Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Người ma ám

Truyện ngắn của Đoàn Lê

Tôi hơn bốn chục tuổi, một vợ hai con. Kéo mấy toa đi cho trơn tru không phải dễ. Hôm nào túi lép con vợ tôi hệt một mụ bà chằng. Cũng phải thông cảm với nỗi lo âu đàn bà thiển cận của hắn thôi. Lắm lúc phát cáu, tôi chỉ còn cách xách xe lao ra đường phố ồn ào, tìm sự quên lãng, khuây khỏa. Tôi muốn được sống, ngập chìm vào dòng đời, trước khi bệnh “viêm túi” có thể đánh gục.
Và tôi bật cười thấy mình thích thú khi được ra đứng đường thực sự. Dưới chân cầu Tràng Tiền, tôi bình lặng lại, nhận ra ngày tháng trôi lặng lẽ như dòng sông Hương trước mặt, hôm nay chẳng khác hôm qua, cũng không hơn ngày mai, cho đến lúc tôi biến khỏi thế gian này. Tôi thường nhìn mặt nước xanh trong, lơ đãng nghĩ về dăm câu thơ vô tích sự bật ra không đúng lúc. Những câu thơ, chúng tựa đám giấy bọc kẹo lòe loẹt vứt trên đường, len lén bám vào gót chân ta. Dân xứ Huế không ai không vướng vít một vài câu thơ trong đầu, cũng vô thưởng vô phạt như cái giấy bọc kẹo.
Mùa du lịch đã hết. Hết những trò láu cá của dân xế ôm, xích lô. Chúng tôi sẵn sàng nhận chở khách đi mua sắm với giá rẻ hơn bèo. Đừng tưởng chúng tôi thương khách. Cò mồi dẫn khách đến mua đặc sản, chúng tôi sẽ được nhận ngầm phần trăm từ nhà hàng, cửa hiệu. Có ngày kiếm tiền triệu. Gấp mười lần cò kè tiền cụng chở khách. Những đận ấy con mụ vợ tôi vếch mặt lên, cắp rá đi chợ, cái mông ngoáy ngoáy, cấm thấy cáu gắt. Nhưng giờ hết rồi. Kể cả những anh Tây ba lô cũng sợ mưa Huế dầm dề, không mấy vãng lai tham quan. Tôi chỉ còn được đón đưa đám bà con nghèo xứ này chưa có xe máy, vui vẻ nhận dăm đồng bạc còm. Lắm bữa chỉ đủ tiền cà phê, thuốc lá.
Vào một buổi sáng chán đời như thế tôi bỗng gặp người ấy, cái người hẳn do định mệnh xui khiến đã xuất hiện. Không, xin đừng nghĩ tới một thiếu nữ chim sa cá lặn. Các cô gái này tôi vốn không để ý. Họ thuộc thế giới khác, không liên quan tới tôi. Khách đi xe ôm tôi nói đây là một cô gái xấu xí, gày nhom, lại thêm vẻ nhút nhát, với cái va li khá nặng, chỉ được cái nói trong trẻo giọng Bắc.
- Anh cho tôi về đường Nguyễn Sinh Cung, nhà nghỉ Thành Đạt.
- Thưa, tôi biết nhà nghỉ đó. Xin cô mười lăm ngàn.
Cô gái không mặc cả. Vả tôi không hay nói thách cao giá, chờ khách nì nèo thêm bớt. Nói đi bấy nhiêu là bấy nhiêu. Đặc biệt với khách xứ lạ tôi càng giữ gìn. Để người thiên hạ không cười thói vếch vác quen chèo kéo bắt nạt của dân xứ Huế. Gì thì gì mình dân thần kinh thừa lịch sự kia mà. Có chặt chém cũng tùy chỗ.
Tới nhà nghỉ, tôi mang va li cho cô gái lên tận phòng gác ba.
- Chiều hai giờ anh tới đưa tôi ra ga xem vé tàu về Hà Nội, được không?
- Vâng thưa cô, cô muốn đi đâu cứ bảo tôi. Đúng hai giờ tôi sẽ tới đón. Đây là số điện thoại di động của tôi.
Buổi chiều sau khi ra ga đặt trước vé tàu, cô gái muốn tôi đưa dạo chơi vòng quanh thành phố. Trên đường, trong lúc chuyện trò tôi biết đôi chút về khách. Cô nói đi công tác, tiện ghé qua thăm lại Huế. Cô nói trước đây dạy múa. Vậy là một nghệ sĩ múa.
Nhưng tôi không tưởng tượng nổi trên sàn diễn với bộ váy áo mỏng tang của một nàng thiên nga, trông cô thế nào. Vẻ ngoài hiện tại khiến tôi nghĩ tới một cô giáo nghiêm nghị nhẫn nhịn hay bị học trò bắt nạt thì đúng hơn.
Ngày hôm sau tôi đưa cô đi thăm Đại Nội từ sáng sớm. Lẽ ra buổi chiều có thể tranh thủ thăm lăng Minh Mạng. Nhưng cô gái cứ nấn ná trên từng con đường nhỏ, như có ý ngóng chờ ai. Rút cục tới quá trưa tôi phải đưa cô vào một quán cơm bình dân lúc mặt trời đứng bóng.
- Anh ăn cùng tôi cho vui. Sau đó ta tranh thủ đi luôn.
Tôi thế nào cũng xong. Đã quen lệ ở nhà vợ con tôi không mong tôi về dùng bữa. Trong lúc ăn, khi đã trở nên thân tình, cô đề nghị hai hôm còn ở Huế, tôi đưa cô đi lang thang, và tính tiền xe cả một ngày cho tiện. “Như một hướng dẫn viên bình dân”, cô dè dặt nói thế. Tôi đã quá quen với các kiểu khách amatơ như cô.
- Thưa cô, thế nào cũng được.
Buổi chiều, tại một quán giải khát bên chùa Thiên Mụ ngồi nhâm nhi ly cà phê, sau rất lâu lơ đãng nhìn dòng sông trước mặt, cô gái bỗng dưng khe khẽ thổ lộ:
- Tôi thích ở Huế lắm. Đây cũng là nơi đầy kỷ niệm của tôi. Anh biết không, chút nữa tôi đã làm dâu xứ Huế đấy.
- Thưa cô, nếu cô làm dâu xứ Huế, chắc tôi đã được chở cô đi luôn luôn. Tôi xin lỗi được hỏi vì răng cô không thành dâu xứ Huế?
- Vâng, cuộc đời có biết bao thứ ta dự định nhưng không thành. Chừ để lại một kỷ niệm ít vui mà thôi.
Cô nói chừ, không phải giờ. Đôi mắt nhìn ra xa của cô gái hình như có ngấn nước, gương mặt tự nhiên thành có duyên, bớt đi vẻ xấu xí.
- Cũng cái quán đây, có người hẹn tôi giờ này, hôm nay, nhưng… anh thấy đấy…
Trời ạ, người ta cất công từ Bắc vào, để giữ ngày hẹn, giờ hẹn, nơi hẹn, mà cái thằng cha… Nhân danh các chàng trai xứ Huế chung tình, nếu gặp hắn tôi thì tống cho một quả bằng trời giỏng!
Tôi còn đang hình dung ra hắn, một người tình đỏm dáng, bỗng trước mặt tôi xuất hiện thằng cha làm quảng cáo phố tôi, người luôn nhom nhem sơn màu, đã thế lại nói lắp. Tôi đâu lạ hắn. Nhưng tôi vụ cựng kinh ngạc thấy hắn tiến lại phía mình.
- Anh xin… xin lỗi em… em…
Hắn nói với cô gái. Cô không trả lời mà òa khóc thành tiếng. Chao ôi, xưa có chuyện sọ dừa biến thành hoàng tử, chả biết cha nhom nhem này có biến hóa được vậy không? Đã thế tôi biết túi hắn chưa bao giờ dư tiền. Chơi cờ thế với tôi hắn luôn chạy làng. Còn may, bữa nay thấy hắn đi cái xe máy cà tàng, dù thế cũng vẫn là xe máy.
Tôi trợn mắt ra hiệu cho hắn dỗ cô gái, nhưng cái gã bị thịt cứ lúng ta lúng túng. Thấy ngồi lại chứng kiến cảnh tình cảm sướt mướt không tiện, tôi tìm cách rút lui.
- Thôi, cô đã gặp bạn rồi, tôi xin phép phải đi có chút việc. Khi nào cần cô cứ nháy máy cho tôi.
Cô gái bẽn lẽn lau nước mắt, cười vỏn vẻn ngước nhìn tôi. Trông bẽn lẽn thành dễ thương. Trước khi đi, tôi kịp kéo thằng cha họa sĩ nửa mùa, kín đáo móc hết tiền trong túi dúi cho hắn. Hắn liếc mắt nhìn tôi im lặng. Đợi đấy, thế nào mi cũng được vài quả phật thủ nếu mi lừa tình cô gái kia.
Về tới bến đỗ xe với cái túi rỗng không, tôi bỗng tá hỏa thấy mụ bà chằng đang đứng đợi ở đó.
- Đi mô mà tui đợi hoài đợi hủy ở đây không thấy? Đưa tui tiền mua cặp sách cho thằng Bảo. Bữa ni nó khóc đòi nghỉ học, làm sao thì làm. Nghe nói chở cô nào người Bắc từ sớm tới chừ à? Tiền đâu?
Tôi giựt chắc. Giải thích với mụ bà chằng thế nào đây? Lại thêm cái tội chở cô gái miền Bắc nữa. Tôi vội ghé tai hắn thì thào:
- Tau lạy mẹ mi, tau hết tiền túi rồi. Là tau cho người ta mượn nóng, mai trả. Cái thằng cha làm quảng cáo… quảng cáo phố… phố mình đó. Tau thề…
Nó trợn mắt ngó tôi tưởng đâu cháy mặt. Không hiểu sao tôi thấy mình cũng lắp bắp như thằng cha kia.
- Tau thề… tau thề với mụ.
- Trời ơi, ma ám ông sao đó?

Có thể ma ám chứ răng!

_______________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét