Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Ở phòng viết của nhà văn Đỗ Chu

Chỉ vài năm nữa là đến tuổi 70 mà vẫn vui vẻ, đi nhiều, viết nhiều như lúc còn trẻ. Trong câu chuyện với bạn bè, ông là người nỏ chuyện. Chuyện gì cũng sôi nổi và có chính kiến, sắc sảo, quyết liệt. Nhàng nhàng vóc hạc, cởi mở, vui thì khơ khớ hồn nhiên. Nhiều khi bức xúc có thể phản pháo bằng những ngôn từ mạnh bạo khiến người yếu bóng vía đâm hoảng. Và hình như sự thâm trầm thường ẩn dưới một vẻ ngoài lâng bâng.

Vòng vèo mãi mới tìm ra được khu chung cư ở phố Đội Nhân đối diện Nhà tang lễ bệnh viện 354 - nơi mà ông bảo ngày nào cũng đóng cửa sổ để khỏi phải nghe những lời vĩnh biệt các "cán bộ ưu tú của Đảng, người cha mẫu mực của gia đình". Ấy thế mà, vừa vào tới cửa, ông đã té tát vì tội ngơ ngẩn tìm nhà của tôi qua máy di động. Ông là người dị ứng với di động và các loại máy móc ở đời, ăn trám ngâm, uống trà tươi, gần tự nhiên. Biết vậy nên tôi chỉ cười.

- Từ khi bắt đầu cầm bút, ông cũng đã làng nhàng thế này. Thói thường văn nghệ sĩ hay gắn với rượu bia khiến nhiều người phát tướng, thế mà vẫn cứ thấy một Đỗ Chu thanh mảnh, có lẽ bởi ông là người nhuận ngôn quá chăng?

Nói đúng ra tôi bắt đầu cầm bút từ những năm cuối phổ thông. 1962 đã có bài đăng ở tạp chí Văn nghệ quân đội (TC VNQĐ). Gần nửa thế kỷ cầm bút rồi. Đầu năm nay khi nghỉ hưu, đi khám sức khỏe tổng thể, các bác sĩ bảo lục phủ ngũ tạng của cụ còn tạm làm việc được.

- Vậy là từ thời cha sinh mẹ đẻ, cái tạng ông đã thế ư?

Thuở bé tôi bị hen, lại thêm chứng ra mồ hôi tay, cầm bút viết cứ phải kê một miếng giấy thấm. Như hôm nay trở trời, mồ hôi lại đang túa ra đây này. Đọc báo SK&ĐS thấy nói bệnh này khó chữa, mà tôi cũng không định chữa, sống chung với nó từ nhỏ rồi. Trong cuộc sống, mọi khó khăn, thách thức mình chấp nhận vui vẻ. Thành ra cứ gày yếu thế nhưng trời vẫn cho sống để làm việc.

- Nghe nói ông là người được văn chương ưu ái?

Không chỉ có văn chương ưu ái, mà chính là tôi được cuộc đời ưu ái. Thời chiến thì đi bộ đội, vào làm lính cao xạ, rồi cứ túc tắc viết. Họ thấy mình viết được, có bài đăng ở TC VNQĐ nên lãnh đạo gọi về làm công tác tuyên truyền. Thời đó viết bút ký. Thực ra là mình không vất vả bằng anh em trực tiếp chiến đấu. Làm lính nhưng chỉ viết văn.

- Vậy là nghề văn đã không nhầm khi chọn ông làm đệ tử?

Hồi ở nhà tôi học hành chểnh mảng lắm chứ chẳng giỏi giang gì. Thuở bé đã có đôi chữ Hán do các cụ trong nhà dạy. Xưa mình là con cháu nhà khá giả ở quê, họ hàng nhiều người học hành, chữ nho có, chữ Tây có. 13 - 14 tuổi đã đọc Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, 18 - 19 tuổi đã có thể đọc thơ Đường, thơ Tống. Chữ nho sớm cho mình cái phông văn hóa. Nói chung tự học là chính, mãi sau này lãnh đạo cũng tạo điều kiện cho đi học viết văn ở Quảng Bá. Khi cầm bút thì cứ viết thục mạng. Không mấy tin vào các phương pháp, xem ra ba hoa láo toét nhiều đấy. Xúc động thì viết, chịu khó suy nghĩ thêm mà thành, thế thôi. Năm 1963 được giải truyện ngắn Hương cỏ mật, rồi cứ vài tháng lại in một truyện, có cái vốn từ độ ấy.

- Cũng từ đó, độc giả quen dần với tác giả Đỗ Chu. Cái tên Đỗ Chu có ẩn ý gì không ông?

À, bố họ Chu, mẹ họ Đỗ, tôi lấy hai họ sinh tôi làm bút danh. Tên khai sinh là Chu Bá Bình. Một cái bình lớn, nó rỗng, có sức chứa nhất định.

- Nói đến Đỗ Chu trong sáng tác, người ta nghĩ ngay đến các truyện ngắn và tùy bút. Câu chữ cũng cứ mộc mạc như khẩu khí ngoài đời vậy.

Đúng thế đấy, người ta gọi tôi là nhà văn của truyện ngắn và tùy bút. Có một lần cũng viết tiểu thuyết nhưng không thành công. Thời chiến, nhiệm vụ được giao là viết phục vụ chiến đấu. Nói chung ai có kỳ tích dũng cảm thì lăn vào ca ngợi thành tấm gương cho mọi người cùng học tập. Cũng viết được cả trăm bài báo, hàng chục tập sách. Lúc chuyển ngành chỉ là thượng sĩ, chẳng cán bộ bốn túi hay huân chương gì, nhưng cũng không dám thắc mắc. Tự thấy, tài năng có là bao, đóng góp cũng có là bao. Giữa một cuộc chiến tranh khổng lồ, bề bộn, rất nhiều hy sinh, đói rét, gian khổ mà mình lại được làm cái việc cầm bút dẫu sao cũng được xem là còn nhàn nhã. Giải ngũ đầu tiên thì về bên điện ảnh, sắp cho đi học ở Liên Xô thì lại có lệnh chuyển về Hội Nhà văn.

- Về Hội Nhà văn, ông được đón nhận như một đồng nghiệp ngang ngửa văn tài. Có người nhận xét ông là nhà văn đọc nhiều, sức nhớ tốt, quan sát tinh tường, sắc sảo. Những năm sau này, ngòi bút ông thường hướng về vấn đề gì?

Làm gì mà được thế, ngồi ở Hội Nhà văn lúc đó còn đang có rất nhiều đấng bậc. Các cụ đều là thầy mình, ngang ngửa làm sao được. Tôi về đó còn kịp được ăn bữa cơm tiễn nhà văn lão thành Nguyễn Công Hoan về nghỉ ngơi. Vài năm sau cụ Tuân mới về. Thế cũng là một may mắn lớn, mình là đứa mồ côi cha sớm, ở đâu cũng tìm ra thầy học. Thời bình số phận con người được đặt ra rộng rãi hơn. Tôi luôn hướng về việc ngợi ca con người với những phẩm giá tốt đẹp. Bắt đầu vào đổi mới thì viết sướng hơn, những vùng cấm nay được mở ra, được nhìn nhận một cách bình tĩnh và thẳng thắn. Cũng vui khi được dư luận xem là một trong những nhà văn thời đổi mới có thành tựu. Năm 1989 in tập Mảnh vườn xưa hoang vắng, sau đó là Một loài chim trên sóng 2002, được giải thưởng Hội Nhà văn VN, rồi giải thưởng văn học ASEAN, sau đó là Tản mạn trước đèn 2004, Thăm thẳm bóng người 2008. Sắp tới sẽ cho in cuốn Đường xa nói về người Việt ở nước ngoài.

- Ông đã hài lòng với những trang viết của mình chưa?

Thực ra, những gì muốn yêu thương, muốn trân trọng một đời thì đã nói được nhiều rồi đấy, nhưng mới ở một mức độ. Còn cái sự thật về chính mình trước một hoàn cảnh thì lại chưa. Cũng thấy tiếc những năm tháng vừa rồi, giá viết căng hơn một chút, thật hơn một chút thì chất lượng trang sách sẽ tốt hơn nữa. Xưa nay người ta thường nói chân thiện mỹ, chứ không ai nói mỹ thiện chân. Cái thật phải được đặt lên hàng đầu. Chừng nào đã sa vào giả dối, không giãy ra nổi là còn lúng túng to.

- Văn chương có đủ nuôi sống ông và gia đình không?

Không có lương thì không đủ nuôi con cái đâu. Tôi chẳng làm công việc gì ngoài viết văn, những người khác vất vả hơn nhiều, họ phải kiêm nhiệm thêm việc ở nhà xuất bản hay tờ báo nào đó chẳng hạn.

- Vì họ nhận thấy năng lực sáng tác của ông hay vì thấy ông không có năng lực quản lý?

Chắc là cả hai.

- Và hôm nay có thể hình dung về một Đỗ Chu thế nào nhỉ?

À thì vẫn là một ông nhà văn vẫn nghĩ, vẫn đi đây đó, vẫn đọc và viết, thế thôi.

- Lầm lũi thế, có bao giờ ông cảm thấy đơn độc trên con đường riêng của mình không?

Mỗi nhà văn đều phải tìm một con đường riêng cho mình trong sáng tạo nghệ thuật, điều ấy là sống còn. Cô đơn là thuộc tính của những ai thực sự sáng tạo.

- Ông để râu từ bao giờ vậy?

Mới đây thôi, độ nửa năm nay, cho vui ấy mà.

- Dạo này ông sống ra sao?

Sống xuyềnh xoàng quen rồi, không chè mạn, chỉ nước chè tươi bằng bát như em thấy đây và hút thuốc lào. Nay mỗi tuổi mỗi già, các cháu cũng đã trưởng thành cả. Chị cô mấy tuần nay đang đi chơi bên Trung Quốc, vừa từ Tây An gọi điện về nhắc chồng ăn ngủ đúng giờ. Nhưng tôi lại nghĩ, làm một thằng đàn ông mà ăn ngủ đúng giờ, uống nước lọc quanh năm, không thuốc, không rượu, không rong chơi, thì nếu không sắp ốm nặng cũng dễ bị vợ bỏ vì vô duyên.

- À, nghe người ta nói có thời ông là Trưởng ban Nhà văn trẻ, vậy ông có mặn mà với những sáng tác của lớp trẻ không?

Nhiều người trong số đó rất có tài, nhưng nói chung thì nên chắc chắn hơn, càng sớm càng tốt. Có bạn trẻ bảo: bây giờ chúng em phải viết khác. Nhất trí thôi, nhưng có khác thì tình cảm con người vẫn phải giống nhau: yêu thương dân tộc và đất nước.

- Ông có quan tâm đến văn học mạng không?

Công nghệ thông tin là một sáng tạo lớn của loài người, nó làm thay đổi cả diện mạo đời sống, nhưng theo tôi không có cái gọi là văn học mạng. Đó là những trang viết cẩu thả, thông tin nhanh nhưng láo nháo. Cái nghề này phải lâu, không ăn xổi được đâu.
Nói đến đây bỗng ông ngồi thừ ra, nhấp ngụm chè tươi. Tôi nhìn mấy bức tranh treo trên tường. Mấy bức siêu thực. Chân dung nhà văn Kim Lân. Nhà triết học Trần Đức Thảo. Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Có cái ông vẽ, có cái bạn bè vẽ.

- Ông bắt đầu vẽ tranh lâu chưa?

Cũng tới 30 năm rồi đấy. Có cái vẽ tặng bạn bè, có cái vẽ bán. Hôm nào tiện tôi sẽ vẽ em.

- Vậy ông cũng là họa sĩ nổi tiếng rồi đấy nhỉ?

Dấu hiệu bán tranh không nói lên gì cả. Có những bức rất đẹp nhưng chả có ma nào mua. Nhiều người xem việc mình vẽ là đốc chứng, nghịch xằng. Tự thấy có thế thật.

- Cũng đã có một số nhà văn vẽ tranh và mở triển lãm, ông có định...

Không, bày xong lại mang về, thế là hão. Phải nghĩ về tính hiệu quả. Nhà văn thì phải có tác phẩm để mọi người đọc, đừng vỗ ngực giải thưởng này nọ. Giải thưởng mà cứu được tác phẩm thì khối người đã được bạn đọc xem là thiên tài. Nhưng trong thực tế đâu có vậy, dân chúng đâu có nhầm.

- Mấy hôm nay ông viết gì?

Tôi đang viết bài cho tạp chí Nhân quyền sắp ra mắt. Rồi tôi tập làm thơ, không thường xuyên, lúc nào hứng thì làm. Làm là để hiểu bạn bè mình hơn. Làm thơ vất vả lắm chứ không dễ dàng như mình vẫn tưởng.

Chưa dứt câu, ông đã di chuyển ra chiếc ghế con bên bàn nước làm mồi thuốc lào, quầng khói trắng cuộn lên vấn vít một cách bí ẩn. Rồi ông dẫn tôi vào phòng vẽ ngổn ngang bảng màu, giá vẽ, bút lông với những bức tranh còn đang dang dở...

Tố Lan
(thực hiện)
________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét