Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Bao giờ đi hết giấc mơ (tiếp theo và hết)

Truyện ngắn của VĂN THÀNH LÊ

Kể từ ngày kiêm chức tuyên truyền phát thanh viên của làng, lão Hạng sáng sáng chiều chiều cắp chiếc đài bán dẫn loẹt quẹt từ đầu làng tới cuối làng vừa đi vừa thông báo tình hình chính sự trong nước và quốc tế. Từ một tên chẳng biết mô tê gì, lão Hạng thành bộ não của làng. Mở miệng là chủ trương này, đường lối nọ, quan điểm ra sao, tư tưởng thế nào. Người làng, ai gặp lão cũng “Chú Hạng, thế giới hôm nay sao rồi?”. “Anh Hạng, hôm nay ta thắng ở đâu, lớn không?” Lão Hạng phát lại như cái đài, kinh nghiệm mấy lần báo cáo bắt phi công hồi nào như đắc dụng, nhiều đoạn lão cũng lên giọng xuống giọng như ai, phải cái giọng lão có cố chỉnh kiểu gì vẫn vậy, ồm ồm như ngỗng vào mùa đạp mái. Mặt lão lúc ấy như ở giữa chín tầng trời. Như kiểu lão đang ôm cả thế giới trong tay mình. Xong rồi, nếu là mấy mụ “vườn không nhà trống” kiểu gì lão Hạng cũng bả cái đét vào mông, xoa xoa khen miếng vải quần xa tanh hay vải gụ. Ai mà chửi, lão cứ hồn nhiên cười hềnh hệch, loẹt quẹt bước đi. Ai chửi khéo, đại loại như “Phải gió cái nhà ông này” rồi nguýt dài cái, thì tối ấy xem như lão Hạng biết mình phải ở đâu.

Chao ôi cái sự đời, rõ thật sướng khổ nó không chỉ chọn người mà còn chọn thời. Nó mò tới lúc nào có hay. Ngày xưa lão Hạng mới đụng vào tí mà cả làng cả tổng hắt hủi muốn thừa sống thiếu chết. Giờ thì lão Hạng như ông hoàng. Dẫu cà thọt vẫn là vàng. Vàng mười. Không rõ ràng, ra mặt, nhưng mấy ai không rải thảm đón lão, cung phụng lão. Có đêm lão Hạng làm tới vài cua. Lão hả hê như người đi ban ơn. Mấy người già thấy nghịch mắt lắm, báo cáo lên ban chủ nhiệm hợp tác xã. Rồi đưa ra hội nghị, kiểm điểm. Chị chủ nhiệm hợp tác xã nói, thế này không được, đồng chí Hạng thực hiện sai chủ trương đường lối hậu phương. Lão Hạng mặt cũng vờ nghệt ra, tôi biết, tôi hiểu, cương quyết nhận khuyết điểm, trừ vào điểm công, sẽ sửa sẽ sửa. Họp buổi chiều. Buổi tối lão Hạng đi vào nhà chủ nhiệm hợp tác xã, thổi đèn cái phù. Chồng chị chủ nhiệm đi chỉ huy ngoài chiến trường. Nhưng chỉ huy lính thôi. Chỉ huy chủ nhiệm lúc này có mỗi lão Hạng. Một thời gian nữa lại kiểm điểm, chị chủ nhiệm hợp tác xã lại nói, thế này là không được, đồng chí Hạng thực hiện sai chủ trương đường lối hậu phương. Lão Hạng mặt lại vờ nghệt ra, lại tôi biết, tôi hiểu, cương quyết nhận khuyết điểm, trừ điểm công, sẽ sửa sẽ sửa. Họp buổi chiều. Buổi tối lão Hạng lại đi vào nhà chủ nhiệm hợp tác xã, lại thổi đèn cái phù. Hôm nào kiểm điểm lão Hạng ưu tiên tới nhà chủ nhiệm hợp tác xã trước.
***

6. Sau mấy lần kiểm điểm đâu vẫn vào đấy, mấy bà già rủa, cứ mong trời đánh cho chết rấp. Tưởng nói cho sướng miệng. Thế mà trời nghe thấu. Cơn dông đầu hạ buổi ấy ập xuống đúng lúc lão Hạng đang chén bữa trưa. Lão nhâm nhi cút rượu với mấy đoạn lòng bò mới được chia phần. Mà nói tới bộ lòng bò phải kể thêm cái việc lão Hạng được “biên chế” kiêm nhiệm. Lão Hạng còn là tay dao tay thớt của làng. Mỗi lần mổ bò, mổ trâu hay ngã lợn, lão cầm dao là phần nào ra phần ấy. Đều từ cái mõm tới khấu đuôi, nhà nào cũng đủ, chẳng ai phân trần. Nhưng khi xả thịt ra kiểu gì lão cũng nhanh tay xắt được cái của quý giắt cạp quần hay quăng ra bụi nào gần đấy. Chẳng biết sao, với lão Hạng ngon nhất là cái miếng ấy. Có lần đại hội xã viên. Mình lão xả cả mấy chú cẩu. Làm đâu vào đấy. Mấy bà đầu bếp biết tính lão, kiếm ớt chỉ thiên nhét vào chính giữa miếng có cái ấy của giống cái. Khi bưng lên. Xếp ngay tô có miếng đặc biệt vào mâm lão. Lão Hạng tớp ngay miếng khai đũa. Ho sặc sụa vì một mồm ớt. Cả làng được trận cười. Cười thiếu văng răng khỏi miệng.

Quay lại cái đận lão Hạng chơi ú tim với ông trời. Đang khề khà khề khà. Dù mưa phả vào cửa tơi tả nhưng lão vẫn ngồi rung đùi gắp và nhắm. Bỗng thiên lôi hạ búa cái rầm. Mâm cơm sạm đen, bay vào góc. Bát đĩa, chén chai mỗi thứ bay mỗi nơi. Lão Hạng bị nhấc lên, ném cái bịch, cách chỗ ngồi hai mét. Mặt mày xây xẩm. Chết giấc. Tỉnh lại, sờ lên thấy máu tai, kiểu này khéo chết bỏ mẹ. Lão nghĩ thế. Hóa ra miếng bát vỡ xẹt qua tai thôi. Hút chết. Hôm ấy cả làng đinh ninh lão Hạng ngỏm củ tỏi rồi. Ông thiên lôi choảng đúng nhà kho thế kia, có mà lão cháy thành than. Rày thì hết tác oai tác quái. Nhưng không. Lão vẫn sống nhăn răng. Sống khỏe là khác. Từ đấy, lão Hạng càng không sợ gì. Trời đánh lão không chết thì còn biết sợ gì!
***

7. Ngoài ba mươi tuổi, Hạng cũng chịu lấy vợ. Sau khi, nói như mấy ả không ưa là, đem chim đi… đánh xứ người chán, lão dắt phắt một người về ở chung, không cưới xin gì sất, có cái giấy đăng ký cho phải phép là xong. Mấy bà nạ dòng nhìn vợ lão ghen tị lắm. Ba năm lão cũng có hai đứa, rồi tịt. Hai đứa con đẹp như tranh. Nhưng ông trời ác. Cái thằng sau càng lớn càng chẳng biết gì. Nói xổ toẹt ra là nó ngơ. Lớn tồng ngồng vẫn ú ớ ngu ngơ. Cho gì cũng ăn. Bảo gì cũng làm. Làng được phen “đàm phán bàn tròn”. “Mang cho thiên hạ chán đi giờ còn cặn bã đưa về cho vợ, gì mà con chẳng thế”. Kẻ khoa học hơn thì nói dứt khoát như đinh đóng cột: “Con chó dại cắn lão Hạng giờ mới lây tới con”. Hay “Cái vụ trời đánh làm biến tính của quý của lão nên con mới ra thế”. Riêng lão Hạng thì điên lắm, nhưng chẳng bảo con được gì. Nói trước quên sau thì dạy sao. Lớn tồng ngồng thằng con lão Hạng vẫn chỉ huy đám trẻ nít, hay là trẻ nít bu lấy nó như một thứ trò chơi.

Hôm thằng con lão thấy hai con chó nối đuôi nhau sát bờ rào, mặt nó nhìn nghệt ra, thộn không chịu được. Được lúc nó hô mấy đứa nhỏ lùa đôi chó xem thế nào. Hai con chó sợ quá, chạy. Chạy mà vẫn nối đuôi nhau. Nhùng nhằng ủng ẳng. Mỗi con chạy một hướng không tài nào đi nổi, sau dạt về một bên, lao vào bụi. Không may cho chúng, chạy sát nhau nhưng chúng vẫn bị một cái cọc rào chặn lại. Hai con chó không thể dứt ra, mắc cái cọc rào chính giữa, kêu rền trời. Thằng con lão Hạng lao vào nắn nắn bóp bóp đoạn mắc giữa hai con chó. Nó còn kêu mấy đứa trẻ lấy lách nứa để cắt, xem thế nào. Vừa lúc ấy thì có người lớn qua. Quát, “Ai dạy chơi cái trò mất dạy. Thất đức!” Tụi trẻ chạy tán loạn. Nó ngẩng mặt cười hềnh hệch nói, hay, hay…
***

8. Lão Hạng leo lên tới chức trưởng công an xã thì rụng. Rụng cái bịch. Rụng sau ngày thống nhất đất nước. Bộ đội về làng nhiều. Phải cải tổ. Chấn hưng. Nhân dịp con gái lão đang yên đang lành ễnh cái bụng lên. Thế là lão bị hạ bệ luôn. Lão tra hỏi của thằng nào để gả cho sạch mắt, xem cứu vãn được gì không thì đứa con gái đáp trống không: “Nhiều quá không biết của ai”. Lão Hạng tái mặt: “Đồ khốn nạn, mày hại đời tao”. “Thế ngày trước bố không hại bao nhiêu đời đàn bà chắc”. Đứa con chẳng phải tay vừa. “Mất dạy. Cút”. Mặt lão không phải tái nữa mà là tím bầm.

Về vườn rồi mà nhiều người căm lão Hạng. Bình thường lão mặc, nhưng có tí rượu vào lại loẹt quẹt rêu rao: “Tức ông cái cục cứt không thối. Không có ông thì cái làng này héo lâu rồi, héo rũ rượi. Chúng mày phải cảm ơn ông mới đúng, nhá. Không có ông, nhá. Cả lũ vợ chúng mày có phừng phừng, phơn phởn, tươi rói đến lúc này mà đón chúng mày về không, nhá. Hay chỉ như dải khoai lang héo, nhá”. Cứ thế lão Hạng ca bài ca hy vọng hết tuần, rồi lão vào rẫy ở hẳn. Chưa sáng đã đi. Tối mịt mới về. Không đoàn thể xã viên gì nữa. Lão Hạng quây rẫy trồng lúa, hoa màu. Tối tối lão chặt tre ngồi vót nan rổ nan đó. Từ dạo lão Hạng vào rẫy trâu làng bỗng nhiên ngoan lạ. Xung quanh rẫy lão Hạng cắm chông tre chi chít. Xen kẽ cả hố chông chùm. Đứa nào để trâu lớ ngớ lọt vào coi như toi. Có con lẻn được vào vườn, lão Hạng cho cả con dao làm kỷ niệm, nhát đứt gân gót chân, nhát xả mông. Lũ trẻ chăn trâu sợ xanh mắt. Thành ra lão không khiến nhưng lũ trẻ vẫn tự động rào vườn cho lão. Không phải sợ lão mà sợ trâu vào vườn lão.
***

9. Từ ngày lão Hạng vào rẫy, vợ lão thành điên điên tỉnh tỉnh. Suốt ngày mụ hát ấm ớ, dẫn thằng con đi nhặt nhạnh loanh quanh trong làng. Lão Hạng điên tiết về đóng cửa buồng nhốt lại. Nhưng không được. Hình như vợ lão bị nhốt cả đời rồi, chưa bao giờ được nói một câu cho tròn trịa gãy góc nên giờ tới lúc hóa. Thi thoảng khi lão về nhà, vợ lão lại dựng đứng lên, tru tréo, mắt trắng dã, hết xưng cụ tổ đằng nhà lão tới bố mẹ lão. Mỗi lần xưng là một giọng, nói như ra lệnh. Nói rồi vợ lão hát. Ban đầu lão hơi giật mình, sợ. Mà khổ thân, lão có nhớ bố mẹ lão là ai đâu, huống hồ là cụ tổ. Lão lại trấn an. Trời đánh không chết huống hồ đàn bà. Nhiều lần lão nhét khăn vào miệng vợ để tắt cái kênh phát của bà.

Nhảy múa và phán chán. Vào một đêm cận tiết chạp, vợ lão trốn khỏi nhà, ra mở cổng, dắt con trâu đực đi quanh làng ba vòng rồi thả trâu vào núi. Một mình quay lại nhà. Bà ngồi ngay gốc si làng, trước nhà. Sáng ra, người đi chợ đầu tiên giật mình thấy bà treo lủng lẳng giữa cành si chĩa ra đường.
Vợ mất được ít hôm lão Hạng tính bán cây si. Cây si tiếng là của làng nhưng thuộc phần đất nhà lão. Nó có từ hồi nảo hồi nào. Thuở đi kinh tế mới lên khai hoang cây si đã có ở đó. Lão Hạng phát hết cây làm vườn, để lại cây si ở góc. Mãi rồi người ta mở đường qua nhà, cây si thành ra đứng ngay rìa đường, đầu làng. Trải qua phải gần thế kỷ, nó vẫn trùm kín cả đoạn đầu làng. Xanh um. Mát cả bốn mùa. Lão Hạng tính bán, thuê người đào quanh gốc. Đào tới ngày thứ hai, mới đánh được một nửa thì thằng con lão lăn đùng ra ốm. Nằm mê mệt. Lão đưa con chạy hết bệnh viện huyện tới bệnh viện tỉnh, soi trong ra ngoài, bắt mạch trước mạch sau, Tây y Đông y, thuốc Nam thuốc Bắc vẫn không ra bệnh gì. Nằm vật giữa nhà. Chán! Lão bỏ gốc si đó thì thằng con tự nhiên khỏi. Chẳng biết sao mà lần.

Chuyện nguôi ngoai, vừa lấp đất lại, gốc si chưa kịp bén rễ mới thì người dưới phố đánh xe lên hỏi mua đưa về trồng trong nhà hàng lớn gì đó. Lão Hạng sợ, không bán. Nhưng hỏi xã thì xã quyết bán. Lão cãi. Mấy ông văn hóa xã vả lại, đây là cây si làng, của chung, xã có quyền bán, bán lấy tiền xây nhà văn hóa xã, dùng chung, cả xã được hưởng chứ để cây si làm gì. Lão Hạng vẫn cãi. Xã cưỡng chế. Gốc cây được bật lên, lão Hạng được cho vài triệu gọi là cây nhà. Xong. Được ba hôm thì thằng con trai lão trưa nắng chạy đi đâu về, tự nhiên lao đầu xuống giếng chết mà chẳng rõ tại sao. Giếng nước ở gần gốc si cũ. Lão Hạng chết lặng. Mấy triệu nhận lót tay vừa đủ lo đám tang con. Lão câm từ đấy.
***

10. Giờ thì lão Hạng ngồi đấy. Tay dao tay nan. Đều đều. Vô định. Những cái nan đều chằn chặn, vót căng bụng, ném sang bên, vàng ươm hay trắng bạch phía trên, giữa hai luồng ánh sáng vàng vọt từ trăng và bóng điện. Không biết có khi nào lão Hạng nghĩ về những ngày đã qua, những tháng ngày lão xem trời bằng vung. Hay với lão đó chỉ là một giấc mơ. Người ta nói, ai mà trời đánh không chết thì sống dai phải biết. Không biết bao giờ lão Hạng mới đi hết được giấc mơ.

_______________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét