Tiêu trở lại Sài Gòn, có công tử bỏ nhà bỏ phú quí đi theo”.(Cuối mùa nhan sắc)
Ngoài ra, Nam bộ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đôi khi chỉ hiện lên một cách giản dị, dân dã qua một món ăn “canh chua bông súng và cá sặc kho khô” rất quen thuộc trong mâm cơm của người dân quê nghèo khó, lam lũ. Món ăn tuy dân dã, bình dị nhưng chứa đựng cả một giá trị lịch sử và văn hóa khẩn hoang của cha ông thời trước được dân gian lưu truyền qua câu ca dao quen thuộc:

Muốn ăn bông súng cá (mắm ) kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
(Ca dao Nam bộ)

Ý thức trân trọng và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư còn thể hiện ở điểm nhìn tiếp cận hiện thực đời sống với thái độ ngợi ca và trân trọng những giá trị văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức qua bao thế hệ của người dân thôn quê. Điều này nếu so với các nhà văn cùng thời và cùng trang lứa hiện nay như Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu,… thì đây chính là cái nhìn thể hiện cá tính sáng tạo rất độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể thấy, hiện thực trong tác phẩm của các nhà văn vừa kể trên chủ yếu được nhìn từ điểm nhìn và chỗ đứng của những con người thành thị đang cố chống chọi với cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất sôi động và nóng bỏng. Đây là cái nhìn của Phong Điệp trong truyện ngắn “Thế là vừa hết một đêm”:
“Hai thằng héo hon tính đã đến hơn chục năm để bon chen chốn thị thành. Cuối cùng một thằng khá hơn, cũng mua được căn nhà xa tít tắp, ở cạnh sông, nước quanh năm đen quánh như mực. Trời hơi dậy nắng là mùi thum thủm từ sông dội lên. Rồi giống như tên kẻ trộm tinh ranh và lành nghề, cái mùi thum thủm ấy, thoắt cái đã chui tọt vào nhà rồi trốn vào một ngóc ngách nào đó mà gia chủ không hề hay biết. Chỉ đến khi nó ăn cắp hết bầu không khí trong lành ở khắp các gian phòng thì chủ nhà mới té ngửa. Nhưng chả làm sao khác được. Coi như cùng chung sống, có chăng cẩn thận hơn bằng việc ra vào khép cửa. Nước lau nhà Sunday hương nắng mới gì gì đó cũng chịu chết, chả tẩy uế được cái mùi thum thủm, nhức cả đầu ấy. “Tên kẻ trộm” đã quyết tâm bám riết lấy “nơi trú ngụ” mới”.
Còn với Đỗ Hoàng Diệu, hiện thực trong tác phẩm của chị thậm chí có lúc còn được nhìn với một thái độ phủ nhận, báng bổ rất quyết liệt những vấn đề liên quan đến làng quê, thôn xóm. Bóng đè là tác phẩm tiêu biểu cho cách nhìn này của Đỗ Hoàng Diệu khi chị nhìn về làng quê và những nếp sinh hoạt của người dân quê (Bắc bộ). Đó là một thái độ lạnh nhạt, được nhìn với ánh mắt “đẩy đưa” của một “tiểu thư” thành thị cảm thấy rất khổ sở mỗi khi phải theo chồng về thăm quê:
“Quê Thụ cách thành phố khoảng ba giờ tàu hỏa. Tôi không ngờ đồng quê khác biệt đến thế… Lần về trước bận bịu khách tôi đã chẳng có thời gian đẩy đưa con mắt.”
Hay: “Tưởng tượng ra viễn cảnh mỗi năm phải còng lưng làm cơm cúng mười bảy đám giỗ cho đến ngày Thụ qua đời, tôi không khỏi ngao ngán”.
Hay: “Vợ tôi thoát nạn nhà quê rồi, tiểu thư thôi không nằm phản mồ hôi nhễ nhại như đêm qua! Sướng nhé!”
Không giống như những nhà văn trên, hiện thực trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu được nhìn từ chỗ đứng thể hiện niềm tự hào của những người dân quê. Tự hào vì trong “bức tranh” hiện thực ấy là những giá trị văn hóa bao đời của cha ông. Với Nguyễn Ngọc Tư làng quê nông thôn tuy nghèo khó nhưng rất thân tình và ấm áp. Trong lời đề từ cho truyện ngắn Nhớ sông, Nguyễn Ngọc Tư tái hiện cảnh sinh hoạt của chợ nổi - một nét văn hóa rất đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất hay như sau:
“Tôi thường đứng trên cầu Gành Hào, nhìn về chợ nổi, ở đó có thể trông thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sóng, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời. Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa xoay lưng, để nằm co, để cúi người…mà cũng dài cũng rộng vô phương bởi cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh. Những chiều tà chợ nổi đìu hiu bập bềnh đâu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu chăm chăm xới nồi cơm dào dạt khói, những người đàn ông xếp bằng trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi soi mình xuống sông, chải tóc.”
Còn đây là nét sinh hoạt chuẩn bị cho một đám cưới quê cũng rất đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long:
“Vẫn còn tiếng lụp cụp rộn ràng của mấy cây dao chặt vào mặt thớt mù u. Vẫn tiếng nói cười xao động từng chòm nhóm của các chị các dì trong nhà bếp. Tiếng máy đèn chạy tạch rè. Đằng trước rạp, nhóm ca cải lương dạo đàn lửng ta lửng tửng rồi ai đó vô câu vọng cổ ngọt xớt. Không biết vô tình hay cố ý, anh chàng nọ kê micrô gần miệng mà uống rượu nghe đánh cái chóc giòn thiệt giòn rồi khà ra tuồng như cay đắng lắm, chua xót lắm, bắt thèm. (Huệ lấy chồng)
Hay trong truyện ngắn Nhà cổ, Nguyễn Ngọc Tư nói rất chân thành và xúc động về nguyên nhân hai anh em nhân vật Tứ Hải không chịu bán căn nhà cổ xiêu quẹo, mục nát:
“Nhân Phủ” của anh cách nhà tôi một hàng rào cặm bằng cây bình bát, đó là ngôi nhà cũ kỹ, già nua nhất làng cổ Phương Điền. Nghe kể, ông tổ nhà anh Tứ Hải đã đứng dưới cây dông nem trước nhà, bảo tốp thợ ông muốn làm một ngôi nhà đẹp nhất, rộng nhất xứ này, một ngôi nhà thật lớn cho tất cả con cháu ông khi sinh ra đều có chỗ cho mình. Ròng rã hơn ba mươi năm, những người thợ xứ Quãng đã làm nên một kiệt tác nhà rường Nam bộ nghiêm cẩn, công phu chạm trổ từng chi tiết nhỏ, từ cây cột cái tới ngạch cửa, từ cánh cửa tới mấy cái bậc tam cấp lối vào… Nghe kể, khi làm “Nhân Phủ”, người ta đã cúng đủ mười lễ, nên nó điềm nhiên đi qua hai cuộc chiến tranh mà không có một vết tích nào”.
Tương tự vậy, trong truyện Một mối tình, người đọc cũng bắt gặp một không gian kỉ niệm mang đậm chất văn hóa truyền thống của cha ông. Nhân vật Trọng trong truyện - một thanh niên còn trẻ nhưng rất có ý thức trong việc nâng niu, gìn giữ nếp văn hóa bao đời của gia đình mình qua bao thế hệ:
“Nhà Trọng có một cái lạ nữa là trên bàn thờ lúc nào cũng chong đèn, ngày tháng này qua ngày tháng khác, năm này qua năm khác, ngọn đèn truyền từ đời cố Trọng, nội rồi tới Trọng, không bao giờ được phép tắt. Chiều nào chị em tôi đi ngang qua cũng thấy Trọng lọ mọ ngồi lau cái bóng đèn hột vịt ám khói, châm dầu bằng cái vẻ thành kính, nâng niu.”
Những vấn đề trên một lần nữa cho thấy tác giả là một người am tường và gắn bó sâu đậm với những giá trị văn hóa của cha ông. Trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nhà văn với tuổi đời còn khá trẻ như Nguyễn Ngọc Tư nhưng biết, hiểu và quan tâm đến “cái bóng đèn hột vịt ám khói” – có thể nói là một kỷ niệm, một kỷ vật chứng nhân cho một thời, một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc - là rất đáng trân trọng. Phải là người gắn bó sâu nặng và có ý thức giữ gìnnhững giá trị truyền thống của cha ông mới có thể viết hay và thiết tha như vậy.
Tóm lại, có thể nói, từ những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư cho thấy ở chị một điểm nhìn, một cái nhìn, một cách tiếp cận hiện thực đời sống thể hiện sự hiểu biết khá sâu sắc về văn hóa và con người Nam bộ. Tất cả những vấn đề trên cho thấy ở Nguyễn Ngọc Tư cái tâm thế luôn tìm về với những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của cha ông. Đây phải chăng cũng là quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư – quan niệm: khẳng định vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống con người không thể tách rời tâm thức và cội nguồn văn hóa dân tộc; là cách Nguyễn Ngọc Tư tiếp cận hiện thực đời sống xã hội - một sự kế thừa và tiếp nối về một khuynh hướng tiếp cận hiện thực từ góc nhìn văn hóa trong sáng tạo văn chương nghệ thuật từ các thế hệ cha ông?

3. Thay lời kết

Có thể nói, việc tái hiện đồng thời khẳng định những giá trị văn hóa của cha ông vào trong tác phẩm là một việc làm có chủ ý của Nguyễn Ngọc Tư trong quá trình phản ánh hiện thực cuộc sống. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển tải được những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông đến với người đọc bằng một sự cảm nhận rất “đời thường”. Đây có thể xem là khuynh hướng thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư - khuynh hướng thổi vào tác phẩm những phẩm chất và giá trị văn hóa của dân tộc, của quê hương (cụ thể ở đây là những nét đẹp văn hóa nơi vùng đất cực Nam của tổ quốc). Điều này cũng góp phần lý giải vì sao sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư nói chung luôn được đông đảo bạn đọc ủng hộ; được các nghệ sĩ, sân khấu và điện ảnh tìm đến với một sự đồng cảm sâu sắc với mong muốn được chuyển tải lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng họ (các tác phẩm Cánh đồng bất tận, Dòng nhớ, Chiều vắng… của Nguyễn Ngọc Tư được các nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh mua bản quyền chuyển thành kịch bản sân khấu và kịch bản điện ảnh). Thành công của Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa cho thấy bản lĩnh của Nguyễn Ngọc Tư khi đã dũng cảm chọn cho mình một hướng đi riêng đó là: không “chạy theo đám đông”, không chạy theo xu hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cả trong cách nghĩ và cách sống (nhiều khi rất tầm thường và “lệch chuẩn”) mà khá nhiều nhà văn trẻ hiện nay đang xem là “mốt” thời thượng khi sáng tác. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vì thế, thoạt nhìn bề ngoài có gì đó rất “xù xì”, “thô mộc” nhưng khi ngắm kĩ, nhìn kĩ lại thì lại sẽ thấy rất thùy mỵ, rất dịu dàng và “nết na” phản ánh đúng cái chất truyền thống - cái tâm hồn Việt Nam nghìn đời. Đọc Nguyễn Ngọc Tư vì vậy, nếu là người đang sống trên mảnh đất này sẽ cảm thấy rất tự hào vì quê hương Nam bộ khi đi vào trang viết của Nguyễn Ngọc Tư sao mà đáng yêu, đáng quý đến thế. Nếu là người có một thời sống ở mảnh đất này nhưng vì cuộc sống phải tha hương cầu thực thì những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ cho họ thêm niềm tự hào mà còn gợi lên trong lòng một cảm giác cồn cào nhớ quê đến quay quắt cháy bỏng, thầm mong một ngày nào đó được trở về. Còn nếu là người chưa một lần đặt chân đến đây, những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư chính là lời giới thiệu giúp họ hiểu thêm về con người và vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước rất đáng yêu và đáng tự hào của tổ quốc.

_________________________________________


MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Nguyễn Văn Hạnh - Văn hóa như là nguồn lạch sáng tạo và khám phá văn chương. Tạp chí văn học, số 1, năm 2007
2. Hoàng Ngọc Hiến - Văn học gần và xa. Nhà xuất bản Giáo dục, 2006
3. Nguyễn Đăng Mạnh - Nhà văn tư tưởng và phong cách. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2001
4. Sơn Nam - Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn. Nhà xuất bản Trẻ, 2004
5. Lê Ngọc Trà - Lý luận và văn học. Nhà xuất bản Trẻ, 2005
6. Website http://www.viet-studies.info/NNTu/ (chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lý).
_________________________________________________

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Nhà văn Việt kiều - sự trở về và hội nhập

TƯỜNG VY

Hiện nay, ước tính có khoảng hơn 3 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Riêng việc trở về của các nhà văn Việt kiều đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Một thời bế tắc

Bế tắc” đó là từ nhận xét chung nhất về sáng tác văn chương của những nhà văn Việt kiều suốt một thời gian từ cuối năm 1990 cho đến tận gần đây. Sự bế tắc tồn tại ở hầu như mọi góc cạnh của quá trình sáng tác, từ nội dung đến điều kiện sống.
Về nội dung, sau phong trào sáng tác theo kiểu “kể lại” của những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giới sáng tác chuyển qua “tự sự” về những khó khăn của cuộc sống mới nơi đất khách quê người… Thế nhưng, những đề tài kiểu như thế mất dần đi bạn đọc.
Nhà văn Lệ Hằng tại Úc cảm thán: “Số lượng người đọc văn chương tiếng Việt ngày càng ít đi. Các em lớn lên thì đọc tiếng Anh. Còn người lớn tuổi thì đâu có thời giờ đọc nhiều”.

Không những thế, các sáng tác cũng không còn bắt kịp biến đổi của các thế hệ người Việt trẻ ở hải ngoại. Nếu thế hệ trước gặp phải mâu thuẫn nặng nề khi rời xa quê hương, va chạm một nền văn hóa với những phong tục tập quán khác lạ, sự hòa đồng ở vùng đất mới gặp khó khăn, thì nay giới trẻ ngược lại, khi quay về quê hương lại trở thành người khách xa lạ với ngôn ngữ, phong cách giao tiếp nhiều khác biệt.

Về điều kiện sáng tác, nhiều người hay lầm tưởng rằng nhà văn Việt kiều có hoàn cảnh sáng tác hơn các nhà văn trong nước nhất là điều kiện vật chất. Tuy nhiên thực tế ngược lại, một nhà văn hải ngoại cho biết: “Viết lách ở hải ngoại không được xem là một nghề vì nó chẳng mang lại chút lợi tức nào, viết chỉ được xem là một trò giải trí phi lợi nhuận”.
Chính vì thế, để sống, các nhà văn phải làm rất nhiều nghề khác mà phần lớn đều cách xa nghiệp văn như bác sĩ, kỹ sư, kinh doanh, bảo hiểm, du lịch… Và cuối cùng, họ chỉ có thể viết vào những lúc rảnh rỗi nhất, viết để thỏa mãn nhu cầu viết chứ không quan tâm hay không thể quan tâm đến nhu cầu của bạn đọc. Kết quả các sáng tác của các nhà văn này ngày càng xa rời bạn đọc, lặng lẽ chìm trong dòng chảy cuộc sống của kiều bào.

Khơi dòng

Mở cửa hội nhập quốc tế của đất nước đã khơi cho các sáng tác văn học hải ngoại một dòng chảy mới. Các sáng tác bây giờ có đề tài phong phú với lượng bạn đọc lớn và đa dạng trong nước.
Các nhà văn Việt kiều nô nức giới thiệu những tác phẩm của mình đến với bạn đọc quê hương. Có thể kể như: Nguyễn Mộng Giác với Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Văn Thọ có Vàng xưa, Quyên, Đào ở xứ người…
Nổi bật nhất hiện nay là nhà văn Việt kiều Pháp Linda Lê với hai tác phẩm mới được xuất bản trong nước là Vu khống và Lại chơi với lửa. Linda Lê là một trong những nhà văn gốc Việt nổi tiếng nhất hiện nay tại Pháp với rất nhiều giải thưởng văn chương như giải thưởng Tài năng (năm 1990), giải Văn chương sáng tạo (năm 1993), giải Fénéon (năm 1997).
Năm 2007, tác phẩm Hồi tưởng của chị nhận được giải Prix Femina và cả giải nhất của giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng. Không chỉ xuất bản trong nước, Linda Lê còn vừa có chương trình giao lưu với bạn đọc Hà Nội, TPHCM về những vấn đề của sáng tác văn học hiện đại.

Một thời, người ta nhìn văn học hải ngoại với ánh mắt cảnh giác khi ở đó xuất hiện không ít những tác phẩm quái thai mạo nhận văn chương để chống phá Tổ quốc. Nhưng những thứ quái thai đó đã nhanh chóng bị đào thải khỏi đời sống văn hóa hải ngoại. Văn học hải ngoại đang dần hiện ra với những trang văn thơ day dứt nỗi nhớ quê cha đất tổ, nỗi đau xa xứ, ly hương, những vấn đề của cuộc sống người xa xứ…

Thực tế, với việc mở rộng vòng tay đón nhận những đứa con xa quê, văn học trong nước đang trông chờ các nhà văn xa quê hương đóng góp làm giàu thêm cho kho tàng văn học Việt Nam.

_________________________________________________

'Cánh đồng bất tận' khiến khán giả rơi lệ

Nguyên Minh

Tài tử Hong Kong Ngô Ngạn Tổ, đạo diễn Phillip Noyce cùng dàn sao Việt và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã dự lễ ra mắt bộ phim 'Cánh đồng bất tận' diễn ra tại Platinum Cineplex hôm qua (20/10).

Là một hoạt động trong khuôn khổ LHP Quốc tế VN lần thứ I, lễ ra mắt Cánh đồng bất tận đã thu hút đông đảo các ngôi sao trong và ngoài nước. Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Thanh, Tăng Thanh Hà, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang, NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSND Như Quỳnh, Minh Quân và nhiều ngôi sao trẻ khác đã không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức bộ phim nghệ thuật đình đám nhất của điện ảnh VN trong mùa thu năm nay.
Đạo diễn Phillip Noyce đang rất bận rộn chấm phim tranh giải nhưng vẫn cùng vợ tham dự buổi công chiếu bộ phim mới nhất của Đỗ Thị Hải Yến - người từng thủ vai Phượng trong tác phẩm Người Mỹ trầm lặng của ông một thập kỷ trước. Ngô Ngạn Tổ cũng không bỏ lỡ tác phẩm mới nhất của người bạn Dustin Nguyễn. Anh tới xem phim cùng ba người bạn.
Do phải chuẩn bị cho đêm bế mạc LHP Quốc tế VN lần thứ I diễn ra vào tối nay nên đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã không kịp tới rạp Platinum Cineplex để nói lời ngỏ với khán giả trước khi phim được chiếu. Nam diễn viên Dustin Nguyễn và Ngô Bích Hạnh - nhà sản xuất phim Cánh đồng bất tận, phó giám đốc công ty BHD và cũng là vợ của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình - đã thay anh dẫn dắt khán giả bước vào "những hành trình bất tận" trong suốt 120 phút. Chị Bích Hạnh đã khóc khi chồng không thể tới tham dự buổi công chiếu bộ phim mà anh đã dành tâm huyết bao năm qua.
Tuy nhiên, ngay sau khi phim kết thúc cùng những tràng pháo tay không dứt, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã xuất hiện cùng êkíp làm phim để giao lưu với khán giả. Nhiều người đã rơi lệ và cất tiếng khóc nghẹn ngào khi phim kết thúc. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng không kìm được nước mắt và xúc động phát biểu rằng, phim đã truyển tải được những ý nghĩa, nội dung thể hiện trong tác phẩm văn học của chị.
Sự xuất hiện của hai diễn viên trẻ thủ vai hai chị em Điền và Nương trong phim - Lan Ngọc và Thanh Hòa - được khán giả cổ vũ nồng nhiệt với những trào pháo tay giòn giã. Được đánh giá là khá độc lập so với tác phẩm văn học nguyên gốc, Cánh đồng bất tận để lại trong lòng người xem những xúc cảm, dư vị rất riêng.
NSND Như Quỳnh cảm nhận sau khi xem xong bộ phim: "Khi xem phim, tôi thấy câu chuyện trong tác phẩm văn học được tô đậm lên và rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn thông qua hình ảnh. Đạo diễn và êkip làm phim đã thực sự hết lòng với câu chuyện này để phần nào truyền tải được nội dung của Cánh đồng bất tận. Truyện và phim là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Một số thay đổi về mặt nội dung so với nguyên tác có thể coi là sự sáng tạo, phóng tác của người đạo diễn, biên kịch".
Nam diễn viên chính Dustin Nguyễn cho biết anh đã xem phim ba lần nhưng đây là lần đầu tiên thưởng thức cùng khán giả VN. Dustin tâm sự rằng anh rất khó có thể diễn tả được cảm xúc của mình vì mỗi lần coi là một lần ám ảnh. Anh cũng chia sẻ về những kỷ niệm trong 3 tháng quay phim với 80% bối cảnh là ở trên sông nước. Dustin Nguyễn còn bày tỏ sự tò mò không biết phản ứng của khán giả VN với Cánh đồng bất tận sẽ thế nào. "Đây không phải là một bộ phim quá khó hiểu. Nó gần gũi với khán giả nhưng có phẩm chất của một phim nghệ thuật" - anh cho biết.
Năm nay là một năm thành công vang dội trong sự nghiệp của Dustin Nguyễn. Đầu mùa hè, bộ phim tình cảm hài Để Mai tính do anh sản xuất kiêm diễn viên chính đã giành được nhiều tình cảm từ đông đảo khán giả VN. Tới mùa thu, Cánh đồng bất tận do anh thủ vai nam chính tiếp tục chinh phục người xem. "Tôi cảm thấy hài lòng vì trong năm nay có cơ hội khai thác hai bộ phim hoàn toàn khác nhau" - Dustin tâm sự.
Khi được hỏi về những cảnh nóng với Hải Yến trong phim, Dustin cho biết, so với những bộ phim khác thì Cánh đồng bất tận không có nhiều cảnh nóng. Anh cũng không muốn dùng cảnh nóng để lôi cuốn khán giả mà chỉ để khai thác tâm lý của hai nhân vật.
Diễn viên trẻ Lan Ngọc (vai Nương) thì tỏ ra rất hồi hộp và run vì vai diễn trên màn ảnh đã vượt ngoài sức tưởng tượng của cô. Đây là bộ phim đầu tay của Lan Ngọc. Kỷ niệm mà cô bé nhớ nhất khi tham gia là vào dịp Giáng sinh. "Cả đoàn cùng tổ chức Giáng sinh trên miền sông nước. Mọi người cùng nhau làm cây thông, không có thì lấy thân cây to rồi trang trí lên mọi thứ, từ lon nước ngọt cho tới bông gòn... Đó thực sự là kỷ niệm rất đáng nhớ của tôi khi tham gia Cánh đồng bất tận".
Trương Gia Huy không thể tham dự buổi ra mắt Cánh đồng bất tận vì anh còn bận gặp gỡ, giao lưu với khán giả xem bộ phim mới nhất The Stool Pigeon của mình cũng diễn ra tại Platinum Cineplex tối 20/10. Tuy nhiên, ngay sau đó, anh đã xuất hiện trong bữa tiệc chiêu đãi của đoàn phim và cùng trò chuyện với Ngô Ngạn Tổ về những ngày tham dự LHP tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên hai tài tử Hong Kong gặp nhau tại VN vì từ lúc sang đây, lịch trình của họ rất bận rộn.
Nhiều khán giả khác nhận xét, Cánh đồng bất tận phiên bản điện ảnh đỡ bi kịch hơn trong tác phẩm văn học nguyên gốc. Từng khuôn hình đẹp cứ dẫn dắt khán giả bước vào một cuộc hành trình của cảm xúc. Phim có vài chi tiết thay đổi so với truyện, nhưng điều đó lại giúp cho nó đứng độc lập hơn mà vẫn giữ được cái "hồn" của nguyên gốc văn học.

_____________________________________________________

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Chưởng Kim Dung thế chỗ Lỗ Tấn trong SGK

Nội dung sách giáo khoa Trung Quốc từng là mối quan tâm của dự luận trong nhiều năm. Hơn 7 thập kỷ sau sự ra đi của Lỗ Tấn, đang có những cuộc thảo luận nóng xung quanh việc loại bỏ những tác phẩm của ông ra khỏi sách giáo khoa văn học bậc phổ thông ở Trung Quốc.

AQ chính truyện, Thuốc, Tưởng nhớ Lưu Hòa Trân... là những áng văn đã lưu lại trong tôi, cũng như các thế hệ sau dấu ấn sâu đậm, bây giờ đã không còn nữa rồi”, một blogger viết trên diễn đàn của báo Global Times.

Một người dùng có tên là ‘đảo nhỏ’ thì viết: “Những tác phẩm của Lỗ Tấn là thứ cần được đọc đối với tôi. Bởi vì ông viết không chỉ cho thời đại của ông mà còn cho cả thời đại của chúng ta. Một số nhận xét của ông vẫn còn đúng với chúng ta ngày nay".
Bỏ "AQ chính truyện", thay bằng "Tuyết sơn phi hổ"

Năm 2009, khi một số trường trung học ở thủ đô Bắc Kinh thay "AQ chính truyện" của Lỗ Tấn bằng tiểu thuyết võ hiệp "Tuyết sơn phi hồ" của Kim Dung, dư luận giận dữ. Nhiều người cho rằng truyện của Kim Dung mang tính giải trí không thể so với giá trị giáo dục và nhân văn trong AQ chính truyện.

Tháng 9 năm nay, thông tin loại bỏ nhiều tác phẩm của Lỗ Tấn khỏi sách giáo khoa ở nhiều địa phương lập tức gặp phải phản ứng gay gắt từ công chúng. Nhiều học giả và cộng đồng mạng gọi đây là một “thảm kịch”.
(Theo Thanh Niên)

Tuy nhiên, cũng có cư dân khác bình luận: “Đôi khi, những tác phẩm của Lỗ Tấn quá cay nghiệt và không phù hợp với trẻ nhỏ. Nhìn chung, chủ đề của xã hội hiện tại không phải là ‘chiến tranh giai cấp’. Cái đang thiếu là sự quan tâm và lòng khoan dung.

GS Ôn Nhuận Dân tới từ Khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc của ĐH Bắc Kinh, kiêm chủ biên bộ sách giáo khoa phổ thông Trung Quốc (do Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân phát hành) cho hay:
"Chúng tôi chỉ xóa bỏ 3 trong 5 tác phẩm trong phần đọc bắt buộc, nhưng lại thêm 1 tác phẩm trong phần đọc tự chọn. Đối với học sinh trung học phổ thông, những tác phẩm của Lỗ Tấn quá sâu để các em có thể hiểu".

Hiện nay, có 5 bộ sách giáo khoa khác nhau ở Trung Quốc.

Diêu Vi Châu, giáo viên tới từ trường trung học cơ sở Kim Tài, đồng thời là một trong những người biên soạn bộ sách giáo khoa hiện đang được sử dụng ở các trường phổ thông của Thượng Hải nói rằng, Lỗ Tấn là một nhà phê bình xã hội gay gắt, một nhà văn châm biếm và được coi là một trong những người sáng lập lên văn học Trung Quốc hiện đại. Ông có những tác phẩm điển hình nhất trong sách giáo khoa phổ thông Trung Quốc, ngay cả khi đã qua nhiều lần sửa đổi.

Theo phân tích của Diêu Vi Châu, trong nhiều năm sau khi thành lập nhà nước vào năm 1949, sách giáo khoa Trung Quốc được sử dụng để đưa ra những tư tưởng cách mạng của các nhà lãnh đạo.

Chủ tịch Mao Trạch Đông ủng hộ những tác phẩm của Lỗ Tấn. Vì thế, những tác phẩm của ông xuất hiện thường xuyên trong loại sách này.

"Song, ngày nay, khi xã hội trở nên đa dạng hơn, chúng ta có nhiều sự lựa chọn. Ngôn ngữ học không chỉ là mục tiêu để truyền đạt những tư tưởng cách mạng. Đó là lý do tại sao, chúng tôi quyết định bỏ đi một số tác phẩm của Lỗ Tấn – những tác phẩm có thể không liên quan gì đến xã hội hiện đại" - ông nói.

Vui mừng vì việc cải cách trong giáo dục cơ bản được nhiều người quan tâm, GS Ôn Nhuận Dân cho biết thêm:
"Đối với nhiều cư dân mạng ở độ tuổi 25 - 35, những tác phẩm của Lỗ Tấn là những gì mà họ được đọc khi là học sinh phổ thông. Vì thế, Lỗ Tấn – như một biểu tượng của văn hóa – đã trở thành một phần trong những trải nghiệm của họ. Việc phản ứng mạnh mẽ khi nghe tin này là điều dễ hiểu".

Nguyễn Thảo (Theo Global Times)
________________________________________

Có cần tác phẩm lớn?

Hoài Nam


Người đọc ngày hôm nay không chắc đã thông minh giỏi giang hơn người đọc ngày hôm qua, nhưng họ khác, bối cảnh xã hội cũng vậy, và đó chính là lý do cho sự “xuống giá” (nếu có) của các tác phẩm lớn được viết trong quá khứ.

Lâu nay, một cách khá thường xuyên, vẫn nghe thấy trong giới văn học của chúng ta những lời phàn nàn, những tiếng cảm thán nỗi văn đàn Việt Nam đương đại thiếu vắng các tác phẩm lớn. (Khi không thích, không mặn mà với khái niệm “tác phẩm lớn”, người ta có thể thay thế nó bằng vài ba khái niệm khác, như “tác phẩm đỉnh cao” hoặc “tác phẩm ngang tầm thời đại”). Trước thềm Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, dù không chắc đã ngây thơ đến mức đặt toàn bộ gánh nặng trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của cả nền văn học trên vai hội, nhưng với nhu cầu “tính sổ” một thời đoạn văn chương (5 năm), giọng thống thiết về nỗi thiếu vắng tác phẩm lớn lại trỗi lên hơn nữa trên các diễn đàn báo chí. Bỏ qua các ý kiến bàn bạc, tranh luận - có lẽ không bao giờ đến hồi kết - trước những vấn đề: “Tác phẩm lớn” là gì? Tác phẩm văn học cần phải lớn đến đâu mới được gọi là “tác phẩm lớn”? Phải đạt tới giá trị như thế nào mới đáng được coi là “tác phẩm đỉnh cao”? Phải phản ánh thời đại ở quy mô ra sao thì được dán cái mác “tác phẩm ngang tầm thời đại”? (Và, đến đây lại thêm một câu hỏi nữa nảy sinh: tầm thời đại là tầm như thế nào đây?) v.v... Vâng, bỏ qua những nỗ lực nhận thức - xét ra cũng rất “chính đáng” - ấy, người viết bài này muốn được “mạo hiểm” với một câu hỏi khác: thật ra thì nền văn học đương đại của chúng ta, và chính chúng ta, những người đọc của thời hiện tại, có cần tác phẩm lớn đến mức như vậy hay không?
Phải dùng chữ “mạo hiểm” ở đây là bởi, hoàn toàn có thể, người đặt ra vấn đề cắc cớ như vậy rất dễ bị trách cứ là kẻ ủng hộ cho một nền văn học chỉ toàn những tác phẩm làng nhàng. Tác phẩm lớn ư? Chúng ta luôn luôn cần đến nó. Bất cứ nền văn học dân tộc nào ở bất cứ giai đoạn nào cũng cần đến nó. Xét cho cùng, nếu người ta sẵn sàng bỏ qua một giai đoạn nào đó của lịch sử vì nó không có sự xuất hiện của các cá nhân kiệt xuất, vì nó chỉ là lịch sử được tạo nên bởi số đông vô danh, thì cũng vậy, người ta sẽ sẵn sàng không tính đếm đến sự tồn tại của một giai đoạn văn học nào đó vì nó không có những tác phẩm lớn. Tác phẩm lớn, đó là ngọn núi giữa bình nguyên, là cây đại thụ giữa rậm rịt những mớ thực vật dây leo, là ánh sáng huy hoàng lóe lên lúc trời đang chiều nhập nhoạng. Tóm lại, nó là một “cái gì đó” đầy khiêu khích và mang tính áp chế. Nó đập vào mắt người quan sát, bắt họ phải chú mục, thúc giục họ phải mở rộng trường nhìn hơn nữa để thấy được tầm vóc và vẻ đẹp của nó trong khung khổ không gian của nó. Hiểu theo hướng này, tác phẩm lớn vừa là niềm vinh dự to lớn vừa là sự cứu vãn tuyệt vời cho một giai đoạn, thậm chí cho cả một nền văn học. Chúng ta vị tất đã phải nói đến thi ca Trung Quốc thời Đường một cách đầy ngưỡng mộ nếu ở đó không có thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy. Chúng ta vị tất đã phải thán phục và vô cùng yêu mến văn học Pháp thế kỷ XIX nếu ở đó không có những vần thơ “khuấy bão tố từ dưới đáy bình mực” của V. Hugo, không có công trình tiểu thuyết kỳ vĩ mang tên Hài kịch nhân gian của H. Balzac. Văn học cổ điển Đức sẽ là gì nếu thiếu đi Faust của Goethe và một loạt kịch phẩm xuất sắc của Schiller? Và “thời đại vàng” của nền văn học Bạch Nga, liệu nó có được vẻ tráng lệ đến thế nếu không có những tác phẩm của L. Tolstoy, F. Dostoyevsky, N. Gogol, I. Turgheniev trong gia tài của mình? Gần gặn hơn nữa, ta nói tới văn học Việt Nam thời kỳ trung đại: hãy thử hình dung sẽ ra sao nếu các tác phẩm của Nguyễn Trãi, thơ Nôm của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, thơ chữ Hán và Truyện Kiều của Nguyễn Du bỗng dưng như chưa bao giờ xuất hiện? v.v và v.v... Những ví dụ kể trên có thể và cần phải được liệt kê ra gấp nhiều lần hơn thế mới mong đạt tới sự đầy đủ tương đối về các tác phẩm lớn và vị thế của chúng trong lịch sử của nền văn học các dân tộc. Và nếu là như vậy, hà cớ gì lại đặt vấn đề thắc mắc về sự cần thiết của tác phẩm lớn trong văn học hôm nay?
Câu trả lời, với người viết bài này, một phần nằm ở “gánh nặng” của tác phẩm lớn mà người đọc ngày hôm nay đang phải “chịu đựng”! Phải sống tới vài cuộc đời và phải đọc một cách thật chăm chỉ thì một người đọc “có văn hóa về văn học” mới có thể “ngốn” hết các tác phẩm lớn mà lịch sử văn chương của cái nhân loại già nua này đã sản sinh. Đó là việc làm bất khả. (Cứ nói rằng thế giới bây giờ đã trở thành một cái làng, nhưng cộng đồng cư dân ở góc này của làng đâu phải đã biết cộng đồng cư dân ở góc kia viết lách những gì. Với người Việt Nam, sự hiểu biết của chúng ta về văn học của thế giới Arab hoặc văn học của Lục địa Đen chẳng hạn, là rất không đáng kể, nhưng ai dám quả quyết rằng ở đó không có những tác phẩm lớn?) Những người có quyết tâm hành xác với việc đọc ở mức cao nhất cũng chỉ thực hiện được yêu cầu đó trong muôn một. Vậy mà, hãy thử hình dung xem sự thể sẽ thế nào nếu kể từ đây, một năm qua đi, một thập kỷ qua đi, một thế kỷ qua đi, các tác phẩm văn học lớn cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở (ơn Chúa, nếu trong số đó có những tác phẩm của văn học Việt Nam hôm nay)? Hẳn là người đọc của một ngày mai nào đó sẽ phải ngộp thở trước sự vây bủa của các tác phẩm lớn. Hẳn là anh ta sẽ sớm phải kiệt sức trên con đường chiếm lĩnh các tác phẩm lớn nếu anh ta muốn được yên tâm rằng mình là một người đọc có văn hóa về văn học!
Mặt khác, phải chăng khi đã được công nhận là tác phẩm lớn rồi, một cách nhất thành bất biến, tác phẩm văn học “cứ mãi lớn”, mặc xác tất cả, như kim cương bất hoại? Cần phải thận trọng với điều này. Ngay trong nền văn học của chúng ta chẳng hiếm những ví dụ về các tác phẩm từng được suy tôn là lớn, nhưng chỉ vài ba chục năm sau, khi nói về phẩm tính “lớn” của chúng, người ta phải nói với ít nhiều sự châm chước, thậm chí pha cả thái độ chế giễu. Văn học thế giới cũng vậy. Hài kịch nhân gian của H. Balzac vĩ đại là thế, nhưng đối với ông trùm của Tiểu thuyết Mới Alain Robbe Grillet, thì những sáng tạo nghệ thuật của Balzac ở bộ tiểu thuyết đó như “cốt truyện”, “nhân vật” v.v... chỉ đáng để dán cho cái nhãn “những khái niệm đã lỗi thời”. Mới đây thôi, vnexpress đã đăng bài viết của một nhà phê bình văn học người Anh, kể tên 10 kiệt tác văn học mà người đọc của thế kỷ XXI không cần phải biết đến - trong số đó có Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy và Đi tìm thời gian đã mất của M. Proust - với lý do là chúng dài dòng, thậm thượt, thừa thãi những miêu tả, những phân tích “không biết để làm gì”. Những phán đoán như vậy đúng hay sai? Tạm gác việc trả lời câu hỏi này sang một bên, ít nhất, điều mà chúng ta dễ đồng thuận với nhau là tác phẩm dù lớn đến đâu chăng nữa cũng chỉ đạt tới giá trị cao nhất trong một khoảng thời gian nào đó, với những yêu cầu xã hội và nhu cầu thẩm mỹ nhất định. Người đọc ngày hôm nay không chắc đã thông minh giỏi giang hơn người đọc ngày hôm qua, nhưng họ khác, bối cảnh xã hội cũng vậy, và đó chính là lý do cho sự “xuống giá” (nếu có) của các tác phẩm lớn được viết trong quá khứ. Do vậy, nếu người viết của ngày hôm nay cứ nhăm nhăm đặt cho mình cái cao vọng phải viết cho được tác phẩm lớn - mà yếu tính của nó là siêu việt thời gian - thì xét cho cùng, cũng là “chẳng biết để làm gì”. Một nhà văn có lần tâm sự rằng, người đọc của 100 năm sau sẽ có lớp tác giả của riêng họ, những nhà văn của hôm nay chẳng việc gì phải lo cho người đọc 100 năm sau không có tác phẩm hay để đọc, anh hãy viết và hãy chinh phục những người đọc hôm nay bằng cái viết của mình, thế thôi. Tôi chia sẻ với cách nghĩ (có vẻ thực dụng) này, và xin được thêm vào một suy nghĩ cá nhân: sứ mệnh của người cầm bút là khai thác đến tận độ năng lực sáng tạo trong bản thân mình, đi đến chót cùng xác tín nghệ thuật của mình, chứ không phải là sự lo lắng tác phẩm rồi đây sẽ lớn hay không lớn, sẽ sống muôn đời hay chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Hy sinh cái ngày hôm nay rõ ràng, đo đếm được, cho một cái ngày mai mơ hồ và những độc giả còn chưa được biết đến, đôi khi chỉ đơn giản là cách che giấu cho sự thiếu thốn tài năng!
Bớt đi sự sốt sắng về nỗi tác phẩm đỉnh cao trong văn học hôm nay còn có thể tránh cho chúng ta một vài điều không hay khác. Chuyện đầu tư tiền của để có các tác phẩm đỉnh cao chẳng hạn. Người ta đưa cho nhà văn vài ba chục triệu và tin tưởng rằng với số tiền ấy, nhà văn sẽ biết cách thu xếp những điều kiện tốt nhất cho công việc sáng tác của mình, và rồi từ đó, biết đâu, tác phẩm đỉnh cao sẽ ra đời. Thưa rằng, với vài ba chục triệu được “đầu tư”, nhà văn chắc chắn có thể tậu về cho gia đình một chiếc tivi LCD loại tốt hoặc cho phép mình có một đợt nghỉ dưỡng tại Vinpearl. Còn tác phẩm đỉnh cao, có đầu tư gấp trăm lần số tiền như thế cũng chẳng lấy gì làm chắc. Nói chung, tôi không phản đối việc người ta quan tâm lo lắng và muốn giúp cho cuộc sống của nhà văn bớt phần khó khăn bằng cách cho họ một khoản tiền kha khá nào đó. Nhưng hãy “gọi sự vật bằng tên của nó”, đưa tác phẩm đỉnh cao vào như một sự biện minh trong trường hợp này là việc hai lần không nên: nó vừa tạo ra những phấn khích không cần thiết đối với người cầm bút, vừa làm giảm giá bản thân khái niệm “tác phẩm đỉnh cao”.

____________________________________________

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Đình Liên - Đồng nghiệp và đồng liêu

Nguyễn Huy Thắng


Cha tôi - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - và nhà thơ Vũ Đình Liên là đồng nghiệp thì đã rõ. Hai ông cùng làm công việc sáng tạo văn chương. Chưa kể hai ông còn có chung một sở thích: Nhà thơ Vũ Đình Liên đặc biệt yêu thích thi sĩ Pháp Bô-đơ-le (Baudelaire); ông đã dành hầu như toàn bộ thời gian cuối đời dịch tập thơ Những bông hoa Ác của tác giả này. Niềm đam mê Bô-đơ-le của họ Vũ lớn đến độ ông được bạn bè gọi yêu là Bô-đơ-liên - điều này thì nhiều người đã biết.

Cha tôi cũng rất ngưỡng mộ Bô-đơ-le, không những thế, ông có lúc còn lấy thi sĩ tượng trưng này làm chuẩn đích cho mình: “Phải theo Baudelaire. Văn chương cần phải lãnh đạm như cẩm thạch” (nhật ký 15/1/1942) - điều này thì có thể nhiều người chưa biết.

Còn nói hai ông là đồng liêu thì là thế này. Năm 1940, khi ông Liên vào làm công chức ở Nha Thương chính, còn gọi là sở Đoan, Hà Nội, thì cha tôi đang làm ở phòng Tố tụng, cũng thuộc sở Đoan nhưng ở Hải Phòng.

Là một chân thư ký kiêm thông ngôn, ông chẳng lấy gì làm thích thú, lại thêm nỗi phải xa người vợ mới cưới ở Hà Nội, hẳn là ông ngao ngán lắm. Nhưng đến cuối năm 1943 thì cha tôi được chuyển về Hà Nội, cùng một sở với nhà thơ Vũ Đình Liên.

Gọi là cùng sở nhưng có lẽ hai ông ít có dịp gặp gỡ, nói chuyện với nhau, như nhà thơ sau này sẽ nhớ lại cái thuở mà ông gọi là “mặt gần mà cách tiếng”. Sở Đoan bấy giờ đóng ở một tòa nhà lớn bên sông Hồng, nay được dùng làm Bảo tàng Cách mạng.

Nhà thơ Vũ Đình Liên làm gì tôi không rõ, nhưng như trong nhật ký cha tôi có nói, ông là một cử nhân luật, nghĩa là có bằng cấp rất cao, chắc phải là người có vai vế trong sở. Còn cha tôi vẫn chỉ là một ông phán, cách thời ấy người ta gọi các nhân viên thư ký cho oai.

Hai ông tuy là cảnh viên chức “sáng vác ô đi tối vác về”, nhưng xem ra mỗi người còn theo đuổi một sự nghiệp, một lý tưởng riêng.

Nhà thơ Vũ Đình Liên ngay từ năm 1936 đã có bài thơ Ông đồ nổi tiếng, một dấu son của phong trào Thơ mới. Mặc dù viết ít, lại chưa in thành sách, nhưng các bài thơ đăng báo rải rác của tác giả Ông đồ đã lọt vào mắt xanh của nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, như một chứng chỉ sáng giá về một giọng thơ đặc sắc được tạo bởi hai nguồn cảm hứng chính là lòng thương người và tình hoài cổ.

Còn cha tôi, từ cuối những năm 39-40, bên cạnh sự nghiệp văn chương mà ông theo đuổi, bắt đầu tìm đến các hoạt động xã hội và cách mạng. Thông qua các hoạt động Truyền bá quốc ngữ và nhất là thông qua các tác phẩm đầu tay sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, chống ngoại xâm, ông đã được đoàn thể chú ý và tìm cách bắt mối.

Cuối năm 1943, cha tôi gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Mặc dù vẫn thiên về cuộc sống nội tâm, ông mở rộng quan hệ với nhiều người, trong đó có những người vừa là chỗ bạn bè, vừa là đồng chí, như các ông Nguyễn Hữu Đang, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Trần Huyền Trân, Như Phong...

Ở sở Đoan, cha tôi chỉ thân với ông Lưu Văn Lợi, người cùng làm một phòng Tố tụng với ông và còn có nhiều cái cùng khác nữa, như cùng tham gia Văn hóa cứu quốc thời kỳ đầu (sau này, ông Lợi làm Trưởng ban Biên giới của Chính phủ). Còn với nhà thơ Vũ Đình Liên thì không thấy ông nói gì trong nhật ký, về công việc ở sở cũng như hoạt động văn chương.

Nhưng một sự kiện đã khiến hai ông có việc với nhau. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Là người của đoàn thể, cha tôi đã được “trên” phổ biến khả năng này từ trước. Ngay từ chiều 9, ông bỏ sở đi “bát phố”, kỳ thực là đi tìm gặp Trần Ngọc Ban, tức đồng chí Trần Ngọc Hương (hay Mười Hương), người được trên giao phụ trách Văn hóa cứu quốc cùng với đồng chí Khuất Duy Tiến. Không gặp. Lại đến nhà Lưu Văn Lợi tìm. Cũng không gặp.

Nhưng đến tối, trước khi quân Nhật khởi sự thì cha tôi đã có mặt ở nhà ông Nguyễn Hữu Đang - một căn gác ở phố Hàng Quạt. Lúc Nhật nổ súng, bắn thần công vào thành, ông cùng các ông Nguyễn Hữu Đang, Như Phong yên tâm nằm trong nhà, thầm phục phán đoán của Đoàn thể, thế nào Nhật - Pháp cũng có phen tự diệt.

Chiến sự diễn ra đến chiều hôm sau thì ngưng, với thắng lợi của quân Nhật. Luôn mấy ngày ấy là những ngày vô cùng rối ren của Hà Nội. Cha tôi chỉ thỉnh thoảng mới đáo qua sở, thu sách vở, giấy tờ quan trọng rồi lại đi.

Qua các đồng chí, ông đã được xác định thái độ là chờ, thế nào Nhật cũng lập chính phủ bù nhìn của người Nam, nhưng rồi sẽ sử dụng người Pháp trở lại để tiện việc cai trị, điều hành bộ máy. Trong lúc chờ thời thì tranh thủ tuyên truyền quần chúng, đặc biệt là giới công chức, viên chức về Việt Minh...

Dựa hơi Nhật, đảng Đại Việt ló ra, ráo riết hoạt động. Không ít người ngây thơ, trong đó có cả công chức, sinh viên đã tin vào sự tuyên truyền của họ, rằng Nhật sẽ trao nền độc lập cho Việt Nam. Một phong trào được dấy lên trong các công sở, khích động các viên chức bài trừ người Pháp.

Chiều ngày 13/3, như nhật ký của cha tôi ghi lại, ở sở Thương chính có cuộc hội họp các công chức do ông cử nhân luật Vũ Đình Liên hiệu triệu. Cuộc họp không có chương trình nghị sự nên mạnh ai nấy nói. Trong những tiếng nhao nhao ấy, nổi lên mấy ý kiến đòi truất quyền chỉ huy của người Pháp và dùng tiếng Việt trong các công văn... Cha tôi muốn nhân cơ hội nói rõ tình thế cho anh em đồng sự mà không được. Thế rồi ông bị giao thảo bài hiệu triệu các công chức để lập một Đại hội nghị công chức Việt Nam...

Đến đây bắt đầu những bất đồng giữa cha tôi và ông Vũ Đình Liên. Ngày hôm sau, cha tôi làm biên bản về buổi hội họp đó. Nhưng ông đã không đưa vào văn bản những ý kiến yêu cầu bỏ người Pháp, v.v... và nói rõ điều này thực tế là không được, vì thế nào người Pháp cũng được Nhật cho về làm; nhưng khi cách mạng đã hoàn thành, thì việc tẩy trừ người Pháp là cố nhiên.

Ông Liên xem ra không bằng lòng, nhiều người quá phẫn khích lại càng phản đối. Nhưng đúng lúc đó, viên Phó giám đốc Nha thương chính người Tây (họ vẫn còn đó chứ đâu!) gọi ông vào đe nẹt. Y trách ông Liên có ý khinh miệt Tây và đe một khi Tây trở lại thì hãy biết chừng! Bấy giờ nhà thơ mới khen cha tôi là “kiến cơ”, không ghi những yêu cầu bài Pháp vào biên bản.

Ngày 18/3, Đại hội nghị công chức đã diễn ra tại khu Việt Nam học xá. Cha tôi không tham gia, vì “trên” đã có lệnh cho anh em văn hóa bất hợp tác. Có lẽ cái duy nhất hội nghị này đạt được, là một lời hứa xuông của viên Tổng tư lệnh Nhật, là sẽ đuổi người Pháp, và người Nam thì được dịp nói cho sướng miệng. Điều này đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với không ít người những ngày này.

Sáng hôm ấy, như nhật ký của cha tôi ghi lại, ông có gặp nhà học giả Trần Văn Giáp trên tàu điện, ông này cũng nói: “Bị áp chế bao nhiêu năm, nay được thế này, cứ nói cho sướng miệng, rồi chết thì cùng chết!”.

Sau cuộc Đại hội nghị, ông Vũ Đình Liên có thông báo lại kết quả cho mọi người, ông tỏ ra rất phấn khởi và giới công chức thảy đều hoan hỉ, thán phục. Niềm hi vọng rằng người Việt sẽ làm chủ, người Pháp sẽ bị đuổi còn kéo dài thêm được ít ngày nữa. Trong những ngày ấy, ông Liên luôn kiên trì vận động anh em quyết tâm bày tỏ thái độ về việc này.

Cho đến chiều ngày 22/3, vào lúc 4 giờ, đích thân Tổng lãnh sự Nhật có cuộc hội kiến với các viên chức người Nam. Mọi người chuẩn bị đón viên Tổng lãnh sự rất kỹ, thủ sẵn những lời hô lúc y đến, những mong tranh thủ thiện cảm của y. Đúng 4 giờ chiều, viên Tổng lãnh sự đến. Không buồn đón nhận những lời hô rời rạc của hai hàng viên chức người Nam đứng đón, y lên thẳng trên gác hội kiến với bọn Pháp.

Quyết định được đưa ra chóng vánh: “Người Nam vẫn phải làm với người Pháp như xưa. Người Pháp cũng là người làm công của Nhật. Còn những nguyện vọng của viên chức người Nam thì sẽ đệ lên quan trên vì ông ta [Tổng lãnh sự] không có quyền định đoạt vì sở này to”.
Tuyên bố xong, y về thẳng, không buồn hỏi người Nam lấy một câu, kể cả ông Vũ Đình Liên, Chủ tịch Ủy ban Thương chính. Ông Liên chỉ còn biết vớt vát với anh em, rằng hôm nay ta thất bại, nhưng thế nào ta cũng thắng (theo nhật ký cha tôi, ngày 22/3/1945)...

*
Tháng 6/ 1976. Một năm hơn sau ngày miền Nam được giải phóng, giang sơn thu về một mối. Đất nước đã hoàn toàn độc lập, không phải do người Nhật, người Pháp, người Mỹ nào trao cho, mà do chính người Nam mình giành lấy.

Với một người như nhà thơ Vũ Đình Liên, biết bao sự kiện ông đã trải: Cách mạng tháng Tám 1945, Toàn quốc kháng chiến 1946, những năm tham gia kháng Pháp ở khu III, hòa bình lập lại về giảng dạy ở Trường sư phạm, rồi lại tiếp đến những năm cả nước đánh Mỹ để đi đến ngày hôm nay… Nhà thơ lúc này đang ở làng Nhân Mục (tức làng Mọc), ông bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa. Người đồng nghiệp, đồng liêu Nguyễn Huy Tưởng chẳng có may mắn được sống thọ như ông.

Ông Tưởng đã đi xa từ mùa hè năm 1960, để lại bao nỗi tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp. Nhớ lại những bồng bột, ấu trĩ ngày nào, rồi những ngày lên Việt Bắc gặp ông Tưởng ở Tuyên Quang năm 1948, tuy chỉ thoáng qua thôi mà sao nhớ thế…

Tình cờ, ông lại đang giở một cuốn sách có bài của ông Tưởng. Bài ấy ông đã đọc rồi nhưng nay đọc lại, ông như thấy ông Tưởng hiện về rõ mồn một. Người ta vẫn nói, văn là người, thật chả sai. Tức cảnh, ông lấy giấy ghi nhanh những tứ thơ vừa chợt đến với ông:

Đọc lại một bài văn của Nguyễn Huy Tưởng

Tình cờ được đọc lại văn anh
Tính nết hình dung hiện rõ rành
Nhớ thủa mặt gần mà cách
Tiếc nay chung dạ, lại xa hình
Tuyên Quang thoáng bóng, khôn cầm dáng
Nhân Mục bình văn lại thắm tình
Đôi mắt Nam Cao, anh nhắc lại
Thêm thương thêm nhớ lúc tàn canh

Bài thơ làm xong rồi, ông lại ngồi lặng, chưa định sẽ làm gì tiếp theo. Đương nhiên, đây là một bài thơ nhớ bạn ông viết riêng cho mình, không có ý định công bố. Dẫu sao, tình cảm lai láng ấy ông vẫn muốn được chia sẻ với ai. Nhưng cũng phải hơn một năm sau, lúc đã chuyển về ở 156 Bà Triệu, ông mới có dịp thực hiện mong muốn này.

Bấy giờ cả gia đình chúng tôi ở số nhà 40 cùng phố với ông, cũng không xa gì lắm. Một ngày tháng Tám mùa thu cách mạng, bác Vũ Đình Liên đã ngồi chép lại nắn nót bài thơ, ghi rõ cả ngày làm (cuối tháng 6/1976) và ngày chép tặng (10/8/1977). Bác trân trọng đề: “Chép lại thân ái tặng chị Nguyễn Huy Tưởng - Vũ Đình Liên” rồi đem đến tặng mẹ tôi.

Thú thực, cho đến mãi sau này, tôi vẫn không thật rõ lắm mối quan hệ giữa nhà thơ Vũ Đình Liên và cha tôi thân thiết đến mức nào. Nhưng suy cho cùng, điều đó đâu có gì quan trọng. Cuối năm 1998, tôi được chuyển về Nhà xuất bản Kim Đồng làm biên tập, cơ quan lúc đó đóng ở 62 Bà Triệu.

Tết đầu tiên ở cơ quan mới, tôi có dịp chứng kiến cảnh ông Tú Sót ngồi viết câu đối ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo gần cơ quan. Ông Tú viết đẹp lắm, người mua chữ, xin chữ, người qua đường tò mò đứng lại xem khá đông. Một năm, hai năm, rồi nhiều năm qua đi. Theo chân cha tôi và bác Vũ Đình Liên, đến lượt nhà thơ Tú Sót cũng đã đi xa. Nhớ đến các ông, tôi xin phép được mượn câu thơ trong bài Ông đồ của Vũ Đình Liên để kết thúc bài viết này:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

_______________________________________________________