Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Chiếc chìa khóa

Truyện ngắn của Tomasz Jastrun (Ba Lan)

Qua nhiều năm tháng tôi đã phát hiện ra một quy tắc của riêng mình, đó là, những gì xảy ra ngày hôm qua đều là chuyện quá khứ xa xăm của tôi, còn những chuyện xảy ra cách đây hàng chục năm thì tôi lại nhớ như in. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo viện bảo tàng tình dục tư nhân của chúng tôi. Thông thường viện bảo tàng này đóng cửa đối với người ngoài, thậm chí còn đóng cửa đối với chính chúng tôi. Vậy thì, với người luống tuổi viện bảo tàng này nó ra làm sao nhỉ? Tôi suy ngẫm chuyện này đã hàng năm nay và thậm chí không nhận ra, tuổi già đã ập đến tôi một cách lén lút và nham hiểm từ lúc nào, để rồi bất thình lình ném tôi sang bờ cuối. Tôi dám chắc, mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, cho nên tôi đang kiểm kê quá khứ. Một trong những hiện vật độc đáo nhất trong bộ sưu tập của tôi có từ thời xa xưa, tức thị hôm qua. Tôi dừng chân tại một thành phố đẹp ở miền Nam châu Âu, trong một ngôi nhà, nơi trước tôi, một nghệ sĩ lịch lãm, lừng danh đã ở. Trong phim anh ta thường đóng vai người tình, trong đời thường hình như cũng vậy. Anh ta để lại mùi hoa nhài thoang thoảng thơm trong phòng ngủ. Thỉnh thoảng chuông điện thoại lại reo, tín hiệu duy nhất từ xa đến với ngôi nhà, nơi tình cờ tôi đến ở một thời gian ngắn. Lúc đó tôi vẫn còn chưa biết, cái thời gian ngắn này liên quan đến cả đời tôi. Có một cô gái rất thèm nghe giọng nói của nghệ sĩ kia. Đó cũng là lúc tôi cảm thấy mình rất cô đơn, thực ra tôi đang chờ cú điện thoại gọi từ trong nước, mặc dầu tôi không tin là sẽ có cú điện thoại này, như tôi không tin Chúa trời vậy – nghĩa là mạnh mẽ, nhưng không tuyệt đối. Thay vào đó, tôi nghe các cú điện thoại khác một cách khiêm nhường, cứ cho đó là những cú điện thoại thay thế, những cú điện thoại này là nỗi buồn các kiểu của tôi. Thậm chí có lúc tôi cảm nhận, phần ân ái không phải dành cho tôi lại rơi ngay xuống đầu tôi. Tôi giải thích cho cô gái rằng, hiện giờ không có anh ta, và sẽ không có anh ta, anh ta không còn ở đây nữa… Người nổi tiếng đã về nước rồi, nơi anh ta mê say không phải một mà là hàng triệu cô nàng.
Cô gái không tin, vẫn khăng khăng một mực, khăng khăng một mực thì đúng là yêu chứ còn gì. Cô gái biết rất nhiều về anh ta – thậm chí nếu họ gần nhau ngắn ngủi thôi thì nhất định là vô cùng mãnh liệt, chỉ có điều cô nàng đã không kịp nhận ra, một minh tinh màn bạc lừng danh như anh ta không bao giờ yêu ai cả, ngay cả bản thân mình cũng vậy.
Tôi theo học đã được khoảng một nửa thời gian, tính một cách lạc quan, một phần tư đời tôi. Trong thành phố đông dân này tôi phải tự lo liệu bản thân. Suy ngẫm về cuộc chia tay cách đây mấy tháng, tôi thấy mình đã phung phí thời gian. Tôi đã chia tay với một người đàn bà gần gũi với tôi, nhưng theo cách, tôi gọi một cách đơn giản là rối rắm. Chẳng bao giờ chúng tôi ở chung với nhau và đến một hôm chúng tôi chấm dứt không gặp nhau nữa, mặc dầu tôi không biết ai là kẻ khai mào chuyện không gặp nhau này, tôi nhớ bữa đó chúng tôi không nói với nhau một lời nào, không ai muốn mình là kẻ đầu tiên chấm dứt việc gặp nhau.
Tôi cần phải học thứ ngôn ngữ mà biển lớn của nó đang rầm rì đằng sau những khung cửa sổ, nhưng tôi sẽ không học nổi khi lẩn tránh tiếp xúc với mọi người. Thay vào đó tôi thường xuyên, khá thường xuyên, xem tivi, khi thời đó tivi còn chưa bị bệnh kiết lỵ dai dẳng. Thế giới những cửa hàng cửa hiệu chung quanh, sau khi ra khỏi cái màu xám của Cộng hòa Ba Lan, đã làm tôi ngạc nhiên trước sự giàu sang muôn màu muôn vẻ - sự dư thừa này vẫn không hề khiến chúng tôi nghĩ tới những mối hiểm nguy, phải tận sau này chúng tôi mới nhận ra thứ thuốc độc được che giấu của chủ nghĩa tư bản. Khi đó thế giới này không phải là thế giới của tôi, nơi chẳng có đớn đau, và tôi viếng thăm thế giới này như một kẻ đến từ hành tinh khác, hành tinh được tạo lập từ loại chất liệu tồi hơn.
Hầu như ngày nào cô gái cũng gọi điện, thường là sau sáu giờ chiều. Tôi lấy làm lạ khi nhận ra rằng, đã thành thói quen, đi đâu thì đi nhưng vào giờ này dứt khoát tôi phải có mặt ở nhà. Tôi nghĩ bụng, đó là cú điện thoại duy nhất trong ngày mà tôi trông đợi, cú điện thoại này hữu hiệu đến nỗi nó đã trở thành chỗ dựa của tôi. Giọng nói của cô gái, tính ương bướng của tuổi trẻ, việc gây khó xử khi khăng khăng bảo rằng, tôi chính là anh chàng nọ… Tất thảy mọi thứ đó trở nên gần gũi đối với tôi, khiến tôi lắm lúc tin rằng, tôi chính là kẻ vắng mặt này, kẻ cô gái đang thèm muốn. Có lẽ đây là một cô gái Ba Lan, tuy nhiên chắc cô ta sống ở nước này từ hồi nhỏ, vì khi nói chuyện cô ta thường pha trộn tiếng Pháp với tiếng Ba Lan, mối quan hệ này thật đáng được đền đáp, thậm chí tôi có cảm giác, chữ “r” tiếng Pháp kích thích tình dục và tỏ tình bằng ngôn ngữ Ba Lan. Các cuộc trò chuyện của chúng tôi càng ngày càng dài thêm, mặc dầu cả hai cố tránh không đi vào chi tiết. Tôi biết, tôi đang đại diện cho kẻ vắng mặt lừng danh kia, tôi tựa hồ hồn ma của ngôi nhà mà người nổi tiếng đã rời bỏ, cho nên tôi chẳng nên xuất hiện quá chừng. Đôi khi cô gái lấy lời tôi làm lời nói của mình, nhầm lẫn các từ khó một cách đáng yêu; và không biết từ khi nào, những suy nghĩ của chúng tôi về thời tiết càng ngày càng choán nhiều thời gian trong các cuộc trò chuyện, thậm chí chúng tôi còn trao đổi với nhau về vụ tai nạn ở trung tâm thành phố, về nỗi buồn do thời gian để lại, một trong vô vàn những chuyện hoàn toàn vô bổ.
Bất thình lình cô gái đề nghị gặp tôi. Đó là một cú sét đánh, nhưng không phải từ trời trong, tôi đã ao ước một cơn giông như vậy, thậm chí tôi đã nhìn thấy đám mây đen này. Từ sâu thẳm trong lòng, tôi thấp thỏm chờ đợi cuộc gặp với cô nàng.
Phải chăng cô nàng quyết định gặp tôi vì thất vọng, vì buồn chán, vì tính đỏng đảnh, và vì thay thế cho việc gặp anh chàng kia? Tôi không muốn đi sâu vào những chuyện đó. Khi cô gái đọc cho tôi địa chỉ của mình, giọng cô dịu dàng và mịn màng như lụa, chưa bao giờ cô nói chuyện với tôi bằng thứ giọng này – chắc cô nàng trò chuyện với gã nghệ sĩ kia toàn bằng giọng mịn màng như thế…
Ở đất nước đau khổ của tôi, thiếu thốn là bệnh trầm kha, chỉ có thời gian rỗi là thừa thãi, điều lúc đó chúng tôi đã không thấy hết được, cho nên ở đất nước nghèo của tôi đã tồn tại khái niệm “gói thay thế”. Có lẽ bây giờ tôi đang là cái “gói thay thế” này chăng?
Tôi dao động – tôi sợ trí tưởng tượng của mình đụng chạm với thực tế. Tôi quyết định như thế này: nàng có đôi mắt xanh, tóc vàng, môi đầy đặn, hơi giống môi gái da mầu, còn những lời nàng nói ra bùi tai và ngọt ngào. Tôi có thể từ chối nàng hay không nhỉ? – với nàng thì được, nhưng với tôi thì không.
Chúng tôi hẹn gặp nhau vào buổi tối. Nàng mời tôi đến nhà nàng! Một lời đề nghị như thế này có thể gây lo ngại cho người phụ nữ, nhà nào chẳng có một chiếc giường. Nhưng tôi thấy thích khi nghĩ về thứ đồ nội thất này, mặc dầu trí tưởng tượng cẩn trọng không cho phép tôi mường tượng từng chi tiết. Tôi đến một cửa hàng gần nhà. Tôi mua một chiếc áo vét tông, chiếc áo tôi ngắm đi ngắm lại từ một tháng nay, tôi rất thích, nó quá đắt đối với túi tiền của kẻ đang hưởng học bổng như tôi. Đùng một cái, ngày hôm đó tôi có cảm giác, giá này chấp nhận được.
Tôi đi xe điện ngầm. Trên kính toa xe tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, người tôi cong cong như một dấu hỏi đang tìm lại dấu chấm bị đánh mất của mình. Mùi của cái hầm ngầm ma quỷ của thành phố này chui vào tận máu thịt tôi, ngột ngạt, chật chội, va chạm. Từ giờ phút này nó khiến tôi chỉ nghĩ tới dạng thức đam mê và cô đơn – chúng có phải là chị em với nhau hay không nhỉ?
Tôi mua hoa. Tôi chưa hề tặng ai một bó hoa to như thế. Bó hoa nom như thể mõm con thú dữ vừa mới xé xác con mồi. Những bông hoa bị cắt cuống làm tôi buồn, là vì ngay cả những loài hoa bền nhất cũng sẽ bị héo sau vài ngày. Phải chăng khi tặng hoa cho các cô gái chúng ta không nghĩ tới chuyện hoa đẹp chóng tàn?
Tìm nhà nàng, tôi đi loanh quanh trong phố nhỏ đơn sơ. Gai hoa làm chảy máu tay tôi. Càng lạc lối sự khát khao của tôi càng nhân lên gấp bội.
Tôi vẫn nhớ từng bậc cầu thang của ngôi nhà này, ngôi nhà nằm trong mê cung những ngõ ngách, và tôi tìm được là nhờ phép mầu. Chàng nghệ sĩ nọ cũng từng đi đường này chứ còn gì, và biết đâu tim anh chàng cũng đập thình thịch khi đi qua thùng thư đẹp, thùng thư vẫn còn nhớ những lá thư gửi về từ các mặt trận hồi chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai. Đi trên hành lang ngôi nhà, tôi ngửi thấy mùi na ná như mùi hoa nhài, nhưng có lẽ đó chỉ là ảo giác.
Trong căng thẳng, tôi đứng đợi trước cửa phải đến mấy phút. Tôi có cảm giác, ngay cả sự lặng im cũng đẹp. Có lẽ lúc đó tôi đã linh cảm, điều đương nhiên đối với tôi lúc này – cái thú vị tột đỉnh đang trú ngụ trong sự đợi chờ cái thú vị. Bấm chuông lúc này là phũ phàng, tôi bèn gõ cửa.
Cánh cửa mở ra bất thình lình đến nỗi người tôi lao thẳng vào trong phòng! Em đây - cô nàng nói - và mỉm cười, như muốn nuốt chửng tôi. Tôi phải nhắm mắt lại một lát để hiểu ra, đó là giọng cô nàng. Tôi ngỡ ngàng khi tận mục sở thị thân hình to bự của cô ta choán hết cửa phòng! Tôi kịp nhận ra, gương mặt của cô nàng chắc là đẹp nếu nó không bị trồi lên từ hai bờ vai; tuy nhiên ngay cả nét đẹp kiểu này cũng đáng sợ. Một con quái vật! Nếu mặt tôi là sứ thì nhất định nó sẽ bị rơi xuống và vỡ tan tành khi va vào bậc cầu thang. Tôi nhanh chóng đưa hoa cho cô nàng. Bó hoa chìm nghỉm trong bàn tay to bự và khát thèm. Tôi rụt tay lại, vì sợ bị mất tay, và bỏ của chạy lấy người…
Tôi ra về như một chiến binh bị trọng thương sau trận đánh. Nửa đêm tôi về đến trước cửa nhà. Đang mở cửa thì tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Nửa đêm là cái giờ ưa thích của người đàn bà mà tôi đã chia tay ở trong nước, vào giờ này cô nàng thường gọi điện cho tôi. Chiếc chìa khóa run run trong tay tôi, rốt cuộc cánh cửa chịu mở ra. Trong bóng tối, tôi lao vào chỗ máy điện thoại, làm đổ kềnh ghế đẩu. Ống nghe giẫy nẩy như con thú bị thương và im bặt trong tay tôi, sau đó tôi chỉ còn nghe thấy tiếng xè xè khô khốc của thế giới viễn thông.
Tôi đấm tay xuống bàn – mặt bàn và bốn chân bàn kêu răng rắc. Tôi cố nhớ lại số điện thoại của nàng, tôi nóng vội đến nỗi nhầm số lung tung. Tôi tìm thấy số điện thoại này trong sổ tay, nhưng lại quên mã vùng Ba Lan. Rốt cuộc tôi gọi được. Sau tín hiệu đầu tiên tôi đã định đặt ống nghe xuống, sau tín hiệu thứ ba cánh cổng đất nước tôi bất thình lình mở ra và tôi nhìn thấy Warszawa đang ngon giấc trong màn đêm, tôi ngửi thấy mùi xúp khoai tây và mùi hoa tử đinh hương nở vào tháng năm. Giọng ngái ngủ là giọng một người đàn ông xa lạ. Tôi quẳng ống nghe. Tôi ngồi xuống ghế xa lông, lấy hai tay ôm mặt. Sau đó tôi đi ra chỗ cửa mở. Chiếc chìa khóa vẫn cắm trong ổ khóa, vừa mỉa mai và vừa ai oán.
Ngần ấy năm đã trôi qua, tôi chẳng biết, liệu tôi có tìm lại được ngôi nhà và đường phố hồi đó tôi đã ở, còn chiếc chìa khóa này vẫn cắm chặt như một chiếc đinh trong cánh cửa trí nhớ của tôi.

Lê Bá Thự dịch
________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét