Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Chuyện tình của Alexandre Dumas và nàng "trà hoa nữ"

- Một chuyện tình đẹp dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ nào thì cũng chạm đến trái tim con người của bất cứ dân tộc nào, ở bất kỳ thời đại nào, trong bất cứ không gian nào… “Trà Hoa Nữ” của Alexandre Dumas là một chuyện tình như thế.

Cha và con và những “xung đột”

Văn học thế giới chưa từng biết đến một “cặp đôi” tác giả có nhiều sự trùng hợp đến vậy: cả hai đều tên là Alexandre, đều mang họ Dumas (một là cha và một là con), cả hai cùng viết khỏe và cùng lừng lẫy trên văn đàn nửa cuối thế kỷ 19.
Tuy vậy ở họ cũng có những “xung đột”: Dumas-cha sinh trưởng trong gia đình phong lưu có bố là một vị tướng trong quân đội Napoleon và mẹ là một phụ nữ thượng lưu; còn Dumas-con – chỉ là hậu quả của cuộc tình chớp nhoáng giữa một anh chàng mới tập tành viết lách với một cô thợ may sớm bị người tình ruồng rẫy. Phải đến 7 năm sau khi Duma-con chào đời Dumas-cha mới thừa nhận đó là hậu duệ của mình. Nhưng rồi Dumas-cha cũng chẳng mấy quan tâm đến đứa con được thừa hưởng gien viết lách của ông.

“Địa hạt” sáng tác của cha con họ cũng rất khác nhau. Cha nổi tiếng ở dòng tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm với những happy-end; con thì thành công trong thể loại bi kịch tâm lý. Cha ưa thích bối cảnh lịch sử thời Louis XIII; con thì say sưa với các vấn đề nóng của thời đại mình: mại dâm, ngoại tình, ly hôn, số phận người phụ nữ “phía sau ánh đèn mờ”. Nội dung các tác phẩm của Dumas-con thể hiện ngay ở nhan đề: “Gái giang hồ”, “Ngài Alphonse”, “Đứa con ngoại hôn”, “Người cha hoang đàng”…

Có vẻ như đề tài bi kịch gia đình, thân phận cá nhân luôn ám ảnh người đàn ông từng bị coi là “con hoang”, từng có tuổi thơ bên người mẹ đơn chiếc. Nhiều người gọi Dumas-con là tác giả của những scandal, những người khác lại coi ông là trạng sư của gái điếm, của những đứa trẻ vô thừa nhận và những người mẹ đơn thân.

Dumas-cha khiến độc giả kinh ngạc bởi các nhân vật mà ông xây dựng bằng một trí tưởng tượng siêu phàm của mình (những chàng ngự lâm đầy ấn tượng, ngài bá tước Monte Cristo vô cùng cuốn hút…). Còn Dumas-con thì lại gom nhặt từ đời thường những tính cách đa dạng để đem vào tác phẩm của mình.
“Trà Hoa Nữ” - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông - cũng ra đời theo cách này, dựa trên những tình huống đời thực của chính ông. Cha đẻ của “Trà Hoa Nữ” từng nói: “Tôi cho rằng không thể tạo ra các nhân vật văn học khi chưa hiểu rõ về họ ngoài đời thực, cũng như không thể cất lời nếu chưa nắm được ngôn từ".

Ai là nguyên mẫu của “người đẹp hoa trà”?

Họ làm quen với nhau vào năm 1844. Nàng là Marie Duplessis, một kỹ nữ lừng lẫy của Paris với sắc đẹp có thể làm tan chảy trái tim bất cứ đấng mày râu nào. Chàng – một nhà văn quèn chẳng thể ngờ rằng cuộc gặp gỡ này lại có ý nghĩa đến vậy đối với văn nghiệp của mình sau này. Nhưng chỉ một năm sau đó, họ chia tay nhau. Nàng vốn đã nổi tiếng là thay tình nhân như thay áo.
Nhưng chàng, chẳng thể quên nàng, vẫn dõi theo “cố nhân” để rồi hai năm sau hay tin dữ: Marie đã qua đời vì bạo bệnh. Nàng chết lặng lẽ trong nỗi cô quạnh và sự lãng quên của những người hâm mộ, trong ngôi nhà hoang lạnh nơi quê nhà mà nàng đã chào đời cách đó 23 năm.

Marie Duplessis không đẹp một cách đơn thuần: cô khiến đàn ông muốn nghẹt thở mỗi khi đối diện. Trong khi đó, về gốc gác cô chỉ là con gái một nông dân. Năm 15 tuổi, Alfonsin (tên thật của Marie Duplessis) đã bị cha đem bán để lấy tiền. Cô từng làm việc tại một quầy bán rau quả, một quán ăn nhỏ, rồi một hiệu giặt là và đã… thôi miên không biết bao nhiêu khách hàng.
Rồi sắc đẹp của Alfonsin lọt vào mắt xanh Rokplan, ông chủ tương lai của Opera Comique. Sau đó Rokplan lại “chuyển giao” Alfonsin cho những người đàn ông khác, ở bậc cao hơn. Cứ như vậy, cuối cùng Alfonsin đã từ bỏ hiệu giặt để bắt đầu một hành trình mới: hành trình làm khánh kiệt các đấng mày râu bị nàng bỏ mùa mê.
Chẳng bao lâu Alfonsin được mệnh danh là nữ hoàng của đường phố Paris. Có cảm tưởng như cả thành phố Paris (đàn ông thì với lòng hiếu kỳ còn đàn bà thì với sự đố kỵ) cứ đổ dồn đến nơi có “nữ hoàng” hiện diện để chiêm ngưỡng nàng sánh vai với hết quý ông này đến “đại gia” khác.
Hẳn là để phù hợp với ngôi vị mới, nàng đã cải tên để trở thành Marie Duplessis. Tuy nhiên, fan hâm mộ thì vẫn quen gọi nàng là “người đẹp hoa trà” bởi nàng thường cài nơi ngực áo một đóa sơn trà.
Marie Duplessis đã quen với nếp sống xa xỉ. Có thời cô đã hò hẹn cùng lúc với một nhóm gồm 7 nhân vật chóp bu trong giới quý tộc Paris. Nhóm người này vừa là bạn bè vừa chung vốn làm ăn nên họ xài chung cả tiền bạc lẫn… nhân tình. Bởi vậy khi thì người này, lúc lại kẻ khác luân phiên nhau được “người đẹp hoa trà” nghênh tiếp trong ngôi nhà được bài trí rất sang trọng của nàng.
Xin mở ngoặc thêm rằng đây chính là ngôi nhà mà đã Dumas mô tả ngay trong phần đầu cuốn “Trà Hoa Nữ” khi ông tình cờ ghé lại và nhìn thấy tờ thông cáo về cuộc phát mại những món tài sản xa hoa trong đó. Đó chính là thời điểm mà “nữ hoàng” chẳng còn gì cả: không bạn bè, không tài sản, không cả tiền lo thuốc thang. Cô đã hết thời và đã bị giũ bỏ. Đó chính là lối giải khuây của Paris hoa lệ hồi giữa thế kỷ XIX.

Dumas thiên vị người tình cũ?

Trà Hoa Nữ được Duma mô tả như một thiếu nữ thanh tú với mái tóc đen, đôi mắt to sáng ngời sống động, cặp môi chín mọng và hai hàm răng ngọc ngà. Nàng phục sức trang nhã mà ấn tượng; nàng không bước đi mà là lướt đi với một vẻ duyên dáng rất đặc biệt. Vẻ duyên dáng ấy các quý bà phải kỳ công tập tành mà chưa chắc có được, nhưng ở nàng nó là “hữu xạ tự nhiên hương”, là thứ tài năng thiên bẩm. Thêm vào đó nàng lại thông minh, và lối ứng xử của nàng luôn toát lên vẻ tao nhã, thanh lịch mà ngay cả những phụ nữ thượng lưu cũng phải thèm thuồng.

Không rõ do thiên vị người tình cũ, do xúc động trước cái chết bi thảm của nàng hay do sự nhạy cảm trời phú mà Dumas-con đã cảm nhận được ở kỹ nữ này những điều mà người khác không cảm nhận được. Theo suy nghĩ của Dumas thì nàng phải chôn vùi tình cảm thật của mình, phải giấu kín những khát khao yêu thương trong lúc vẫn luôn tươi cười để giải khuây cho lớp lớp người tình. Và cái tứ cho cuốn “Trà Hoa Nữ” đã nảy sinh từ đó.

Theo lời của Dumas thì ở phần đầu và phần cuối tiểu thuyết hình ảnh của “người đẹp hoa trà” Margarit Gautie chính là của nàng Marie Duplessis ngoài đời. Còn phần giữa và cao trào của nó là do ông tưởng tượng ra. Và chính sự tưởng tưởng này đã đem lại cho cuốn tiểu thuyết những yếu tố lãng mạn, sức hấp dẫn đặc biệt.
Cô kỹ nữ Margarit vốn thay người tình như áo cuối cùng đã dừng lại để yêu chân thành chàng quý tộc trẻ tuổi Duval. Duval cũng yêu Margarit đến mức sẵn lòng cưới cô làm vợ bất chấp quá khứ hoen ố của cô. Nhưng rồi cha của Duval xuất hiện.
Gặp Margarit, ông hiểu ngay vì sao con trai mình đã phải lòng cô gái này: tuy từng là “gái bao” nhưng nàng lại có một tâm hồn cao thượng, nàng biết yêu thương bằng cả trái tim và sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Và cha của Duval đã lợi dụng ngay điều này.
Ông nói với Margarit về tương lai chắc chắn sẽ bị hủy hoại của Duval nếu như chàng cưới một phụ nữ không môn đăng hộ đối, ông nói về sự kết thúc của con đường danh vọng đối với con trai ông khi cánh cửa của tất cả các phòng khách thượng lưu khép lại vì không muốn Duval bước vào cũng với một “cựu kỹ nữ”.

Thế là giữa trách nhiệm và tình yêu, cuối cùng Margarit đã chọn trách nhiệm. Cô tuyệt tình với Duval để bảo toàn tương lai cho chàng. Rồi một thời gian sau, cô lâm bệnh. Cha Duval thậm chí đã chấp nhận cho con trai cưới cô nhưng ngay cả phép màu đó cũng chẳng thể thay đổi được số phận của Margarit - nàng đã chết vì ho lao, khi tuổi đời còn rất trẻ.
Khi viết về cuộc đời nàng kỹ nữ mà Marie Dyplessis chính là nguyên mẫu, dường như ngòi bút của Dumas-con trở nên bao dung hơn. Ông khiến cho nàng lãng mạn hơn, dịu hiền hơn, giàu tình yêu thương và đức hy sinh hơn. Và bằng cách ấy ông đã tạo nên một sự tương phản giữa phẩm chất cao quý trong tâm hồn những người phụ nữ “phía sau ánh đèn mờ” với thói đạo đức giả của những “ả sư tử” quý tộc mà Banzac từng mô tả.

“Trà Hoa Nữ” – chuyện tình vượt thời gian

Ra đời vào năm 1848, tiểu thuyết “Trà Hoa Nữ” đã gây tiếng vang lớn và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Tuy đề tài không mới, nhưng ngòi bút vừa sắc sảo vừa bao dung của Dumas-con đã chinh phục được độc giả.
Năm 1852, Duma-con lại viết một kịch bản dựa trên cốt truyện này. “Trà Hoa Nữ” lại thành công mỹ mãn trên sân khấu và trở thành vở diễn được diễn đi diễn lại nhiều nhất trên thế giới. Sau này, nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý Giussepe Verdi đã chuyển thể “Trà Hoa Nữ” thành vở nhạc kịch mang tên “La Traviata”. Cho đến tận ngày nay “La Traviata” vẫn được trình diễn trên các sân khấu nhạc kịch và trở thành tác phẩm không thể thiếu trong sự nghiệp âm nhạc của các ca sĩ opera hàng đầu thế giới.
Sang thời đại của điện ảnh và truyền hình, đã có hơn 30 phiên bản “Trà Hoa Nữ” ra đời và mở màn là phiên bản phim câm xuất hiện vào năm 1907. “Trà Hoa Nữ” đã chu du khắp thế giới trong các phiên bản phim của Trung Quốc, Mexico, Venezuela, Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Đức… Và nàng kỹ nữ Margarit Gautier đã được tái sinh qua diễn xuất của những ngôi sao sáng giá nhất như Sara Bernar, Gret Garbo…
Còn ngay tại quê hương Dumas, dù đã 150 năm trôi qua, nhưng khi “người đẹp hoa trà” tái hiện trên sân khấu Paris qua diễn xuất của Isabelle Adjani vào năm 2000 thì toàn bộ vé của buổi công diễn (được bán trước đó 4 tháng) đã hết veo.
Một chuyện tình đẹp dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ nào thì cũng chạm đến trái tim con người của bất cứ dân tộc nào, ở bất kỳ thời đại nào, trong bất cứ không gian nào…

(Theo báo Nga)
________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét