Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Văn học và ngữ cảnh văn hóa

Cao Kim Lan

- Đến thập niên thứ ba của thế kỷ XX đã có những biến chuyển trên nhiều mặt của xã hội và lịch sử. Bộ mặt xã hội lộ ra toàn bộ diện mạo và hình hài của nó với tất cả những góc khuất trên nhiều bình diện và cấp độ. Và đây chính là cơ sở đồng thời cũng là điều kiện xuất hiện tài năng Vũ Trọng Phụng.

Lý luận phê bình văn học thế kỷ XX đặc trưng bởi hai xu hướng lớn: xu hướng theo mỹ học nội quan và xu hướng theo mỹ học ngoại quan. Xu hướng nội quan (chủ nghĩa hình thức Nga, Phê bình mới, chủ nghĩa cấu trúc) đề cao tính tự trị của nghệ thuật, xét văn học trong sự cô lập với ngữ cảnh văn hóa xã hội, tìm kiếm trong văn bản đối tượng thẩm mỹ duy nhất. Xu hướng ngoại quan mà điển hình là mỹ học tiếp nhận đề cao ngữ cảnh văn hóa, xem nó như nhân tố làm nảy sinh tác phẩm và xác định giá trị cho nó. Tác phẩm chỉ được "thực hành", thực sự trở thành sinh mệnh khi tiếp xúc với người đọc, khi có sự đọc. Giá trị của nó được quy định bởi sự đọc. Không có cái đẹp duy nhất trong văn bản. Giá trị thẩm mỹ là tương đối, hay nói theo Umberto. Eco: "Tác phẩm văn học và văn học nói chung là một quá trình"(1). Theo tôi một phương pháp phê bình thống nhất những yếu tố khả thủ của hai xu hướng này, nghĩa là phải đặt tác phẩm văn học vào ngữ cảnh văn hóa đồng thời vẫn phải thừa nhận / tìm kiếm trong bản thân nó "một cái gì đó" sẽ là một hướng đi có khả năng tạo ra những cách nhìn mới. Xin thử minh chứng bằng ví dụ của văn học Việt Nam, một trường hợp liên quan đến "các hiện tượng văn hóa phổ biến": vấn đề dâm hay không dâm trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Những cuộc tranh luận xung quanh chủ đề này đã có nhiều tài liệu và hầu hết chúng ta đều đã biết, thiết nghĩ không cần phải mô tả lại(2). Ở đây chúng ta chỉ xét vấn đề dâm hay không dâm từ ba góc độ: 1) Từ ý đồ của Vũ Trọng Phụng và hiện thực trong tác phẩm của ông; 2) Từ ngữ cảnh văn hóa đương thời: cuộc tranh luận về vấn đề này những năm 1936-1939; 3) Từ điểm nhìn của chúng ta: ngữ cảnh văn hóa những năm đầu thế kỷ XXI.

Từ quan niệm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng

Trước hết phải thấy rằng cuộc tranh luận về vấn đề văn chương dâm uế có nguyên nhân sâu xa từ chính bản thân các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Quan điểm có phần cực đoan về vấn đề tình dục và việc miêu tả những hành vi xấu xa, dâm loạn của một số nhân vật trong tác phẩm của ông có thể đã làm nảy sinh ở độc giả những suy nghĩ chệch khỏi định hướng và mục đích của tác giả. Vũ Trọng Phụng là nhà văn tả chân và theo ông cái ung nhọt nhức nhối trong xã hội cần phải được người văn sĩ tả chân vạch ra, phơi bày ra. Với riêng Vũ Trọng Phụng tả cái dâm trong sự phú quý; tả cái dâm của người con gái đến tuổi dậy thì mà không được giáo dục một cách đầy đủ; và tả những nỗi thống khổ do sự nghèo đói gây nên (như nạn mãi dâm tả trong phóng sự Lục Sì) là một nhiệm vụ.
Trong bài viết: Thư ngỏ gửi ông Thái Phỉ, chủ bút báo Tin văn về bài Văn chương dâm uế (Hà Nội báo, số 38, ngày 23.9.1936), nhân danh những văn sĩ tả chân Vũ Trọng Phụng phản bác việc mọi người cho rằng miêu tả cái dâm trong các tác phẩm của ông là một cách trục lợi, "kiếm ăn quanh cái bẩn thỉu", "quanh miền hoa nguyệt". Vũ Trọng Phụng miêu tả cái dâm bởi ông cho rằng đó là dâm uế - nghĩa là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn; nói cách khác, đó là những quan hệ mờ ám, xấu xa, loạn luân trong xã hội đang rất cần ngòi bút của các nhà văn vạch trần ra, lên án và tố cáo. Ông viết: "nhà văn sĩ tả chân có quyền và có bổn phận tả những điều ấy, mặc lòng đó là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn, khi tả một cuộc dâm loạn bẩn thỉu, ô uế thì là đến chỗ hoàn toàn của nghệ thuật rồi". Đáp lại sự "ngây ngô" của Thái Phỉ khi cho rằng văn của các văn sĩ tả chân là một thứ văn nhơ bẩn, nó khiêu dâm con người ta qua cách miêu tả lõa lồ, sống sượng khiến cho người đọc thấy ghê tởm, Vũ Trọng Phụng giễu cợt: "Đừng bắt ai trong khi tả một cảnh nhơ bẩn lại phải dùng những câu văn thanh nhã nửa kín, nửa hở, đọc lên không những không thấy ngượng mồm mà lại còn thấy hay ho văn chương nữa, thấy muốn ngâm nga hoặc muốn đọc lại để mà nghĩ đến dâm dục được kỹ càng".
Trên tờ Bắc Hà, năm thứ ba, tập mới, số 1 ngày 1 Avril 1937 khi được hỏi về dụng ý miêu tả một vài cảnh mà người ta cho là dâm đãng, Vũ Trọng Phụng đã trả lời: “một chuyện mà cái cốt là ở một chuyện hiếp dâm mà ra thì làm thế nào cho khỏi có những cảnh như những cảnh trong Giông tố của tôi”. Mục đích của Vũ Trọng Phụng khi viết Giông tố là chụp ảnh lấy cái xã hội hiện thời mà theo ông đó là một xã hội “chưa từng có trong lịch sử ta, nó dung chứa những cuộc đồi phong bại tục mà cái cuốn sử nô lệ khổ não mấy nghìn năm cũng chưa từng phải ghi chép” (Chúng tôi phỏng vấn ông Vũ Trọng Phụng về những tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ - Lê Thanh). Theo Vũ Trọng Phụng thì những cảnh dâm đãng mà ông miêu tả là những cảnh có thật, ông không bịa ra, không tô vẽ thêm. Trong thực tế thậm chí nó còn tồi tệ và “khốn nạn bằng trăm bằng vạn” những chuyện mà ông đã kể. Hơn nữa ông còn khẳng định chắc chắn rằng văn chương của ông không thể khiêu dâm bởi:
“Cái gì đã bẩn thỉu đến làm cho ta nôn oẹ như thế thì nó không có tính chất khiêu dâm... Khiêu dâm là những danh từ bóng bẩy văn hoa, là sự nói đến cái dâm bằng những danh từ điêu trá của văn chương.”
“Cái nhơ bẩn không khiêu dâm, khiêu dâm là sự nửa kín, nửa hở, là cuốn phim trưởng giả về music Hall, những ám ảnh của báo Beauté Magazine, báo sex appeal, cô gái nhảy mặc áo tân thời bằng voan mỏng, những chuyện tình cao thượng...” (Chung quanh thiên phóng sự Lục sì- Bức thư ngỏ cho một độc giả - Tương Lai số 11, Mars 1937).
Vậy thực chất việc mô tả điều được gọi là "cái dâm" ở quan niệm sáng tác của Vũ Trọng Phụng là gì? Có thể nói, để bóc trần bản chất xã hội, phơi bày những cái xấu xa của con người trong xã hội kim tiền, Vũ Trọng Phụng nghiêng về chiếm lĩnh mảng hiện thực xã hội thị dân với những mặt trái của nó. Tiểu thuyết của ông không phải là "chất thơ của đời thực" mà là vị đắng chát của cuộc sống. Thế giới nghệ thuật của nhà văn họ Vũ một phần được nhìn qua lăng kính của bản năng sinh lý. Cái dâm là một phương tiện để Vũ Trọng Phụng trình bày hiện thực. Với ông tội ác, quyền lực, đói nghèo, nạn cờ bạc, nạn hoang thai, tự tử... đều có liên quan ít nhiều đến dục vọng của con người. Cái dâm là khởi nguồn của bất hạnh, trụy lạc và cũng là phương tiện để mưu sinh... Như thế, khi phản ánh một mảng hiện thực khá "nguy hiểm" và nhạy cảm, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã tạo ra một sự phá cách trong tư duy nghệ thuật đương đại. Song điều đáng nói là hiện thực đó đã được tái hiện theo một quan niệm mới về nghệ thuật. Nghĩa là nó được xây dựng theo một hình thức mới, một mô hình mới về thế giới trên cơ sở thái độ của chính tác giả với cuộc sống.
Khi bị chỉ trích và lên án là đã tạo ra một khuynh hướng văn chương dâm uế, thứ văn chương đánh trúng vào trí tò mò của con người làm băng hoại truyền thống và đạo đức, một mặt Vũ Trọng Phụng bác bỏ thẳng thừng sự kết án và công kích ấy, mặt khác ông chủ động chỉ ra sự khác biệt về tư tưởng, về quan niệm nghệ thuật và những nguyên tắc xây dựng hình tượng nghệ thuật. Trong cuộc tranh luận, không dưới hai lần ông công khai bộc lộ quan niệm về tiểu thuyết và văn chương nghệ thuật
“Tôi muốn tiểu thuyết xã hội không nên chỉ là tiểu thuyết, nghĩa là không nên quá sai sự thực, tôi muốn rằng tiểu thuyết của tôi là phản ảnh của cái xã hội hiện thời” ( Chúng tôi phỏng vấn ông Vũ Trọng Phụng về những tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ - Lê Thanh).
“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” (Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm- Tương Lai số 9, ngày 25.3.1937).
Những quan niệm này được đưa ra nhằm đối sánh với những quan điểm của khuynh hướng văn chương lãng mạn khi trong tâm thức ông "muốn đi ngược lại cái phong trào Âu hóa bằng hình thức mà các ông T.L.V.Đ chủ trương mấy năm nay". Có thể nói, sự đối đầu giữa hai bên thực ra là sự khác biệt về quan niệm nghệ thuật, trong đó bao hàm khả năng nhận thức và mức độ chiếm lĩnh thế giới. Ở đây cả hai phía cùng đề cập đến vấn đề phản ánh và các nhà văn đều nhận ra sự đối lập gay gắt về "cái nhìn" đối với hiện thực và thái độ đối với cuộc sống. Như Phong cho rằng những văn sĩ tả chân đang vẽ lại bộ mặt thực của cuộc đời bằng một thứ bút mực riêng, "họ bôi lem những cái đã xấu xa, làm đen tối thêm những trạng thái của cuộc đời mà họ miêu tả trong sách". Những tác phẩm ấy gieo rắc một thứ triết lý chán chường, dạy cho người ta sự hoài nghi và yếm thế, làm rã rời ý chí và phá hủy lòng tin. Theo ông đó là sự thực của những tâm hồn đang "muốn hưởng cái thú vị chua chát của sự tuyệt vọng"(Những văn sĩ tả chân tư sản - báo Mới, số 9, ngày 25.8 đến 1.9.1939). Trong khi đó Vũ Trọng Phụng khẳng định mục đích mà ông đang làm như sau: "xã hội này có vết thương, tôi phô nó ra để ngài biết mà chạy chữa. Lục sì là nạn mại dâm, là nạn hoa liễu nó đang đục khoét 9/10 cái xã hội của ngài" (Chung quanh thiên phóng sự Lục sì bức thư ngỏ cho một độc giả - Tương lai số số 11, mars 1937).

"Các ông quen nhìn một cô gái nhảy là một phụ nữ tân thời, vui vẻ trẻ trung, hy sinh cho ái tình hoặc cách mạng lại gia đình. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một người đàn bà vô học, lại chẳng có thi vị, lại hư hỏng, lại bất hiếu bất mục nữa, lại có nhiều vi trùng trong người nữa. Tôi không biết gọi gái đĩ là nàng, chữ ấy nó thi vị lắm - hoặc tô điểm cho gái đĩ những cái thi vị mà gái đĩ ấy không có, đến nỗi đọc xong truyện người ta chỉ thấy một gái đĩ làm gương cho thế gian noi theo... Các ông có thể coi phong trào khiêu vũ là dấu hiệu tiến hóa mà các ông chủ trương. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một cách dâm bôn làm cho tăng số gái giang hồ, một tai họa cho nước nhà..." (Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm- Tương lai 25.07.1937)
Chính cái nhìn thế giới khác nhau là cơ sở để tạo ra một hệ thống những nguyên tắc xây dựng hình tượng nghệ thuật khác nhau. Vũ Trọng Phụng cho rằng khuynh hướng văn chương lãng mạn là tô vẽ hiện thực, còn phe đả kích Vũ Trọng Phụng thì cho rằng ông đang bôi đen hiện thực. Thực ra, vấn đề không phải ở chỗ phản ánh đúng hiện thực cuộc sống hay tô vẽ cho hiện thực mà cái gốc là quan niệm nghệ thuật. Viết về cái dâm, phản ánh xã hội, khám phá bản chất xã hội qua cái dâm của loài người vừa là mỹ quan của Vũ Trọng Phụng, vừa thể hiện cách hiểu thế giới và con người ở mức độ "tới hạn" của nhà văn. Cũng như viết về truyện tình mơ mộng cổ động cho phong trào giải phóng phụ nữ... là mô hình nghệ thuật về thế giới có tính chất công cụ của trào lưu văn học lãng mạn, thể hiện một khả năng soi chiếu, khám phá chiều sâu cuộc sống từ một góc nhìn khác.
Khuynh hướng tả chân đòi hỏi người nghệ sĩ khi sáng tạo ra cuộc sống thứ hai phải tuân theo nguyên tắc tái hiện cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất của chính nó. Vấn đề là mỗi nhà văn chỉ có thể nắm bắt được một khía cạnh, một mảng hiện thực nào đó của cuộc sống. Ở đây hiện thực cuộc sống mà Vũ Trọng Phụng nhìn thấy và nắm bắt được là mảng hiện thực đen tối, ảm đạm và trần trụi của những quan hệ giới tính mang tính tà dâm. Cái mà Vũ Trọng Phụng có thể tái tạo sống động là đời sống vật chất - thân xác - khu vực chung giữa loài người và thế giới động vật. Trên cái biên giới mong manh ấy ông lý giải, bóc trần những mặt nạ người. Ông thấu rõ bản chất xã hội qua sự bùng phát của những tệ nạn xã hội trong cơn lốc du nhập những cái mới (của phương Tây). Những lệch lạc và méo mó trở thành ấn tượng cuộc sống mang phong cách Vũ Trọng Phụng. Xã hội thị dân trong văn chương Vũ Trọng Phụng là cái ung nhọt đang tấy lên cần phải được vạch rõ, đem ra ánh sáng. Vì thế ông chủ trương miêu tả trong tiểu thuyết phải là cái sự thực đau đớn, là "chụp ảnh” cái bộ mặt xám xịt ấy. Mục đích phơi bày cái hiện thực xấu xa nhơ bẩn để mọi người ghê tởm mà tránh đi đã khiến cho ngòi bút của Vũ Trọng Phụng trở nên sắc sảo và chân thực một cách nghiệt ngã. Riêng đối với những cảnh miêu tả hành vi tình dục thì việc vận dụng phương pháp sáng tác này của Vũ Trọng Phụng rõ ràng là một bước đột phá về tư duy nghệ thuật cũng như quan niệm thẩm mỹ.
Trong cuộc tranh luận, Vũ Trọng Phụng đã đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác so với những quan điểm nghệ thuật của trào lưu lãng mạn rất thịnh hành thời gian trước đó(3). Thực tế, đọc tác phẩm của ông ta nhận ra một khuôn mặt mới của xã hội. Những chuyển động, những mầm mống manh nha, những ung nhọt và cả những đồi bại nhố nhăng là một trong những biểu hiện của xã hội hiện đại. Và Vũ Trọng Phụng là người đầu tiên đã tái hiện và chuyển tải được nó một cách chân thực, gai góc và độc đáo nhất. Hiện thực cuộc sống dồn nén, chất chứa ngột ngạt trong các trang tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng hiển lộ như những "hiện thực ma quỷ" được chưng cất lên từ chính cuộc sống thực tế. Ở đây sự cách tân triệt để về mặt ngôn ngữ và thể loại cùng với sự chân thực tới mức nghiệt ngã trong các sự kiện đã đem lại giá trị trường tồn cho tác phẩm của ông, đồng thời cũng tạo ra những luồng dư luận, những bước thăng trầm không thể tránh khỏi qua mỗi thời kỳ lịch sử.
Tóm lại, Vũ Trọng Phụng không coi việc mô tả những cái "nhơ bẩn" của xã hội là khêu gợi nhục dục, phô trương "cái dâm" mà mục đích ông viết ra là để cho mọi người thấy sợ, biết sợ mà tránh xa; viết để lột trần cái "tiến bộ điêu trá" của xã hội nhằm cải tạo nó; viết “để chống đỡ con nhà lương gia đệ tử khỏi sa ngã xuống trầm luân và tội ác” (Trương Tửu). Với Vũ Trọng Phụng nỗi ám ảnh về những "rác rưởi ở sân sau của cuộc sống" thôi thúc buộc ông phải lựa chọn "một con đường nghệ thuật không bằng phẳng". Không ít lần ông cảm thấy cô đơn trên hành trình tìm kiếm vẻ mặt và mục đích tinh thần của mình. Trong bài phỏng vấn Vũ Trọng Phụng do Lê Thanh thực hiện đăng trên Bắc Hà (năm thứ ba, tập mới, số 1 ngày Avril 1937) Vũ Trọng Phụng đã không dấu nổi sự cay đắng khi bị công kích, ông nói: "Tôi là nhà văn phải hy sinh thứ nhất trong những nhà văn. Ông tính lăn lóc sáu bảy năm giời trong làng văn há tôi lại không thể tìm được một nghệ thuật dễ hơn, một nghệ thuật mà nếu tôi không đi đến được thì dẫu người ta không khen tôi, người ta cũng không công kích? Tội gì tôi lại đi vào con đường nguy hiểm mà tôi đang đi để người ta cho là thế nọ, thế kia, tha hồ cho bọn người tầm thường vu cáo bằng những phương pháp cũng tầm thường".

Từ tâm lý - thị hiếu thẩm mỹ của người đương thời

Trong quá trình tiếp nhận văn học tâm lý - thị hiếu thẩm mỹ của người đọc chi phối rất lớn đến cách hiểu (giải mã) văn bản nghệ thuật. Khi những tiểu thuyết Giông Tố, Số đỏ, Làm đĩ, Phóng sự Lục sì, Kỹ nghệ lấy Tây… của Vũ Trọng Phụng ra đời cũng là lúc vấn đề “văn chương dâm uế”được đưa lên diễn đàn thảo luận. Ở đây các tác phẩm văn chương có dung chứa những hành vi tình dục được miêu tả một cách táo bạo trở thành nguyên nhân của mọi sự chỉ trích, tranh luận. Trong bài viết Văn chương dâm uế (Tin văn số 5, H, 1936), Thái Phỉ đã lên tiếng cảnh báo một khuynh hướng văn chương “bẩn thỉu”, phạm đến mỹ tục, tả những cái dâm uế một cách loã lồ, sống sượng đến mức ghê tởm. Ông khẳng định: “Họ thấy thiên hạ ưa thích cái dâm uế thì hoặc là cố nhồi nhét cái cảnh dâm uế vào bất cứ truyện gì mình viết, hoặc là viện cái chủ nghĩa tả chân dụng tâm tả cái dâm uế một cách quá táo bạo và vì thế thành ra sống sượng khó coi”. Ông cho rằng đó là những tác phẩm nghệ thuật vụng về và dễ khiêu động cái thú dục trong con người, đẩy họ vào con đường xấu xa tội lỗi nếu đứng từ phương diện luân lý. Theo Thái Phỉ sự thịnh hành của những tác phẩm văn chương đó trong xã hội chính là do sự vận động của tâm lý: "Người ta đang ở chỗ bó buộc, thốt nhiên được cởi trói để sống một cách tự do, thể nào cũng làm những việc quá độ. Người mình đang bị giam hãm trong cái luân lý chật hẹp cũ, nay bỗng bừng mắt ra trước những tư tưởng rộng rãi của Âu châu, tất nhiên là thành ra phóng túng. Cho nên trong cái thời kỳ giao thừa, hễ cái gì rông rỡ là được người ta hoan nghênh". Theo ông, rất nhiều mặt trong xã hội đã thay đổi, và từ cách phục sức hở hang khiêu động, từ những y phục lõa lồ của người đàn bà đến chỗ tả sự thực trần truồng con đường không xa, nhất lại khi có cái lợi kéo đi.
Trước hết phải thấy rằng cuộc tranh luận “dâm hay không dâm” lúc này là cuộc đấu tranh về tâm lý, quan niệm, thói quen. Ở nước ta sự ràng buộc của cộng đồng với những tập tục, đạo đức, lễ nghĩa coi tình dục như một điều cấm kỵ và đã nhấn chìm nó. Tư tưởng nho giáo với chủ trương “tồn thiên lý, diệt nhân dục” ít nhiều mang màu sắc của chủ nghĩa cấm dục đã biến thành một thứ tâm lý xã hội trói buộc nhu cầu tự nhiên của con người. Trong cuộc sống như vậy nên trong văn học chuyện ái tình chỉ được khắc hoạ ở khía cạnh tinh thần. Vấn đề tình dục trong văn nghệ bị coi như một điều cấm kỵ. Người ta ngại nói đến vấn đề này, vô hình chung tình dục trở thành một cái gì đó hoặc thiêng liêng tới mức thần thánh hoặc thô lậu, bẩn thỉu đối lập với sự thanh cao, trang nhã thường thấy trong những áng văn chương.
Tuy nhiên, đến thập niên thứ ba của thế kỷ XX đã có những biến chuyển trên nhiều mặt của xã hội và lịch sử; vinh và nhục, có cuộc đời cực kỳ xa hoa, dâm đãng và những cảnh bần cùng, lưu manh; có cảnh cho vay nặng lãi cắt cổ và các cuộc ăn chơi đàng điếm; có kẻ bị bóc lột đến tận xương tuỷ và các cuộc thi sắc đẹp, chợ phiên, thi basket, thi khúc côn cầu, thi bơi…; hoa hậu và gái đĩ; tiệm nhảy, sòng bạc và nhà thổ… Bộ mặt xã hội lộ ra toàn bộ diện mạo và hình hài của nó với tất cả những góc khuất trên nhiều bình diện và cấp độ. Và đây chính là cơ sở đồng thời cũng là điều kiện xuất hiện tài năng Vũ Trọng Phụng.
Có thể nói lúc này, những biến chuyển về mặt tâm lý thị hiếu luôn diễn ra trong từng khoảnh khắc ở mỗi cá thể. Trong một giai đoạn có nhiều biến đổi như đầu thế kỷ XX ở Việt Nam thì sự hình thành và thay đổi những thị hiếu nghệ thuật lại càng rõ nét. Sự thay đổi này trước hết được ghi dấu trên các báo chí công khai lúc bấy giờ ở việc xuất hiện một loạt những chuyên mục mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu và thị hiếu của độc giả. Thực tế, trên báo chí lúc bấy giờ, rất nhiều tờ dành hẳn một phần chuyên nói về vấn đề Vệ sinh bạn gái hay Tâm lý bạn gái có đề cập một cách cụ thể đến những chuyện mà trước nay người ta vẫn cho là chuyện kín(4) (Có thể thấy những hiểu biết về tình dục mà Vũ Trọng Phụng đặt ra trong những tác phẩm của mình hoàn toàn không phải là một chuyện quá đặc biệt, một vấn đề chưa bao giờ được nói đến). Đó là chưa kể đến những chương mục, những trang tin đặc biệt cung cấp những thông tin về nạn hoang thai, nạn mãi dâm, các vụ án tự tử vì tình; những trang quảng cáo nói một cách trực tiếp về những cơ sở chữa bệnh hoa liễu, giang mai và các bệnh xã hội khác... Những thông tin này không chỉ cho thấy bộ mặt xã hội lúc bấy giờ mà còn có khả năng tạo ra một "cuộc cách mạng về tinh thần". Điểm khác nhau chính là ở chỗ Vũ Trọng Phụng đã sử dụng một công cụ cực kỳ lợi hại để tuyên truyền: đó là báo chí và nghệ thuật. Ông dùng nghệ thuật tả chân chứ không sử dụng phương pháp giảng dạy luân lý suông như những nhà đạo đức.
Nhưng những thông tin trên báo chí là một chuyện, còn việc mô tả tình dục trong nghệ thuật lại là chuyện khác. Tâm lý của người tiếp nhận không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng trước những sự thực "trần trụi" mà Vũ Trọng Phụng đưa vào trong tác phẩm. Nó trái ngược với truyền thống nghệ thuật vốn đã in sâu trong tâm lý thẩm mỹ của độc giả, tức là đã bền vững ở tầng sâu nhất. Có thể người ta vẫn thấy cần phải đọc song tâm lý e ngại và thái độ đầy định kiến đã đẩy vấn đề đi đến chỗ nghiêm trọng. Tả những cảnh "dâm uế" Vũ Trọng Phụng đã bị liệt vào hạng những nhà văn cố tình “khiêu dâm độc giả”, làm đồi bại thuần phong mỹ tục, “cố làm rung động giác quan của người đọc hơn là nghĩ đến nghệ thuật”… Nhất Chi Mai trong bài viết Ý kiến một người đọc: Dâm hay không dâm (Ngày nay, số 51, ngày 14.03.1937) đã lên án đích danh Vũ Trọng Phụng bằng những lời lẽ phẫn uất và nặng nề: "Tôi phải chỉ trích những cái khốn nạn, lầy lụa của những đoạn văn mà một bọn văn sĩ nửa mùa về hùa nhau cho là kiệt tác, là đúng sự thật, là can đảm...". Cái thứ văn bẩn thỉu, nhơ nhớp, dơ dáy của Vũ Trọng Phụng chứa đựng một tư tưởng hắc ám, căm hờn, nhỏ nhen. Theo Nhất Chi Mai cái "thế giới khốn nạn" mà Vũ Trọng Phụng đã nhìn thấy và đang phơi bày ra chỉ là cái thế giới riêng của Vũ Trọng Phụng. Thế giới ấy được tạo dựng nên bởi một nhà văn "nhìn thế gian qua cặp kính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn càng đen nữa".
Ở đây cần đặt ra vấn đề mức độ miêu tả thế nào thì bị coi là văn chương dâm uế. Có thể nói, đó là một tiêu chí mà những biến động của nó gắn liền với những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, phụ thuộc vào quan niệm và thuần phong mỹ tục của mỗi dân tộc. Mỗi giai đoạn lịch sử tiêu chí này lại có những thay đổi nhất định và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi quan niệm và thị hiếu thẩm mỹ ở mỗi thời. Chỉ cần quay lại nhìn lịch sử trang phục của người phụ nữ, chúng ta sẽ thấy quan niệm về cái đẹp đã có những dịch chuyển tưởng chừng chóng mặt. Đó là còn chưa kể đến trang phục ở một số ngành có tính chất trình diễn như ca nhạc, thời trang, vũ đạo…Từ chỗ trang phục là vật che thân đến quan niệm trang phục phải tôn vinh vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, xã hội dần chấp nhận những cách ăn mặc mà trước đây có thể bị đánh giá là lẳng lơ hay khiêu dâm. Như thế, nhìn từ một trong những biểu hiện của xã hội là cách phục sức của con người chúng ta có thể nhận ra những bước dịch chuyển trong tư tưởng của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Trở lại những vấn đề trong cuộc tranh luận Dâm hay không dâm, sự mâu thuẫn không thể dung hòa giữa hai phái xuất phát từ độ chênh trước sự tiếp nhận cái mới (hoặc cũng có thể một bộ phận của cộng đồng cố tình không chấp nhận sự thay đổi trước những quan niệm đã tồn tại ngàn đời trong xã hội và tất yếu sẽ xảy ra tranh đấu). Và chính những độ chênh ở nhiều cấp độ sẽ tạo ra những va chạm, biến đổi và nhiều hơn nữa là sự đa dạng của hiện thực cuộc sống.
Như thế, ở trong một xã hội mà khi nói đến vấn đề tình dục người ta thực sự cảm thấy ngại, thậm chí bị coi là không đạo đức, là truỵ lạc hay sa đoạ thì quả thực những trang tả chân của Vũ Trọng Phụng trong các tác phẩm sẽ bị coi là dâm hay chí ít cũng tạo ra những "xô xát" trong sự tiếp nhận của người đọc. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là sản phẩm nghệ thuật có khả năng tác động mạnh đến thị hiếu của độc giả; nghệ thuật kể chuyện tuyệt vời và "cái được kể", tức cái thế giới và con người mà ông dựng lên đã thu hút bạn đọc đến và tranh cãi về nó.
Từ điểm nhìn văn hóa hôm nay: tác phẩm nghệ thuật viết về tình dục và một vài suy nghĩ xung quanh vấn đề này
Tính dục ở nhiều góc độ là "cảm quan” thẩm mỹ của Vũ Trọng Phụng, tuy nhiên nhà văn họ Vũ khẳng định rằng ông không hề “khiêu dâm độc giả” mà chỉ muốn phản ánh cái hiện thực dâm loạn, ô uế, bẩn thỉu trong xã hội đương thời mà thôi. Ở đây, một con người chừng mực, nghiêm túc và nhân ái ở ngoài đời không hề đối lập với những trang văn sắc sảo, chất chứa căm hờn, uất hận với cái xã hội bất công. Miêu tả những quan hệ tình dục song Vũ Trọng Phụng không có ý thức hưởng thụ, không bị kéo theo cái trạng thái hưởng lạc trong tác phẩm. Ông viết trong tâm trạng căm giận, xót xa, viết trong sự thương cảm, viết để tố cáo. Vũ Trọng Phụng muốn trong tiểu thuyết của ông những ung nhọt nhức nhối kia phải được mổ xẻ ra mà xem xét và chữa trị. Thực ra những sự thực trần trụi ấy chỉ là một trong những bộ mặt "sặc sụa những mùi mục nát" của xã hội mà thôi. Theo Vũ Trọng Phụng không thể có sự khiêu dâm trong những đứa con tinh thần của ông bởi: "Khi người ta xem tiểu thuyết của tôi người ta thấy ghê tởm, ghê tởm vì trông thấy cái sự thật nó xấu xa, người ta ghê tởm đến nỗi phải tức tối lên, những sự ghê tởm, những cái tức tối ấy thì tôi tưởng cũng đủ làm cho người ta quên mất cái dâm dục rồi" (Chúng tôi phỏng vấn ông Vũ Trọng Phụng về những tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ- Lê Thanh)
Gác tất cả mọi quan điểm, xu hướng chúng tôi muốn nhìn vào thực chất của vấn đề: Văn Vũ Trọng Phụng không khiêu dâm nhưng viết về tình dục (một vấn đề vốn được coi là cấm kỵ). Dù là mục đích như thế nào thì rõ ràng với phạm vi đề tài như thế đã tạo ra “cú sốc” đối với xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng gây được sự chú ý và tạo ra một thị trường thương mại khá sôi động bởi ông đã dùng tài năng và tâm huyết của mình để nói đến một vấn đề mà ít người dám động tới. Hơn nữa, chính Vũ Trọng Phụng chủ trương tác phẩm của ông phải là một luận đề có tính chất khoa học (khoa học về tình dục). Qua nhiều trang viết nhất là với các phóng sự, Vũ Trọng Phụng đã tiến hành khảo sát, một sự khảo sát có tính xã hội học về vấn đề tình dục. Thiên phóng sự Lục sì thực chất là một cuốn sách có tính khảo cứu về tình dục. Điều này chi phối rất lớn đến cách nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật, kiểu nhân vật, và thái độ trước các sự kiện và hiện tượng của cuộc sống. Như vậy, nói một cách công bằng thì viết về cái dâm (tình dục) tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không đối lập với thị hiếu thẩm mỹ của số đông độc giả, vấn đề khá nhạy cảm này đã được công chúng chấp nhận ở một mức độ nhất định
Nhìn lại một chút lịch sử ta sẽ thấy vấn đề tình dục trong văn học nghệ thuật không còn là mới. Văn học nước ta từ thời chữ Hán đã có những đoạn miêu tả hành vi tình dục gắn liền với tâm lý tính cách nhân vật. Cấu trúc, tình tiết, chữ dùng tả cảnh mây mưa trong văn học chữ Hán nước ta ảnh hưởng rất nhiều của văn học Trung Quốc và trở thành một hiện tượng mang tính văn hoá. Điều này cho thấy nhà văn và bạn đọc thời xưa đã bắt đầu không thoả mãn với tác phẩm thuần nhã mà có nhu cầu nhã tục cùng thưởng thức (các nhà nho nước ta đã bộc lộ những suy nghĩ riêng trong việc giải toả cái libido)(5). Như thế, phải khẳng định rằng chất "sex" trong các tác phẩm văn học đã có, vẫn tồn tại và phát triển. Sự phát triển của dòng văn học này (đôi khi không được chấp nhận) được đánh dấu trong việc miêu tả những cảnh lạc thú mây mưa. Từ những miêu tả mang tính ước lệ, bóng gió đến cách dùng những chữ bóng bảy nhưng chân xác, táo bạo; nghệ thuật miêu tả cảnh "sex" đã đi đến chỗ chi tiết, sắc sảo hơn, đưa "sex" từ tình tiết lan sang cốt truyện. Nhìn nhận như vậy chúng ta sẽ thấy chất "sex" trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đi theo một chiều hướng khác. Tính dục là một trong những phương tiện để Vũ Trọng Phụng đi sâu khám phá tâm lý, tính cách con người và bản chất xã hội. Sở dĩ những tác phẩm của ông trở thành một hiện tượng "có vấn đề" và bị công kích bởi chất "sex" trong những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là chất "sex" của phần lớn những quan hệ tình dục mà ông coi là dâm uế. Những đoạn văn tả "cảnh dâm đãng" ấy tác động mạnh đến người đọc bởi sự chân xác, táo bạo và dữ dội. Tuy nhiên đây lại là sự chân xác của một sự thực mà tác giả muốn phơi bày ra để lên án và tố cáo. Mục đích khác nhau sẽ dẫn đến việc dùng từ ngữ miêu tả những hành vi tình dục cũng khác nhau. Vì thế, đọc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng người ta chỉ thấy một sự thực trần trụi và nghiệt ngã. Vũ Trọng Phụng đã tạo ra một góc nhìn khác trước quan hệ tình dục của loài người. Nhìn nhận như vậy chúng ta sẽ thấy sự đóng góp của Vũ Trọng Phụng cho nền văn học ở khía cạnh này. Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không tránh khỏi có những chi tiết miêu tả tình dục mang tính tự nhiên song rõ ràng tình dục và bản năng sinh lý của con người là một phương tiện hữu hiệu để Vũ Trọng Phụng khám phá và vạch trần bản chất xã hội ở một giai đoạn đầy phức tạp ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.
Một chủ trương khác của Vũ Trọng Phụng khi viết về cái dâm còn là nhằm giáo hóa thanh niên. Giáo dục cái sự dâm (tình dục) của con người, theo ông đó là điều gần xác thịt hơn là gần linh hồn, "cái điều cao thượng, đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt". Ông muốn các nhà đạo đức và các bậc làm cha mẹ chăm lo đến hạnh phúc của con cái thì “phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm”. Tình dục dưới con mắt của Vũ Trọng Phụng như vậy được nhìn nhận là một vấn đề hoàn toàn nghiêm túc. Theo ông đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu, học hỏi để nâng nó lên một trình độ tận thiện, tận mỹ. Ở nước ta chính những kẻ đạo đức giả cùng những thành kiến hủ bại đã biến tình dục của loài ngươì thành một điều xấu xa. Ông kêu gọi: “Tìm một nền luân lý cho sự dâm, giáo hoá cho thiếu niên (6) biết rõ dục tình là những gì, đó là việc phải làm ngay vậy.”
Có thể nói, sở dĩ Vũ Trọng Phụng đề cập nhiều đến vấn đề giáo dục giới tính bởi ở phía bên kia chiến tuyến trong khi công kích văn chương của ông là văn chương dâm uế người ta đã cho rằng những tác phẩm như Lục sì, Làm đĩ... sẽ rất có hại cho thanh thiếu niên bởi nó công khai vấn đề giới tính của con người, đề cập đến cái dâm một cách lộ liễu. Nội dung này cũng được Vũ Trọng Phụng đề cập khá cụ thể ở các bài: Chung quanh thiên phóng sự Lục sì- bức thư ngỏ cho một độc giả; Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay không dâm… Có thể nói, ông giữ vững lập trường và quan điểm về việc giáo dục giới tính cho con trẻ và chủ trương phải từ bỏ nạn mại dâm bằng cách phô nó ra như một vết thương sâu quảng cần được chữa trị. Những quan điểm ấu trĩ trong giáo dục con trẻ chỉ có hại cho chúng và nguy cơ băng hoại đạo đức là không thể tránh khỏi .

Còn một điểm nữa đáng chú ý là trong cuộc tranh luận Vũ Trọng Phụng tỏ ra là người bảo thủ trước những đổi thay của con người và xã hội. Ông nhìn thấy đằng sau những danh từ đẹp đẽ của sự tiến hóa chứa đầy tội ác và trụy lạc. Văn chương Vũ Trọng Phụng chưa bao giờ và cũng không thể xây bằng ảo tưởng và mơ mộng. Ông thấu rõ "mọt sâu nương núp giữa lâu đài", nhận ra cái điêu trá trong những danh từ bóng bảy mỹ miều của phong trào Âu hóa đương diễn ra rầm rộ ở nước nhà. Nói về sự "bảo thủ" ấy Vũ Trọng Phụng khẳng định: "Tôi muốn đi ngược lại cái phong trào Âu hóa bằng hình thức mà các ông T.L.V.Đ chủ trương từ mấy năm nay."
"Giải phóng cho phụ nữ đi, cái đó đã đành. Nhưng điều cốt yếu là đồng thời cũng phải làm thế nào cho phụ nữ đừng quên những nghĩa vụ của kẻ làm con, làm vợ, làm mẹ. Tôi không khinh bỉ một thiếu nữ mặc y phục tân thời, ) đi khiêu vũ, chợ phiên, và dự mọi cuộc ăn chơi khác nữa, nếu thiếu nữ vẫn biết thổi nồi cơm, biết cái gì là chung tình, biết cái gì là không hại cho nên kinh tế gia đình..." (Bắc Hà số 1, ngày 1.4.1937).
Có lẽ chính tư tưởng bảo thủ ấy đã giữ cho "ấn tượng tính dục" trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không bị trượt ra khỏi nền tảng của những tư tưởng truyền thống.
Trở lại thực tế ngày hôm nay chúng ta cần tìm ra lối thoát cho vấn đề tình dục trong văn nghệ. Để tránh có những nhận định thiên kiến, cứng nhắc xin được hiểu đúng vấn đề này từ thực tế cuộc sống và văn học nghệ thuật. Đứng trước mỗi tác phẩm nghệ thuật điều quan trọng không phải là cái nội dung thuần túy mà tác phẩm đang kể cho chúng ta mà là cái ý nghĩa lớn lao đằng sau nội dung có tính chất như khơi gợi ấy. Thiết nghĩ, một tác phẩm nghệ thuật đích thực có lẽ việc "khóc thương" hay ngợi ca những số phận con người chỉ là sự trình diễn trên cái bề mặt dễ thấy, giá trị đích thực của nó trú ngụ nơi những tầng sâu bí ẩn của tâm linh con người, buộc con người phải đối diện với chính mình, suy ngẫm và trăn trở. Vấn đề đặt ra là cần phải phân biệt một tác phẩm nghệ thuật có viết về tình dục hoặc là một tác phẩm nghệ thuật có dung chứa những tình tiết sex với một tác phẩm lợi dụng chuyện này thành vấn đề sinh vật tính, con người chỉ còn cái tự ngã trơ trụi và cảm quan nhục thể của bản thân. Dĩ nhiên không có sự cấm kỵ những xu hướng tình dục lành mạnh, song nếu cổ xúy con người đổ xô vào việc hưởng thụ cho hết nấc thang của sự khoái lạc thân xác mà bất chấp tất cả các khía cạnh xã hội khác, e rằng khi đó con người sẽ trở lại thế giới mông muội trước kia. Đối với vấn đề này, giằng thoát khỏi mọi đòi hỏi về phẩm chất, hình tượng con người sẽ trở thành đồng đẳng với sinh vật. Có thể nói, việc cấm kỵ bộc lộ tính dục cũng như vẻ đẹp thân xác là một việc làm trái quy luật, trái tự nhiên song nếu cực đoan nó con người sẽ rơi xuống hố sâu và tự giết chết chính mình. Bởi tính dục là một nhu cầu tự nhiên song nội dung, tính chất và phương thức thỏa mãn lại bộc lộ một trình độ văn minh nhất định.
Trên thế giới hiện nay đã xuất hiện những xu hướng văn học viết trần trụi về tính dục và thú hưởng lạc. Các tác phẩm văn học này được xây dựng nên bởi những cốt truyện giàu tính hành động, chi tiết miêu tả tinh tế, ngôn ngữ có tiết tấu mạnh... vì thế trở thành một thực tiễn thương mại cực kỳ thành công. Song việc đề cao cái tự ngã và đánh mất toàn bộ liêm sỉ trong trò chơi tình dục, kích thích quá hạn những lạc thú thuần bản năng của con người, những tác phẩm văn học này đang được cảnh báo là đi vào con đương nguy hiểm, mạt lộ của văn học (7).
Khi tiếp nhận văn học được coi là một tiêu chí quan trọng để định giá một tác phẩm văn học nghệ thuật, thì có thể nói những cách hiểu khác nhau về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng tuy tạo ra những xung đột (đôi khi kéo theo những định kiến thật sai lầm), song nó lại là cánh cửa để ngỏ cho những cơ hội phát hiện những giá trị mới từ những mã ngôn ngữ, mã nghệ thuật và văn hoá kết tinh ở trong đó.

________________________________________
(*) Văn học và ngữ cảnh văn hóa: Từ một ví dụ: Vấn đề Dâm hay không dâm trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng
(1) Xin xem thêm: Từ văn bản đến tác phẩm (Trương Đăng Dung, Nxb Khoa học xã hội, H.,1999); Nghệ thuật như là thủ pháp (Lý thuyết chủ nghĩa hình thức Nga), Đỗ Lai Thúy biên soạn, giới thiệu. H., 2001; Chủ nghĩa cấu trúc và văn học Trịnh Bá Đĩnh, Nxb Văn học, H., 2003).
(2) Về vấn đề này xin có thể xem: Vấn đề Vũ Trọng Phụng (Việt Trung, Nghiên cứu văn học (Hà Nội), số 5-1960); Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam (Vũ Đức Phúc. Nxb Khoa học Xã hội . H. 1971); Vũ Trọng Phụng, nhà văn dơ dáy hay trong sạch ? (Vũ Bằng, Giai phẩm văn học, Sài gòn, 5-8-1973); Vấn đề Vũ Trọng Phụng qua những bước thăng trầm (Nguyễn Hoành Khung, báo Giáo viên nhân dân số 27, 28, 29, 30, 31 tháng 7-1989); Vấn đề đánh giá văn học Việt Nam 1932-1940 và đấnh giá Vũ Trọng Phụng (Lê Đình Kỵ, Tạp chí Văn học số 6-1992, tr 4-5); Nhìn vào việc đánh giá Vũ Trọng Phụng, suy nghĩ về vấn đề đổi mới tư duy trong nghiên cứu văn học (Lê Thị Đức Hạnh, Tạp chí Văn học số 1-1989); ảnh hưởng của phân tâm học Freud trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng (Nguyễn Thành, Tạp chí văn học số 4-1997); Làm đĩ, cuốn sách có trách nhiệm và đầy nhân đạo (Hoàng Thiếu Sơn, Lời giới thiệu tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Nxb Văn học, h. 1996); Vũ Trọng Phụng - hôm qua và hôm nay (nhiều tác giả, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992)....
(3) Trên diễn đàn văn nghệ rất sôi động vào thời gian này, vấn đề văn chương phải phản ánh cuộc sống cơ cực, lầm than của người lao động đã được nhắc đến trong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh, tuy nhiên để trở thành một nhãn quan nhìn cuộc sống và trở thành một quan niệm nghệ thuật mang tính định hướng cho cả một trào lưu văn học nghệ thuật thì những phát ngôn của Vũ Trọng Phụng vẫn được coi là mở đầu.
(4) Có thể kể ra các báo Phụ Nữ Tân Văn, Nam Phong...
(5) Theo Phạm Tú Châu (Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt nam - Tạp chí Hán Nôm số 3/1999)
(6) Chỉ thanh niên ngày nay.
(7) Xin xem thêm: Vệ Tuệ, Miên Miên với những lệch lạc về văn hóa - Trương Cảnh Siêu, Văn nghệ số 30 (2114) thứ bảy 22.7.2000.

_______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét