Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Vui quá! Xem bình tiểu thuyết

Mai Anh Tuấn


1. Nhân đọc bài “Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết!” của Nguyễn Trọng Bình (NTB), cá nhân tôi có chút vui. Vì mấy lẽ:

1.1. Tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu (GĐYD) của tôi được nhắc đến. Nghĩa là, ở đây, ít nhất, tác phẩm của tôi có độc giả, hơn nữa, độc giả ấy đã viết bài phê bình.
Trong bài viết phê bình ấy, Nguyễn Trọng Bình khen tác giả của GĐYD “chăm đọc” Nguyễn Huy Thiệp – một hành động, theo tôi, là cần thiết để không phải hổng những kiến thức lịch sử văn chương Việt Nam đương đại - điều, thật đáng ngại, là NTB đã/chưa làm được/nổi nên mới kết luận thiếu bao quát rằng “nếu tính từ năm 2000 đến nay (2010) văn học nước nhà may lắm có thêm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (2005) là đạt tới trình độ ấy” (tức “đại diện cho văn học nước nhà bước đầu có thể “đi ra thế giới”. Còn trước đó, theo NTB, là Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng).
Nguyễn Trọng Bình cũng thấy tôi mới chỉ là “anh học trò vừa hết tuổi “áo trắng”, một chi tiết quan trọng để tiết lộ rằng, tri thức văn chương ở phổ thông của tôi hoàn toàn không rõ cái “câu hỏi rất cũ” mà NTB phải “chao ôi” nhắc lại “Văn học Việt Nam đến bao giờ mới có tác phẩm lớn?” là “của cha ông” nào? và “đặt ra khá lâu” từ bao giờ? đến mức “năm 2010 này con cháu vẫn có lời giải đáp”. Những thống thiết mà tác giả bài phê bình đặt ra, thoạt nghe rất chính đáng nhưng kì thực là vô lí và gây nên bất thường đối với sự phát triển bình thường của văn học, quả thật, tôi sẽ không tìm được ở báo Mực tím hay Áo trắng, họa chăng tìm được ở trong những bài báo của NTB?

1.2. NTB hỏi tôi có ngượng khi viết những câu mà NTB, với giọng cảnh binh văn nghệ, cho là “thô tục thiếu kiểm soát”. Tôi lại phải, xin mượn cách của Phạm Thị Hoài trong bài “Sờ Linda” để dẫn dụ NTB rằng, hãy viết nó kín đặc một trang A4 thì tác giả sẽ không “run run” nữa. Và cũng tin, đạo đức của nhà phê bình sẽ trở nên “trong sáng” một cách tuyệt đối! (Nhân đây, thưa là, nhân vật của tôi là “thầy giáo tứ phẩm” – mang hàm tứ phẩm ấy ạ, chứ không phải “thầy giáo Phẩm” như NBT trích)

2. NTB đã từng yêu cầu/mong muốn/đề nghị “Văn chương trẻ - rất cần một chiều sâu và tầm nhìn văn hóa” đến nỗi phải có người nhắc cho biết đã có nhầm lẫn đáng ngạc nhiên. Nay NTB lại thêm yêu cầu “chiều sâu tư tưởng”. Quả thực, khi đời sống văn học nước nhà có những người tận tụy chuyên “rất cần” như NTB thì tôi, trong tư cách độc giả, một lần nữa, cảm thấy vui vui.

________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét