Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Bao giờ đi hết giấc mơ (tiếp theo và hết)

Truyện ngắn của VĂN THÀNH LÊ

Kể từ ngày kiêm chức tuyên truyền phát thanh viên của làng, lão Hạng sáng sáng chiều chiều cắp chiếc đài bán dẫn loẹt quẹt từ đầu làng tới cuối làng vừa đi vừa thông báo tình hình chính sự trong nước và quốc tế. Từ một tên chẳng biết mô tê gì, lão Hạng thành bộ não của làng. Mở miệng là chủ trương này, đường lối nọ, quan điểm ra sao, tư tưởng thế nào. Người làng, ai gặp lão cũng “Chú Hạng, thế giới hôm nay sao rồi?”. “Anh Hạng, hôm nay ta thắng ở đâu, lớn không?” Lão Hạng phát lại như cái đài, kinh nghiệm mấy lần báo cáo bắt phi công hồi nào như đắc dụng, nhiều đoạn lão cũng lên giọng xuống giọng như ai, phải cái giọng lão có cố chỉnh kiểu gì vẫn vậy, ồm ồm như ngỗng vào mùa đạp mái. Mặt lão lúc ấy như ở giữa chín tầng trời. Như kiểu lão đang ôm cả thế giới trong tay mình. Xong rồi, nếu là mấy mụ “vườn không nhà trống” kiểu gì lão Hạng cũng bả cái đét vào mông, xoa xoa khen miếng vải quần xa tanh hay vải gụ. Ai mà chửi, lão cứ hồn nhiên cười hềnh hệch, loẹt quẹt bước đi. Ai chửi khéo, đại loại như “Phải gió cái nhà ông này” rồi nguýt dài cái, thì tối ấy xem như lão Hạng biết mình phải ở đâu.

Chao ôi cái sự đời, rõ thật sướng khổ nó không chỉ chọn người mà còn chọn thời. Nó mò tới lúc nào có hay. Ngày xưa lão Hạng mới đụng vào tí mà cả làng cả tổng hắt hủi muốn thừa sống thiếu chết. Giờ thì lão Hạng như ông hoàng. Dẫu cà thọt vẫn là vàng. Vàng mười. Không rõ ràng, ra mặt, nhưng mấy ai không rải thảm đón lão, cung phụng lão. Có đêm lão Hạng làm tới vài cua. Lão hả hê như người đi ban ơn. Mấy người già thấy nghịch mắt lắm, báo cáo lên ban chủ nhiệm hợp tác xã. Rồi đưa ra hội nghị, kiểm điểm. Chị chủ nhiệm hợp tác xã nói, thế này không được, đồng chí Hạng thực hiện sai chủ trương đường lối hậu phương. Lão Hạng mặt cũng vờ nghệt ra, tôi biết, tôi hiểu, cương quyết nhận khuyết điểm, trừ vào điểm công, sẽ sửa sẽ sửa. Họp buổi chiều. Buổi tối lão Hạng đi vào nhà chủ nhiệm hợp tác xã, thổi đèn cái phù. Chồng chị chủ nhiệm đi chỉ huy ngoài chiến trường. Nhưng chỉ huy lính thôi. Chỉ huy chủ nhiệm lúc này có mỗi lão Hạng. Một thời gian nữa lại kiểm điểm, chị chủ nhiệm hợp tác xã lại nói, thế này là không được, đồng chí Hạng thực hiện sai chủ trương đường lối hậu phương. Lão Hạng mặt lại vờ nghệt ra, lại tôi biết, tôi hiểu, cương quyết nhận khuyết điểm, trừ điểm công, sẽ sửa sẽ sửa. Họp buổi chiều. Buổi tối lão Hạng lại đi vào nhà chủ nhiệm hợp tác xã, lại thổi đèn cái phù. Hôm nào kiểm điểm lão Hạng ưu tiên tới nhà chủ nhiệm hợp tác xã trước.
***

6. Sau mấy lần kiểm điểm đâu vẫn vào đấy, mấy bà già rủa, cứ mong trời đánh cho chết rấp. Tưởng nói cho sướng miệng. Thế mà trời nghe thấu. Cơn dông đầu hạ buổi ấy ập xuống đúng lúc lão Hạng đang chén bữa trưa. Lão nhâm nhi cút rượu với mấy đoạn lòng bò mới được chia phần. Mà nói tới bộ lòng bò phải kể thêm cái việc lão Hạng được “biên chế” kiêm nhiệm. Lão Hạng còn là tay dao tay thớt của làng. Mỗi lần mổ bò, mổ trâu hay ngã lợn, lão cầm dao là phần nào ra phần ấy. Đều từ cái mõm tới khấu đuôi, nhà nào cũng đủ, chẳng ai phân trần. Nhưng khi xả thịt ra kiểu gì lão cũng nhanh tay xắt được cái của quý giắt cạp quần hay quăng ra bụi nào gần đấy. Chẳng biết sao, với lão Hạng ngon nhất là cái miếng ấy. Có lần đại hội xã viên. Mình lão xả cả mấy chú cẩu. Làm đâu vào đấy. Mấy bà đầu bếp biết tính lão, kiếm ớt chỉ thiên nhét vào chính giữa miếng có cái ấy của giống cái. Khi bưng lên. Xếp ngay tô có miếng đặc biệt vào mâm lão. Lão Hạng tớp ngay miếng khai đũa. Ho sặc sụa vì một mồm ớt. Cả làng được trận cười. Cười thiếu văng răng khỏi miệng.

Quay lại cái đận lão Hạng chơi ú tim với ông trời. Đang khề khà khề khà. Dù mưa phả vào cửa tơi tả nhưng lão vẫn ngồi rung đùi gắp và nhắm. Bỗng thiên lôi hạ búa cái rầm. Mâm cơm sạm đen, bay vào góc. Bát đĩa, chén chai mỗi thứ bay mỗi nơi. Lão Hạng bị nhấc lên, ném cái bịch, cách chỗ ngồi hai mét. Mặt mày xây xẩm. Chết giấc. Tỉnh lại, sờ lên thấy máu tai, kiểu này khéo chết bỏ mẹ. Lão nghĩ thế. Hóa ra miếng bát vỡ xẹt qua tai thôi. Hút chết. Hôm ấy cả làng đinh ninh lão Hạng ngỏm củ tỏi rồi. Ông thiên lôi choảng đúng nhà kho thế kia, có mà lão cháy thành than. Rày thì hết tác oai tác quái. Nhưng không. Lão vẫn sống nhăn răng. Sống khỏe là khác. Từ đấy, lão Hạng càng không sợ gì. Trời đánh lão không chết thì còn biết sợ gì!
***

7. Ngoài ba mươi tuổi, Hạng cũng chịu lấy vợ. Sau khi, nói như mấy ả không ưa là, đem chim đi… đánh xứ người chán, lão dắt phắt một người về ở chung, không cưới xin gì sất, có cái giấy đăng ký cho phải phép là xong. Mấy bà nạ dòng nhìn vợ lão ghen tị lắm. Ba năm lão cũng có hai đứa, rồi tịt. Hai đứa con đẹp như tranh. Nhưng ông trời ác. Cái thằng sau càng lớn càng chẳng biết gì. Nói xổ toẹt ra là nó ngơ. Lớn tồng ngồng vẫn ú ớ ngu ngơ. Cho gì cũng ăn. Bảo gì cũng làm. Làng được phen “đàm phán bàn tròn”. “Mang cho thiên hạ chán đi giờ còn cặn bã đưa về cho vợ, gì mà con chẳng thế”. Kẻ khoa học hơn thì nói dứt khoát như đinh đóng cột: “Con chó dại cắn lão Hạng giờ mới lây tới con”. Hay “Cái vụ trời đánh làm biến tính của quý của lão nên con mới ra thế”. Riêng lão Hạng thì điên lắm, nhưng chẳng bảo con được gì. Nói trước quên sau thì dạy sao. Lớn tồng ngồng thằng con lão Hạng vẫn chỉ huy đám trẻ nít, hay là trẻ nít bu lấy nó như một thứ trò chơi.

Hôm thằng con lão thấy hai con chó nối đuôi nhau sát bờ rào, mặt nó nhìn nghệt ra, thộn không chịu được. Được lúc nó hô mấy đứa nhỏ lùa đôi chó xem thế nào. Hai con chó sợ quá, chạy. Chạy mà vẫn nối đuôi nhau. Nhùng nhằng ủng ẳng. Mỗi con chạy một hướng không tài nào đi nổi, sau dạt về một bên, lao vào bụi. Không may cho chúng, chạy sát nhau nhưng chúng vẫn bị một cái cọc rào chặn lại. Hai con chó không thể dứt ra, mắc cái cọc rào chính giữa, kêu rền trời. Thằng con lão Hạng lao vào nắn nắn bóp bóp đoạn mắc giữa hai con chó. Nó còn kêu mấy đứa trẻ lấy lách nứa để cắt, xem thế nào. Vừa lúc ấy thì có người lớn qua. Quát, “Ai dạy chơi cái trò mất dạy. Thất đức!” Tụi trẻ chạy tán loạn. Nó ngẩng mặt cười hềnh hệch nói, hay, hay…
***

8. Lão Hạng leo lên tới chức trưởng công an xã thì rụng. Rụng cái bịch. Rụng sau ngày thống nhất đất nước. Bộ đội về làng nhiều. Phải cải tổ. Chấn hưng. Nhân dịp con gái lão đang yên đang lành ễnh cái bụng lên. Thế là lão bị hạ bệ luôn. Lão tra hỏi của thằng nào để gả cho sạch mắt, xem cứu vãn được gì không thì đứa con gái đáp trống không: “Nhiều quá không biết của ai”. Lão Hạng tái mặt: “Đồ khốn nạn, mày hại đời tao”. “Thế ngày trước bố không hại bao nhiêu đời đàn bà chắc”. Đứa con chẳng phải tay vừa. “Mất dạy. Cút”. Mặt lão không phải tái nữa mà là tím bầm.

Về vườn rồi mà nhiều người căm lão Hạng. Bình thường lão mặc, nhưng có tí rượu vào lại loẹt quẹt rêu rao: “Tức ông cái cục cứt không thối. Không có ông thì cái làng này héo lâu rồi, héo rũ rượi. Chúng mày phải cảm ơn ông mới đúng, nhá. Không có ông, nhá. Cả lũ vợ chúng mày có phừng phừng, phơn phởn, tươi rói đến lúc này mà đón chúng mày về không, nhá. Hay chỉ như dải khoai lang héo, nhá”. Cứ thế lão Hạng ca bài ca hy vọng hết tuần, rồi lão vào rẫy ở hẳn. Chưa sáng đã đi. Tối mịt mới về. Không đoàn thể xã viên gì nữa. Lão Hạng quây rẫy trồng lúa, hoa màu. Tối tối lão chặt tre ngồi vót nan rổ nan đó. Từ dạo lão Hạng vào rẫy trâu làng bỗng nhiên ngoan lạ. Xung quanh rẫy lão Hạng cắm chông tre chi chít. Xen kẽ cả hố chông chùm. Đứa nào để trâu lớ ngớ lọt vào coi như toi. Có con lẻn được vào vườn, lão Hạng cho cả con dao làm kỷ niệm, nhát đứt gân gót chân, nhát xả mông. Lũ trẻ chăn trâu sợ xanh mắt. Thành ra lão không khiến nhưng lũ trẻ vẫn tự động rào vườn cho lão. Không phải sợ lão mà sợ trâu vào vườn lão.
***

9. Từ ngày lão Hạng vào rẫy, vợ lão thành điên điên tỉnh tỉnh. Suốt ngày mụ hát ấm ớ, dẫn thằng con đi nhặt nhạnh loanh quanh trong làng. Lão Hạng điên tiết về đóng cửa buồng nhốt lại. Nhưng không được. Hình như vợ lão bị nhốt cả đời rồi, chưa bao giờ được nói một câu cho tròn trịa gãy góc nên giờ tới lúc hóa. Thi thoảng khi lão về nhà, vợ lão lại dựng đứng lên, tru tréo, mắt trắng dã, hết xưng cụ tổ đằng nhà lão tới bố mẹ lão. Mỗi lần xưng là một giọng, nói như ra lệnh. Nói rồi vợ lão hát. Ban đầu lão hơi giật mình, sợ. Mà khổ thân, lão có nhớ bố mẹ lão là ai đâu, huống hồ là cụ tổ. Lão lại trấn an. Trời đánh không chết huống hồ đàn bà. Nhiều lần lão nhét khăn vào miệng vợ để tắt cái kênh phát của bà.

Nhảy múa và phán chán. Vào một đêm cận tiết chạp, vợ lão trốn khỏi nhà, ra mở cổng, dắt con trâu đực đi quanh làng ba vòng rồi thả trâu vào núi. Một mình quay lại nhà. Bà ngồi ngay gốc si làng, trước nhà. Sáng ra, người đi chợ đầu tiên giật mình thấy bà treo lủng lẳng giữa cành si chĩa ra đường.
Vợ mất được ít hôm lão Hạng tính bán cây si. Cây si tiếng là của làng nhưng thuộc phần đất nhà lão. Nó có từ hồi nảo hồi nào. Thuở đi kinh tế mới lên khai hoang cây si đã có ở đó. Lão Hạng phát hết cây làm vườn, để lại cây si ở góc. Mãi rồi người ta mở đường qua nhà, cây si thành ra đứng ngay rìa đường, đầu làng. Trải qua phải gần thế kỷ, nó vẫn trùm kín cả đoạn đầu làng. Xanh um. Mát cả bốn mùa. Lão Hạng tính bán, thuê người đào quanh gốc. Đào tới ngày thứ hai, mới đánh được một nửa thì thằng con lão lăn đùng ra ốm. Nằm mê mệt. Lão đưa con chạy hết bệnh viện huyện tới bệnh viện tỉnh, soi trong ra ngoài, bắt mạch trước mạch sau, Tây y Đông y, thuốc Nam thuốc Bắc vẫn không ra bệnh gì. Nằm vật giữa nhà. Chán! Lão bỏ gốc si đó thì thằng con tự nhiên khỏi. Chẳng biết sao mà lần.

Chuyện nguôi ngoai, vừa lấp đất lại, gốc si chưa kịp bén rễ mới thì người dưới phố đánh xe lên hỏi mua đưa về trồng trong nhà hàng lớn gì đó. Lão Hạng sợ, không bán. Nhưng hỏi xã thì xã quyết bán. Lão cãi. Mấy ông văn hóa xã vả lại, đây là cây si làng, của chung, xã có quyền bán, bán lấy tiền xây nhà văn hóa xã, dùng chung, cả xã được hưởng chứ để cây si làm gì. Lão Hạng vẫn cãi. Xã cưỡng chế. Gốc cây được bật lên, lão Hạng được cho vài triệu gọi là cây nhà. Xong. Được ba hôm thì thằng con trai lão trưa nắng chạy đi đâu về, tự nhiên lao đầu xuống giếng chết mà chẳng rõ tại sao. Giếng nước ở gần gốc si cũ. Lão Hạng chết lặng. Mấy triệu nhận lót tay vừa đủ lo đám tang con. Lão câm từ đấy.
***

10. Giờ thì lão Hạng ngồi đấy. Tay dao tay nan. Đều đều. Vô định. Những cái nan đều chằn chặn, vót căng bụng, ném sang bên, vàng ươm hay trắng bạch phía trên, giữa hai luồng ánh sáng vàng vọt từ trăng và bóng điện. Không biết có khi nào lão Hạng nghĩ về những ngày đã qua, những tháng ngày lão xem trời bằng vung. Hay với lão đó chỉ là một giấc mơ. Người ta nói, ai mà trời đánh không chết thì sống dai phải biết. Không biết bao giờ lão Hạng mới đi hết được giấc mơ.

_______________________________________________________

Bao giờ đi hết giấc mơ (1)

Truyện ngắn của VĂN THÀNH LÊ

1. Lão ngồi. Cái áo được cởi ra, ném sang bên từ hồi nào. Trần trụi và lừng lững. Lão ngồi mà như không ngồi. Chẳng phải lão đang luyện công hay nhập thiền gì. Lão vót nan rổ. Ánh trăng vàng vọt chiếu chênh chếch vào. Ánh điện bằng cái bóng tròn 25W ở trong nhà vàng vọt không kém phả ra. Người lão không nhúc nhích, tay dao tay nan đều đều giữa hai luồng ánh sáng. Cứ thế. Lão nhòe dần, mờ dần, vàng vàng như thứ ánh sáng èo uột đang bao trùm lão. Chẳng hôm nào khác hôm nào. Có chăng nếu đêm không trăng, lão có thêm cái đèn dầu. Hình như lão chẳng đoái hoài tới điện. Đèn dầu cũng phả ra thứ ánh sáng vàng vàng nhấp nhô bằng hạt đỗ. Vì vậy, nếu nhìn từ sau lưng không biết hôm nào có trăng hay không trăng. Lão ngồi đúng giờ cứ như quỳnh tới khắc ấy mới bung hoa; thủy triều đến giờ nước mới dâng; như chớm xuân cây mới nảy lộc; tiếng chim cuốc kêu là chớm hạ; vào thu cây mới thay lá; sang đông bàng mới trần trụi giữa trời. Lão ngồi. Mặc tất cả chuyển động của thế giới vạn vật xung quanh. Như bỏ ngoài mọi tạp niệm. Như đã ngộ. Đã đắc đạo. Nhưng xem ra lão chẳng giống một vị thiền sư hay một người đang tấp tểnh tu luyện. Trông bóng lão trượt dài lên bậc tam cấp, phả vào góc tường nhà kìa. Lớn vậy mà cứ rúm ró kiểu gì. Giống bức tranh được một tay họa sĩ nhiều tâm trạng vẽ. Những nét gãy, giật liên hồi. Quá nhiều giằng xé và vật vã trong ý tưởng trùm lên nhau. Nét sau đè lên nét trước. Nhưng cái tài chưa tới độ nên không thoát ra được. Cứ thế. Lão ngồi. Đêm này qua đêm khác. Đơn điệu và buồn tẻ. Ngồi như không biết sợ sự lặp lại. Không biết sợ thời gian.
Phải, thời gian, chao ôi thời gian. Thời gian là cái thứ gì mà có thể khiến vạn vật đổi thay, chuyển mình giữa vật vã đớn đau hay hân hoan hạnh phúc. Một con nghé có thể thành con trâu. Một cây rêu có thể thành cả cánh đồng rêu. Một con virus mắt thường nào có nhìn thấy có thể giết cả cộng đồng, sau một trận dịch. Một đứa trẻ mới biết đái dầm, chưa sạch mùi sữa đã thành ông già bà lão. Thời gian là cái thứ gì mà lũ trẻ cứ mong trôi thật nhanh để được làm người lớn, được tự do, được bay nhảy; người già lại mong chậm lại để được kéo dài sự dẻo dai, sự sống còn. Đấy là thời gian. Vô hình mà đáng ngưỡng mộ hay đáng sợ, khiến loài người, kẻ thì chạy trốn kẻ thì vồ vập, từ cái thời cụ tổ biết đi bằng hai chân, biết săn bắn hái lượm, biết che đậy những nơi dùng để duy trì nòi giống. Không biết lão có bao giờ nghĩ về thời gian. Thời gian đã biến lão từ một người giang sơn một cõi thành một kẻ rúm ró thế kia.
***
2. Chắc tới đây bạn đọc đang tò mò muốn biết lão là ai. Vâng, lão tên Hạng, một chân bị teo, đi cà thọt cà nhắc nên vẫn gọi là Hạng cà thọt, gọn hơn là Hạng thọt. Nhưng lão Hạng là con ai, quê ở đâu, tại sao lại tới cái làng này thì chỉ lão biết. Mà chưa hẳn lão Hạng biết. Bởi chưa thấy khi nào lão Hạng nói nửa lời về gốc gác của lão. Lão Hạng như khúc thân sắn, ngọn mía cắm xuống đất làng rồi tự mọc rễ mà sống, mà lớn lên, chứ chẳng phải từ cái hạt mọc có gốc rễ từ trước mới lên. Người ta chỉ biết lão tới làng cùng bao gia đình trong đoàn xe chở dân đi kinh tế mới từ miền biển lên, hồi sau cải cách không lâu.
Nơi lão Hạng đến, tức vùng đất kinh tế mới, là làng bây giờ, hồi ấy bốn bề đồi và núi. Ngẩng mặt lên gặp cây, cúi mặt xuống thấy cỏ. Lác đác vài chục nóc nhà người Thượng. Có dân kinh tế mới lên, người Thượng co cụm về một góc, nhường lại rừng rậm phía trên. Mỗi nhà được chia đất hay tự nhận đất khai hoang, bắt đầu cuộc sống mới. Ban đầu Hạng cũng được dựng cho một cái chòi, chia đất phát rẫy làm ăn. Nhưng chui vào chui ra được vài ngày. Rẫy chưa kịp phát lấy một sợi cỏ. Ít gạo và muối được phân phát ban đầu chưa ăn hết, anh chàng Hạng đã làm chấn động cả làng. Nhất là với người Thượng.
Cái buổi chiều nhá nhem định mệnh ấy, Hạng tính ra suối kiếm mấy con bống về kho đỡ nhạt miệng. Ngồi câu mà cứ nghe nước động, chẳng thấy tăm hơi bóng cá nào. Gã bực, ngó ngược ngó xuôi, thấy phía bụi cây rung rung. Bỏ cần, gã xăng xăng tới tính quát thì… đứng tim. Một sơn nữ đang tắm. Bầu ngực trắng nõn cứ nhấp nhô lên xuống. Sơn nữ hết lặn lại nhún nhảy rắc nước ra khỏi tai. Chao ôi trắng. Người miền biển có ai được làn da trắng vậy đâu. Trông cứ như ngó cần hay bẹ chuối hột mới bóc. Hạng đứng trân trân. Chết giấc. Tiếng con hoẵng lạc mẹ tác lên, gã giật mình co chân, ngã nhào. Thì ra gã giẫm phải váy áo sơn nữ bỏ lại trong gùi, bên tảng đá. Gã ngồi thụp xuống. Hết nhìn người con gái tắm lại rúc mũi vào mớ áo váy hít lấy hít để. Mười sáu tuổi. Lúc ấy, Hạng là một gã trai lún phún vài cọng ria mép và còn lông măng trên mặt, người chỉ có bộ khung, kiểu thiếu ăn, chưa bao giờ được tận mắt thấy cả một tòa thiên nhiên thế này chứ nói gì tới mùi vị con gái. Trong mắt gã mới thấy chó nối đuôi, trâu bò cưỡi nhau hay gà trống đạp gà mái. Mà sao cái thứ ấy nó hút người ghê gớm. Một thằng người, nói như làng là không hoàn hảo, như gã mà không thể cưỡng nổi. Nấp sau tảng đá mà bụng dưới cứ tưng tức, miệng nuốt khan liên tục, liên tục. Cho đến khi sơn nữ lên thì… vỡ chuyện. Việc vỡ ra, lão Hạng bị xạc một trận nên thân và tống đi chăn bò cho hợp tác xã trong núi.
***
3. Trông bò. Hạng chẳng lấy gì làm phân vân lắm. Tuy lúc đầu nghĩ hơi rùng mình khi phải một mình nơi rừng rú, thâm sơn cùng cốc. Nhưng nghĩ lại, người ta không đóng bè cho trôi suối là may. Cái tục người Thượng trên này vậy, trai gái sàm sỡ, chẳng cần biết tự nguyện hay cưỡng ép, cạo trọc đầu, đóng bè làm ma sống, cho trôi cả hai. May thay người Kinh lên, có hợp tác xã, có chính quyền, có chủ trương nên Hạng thoát chết. Thoát chết nhưng bị ném vào chỗ mới khác gì chỗ chết. Nhưng gã tặc lưỡi, có là gì, sống ngày nào hay ngày ấy, dù sao cũng đã biết mùi đời. Hạng quảy gạo, muối và cá khô theo đàn bò hợp tác xã, vào núi.
Đàn bò hợp tác xã cả trăm con, được đánh số thứ tự trên mông. Nhiệm vụ của Hạng là nhìn… mông bò. Bao giờ thấy đủ từ 1 tới 100 là ổn. Núi cách làng vài cây số. Trong núi cỏ nhiều, thả bò trong ấy bò ăn cả đêm, ăn cỏ sương nên béo tốt. Chỉ tội buồn. Nhưng chẳng sao. Hạng cũng béo tốt lên vì ăn toàn thứ, nói như bây giờ là đặc sản rừng. Hết rùa đá đến gà rừng, chuột nứa, chim chóc, cầy hương. Bẫy là gặp. Tháng tháng Hạng dẫn cả đàn bò về cho người ta kiểm tra, lấy thêm gạo muối rồi lại vào núi.
***
4. Theo mông bò được ba năm thì Mỹ leo thang ra Bắc. Làng vẫn bình yên, tuy máy bay có chao qua chao lại nhưng không bao giờ là mục tiêu bắn phá, thi thoảng mới có vài quả bom sót chúng thả bừa cho hết để về. Hạng ở trong rừng, cũng nghe ầm ầm ù ù nhưng rừng giăng bốn phía trên đầu nên nào có biết cái máy bay. Ấy vậy mà chính lão, lần nữa, làm chấn động cả làng. Lần này chấn động ghê gớm hơn. Một chiếc máy bay sau khi trút hết bom, đang bay về thì dính đạn của dân quân dưới xuôi, bay chao đảo ngang núi rồi bốc cháy, phi công bung dù. Ở dưới thông báo lên, dứt khoát máy bay rơi phía rừng của làng, giao nhiệm vụ cho huyện phải bắt bằng được kẻo nó gọi liên lạc tới cứu. Huyện đội lùng sục cả đêm, nhận diện được xác máy bay mà không thấy tên phi công đâu. Rừng núi âm u, bao la với bập bùng là đuốc mà đến dấu giày thằng giặc lái cũng bặt tăm hơi. Cứ như người Mỹ biết tàng hình. Mấy bố huyện đội lo cấp trên xạc thì bỏ bà. Thế mà rạng sáng Hạng dẫn một thằng mũi lõ, cao lêu nghêu đến gần hai mét về làng. Chiếc dù tên phi công mắc ngay trên cái cây làm chòi ngủ đêm của gã. Phải vất vả lắm Hạng mới trói ngang người, chặt phăng cả dù dong thằng Mỹ gần tạ rưỡi xuống. Vừa xuống tới đất, thằng Mỹ dù bị trói ngang người vẫn vái gã như vái ông bà ông vải, vừa lạy vừa nói ồm oàm một thứ tiếng gì đó như gió lùa vào rừng mùa khô mà từ ngày cha sinh mẹ đẻ gã chưa từng nghe. Hạng dong ngay tên phi công về làng. Đi được nửa đường thì gã thở ra khói, vì tên phi công đi nhanh như chạy. Chả là chân nó dài cỡ tới nách gã. Hạng bực quá tháo luôn đôi giày của nó. Thế là nó vừa đi vừa mếu. Hạng ung dung đi mà nó bước cứ dặt dẹo. Có muốn trốn cũng không chạy được. Bọn Mỹ sướng quen, có lẽ không đi chân đất được, vứt chúng ra đất ruộng đang mùa cày ải có mà khóc tiếng mán, thế thì đánh đấm nỗi gì. Hạng có vẻ thích thú về sự phát hiện của mình. Gã hồ hởi kể lại cho những cái đầu tò mò, há hốc miệng nghe.
Là người đầu tiên trong tỉnh bắt được phi công, Hạng được đi báo cáo, nói chuyện bắt phi công ở các cuộc họp hay tổng kết, lấy kinh nghiệm cho cả tỉnh. Nói như bây giờ là lão Hạng hồi ấy đắt “sô” hơn ối ca sĩ ngày nay. Chuyện Gagarin bên Liên Xô bay vào vũ trụ khiến làng xôn xao thế nào thì chuyện lão Hạng bắt phi công cũng máu lửa chẳng kém cạnh gì. Lão Hạng thành anh hùng. Từ một tên nhìn… mông bò, người ta tính đưa lão về làm chủ nhiệm hợp tác xã. Phải tội văn hóa lão yếu quá. Một lớp cấp tốc xóa mù được đặc cách cho riêng lão. Nhưng lão đánh vật hết mồ hồi mẹ mồ hôi con mà không xong. “Chơi cái này khó quá, ông đếch cần vẫn bắt được Mỹ”. Không thành, họ đưa lão Hạng sang làm thủ kho hợp tác xã, khi vừa biết cộng trừ làng nhàng. Nếu để ông đi trông bò nữa thì mất mặt quá. Ai lại để anh hùng đi giữ bò. Có đi báo cáo, bảo giới thiệu làm gì thì làng và hợp tác xã ê mặt à, thế ra cái làng này không biết sử dụng người tài. He he. Từ đây lão được thể lên mặt. Nói cứ gọi là khạc ra lửa. Đời lão Hạng như sang trang.
***
5. Lên thủ kho, lão Hạng trông càng phổng phao ra. Thời giữ bò tiếng là miếng thịt không thiếu nhưng gạo thì chẳng được mấy. Giờ lão trông cả cái kho lương thực của hợp tác xã, coi như no lưng ấm cật. Gì chứ ních căng bụng là đời chẳng gì bằng. Lão ngày béo tốt. Mỗi cái chân lặc vẫn vậy, không lớn được. Lão Hạng vẫn phải loẹt quẹt loẹt quẹt như thế. Nhưng đã khác xưa. Xưa chân lão Hạng loẹt quẹt, miệng lão cũng loẹt quẹt. Giờ chân loẹt quẹt nhưng miệng hét ra lửa. Thủ kho to hơn thủ trưởng. Mà loẹt quẹt cũng có cái hay. Tới lúc ấy lão Hạng mới thấy phát cắn của con chó dại hồi bé quả rất hữu ích. Nó tợp một phát, sốt cả tuần lễ. Không một cắc đi viện, nghe thiên hạ mách nước cứ đắp hết lá này tới lá kia. Rồi teo. Cứ tưởng đời teo theo cái chân. Ai dè lại hay.
Sau mấy lần tổng động viên, làng có vẻ xơ xác, hanh hao như gái tới ngày kiêng cữ. Rặt những người già, đàn bà và trẻ nhỏ. Quay trước quay sau còn mỗi lão Hạng là đàn ông đang tuổi lao động. Làng thiếu hẳn sinh khí. Chưa sớm đã ra đồng. Tối mịt mới về. Cứ cắm đầu xuống đất. Cắm vào với việc. Chẳng buồn về nhà. Tất bật và lếch thếch. Tất bật vì sợ nhàn rỗi mà nhớ giường, nhớ chồng. Lếch thếch vì có gọn, có đẹp cũng để làm gì, khéo đẹp ra nhìn lại thấy tủi. Mà như vậy thì còn gì là cái giống người. Cái chuyện nam nữ, đực cái, nói ra người ta vả vào miệng bảo tục tĩu, vớ vẩn, nhưng đố ai không đấy, có mà chết héo, nhất là đám nào chạm vào rồi, chả không mong mòn mong mỏi thì chớ làm người. Lão Hạng chữ nghĩa ậm ờ thật nhưng cái giống ấy lão hiểu. Trông bò ba năm lão biết tỏng. Cứ mỗi lần hùng hục húc vào xong, nhìn bò đực bò cái mặt phởn lên là lão hiểu.

_________________________________________________

Nỗi niềm hoài cổ

Nhà văn Di Li

- Tôi có cô bạn lấy chồng Mỹ, giờ sống ở San Francisco. Cô ấy bảo rằng cái thời còn du học ở London, năm nào cũng cứ đến giờ khắc giao thừa là cô lại cảm thấy vô cùng cô đơn và nhớ nhà.

Tôi chưa sống lâu nơi xứ người bao giờ, càng chưa bao giờ được hưởng một cái Tết Nguyên đán ở nơi không phải nhà của mình nên ngạc nhiên vì điều này lắm. Tôi cứ cho rằng người Việt sinh sống ở nước ngoài chỉ có thể cô đơn khi nước người vào Giáng sinh, nước người nhộn nhịp náo nức đón dịp nghỉ lễ và quần tụ gia đình, lúc ấy mình thấy mình thừa ra thì mới đâm cảm thấy lạc lõng. Chứ ngày Tết Nguyên đán, người xứ họ vẫn đi làm bình thường, thì đâu có cảm giác ấy. Song sau rất nhiều người Việt ở nước ngoài cũng nói với tôi cảm giác này, cái cảm giác cứ đến ngày Tết Nguyên đán là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong lòng họ lại rộn lên, hệt một phản xạ có điều kiện.
Cô bạn tôi kể về cái Tết đầu tiên ở London, cô cũng chuẩn bị cho ngày lễ như ở nhà: dọn dẹp thật sạch nhà cửa; không có hoa đào, hoa mai hay cây quất làm cảnh nhưng cô mua được một bó hoa để trang hoàng cho căn phòng thuê bé tí tẹo của mình. “Sáng mồng Một tôi cũng tìm được đến một ngôi chùa của Việt Nam sau hàng giờ liền ngồi trên xe buýt, để thắp nén hương cầu an” - cô nói.
William C.Westmoreland (1914-2005) từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam 1964-1968, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ 1968-1972. Năm 1976 xuất bản hồi ký “A Soldier Reports” (tạm dịch: Tường trình của người lính).
Với người phương Tây, có lẽ Giáng sinh là dịp duy nhất để họ quây quần đủ đầy cùng gia đình sau một năm vô cùng bận rộn. Dù ở bất cứ đâu trên thế giới, thế nào Giáng sinh họ cũng phải bay về nhà tham dự giờ khắc thiêng liêng này. Tết Tây họ dành cho bạn bè là phần nhiều, còn Giáng sinh nhất thiết phải được ở bên những người thân. Tết Nguyên đán đối với dân mình có khi còn quan trọng hơn Giáng sinh đối với người phương Tây. Người ta bận rộn cho Tết từ cả tháng trước đó. Tướng Westmoreland* cũng đã miêu tả trong hồi ký của mình về Tết của Việt Nam: “Người Mỹ không có cái lễ nào giống dù là giống một cách xa xôi với cái Tết Việt Nam bắt đầu từ ngày đầu năm âm lịch. Dù so sánh nó với lễ Giáng sinh, lễ Tạ ơn và ngày 4-7 cũng không đủ để nói lên tầm quan trọng mà người Việt Nam gắn bó với cái Tết của họ. Trước Tết hàng mấy tuần lễ, các bà nội trợ Việt Nam đã gói bánh chưng bằng nếp dẻo bên trong những chiếc lá dong mùi rất thơm. Người ta bày bán chè, bánh kẹo, rượu, nếp, mua sắm quần áo mới, trang hoàng nhà ở bằng các thứ hoa. Người thân chuẩn bị về quê làm lễ cúng ông bà, tổ tiên. Trẻ em mường tượng sẽ được mừng tuổi bằng kẹo bánh và giấy bạc 5 đồng. Không có gì, thậm chí cả một cuộc chiến tranh để sống còn, lại có thể cản được lễ Tết”. Các tài liệu sau này cũng cho thấy rằng trong dịp Tết Mậu Thân, ít ra tới nửa quân số của Quân đội Sài Gòn về quê ăn Tết và chính Tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu cũng về quê vợ ăn Tết ở Mỹ Tho.

Tôi từng chứng kiến nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài nổi khùng lên vì cứ đến Tết là nhân viên nghỉ rất dài ngày. Họ muốn công việc của họ được liên tục. Thậm chí ngay cả khi công việc đang đến hồi nước rút mà đùng cái vào Tết thì dù có trả lương gấp đôi, gấp ba nhân viên cũng không làm. Sống chết gì nhân viên cũng phải nghỉ ăn Tết. Có một số khách nước ngoài đi du lịch bụi Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán chỉ với mục đích khám phá lễ hội thì thực gặp hạn. Họ than phiền rằng quán xá, cửa hàng cửa hiệu đóng cửa im ỉm. Chỗ vui chơi không có, ăn uống thì không, chỉ còn thú vui duy nhất là vãn cảnh chùa và đi xem pháo hoa vào đêm Giao thừa.
Nói vậy là để thấy Tết Nguyên đán của chúng ta quan trọng đến thế nào, nhưng quan trọng đôi khi không đồng nghĩa với việc đón chờ nó. Càng ngày tôi càng thấy nhiều người than phiền về cái nỗi “sợ Tết”, “chán Tết”. Tôi còn nhớ nguyên vẹn cảm xúc của những cái Tết cách đây hai chục năm, khi mà tôi háo hức chờ đợi một bộ quần áo mới, khi mà tôi quẩn quanh cha mẹ trong không khí chộn rộn của cái sự sắm Tết và chuẩn bị cho Tết. Mẹ tôi chất kìn kìn trên xe những lá dong, gạo nếp, gà trống thiến, bưởi bòng và dăm cành lay-ơn, thược dược, violet mỗi lần đi chợ về. Cha tôi chọn mua một bánh pháo dài hai mét mà ông dự đoán năm nay nó sẽ nổ rất đanh. Chúng tôi làm mứt bí, mứt cà chua, cà rốt thơm phức mùi đường sấy. Và tôi góp phần trang trí kim tuyến lên những cành đào. Nhưng càng ngày những cảm giác ấy càng mờ nhạt như một thứ hồi ức đã trải dài từ xa lắc. Ngày nay chúng ta không cần phải chờ đến Tết mới được sắm quần áo mới, không phải chờ đến Tết mới được ăn con gà, miếng bánh chưng và mứt bí. Những thứ ấy có quanh năm. Thậm chí giờ không chỉ lay-ơn, thược dược, violet mà ngày thường chúng ta cũng mua hoa về cắm trong lọ, đủ thứ hoa xa xỉ, từ các loại hồng Đà Lạt cho đến ly trắng, rum, salem và địa lan. Không cần chờ đến Tết mới tích cóp tiền mua chiếc vô tuyến mới mà nhiều nhà giờ phòng nào cũng có vô tuyến. Trước, ngày mùng Năm chợ còn lác đác. Nay mùng Hai người ta đã họp chợ, chỉ có điều là đắt, giá cả tăng và chỉ giảm dần cho đến tận Nguyên tiêu. Hàng quán mùng Ba hầu như đã mở cửa. Thậm chí chuỗi nhà hàng Ý Pepperonis còn quảng cáo từ năm trước rằng sẽ mở hàng ngay từ sáng mùng Một, nhân viên mang đồ phục vụ tận nhà. Vậy là các thực khách cứ thế nhấc điện thoại gọi pizza, spaghetti về ăn thay bánh chưng, canh măng và bóng xào cho đỡ cái sự nấu nướng. Ngày Tết xưa vắng tanh, đường phố trong cái lạnh đang ngấm vào tận da thịt cũng là mang lại cảm xúc. Nhưng Tết giờ phố phường không còn vắng lắm nữa, và khí hậu dường cũng đang nóng dần lên.
Nhiều người sợ Tết. Đàn ông sợ Tết sẽ cản trở công việc đang chạy. Đàn bà sợ Tết Ôsin về quê hết sẽ phải nai lưng ra mà làm Ôsin. Tết là phải thăm viếng, tiếp đón họ hàng, cả những người ưa thích và những người không ưa thích. Tết là phải đôn đáo ngược xuôi lo quà biếu, người biết ơn nhiều và người biết ơn ít, mỗi người quà một kiểu. Phức tạp lắm. Mệt mỏi lắm. Tết cũng là phát khổ cho những người đơn chiếc. Cũng có những người, vì lý do mưu sinh mà Tết không được về thăm quê nhà, đành đoạn ở lại thành phố, mới thấy cái thời khắc Giao thừa ấy như tra tấn, mới chỉ đành mong mong cho qua ba ngày Tết.
Vài năm trở lại đây, Tết người ta bỏ nhà đi du lịch nhiều. Thanh niên trai trẻ trong hội phượt đi du lịch bụi túm năm tụm ba đã đành, giờ đến cả người già cũng thấy chán Tết mà đi du lịch. Chỉ có điều người trẻ trốn đi du lịch từ 25 tháng Chạp cho đến hết mùng Năm mới về, còn người già chỉ dám khởi hành từ mùng Hai, để Giao thừa và mùng Một vẫn làm đầy đủ phận sự cúng gia tiên và vấn an các bậc trưởng lão trong họ. Thành thử các công ty du lịch hốt bạc trong dịp lễ Tết, một dịp tưởng chừng như không ai muốn đi đâu ngoài cửa nhà.
Năm vừa rồi tôi đón Tết ở Sa Pa, Hà Khẩu. Đằng nào thì cũng được hưởng không khí Tết với đào với mận và những dòng người Mông, Dao lũ lượt ngoài cổng chợ phiên. Thị trấn Sa Pa vẫn náo nức như thường vì các cửa hàng cửa hiệu hầu như không đóng cửa để phục vụ khách du lịch. Ngày Tết, người ta vẫn có thể vào quán bar uống một ly cocktail hay ngồi hút shisha bên lò sưởi. Phố đồ nướng vỉa hè vẫn hoạt động rôm rả với đủ món cơm lam, khoai nướng và trứng gà nướng. Nhà hàng kiểu Pháp vẫn phục vụ súp kem nấm bí đỏ và tôm sốt rượu vang. Tịnh chẳng hề thấy vị bánh chưng, canh măng đâu nữa. Thôi thì giờ không khí Tết đã khác xưa nhiều. Cũng may người ta chưa thay đào, quất, mận, mai bằng những giống hoa khác. Nếu không, những gì người Việt ở hải ngoại đang cố gắng sắm sanh, trang hoàng cho ngày Tết rồi ra cũng chỉ còn là một nỗi niềm hoài cổ.

______________________________________________

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Đã mất một-người-tử-tế: Hoàng Ngọc Hiến

Nguyễn Thị Minh Thái

(LĐ) - Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là thầy của nhiều học trò văn chương các trường đại học lớn ở VN và không chỉ trong trường đại học. Ông cũng là bạn của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, văn chương và các nghệ sĩ và không chỉ thuần là nghệ sĩ của con chữ.

Một: Ứng xử tử tế với văn chương…

Ông cũng là một người đàn ông giản dị đến không thể giản dị hơn của đời thường, là ông chồng luôn bị vợ cằn nhằn trách cứ với đầy yêu thương theo cách riêng của vợ ông - bà Tố Nga. Cũng chính ông, cả đời là ông bố quý hoá bậc nhất dễ chịu của hai cô con gái rượu Tố Hoa - Tố Mai, luôn gọi bố là “ông Hiến” với tình yêu dân chủ và sự hài hước trẻ trung mà ông vẫn cho rằng cần phải có ở đời để “luôn giã từ quá khứ một cách vui vẻ” như K.Marx từng nói. Và ông là ông Hiến, là người lập ngôn rực rỡ với cách diễn đạt linh hoạt, chặt chẽ, sáng sủa, thông minh không ai sánh kịp, khi đăng đàn thuyết giảng trước đám đông bạn nghề và học trò, với một tư duy luôn phát sáng bất ngờ, bởi vốn nó đã hàm chứa phẩm chất sáng tạo cao nhất, theo định nghĩa thâm trầm của ông: Phẩm chất của tư duy lý thuyết.
Và ông, cũng là một trong những nghiên cứu sinh thế hệ vàng của Việt Nam, ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, được cử sang du học ở trường ĐH danh tiếng thế giới Lomonoxov ở Mátxcơva, đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn chương về thi sĩ vĩ đại của nước Nga Xôviết Maiacovxki, xứng đáng được giới nghiên cứu của cả Nga Xôviết lẫn Việt Nam đánh giá rất cao và phong tặng danh hiệu: Nhà Maiacovxki học ở Việt Nam...
Dường như cả đời ông là cuộc chạy đua ráo riết. Lúc nào ông cũng vội vã. Lúc nào cũng thấy thiếu thời gian cho nội tâm suy luận ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm không ngừng về văn chương và về những người viết văn. Chính vì thế, ông đã không ngừng phát sáng cả trong nghiên cứu khoa học lẫn trong “cõi người ta” thường nhật, với những cử chỉ cứu giúp những người thế hệ sau ông, khi họ lâm nạn, với tinh thần nhà Phật có lẽ luôn đậm đà trong sâu thẳm lòng ông: Cứu một người phúc đẳng hà sa...

Và phải chăng, ông cũng góp phần phát ngôn rất bộc trực, khỏe mạnh, đầy tinh thần triết học, mong cứu chuộc nền văn chương hiện đại Việt thoát hiểm, khi có lúc (hay nhiều lúc) nhìn nghiêng hiện thực, theo một lối “phải đạo” mà ông thấy thật không ổn trong quá trình hiện đại hoá và nhất thiết cần phải đổi mới tư duy văn chương...
Bởi vậy, ông cũng là người trần ai gian khổ, từng chìm nổi thăng trầm, từng mang “vạ miệng”, từng chịu tiếng bấc tiếng chì bởi những lập ngôn “gây sốc” của ông - mang cách riêng của Hoàng Ngọc Hiến, ngay cả khi ông buông thõng một câu buồn thảm nhất, trong trường hợp cần phải rút một nhận xét chung về thực trạng phát triển của tư duy và lối ứng xử Việt mà theo ông, đang bị kẹt, chỉ vì: Cái nước mình nó thế, trẻ con và nông dân...
Song, ấn tượng chói sáng nhất từ ông, với không chỉ riêng tôi, không phải ở những phát ngôn “gây sốc” ấy, mà ở dưới đáy sâu chúng: Đó là sự song hành không dễ có giữa hai phẩm chất trong con người tử tế của ông, sự từ tâm và một trí tuệ sáng láng rất đặc trưng của một người Việt, đã tự thiết kế để cả đời luôn luôn khát khao đạt đến và luôn luôn thực thi một phép ứng xử văn hoá cực kỳ tử tế với văn chương và cũng không chỉ với văn chương...

Hai: Ông Hiến để lại nhiều nhất những con chữ

Với kiểu sống và kiểu tư duy đặc hiệu Hoàng Ngọc Hiến như thế, ông đã để lại cho hậu thế hàng chục tác phẩm nghiên cứu, đã được xuất bản và cũng để lại không ít câu nói nổi tiếng đã được truyền tụng chính thức và không chính thức. Vẫn theo lời kể của GS Nguyễn Đăng Mạnh - người bạn thân nhất của Hoàng Ngọc Hiến, ông Hiến luôn có những ý kiến thật sắc sảo và thông tuệ: “Nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình. Đọc người khác rất cần, song lại phải thấm thế nào đó để trở thành của mình, để khi nghĩ là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình. Quán tính của con người là thường quy những điều chưa biết vào cái sơ đồ có sẵn, sơ đồ biết rồi. Do lười nghĩ. Quán tính rất mạnh, lay chuyển được quán tính, được cách nghĩ là khoa học.
Khoa học trước hết là cách đặt vấn đề đích đáng. Tìm ra cái mới hoàn toàn rất khó. Thường chỉ chỉnh lại một tí. Vấn đề đặt ra đúng nhưng chưa đúng hẳn. Chỉnh lại một tí như chỉnh lại tivi cho hình nét hơn, âm rõ hơn. Thí dụ nói Đam San anh hùng dũng cảm là đúng. Nhưng thực ra tính cách Đam San phong phú hơn: Hồn nhiên, trung thực, lãng mạn, ngỗ nghịch..., đặc biệt là một cá tính tự do”.
Bởi vậy, GS Nguyễn Đăng Mạnh cho là “rất đúng” những ý kiến uyên bác của ông Hiến về vai trò đặc thù của cảm hứng và trực giác đối với lao động nghệ thuật của nhà văn và nhà nghiên cứu văn chương. Không biết ông Hiến đã lấy từ đâu ra (chắc là từ phẩm chất của tư duy rất mạch lạc của ông) những nhận xét thiên tài khi định nghĩa: “Cảm hứng lay động toàn bộ năng lực tinh thần của người nghiên cứu. Trong giây phút ấy, con người, cùng một lúc, có vô số liên tưởng, kể cả liên tưởng vô thức. Do đó rất sáng suốt. Nhưng phải băn khoăn nhức nhối về nhân sinh, về văn học mới có cảm hứng dẫn tới tìm tòi phát hiện. Cảm hứng làm cho câu chữ có hồn. Cảm hứng phát huy trực giác, khiến cảm nhận được cái mới. Mọi tìm tòi đều bắt đầu bằng trực giác. Sau đó mới dùng suy lý lôgich chỉnh lại...”.
Bởi vậy, ông Hiến vô cùng thích những loé sáng trực giác của ai đó bất thần phát lộ, hoàn hảo đến mức không cần lý lẽ biện minh. Những ý kiến của ông về cách đọc, cách phân tích tác phẩm văn chương và cách diễn đạt bằng tiếng Việt những phân tích đó, để tạo ra thần thái của bài bình luận văn chương. Và đây cũng là tình yêu vô bờ của ông với tiếng Việt: “Phân tích tác phẩm gay nhất là đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy có ý gì cả. Ý là một ý nghĩa mới đích đáng trả lời một câu hỏi ta đang tìm tòi, đang suy nghĩ để giải đáp. Tác phẩm chẳng giải đáp được một câu hỏi nào cần thiết, là vô nghĩa.
Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiết có vấn đề. Phân tích một chi tiết mà mở ra cả một vấn đề về đạo lý về triết lý. Phân tích một chi tiết như thế có sức thuyết phục và sang trọng hơn là phân tích tràn lan.
Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một - hai từ đích đáng, kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết...”.
Những lời nói ngoài cuộc đời, những chữ và chữ dày đặc trong hàng chục tác phẩm nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến ấy đã kết tinh thành chất riêng của phong cách Hoàng Ngọc Hiến và chúng đã là hằng hà sa số hiển hiện liên tiếp trong suốt 80 năm cuộc đời dạy học và viết văn của ông.
Song, không phải chúng không gây cho ông những phiền toái nhất định, với một tính cách xứ Nghệ mà ông là một điển hình đậm đặc.
Nhưng, cũng thật là biện chứng, khi cũng chính là ông đã tự điều chỉnh cái định nghĩa của ông, rất độc đáo, rất hồn nhiên, đượm mùi tự phản tỉnh về người xứ Nghệ: “Cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”.
Ông đã về Trời và ông đã đến tận cùng là người xứ Nghệ: “Cái gì cũng biết, kể cả hạnh phúc”. Hẳn nào thi hào Đức cũng đã nói đấy thôi: “Lý thuyết bao giờ cũng xám. Chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”...

___________________________________________

Vĩnh biệt thầy Hoàng Ngọc Hiến

Nguyễn Trọng Tạo

Sau ca mổ cắt đi nửa mét ruột vì ung thư đại tràng ngày 5-1-2011, thầy Hoàng Ngọc Hiến (ảnh) không còn hy vọng sống vì hôn mê sâu. Và 11 giờ đêm ngày 24-1 thầy đã lặng lẽ vĩnh biệt cõi trần, hưởng thọ 81 tuổi. Thầy là người sáng lập Trường Đại học viết văn Nguyễn Du.

Tôi là học trò khóa 1 của thầy Hoàng Ngọc Hiến ở trường viết văn, nhưng tôi xin được gọi thầy bằng anh, bởi chính thầy Hiến muốn thế, thích thế.

Với tôi, anh Hoàng Ngọc Hiến là một hiện tượng phê bình sáng giá của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX. Anh thực sự là một nhà “lý luận phê bình mới” với nhiều khám phá. Những cú hích của anh thường làm cho giới lý luận bảo thủ bị sốc, gây ra những cuộc tranh luận khá tốn giấy mực trên văn đàn với những “chủ đề” do anh phát kiến như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”, “văn học kể nội dung và tả nội dung”. Anh đề cao “trí tuệ của trái tim” với quan niệm “phê bình là làm sáng giá cho tác giả và sáng giá cho tác phẩm”. Anh điều chỉnh sự cách tân xô bồ náo loạn vô hướng của văn học hiện tại bằng việc nhấn mạnh “chủ nghĩa cổ điển mới”.
Theo quan sát của tôi thì Hoàng Ngọc Hiến thường đứng ra ngoài các cuộc tranh luận do anh khởi xướng, chỉ khi thật cần, anh mới phát biểu tiếp chính kiến của mình. Còn nói chung anh luôn bỏ lại sau lưng những làn sóng tranh luận phản bác hay ủng hộ, ngợi ca hay quy chụp… để rồi anh lại lẳng lặng chuẩn bị cho một phát kiến mới, một vấn đề tranh luận mới. Đôi khi, anh làm cho những người tranh luận bỗng ngơ ngác khi nhận ra rằng, Hoàng Ngọc Hiến đã vượt thoát khỏi cuộc tranh luận lúc nào không hay. Đó cũng là cách tranh luận của một kẻ cao cường, hay nói cách khác đó là nhân cách lý luận phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, không sa vào ma trận mà biết lựa chọn cho mình một tâm thế minh triết. Và người ta ghi nhận anh như một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực: văn học, triết học, văn hóa và giáo dục.

Hoàng Ngọc Hiến không được Hội đồng nào phong học hàm giáo sư, nhưng rất nhiều người trong và ngoài nước gọi anh là giáo sư. Tôi nghĩ đó là một vinh dự lớn của anh, bởi hàm giáo sư của anh đã được một “hội đồng ngoài hội đồng” phong tặng, như một hiển nhiên công nhận. Anh chỉ có một học vị mà quá nhiều người đạt được, đó là học vị phó tiến sĩ được bảo vệ thành công ở Liên Xô cũ (1959).

Là một người sáng tác, tôi nhận được ở anh Hoàng Ngọc Hiến thật nhiều điều quý giá. Lý luận phê bình của anh thường thức tỉnh tư duy sáng tạo của người sáng tác. Anh đánh thức u mê mòn cũ. Anh mở ra những tự do mới cho nhà văn để hướng ngòi bút vào sự thật của thời đại. Bởi anh rất nhạy cảm để phát hiện ra những giọng điệu mới, những “kênh” mới của văn chương và đánh giá nó trên cơ sở lý luận, vốn sống, trực giác và tầm tri thức văn hóa lớn. Vì thế, tôi đọc anh từ Nguyễn Du, Maiakovsky, đến Juylieng và nhận ra ở anh một quá trình vượt thoát từ người trí thức cán bộ đến trí thức bình dân để trở thành một trí thức bình dân bác học.

Hoàng Ngọc Hiến là người đàm đạo về văn chương không biết chán. Khi thì anh say sưa nói về mỹ học – đạo đức học mới, khi thì anh nói về triết học mới Đông Tây, khi thì anh bàn về tính “căn bản văn hóa”, có khi anh nói về Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh… Những câu chuyện của anh bao giờ cũng rút ra điều mới mẻ nhất mà anh đang cảm nhận trên mặt bằng thế giới quan sát được. Phải nói anh là một người đọc xuất sắc.

Nhớ lại 30 năm trước, thời “hậu phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, cái thời kham khó về cả vật chất lẫn tinh thần, tôi và bạn bè thỉnh thoảng ghé thăm anh ở căn phòng nhỏ trên đường Triệu Việt Vương, Hà Nội. Có lần không tìm được anh, tôi trở lại khu Bốn và viết một bài thơ trên máy chữ gửi anh. Bài thơ như một sự chia sẻ với anh những ngày tháng gian nan, muốn khẳng định, cuộc đời cũng như bài thơ chỉ có một văn bản, chỉ một lần công bố, đó là “Bài thơ không cho phép sửa chữa”. Anh Hiến cũng như bài thơ “chỉ viết một lần”.

Anh từ giã cõi trần, nhưng những cơ sở lý luận của anh luôn gợi mở cho văn học vươn lên đi tìm những giá trị đích thực vì cuộc sống và vì sự phát triển của nó. Vĩnh biệt anh, tôi lặng lẽ tìm lại anh trong hàng ngàn trang sách anh để lại cho đời…

Hà Nội, ngày 25-1-2011
_________________________________________

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Thầy Hoàng Ngọc Hiến trước thử thách của số mệnh

Vi Thùy Linh


(TT&VH) - Bị hen suyễn lâu năm, ông vẫn cố gắng viết, vào mạng mỗi ngày, khi tuổi bát thập. Đi khám, bác sĩ bảo ông đau dạ dày. Lẽ ra ông phải chụp cắt lớp ổ bụng, song con người quá nghệ sĩ lãng đãng ấy lại bỏ qua. Cho đến đầu năm mới, quá đau không chịu thấu, phải cấp cứu, mới biết đã bị ung thư.

1. Hơn nửa thế kỷ làm thầy, dù không có học hàm giáo sư chính thức của Nhà nước, các trí thức, báo giới vẫn gọi Hoàng Ngọc Hiến là giáo sư, bằng tất cả niềm khâm phục, kính trọng và trìu mến.

Là hội viên Hội Nhà văn VN từ 1987 khi 57 tuổi, nhưng cuộc đời ông gắn với văn chương từ thiếu thời đến khi gục ngã vì bệnh tật.

Ông là nhà văn, nhà phê bình, nhà giáo và trên hết, sự uyên bác nhiều lĩnh vực (nhất là văn chương, triết học) của ông mang tầm của một nhà văn hóa.

Hoàng Ngọc Hiến bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô (cũ) về Maiakovski, có thể coi ông là “Nhà Maiakovski học”, bởi ở VN, chưa ai hiểu biết vượt qua ông về thi hào lớn này.

Tận tụy với sự nghiệp giảng dạy, nhân hậu, bao dung, luôn vì học trò, vì mọi người, Hoàng Ngọc Hiến sống giản dị trong ngôi nhà tập thể Trường ĐH Văn hóa, nơi ông đã thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1979. Bù lại, ông rất giàu bạn bè, được kính nể mang ơn, bởi cả đời ông chỉ biết sống tốt, giúp đỡ người khác. Học trò của ông cực đông và thành đạt khắp VN, nên gọi ông là “Giáo sư của các giáo sư” cũng không quá. Phát hiện và khẳng định tài năng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, là tác giả nhiều thuật ngữ văn học, trong đó có “hiện thực phải đạo”, song hiện thực bệnh tật lúc cuối đời lại bất công với ông.

Ông lấy vợ muộn và chỉ có hai con gái: nhà báo Hoàng Tố Hoa (sinh 1967) và nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai (sinh 1969, Phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học). Các con lấy chồng, chỉ hai ông bà ở bên nhau. Bà Phạm Tố Nga (sinh 1939) là một phụ nữ đẹp, từng là phóng viên báo Phụ nữ VN, thu xếp gánh vác việc nhà; còn chuyện học hành, gây dựng cho con, ông lo liệu. Ông bà chỉ có 2 cháu ngoại Phương Tân (lớp 4) và Ngọc An (5 tuổi) con của vợ chồng Tố Mai - nhà thơ Nguyễn Bình Phương, sống tại tầng 5, chung cư quân đội phố Lý Nam Đế.

2. Ngay sau hôm đưa đi cấp cứu, ngày 5/1, tiến hành phẫu thuật cho ông. Tuổi 81 không chịu nổi cơn đau, ông đột quỵ, hôn mê. Gia đình dốc tiền bạc lo thuốc men, cầu khấn tổ tiên, ông qua cửa tử mà vẫn rất mong manh: toàn thân phù, bất động, mắt dại, sau mấy ngày tỉnh, giờ hết phù nhưng lại không biết gì. Các con, cháu thay nhau vào thăm, xoa bóp, truyền năng lượng và nói chuyện để khơi gợi ý thức cho cha. Bà Tố Nga căng thẳng, lo lắng, lăn ra ốm, bệnh tim, huyết áp cao, phù chân hành hạ.
Chị Hoàng Tố Mai cho biết: “Gia đình xác định ông có thể sẽ nằm bất động vài tháng, mỗi tháng chi 35 - 40 triệu đồng, chúng tôi dốc sức, miễn là bố qua khỏi, dù có thể khó phục hồi trở lại như trước. Một người như ông, không thể gục ngã lúc này. Chúng tôi sẽ cố hết sức”.

Chị Mai cho biết, một số học trò từ xa biết tin cũng tìm về thăm thầy, xin trực trông thầy, nhiều nhà văn đến thăm nhiều lần, như Bảo Ninh. Chị tin vào tâm linh, nhiều người mang ơn, nhớ ơn thầy, cùng cầu cúng cho thầy tai qua nạn khỏi. Tối 15/1, PGS. TS Văn Giá và tôi, sau đó là GS Trần Đình Sử, vợ chồng TS Chu Văn Sơn tới BV Hữu Nghị thăm GS Hoàng Ngọc Hiến, nằm bất động tại giường 6, tầng 3, nhà 10. Là học trò của thầy Hiến, cầm bàn tay phải đang phù của thầy, TS Văn Giá rất xót xa, lay gọi: “Thầy ơi!”, đáp lại là lặng thinh, đôi mắt mở không thần sắc.

Bao nhiêu lo lắng, tâm sức dồn cho ông. Lẽ nào một lần ngã bệnh mà quỵ ngã, trời sẽ thương, người “ở hiền gặp lành”. Giai đoạn cam go này, tốn kém rất nhiều tiền bạc, sức lực, gia đình neo người của thầy Hoàng Ngọc Hiến sẽ vững vàng hơn nếu có nhiều tấm lòng sẻ chia, để vực thầy Hiến vượt qua thử thách lớn lao của số mệnh, trở lại cuộc sống an lành.

________________________________________

Đọc và thử đọc Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Hữu Sơn

- Nguyễn Huy Thiệp là ông thầy phù thủy chữ nghĩa. Chỉ với 24 chữ cái và 6 dấu thanh điệu, ông đã làm mê hoặc người đọc, tạo nên bao nhiêu sóng gió trong làng văn bút. Người đọc vẫn đang mải mê “đi tìm” Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn biết cách nối thế giới cần lao với tiên cảnh, biết cách phù phép cho mỗi con chữ, mỗi câu văn, mỗi thiên truyện tầng tầng lớp lớp ý nghĩa và mở cho người đọc muôn nẻo cách đọc khác nhau…

Nhìn từ phương diện xã hội học văn học, vấn đề nhà phê bình - người đọc và thị hiếu văn học ngày càng được khảo sát, phân tích sâu sắc hơn. Trong thực chất, thương hiệu “nhà phê bình” chính là sự đặc tuyển từ vô vàn những người đọc, làm nên một kiểu người đọc chuyên nghiệp, có nghề, có khả năng định hướng thị hiếu bạn đọc và dư luận xã hội.
Rõ ràng thị hiếu là một phương diện quan trọng trong toàn bộ đời sống văn học, tồn tại vừa như một phân đoạn trong hệ thống liên hoàn: hiện thực xã hội - nhà văn - công chúng bạn đọc; vừa tác động vừa chịu sự qui định trở lại của của các phương diện khác. Song đã nói đến thị hiếu tức là nói đến sở thích riêng: người này nhạy cảm với tâm sự u hoài lắng đọng, người kia thích hài hước, người khác đam mê vẻ ly kỳ trong các tác phẩm tâm lý xã hội, viễn tưởng, trinh thám. Trên cơ sở thị hiếu cá nhân lại dần dần hình thành những nhóm thị hiếu… Chính trên cơ sở này mà các nhà lý luận cho rằng câu chữ văn bản chỉ có “Một” song lại có “Vô vàn tác phẩm” với ý nghĩa mỗi người đọc là một thực thể độc lập, có khả năng tiếp nhận, thanh lọc, chuyển hóa văn bản theo “tầm nhìn biến đổi” một cách riêng biệt (1).

Theo dõi suốt thế kỷ XX, có thể thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một hiện tượng của sáng tạo văn học và đồng thời cũng là hiện tượng của những cuộc trao đổi, tranh luận quyết liệt giữa những người đọc, người phê bình và trong chính giới sáng tác. Chính thức xuất hiện trên văn đàn với tập truyện ngắnTướng về hưu (2) in trên giấy nứa đen nhẻm gồm 10 truyện được viết theo phong cách “giả cố tích” (Trái tim hổ, Con thú lớn nhất, Nàng Bua, Tiệc xòe vui nhất, Sói trả thù, Đất quên, Chiếc tù và bị bỏ quên, Sạ, Nạn dịch, Nàng Sinh) trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát và 9 truyện ngắn in đậm sắc màu truyền kỳ (Tâm hồn mẹ, Huyền thoại phố phường, Chảy đi sông ơi, Tướng về hưu, Muối của rừng, Chút thoáng Xuân Hương, Giọt máu, Không có vua, Con gái thủy thần), Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một trận “sóng thần” trong đời sống văn chương.
Ngay sau khi tập truyện ngắn Tướng về hưu in được một năm đã xuất hiện tập sách Nguyễn Huy Thiệp - Tác phẩm và dư luận(3), trong đó có tuyển những bài phê bình, trao đổi tiêu biểu về Nguyễn Huy Thiệp. Hơn mười năm sau, tập sáchĐi tìm Nguyễn Huy Thiệp(4) do Phạm Xuân Nguyên thực hiện đã đóng vai trò tổng thành, kịp thời tập hợp được hầu hết những tiểu luận nghiên cứu, phê bình, trao đổi, tranh luận, giới thiệu, đọc sách và điểm sách cơ bản nhất liên quan đến sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Qua công trình tập hợp này có thể xác định được chân dung của từng người đọc, dấu ấn của từng quan điểm, từng phong cách phê bình và có thể phân loại thành những cách đọc, những nhóm độc giả và những kiểu loại thị hiếu khác biệt nhau.
Tập sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp gồm 54 mục bài đã tập hợp và bao quát được những ý kiến luận bình cơ bản nhất xung quanh hiện tượng sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. Nói cách khác, có thể coi đây là câu chuyện "Người đương thời Nguyễn Huy Thiệp bàn về Nguyễn Huy Thiệp", khi mà nhận thức trong xã hội và văn giới còn đầy tính trực cảm, mỗi người đều phải bày tỏ rõ ràng chính kiến, quan niệm, chưa có độ lùi thời gian để tổng kết, kết luận. Châu tuần vào cuộc thẩm định và tranh luận sôi nổi này có mặt hầu hết các anh hùng hảo hán của làng sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học trong nước như Diệp Minh Tuyền, Bùi Hiển, Hồ Phương, Mai Ngữ, Nguyễn Văn Bổng, Bùi Bình Thi, Đông La, Trần Duy Thanh, Đỗ Trung Lai, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Văn Khang, Đặng Anh Đào, Nguyễn Hải Hà, Văn Tâm, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Hồng Diệu... Rồi thêm những hội thảo bàn tròn, phỏng vấn, điều tra dư luận... Rồi còn bài viết của các tác giả từ Nga, Pháp, Mỹ, Australia... Hỏi dư luận đã thấy gì ở trang văn Nguyễn Huy Thiệp ?
Có một điểm dễ thống nhất, dù khen dù chê, các ý kiến đều thừa nhận văn Nguyễn Huy Thiệp mới mẻ, hấp dẫn, có “Ma lực”. Quả thực có một giai đoạn, nhất là ở chặng đường khởi đầu, mỗi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đều là một quả pháo đùng gây tranh luận, bàn cãi - bàn cãi đến quyết liệt. Dường như trong tâm thế thời Đổi mới, bạn đọc dễ đồng cảm với cái mới, tự ý thức về cái mới như một biểu hiện của sự trưởng thành, đổi mới trong tư duy văn học. Vì thế, cái mới trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cũng được tiếp nhận trong sự đối sánh với cái cũ quen thuộc để nhận chân cả quá trình tiếp nối và phát triển: “Có một thời văn học của ta nặng về ca ngợi, biểu dương những phẩm chất tốt đẹp, những con người thuộc về khối cộng đồng nhân dân ta, dân tộc ta, xã hội ta” (Hoàng Ngọc Hiến); “Anh đã thoát khỏi căn bệnh trầm kha lâu nay văn học ta vẫn mắc phải: chủ nghĩa đề tài” (Diệp Minh Tuyền); “Đã có một thời quá dài, văn học nghệ thuật ta thường thiên về cái chung, cái phổ biến khi xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật” (Nguyễn Mạnh Đẩu); “Sáng tác đã thay đổi về căn bản - không chỉ còn là “công cụ” hoặc “phương tiện” của chính trị nữa - thì phê bình cũng phải thay đổi hẳn. Không phải là thôi “gác cửa” ở chỗ này thì “gác cửa” ở chỗ khác hoặc chuyển sang làm ngược vai trò của người “gác cửa” - thì gọi là đổi mới” (Đỗ Trung Lai) v.v... Ở đây tôi hiểu rằng cả Hoàng Ngọc Hiến, Diệp Minh Tuyền và hai nhà báo quân đội Nguyễn Mạnh Đẩu, Đỗ Trung Lai đều không hề phủ nhận quá khứ - càng không có cái gọi là phủ nhận nền văn học cách mạng trước đây - mà chỉ nhằm xét duyệt, chỉnh lý mặt hạn chế trong tổng thành giá trị nền văn học một thời. Có đặt trong sự so sánh ấy mới thấy được những đóng góp đích thực của Nguyễn Huy Thiệp - người vừa là hiện thân, đỉnh cao và “lãi lớn” trong cuộc canh tân văn học cuối thế kỷ XX này.
Còn nhớ bao nhiêu năm qua, hồi giữa thập kỷ Tám mươi của thế kỷ trước, anh bạn Trịnh Bá Đĩnh - bây giờ là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng phòng Phòng Lý luận Văn học, cây bút dịch thuật và phê bình nổi trội ở Viện Văn học - cứ cách nhật buổi sáng lại lóc cóc đạp xe đến nhà tôi trong làng Giảng Võ chỉ để cùng luận bình về... Nguyễn Huy Thiệp. Nói: “Tình hình gay quá ông ạ! Có hai bài đánh!”. Cách nhật, bảo: “Lại đánh tiếp hai bài dữ lắm! Gay go quá!”. Rồi sau lại thấy bảo: “Ổn rồi!”... Cứ như thế, khắp trong Nam ngoài Bắc, từ công sở đến tư gia, từ bàn biên tập đến quán nước, đâu đâu cũng thấy người đọc và luận bình Nguyễn Huy Thiệp.
Nhìn lại hành trình “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” có thể thấy rõ hai luồng ý kiến chính. Một phía thiên về phản ứng, thậm chí phê phán quyết liệt: “Ngòi bút của anh Thiệp đúng là của hiếm. Của hiếm của một tài năng đồng thời cũng là của hiếm của một bệnh lý, sự vội vã định hình, sự bộc lộ sâu sắc cái tâm lý chủ đạo là chối bỏ và phản kháng, lật đổ và hạ bệ mọi thần tượng” (Mai Ngữ); “xô ngã thần tượng” (Vũ Phan Nguyên); “bắn súng lục vào quá khứ” (Nguyễn Thuý Ái). Có tác giả như Đỗ Văn Khang say mê viết tới bốn bài, lội ngược dòng tìm lời giải đáp cho một định đề tư tưởng: Vì sao văn của Nguyễn Huy Thiệp ngày càng sa sút!... Còn lại một phía khác, được hiểu như dòng chủ lưu, thì nồng nhiệt chào đón, đánh giá cao, cho rằng tác giả xứng đáng nhận tặng thưởng “cây bút vàng” (Vương Trí Nhàn); “Lâu lắm rồi văn học Việt Nam mới xuất hiện một hiện tượng như hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp... Hy vọng chúng ta sẽ còn được đọc nhiều tác phẩm hay hơn nữa của anh. Có điều là mong cho anh có đầy đủ bản lĩnh để đứng vững trước những lời chê bai. Và cả những lời khen” (Diệp Minh Tuyền); “Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một tài năng, ngày càng có nhiều sự bàn cãi” (Nguyễn Văn Bổng); “Tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với một giọng điệu mới, một bút pháp sắc gọn, trẻ trung, rất thích” (Hồ Phương); “Trong hành trình “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”, tôi thấy một giọt vàng rơi vào lòng mình, giọt vàng ròng ngời sáng. Đó là truyện ngắn của anh” (Đỗ Đức Hiểu)...
Ngoài hai luồng ý kiến chính nêu trên, tập sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp còn có nhiều tiểu luận nghiên cứu thực sự chuyên sâu, công phu, tâm huyết. Nhiều tác giả đặt vấn đề phân tích từng hình tượng nhân vật, từng truyện ngắn, từng cụm đề tài (nông thôn - miền núi - thành thị), từng phương thức sáng tác (hiện thực - huyền thoại - lịch sử - giả cổ tích), từng thủ pháp nghệ thuật (thi pháp dân gian - vai trò người kể chuyện - nghệ thuật barôc), mở rộng liên hệ tới bút pháp sử ký, truyền kỳ phương Đông và cả dấu ấn văn học hiện đại Mỹ La-tinh… Phải chăng đó chính là những phương diện xác định giá trị đích thực các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và rồi được bạn bè quốc tế đón nhận, được dịch sang các tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia... Xin đơn cử lời đánh giá của Tiến sĩ G. Lockhart: “Hơn nữa, theo tôi đây là một tác giả Việt Nam có tài năng ngang tầm với những nhà văn xuất sắc quốc tế. Vì thế tôi nghĩ rằng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là một đóng góp cho văn học thế giới hiện đại” (Ở đây tôi xin nói lại, trước đây có nhà phê bình “bất cần lý luận” đã lên tiếng chê bai: Ồ, cái ông Ốp ông Ép ấy, biết gì!)...
Đánh giá hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp từ góc độ tiếp nhận văn học và các mối quan hệ lịch sử - xã hội có thể thấy nhà văn chính là một sản phẩm, một giá trị đồng hành với công cuộc Đổi mới. Nhiều ý kiến đã nhận định Nguyễn Huy Thiệp“là một dòng mạch xuất hiện đồng thời với đổi mới” (Nguyễn Đăng Mạnh); thêm nữa, còn khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa công cuộc Đổi mới đã sinh thành nên nhà văn: “Phải nói ngay rằng không có công cuộc đổi mới trong đời sống văn hoá văn nghệ hiện nay thì không thể có hiện tượng mới Nguyễn Huy Thiệp. Anh gặp thời!”(Diệp Minh Tuyền), “Nhưng anh vẫn là một người có hồng phúc, bởi với một người khác, ở hoàn cảnh xuất hiện khác, những trang văn trĩu nặng suy tư như của anh không dễ được xuất hiện, nếu có được xuất hiện cũng không dễ được người ta xúm lại bàn tán” (Đông La); “Chúng tôi nghĩ, hiện tượng Nguyễn huy Thiệp là sản phẩm tất yếu của sự gặp gỡ giữa tài năng với khát vọng dân chủ và đổi mới mà sự vận động ý thức xã hội cũng như văn học sau 1975 đem lại” (Nguyễn Hải Hà - Nguyễn Thị Bình... Như thế, bên cạnh những tặng thưởng “cây bút vàng”, có thể coi Nguyễn Huy Thiệp là “nhà văn anh hùng” của thời kỳ Đổi mới!
Đọc Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, hẳn không phải tôi đã tán đồng với tất cả mọi ý kiến khen cũng như chê trong tập sách. Tôi chỉ làm công việc tường thuật và luận bình các ý kiến bàn về Nguyễn Huy Thiệp. Dĩ nhiên mỗi nhà phê bình sẽ chịu trách nhiệm về những ý kiến riêng của mình. Chỉ có điều, hậu thế sẽ soi vào từng trang sách và bảo: Mỗ này trắng, Mỗ này đen, Mỗ này nhờ nhờ! (5)...
*
Về các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, ngay cả những người cực đoan nhất cũng thừa nhận văn ông đọc thật hấp dẫn, có ma lực, luôn lôi cuốn, gợi mở, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, mình tưởng thế này thì câu chuyện lại chuyển sang hướng khác, mình lý giải kiểu này hóa ra lại còn bao nhiêu điều thuận chiều và nghịch lý khác nữa. Ở đây chỉ xin thử nêu một cách đọc, một cách phân tích, thẩm bình hai đoạn ngắn trong truyện Không có vua và những câu song trùng mở đầu - kết luận trong truyện Những người thợ xẻ của Nguyễn Huy Thiệp.
Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp, Không có vua là một phức hợp của những tính cách nhân vật, tình tiết, cốt truyện. Ở đây chỉ xin bàn về tính phức hợp của các tính cách nhân vật và sự gợi mở những cách đọc, các khả năng tiếp nhận và ý nghĩa thanh lọc của câu chuyện.
Đọc một đoạn văn trong truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp:
“Đoài lên giường giở báo ra đọc. Sinh dọn dẹp một lúc rồi xuống đi tắm. Sinh xách hai xô nước vào trong buồng tắm, khép cửa lại.
Lão Kiền loay hoay dưới bếp, nghe tiếng dội nước ở buồng tắm, thở dài, bỏ lên nhà. Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân.
Đoài đang lim dim ngủ, thấy Tốn giật áo ngồi dậy hỏi: “Cái gì?”. Tốn xua tay, dắt Đoài xuống bếp, chỉ lão Kiền đang đứng kiễng chân ở trên ghế đẩu. Đoài cau mặt tát Tốn rất đau. Tốn ngã vập mặt xuống cái xô đựng nước, trên có tấm giẻ lau. Lão Kiền vội tụt xuống ghế, nép ở cánh cửa, lát sau chạy ra hỏi: “Sao đánh nó?”. Đoài bảo: “Nó vô giáo dục thì đánh”. Lão Kiền chửi: “Thế mày có giáo dục à?”. Đoài nghiến răng nói khẽ: “Tôi cũng vô giáo dục nhưng không nhìn trộm phụ nữ cởi truồng”. Lão Kiền im.
Đoài lên nhà, rót rượu uống. Lão Kiền đỡ Tốn dậy. Tốn xách xô nước, ngồi thụp xuống lau nhà. Lão Kiền đi lên bảo Đoài: “Rót tao một cốc”. Uống cạn cốc rượu lão Kiền bảo: “Mày có học mà tệ. Bây giờ tao nói chuyện đàn ông với mày”. Đoài bảo: “Tôi không tha thứ đâu”. Lão Kiền bảo: “Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b…”. Đoài ngồi im, uống thêm một cốc rượu nữa, rồi bỗng thở dài: “Kể cũng phải”. Lão Kiền bảo: “Làm người nhục lắm”. Đoài hỏi: “Thế sao không lấy vợ lẽ?”. Lão Kiền chửi: “Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?”. Đoài rót ra một cốc rượu nữa, tần ngần: “Bố uống rượu nữa không?”. Lão Kiền quay mặt về phía bóng tối, lắc đầu. Đoài nói: “Con xin lỗi bố”. Lão Kiền bảo: “Bây giờ mày như đào kép diễn trên tivi” (6)...
Trường đoạn câu chuyện trên đây xảy ra vào buổi chiều sau đám giỗ bà vợ lão Kiền. Tất cả có bốn nhân vật. Đoài làm việc ở Bộ Giáo dục, ít tiền nhưng khôn ngoan, bẻm mép, từng có hành vi “nhìn chăm chú vào khoảng lõm ở ngực chị dâu”, “đưa tay chạm vào lưng chị Sinh”, đã từng: “Nói rồi xán lại, hôn chút lên má Sinh. Sinh đẩy ra, Đoài hổn hển: “Tôi nói trước, thế nào tôi cũng ngủ được với Sinh một lần”… (Ấy thế mà ngay sau đó Đoài lại có cái quyền tra vấn, xét hỏi, xét xử người bố của mình). Cô Sinh là con dâu, người vô can, thụ động và là chứng nhân: “Sinh lọt vào gia đình nhà này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ. Không khí dịu lại” (Cho đến lần này, cô là nguyên cớ nhưng vẫn ngoại phạm, vô can, vô tình)… Ở đây lão Kiền là nhân vật chính, vợ mất đã mười một năm, lúc đó lão năm mươi ba tuổi, “cái tuổi oái oăm, lấy vợ nữa cũng dở, không lấy vợ nữa cũng dở. Lão Kiền chọn cái dở ít hơn, ở vậy”. Thế nhưng trong cái buổi chiều cay đắng ấy, khi nghe tiếng dội nước ở trong buồng tắm, lão “thở dài, bỏ lên nhà”. Không có diễn biến tâm lý, chỉ có hành động, chỉ có bước chân bản năng và một khoảnh khắc vô thức, mộng du, liều lĩnh, quyết đoán: “Đi vài bước, lão Kiền quay lại…”. Còn lại nhân vật Tốn là đứa con út dị dạng lại chính là người đưa ra ánh sáng một vụ việc éo le, chắp nối đưa đường cho kẻ vô - giáo - dục làm việc ở Bộ Giáo dục có tên là Đoài được quyền chỉ trích, trấn áp, hạ nhục người cha đã hết lòng hy sinh vì những đứa con.
Trong đoạn văn trên, tiếp nối sau sự kiện lão Kiền “nín thở ngó sang buồng tắm” là hành động và đối thoại chuyển từ quan hệ Tốn - Đoài đến Đoài - lão Kiền. Tại sao khi được Tốn mách bảo thì Đoài lại tát Tốn? Trong tâm tưởng, Đoài luôn buông thả dục vọng, cho mình có quyền chiếm hữu chị dâu. Bây giờ Tốn đã chỉ cho Đoài biết một thế lực khác cũng có mưu mô và ganh đua với y. Trong vô thức, Đoài tức giận “đá thúng đụng nia”, quay ra đánh Tốn và qui kết Tốn là “vô giáo dục” nhưng trong thực chất nhằm ám chỉ người cha. Rồi Đoài đóng vai người tử tế, thừa gió trút bỏ xung lực giận dữ lên lão Kiền và dồn người cha đến đường cùng, buộc ông phải im lặng, chấp nhận cuộc thua.
Đoạn văn tiếp theo miêu tả cảnh cha con uống rượu. Lão Kiền biện luận, bào chữa, biện báo, níu kéo, viện dẫn lẽ phải về mình dựa theo tấm phao lý sự bản năng, cái phần bản tính dục vọng “chuyện đàn ông”, “chẳng nên xấu hổ”… Trong tâm ý sâu xa, Đoài thừa nhận cái định đề người cha đã nói thẳng ra, tự liên hệ, nhìn lại chính mình nên bỗng “thở dài” và thừa nhận: “Kể cũng phải”. Lão Kiền tiếp tục chỉ rõ những nghịch lý và cay đắng của kiếp người trong hoàn cảnh cụ thể này: “Làm người nhục lắm”. Câu chất vấn của Đoài: “Thế sao không lấy vợ lẽ?” chỉ tự tố cáo và chứng tỏ y là người nông cạn, mới sống với phần bản năng mà chưa chạm được tới cái phần nhân tính ở người cha. Câu chửi buông thòng của lão Kiền: “Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?”. Chính câu hỏi hồn hậu này đã thức tỉnh Đoài, giúp Đoài đốn ngộ, chết lặng đi mà hiểu rằng chính cha mình đã hy sinh tất cả, dìm đến đáy cả cái phần bản năng gốc của mình từ ngày năm mươi ba tuổi mồ côi vợ qua suốt mười năm, để đến lúc này chúng bỗng thức tỉnh, để phần “con” trỗi dậy lấn át phần “người”.
Ở đoạn văn này cần đặc biệt chú ý đến tình tiết hai cha con uống rượu. Ban đầu, Đoài chủ động bỏ lên nhà rót rượu uống. Lão Kiền theo sau và phải xin/ sai Đoài rót cho một cốc rượu mới đủ dũng lực để nói chuyện sòng phẳng với anh con trai - phán tòa. Với Đoài, việc uống thêm cốc rượu không giúp anh ta có thêm dũng lực tranh biện với cha già mà ngược lại, nó giúp anh tỉnh táo, dần hiểu ra cơ sự và cả nỗi đau, niềm cảm thông và sự kính trọng với người cha nặng đức hy sinh. Chỉ đến khi Đoài rót thêm cốc - rượu - mời đốn ngộ, cốc - rượu - mời lượng thứ, tri ân nhưng người cha không nhận, chua chát quay đầu vào bóng tối, lắc đầu, thì chính khi ấy Đoài mới hiểu được cả một trời đau thương, mâu thuẫn giữa đức hy sinh và bản năng, giữa phẩm chất NGƯỜI và phần dục tính CON NGƯỜI ở cha mình. Lão Kiền càng nén chịu, càng hy sinh nhu cầu tình cảm riêng tư “chuyện đàn ông”, “chẳng nên xấu hổ” vì các con thì hành vi “thở dài”, “nín thở ngó sang buồng tắm” của lão càng tạo nên tính kịch và những day dứt thẳm sâu trong vô thức con người. Lão đã hy sinh, đã dồn nén, đã hết lòng vì các con để “lũ chúng mày được thế này à?” nhưng rồi trong một khoảnh khắc đành buông xuôi, để cho dục vọng nhấn chìm, quên đi đạo lý, quên đi cả phẩm chất NGƯỜI trong con người mình. Qua đoạn văn, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp đã hát lên khúc ca bi tráng về dục vọng và những giá trị nhân văn, về khả năng thức tỉnh phẩm chất con người trước những hệ lụy giữa cuộc đời thường muôn khó ngàn yêu.
Lại đọc tiếp một đoạn văn ngắn trong truyện ngắn Không có vua:
“Ba ngày tết trôi qua, lòng đường đầy xác pháo. Ai cũng có cảm giác ngày Tết trôi nhanh! Ngày nào mà chẳng trôi nhanh, hở giời?”(7)…
Đoạn văn có ba câu ngắn gọn. Câu thứ nhất chỉ là lời mô tả, ghi nhận một hiện trạng mà ai cũng trông thấy, có thể đo đếm được. Câu thứ hai biểu cảm một trạng thái tâm lý đúng với ngàn đời: Ngày vui ngắn chẳng tày gang (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhưng đến câu thứ ba thì Nguyễn Huy Thiệp đã đặt con người trước một cảnh giới Phật, trước sự mênh mang miên viễn của thời gian, trước ý thức về dòng chảy thời gian đang vùn vụt qua đi và trước cảm quan Phật giáo “Sinh ký tử qui” (Sống gửi thác về). Không phải chỉ ba ngày Tết trôi nhanh! Sự thật ngày nào cũng trôi nhanh, từng sát - na qua đi, từng giây từng phút qua đi, từng giờ, từng sớm, từng chiều vùn vụt qua đi. Chỉ từ câu trước đến câu sau, nhà văn đã đưa người đọc từ thực tại đời thường đến cõi thiên giới, trước những suy tư suy tưởng về thời gian, về từng giây lát đời người đang vùn vụt một đi không trở lại. Chao ôi là thời gian! Mỗi giây lát ta đang sống đây là đang tiến dần về cõi chết. Miếng da lừa thời gian đang dần co hẹp lại. Đó là cái thảm trạng hạnh ngộ của kiếp con người: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô (Thân như bóng chớp có rồi không - Nguyễn Vạn Hạnh). Đến Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn không hỏi con người mà hỏi giời, hỏi cõi hư không, vô thủy vô chung. Đáp lại câu hỏi ấy là tiếng vọng của sự tỉnh thức, là sự ý thức về thời gian, về nỗi khắc khoải in đậm sắc màu triết học và ý nghĩa kiếp người mang căn tính Phật.
Đối sánh hai đoạn văn trong truyện ngắn Những người thợ xẻ, một thuộc phần mở đầu, một ở lời kết:
“Hai bên bạt ngàn là ngô và bông. Những dãy núi đá vôi trập trùng cao ngất. Chúng tôi đi men ở dưới chân núi, vừa bé nhỏ, vừa cô đơn, lại liều lĩnh, mà bất lực, thậm chí vô nghĩa nữa. Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”…
“Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”(8)…
Mấy câu trên tả cảnh ngày ra đi. Đối sánh với thiên nhiên và thế giới tự nhiên, con người càng trở nên nhỏ bé. Ở đây xuất hiện hai không gian của sự “bạt ngàn”. Với ngô và bông vốn là thứ nhân vi thì chìm khuất, bị nuốt chửng đi trong mê trận của những dãy núi đá vôi trập trùng, còn hoa ban trắng của thế giới nguyên sơ thì vượt lên, chiếm lĩnh tất cả, bao trùm tất cả, hóa thành một màu ban trắng bạt ngàn, “màu trắng đến là khắc khoải, đau lòng”. Nhưng màu hoa ban ấy: “Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”. Đương nhiên cả nghìn năm trước, cả vạn năm trước, đời đời kiếp kiếp trước đây, hoa ban vẫn trắng thế thôi. Đi từ lời kể đến tự vấn, Nguyễn Huy Thiệp đã đặt không gian hoa ban mơ ảo tiên giới một màu tinh khiết trong cái đẹp dằng dặc miên viễn của thời gian quá khứ.
Tiếp đến ba câu văn sau tả cảnh ngày về gắn với giấc mơ hư ảo. Nhân vật “tôi” chuyển hóa thành “chúng tôi” để xác nhận một sự thật hiện hữu, một đảm bảo khách quan, hư ảo thiên giới thế đấy mà vẫn là sự thật nhãn tiền. Lại gặp lại một màu hoa ban trắng. Ở phần mở đầu, con người đi trên đường núi gặp bạt ngàn là hoa ban trắng thì bây giờ, trên cõi tiên giới bảy sắc cầu vồng lại nhận ra bạt ngàn là “hoa ban trắng bên đường”, kéo con người trở lại cõi đời thực tại, phàm trần, cụ thể. Câu hỏi về màu hoa ban được lặp lại, chỉ thay đổi duy nhất một chữ “trước” thành chữ “sau”: “Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”. Với người đọc, câu văn ở phần mở đầu và đoạn kết nối với nhau trong một trường liên tưởng, khơi gợi sự đối sánh thân phận mỗi con người trước vô cùng vô tận của vẻ đẹp hoa ban một màu tinh khiết. Đó cũng chính là vẻ đẹp của những giá trị nhân văn và ngôn từ nghệ thuật làm nên ma lực truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

______________
(1) Xem lại Nguyễn Hữu Sơn: Về đánh giá tác phẩm văn học, trong sách Điểm tựa phê bình văn học. NXB Lao động, H., 2000, tr.11-16.
- Nhà văn và thị hiếu văn học, trong sách Điểm tựa phê bình văn học. Sđd, tr.22-28.
(2) Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu. NXB Trẻ - Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Tp Hồ Chí Minh, 1988, 228 trang.
(3) Nguyễn Huy Thiệp - Tác phẩm và dư luận. Tạp chí Sông Hương ¬- NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1989…
(4) Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Phạm Xuân Nguyên sưu tầm, biên soạn). NXB Văn hoá - Thông tin, H., 2001, 550 trang.
(5) Xem lại Nguyễn Hữu Sơn: Đọc “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”. Đại đoàn kết Cuối tuần, số 253, ra ngày 1-7-2001…
(6) Nguyễn Huy Thiệp: Không có vua, trong sách Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Anh Trúc tuyển chọn). NXB Phụ nữ, H., 2001, tr.74-75.
(7) Nguyễn Huy Thiệp: Không có vua, trong sách Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Anh Trúc tuyển chọn). Sđd, tr.82.
(8) Nguyễn Huy Thiệp: Những người thợ xẻ, trong sách Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp(Anh Trúc tuyển chọn). Sđd, tr.153, 185.

________________________________________________________

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Người “kê cao” nền thơ Tày hiện đại

Nguyễn Thuý Quỳnh

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. Ông sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948 tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Hiện ông đang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam.

Bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình khi còn là một chiến sĩ bộ đội đặc công, sau khi chuyển ngành, ông từng theo học và tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam và Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông ghi dấu tên mình vào đời sống văn học Việt Nam từ bài thơ Tiếng hát tháng Giêng – Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1984. Và cũng từ ấy, cuộc đời ông gắn với thơ như duyên nghiệp và lẽ sống. Hơn hai mươi năm qua, ông sáng tác và công bố 6 tập thơ : Tiếng hát tháng Giêng (1986); Lời chúc (1987); Đàn then (1996); Chín tháng (trường ca, 1998), Thơ Y Phương (2000); Thất tàng lồm (Ngược gió, song ngữ Tày-Việt, 2006). Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Y Phương quan niệm: “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”. Trên thực tế, ông đã không chỉ làm được việc trả ơn cho cha mẹ, cho dân tộc đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, mà bằng tài năng và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông đã thực sự làm rạng danh cho thơ Tày, và góp một giọng điệu lạ cho thơ Việt thế kỷ XX. Đặt thơ Y Phương trong dòng chảy liên tục của thơ Tày thế kỷ XX, chúng tôi nhận ra: Nếu như thơ của các thế hệ trước Y Phương như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân… trên cơ sở kế thừa sâu sắc truyền thống thi ca Tày đã thực hiện sứ mệnh mang thơ Tày gia nhập nền thơ Việt Nam hiện đại, thì trong khoảng hai mươi năm qua, thơ Y Phương đã đưa thơ Tày lên một tầm cao mới, vừa chiếm lĩnh tư duy và thi pháp thơ hiện đại, vừa làm giàu bản sắc dân tộc.

1. Cũng như thơ ca ở thời đại mà giá trị của con người được đo bằng sự cống hiến của anh ta đối với cộng đồng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thơ Y Phương thấm đẫm tinh thần yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc mình. Nhưng sự khác biệt so với các nhà thơ thế hệ trước thể hiện rõ ở cách mà ông thể hiện tinh thần ấy. Nếu thơ Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân…trực tiếp lấy quê hương – đất nước làm đề tài chủ đạo, họ làm thơ để hát lên những tiếng ca hào sảng về tình yêu quê hương đất nước, về những đổi thay lớn lao của số phận dân tộc mình, từ kiếp đói nghèo, nô lệ được làm chủ cuộc đời mình, thì thơ Y Phương trải rộng trên một hệ thống đề tài: chiến tranh, cuộc sống và con người miền núi, đô thị, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi… ở đề tài nào ông cũng thể hiện rất thành công.

Sự phong phú về đề tài thể hiện sự trải nghiệm của cuộc đời ông, một cuộc đời bắt đầu từ mạch nguồn ...cái làng của mẹ sinh con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt/ Có niềm vui lúa chín tràn trề/ Có tình yêu tan tành tiếng thác(Tên làng), đi qua khói lửa chiến tranh và trưởng thành: Nhận khẩu súng, đeo ngôi sao/ Đi dép lốp đạp bao thằng xâm lược/ Ăn cơm muối vừng mà thắng giặc/ Lớn lên chân cứng đá mếm(Thưa mẹ chúng con đã lớn); trải qua những thăng trầm của đất nước và thời cuộc, tìm về và khẳng định mình trong quan hệ máu thịt với cội nguồn dân tộc, khẳng định bản lĩnh, tài năng của một nhà thơ và niềm tin vào con người: Mặt trăng/ Mặt trời từ đâu mà có/ Mặt trời, mặt trăng ư?/ Từ chúng ta ngước lên mà thành (Trò chuyện với các thần).

Niềm tin vào sức mạnh của chính mình, sức mạnh của Con Người không chỉ là niềm tin cá nhân của nhà thơ. Niềm tin ấy phải chăng có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo của dân tộc Tày? Trong lịch sử văn hoá của mình, người Tày đã tiếp nhận nhiều giá trị văn hoá - văn minh trong khi giao lưu văn hoá với các cộng đồng dân tộc khác, nhưng riêng về tôn giáo thì hầu như chưa có một tôn giáo nào từ bên ngoài lại có thể tìm được chỗ đứng trong sinh hoạt tâm linh của người Tày. ở thời hiện đại, điều này vẫn có ý nghĩa của nó. Người Tày tin vào sức mạnh của chính mình. Họ, chứ không phải thế lực siêu nhiên nào khác, tự làm nên cuộc sống, làm nên xứ sở của mình, như Y Phương kiêu hãnh: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” (Nói với con). Họ dựa vào các quy luật tồn tại và phát triển của vạn vật trong thiên nhiên để cùng tồn tại và phát triển. Niềm tin và lòng tự tôn dân tộc trải qua ngàn năm, tạo nên một tâm thức, một trạng thái sống vững vàng và hài hòa của các thế hệ người Tày. Niềm tin lớn lao ấy nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng thơ của nhà thơ Y Phương, giúp ông nghiệm sinh những chiều kích khác của cuộc sống.

Có thể thấy ở thơ Y Phương sự đổi mới không ngừng trong ý thức điều hòa quan hệ giữa lý trí và tình cảm, giữa cái riêng của cộng đồng xuất phát và cái chung của cộng đồng gia nhập. Đó là sự tự nghiệm: Tôi có một dòng suối mơ/ Ra biển lớn vẫn chưa bằng lòng/ Bạc đầu sóng không một ngày ngơi nghỉ/ Cả cuộc đời tự vặn mình sinh nở/ Chảy mãi hoài vào người (Tôi có một dòng suối). Đó là ý thức về cội nguồn, truyền thống dân tộc, như những con đường núi, như tên làng, như câu hát tháng Giêng, như lời ru của bà,… không bao giờ mất đi. Ông không chỉ ý thức được việc giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn chủ động kiếm tìm và hòa nhập với sự biến đổi của cuộc sống theo thời gian. Điều đó làm cho thơ Y Phương vượt lên trên các nhà thơ Tày cùng thời và ngày càng chiếm lĩnh các giá trị mới.

2. Sự trải nghiệm cuộc sống, bản lĩnh và niềm tin cùng với tài năng và ý thức nghề nghiệp của nhà thơ đã làm nên trong thơ ôngmột giọng điệu đa thanh, vừa đằm thắm chất trữ tình vừa hào hùng chất sử thi, vừa hồn nhiên chân chất vừa sâu lắng tâm tư. Điều đó là sự khác biệt rõ nét đối với giọng điệu mạnh mẽ, hào sảng mang đậm chất sử thi, vốn là giọng điệu chủ đạo thể hiện qua lối kể tả chân thực của các nhà thơ thế hệ trước.

Khi viết về quê hương mình, dân tộc mình (trong các bài Lên Cao Bằng. Phòng tuyến Khau Liêu, Tên làng, Nói với con,Người sinh ra bài ca, Chín tháng…) ông sử dụng giọng điệu sử thi hào sảng và kiêu hãnh: Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm nên phong tục (Nói với con); Thắp sáng lên ngọn đèn/ Lịch sử hiện dần lên mặt vải/ Dân tộc vừa bơi thuyền vừa hát trường ca Khảm hải (Chín tháng). Và lớn hơn thế, là tình yêu, niềm tự hào và ý chí giữ gìn đất nước, giữ gìn nền văn hóa làm nên đất nước: Ta quyết không lùi /Cả đất nước trong vòng tay ta giữ / Câu hát thiêng liêng lắm chứ / Hát bây giờ còn để hát mai sau (Tiếng hát tháng Giêng)

Nhưng cũng trong những bài thơ ấy lại rung lên những bè trầm đằm thắm, thiết tha mà nhà thơ nhẩn nha và chân thành gieo vào lòng người: Đất nước/ Chưa một ngày yên nghỉ/ Ngủ cũng đi/ Mà ăn cũng đi/ Biển réo đằng kia/ Còn trời/ Còn đau khổ/ Đất nước dài nước mắt người thiếu phụ (Chín tháng), Em có buồn?/ Sao em bâng khuâng/ Quê hương mãi nghèo thế… (Tiếng hát tháng Giêng), Mẹ và em nhỏ/ Đeo đầy nhớ thương/ Cong cả đường cái quan (Phòng tuyến Khau Liêu), Bài hát ấy ở trong tôi/ Mỗi khi hát lại đầm đìa nước mắt/ Thương cho dân tộc mình lao đao bốn mặt/ Những phương trời lửa vừa tắt, lại bùng lên (Người sinh ra bài ca)…Đó là những vần thơ được viết từ trái tim nhiều rung cảm tình đời, từ sự trải nghiệm và thấu hiểu của một người yêu nước yêu dân tộc, không chỉ có niềm lạc quan chiến thắng mà còn hiểu cả sự bi tráng phía sau những chiến thắng ấy. Đó là khó khăn gian khổ và sự hy sinh, mất mát, điều mà các nhà thơ Tày trước ông ít khi đề cập tới.

Sự hòa nhịp giữa chất sử thi và chất trữ tình làm nên giọng điệu trữ tình – sử thi, là giọng điệu chủ đạo của thơ Y Phương trong khoảng mười năm đầu. Sau này, trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, thơ Y Phương thể hiện một giọng điệu mới, giọng điệu trữ tình – thế sự. Trong thơ đằm thắm niềm vui, khi nhà thơ nhận ra những nét đẹp làm nên giá trị của cuộc sống quanh mình: Mồng một Tết thắp hương/ Khói đi lang thang/ Theo khói/ Gặp bưởi vàng/ Dọc đường làng/ Chọc là cười/ Bầy trẻ nhỏ vừa mổ vừa ăn vừa đem ra nghịch/ Chân tay thơm quê hương/ Chúng nó nói giọng ông bà ngoại (Lời ru quê ngoại), Bất chợt ùa ra đường/ Từng đôi trăng đi/ Từng đôi trắng đi/ Cười lóa/ Sung sướng về đâu em (Một chút Lạng Sơn),Sớm nay/ giàn mướp rung rinh đài hoa/ Con ếch cốm ngắm vịt bơi rinh rích/ Cơn gió nồm chảy qua người xanh mướt/ Thung lũng như em/ Chìm lặng yêu thương(Chim trắng)…

Nhưng thơ Y Phương cũng chất chứa những suy tư, lo lắng về nhân tình thế thái, về những nỗi buồn, những hoài niệm mang sắc thái, cung bậc khác nhau, mà sự tinh tế đã giúp nhà thơ nhận ra. Đó là sự tù túng của vùng đất hay của thời cuộc, khiến nhà thơ hoang mang: Những mùa dài sông Bằng không chảy/ Tôm cá đi thơ thẩn như người/ Mái chèo chạm nỗi lòng gợn sóng/ Đi đâu?/ Về đâu?/ Bè ơi!(Những mùa sông Bằng không chảy). Đó là nỗi lòng của một người mẹ: Con thương mẹ bằng mưa/ Mưa một ngày đã nhạt/ mưa cả tháng thì sao (Lời mẹ)…Là nỗi lo lắng cho quê hương không thể nói hết lời trong câu thơ buông lửng vừa hàm chứa những nỗi niềm, vừa độc đáo về cách diễn đạt, và “bắt” người đọc phải tự hoàn tất cái khoảng trống thẩm mỹ ấy: Đời ông còn đun củi/ Đời cha đã chặt cành/ Đến đời con đun…cỏ/ Đất mỗi ngày mỗi khó/ Người mỗi ngày mỗi…(Người mỗi ngày).

Còn đây là sự cô độc của một người miền núi ở nơi thị thành, một cá nhân bé nhỏ, xa lạ giữa dòng chảy khổng lồ của thế giới hiện đại. Là nỗi đau đớn đến xót xa, giống như nỗi đau của một cái cây đã bứt khỏi cội rễ: Đây đâu phải nhà mình / Không thấy cánh đồng lúa vàng / Bãi đá sau làng/ ... / Mở cửa ra/ Nhà chồng lên nhà/ Nhà cũng guồng chân chạy/Những dòng sông người sôi lên ầm ào / Cháy khét/ Inh tai nhức óc/....Đóng cửa vào / Tiếng máy lạnh thở dài/ Màn hình chớp như khóc/ Gối/ Chăn/ Ga/ Đệm/ Nói tiếng gì/ Không biết/ Cây trong bồn/Hoa trong bình / Tranh trên tường/ Cười nỗi gì/Không biết. (Cười nỗi gì)

Sự đa giọng điệu trong thơ Y Phương mà giọng điệu nào cũng thành công là nét khác biệt và nổi bật không chỉ so với các tác giả thơ Tày lớp trước mà ngay cả với lớp tác giả cùng thời và sau ông cũng chưa ai có được.

3. Thơ Y Phương là kết quả của một quá trình tự ý thức trong tiếp nhận và sáng tạo để đạt tới sự hài hòa giữa dân tộc và hiện đại.

Y Phương chủ động làm cho hai thi pháp cổ điển và tự do hoà quyện với nhau. Ông kết hợp hài hòa giữa lối trần thuật, phô diễn gần với diễn xướng dân gian và lối viết cô đọng, súc tích, nói ít gợi nhiều của thơ hiện đại. Các tác phẩm Chín tháng, Tiếng vó ngựa trên đèo Heo, Người vùng cao…về sau này là Lời ru quê ngoại, Người mỗi ngày…,Mưa, Keng Pảng… thể hiện rõ điều này. Trong thơ Y Phương, ta thường bắt gặp những hình ảnh, ngôn từ, cách diễn đạt mang đậm chất Tày, đó là sử dụng cú pháp theo mạch liên kết thẳng, ít khi phá vỡ cấu trúc thông thường, thông tin thẩm mỹ đến trực tiếp; xây dựng những hình tượng thơ giàu tính biểu cảm, lối so sánh ví von, lối diễn đạt mang phong vị dân gian: Núi như trăm voi rùng rình/ Suối như bạc ào ào chảy…/ Mé già ơi nhớ mẹ râm ran khắp người/ Như chàm đã kín nương/ Như lúa trĩu đồi/ Mé yêu con bằng trời/ Nhưng không giữ/ Mé thả con mình theo nước về xuôi(Người vùng cao); Bất ngờ/ Em đổ vào tôi/ Củi mục cành khô lại xanh chồi/ Hòn đá vỡ mọc lên cây nghiến(Yêu muộn)…

Nhưng nếu như các nhà thơ trước ông dừng lại ở đấy, thì Y Phương đi tiếp. Ông luôn tìm tòi và thành công trong việc phá vỡ cấu trúc ngôn ngữ thông thường để cấu tạo lại (tái cấu trúc), tạo ra giá trị biểu đạt cao. Ông rất giỏi trong việc lập tứ, bài thơ nào của ông cũng có tứ mới. Đồng thời, ông hay tạo ra những phá cách về ngữ nghĩa, tạo ra những hình ảnh thơ lạ, có sức gợi rất cao:

Khi lửa tắt/ Nó thoát vào không khí/ Khi mặt trời lặn/ Nó thoát vào không khí Khi mặt trăng lặn/ Nó thoát vào da thịt em (Da thịt em); Bàn tay mềm ra suối mọc thành cây/ Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp (Em - cơn mưa rào – ngọn lửa); Cháu tỉnh rồi/ Đôi mắt đen như chữ Hán/Hau háu nhìn (Lời chúc).

Ông luôn cố gắng “lạ hóa” ngôn ngữ thơ, sáng tạo ra những từ láy mới nhằm tạo ấn tượng thẩm mỹ cao hơn: Cỏ lấp lánh/ Khe khẽ ướt (ánh trăng), Lúc bấy giờ/ tốc tác hạt mưa/… Quả gì túng tính đấy mình ơi/…Quả gì nhúm nhím đấy mình ơi/… Mẹ nhằm nhìnói… (Chín tháng), Cháu bé vừa đầy tháng/ Non nỏn như vành trăng (Lời chúc),…

Nhìn lại sự thành công của Y Phương mà đỉnh cao là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, xin tạm cắt nghĩa, có lẽ đó là sự kết tinh và toả sáng của một bản năng thơ thiên phú, một quá trình lao động nghệ thuật mà ở đó thơ như một lẽ sống, và vốn văn hoá sâu rộng khởi nguồn từ văn hoá Tày đặc sắc. Xã hội càng hiện đại, nhà thơ dân tộc thiểu số càng làm cho mình giàu có lên bằng tri thức và bản sắc văn hoá dân tộc, thì càng vững vàng hội nhập mà không đánh mất mình. Điều đó lý giải vì sao ngay cả ở những năm đầu của thế kỷ XXI này, trong khi các nhà thơ Tày cùng thế hệ với ông hầu như vẫn giữ lối nghĩ, lối viết như cách đây vài mươi năm, khó thay đổi, còn lớp trẻ hòa nhập nhanh với đời sống đương đại nhưng lại có phần nhạt nhòa bản sắc dân tộc, thì Y Phương vẫn vững vàng trên cả hai phương diện: dân tộc và hiện đại. Những thành quả sáng tạo của ông đã làm cho thơ Tày bay cao hơn trên bầu trời thi ca Việt Nam./

Nguồn: Văn nghệ
_____________________________________________

Những cách phê bình độc đáo

Tường Duy

Các nhà văn, nhà thơ vốn được xem là những người giàu chữ nghĩa. Chính bởi thế mà trong một số trường hợp, để tỏ thái độ bất ưng của mình với một tác phẩm nào đó, họ không "ngang bằng sổ thẳng" mà tìm ra những cách nói khá độc đáo, khiến người đối thoại không khỏi... bất ngờ. Một số mẩu chuyện sau đây là những ví dụ...

Nói gần nói xa chẳng qua... nói thật

Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên không thuộc trong số những người đánh giá cao bài thơ "Ngói mới", dù rằng có thời kỳ nó được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được xem như một bước tiến của thơ Xuân Diệu sau Cách mạng. Theo ghi chép của nhà phê bình văn học Hà Minh Đức thì trong một cuộc trao đổi về thơ, Chế Lan Viên có nêu nhận xét: "Bài thơ Ngói mới có ý hay, nhưng nếu cứ thế thì thêm hàng trăm câu cũng không khác".

Còn theo cuốn "Chuyện vui các nhà văn Việt Nam hiện đại" (NXB Thanh niên, 1990) của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thì một lần, sau khi Chế Lan Viên đi công tác khu 4 về, Xuân Diệu hỏi người dân ở đó họ thích thơ ai nhất. Chế Lan Viên bình thản đáp: "Tôi có hỏi nhiều người thuộc nhiều tầng lớp. Ai người ta cũng bảo họ thích nhất thơ Bút Tre".

Xuân Diệu nghe vậy giãy nảy: "Trời ơi, thích nhất thơ Bút Tre! Cái thứ thơ "Mời bạn về thăm núi Con Voi/ Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi/ Voi cũng như người voi sản xuất/ Đầu thì nương sắn, đít nương khoai" ấy ư? Thị hiếu văn chương hỏng hết rồi". Tới đó, Xuân Diệu hỏi dồn, rằng sao Chế Lan Viên không hỏi trong thơ Bút Tre, người dân thích bài nào nhất.

Đến đây, Chế Lan Viên mới hóm hỉnh "thả" một câu: "Họ bảo họ thích nhất bài... Ngói mới". Thì ra, Chế Lan Viên muốn mượn câu chuyện hài hước ấy để... chê khéo bài thơ "Ngói mới" của Xuân Diệu. Xuân Diệu, mặc dù biết mình bị "bẫy" song chắc cũng chỉ... cười xòa.

Từ khen xuống chê cách nhau có... một chữ

Tác giả "Tây tiến" - nhà thơ Quang Dũng - thời kỳ làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học đã có cách từ chối bản thảo của một tác giả khá bất ngờ và độc đáo: Trước đó, ông cất lời... khen, nhưng là khen những thứ râu ria không liên quan đến chất lượng nghệ thuật.

Ông nói với tác giả: "Tôi đã đọc rất kỹ bản thảo của anh. Bản thảo có nhiều ưu điểm. Chữ đẹp, viết cẩn thận, sạch sẽ. Nói chung, các truyện anh viết đều... (nói đến đây, ông dừng lại rót nước mời khách. Trong khi vị khách ngỡ Quang Dũng khen mình viết... đều tay thì nhà thơ nói tiếp) không dùng được". Có thể nói, chỉ trong một câu nhận xét, tác giả "Tây tiến" đã khiến ông tác giả kia như đang từ trên trời rơi tõm xuống mặt đất vậy.

Chưa đủ để khen

Sinh thời, nhà phê bình văn học Hoài Thanh nổi tiếng là tao nhã, tế nhị trong việc phê thơ. Ông thường lựa lời để người bị chê ít cảm thấy thương tổn. Ấy là việc viết ra giấy trắng mực đen. Còn trong giao tiếp đời thường, khi cần ông cũng thể hiện rõ sự nghiêm khắc của mình.

Chuyện kể rằng, hồi ông còn làm Viện phó Viện Văn học, nhân đọc bản báo cáo tình hình văn học trong năm của một cán bộ trong Viện (người này có học vị Phó tiến sĩ), Hoài Thanh đã nhận xét: "Bài viết của anh có nhiều điểm đúng và nhiều điểm mới. Nhưng... những điểm đúng thì người ta đã nói, còn những điểm mới thì lại... sai".
Quả là một cách phê bình mang nét dí dỏm rất Hoài Thanh.

Chê để khen và khen để... chê?

Nhiều người đã biết, Nguyễn Tuân là nhà văn rất khó tính trong thẩm định văn chương. Để có được một lời khen của ông quả thật không hề dễ dàng. Ngay với nhà văn Tô Hoài, người có vị thế văn học và từng nhiều năm tháng quen thân nhau, song phải mãi sau này, nhân đọc một truyện ngắn mới của Tô Hoài trên Báo Sài Gòn giải phóng, ông mới viết thư cho tác giả, thể hiện sự ưng ý, tâm đắc của mình.
Trong hồi ký "Cát bụi chân ai", Tô Hoài có trích in một đoạn thư của Nguyễn Tuân gửi cho ông: "Tô Hoài. Mình thường ít khen ông - về cả con người, cả nhà văn. Nhưng đọc Sài Gòn giải phóng, 13 tháng giêng 1985, mình thấy có một cái gì mơi mới ở ông. Nhưng phải khen cái truyện ngắn khá dài, khá sâu rộng này. Người thật việc thật trong chuyện này có thật không, hoặc có thì tới mức nào, đối với tôi không quan trọng. Cái quan trọng là nó như thật".

Có người đọc trích đoạn thư này, xem như Nguyễn Tuân "chê để khen", để nhấn mạnh cái cảm xúc khi ông đọc được một truyện mà ông tâm đắc. Song cũng có người lại cho rằng, đó đồng thời là một cách khen để... chê của ông, bởi vốn dĩ, như Tô Hoài nhận xét, giữa Nguyễn Tuân và ông có "nhiều cái không bằng lòng", kể cả trong tính cách và trong thẩm mỹ văn chương.

Không chê kém mà chê... hỗn

Trong những cây đại thụ của làng thơ Việt Nam, Xuân Diệu vẫn được xem là một trong những người cẩn trọng (thậm chí còn rất khe khắt) trong việc khen - chê. Nếu như Chế Lan Viên còn chịu khó biểu dương phong trào thì hầu như Xuân Diệu chỉ đi vào nghiên cứu tìm hiểu tác giả, mà chủ yếu là những tác giả cổ điển.

Đối với anh em trẻ, cũng có khi ông viết nhận xét về họ qua các cuộc thi thơ, nhưng chủ yếu là nhìn từ góc độ những chỗ chưa đạt để nhắc nhở anh em nghiêm túc hơn khi vào nghề viết. Phải nói, những lời phê bình của ông rất có ý nghĩa vì đa phần đều xác đáng.

Trong cuộc thi thơ 1972- 1973, báo Văn Nghệ in bài "Bà" của một cây bút trẻ. Xuân Diệu nhận định: "Tác giả bài Bà vì quá vô ý mà phạm phải nhiều lần vô lễ (ở trong thơ) đối với bà".

Khi cây bút trẻ nọ viết:

Đất màu nâu, da bà cũng màu nâu

Xuân Diệu phê: "Bà nội, bà ngoại đâu có phải một chiếc ấm đất mà nói cộc lốc như vậy. Anh lại càng vô lễ khi nói với bà rằng: mặt của bà nếp nhăn nhiều như mặt lúa khô queo".

Đến câu:

Giờ cây lúa đổi mùa thay hạt
Bà ơi, bà có trẻ thêm

Xuân Diệu bực bõ nhận xét: "Nếu cháu có hiếu thì cháu cứ khẳng định: cây lúa đổi mùa thay hạt, bà của cháu như cũng trẻ thêm ra. Chứ theo tôi nghĩ, hỏi như tác giả hỏi, là xấc láo với bà".

Câu "Ủ cho cháu là rừng cây đằm thắm/ Phải tay bà quàng đến sau lưng", Xuân Diệu than thở: "Chao ôi, tại người viết quá ư vô ý tứ chứ không phải tại tôi muốn sinh chuyện. Đáng lẽ có thể nói "ấm áp như tấm lòng của bà vẫn theo cháu mà ấp ủ", chứ cháu trai đã 19, 20 tuổi, có thể nói "bà mừng rỡ quá ôm chầm lấy cháu", chứ sao lại viết tỉ mỉ "Bà quàng cánh tay qua sau lưng".

Mới thấy, ở đây, Xuân Diệu không cần nói nhiều về nghệ thuật dựng tứ hay dùng từ, ông chỉ nói về cách xử sự đời thường, chỉ cần vậy thôi mà bài thơ bị ông phê đã hoàn toàn... đo ván.

Hơn cả phê bình

Năm ấy, tập thơ "36 bài tình" của hai tác giả nọ ra đời. Nhiều anh em làng văn tỏ ra rất khó chịu, cho rằng đây là một cuốn sách lập dị, tắc tị, mà sự chồng chất các câu chữ vô nghĩa lý của nó là một sự xúc phạm với thi ca. Nhiều bài phê bình đã được các báo in ra.

Và vấn đề lại tiếp tục được nêu lên tại cuộc họp bàn về thơ ở 19 Hàng Buồm- trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội. Tôi còn nhớ hôm ấy có nhà phê bình đã đọc cả bài viết rất cặn kẽ của mình để chỉ trích tập thơ ấy. Đến gần cuối buổi, nhà thơ Trần Ninh Hồ bỗng đứng dậy phát biểu. Câu nói của anh làm tất cả mọi người đều ngạc nhiên:

- Vừa rồi, tôi nghe đâu công nhân nhiều nhà máy in đang đòi sang làm việc ở cơ sở in tập thơ kia.

Mọi người ngơ ngác chưa hiểu ra sao, thì Trần Ninh Hồ giải thích:

- Là vì họ bảo họ rất thích được in những tập như thế này. Họ có thể xếp chữ nhầm lẫn lung tung, chữ nọ ghép với chữ kia chẳng ra nghĩa gì, mà cũng không sao cả. Vì bản thân chữ nghĩa của tác giả cũng vốn đã như vậy...

Mọi người cười ồ, thầm khen sự thông minh của nhà thơ.

Chê thơ bằng cách chơi chữ qua... tên

Trong các nhà thơ đương đại, Trần Đăng Khoa là người có biệt tài trong việc thể hiện sự khen - chê của mình qua một cách nói hết sức độc đáo. Anh từng nhận xét về cái ưu và cái nhược của một tác giả lớp trước: "Khi cần ngắm ông ở thể loại này, lại thấy ông lấp lánh sáng ở thể loại khác. Cũng vì thế, có nhà phê bình chẳng biết xếp ông vào đâu".

Với nhà thơ Trúc Thông, tác giả hai tập thơ "Chầm chậm tới mình" và "Maratông" (trong đó có bài thơ lục bát "Bờ sông vẫn gió" được nhiều bạn đọc yêu thích), Trần Đăng Khoa đã có cách chơi chữ rất dí dỏm, thông minh, qua đó phần nào thể hiện được sự "đong đếm" của anh: "Sau Chầm chậm tới mình, Trúc Thông bắt đầu chạy Maratông.

Có lẽ do mặc cảm, lại lo ngại đường xa, nên anh chạy quá nhanh. Nhanh đến mức tất cả thành lòa nhòa. Anh chẳng còn nhìn thấy ai, và cũng chẳng để ai nhìn rõ anh. Có điều, cái đích mà anh cần tới lại nằm xa dần ở phía... sau lưng: Bờ sông vẫn gió" (theo "Chân dung và đối thoại" - NXB Thanh niên, 1999). Những cách phê bình như thế không chỉ hấp dẫn độc giả mà còn gửi gắm được quan điểm của tác giả, và điều quan trọng là chính cách nói vui vui ấy khiến người bị phê cũng dễ... tiếp nhận hơn.

____________________________________________________

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Chuyện tình của Alexandre Dumas và nàng "trà hoa nữ"

- Một chuyện tình đẹp dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ nào thì cũng chạm đến trái tim con người của bất cứ dân tộc nào, ở bất kỳ thời đại nào, trong bất cứ không gian nào… “Trà Hoa Nữ” của Alexandre Dumas là một chuyện tình như thế.

Cha và con và những “xung đột”

Văn học thế giới chưa từng biết đến một “cặp đôi” tác giả có nhiều sự trùng hợp đến vậy: cả hai đều tên là Alexandre, đều mang họ Dumas (một là cha và một là con), cả hai cùng viết khỏe và cùng lừng lẫy trên văn đàn nửa cuối thế kỷ 19.
Tuy vậy ở họ cũng có những “xung đột”: Dumas-cha sinh trưởng trong gia đình phong lưu có bố là một vị tướng trong quân đội Napoleon và mẹ là một phụ nữ thượng lưu; còn Dumas-con – chỉ là hậu quả của cuộc tình chớp nhoáng giữa một anh chàng mới tập tành viết lách với một cô thợ may sớm bị người tình ruồng rẫy. Phải đến 7 năm sau khi Duma-con chào đời Dumas-cha mới thừa nhận đó là hậu duệ của mình. Nhưng rồi Dumas-cha cũng chẳng mấy quan tâm đến đứa con được thừa hưởng gien viết lách của ông.

“Địa hạt” sáng tác của cha con họ cũng rất khác nhau. Cha nổi tiếng ở dòng tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm với những happy-end; con thì thành công trong thể loại bi kịch tâm lý. Cha ưa thích bối cảnh lịch sử thời Louis XIII; con thì say sưa với các vấn đề nóng của thời đại mình: mại dâm, ngoại tình, ly hôn, số phận người phụ nữ “phía sau ánh đèn mờ”. Nội dung các tác phẩm của Dumas-con thể hiện ngay ở nhan đề: “Gái giang hồ”, “Ngài Alphonse”, “Đứa con ngoại hôn”, “Người cha hoang đàng”…

Có vẻ như đề tài bi kịch gia đình, thân phận cá nhân luôn ám ảnh người đàn ông từng bị coi là “con hoang”, từng có tuổi thơ bên người mẹ đơn chiếc. Nhiều người gọi Dumas-con là tác giả của những scandal, những người khác lại coi ông là trạng sư của gái điếm, của những đứa trẻ vô thừa nhận và những người mẹ đơn thân.

Dumas-cha khiến độc giả kinh ngạc bởi các nhân vật mà ông xây dựng bằng một trí tưởng tượng siêu phàm của mình (những chàng ngự lâm đầy ấn tượng, ngài bá tước Monte Cristo vô cùng cuốn hút…). Còn Dumas-con thì lại gom nhặt từ đời thường những tính cách đa dạng để đem vào tác phẩm của mình.
“Trà Hoa Nữ” - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông - cũng ra đời theo cách này, dựa trên những tình huống đời thực của chính ông. Cha đẻ của “Trà Hoa Nữ” từng nói: “Tôi cho rằng không thể tạo ra các nhân vật văn học khi chưa hiểu rõ về họ ngoài đời thực, cũng như không thể cất lời nếu chưa nắm được ngôn từ".

Ai là nguyên mẫu của “người đẹp hoa trà”?

Họ làm quen với nhau vào năm 1844. Nàng là Marie Duplessis, một kỹ nữ lừng lẫy của Paris với sắc đẹp có thể làm tan chảy trái tim bất cứ đấng mày râu nào. Chàng – một nhà văn quèn chẳng thể ngờ rằng cuộc gặp gỡ này lại có ý nghĩa đến vậy đối với văn nghiệp của mình sau này. Nhưng chỉ một năm sau đó, họ chia tay nhau. Nàng vốn đã nổi tiếng là thay tình nhân như thay áo.
Nhưng chàng, chẳng thể quên nàng, vẫn dõi theo “cố nhân” để rồi hai năm sau hay tin dữ: Marie đã qua đời vì bạo bệnh. Nàng chết lặng lẽ trong nỗi cô quạnh và sự lãng quên của những người hâm mộ, trong ngôi nhà hoang lạnh nơi quê nhà mà nàng đã chào đời cách đó 23 năm.

Marie Duplessis không đẹp một cách đơn thuần: cô khiến đàn ông muốn nghẹt thở mỗi khi đối diện. Trong khi đó, về gốc gác cô chỉ là con gái một nông dân. Năm 15 tuổi, Alfonsin (tên thật của Marie Duplessis) đã bị cha đem bán để lấy tiền. Cô từng làm việc tại một quầy bán rau quả, một quán ăn nhỏ, rồi một hiệu giặt là và đã… thôi miên không biết bao nhiêu khách hàng.
Rồi sắc đẹp của Alfonsin lọt vào mắt xanh Rokplan, ông chủ tương lai của Opera Comique. Sau đó Rokplan lại “chuyển giao” Alfonsin cho những người đàn ông khác, ở bậc cao hơn. Cứ như vậy, cuối cùng Alfonsin đã từ bỏ hiệu giặt để bắt đầu một hành trình mới: hành trình làm khánh kiệt các đấng mày râu bị nàng bỏ mùa mê.
Chẳng bao lâu Alfonsin được mệnh danh là nữ hoàng của đường phố Paris. Có cảm tưởng như cả thành phố Paris (đàn ông thì với lòng hiếu kỳ còn đàn bà thì với sự đố kỵ) cứ đổ dồn đến nơi có “nữ hoàng” hiện diện để chiêm ngưỡng nàng sánh vai với hết quý ông này đến “đại gia” khác.
Hẳn là để phù hợp với ngôi vị mới, nàng đã cải tên để trở thành Marie Duplessis. Tuy nhiên, fan hâm mộ thì vẫn quen gọi nàng là “người đẹp hoa trà” bởi nàng thường cài nơi ngực áo một đóa sơn trà.
Marie Duplessis đã quen với nếp sống xa xỉ. Có thời cô đã hò hẹn cùng lúc với một nhóm gồm 7 nhân vật chóp bu trong giới quý tộc Paris. Nhóm người này vừa là bạn bè vừa chung vốn làm ăn nên họ xài chung cả tiền bạc lẫn… nhân tình. Bởi vậy khi thì người này, lúc lại kẻ khác luân phiên nhau được “người đẹp hoa trà” nghênh tiếp trong ngôi nhà được bài trí rất sang trọng của nàng.
Xin mở ngoặc thêm rằng đây chính là ngôi nhà mà đã Dumas mô tả ngay trong phần đầu cuốn “Trà Hoa Nữ” khi ông tình cờ ghé lại và nhìn thấy tờ thông cáo về cuộc phát mại những món tài sản xa hoa trong đó. Đó chính là thời điểm mà “nữ hoàng” chẳng còn gì cả: không bạn bè, không tài sản, không cả tiền lo thuốc thang. Cô đã hết thời và đã bị giũ bỏ. Đó chính là lối giải khuây của Paris hoa lệ hồi giữa thế kỷ XIX.

Dumas thiên vị người tình cũ?

Trà Hoa Nữ được Duma mô tả như một thiếu nữ thanh tú với mái tóc đen, đôi mắt to sáng ngời sống động, cặp môi chín mọng và hai hàm răng ngọc ngà. Nàng phục sức trang nhã mà ấn tượng; nàng không bước đi mà là lướt đi với một vẻ duyên dáng rất đặc biệt. Vẻ duyên dáng ấy các quý bà phải kỳ công tập tành mà chưa chắc có được, nhưng ở nàng nó là “hữu xạ tự nhiên hương”, là thứ tài năng thiên bẩm. Thêm vào đó nàng lại thông minh, và lối ứng xử của nàng luôn toát lên vẻ tao nhã, thanh lịch mà ngay cả những phụ nữ thượng lưu cũng phải thèm thuồng.

Không rõ do thiên vị người tình cũ, do xúc động trước cái chết bi thảm của nàng hay do sự nhạy cảm trời phú mà Dumas-con đã cảm nhận được ở kỹ nữ này những điều mà người khác không cảm nhận được. Theo suy nghĩ của Dumas thì nàng phải chôn vùi tình cảm thật của mình, phải giấu kín những khát khao yêu thương trong lúc vẫn luôn tươi cười để giải khuây cho lớp lớp người tình. Và cái tứ cho cuốn “Trà Hoa Nữ” đã nảy sinh từ đó.

Theo lời của Dumas thì ở phần đầu và phần cuối tiểu thuyết hình ảnh của “người đẹp hoa trà” Margarit Gautie chính là của nàng Marie Duplessis ngoài đời. Còn phần giữa và cao trào của nó là do ông tưởng tượng ra. Và chính sự tưởng tưởng này đã đem lại cho cuốn tiểu thuyết những yếu tố lãng mạn, sức hấp dẫn đặc biệt.
Cô kỹ nữ Margarit vốn thay người tình như áo cuối cùng đã dừng lại để yêu chân thành chàng quý tộc trẻ tuổi Duval. Duval cũng yêu Margarit đến mức sẵn lòng cưới cô làm vợ bất chấp quá khứ hoen ố của cô. Nhưng rồi cha của Duval xuất hiện.
Gặp Margarit, ông hiểu ngay vì sao con trai mình đã phải lòng cô gái này: tuy từng là “gái bao” nhưng nàng lại có một tâm hồn cao thượng, nàng biết yêu thương bằng cả trái tim và sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Và cha của Duval đã lợi dụng ngay điều này.
Ông nói với Margarit về tương lai chắc chắn sẽ bị hủy hoại của Duval nếu như chàng cưới một phụ nữ không môn đăng hộ đối, ông nói về sự kết thúc của con đường danh vọng đối với con trai ông khi cánh cửa của tất cả các phòng khách thượng lưu khép lại vì không muốn Duval bước vào cũng với một “cựu kỹ nữ”.

Thế là giữa trách nhiệm và tình yêu, cuối cùng Margarit đã chọn trách nhiệm. Cô tuyệt tình với Duval để bảo toàn tương lai cho chàng. Rồi một thời gian sau, cô lâm bệnh. Cha Duval thậm chí đã chấp nhận cho con trai cưới cô nhưng ngay cả phép màu đó cũng chẳng thể thay đổi được số phận của Margarit - nàng đã chết vì ho lao, khi tuổi đời còn rất trẻ.
Khi viết về cuộc đời nàng kỹ nữ mà Marie Dyplessis chính là nguyên mẫu, dường như ngòi bút của Dumas-con trở nên bao dung hơn. Ông khiến cho nàng lãng mạn hơn, dịu hiền hơn, giàu tình yêu thương và đức hy sinh hơn. Và bằng cách ấy ông đã tạo nên một sự tương phản giữa phẩm chất cao quý trong tâm hồn những người phụ nữ “phía sau ánh đèn mờ” với thói đạo đức giả của những “ả sư tử” quý tộc mà Banzac từng mô tả.

“Trà Hoa Nữ” – chuyện tình vượt thời gian

Ra đời vào năm 1848, tiểu thuyết “Trà Hoa Nữ” đã gây tiếng vang lớn và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Tuy đề tài không mới, nhưng ngòi bút vừa sắc sảo vừa bao dung của Dumas-con đã chinh phục được độc giả.
Năm 1852, Duma-con lại viết một kịch bản dựa trên cốt truyện này. “Trà Hoa Nữ” lại thành công mỹ mãn trên sân khấu và trở thành vở diễn được diễn đi diễn lại nhiều nhất trên thế giới. Sau này, nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý Giussepe Verdi đã chuyển thể “Trà Hoa Nữ” thành vở nhạc kịch mang tên “La Traviata”. Cho đến tận ngày nay “La Traviata” vẫn được trình diễn trên các sân khấu nhạc kịch và trở thành tác phẩm không thể thiếu trong sự nghiệp âm nhạc của các ca sĩ opera hàng đầu thế giới.
Sang thời đại của điện ảnh và truyền hình, đã có hơn 30 phiên bản “Trà Hoa Nữ” ra đời và mở màn là phiên bản phim câm xuất hiện vào năm 1907. “Trà Hoa Nữ” đã chu du khắp thế giới trong các phiên bản phim của Trung Quốc, Mexico, Venezuela, Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Đức… Và nàng kỹ nữ Margarit Gautier đã được tái sinh qua diễn xuất của những ngôi sao sáng giá nhất như Sara Bernar, Gret Garbo…
Còn ngay tại quê hương Dumas, dù đã 150 năm trôi qua, nhưng khi “người đẹp hoa trà” tái hiện trên sân khấu Paris qua diễn xuất của Isabelle Adjani vào năm 2000 thì toàn bộ vé của buổi công diễn (được bán trước đó 4 tháng) đã hết veo.
Một chuyện tình đẹp dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ nào thì cũng chạm đến trái tim con người của bất cứ dân tộc nào, ở bất kỳ thời đại nào, trong bất cứ không gian nào…

(Theo báo Nga)
________________________________________________