Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Đâu phải chuyện lăng xê

Hà Dương

(HNM) - Một cuộc tọa đàm trực diện vào vấn đề "nhạy cảm" của đời sống văn học "PR trong văn học" thu hút ý kiến từ chuyên gia cho tới sinh viên trẻ. Một cuốn sách "Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng" trở thành giáo trình đầu tiên cho Khoa Quan hệ công chúng của một trường ĐH. Và hơn cả là một đời sống văn học với dấu ấn PR ngày càng rõ nét, bất kể người ta hiểu về nó đến đâu… Tất cả khiến người ta cần nhìn nhận về PR trong văn học một cách khách quan hơn.

PR có xấu?

Nhà văn trẻ DiLi từng chia sẻ tại cuộc tọa đàm về "PR trong văn học": "Cho đến giờ, phần lớn công chúng vẫn hiểu biết lờ mờ về PR, thậm chí cứ nghĩ PR là xấu. Người ta từng liên tưởng từ "Marketing" với hình ảnh nhân viên quảng cáo bột giặt đi đến từng nhà phát quà, giờ lại nghĩ PR rầm rộ trên báo chí là gây xì căng đan".

Cũng dễ hiểu cho câu chuyện nhầm lẫn này khi khái niệm PR mới "nhập cảnh" vào nước ta độ chục năm trở lại đây. Không hiểu đầy đủ dẫn tới lạm dụng hoặc tẩy chay là việc đều có thể xảy ra. Không riêng gì văn học, các ngành nghệ thuật khác cũng đều phải làm quen với nhiều khái niệm nghề nghiệp mới như D.O.P - giám đốc hình ảnh (điện ảnh), như curator - người tổ chức triển lãm, làm cầu nối giữa tác giả với công chúng (mỹ thuật)… PR là khái niệm liên quan tới rất nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, giáo dục, y tế cho tới kinh tế nhưng với riêng văn học, vai trò của PR có độ "nhạy cảm" nhất định. Quan niệm từ xưa là tác giả chỉ làm công việc sáng tác, ai lại đi tự giới thiệu tác phẩm của mình. Nhà văn vốn là người viết, nay sinh mệnh tác phẩm lại phụ thuộc vào một trang A4 của người làm PR… Rồi tác phẩm nhàng nhàng, lạm dụng sex thô thiển, nhưng được lăng xê khiến sách nối bản ầm ầm, cũng làm những người viết chân chính nhìn PR một cách e dè hơn.

Theo cuốn "Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng" (Trường ĐH Hòa Bình, do Nguyễn Diệu Linh biên soạn) thì PR (Public Relation - quan hệ công chúng) đã xuất hiện ở phương Tây từ thế kỷ XIX. Công cụ chủ yếu của PR là các văn bản: thông cáo báo chí, bài báo chuyên đề, tờ rơi, diễn văn và các loại báo cáo. Văn bản đó đại diện cho tổ chức truyền tải thông điệp đến công chúng và giới truyền thông nhằm tạo sự hiểu biết hai chiều; bảo vệ, phát triển hình ảnh, uy tín của tổ chức và thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng. PR chuyên nghiệp cần những chuyên viên được đào tạo bài bản về viết, tổ chức sự kiện, giao tiếp, ngoại ngữ…

PR là một nghề hội tụ nhiều yếu tố, mà đã là nghề thì phải được tồn tại bình đẳng như nhiều nghề khác, có chuyên nghiệp không chuyên, có người làm tốt, làm không tốt. Tuy nhiên, đào tạo bài bản phải có thời gian, trong khi đời sống văn học đang vận động, chẳng đợi ai. Vậy thì cũng nên nhìn PR trong văn học giản dị trên cơ sở hiểu đúng bản chất nghề này: "Đó là một việc nghiêm túc để giới thiệu tác phẩm tới với công chúng".

Nhìn lại sự chuyển động của xuất bản suốt những năm qua, khi các đơn vị làm sách tư nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo ra đời sống văn học sôi động thì có thể lúc đầu PR nảy sinh từ mục tiêu kinh doanh, nhưng không vì thế mà bản chất nghề nghiệp của PR thay đổi. Đời sống thông tin phong phú, đa dạng, đa chiều như hiện nay đã tạo ra môi trường mới, đòi hỏi hoạt động giới thiệu tác phẩm văn học phải vận động, thay đổi từ việc nhỏ như in một trang bìa ấn tượng, tổ chức tốt giới thiệu tác phẩm, thậm chí là đổi mới việc tổ chức xét, trao giải thưởng văn học… Tác phẩm văn học, ngoài ý nghĩa lớn lao của một sản phẩm văn hóa tinh thần, nó còn là một sản phẩm đặc biệt của thị trường, có trách nhiệm trong phát triển kinh tế hội nhập văn hóa quốc tế. Điều này đã được đề cập sâu tại hội thảo "Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập" do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TƯ tổ chức năm 2009.

Công thức bút chì - Pencils

Cảm nhận được dòng chuyển động mới, nhiều nhà văn trẻ đã ý thức được hiệu quả của việc giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng. Báo chí đưa tin nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết trên mạng giới thiệu tập truyện ngắn "Khói trời lộng lẫy" một cách rất dí dỏm rằng: "Bạn có thể không thích em í ngay bây giờ nhưng vào một cơn gió nào đó khiến bạn bỗng dưng muốn sến, em í rất hợp với tâm trạng bạn lúc đó. Sến pha chút quê quê và dịu dàng thủ thỉ i ỉ ì i. Bạn được trao quyền chủ động phụ rẫy còn em í chỉ biết cúc cung chung thủy và chung thủy đến hết đời... Đấy, em í đang ở trên kệ và hết sức gọi mời, "nào, hãy cưới tôi đi" .

Nhà văn trẻ Xuân Thủy cũng nêu rõ quan điểm: PR trong văn học giúp người đọc hiểu rõ về tác giả, tác phẩm hơn, tạo những cơ hội để tác phẩm đến được với công chúng. Còn việc nó ở lại bao lâu thì lại tùy thuộc vào sức lay động của tác phẩm đó. Nhà văn DiLi cho rằng: "Sự lăng xê tác phẩm thái quá gây phản cảm và phản PR".

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books chỉ ra một thực tế là các nhà văn nước ngoài được ưa chuộng hơn trong nước, trong khi Việt Nam có nhiều tác giả giỏi, viết hay lại chưa được biết tới. Và ông nêu ra công thức "Pencils", trong đó mỗi chữ cái là chữ mở đầu cho một từ tiếng Anh có liên quan đến PR trong văn học, đó là P (quan hệ công chúng), E (tổ chức sự kiện), N (tin tức, thông tin), C (hướng tới cộng đồng), I (công cụ nhận dạng - thương hiệu) L (vận động hành lang) và S (đầu tư xã hội như giao lưu, tặng sách…). Một cách nói về PR thú vị, nhưng có lẽ người viết xin được bổ sung một ý đó là nhấn mạnh yếu tố "N" (news - tin tức) - chữ cái trọng tâm trong công thức này. Thông tin chân thực về tác giả, quá trình sáng tác, tác phẩm… có giá trị rất lớn, giúp người đọc gần hơn với câu chuyện, với người kể chuyện. Nó gây được thiện cảm chứ không phản cảm với những lời lăng xê đơn thuần.

_______________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét