Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Nguyễn Huy Thiệp và tiểu thuyết ba xu

Khi cây bút gạo cội cho xuất xưởng tiểu thuyết "Gạ tình lấy điểm", các bạn đọc trung thành của ông gần như điên lên, không hiểu vì sao nhà văn lại viết những tác phẩm dễ dãi và nhảm nhí như vậy. Còn Nguyễn Huy Thiệp thì nói thẳng, ông viết đơn giản vì... tiền.

- "Gạ tình lấy điểm" là cuốn tiểu thuyết "rẻ tiền" thứ hai của ông. Có ý kiến cho rằng ông tìm ra được một lối viết mới sau những thử nghiệm vừa qua, ông thấy sao?

- Không có lối viết mới nào hết. Nhà văn nào cũng vậy, chỉ có một lối viết duy nhất: đơn giản, chính xác, thanh đạm (tiết chế cảm xúc tối đa). Viết văn phải được coi là một quá trình dưỡng tâm, học đạo. Người xưa từng coi việc đọc sách, viết sách nhằm mục đích để cầu đạo, học đạo chứ còn ngoài phận sự đó ra (như kiếm tiền hoặc cầu danh lợi) thì rất tiếc sự ấy chỉ tổ làm hư cho con người. "Cả một đời hư", đó là kết luận cho cuộc đời của rất, rất nhiều người. Tôi cũng là một người hư luôn cố gắng tu tỉnh mà thôi.

- Những cuốn sách bán chạy nhất hiện nay đều mang dáng dấp tự truyện, lối viết đơn giản và hơn hết nó làm cho người ta khóc. Nhưng ông lại không theo lối đi đó. Vì sao vậy?

- Tôi đang đọc truyện ngắn Vũ điệu thân gầy của các cây bút 8X. Hầu hết đều viết theo lối tự truyện. Lối viết tự truyện với nhiều chi tiết hiện thực không khéo sẽ làm mất đi trí tưởng tượng phong phú vốn là thế mạnh của họ. Những cây bút trẻ đáng lẽ ra phải trẻ ở trong trí tưởng tượng tuyệt vời chứ không phải già nua và tỏ ra ghê gớm sắc sảo ở trong các chi tiết hiện thực. Tôi rất buồn, rất tiếc.
Cuộc sống ngày càng hình như khắc nghiệt hơn, văn học nên biết cách làm cho nó dịu đi nên làm cho nó đẹp hơn và nhân đạo hơn một cách nghệ thuật. Làm được điều ấy rất khó. Ngay cả tôi cũng không phải lúc nào cũng làm được điều ấy. Làm được điều ấy người viết dứt khoát phải dưỡng tâm học đạo. Đạo rất khó, chẳng phải kẻ tầm thường mà hiểu được. Ngày xưa Lão Tử nói rằng: "Người thượng sĩ nghe đạo thì cung cúc ân cần mà làm theo, người trung sĩ nghe đạo như nhớ như quên, kẻ hạ sĩ nghe đạo thì cười ầm lên, nếu chẳng cười thì đâu gọi là đạo". Tôi chỉ là một trung sĩ quèn, quên quên nhớ nhớ...

- Thực ra, tất cả cố gắng viết trong thời gian qua của ông để làm gì?

- Để sống.

- Vậy còn điều gì là trở ngại lớn nhất trong việc viết lách của ông bây giờ?

- Những điều gì cần làm thì tôi đã làm cả rồi. Tôi đã sống, đã thực hiện các nghĩa vụ con người, đã tạo nên thương hiệu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với những điều thú vị và khiếm khuyết. Đến tuổi tôi, thường người ta không còn ham muốn gì nữa. Thực sự tôi cũng không còn nhiều ham thích viết lách. Thâm tâm tôi cũng không biết nên làm gì, hằng ngày giờ đây tôi vẫn thường vẽ vời một cái gì đấy hơn là viết lách cái gì đấy.

- Ông thấy mình viết tệ nhất khi nào?

- Giời ạ! Khi không có tình yêu chứ còn gì nữa!

- Còn những điều ông muốn viết hiện nay?

- Một cuốn sách gì đó về đạo... Nó cần cho tôi, cần cho một số người đọc có nhân duyên.

- Rất nhiều độc giả của ông ngờ rằng ông viết tiểu thuyết ba xu đơn giản chỉ là vì tiền. Ông muốn nói gì với họ?

- Họ nói đúng đấy.

- Ông nghĩ rằng điều gì có thể kéo ông ra khỏi sự bế tắc hiện nay và trở lại với những tác phẩm đình đám như thời "Tướng về hưu"?

- Để làm gì cơ chứ? Tôi không cần điều đó. Chẳng ai cần đến điều đó.

(Theo Người Đẹp)
________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét