Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Văn xuôi 2010: vẫn là giai đoạn tìm kiếm

- “Giai đoạn tìm kiếm của văn học” có vẻ như là cụm từ được lặp đi lặp lại trong nhiều năm gần đây ở các cuộc phỏng vấn. Và liệu giai đoạn này sẽ kéo dài bao lâu vẫn là một câu hỏi khó cho tất cả những ai quan tâm đến tình hình văn học nước nhà. Để nhìn lại chặng đường văn xuôi năm 2010, chúng tôi xin giới thiệu cuộc phỏng vấn với nhà văn Trần Văn Tuấn.

PV: Theo quan sát của nhà văn thì tình hình văn xuôi năm 2010 có gì đáng chú ý và nổi bật?

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Bối cảnh chung của văn học thế giới hiện nay được công chúng ít quan tâm, trầm lắng và không được như trước. Tình hình văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó.
Riêng sự quan sát của cá nhân tôi thì thấy, trong năm 2010 số lượng tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử tăng lên, sách dày, nhiều cuốn đều từ 300 trang trở lên. Thể loại tiểu thuyết còn ít, so với tập truyện ngắn. Bên cạnh đó đề tài tình yêu vẫn được khai thác nhiều.
Nói chung trong năm 2010 vẫn là ở giai đoạn tìm kiếm, những người viết cả nhà văn có kinh nghiệm và các cây bút mới chưa có gì thật sự nổi bật, chưa có hiện tượng. Một vài tác phẩm có “nhô” lên một chút nhưng chưa phải là hiện tượng khiến dư luận bàn luận nhiều.

PV: Năm 2010 lần lược các cuộc thi tiếu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, cuộc thi tiểu thuyết, truyện ký của Bộ Công an và Hội Nhà văn, cuộc thi văn học tuổi hai mươi công bố kết quả. Theo nhà văn thì kết quả từ những cuộc thi đó có được coi là “điểm” để chúng ta nhìn lại diện mạo văn học Việt Nam 10 năm đầu của thế kỷ này chưa?

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Theo tôi thì bây giờ đánh giá văn học 10 năm là còn quá sớm. Nhưng qua các cuộc thi đó thì thấy đây là một tín hiệu vui vì còn nhiều người tâm huyết với văn học. Như tôi đã nói ở trên, đây là thời kỳ tìm kiếm, chúng ta đều mong muốn cái mới cho văn học, trong khi đó thì những cái cũ chưa hẳn đã mất và cái mới chỉ là manh nha… Thực ra tất cả những gì đang diễn ra hiện nay là điều bình thường.

PV: Qua sự tổng kết của mình thì nhà văn thấy có những gương mặt văn xuôi nào đáng chú ý và hứa hẹn cho văn học Việt Nam?

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Chúng ta từng biết đến những cái tên Ngô Phan Lưu, Mạc Can dù không còn trẻ nhưng được gọi là “Nhà văn trẻ” vì sự xuất hiện của họ có cái riêng, có cá tính. Nói như vậy để thấy rằng tất cả những người cầm bút đều chứa trong mình tiềm ẩn bên trong. Tuy vậy, theo tôi thì gương mặt văn xuôi đáng chú ý là những nhà văn trẻ ở độ tuổi 45 trở xuống. Bởi về mặt sinh học họ còn sức lực, nhiều mối quan hệ mới mẻ có thể hứa hẹn tạo ra diện mạo văn học cho 5, 6 năm tới như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thuỵ…

PV: Nhà văn thấy tiếu thuyết của cây bút trẻ với những cây bút lâu năm có khoảng cách lớn không?

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Tôi cho rằng không nên tính khoảng cách độ tuổi mà nên tính khoảng cách tác phẩm. Những tác phẩm đề lại dấu ấn riêng của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Huy Thiệp hầu như là tác phẩm xuất hiện trong giai đoạn đầu sáng tác.
Viết lâu năm có thế mạnh của viết lâu năm, mới có thế mạnh của mới. Người viết mới dù mạch văn không kinh nghiệm nhưng lại có sự tươi mới. Người viết lâu năm chín chắn hơn, có chiều sâu hơn, khát quát và truyền cảm hơn. Đặc biệt họ có kinh nghiệm để sử lý kết cấu, xây dựng bố cục. Nhưng họ lại rất dễ lặp lại chính mình, có thể rất vô thức. Vì thế rất khó để phân biệt khoảng cách của cây bút trẻ với cây bút lâu năm.

PV: Để làm bệ phóng cho những nhà văn trẻ bắt tay vào viết tiểu thuyết, theo ông thì ngoài nỗ lực tự thân của tác giả, các cơ quan chuyên trách văn học như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội văn học nghệ thuật địa phương nên làm gì để tác phẩm có chất lượng nghệ thuật hơn?

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Để có tác phẩm văn học chất lượng thì nỗ lực tự thân của tác giả là 80%, 20% mới là tác động hỗ trợ bên ngoài. Các Hội văn học cần phải có phương hướng để đầu tư chọn lọc, tránh tình trạng cào bằng như trước. Ví dụ một hội văn học có 300 người thì chỉ chọn ra 50 người có tài đề đầu tư. Khi đã chọn được người đầu tư rồi thì phải đầu tư hợp lý phù hợp sở trường của từng cá nhân.

PV: Sự ồn ào của những cây bút trẻ chạy theo những trào lưu từ hiện thực cuộc sống như đồng tính, thuốc lắc, tội phạm internet… có vẻ như những mảnh ghép của báo chí. Tại sao các nhà văn lớn tuổi lại không đề cập vấn đề ấy như một cách nhìn của người lớn, người từng trải mà dường như chỉ là đề tài của người viết trẻ?

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Điều này phản ánh sự thật xã hội. Tất cả hoạt động của xã hội như thế nào thì văn học đều có. Nhưng nhiều khi người ta lợi dụng để khai thác nó thô thiển hoặc vì họ ít tài nên chưa hay. Một tác phẩm lớn dù viết về cái gì, đề tài gì thì thông điệp phải có tính chất tư tưởng của xã hội. Một người cầm bút nghiêm túc phải có nền tảng tư tưởng vững chức, phải có lòng tự trọng, ý thức văn hoá… những hiện tượng xã hội hay những bề nổi trong văn học nhiều khi phải cần thuốc chữa, nhưng có khi không cần thuốc cũng khỏi.
Trở lại vấn đề bạn đề cập, tôi trả lời thế này: Bản thân tôi cũng là nhà văn lớn tuổi, tôi tự biết sở trường, sở đoản của mình là gì. Trong khi đó những nhà văn lớn tuổi ở ta phần nhiều đều trải qua chiến tranh. Và mặc dù chiến tranh đã qua rất lâu nhưng người viết vẫn bị ám ảnh kí ức. Người viết nặng lòng với quá khứ nên sở trường là cái đã qua, viết là sử dụng kí ức.
Hơn nữa, đề tài hiện đại dù rất hấp dẫn, nhưng bản thân nhà văn thấy mình chưa am hiểu nhiều nên chưa thể cầm bút viết. Những gì chưa am hiểu là điều tối kị với người viết văn xuôi. Phải biết rõ, tường tận mới viết được. Không như thơ, nhà thơ có thể cầm bút viết về cái còn mơ hồ, viết bằng cảm giác, cảm nhận.
Đề tài hiện đại nó phản ánh cuộc sống của lớp trẻ, trong khi với nhà văn lớn tuổi thì tuổi trẻ chính là kí ức về chiến tranh với luyến tiếc, với cận kề sống chết… Đây là điều cơ bản rất khác khiến các nhà văn lớn tuổi không mặn mà, chưa quan tâm và chưa kích thích để viết.

PV: Xin được hỏi thêm, nếu như nhà văn nói rằng vì mình không hiểu cũng như có sự khác biệt giữa thế hệ trẻ của mình với thế hệ trẻ hiện nay nên không hoặc chưa viết về những đề tài trên thì không lẽ những người đã và đang viết về đề tài này họ phải cặn kẽ đến mức mang bản thân mình ra làm thí nghiệm mới viết được sao? Trong khi tất cả người cầm bút đều có thể khai thác vấn đề đó qua sách, báo, mạng, thực tế hàng ngày… mà không cần phải có trải nghiệm bản thân (nói vui là thí nghiệm bản thân)?

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Tôi nghĩ tiếp cận đề tài này thì lớp trẻ có lợi thế hơn hẳn chúng tôi, quan niệm khác chúng tôi. Ví dụ như Nguyễn Nhật Ánh viết về lứa tuổi teen ai dám bảo ông ấy không biết gì về cuộc sống của lớp trẻ hiện nay với đồng tính... Nhưng rõ ràng trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh phần nhiều vẫn là kí ức tuổi thơ trong trẻo của bản thân đã qua. Đây là điều tự nhiên của văn chương, đặc biệt là của người viết văn xuôi.

PV: Theo nhà văn, để khuyến khích những cây bút trẻ cũng như những nhà văn tên tuổi đã định hình được phong cách mạnh dạn thay đổi cách viết, cách thể hiện chúng ta có cần đến một giải thưởng, hay đơn giản hơn là một hình thức tồn tại như “Thể nghiệm” không? (Giải thưởng Văn học thể nghiệm, Tác phẩm thể nghiệm…)

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Một trong những động lực phát triển văn học là giải thưởng. Giải thưởng cũng là một trong những kênh định hình vị trí tác giả. Theo tôi thì tới đây Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật địa phương nên có nhiều hình thức giải thưởng hơn nữa. Ngay như Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh có thêm giải thưởng Nhà văn trẻ dành cho tất cả những cây bút chuyên và không chuyên dưới 35 tuổi sống ở thành phố. Hội Nhà văn cũng nên có một hệ thống giải dành cho các cây bút trẻ. Thậm chí có thể có giải thưởng cho những sáng tác đầu tay nữa.
Còn bạn đề cập đến vấn đề Thể nghiệm, tôi cho rằng khá hay nhưng cần phải xem xét kỹ. Chỉ có thể thể nghiệm phong cách chứ không thể áp dụng trong tư tưởng tác phẩm. Vì nếu không khoanh vùng mà để rộng thế thì văn học rất dễ bị lợi dụng cho mục đích chính trị. Nhưng nên có thể nghiệm phong cách để có tác phẩm mang tính đột phá nghệ thuật, tác phẩm mang tính dự báo. Lâu nay, tính chất dự báo cũng là một chức năng quan trọng của văn học, nhất là trong xã hội hiện nay thì càng cần.
Tóm lại, tôi muốn các Hội văn học - Hội Nhà văn Việt Nam, Hội văn học nghệ thuật địa phương có thêm nhiều giải thưởng để kích thích sáng tác trẻ, có cả giải thưởng cho tác phẩm thể nghiệm. Và tất cả các tác phẩm đó ngoài tiêu chí riêng còn phải nằm trong khuôn khổ nghệ thuật.

* Cảm ơn nhà văn!

Hiền Nguyễn (thực hiện)
___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét