Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

“Mùi” của văn chương

PHAN TÙNG SƠN

QĐND - Người ta thưởng thức văn chương bằng gì? Bất cứ ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này. Ấy là người ta sử dụng các giác quan: mắt (để nhìn), tai (để nghe), tay (để sờ - đối với người khiếm thị, để ra dấu hiệu - đối với người khiếm thính) và con tim, khối óc. Lẽ thông thường, không ai công nhận văn chương có thể cảm nhận bằng... mũi.

Và vì thế, nói văn chương có “mùi” xem ra khó chấp nhận.
Nhưng quả thực là văn chương có... mùi!
Dân gian Việt Nam có câu chuyện “Ngửi văn” rất hay. Chuyện kể rằng ở làng nọ có một ông thầy bói mù. Ông bị một ông tú ở làng bên khinh ra mặt vì cái nghề mạt hạng “Bói ra ma, quét nhà ra rác” kia. Thầy bói ức lắm, bèn tuyên bố rằng, mình tuy mù nhưng lại rất sành thưởng thức văn chương, chỉ ngửi hơi văn cũng biết văn hay dở thế nào. Ông tú nghe vậy liền đến thử. Ông chìa ra trước mặt thầy bói bộ sách “Hồng Lâu Mộng”. Thầy bói lật qua lật lại rồi bảo: “Sách Hồng Lâu Mộng đây mà”! Ông tú hỏi: - “Sao biết”? Thầy bói đáp: “Tôi ngửi thấy mùi phấn sáp”! Ông tú lại đưa bộ Tam Quốc ra. Thầy bói hít hít rồi bảo: “Tam Quốc Chí đây mà. Tôi ngửi thấy mùi binh đao”. Ông tú phục thầy bói sát đất bèn đem tập sách của mình ra. “Thế còn sách này, ông có biết là văn của ai không”? Thầy bói ngửi rồi phán: “Đích thị là văn của ông đây rồi”. Ông tú trố mắt: “Giỏi! Quá giỏi. Vì sao ông biết tài thế”? Thầy bói bịt mũi, quay mặt đi chỗ khác cười đắc ý: “Vì tôi ngửi thấy mùi... thum thủm”!
Ấy là chuyện của dân gian. Chẳng ai biết lão thầy bói và ông tú kia mồm ngang mũi dọc thế nào? Nhưng đến giai thoại về các bậc văn tài tiền bối thì đích thực, đã có bằng chứng xác đáng cho việc văn chương quả có... “mùi”. Chẳng hạn chuyện của Cao Bá Quát. Ông vốn là người nổi tiếng viết chữ đẹp. Chữ của ông được ví như rồng bay phượng múa. Lần ấy vua Tự Đức cho triệu Cao Bá Quát vào viết một câu đối do một viên quan cận thần trong triều đặt. Cao Bá Quát một tay cầm bút viết, một tay bịt mũi. Các quan thấy lạ, hỏi lý do thì được người họ Cao trả lời: "Tại thứ văn này... khó ngửi quá".
Văn chương có “mùi” thì thời kỳ nào cũng có những hiện tượng... “bốc mùi” trong các sáng tác.
Thế thì văn học hiện nay có “mùi” gì?
Đem câu hỏi ấy đến tâm sự với một nhà văn tên tuổi, được nhiều anh chị em viết văn trẻ tôn là “sư phụ”, “tiền bối” trong làng văn. Ông nói: “Môi trường văn chương của ta bây giờ nó giống như một nồi “lẩu thập cẩm”. Bên cạnh những loại “thực phẩm” tươi ngon, đắt tiền, được chế biến cẩn thận, dậy “mùi” hấp dẫn, kích thích trí tò mò của độc giả... thì vẫn có quá nhiều những loại “thực phẩm” ôi, thiu, thậm chí là “thực phẩm” giả, được bôi, nhuộm hóa chất để đánh lừa người tiêu dùng. Loại này nó “bốc mùi”...
Văn chương được ví như một “thánh đường” hoặc như một “ngôi đền” thiêng. Trước khi có ý định đặt chân vào đó, tự bản thân mỗi tác giả phải xem mình có cái gì, cái tâm của mình đã thực sự trong sáng hay chưa? Bởi không gian ấy không thể dung nạp thói giả dối, vụ lợi, hợm hĩnh. Nó sẽ làm hoen ố sự linh thiêng.
Thế nhưng dường như môi trường văn học của chúng ta đang bị xâm hại, lạm dụng bởi những thứ đi ngược lại với sự linh thiêng kia. Một người mẫu chỉ cần “chuông reo là... cởi”, khả năng sáng tác ở mức chưa viết nổi một câu văn cho sạch nước cản, cũng nhảy vào ngồi chễm chệ trên cái ghế tiểu thuyết, được một nhà xuất bản tiếng tăm cấp phép cho xuất bản sách. Cô tổ chức họp báo, tiếp thị sách rình rang. Sách in đẹp, sang trọng, trình bày rất bắt mắt... nhưng hóa ra tất cả chỉ là những thứ phẩm màu hóa chất để nhuộm thức ăn. Khi cho vào “nồi lẩu”, văn chương của cô “bốc mùi” xú uế. Nó không thể “ăn” được bởi đó là thứ “thực phẩm” rất mất vệ sinh.
Có một thứ “mùi” khác trong văn học trẻ hiện nay mà theo nhà văn tên tuổi nọ nhận định, đó là “mùi”... ám chỉ. Thứ văn này rất nguy hiểm bởi nó được ngụy trang dưới lớp vỏ cách tân, tiếp biến, giao thoa văn hóa. Họ lấy lý do giải phóng tình dục theo một số học thuyết phương Tây để đưa vào văn chương những thứ bầy hầy, nhơ nhớp, từ đó ám chỉ xổ toẹt văn hóa truyền thống, cốt cách gia phong... Những thứ “thực phẩm” bầy nhầy ấy “bốc mùi” tanh hôi, thum thủm.
Trong xu thế tự do sáng tác, sự trộn lẫn những thứ “mùi” ấy trong môi trường văn học rất khó để ngăn chặn một cách triệt để. Thiết nghĩ chúng ta nên học cách của tiên sinh họ Cao, hãy bịt mũi lại khi bắt gặp những thứ văn “bốc mùi” ấy. Và quan trọng hơn hết là hãy giúp công chúng biết cách “ngửi văn” để tẩy chay những sản phẩm có “mùi” thum thủm, xú uế.

_____________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét