Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Nhà thơ HOÀI ANH: “TÌM HOA QUÁ BƯỚC…”

TRẦN NHÃ THỤY

1- Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy/Ra phố mua một bao thuốc lá/Chín năm sau anh mới trở về/…Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô…Tôi nhớ những câu thơ này từ trước, khi chưa biết nhà thơ Hoài Anh. Đến khi gặp gỡ, trở thành bạn vong niên của ông thì tôi vẫn chưa biết ông là tác giả của những câu thơ ấy. Cho đến một hôm, có người bạn thơ từ Hà Nội vào chơi, sau khi lang thang khắp phố xá, chúng tôi ngồi xuống một quán cóc bên đường. Giữa đêm khuya lạnh, chợt thèm thuốc, anh bạn tách ra đi tìm mua loại thuốc mà mình ghiền. Khi trở về, vừa ngồi xuống, anh liền đọc: “ Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy/Ra phố mua một bao thuốc lá/Chín năm sau anh mới trở về…”. Đọc xong, anh thẫn thờ giây lát, rồi bảo: “Đi mua một bao thuốc lá, mà chín năm sau mới trở về. Buồn quá mà cũng đẹp quá. Theo mình đấy là một trong những câu thơ hay nhất về chiến tranh…”. Tôi bảo mình cũng biết ấy câu thơ đó, nhưng không biết tác giả là ai, hình như là của… Tôi nói chưa hết câu thì anh bạn cắt lời: “Đấy là thơ của Hoài Anh. Đoạn thơ vừa rồi được trích trong tập Trường ca Điện Biên-Tổ khúc Hà Nội. Nhà thơ Hoài Anh hiện đang sống ở thành phố này…”

Nhà thơ Hoài Anh tên thật là Trần Trung Phương, sinh năm 1938 ở Văn Áp, Bình Lục, Hà Nam. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là bộ đội Liên khu III. Sau năm 1954, ông làm cán bộ Sở Văn hoá thông tin, Hội Văn nghệ Hà Nội. Từ sau 1975 ông công tác ở Xưởng phim truyện VN và Tuần báo Văn nghệ TP.HCM… Tôi gặp nhà thơ Hoài Anh từ những ngày chân ướt chân ráo về làm “lính” ở Tuần báo Văn nghệ TP.HCM (Tôi cộng tác với Văn nghệ TP.HCM từ khi còn là sinh viên Đại học Tổng hợp TP.HCM, sau đó có moat thời gian ngắn làm phóng viên hợp đồng ở đây từ năm 2000-2001).

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hoài Anh, đó là một con người giản dị, dễ gần. Mỗi buổi sáng, dường như ông là người có mặt ở cơ quan sớm nhất. Chiếc túi xách quàng qua vai, dáng đi hơi chúi về phía trước, đôi mắt sương khói, miệng mím lại như giữ một lời nói hay nụ cười. Ông không bao giờ gây ồn ào, huyên náo mà luôn lặng lẽ. Tuy nhiên trong sự lặng lẽ ấy luôn toả ra một sự ấm áp, thân thiện chứ không cao ngạo, khó gần. Mỗi lần gặp tôi ông đều mỉm cười khích lệ. Đấy là nụ cười của một “người hiền” mà rất hiếm khi tôi gặp được trong đời…

Nhà thơ Hoài Anh sống cô độc trong căn hộ lầu 6 ở chung cư 190 (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q3, Tp.HCM), sát bên căn hộ của vợ chồng nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Căn hộ của ông không có tài sản gì quí giá ngoài sách. Những kệ sách dài, nối nhau khắp căn phòng. Sách trong tủ, sách dưới gầm giường, sách vứt lung tung khắp nơi. Sách Tây, sách Tàu, từ cổ chí kim đều hiện diện trong căn phòng của ông. Và, một cái bàn viết với chiếc máy đánh chữ cổ lổ. Một bóng đèn luôn chong sáng, một cuốn sách luôn mở ra… Với ông, dường như chỉ cần một cái bàn là đủ: Ai đó cần một điểm tựa là đủ sức nâng bổng trái đất/Tôi chỉ cần một cái bàn/ Cái bàn là mặt biển thời gian/ Từ đó dấy lên những cơn sóng ngầm ý nghĩ …(Cái bàn-trong tập Tầng ngày- NXB Văn nghệ TP.HCM 2001)

2- Nhà thơ Hoài Anh không biết đi xe máy, thậm chí không biết “lái” cả xe đạp. Nghe nói, hồi trẻ ông cũng tập đi xe đạp, nhưng cứ ngồi lên xe lại ngã đánh rầm. Ông không có khả năng giữ thăng bằng. Thế là sau một lần bị té gãy tay, ông “đoạn tuyệt” luôn với xe cộ, “bộ hành” cho chắc ăn. Giữa phố xá ồn ào, náo nhiệt, nhà thơ cắm cúi bước đi. Thỉnh thoảng tôi gặp ông đứng ngơ ngác ở một ngã tư đèn đỏ, đèn vàng. Rồi ông lại bước lẫn vào dòng người cuồn cuộn. “Một nhà thơ bộ hành trong thành phố”- tôi luôn thầm nghĩ về ông như vậy, ngay cả những khi không gặp mặt ông.

Làm việc ở Tuần báo Văn nghệ TP.HCM cũng nhàn. Buổi sáng mọi người tụ họp ở cơ quan, cà phê, tán láo chơi rồi … giải tán. Ai có việc gì cứ đi. Hồi đó, sau khi rời cơ quan, nhà thơ Hoài Anh thường tiếp tục “bộ hành” đến các toà soạn báo để gởi bài cộng tác. Xong việc, đã trưa, ông tạt qua quán 81 (đường Trần Quốc Thảo, Q3, TP.HCM) hoặc quán Cây Tre (đường Lê Quí Đôn, Q3, TP.HCM). Ông ngồi uống bia ở đó cho đến chiều tối mới trở về nhà. Hình như nhà thơ không có thói quen ăn cơm. Hay nói chính xác hơn, ông ít khi “thiết kế” những bữa ăn cho mình.

Các toà báo, nhà xuất bản muốn tìm Hoài Anh để đặt viết bài, nhờ dịch sách hay các nhà thơ trẻ muốn “xin chữ” cứ đến hai địa chỉ trên là gặp ông. Nhưng, cũng có những ngày, không có ai đến tìm ông cả. Nhà thơ ngồi một mình, say khướt với những chiếc lá tre rụng rơi trên vai áo. Rồi, ông trở về nhà, ngủ vùi trong bóng tối của căn phòng, mê mệt trong tiếng nghiến nghiền mơ hồ của những con mọt đang tìm cách xuyên qua những cuốn sách. Khoảng 8-9 giờ tối, chợt nhà thơ bừng thức dậy, tỉnh táo một cách lạ lùng. Ông đi rửa mặt rồi ngồi ngay vào cái bàn với chiếc máy đánh chữ. Hoặc viết báo, hoặc dịch thuật, hoặc sáng tác… Cứ thế, tiếng máy đánh chữ lốc cốc triền miên cho đến mờ sáng. Hồi đó, có những đêm “lạc phố”, tôi hay đến gõ cửa phòng ông, nhờ tá túc qua đêm. Nhưng, những đêm đó tôi không tài nào ngủ được, bởi tiếng máy chữ lốc cốc, đều đều cứ vang lên trong đầu. Còn nhà thơ thì như đã quên bẵng tôi, cúi người xuống trang giấy, với đôi bàn tay “múa” liên tục trên chiếc máy đánh chữ. Khi ánh sáng đầu tiên chiếu vào căn phòng lầu 6 thì nhà thơ lại quàng chiếc túi xách vào vai. Xuống đường. Một ngày mới lại bắt đầu…

Nhà thơ Hoài Anh là người có một năng lực sáng tạo mạnh mẽ. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, am tường văn học cổ, và theo giỏi rất kỹ vấn đề học thuật văn chương thế giới. Nhưng, nói về mình ông chỉ nhận là “người sáng tác”. Về thơ, ông đã cho in các tập: Gió vào trận bão (1967), Từ hương đến mật (1986), Dạ lan (1986), 99 ngọn(1991), Thơ-Thư (2001), Một trăm bài thơ Đường (thơ dịch-2001), Gia Định Tam gia(thơ dịch của ba tác giả Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định-2003) v.v… Về tiểu luận, phê bình văn học, đã in: Chân dung văn học (1995-2001), Chân dung thơ(2001), Tìm hoa quá bước (2001) v.v… Ngoài ra ông còn viết cả chục cuốn tiểu thuyết lịch sử, dã sử; cho xuất bản nhiều công trình biên khảo, dịch thuật giá trị. Ơû lãnh vực phê bình văn học, với riêng cuốn Chân dung văn học dày gần 1.500trang, gồm hơn 120 chân dung nhà văn VN từ xưa đến nay, có thể nói Hoài Anh là người viết chân dung nhà văn VN nhiều nhất hiện nay. Tất nhiên, vấn đề không phải ở chỗ ít hay nhiều mà thể hiện ở tấm lòng và tài năng của ngòi bút. Hoài Anh là người hội đủ hai yếu tố này. Hơn thế nữa, ông là người luôn bền bỉ, bền lòng cùng văn học.

3- Khi cuốn Chân dung văn học ra đời được khen ngợi, đánh giá tốt, thì nhà thơ Hoài Anh lại khiêm nhường: “Cuốn sách này ra đời là nằm ngoài dự liệu của tôi. Là một người sáng tác tôi không muốn bình phẩm sáng tác của nhà văn khác, khi nhà văn đó còn sống, vì nghĩ rằng: “cái quan định luận” (tức: đậy nắp áo quan rồi mới có định luận). Aáy là chưa kể có nhà văn đậy nắp áo quan đã mấy trăm năm rồi mà vẫn chưa có định luận. Nhưng khi một số nhà văn qua đời, các báo nhờ tôi viết bài, thế là tôi đã mạo muội viết một số bài, có thể coi như điếu văn…”

Công việc viết chân dung nhà văn của Hoài Anh bắt đầu từ sự “nhờ vả” ấy. Nhưng theo như tôi biết, nên cạnh sự cả nể ấy là một tấm lòng, cộng với tinh thần trách nhiệm rất cao. Những ai từng cộng tác với nhà thơ Hoài Anh đều biết ông là người luôn giữ trọng chữ Tín. Dù ốm đau, dù thức khuya, dậy muộn … gì gì đi chăng nữa thì ông luôn đúng hẹn giao, nộp bài. Đối với các nhà thơ trẻ ông cũng luôn nâng đỡ một cách vô tư. Tôi biết, có khá nhiều người làm thơ, khi bước đầu tập tễnh thường đến ông “xin chữ”. Tức là họ đọc bài thơ do mình làm xong, rồi nhờ ông đọc lại, thấy nên “cắt gọt” chỗ nào, chữ nào cần thay v.v… Hoài Anh có một tâm hồn thơ tinh tế, nên ông “cho chữ” cũng rất tinh tường. Có những người mang tiếng là nhà thơ nhưng không có chữ, hoặc chữ nghĩa bạc phếch, vô hồn. “Chữ bầu lên nhà thơ” (Lê Đạt). Nhà thơ mà không có chữ thì sao gọi là nhà thơ?!. Aáy vậy mà, có người chỉ thuần đi “xin chữ” cũng mon men vào đến Hội Nhà văn VN, cũng “giật” giải nọ, giải kia. Trong khi ông thì vẫn là nhà thơ “tay trắng”. Về chuyện này, trong cái hồn nhiên, cả nể của Hoài Anh, tôi vẫn thường thầm trách ông đôi khi đã dễ dãi, bốc đồng…

Hơn một năm nay, kể từ sau ngày về hưu, nhà thơ Hoài Anh đã bán căn hộ chung cư, chấm dứt đời sống cô độc để về sống với người con trai thứ hai. Trong căn nhà nhỏ ở đường Trần Đình Xu (Q1, Tp.HCM), ông ngồi chơi với thằng cháu trai suốt cả ngày, ít khi đi ra đường. Thỉnh thoảng tôi ghé qua thăm ông. Không rõ nhà thơ đang vui hay buồn (!). Chỉ biết, bây giờ ông như người ở ẩn. Bỏ dần thú uống bia và lang thang “bộ hành” mỗi ngày. Với bạn bè văn nghệ, dường như ông cũng không gặp ai. Và, cũng ít ai tìm đến ông. Trong những tập sách của Hoài Anh, tôi rất thích tập tiểu luận Tìm hoa quá bước. Cái tựa sách ấy là mượn một câu trong Kiều: Tìm hoa quá bước xem người chép kinh.
***
Tôi mạo muội viết những phác họa về nhà thơ Hoài Anh từ khoảng năm 2004, bài viết này sau đó được in trong tập sách Chuyện lạ văn nghệ sĩ (NXB Văn nghệ 2005) Giờ nghĩ lại, có chút thảng thốt về thời gian và những mất mát. Mới đó mà tôi đã ở Sài Gòn 20 năm, đó cũng là khoảng thời gian mà tôi gặp và chơi với nhà thơ Hoài Anh. Một quãng thời gian dài, nhiều biến động, nhưng với tôi ông luôn là moat người đáng kính, một tâm hồn đẹp, một tư cách lớn. Những gì nói về ông bay giờ có lẽ là thừa. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, có lẽ chúng ta cũng chỉ là những người khách “quá bước” chốn trần gian này, làm việc, yêu thương, tận hưởng sướng vui, buồn khổ… Nhưng vẫn chưa hết. Sẽ còn những bước trong luân hồi.

Còn bây giờ thì xin đưa tiễn nhà thơ!


theo Phongdiep.net
____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét