Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Lúng túng giữa vĩ mô và tiểu ngạch

Truyện ngắn và nhà văn nữ là chủ đề của buổi toạ đàm mới đây do ĐSQ Canada và NXB Phụ nữ phối hợp tổ chức, nhân dịp xuất bản Tuyển tập truyện ngắn nữ Canada. Tại buổi toạ đàm, các nhà văn nữ đã sôi nổi đưa ra các ý kiến của mình về “thế giới văn học nữ”. “Theo tôi cái mới bao giờ cũng luôn khó. Giống như khi ta đi vào rừng rậm chưa có lối đi thì ta phải chấp nhận những dây leo chằng chịt quấn vào người, thậm chí quấn vào cổ đến khi không còn thở được nữa...” – nhà văn Y Ban tâm sự.PVVNT đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Y Ban nhân sự kiện này.

Chị có nghĩ rằng nhà văn nữ và nhà văn nam có cách tiếp cận thực tiễn khác so với nam giới hay không? Liệu có phải chị em đều hướng vào các khía cạnh môi trường tự nhiên hay cảm xúc mà nam giới dường như ít để tâm hơn? Cụ thể là nếu tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình không phải do đại văn hào Lev Tolstoy viết mà lại do phu nhân Sophia Tolstaya của ông viết thì liệu tác phẩm này có khác nhiều không? Nếu tác phẩm Truyện Kiều không phải do thi hào Nguyễn Du viết mà lại do nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng thời viết, chẳng hạn như thế, thì liệu câu chuyện hay những xúc cảm thăng hoa trong thi phẩm này có khác không?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải mang tác phẩm ra để so sánh chứ không nên chỉ nhắc đến cái tên. Chúng ta hãy nói ngược lại thế này: Chiến tranh và Hòa bình có hay hơn Cuốn theo chiều gío hay không?Jen Erơ có hay hơn Đôn kihôtê không?Tiếng chim hót trong bụi mận gai có kém hơn Trăm năm cô đơn không. Và Thân em vừa trắng lại vừa tròn thì có kém hơn Trăm năm trong cõi người ta không? Sao chúng ta không hỏi rằng liệu những đấng mày râu có viết được những dòng văn dòng thơ như vậy không? Thượng đế sinh ra nam và nữ để cho họ có những sự khác biệt để không ai có thể thay thế ai. Trong văn chương cũng vậy

ở phương Tây, phong trào nữ quyền trong thế kỷ 20 đã giành thắng lợi với kết quả phụ nữ có quyền bầu cử và nâng cao vị thế của họ trong pháp luật và văn hóa. Lịch sử và huyền thoại cho thấy phần lớn nước Việt thời cổ đại là một xã hội theo mô hình chế độ mẫu hệ. Vậy Việt Nam được hay mất như thế nào trước sự du nhập ăn sâu bám rễ của hệ thống giáo lý Khổng giáo vốn hạn chế vị thế của người phụ nữ trong xã hội?

Một câu hỏi khá hay đây, có thể gợi ý cho cả một luận án tiến sỹ. Theo quan sát của tôi, tôi nhận thấy thế này: Thời Việt cổ chúng ta theo mô hình mẫu hệ thì người mẹ, người phụ nữ là trụ cột phải lo đời sống cho gia đình, phải lo chum gạo cho gia đình, phải lo bếp lửa cho gia đình... trong sự tôn trọng của các thành viên trong gia đình. Rồi giáo lý Khổng giáo nhập khẩu vào, người mẹ, người phụ nữ vẫn phải lo đời sống cho gia đình, phải lo chum gạo cho gia đình, phải lo bếp lửa cho gia đình... trong sự vùng lên của các thành viên nam vốn từng là yếu thế.Mà cái sự yếu kém ấy mà thường đi kèm với sĩ diện và tự ái rất rất cao. Vậy là người phụ nữ lãnh đủ những sự khổ ải.

Theo chị các nhà văn nữ đã mang lại sự độc đáo gì cho văn học? Quan điểm? Chủ đề? Thái độ? ý thức? Tầm nhìn?

Những thứ chị đưa ra đó đều để làm ra một tác phẩm. Chúng đều có thể là rất tuyệt mĩ cả nhưng lại làm thành một tác phẩm không hay thì liệu độc giả có đọc không? Từ lâu chúng ta đã quên mất một bộ phận quan trọng nhất của tác phẩm, đó là độc giả. Với gần hai chục năm qua những nhà văn nữ của chúng ta đã viết được những tác phẩm hay.

Tại sao chị lại đưa ra cái mốc “gần hai chục năm qua” mà không phải là mốc nào khác?

Cái mốc này là tôi đưa ra với văn chương của nước ta. Tôi không phải là nhà phê bình để có thể khái quát văn học thế giới. Tôi đưa cái mốc đó là vì khái niệm đổi mới.

Thiên chức của người phụ nữ với gia đình cũng như các công việc ngoài xã hội của họ liệu có tạo ra những hạn chế đối với quá trình sáng tác văn chương của họ hay không ?

Theo cách nhìn nhận của tôi thì không. Vấn đề ở đây là nhà văn nữ có dám chấp nhận và đánh đổi trang viết với những thứ khác hay không?

Một số người có thể cho rằng đã có sự công nhận, tiểu thuyết do phụ nữ viết không chỉ đề cập đến những chủ đề đặc trưng riêng của phụ nữ nữa và các nữ nhà văn đã trở thành một bộ phận của dòng chảy văn học. Tuy nhiên, khi liệt kê danh sách các nhà văn nổi tiếng hoặc các giải thưởng văn học thì nam giới vẫn chiếm số đông. Vậy sự thiếu vắng tương đối của chị em phụ nữ trên văn đàn có phải là vấn đề không?

Chúng ta hãy lấy con số tỉ lệ nhà văn nam trên tỉ lệ nhà văn nữ thì thấy rằng nhà văn nữ ít hơn nhà văn nam rất nhiều. Và cái chính chúng ta phải nhìn nhận là các giải thưởng họ trao cho tác phẩm chứ không phải là nam hay nữ. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng khi còn sống những nhà văn nữ thường ít được tôn vinh hơn các nhà văn nam. Nhưng khi đã chết đi rồi thì tác tác phẩm để lại của các nhà văn nữ đâu có thua kém các nhà văn nam

Đến nay có thể tạm liệt kê các giải thưởng và chương trình dành riêng cho phụ nữ hiện nay bao gồm: Quỹ Rona Jaffe Foundatio do nữ nhà văn Mỹ Rona Jaffe (1931-2005) thành lập năm 1996 để giúp những nhà văn nữ đang nổi lên trên các lĩnh vực thơ ca, tiểu thuyết và sách hướng dẫn tiến bước trên con đường theo đuổi sự nghiệp viết lách của mình. Mỗi năm có sáu phụ nữ trẻ tài năng mỗi người nhận được 25.000 đôla để trang trải chi phí chăm sóc con cái, nghiên cứu hoặc đi lại. Giải thưởng Orange Prize ra đời năm 1996 tại London (Anh), tôn vinh tài năng và sáng tạo trong sáng tác văn học của chị em phụ nữ thuộc tất cả các quốc tịch. Hàng năm, các tác phẩm tiểu thuyết từ khắp nơi trên thế giới đều được xem xét đánh giá bởi một hội đồng quốc tế bao gồm các chuyên gia văn học. Người chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng trị giá 30.000 bảng (gần 50.000 USD) cùng với tác phẩm được giới thiệu rộng rãi trên thông tin đại chúng. ở Việt Nam chúng ta có Nhà xuất bản Phụ nữ, qua hơn 50 năm thành lập có nhiệm vụ xuất bản các tác phẩm của các tác giả nữ và dành cho chị em phụ nữ.Theo chị, liệu những sáng kiến chương trình như trên có giúp gì cho các nữ nhà văn không hay, theo một số người, chúng chỉ khiến cho những thành tựu trên văn đàn của chị em bị gạt sang bên lề và bị coi thường?

Tôi là người viết hơn 20 năm nay. Tôi không biết đến những giải thưởng trên nhưng tôi vẫn viết. Những tác phẩm của tôi được bạn đọc đón chào nhiệt liệt. Sách của tôi in ở nhiều nhà xuất bản khác nhau chứ không chỉ in ở NXB dành cho phụ nữ. Từ cá nhân mình tôi suy rộng ra rằng việc đầu tiên hãy viết những tác phẩm mà người đọc cần thì sẽ không bị gạt ra bên lề.

Trong cuộc gặp gỡ văn học vừa qua do ĐSQ Canada và NXB Phụ nữ tổ chức, bàn về văn học nữ quyền, chị có tự tin trả lời rằng: mình hạnh phúc vì mình là phụ nữ, hạnh phúc về việc viết về cái thời mình đang sống. Nhưng chị cũng phải chịu những hệ luỵ. Chị nói sao về điều này?

Quả là tôi là người hạnh phúc (trong một chừng mực nào đấy) vì tôi là người viết. Tôi tải lên con chữ những điều tôi nghĩ và người khác nghĩ (ít nhất là giải tỏa được cho chính mình)về cái thời chúng ta đã sống và đang sống nhiều biến động như vậy. Và tất yếu sẽ có hệ lụy vì đến nay tôi tự nhận mình là nhà văn hiện thực. Tôi đã viết một cách sống động nhất về các hiện thực xã hội mà chưa có độ lùi của thời gian.

Từng có người khuyên chị về sự điều chỉnh, thậm chí là thoả hiệp để tránh hệ luỵ. Nhưng chị vẫn đi theo cách của mình,thậm chí chấp nhận thiệt thòi. Có người bảo chị đang tự làm khó cho mình. Quan điểm của chị là gì?

Theo tôi cái mới bao giờ cũng luôn khó. Giống như khi ta đi vào rừng rậm chưa có lối đi thì ta phải chấp nhận những dây leo chằng chịt quấn vào người, thậm chí quấn vào cổ đến khi không còn thở được nữa. Và tôi là người thích khám phá nên tôi chấp nhận điều đó. Quả là tôi có đang tự làm khó cho mình nhưng tôi không đơn độc. Tôi luôn có bạn đọc đồng hành để động viên tôi những lúc tôi yếu lòng nhất muốn.

Chị mới được tiếp cận với sáng tác của các nhà văn nữ Canada. Chị thấy họ giống và khác chúng ta ở điểm gì?

Họ giống nhà văn nữ chúng ta là họ là nhà văn nữ, với điểm nhấn trong tác phẩm là tình yêu vợ chồng con cái gia đình và không gian sống quanh họ với cái nhìn tinh tế sâu sắc và hấp dẫn. Tất nhiên điều này thì cũng khá nhiều nhà văn nam đã viết nhưng chẳng đọng lại được bao nhiêu mà thôi. Nhận biết sự giống nhau là khá dễ dàng trong một tập truyện của 15 tác giả với 17 tác phẩm, còn sự khác nhau thì phải bàn thêm nhiều. Biết đâu trong tập sách này với chủ quan của nhà xuất bản họ chỉ chọn những tác phẩm hợp với cách đọc hiện nay?

Theo chị, để văn học Việt Nam , trong đó có văn học của các tác giả nữ có điều kiện giao lưu hội nhập quốc tế, chúng ta cần làm gì?

Chúng ta không làm gì được mà vẫn phải trông chờ vào tầm vĩ mô của các nhà lãnh đạo. Chúng ta đang muốn thoát ra khỏi cái cảnh xuất khẩu văn chương theo lối tiểu ngạch nhưng chắc là rất khó. Luôn luôn đụng phải vấn đề “Tiền đâu”. Là một nhà văn tôi không thể trả lời được câu hỏi đó.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

PĐ thực hiện
___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét