Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Ai là Chí Phèo, Thị Nở?

Đỗ Hữu Lực


Cũng như lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã trộn lẫn hai con người trong cuộc sống để sáng tạo nên một hình tượng nhân vật trong văn học. Anh Chí và Thị Nở cũng có nhưng nguyên mẫu và cảnh đời xót xa…

Chí Phèo: có ba số phận

Ông Trần Hữu Đạt, em trai nhà văn hồi tưởng về anh trai mình một cách hóm hỉnh, ông cho hay tính cách nhà văn Nam Cao rất ít nói, nhưng khi “bốc chuyện” thì cũng phải biết, ông dí dỏm lắm và rất ít khi uống rượu, nhưng đã uống thì phải uống thật say, say còn hơn cả Chí Phèo trong truyện, chỉ hơn anh Chí là ông không quậy, Nam Cao uống xong là… tìm chỗ ngủ!
“Làng Đại Hoàng không có vụ án mạng nào như vụ anh Chí đâm Bá Kiến”, đó là khẳng định không những của ông Đạt mà là rất nhiều các cụ cao niên ở làng Đại Hoàng hiện đang còn sống. Theo ông Đạt, để có nhân vật Chí Phèo thì có đến… ba người hợp lại.
Ông Đạt hồi tưởng, làng Đại Hoàng trước những năm 40 có một người đàn ông tên là Chí, anh ta không phải là người họ Trần mà là dân ngụ cư ở vùng khác xiêu bạt tới. Anh Chí mưu sinh bằng nghề mổ lợn thuê cho ông Trương Pháo và có nghề phụ là… đòi nợ thuê. Như đã nói, làng Đại Hoàng lúc đó có năm phe phái kình địch nhau để chèn ép nông dân. Tuy là dân ngụ cư, nhưng anh Chí sống ngang tàng, hay rượu khướt. Với nghề mổ lợn, anh có tài “bắt phèo”, chế biến món ruột non của lợn rất tài nên dân làng gọi anh là “Chí phèo”. Những năm đói 1944 – 1945, cả làng đói, không có ai thuê mổ lợn và đòi nợ, anh Chí cũng bỏ làng đi biệt tích.
Ngày ấy, vì đói khổ làng Đại Hoàng không ít những nông dân khoẻ mạnh bị đẩy vào con đường lưu manh hoá. Theo ông Đạt, ngoài anh Chí ra còn có một người đàn ông khác nữa. Một người tên là B. cũng là dân ngụ cư, anh này không có nhà ở, sống ở một cái lò gạch cũ mưu sinh bằng nghề thả ống lươn và… ăn cướp. Cái lò gạch cũ, nơi anh B. trú ngụ là nơi đi qua thường xuyên của những người đàn bà đi chợ sớm buôn trầu vỏ sang chợ Bến và chợ khác của vùng Nam Định. Một lần, anh B. đã làm nhục một người đàn bà có chồng ở làng Đại Hoàng, người đàn bà này đã có bảy đứa con, bà này sau đó có sinh ra một người con. Sau vụ ấy, anh B. cũng bỏ làng đi biệt tích, và người đàn bà kia vì xấu hổ cũng bỏ chồng con, bỏ làng đi xa. Họ đi đâu không ai rõ và cũng không ai quan tâm vì năm 1945, làng Đại Hoàng có 857 người, gần 30 gia đình chết đói bỏ làng đi biệt tích. Đau thương này nối tiếp đau thương kia, có nhiều nỗi đau, nỗi nhục còn tột cùng hơn nên người làng cũng coi chuyện đó là nhỏ.
Ông Đạt cho hay, hình dáng ngang tàng của anh Chí trong tác phẩm của nhà văn lại là một ông đi lính cho Pháp. Ông này hay mặc áo tây vàng mất cúc, ngực có xăm ông tướng cầm chuỳ, hay rượu khướt ở làng và không sợ phe cánh nào, ông này có vợ con đàng hoàng và hiện nay con cháu cũng đang sinh sống ở làng Đại Hoàng. Từ những nhân vật có thật ở làng mình, Nam Cao đã hư cấu và nhào nặn nên nhân vật Chí Phèo điển hình cho một nông dân tha hoá trong xã hội cũ.

Thị Nở… có chồng

Chẳng riêng gì bạn đọc tác phẩm của Nam Cao, ai cũng muốn biết người đàn bà xấu như ma chê quỷ hờn ấy có thực ở trong đời hay không? Ông Trần Hữu Vịnh, người trông coi khu tưởng niệm Nam Cao kể cho tôi hay, câu chuyện giữa anh B. sống bằng nghề thả ống lươn và một người phụ nữ đi buôn trầu vỏ bị B. làm nhục sau có con, cũng là một hình mẫu của nhà văn Nam Cao. Người đàn bà này nghe nói khi còn sống khá xinh đẹp và mặn mà.
Theo nhà giáo Trần Văn Đô, 58 tuổi, giáo viên dạy văn ở trường THCS Nhân Hậu, ngụ tại làng Đại Hoàng cho hay thuở Nam Cao sáng tác, ở làng có một bà tên thật là Trần Thị Thìn, con của cụ phó Thả, cụ Thả cũng được gọi là cụ đồ Thả vì biết và dạy chữ Nho. Cô Thìn không có chồng và người đàn bà này có tính nết hơi kỳ. Thời trang của cô là tứ mùa diện váy, đầu bịt khăn vuông và gặp ai cũng cười.
Người đàn bà thứ ba mà Nam Cao lấy hình mẫu để nhào nặn nên Thị Nở là một người đàn bà có chồng hẳn hoi và cô này cũng có tên đích thực là Trần Thị Nở. Cô Nở có chồng rất hiền lành nhưng không bao giờ nấu được bữa cơm ngon cho chồng, giai thoại ở Đại Hoàng hiện nay vẫn truyền tụng câu chuyện “cô Nở nấu cơm”. Cô Nở hàng ngày chỉ quanh quẩn ở nhà và làm việc vặt nhưng chẳng việc gì ra việc gì. Một bữa, chồng cô đi làm cả ngày, dặn cô ở nhà nấu cơm. Cô Nở đem gạo ra thổi và nấu cơm như hàng ngày chồng cô vẫn làm. Trưa về, vợ chồng bê nồi cơm ra ăn, anh chồng nhận ra là cơm vẫn chưa chín và hỏi cô rằng: “Cơm sống thế này, làm sao ăn được”. Cô Nở trả lời: “Sống đâu mà sống, chỉ sường sượng thôi, ăn đi”. Ông chồng chỉ biết giơ tay kêu trời.
Ông Trần Hữu Đạt cho hay, một chi tiết thú vị là trong tác phẩm của Nam Cao khi viết về Chí Phèo, Thị Nở, hai con người “gớm ghiếc” ở làng Vũ Đại, ông lại tả một nhân vật đàn bà khác rất hay, người này chỉ có vài dòng thôi nhưng cũng đủ để nói lên phẩm chất của đàn bà làng Đại Hoàng. Đó là vợ Đội Tảo – tên thật là Đội Tụ, ông này có một người vợ rất ngoan hiền, hát ả đào rất hay, chính bà là người lấy tiền giấu chồng để đưa cho Chí Phèo trả nợ cho Bá Kiến. Và Nam Cao đã viết “đàn bà vốn chuộng hoà bình”.
Ông Đạt cho hay, Nam Cao rất ít khi ở làng nhưng chuyện làng ông rất tỏ vì ông có người vợ là bà Sen cả đời tần tảo, làm lụng nuôi chồng con. Mỗi bận Nam Cao về nhà là bà Sen lại đem những chuyện ở làng kể lại cho chồng nghe. Và với óc tưởng tượng phong phú, nhà văn đã hư cấu và nhào nặn nên những hình tượng văn học để đời.

________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét