Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Mưa rửa đền

Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Ngày ấy, người con cả của âu Cơ là người có trí tuệ và sức lực hơn người. Người đã thống lĩnh hầu hết các bộ lạc trong vùng và lên ngôi vua, gọi là Hùng Vương. Người chọn đô ở khu vực hòa lưu của sông Đà, sông Lô với sông Cái; đặt tên nước là Văn Lang.
Trong vùng có một ngọn núi cao đột ngột nổi lên giữa những cánh rừng bạt ngàn. Đó là núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền núi rất thiêng. Hàng ngày có mây lành ngũ sắc tụ trên đỉnh. Đêm đến có bóng tiên du ngoạn bên các hàng cây. Hùng Vương chọn đất ấy làm nơi thờ Tổ tiên và tế Trời Đất.
Thuở hoang sơ, trên núi chỉ có một bãi đất phẳng, trên đó đặt những đồ tế khí dùng cho các ngày vua tế lễ. Một vài hang hốc dân Việt vẽ những thần linh do họ tưởng tượng ra hoặc những con vật quen thuộc như Bò, Dê, Ngựa… và thờ cúng với một niềm tin hoang dã.
Mỗi độ xuân về, vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng và gia quyến chọn ngày đẹp trời kéo về núi để cùng dân vui Hội, làm lễ tế Trời Đất, tổ tiên. Những ngày như thế vui lắm. Nơi thì săn bắn, nơi chơi đu, nơi đấu vật. Sôi nổi nhất là khu vực hát ghẹo, hát xoan. Tiếng hát ngân nga quyện trong tiếng trống đồng trầm hùng, càng làm cho ngày Hội thêm thanh bình.
Ngặt một nỗi, cứ chọn đúng ngày Tế Tổ tiên của vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, thì các bộ lạc ở phía Bắc và phía Đông núi Tam Đảo - nơi chưa chịu quy phục họ Hùng - lại nổi lên chống phá và lấy đất.
Một năm kia, Vua Hùng nói với Mẹ:
- Thưa Mẹ, mùa xuân tới con định đi về phía Đông càng sớm càng tốt.
- Thế còn việc tế tổ tiên?
- Chính vì lẽ đó mà con muốn xin phép mẹ.
- Chàng Cả! Con nói sao?
- Con định mang những người tâm phúc nhất và cũng tài trí nhất để thu phục nhân tâm, mở mang bờ cõi.
- Ở nhà mẹ biết làm gì? Mẹ cũng đã già rồi…
- Con đã trù liệu cả thưa mẹ! Trong số mười hai Lạc Hầu và mười hai Lạc Tướng của con, con sẽ mang đi một nửa, một nửa còn lại là những người sẽ giúp mẹ ở nhà.
- Còn lễ cúng Tổ tiên thì con định sao?
- Thưa mẹ! Cứ tiến hành như khi con ở nhà.
- Không được! Như thế là lừa dối Thần Linh?
- Không sao, thưa mẹ! Chắc Tổ tiên cũng sẽ phù hộ cho con.
- Trăm họ thì có thể lo vui Hội là quên việc con vắng nhà. Mẹ chỉ lo Thần Linh! Nhất là…
- À, Mẹ định nhắc đến một trăm linh một con voi do Đấng Tối linh tạo ra, thả xuống đất Văn Lang này để giúp con? Đã giúp con thì lo gì hả mẹ?
- Con không thấy sao? Mỗi buổi tế lễ, tất cả chúng đều hướng về núi Nghĩa Lĩnh, nơi có tiếng trống đồng thiêng nhất do con đánh, nơi có bàn thờ Tổ tiên do con đứng chủ tế. Nay nếu vắng con, lũ voi nhận ra điều ấy thì sao?
- Thưa mẹ! - Hùng Vương kính cẩn quỳ xuống - Con đã khẩn cầu các Đấng Tối linh, cầu Cha Trời, Mẹ Đất phù giúp cho con. Con đã có một lời nguyền. Dù là Thần hay Nhân ở đất này, nếu có lòng phản trắc thì xin trời tru đất diệt, phanh thây xé xác giữa hoàng thiên. Lời thỉnh cầu của con đã được chấp nhận. Nếu con xa nhà, có điều chi bất trắc, xin mẹ cứ thỉnh lại lời con như thế này… thế này... Hùng Vương thấp giọng: Nhưng xin mẹ chỉ khi nào nguy cấp mới dùng đến…
- Chàng Cả! Mẹ rất lo…
- Xin mẹ vững tâm! Chắc con đi cũng không lâu đâu.
- Ừ, mẹ mong con sớm trở về.
Thế là, gần đến ngày xuân, Hùng Vương chọn Lạc Tướng, Lạc Hầu, điều binh mã nhằm phía núi Tam Đảo xanh mờ thẳng tiến.
Bà âu Cơ ở nhà, lòng bộn bề trăm mối, bốn mươi chín người con trai của bà đều đã an bề gia thất, trông nom dân Việt ở từng vùng khác nhau. Chỉ những khi có việc lớn hoặc hoạn nạn mới hợp nhau lại giúp anh cả. Trong số mười hai Lạc Tướng, Lạc Hầu ở nhà giúp bà cũng có ba con của bà, biết chọn ai đây thay Hùng Vương tế tổ tiên. Bà chợt thoáng chút lo lắng khi nghĩa đến Lạc Tướng Lương Ám. Người này là tộc trưởng một bộ lạc phía Tây Nam kinh đô. Nhiều năm tranh quyền với Hùng Vương, gần đây mới chịu quy phục. Tuy vậy, trong lòng chưa hẳn đã hướng về họ Hùng. Nghe nói quân của ông ta còn rất nhiều ở bộ lạc phía Tây Nam ấy. Đặc biệt, hôm Hùng Vương chọn ông ta đi cùng mình về phía Đông thì ông ta lại cáo ốm, ở nhà. Con người này là sao đây?
Đang lo lắng bỗng có Lạc Hầu vào bẩm về việc trăm họ đã nhộn nhịp giã gạo, gói bánh, nướng thịt, chuẩn bị Hội Xuân. Bà âu Cơ quyết định: một mình ta chọn, e mang tiếng là thiển cận, hẹp hòi, chi bằng cho bố cáo thiên hạ, chờ đến đầu xuân, toàn dân được chọn trong số mười hai Lạc Tướng, Lạc Hầu ở nhà lấy một người thay Vua tế lễ.
Thế là, năm ấy, người Văn Lang được tự do chọn chủ tế.
Mẹ âu Cơ nhân từ và phúc hậu có ngờ đâu đó chính là đất tốt cho mầm mống của một âm mưu. Lương Ám tức tốc tung quân về bộ lạc của mình, hối thúc dân lành nộp ngọc ngà, châu báu, vàng bạc. Tất tất ông ta dồn về Kinh đô. Số của cải đó, ông ta lập tức biếu xén các Lạc Hầu, Lạc Tướng, các Tộc Trưởng ở khắp nơi. Các Lạc Hầu, Lạc Tướng, Tộc trưởng có ngờ đâu trong gói quà tết, trong các phong bao mừng tuổi lại có phần hậu hĩnh thế (!) Người trung thực thì ý nhị gửi trả, người ngờ nghệch, hay cố tình ngờ nghệch, thì im lặng coi là chuyện tình cảm.
Sắp đến ngày bầu chọn, khắp kinh thành và các Làng, các Chạ xôn xao về tài đức của Lương Ám. Tại tư dinh, Lương Ám mỉm cười, bộ râu dê vểnh lên, nước da màu xám chì của ông sắt lại.
Thế rồi, không cần bàn cãi, cuộc bầu chọn sôi nổi và cũng nhanh chóng qua đi, Lương Ám làm chủ tế.
Tế lễ của họ Hùng ngày ấy rất đơn giản. Giữa đàn tế là một cây trầm to được đốt lên vào buổi hành lễ, hương thơm của nó có thể bay đến tất cả các Làng, Chạ của đất Văn Lang. Một chiếc trống đồng to, khi dóng lên có thể gọi được tiếng trống từ bờ biển Đông hướng về. Lễ tiến hành trong ba ngày; ngày đầu là Cáo tế, ngày thứ hai là Chính tế, ngày thứ ba là Tế tạ; Còn cơ bản là Hội. Hội của dân Văn Lang thì ít nơi nào có được. Nghe nói các Nàng Tiên ở trên trời cũng nhớ Hội Xuân Văn Lang mà về dự; Trời thiếu gì Hội vui?
Đêm trước buổi lễ, Lương Ám chỉnh đốn trang phục, ăn chay, cùng gia quyến lên ngủ ở chân núi Nghĩa Lĩnh.
Nửa đêm, ông ta bỗng giật mình tỉnh giấc vì muôn vàn tiếng kêu rối rít. Ngửa mặt lên trời thì lạ sao! Trời xuân lất phất mưa, núi rừng trầm lặng. Thế mà trên đỉnh núi sáng trắng một vầng. Ngàn vạn Hạc trắng bay lượn trên đỉnh núi, kêu lên những tiếng thống thiết đến rợn người. Lượn rợp đỉnh núi, rồi lũ Hạc tản ra, chấp chới hướng về núi Tam Đảo bay đi.
Lương Ám cố chợp mắt, ông ta vừa chợt mơ thấy chín con rồng bay lượn rồi hạ xuống trước mặt mình thì bỗng rầm rầm, trời long đất lở, rừng núi như có hàng vạn binh mã đổ về. Ông ta toát mồ hôi, ú ớ kêu và tỉnh giấc. Không còn là mơ nữa, lừng lững bốn phương, tám hướng, hàng trăm con voi to lớn kỳ lạ đang ầm ầm lao về phía núi.
Lương Ám lập cập chạy sang lều bên:
- Thưa Mẹ! thưa Mẹ Âu Cơ…
- Có chuyện gì vậy? Bà Âu Cơ chưa hề chợp mắt, đĩnh đạc bước ra…
- Thưa Mẹ… voi… voi to quá, nhiều quá…
- À đó là một trăm linh một con voi do Thần Núi, thần Rừng cử về ngày lễ của họ Hùng. Mọi năm đến sáng mai nó mới về, sao năm nay nó lại về sớm thế! Hay là?...
- Hay là sao? Thưa Bà!
- À không! Ông mới về kinh thành nên không biết đó thôi, lũ voi này chúng hiền như đất, chỉ khi có binh đao mới dữ dội khác thường.
Lương Ám bớt run, nhưng bậm môi ngẫm nghĩ:
- Vương khí họ Hùng còn khá lắm đây. Ông ta chau mày lo lắng?
Buổi sáng hôm sau, trời quang mây tạnh. Trăm họ đã tề tựu đông đủ. Lương Ám bước lên đàn tế. Tiếng trống đồng hùng tráng vang lên.
Quá trưa, nghi lễ đang trang nghiêm, hương trầm tỏa ngát, mây ngũ sắc rợp đỉnh núi. Trăm họ rạp mình quỳ lạy, cầu xin Cha Trời, Mẹ Đất cho an hưởng thái bình. Từ đỉnh núi nhìn ra, một trăm linh một con voi phủ phục hướng về đất thiêng. Bỗng ở phía Tây Nam một con voi đực vùng dậy, giậm chân, lắc mình và ré lên. Nó phát hiện ra điều gì nguy hiểm. Con voi tung vòi, vật cây rừng, xăm xăm thẳng hướng ngược với núi Nghĩa Lĩnh, lao đi.
Con voi cái nằm cách đó không xa, thấy con đực đang chạy về hướng sông Cái. Nó vụt đứng dậy, gầm lên dữ dội. Cả buổi lễ xôn xao. Lương Ám cho nổi trống đồng, chín mươi chín con voi phủ phục quy lễ. Riêng con voi cái cứ xoay xỏa ngang dọc. Nó gầm lên, nó chạy ngược, đảo xuôi, tìm con voi đực, bạn đời của nó.
Lương Ám thấy không thể tiến hành buổi lễ được, đành phải chạy đến bên mẹ Âu Cơ. Người mẹ hiền từ bỗng chau mày:
- Không ngờ điều ta lo lắng lại là thật. Ông cho nổi hồi trống đồng linh thiêng lên. Nếu hai con voi kia không chịu quy phục… Lễ tế năm nay không thành thì ta thật có tội với Tổ tiên và Trời đất.
Lương Ám vội vã thi hành, tiếng trống vang lên như nén vào tim mọi người.
Con voi đực mất tăm về phía Tây Nam.
Con voi cái lồng lên hung dữ, tiếng ré thảm thiết vang đến chín tầng mây. Tiếng ré ấm ức, đau đớn…
- Ông Lương Ám! - Mẹ Âu Cơ đanh sắc mặt - Nếu con voi kia không dừng lại phục lễ thì hãy quỳ giữa đàn, ngửa mặt lên trời, cầu khấn những lời này. Đây là lời nguyền của họ Hùng ta! Kẻ nào đang tâm phản lại họ Hùng thì dù là Thần hay Nhân hay muông thú cũng bị xé xác, phanh thây giữa trời xanh, đất bằng!
Lương Ám giật mình nghĩ về lũ tinh binh và hàng ngàn muông thú đã được tôi luyện ở bộ lạc mình mà rụng rời tay chân. Tiếng trống ông ta dóng lên lập bập, thập thõm đến lạ lùng.
Con voi cái nghênh vòi vật đổ cây rừng.
Lương Ám ngửa cổ lên trời, hai tay giơ cao giập đầu cầu khẩn.
Trời đất tối sầm, sấm chớp đùng đùng nổi lên. Một tiếng sét xé trời đất. Đất đá bay mù mịt, cây rừng răng rắc đổ, nhà cửa nghiêng ngửa.
Lời cầu khấn đã linh ứng.
Ba ngày, ba đêm liền, trăm họ nằm trong bão táp của sự thịnh nộ linh thiêng.
Ngày thứ tư, trời trở lại yên ả. Đoàn người ngơ ngác, tả tơi về kinh đô và các Làng Chạ.
Không ai còn nghĩ đến hội hè nữa.
Lại nói về Vua Hùng ở xa nhà. Một đêm mưa lất phất, ông bước ra sân, thì chao ôi hàng đàn Hạc trắng xoắn xuýt trên đầu, kêu lên những tiếng thê thảm. Ông giật cương ngựa, lao thẳng lên đỉnh núi Mỏ Quạ, hướng về ngã ba sông.
Nơi ấy trời đỏ rực, từng lằn chớp xanh lét, xé toác bầu trời lao xuống. Các Lạc Hầu, Lạc Tướng nín lặng, nhìn quân vương lo lắng.
Nhà Vua quay lại phủ dụ các Tộc trưởng vừa quy phục, căn dặn họ chăm sóc dân lành, chăm chỉ làm ăn và gắn bó với Văn Lang. Hàng chục Tộc trưởng quỳ vâng lời.
Hùng Vương cùng binh mã lao về phía kinh đô. Sau khi vấn an mẹ Âu Cơ, Hùng Vương lên núi Nghĩa Lĩnh, hương trầm vẫn thơm ngát, mây lành phủ đỉnh non. Đứng trên đàn tế, phóng tầm mắt bao quát, nhà vua chợt nhận thấy chín mươi chín con voi thần đã định vị biến thành chín mươi chín quả đồi hướng về núi thiêng. Ở phía Tây Nam có một con voi quay ngang, đầu gục xuống, một vết chém xẻ ngang đầu, trắng nhởn. Nhà Vua lên ngựa phóng về hướng đó.
Đứng trước con voi bị chém, nhà Vua ngửa mặt lên trời cầu khẩn:
- Xin trời đất chứng giám lòng thành của con! Hỡi voi thần, nếu ngươi có lòng phản trắc thì xin hãy để phơi xương, hong da đến muôn đời. Còn nếu có điều oan trái thì ngươi hãy tỏ bày bằng cách tỏ tâm huyết của mình. Nếu huyết ấy đỏ như máu ta, đó chính là Thần dân trung thành của ta. Xin Thần Rừng hãy ứng báo!
Lạ thay, từ trong vết chém đất đá trắng hếu ấy bỗng một dòng máu đỏ xối xả tuôn ra thành dòng lớn. Vua Hùng cúi đầu trào nước mắt. Lại có Lạc Tướng báo về, trên sông Cái còn xác một con voi. Con này đang bơi qua sông thì bị chết. Xác nó cứ lờ lững trôi như chờ đợi điều chi, đầu nó quay về núi Nghĩa Lĩnh. Nhà Vua hỏi:
- Bây giờ đã trôi đến đâu?
- Bẩm! Đã quá Hạc Trì.
Nhà Vua tức tốc phi ngựa về xuôi, qua sông Lô, sang đất bãi phù sa ven sông Cái. Con voi như còn sống. Nhìn thấy Nhà Vua mắt nó chớp chớp. Nhà Vua quỳ xuống, chắp tay xin thần Sông:
- Kính lạy thần Sông! Nếu thật thần dân này oan uổng thì hãy để mãi mãi gần gũi ta, nếu là kẻ phản tặc thì xin thần Sông hãy cho thối thịt, tan xương trôi về cho cá biển.
Lại một điều kỳ lạ. Xác con voi từ từ đứng lại, đầu quay thẳng hướng Vua Hùng. Và, chốc lát sau, một bãi nổi hình thành giữa dòng sông. Nhà Vua thở dài, ứa nước mắt. Một Lạc Hầu đến bên cúi đầu.
- Có việc gì vậy? – Vua Hùng nghẹn ngào hỏi.
- Bẩm, có tin từ bên sông. Toàn bộ binh tướng muông thú của bộ lạc do Lương Ám cai quản đã bị con voi đực giày chết, giữa lúc chúng đang chuẩn bị thuyền bè tiến về chiếm kinh đô Văn Lang!
Tộc trưởng Lương Ám không có trong tư dinh, hình như ông ta đã cùng gia quyến chạy vào rừng hay trà trộn trong bản làng nào đó.
Vua Hùng buồn bã lên ngựa, về núi Nghĩa Lĩnh.
Chiều tháng Ba nắng hoe vàng. Cây cỏ trên núi cũng rạp mình cùng Vua Cha. Nhà Vua quỳ lạy:
- Xin cha Trời, mẹ Đất hãy cho con một đặc ân. Đó chính là mỗi năm vào độ này, đúng ngày minh oan cho hai con voi trung nghĩa. Trời đất hãy đổ xuống những giọt nước thần, rửa một phần vết chém cho con voi cái đỡ đớn đau và tưới cho hồn con voi đực chết giữa dòng sông được mát mẻ. Âu là Hoàng Thiên đã thấu cho thần dân đất Văn Lang!
Trời bỗng đổ mưa một trận mưa rào rất to.
Đêm đó là mùng mười tháng ba. Người đời sau bảo rằng đó là “Mưa rửa đền”. Đền đây là đền bù, đền đáp - một sự cải chính của bề trên.
Mẹ tôi bảo: “Con voi nằm trên sông Cái chính là bãi Chu Chàng ngày nay, nó ở phía dưới Việt Trì, thuộc tỉnh Sơn Tây.
Bà tôi bảo: Lễ mùng mười tháng ba là ngày lễ trong lành, có việc gì mà phải rửa đền? Những hạt mưa ấy là những hạt nước thiêng rửa oan cho những con voi trung nghĩa…
Nghe nói ông Lương Ám đã chết mục xương trong rừng. Song, do hận với con người, nên ông ta đã biến thành một thứ trùng. Loại trùng ấy ai mắc phải thì có một số tính xấu như ông ta. Có lẽ, những tham nhũng, đút lót, tráo trở… là từ những con trùng đó cũng nên, chẳng biết có đúng không?
Chỉ biết rằng, đêm mùng mười tháng ba nào cũng vậy, ở núi Hùng có mưa thì ở bãi Chu Chàng cũng có mưa…

____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét