Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Chiến tranh, Đại sứ nước mắm và chuyện cổ tích

Đôi khi để yêu được một điều giản dị, bình thường nhất trong cuộc đời này, người ta phải đi qua một hành trình của máu chảy, chết chóc, tuyệt vọng - các nhà văn tâm sự trong cuộc trực tuyến trên Tuần Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thưa bạn đọc VietNamNet, tên của Bàn tròn trực tuyến hôm nay - Chiến tranh, đại sứ nước mắm và chuyện cổ tích - có lẽ đã nói lên nội dung xuyên suốt của câu chuyện. Hai vị khách đã đến đây, những người cách đây vài chục năm mới ở tuổi 18 đã phải cầm súng bước lên phi cơ bay từ nước Mỹ đến Việt Nam tham gia một cuộc chiến tranh. Họ đã nhận ra sự phi lí, tàn khốc, độc ác và bóng tối của cuộc chiến mà họ tiến hành trên mảnh đất bình yên và tươi đẹp này. Để rồi họ trở về nước Mỹ với sự sám hối, dày vò và những cơn mê sảng, như nhà văn Larry Heineman đã nói: "Ám ảnh chiến tranh Việt Nam với tôi giống như một xác chết còn trong nhà mà chưa được mai táng".
Sau cuộc chiến tranh, họ đã trở lại Việt Nam, đầu tiên là bằng những ý nghĩ tốt đẹp, sau đó là bằng chính con người, tâm hồn và tinh thần của họ. Một người đã trở nên vô cùng yêu quý một món ăn đơn giản - nước mắm, người kia thì yêu những câu chuyện cổ tích mà những đứa trẻ Việt Nam vẫn được nghe kể vào mỗi buổi tối. Điều đó nói lên rằng, đôi khi để yêu được một điều giản dị, bình thường nhất trong cuộc đời này, người ta phải đi qua một hành trình của máu chảy, chết chóc, tuyệt vọng.
Vị khách đầu tiên là nhà văn Larry Heineman, tiểu thuyết gia xuất sắc của nước Mỹ. Năm 1986, ông đã giành giải thưởng quốc gia với tiểu thuyết "Chuyện của Paco" - câu chuyện về một người lính với những ám ảnh, ân hận, sám hối, dày vò, đã đi tìm ánh sáng trong bóng tối đen kịt, khủng khiếp đầy máu chảy của chiến tranh.
Vị khách thứ hai là nhà thơ Bruce Weigl danh tiếng, người cách đây 15 năm đã đến Việt Nam với trái tim và tình yêu thương, đã tìm và nhận nuôi một em bé Việt Nam, đã dạy dỗ em trở thành không chỉ một công dân Mỹ tốt mà còn là một công dân Việt Nam, đã trở về tìm lại nguồn cội văn hóa của mình.

Trở lại Việt Nam không để giảm nhẹ ám ảnh chiến tranh

Tôi xin được bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi cho cả hai vị khách: Cuộc chiến tranh đã kiết thúc lâu rồi, kí ức hay hội chứng chiến tranh Việt Nam trong người Mỹ cũng đã giảm đi nhiều. Thậm chí có người nói rằng trong người Mỹ không còn hội chứng chiến tranh nữa. Theo hai ông, hội chứng chiến tranh trong người Mỹ bây giờ đã được xóa đi hay đang tồn tại?

Nhà thơ Bruce Weigl: Theo tôi biết hiện nay có một hội chứng đang còn rất phổ biến ở các cựu chiến binh Mỹ là Hội chứng khủng hoảng tâm lí sau chiến tranh (PTSD). Hội chứng này chứa đựng nhiều nguyên nhân về tâm kí, khoa học mà do không phải là bác sĩ, tôi không rành lắm. Hội chứng này xuất hiện cách đây khoảng 50-60 năm và bỗng nhiên trong thời điểm hôm nay, dường như nó đang quay trở lại.
Chính phủ Mỹ rất ngại ngần không muốn nói quá nhiều đến hội chứng này vì nó rất phức tạp và không có tác dụng tốt đối với hình ảnh nước Mỹ. Thế nhưng phải thừa nhận thực tế rằng hội chứng này đang quay trở lại ngày càng nhiều, nhất là khi bắt đầu có hàng chục ngàn lính Mỹ trở về từ cuộc chiến Iraq, họ đang phải chịu đựng hội chứng kinh khủng này.
Khi tôi cảm nhận được hiện tượng đó trong xã hội, dường như tôi cũng thấy sự khủng hoảng đó quay trở lại trong mình. Tôi tưởng chỉ mình tôi có cảm giác như thế, nhưng khi nói chuyện với đồng đội cũ và bạn hữu, tôi nhận được câu trả lời rằng họ cũng đang có cảm xúc, tâm lí tương tự mình.
Các bác sĩ có chuyên môn thì khuyên tôi cách tốt nhất để đối phó với chúng là quên chúng đi, coi như chúng đã qua và để chúng lại phía sau. Nhưng tôi không nghĩ quên là một cách tốt. Chúng ta phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm và chấp nhận cuộc chiến đó như một phần con người mình.
Bản thân tôi chọn cách vượt qua khủng hoảng là quay trở lại đất nước Việt Nam, giao lưu và làm việc với những người bạn Việt Nam về những dự án như xuất bản sách, dịch thơ...

Nhà văn Larry Heineman: Tôi hiểu hội chứng PTSD theo cách này: những tác động của cuộc chiến tranh vào cơ thể những người lính Mỹ đã làm thay đổi sức khỏe, trạng thái cơ thể họ. Khi họ trở về nhà, những tác động đó tiếp tục ăn sâu vào con người họ và ảnh hưởng đến cả tâm lí, suy nghĩ, tình cảm của họ.

Nhà thơ Bruce Weigl có nói đến vòng luẩn quẩn của hội chứng khủng hoảng này, điều đó là có thật. Những cựu chiến binh trở về sau Thế chiến thứ II giờ đây đã ở độ tuổi 70, 80, trong đó có cha tôi, lại đang bắt đầu cảm thấy những cơn mất ngủ, đau đầu và ác mộng quay lại dày vò họ, dù cho cuộc chiến đó đã qua rất lâu rồi.
Giống như cách nhà thơ Bruce Weigl đã chọn để đối phó với khủng hoảng của bản thân mình, tôi cũng vài lần trở lại Việt Nam, không phải với mục đích làm giảm nhẹ ám ảnh chiến tranh trong mình. Tôi quay lại để thưởng thức những gì tuyệt vời nhất trong cuộc sống của người Việt Nam, những món ăn, giá trị văn hóa, đến Hà Nội chỉ để tận hưởng không khí cuộc sống của người Hà Nội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi còn nhớ chính xác năm 1994, trong ngôi nhà của ông ở Chicago, khi chúng ta cùng uống cà phê, ông đã đọc báo và nói cho tôi biết có một vị giáo sư đại học ở Chiacgo, một cựu binh Mỹ từng gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, cuối cùng vẫn tìm đến cách tự sát bởi không chịu nổi những ám ảnh chiến tranh. Câu chuyện đó cho thấy những cơn ác mộng của chiến tranh vẫn đè nén nặng thế nào đối với cụu binh Mỹ. Bây giờ hiện tượng cựu binh Mỹ trở về từ chiến tranh VN tự sát có còn không và nó như thế nào?

Nhà văn Larry Heineman: Theo tôi biết, trong những năm đầu sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã tìm cách tự sát bằng cách lái xe lao vào chân cầu hoặc bắn súng vào đầu, nghĩa là họ chọn cách chết thật nhanh chóng, ngay lập tức. Nhưng cũng có những người chọn cách khác để tự dày vò bản thân, đó là uống rượu và dùng ma tuý. Nhiều người đã trở thành những con nghiện bởi không thể chạy trốn khỏi những kí ức quá tồi tệ của cuộc chiến tranh.
Bản thân tôi không chọn cách tự tử hay uống rượu để làm giảm đi những nỗi đau trong mình. Tôi nghĩ chúng chẳng có ích lợi gì hết.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Còn nhà thơ Bruce Weigl, ông đã chọn cách gì để đi qua những ký ức chiến tranh?

Nhà thơ Bruce Weigl: Ban đầu khi tôi chọn viết lách để giúp mình vượt qua những ám ảnh chiến tranh, tôi không nhận thức được nó lại có tác dụng lớn đến thế. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy rõ ràng tôi đã chọn được một cách tốt, bởi nó giúp tôi nói ra được suy nghĩ của mình, kiểm soát được những biểu hiện tâm lí tình cảm của mình.
Nhưng điều có ý nghĩa nhất mà tôi đã làm, là sau 20 năm chìm đắm trong những cơn ác mộng chiến tranh, tôi quyết định quay trở lại Việt Nam năm 1985, sự trở lại đã thay đổi cuộc đời tôi. Sự thay đổi đó tiếp tục khi tôi ngày càng có nhiều bạn bè, người thân ở Việt Nam. Càng ngày Việt Nam đối với tôi không còn là cuộc chiến tranh nữa mà là một đất nước.

Phải lòng... nước mắm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nhà thơ Bruce Weigl, tôi đã rất "choáng" khi biết ông tự nhận mình là "Đại sự nước mắm" của Việt Nam. Chính quyền đảo Phú Quốc - nơi sản sinh ra loại nước mắm nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam - cũng đã mời ông đến thăm. Vậy điều gì, điều bí ẩn nào của nước mắm, đã dẫn ông, một người Mỹ tìm đến loại thực phẩm cực kỳ đặc trưng này của Việt Nam?

Nhà thơ Bruce Weigl: Tôi nghĩ điều làm nên điểm đặc sắc nhất của các món ăn Việt Nam chính là hương vị.
Nhà văn Bảo Ninh từng kể với tôi rằng trong chiến tranh, khi ông ấy và đồng đội tìm được thức ăn đóng hộp của lính Mỹ, họ đã rất sung sướng bởi cuối cùng cũng có cái gì đó để ăn. Nhưng bản thân tôi lại không thể ăn được loại thức ăn đó, gần như tôi ăn vào mà chẳng có cảm giác gì.
Khi tôi chiến đấu ở Việt Nam, trong đơn vị tôi có một vài người lính miền Nam Cộng hòa. Khi chúng tôi đóng quân ở vùng nông thôn, lính Mỹ không được phép vào làng, nhưng lính miền Nam Cộng hòa thì có thể. Họ đã vào làng và mang thức ăn tươi về nấu nướng trong các lán trại của họ. Một lần đi qua, tôi thấy họ đang ăn vịt quay cùng với rất nhiều gia vị và rau tươi. Họ mời tôi ăn cùng và tôi đã ngồi xuống ăn, bất chấp lời khuyên can của các đồng đội Mỹ. Tôi đã được thưởng thức thịt quay, rau tươi và đặc biệt là món nước mắm ăn kèm.
Đó là lần đầu tiên tôi ăn nước mắm và ngay lập tức phải lòng nó. Một người lính miền Nam Cộng hòa thậm chí đã nói với tôi rằng, khi sắp chết đói mà được cho một bát cơm, nếu không có nước mắm thì anh ta cũng chẳng thèm ăn cơm nữa.
Tôi đã hỏi những người lính ấy cách làm nước mắm: bắt cá ngoài biển, phơi khô và để cho nước cốt của cá chảy ra rồi trưng nước cốt đó lên.
Khi quay lại Mỹ, vì không tìm thấy ở bất cứ đâu bán nước mắm, tôi quyết định tự làm theo cách đã được họ dạy. Tôi bắt cá và phơi ở sân sau nhà bố tôi nhưng lại quên mất. Một buổi sáng, tôi thấy rất nhiều cảnh sát đến nhà mình và nói rằng họ nghi ngờ trong sân nhà tôi có một xác chết. Tôi hiểu ngay ra là có chuyện gì.
Đó là lần đầu tiên tôi tự làm nước mắm, bây giờ mọi chuyện đã khác nhiều. Tôi đã hiểu nhiều về nước mắm, biết nhiều loại nước mắm và thậm chí dùng nước mắm khi nấu ăn. Tôi rất thích nấu ăn và mời bạn bè đến thưởng thức. Họ thường thắc mắc tôi cho nguyên liệu gì vào món ăn mà ngon thế. Tôi không bao giờ tiết lộ bí mật của mình, điều luôn làm cho các món ăn tôi nấu ngon hơn rất nhiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Quả thật sau khi nghe câu chuyện này, có lẽ không còn cách nào khác là những người làm nước mắm ở Việt Nam nên chính thức phong ông làm "Đại sứ nước mắm". Tôi cũng là người viết mà chưa từng thấy ai viết và nói về nước mắm hay và hấp dẫn như ông. Mặc dù hàng ngày tôi đều ăn nước mắm, nhưng tình yêu với nước mắm của tôi không lớn được như của ông, đó là một điều kỳ diệu.
Ông, nhà văn Heineman và các nhà văn Mỹ khác đã có công phát hiện ra một Việt Nam cho chính người Việt Nam. Các ông đã dạy chúng tôi yêu nhiều vẻ đẹp rất Việt Nam mà chúng tôichưa phát hiện ra hoặc đang dần tự đánh mất. Câu chuyện của hai ông và chính sự trải nghiệm của bản thân hai ông về Việt nam đã nói với những người Việt Nam rất nhiều điều.

Đổi cách nhìn và mối quan tâm về Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi biết rằng, thời gian đầu sau khi chiến tranh kết thúc, việc giảng dạy về chiến tranh Việt Nam trong các nhà trường của Mỹ đã trở thành một môn học rất quan trọng. Cả hai ông cũng đã từng tham gia nói chuyện và giảng bài về cuộc chiến này. Vậy đến nay, các trường học ở Mỹ có còn giảng dạy về chiến tranh Việt Nam không và có khác vì với nội dung giảng dạy của những năm đầu tiên sau chiến tranh không?

Nhà thơ Bruce Weigl: Môn học về chiến tranh Việt Nam đã đang và vẫn sẽ là môn học quan trọng, thu hút sự quan tâm của những người học ở Mỹ. Đặc biệt là sau cuộc chiến tranh Iraq vừa rồi, giới trẻ, sinh viên Mỹ một lần nữa nhìn thấy lại hình ảnh đã xảy ra với chiến tranh Việt Nam: nước Mỹ lại một lần nữa tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa, một lần nữa nước Mỹ xâm lược một đất nước nghèo, áp bức một dân tộc nghèo.

Nhà văn Heineman: Trong những năm 1970, môn học về chiến tranh Việt Nam đã được giảng dạy lần đầu tiên tại trường ĐH California, và ngay từ buổi học đầu tiên đó, đã có đến 400 sinh viên đến nghe.
Không chỉ môn học chiến tranh Việt Nam mà môn học về văn hóa, văn học Việt Nam cũng được giảng dạy và nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong việc giảng dạy văn hóa và văn học ở các trường đại học Mỹ.
Bản thân tôi đã từng tham gia giảng dạy về cuộc chiến tranh Việt Nam ở trường ĐH Texas, nó được đặt trong bộ môn lịch sử của trường. Tôi được mời đến làm giáo viên thỉnh giảng và trong những buổi nói chuyện của tôi, thường xuyên có 400-500 sinh viên nghe. Lần nào cũng vậy, các giáo viên đều rất vui khi được nghe những bài giảng như thế. Sinh viên thì sốc và bất ngờ khi được nghe kể những câu chuyện thực sự từ một người đã tham chiến với tư cách người lính.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có thể qua một thời gian rất dài, 35 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc, những câu hỏi của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam đã thay đổi. Là những người đã giảng dạy và nhận được ngàn câu hỏi về chủ đề này, các ông thấy câu hỏi của bạn đọc bây giờ có gì khác với câu hỏi của họ trước kia không? Mối quan tâm về cuộc chiến đó có thể không thay đổi, nhưng nội dung họ quan tâm có thay đổi hay không?

Nhà thơ Bruce Weigl: Những câu hỏi tôi nhận được vào thời điểm vài năm sau chiến tranh và thời điểm bây giờ khác nhau khá nhiều.
Thời điểm tôi vừa trở về sau chiến tranh, những câu hỏi đặt ra cho tôi chỉ đơn giản như anh đến đấy bao lâu, anh đã giết được bao nhiêu người, đơn vị của anh đã tiêu diệt được bao nhiêu lính Việt cộng... Nhưng bây giờ, sau khi hai nước đã bình thường hóa quan hệ, giao lưu văn hóa văn học được đẩy mạnh, nhiều tác phẩm thơ ca Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh và đến với công chúng Mỹ, mối quan tâm của công chúng Mỹ đã thay đổi nhiều. Họ muốn tìm hiểu nhiều hơn về đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật và lịch sử Việt Nam.

Nhà văn Larry Heineman: Câu hỏi các sinh viên đặt ra cho tôi thường quan tâm đến vấn đề khá cụ thể, nhất là những sinh viên đang học để trở thành sĩ quan quân đội. Họ thường hỏi có gì khác giữa chiến trường Việt Nam và chiến trường Iraq, Afganishtan bây giờ không. Tôi trả lời họ rằng, đối với một người lính, chiến trường nào cũng giống nhau. Tôi thành thực khuyên họ trước khi sang chiến trường Iraq hay Afganishtan, họ hãy cố gắng tìm hiểu về đất nước, con người ở đó để biết mình sẽ đặt chân đến đâu, sẽ gặp những con người ra sao...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đó là mối quan tâm của công chúng, vậy còn những nhà văn, nhà thơ thì sao? Một cuốn sách viết năm 1970-1975 và một cuốn sách viết năm 2010 cùng về cuộc chiến Việt Nam sẽ khác nhau thế nào? Là nhà văn, nhà thơ, các ông nhận thấy những tác phẩm văn học viết về chiến tranh Việt Nam đã có sự thay đổi thế nào qua những giai đoạn khác nhau?

Nhà thơ Bruce Weigl: Thực sự có những thay đổi trong cách nhìn nhận và cách viết của các nhà văn Mỹ từ thời điểm sau chiến tranh đến nay. Đó là sự thay đổi theo chiều hướng ngày càng có thêm sự hiểu biết và thông cảm trong những tác phẩm của họ.
Với bản thân tôi, việc này đã diễn ra bắt đầu từ khoảng năm 1990 khi tôi quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên gặp gỡ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác ở Việt Nam.
Đã có một sự trao đổi thẳng thắn giữa những người lính trước kia từng ở hai chiến tuyến khác nhau, và qua những cuộc trao đổi, trò chuyện đó, thực sự đã có sự thông cảm sẻ chia và đã đem lại những thay đổi tích cực trong những tác phẩm của tôi.
Chính vì thế tôi luôn cố gắng trở lại Việt Nam càng nhiều càng tốt mỗi khi có điều kiện về thời gian và tiền bạc. Tôi trở về Việt Nam như trở về mái nhà ấm áp thứ hai của mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Các ông cũng đã có điều kiện gặp gỡ người Việt Nam, tiếp xúc và đọc các tác phẩm của họ. Các ông ấn tượng nhất về điều gì ở các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và những tác phẩm của họ?

Nhà thơ Bruce Weigl: Điều đầu tiên tôi phải nhìn nhận là người Việt Nam, không chỉ các nhà văn, nhà thơ mà người Việt Nam nói chung, lao động cần cù chăm chỉ hơn rất nhiều so với người Mỹ.
Tôi đã viết sách 30 năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi làm việc vất vả, căng thẳng và năng suất như trong 6 tháng gần đây làm việc với dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai để cho ra đời cuốn sách "Sau mưa thôi nã đạn". Một ngày làm việc của tôi thường kết thúc vào lúc 7h tối để ăn uống và nghỉ ngơi, nhưng với dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai, cô ấy không ngừng làm việc chừng nào chưa xong việc, thậm chí là chừng nào công việc chưa hoàn hảo. Đó không phải là cách làm việc của người Mỹ, người Mỹ có làm có nghỉ, còn người Việt Nam luôn làm việc rất chăm chỉ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng là một ví dụ điển hình. Nếu tôi cố theo kịp một nửa tốc độ làm việc của ông ấy thì có lẽ tôi đã bị suy nhược rồi cũng nên. Tôi nghĩ ông ấy chỉ ngủ 3-4 tiếng một ngày, còn lại là dành cho công việc.
Không chỉ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hay dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai mà người Việt Nam nói chung luôn làm việc rất chăm chỉ, nỗ lực, khác hẳn với cách làm việc của người Mỹ.
Cảm nhận riêng của tôi là điều này xuất phát từ lịch sử đất nước các bạn, bao nhiêu cuộc chiến chống xâm lược đã hình thành nên trong con người Việt Nam khả năng chịu đựng, khả năng phản ứng, và họ trở thành những người luôn lao động cần cù và nỗ lực.

Chính phủ Mỹ cần phải nhận trách nhiệm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sau khi cuộc chiến tranh tàn khốc kết thúc, tiếp đến là cả một thời gian dài cấm vận, nay quan hệ hai nước đã được bình thường hoá và đang ở giai đoạn có thể nói là tốt đẹp hơn bao giờ hết. Vậy theo các ông, người Mỹ nên đến với người Việt Nam để tìm kiếm quan hệ ngoại giao, lợi ích chính trị, lợi nhuận thị trường hay để kiếm tìm những giá trị văn hoá?

Nhà thơ Bruce Weigl: Theo tôi điều cần kíp nhất bây giờ, cũng là điều chúng ta cũng đã bàn nhiều rồi. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải rất nhiều chất hóa học độc hại trên đất nước Việt Nam. Hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình, nhiều trẻ em Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc màu da cam và các hóa chất chiến tranh khác. Vì thế tôi nghĩ việc cần làm ngay bây giờ là chính phủ Mỹ phải đưa ra cam kết rõ ràng, mạnh mẽ về trách nhiệm của mình với những việc mà quân đội đã gây ra, đồng thời giúp đỡ nhân dân Việt Nam khắc phục những hậu quả đó. Bởi vì với khả năng của Việt Nam hiện tại, việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam có thể kéo dài đến 200 - 300 năm và rất khó khăn.
Trách nhiệm thứ hai, cũng là trách nhiệm đã được ghi lại bằng văn bản trong lịch sử, khi cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đàm phán với Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, chính phủ Mỹ vẫn chưa thực hiện lời hứa đó. Tôi cho rằng chính phủ Mỹ cần phải nhận trách nhiệm này và thực hiện nó ngay.
Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là việc hợp tác giáo dục giữa hai nước. Mỹ với điều kiện khoa học công nghệ phát triển hơn phải giúp đỡ Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục, để trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà cả trẻ em Việt Nam ở Mỹ đều có điều kiện giáo dục tốt hơn.

Khi tác giả dối lòng, tác phẩm chỉ là giả tạo

Nhà văn Larry Heineman: Tôi nhấn mạnh sự cần thiết của giao lưu văn hóa văn học giữa hai nước. Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ nói chuyện và chia sẻ các tác phẩm của mình với công chúng Mỹ. Theo chiều ngược lại, cũng cần có thêm nhiều cơ hội để các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Mỹ đến Việt Nam nói chuyện, giao lưu và giới thiệu các tác phẩm của họ tới công chúng Việt Nam.
Bản thân tôi có mối quan tâm đặc biệt đến văn học dân gian Việt Nam. Tôi cho rằng bản sắc chân thực nhất của một dân tộc nằm ở những câu chuyện cổ, những truyền thống cổ xưa của dân tộc đó. Để hiểu sâu sắc một dân tộc, hãy nhìn vào nền văn học dân gian rất cổ xưa được lưu giữ qua bao nhiêu đời của họ. Đó chính là nền tảng để bất cứ sự hiểu biết hay giao lưu văn hóa nào có thể cất cánh và đạt được những giá trị đích thực.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ông vừa đề cập đến những câu chuyện cổ tích mà ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, nghe và ghi chép, và có thể sau này sẽ xuất bản. Vậy ông bắt đầu đọc truyện cổ tích Việt Nam từ khi nào, và điều gì gây ấn tượng mạnh nhất cho ông ở những câu chuyện cổ tích đó?

Nhà văn Larry Heineman: Tôi bắt đầu quan tâm đặc biệt đến văn học dân gian, truyện cổ tích Việt Nam vào khoảng năm 2002 - 2003 khi tôi có cơ hội làm việc 6 tháng ở ĐH Huế. Tôi đã nghe được rất nhiều người kể lại những câu chuyện cổ tích Việt Nam, chúng khiến tôi rất thích thú và muốn tìm hiểu thêm.
Có những câu chuyện cổ tích về những anh hùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, nhưng cũng có những câu chuyện về những con người rất nhỏ bé, bình dị. Ví dụ truyền thuyết về núi Bà Đen, nơi tôi từng chiến đấu mà đến tận sau này mới biết được truyền thuyết về ngọn núi đó.
Điều khiến tôi thấy thu hút nhất trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam là ở đó hiện lên hình ảnh rất mạnh mẽ, rất đẹp của người phụ nữ Việt Nam, điều ít thấy trong văn học dân gian Mỹ. Những người phụ nữ trong truyện cổ tích Việt Nam thực sự đẹp và vĩ đại.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Quay lại với một sự kiện rất quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam gần đây: sự kiện cuốn sách "Chuyện của Paco" của nhà văn Larry Heineman và cuốn sách "Vòng tròn của Hạnh" của nhà thơ Bruce Weigl được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Các ông cảm nhận gì về độc giả Việt Nam qua cách họ đón nhận những tác phẩm của các ông?

Nhà thơ Bruce Weigl: Tôi cảm nhận rằng độc giả Việt Nam đánh giá rất cao và rất mong mỏi tính chân thực trong những tác phẩm văn học mà họ đón nhận.
Tính chân thực không chỉ thể hiện trong sự hạn chế hư cấu, mà còn thể hiện trong cảm xúc mà người viết đem đến cho tác phẩm của mình. Bản thân tôi cũng theo đuổi điều đó trong sự nghiệp viết văn của mình.
Đối với tôi, một người viết tiểu thuyết, tôi viết từ những câu chuyện trong đời thực, sao cho một mặt nó không có khoảng cách quá xa so với thực tế, mặt khác chứa đựng những tình cảm và cảm xúc chân thực nhất của con người.

Nhà văn Larry Heineman: Tôi đồng ý với nhà thơ Bruce Weigl. Không chỉ độc giả Việt Nam mà độc giả trên toàn thế giới đều thích sự chân thực và tình cảm trong văn học. Kể cả với những người viết văn, khi họ dối lòng thì các những tác phẩm của họ đến với công chúng cũng sẽ giả tạo và không giấu được ai cả.
Những tác phẩm đó có thể thành công về mặt thương mại và bán được nhiều tiền, nhưng chúng sẽ không có chỗ đứng lâu dài trong lòng bạn đọc.

Xóa hận thù bằng sự cảm thông và hiểu biết

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vậy theo các ông, từ trong máu chảy và hận thù của chiến tranh,người dân hai nước đã lựa chọn con đường nào để đến với nhau? Đó là nhờ ngoại giao, hay nhờ vẻ đẹp của văn học nói riêng và văn hóa nói chung?

Nhà thơ Bruce Weigl: Đối với bản thân tôi, đó là nhờ sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Tôi đã nhiều lần gặp gỡ và nói chuyện với nhà văn Bảo Ninh, giữa chúng tôi có rất nhiều mối quan tâm chung. Chúng tôi không quan tâm đến những gì quá cụ thể như chính trị, văn học, giáo dục, mà chúng tôi chia sẻ với nhau thế giới quan, nhân sinh quan. Chúng tôi nhận thấy rằng hai người có thể trở thành "anh em". Chúng tôi đều là những người đi ra từ chiến tranh và luôn chân thực với cảm xúc của mình. Chúng tôi cố gắng để có cuộc sống tốt đẹp, và đó là điều mà chúng tôi có thể chia sẻ.

Nhà văn Larry Heineman: Trong Tiếng Anh, "anh em" chỉ cùng để chỉ những người có chung cha mẹ, còn ở Việt Nam, "anh em" có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều. Khi đến Việt Nam, tôi đã gặp được những người bạn là nhà văn, nhà thơ, doanh nhân, cựu chiến binh. Họ đã đến với tôi và nói rằng "Chúng ta là anh em", và điều đó có ý nghĩa rất lớn với tôi. Khi họ gọi tôi là "anh em", tôi đã trở thành người trong gia đình của họ và với tôi, đó thực sự là một món quà quý giá mà cuộc sống dành cho mình.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Câu hỏi cuối cùng dành cho hai vị khách: Người Việt Nam và cả thế giới hay nói về nước Mỹ như nói về một cường quốc, giàu có, quân đội hùng mạnh. Các ông đã sinh ra trên đất Mỹ, đã chứng kiến cuộc sống ở đó, hai ông có thể trả lời cho độc giả biết: nước Mỹ có lo sợ điều gì không?

Nhà thơ Bruce Weigl: Điều tôi nghĩ nước Mỹ nên lo sợ nhất chính là bản thân mình và không nên lo sợ bất cứ điều gì khác. Chúng tôi đã trải qua 8 năm dưới sự lãnh đạo của một tổng thống không những không coi trọng những mong muốn của người dân mà không coi trọng tính nghiêm minh của luật pháp. Không may là trong thời gian vừa qua, đã xuất hiện thêm những người Mỹ thụ động với chính cuộc sống của mình, thụ động tới mức những gì chính phủ nói họ đều cho là đúng và không hề phản ứng. Họ bận rộn với cuộc sống của bản thân và gia đình, không lo lắng đến những vấn đề lớn lao khác.
Tuy nhiên, cách đây 2 năm, người Mỹ đã bầu lên một tổng thống da màu, điều mà cách đây 10 năm là bất khả thi đối với nước Mỹ. Những người đã bỏ phiếu cho vị Tổng thống mới này đã thực hiện lời hứa mà nước Mỹ đã hứa với thế giới: Sức mạnh của nước Mỹ nằm chính ở sự đa dạng của nước Mỹ.
Thực sự nước Mỹ cũng có nhiều tệ nạn như tham nhũng, quan liêu và nước Mỹ cũng cần tìm cách chống lại những tệ nạn này. Dù mạnh đến đâu, nếu không dám đối mặt để chống lại những tệ nạn đó, không ai có thể an toàn được trong thế giới hiện nay.

Nhà văn Larry Heineman: Tôi chỉ muốn nói một điều rất đơn giản và thẳng thắn rằng: nước Mỹ đang lặp lại sai lầm của chính mình trong cuộc chiến Iraq, sai lầm họ đã mắc trong cuộc chiến Việt Nam. Nguyên nhân không gì khác chính là sự hiếu thắng và ích kỷ của nước Mỹ, của những vị tổng thống tự cho rằng có thể kết thúc nhiệm kỳ mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì về những cuộc chiến mà họ đã gây ra.
Các vị tổng thống có thể nghĩ họ sẽ phủi tay là xong, những đối với những người lính, những người là anh, là cha, là chồng, họ cảm thấy rất đau lòng khi nước Mỹ cứ lặp lại những sai lầm ngu ngốc, dường như nước Mỹ đang mắc phải một nghiệp chướng.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ rằng câu chuyện của chúng ta có thể kéo dài vô tận, nhưng hôm nay, chúng ta đã chia sẻ rất nhiều với bạn đọc VietNamNet về chiến tranh, về sự mất mát của con người, về những ngu dốt và tăm tối của họ, về cả tình yêu đối với những điều giản dị, hài hước.
Thông điệp hôm nay chúng ta đã gửi đi chính là: tình yêu thương của con người có thể loại bỏ mọi sự độc ác, bất công, vô cảm. Chúng tôi vô cùng cảm ơn hai vị khách đã đến và chia sẻ những điều kỳ diệu của cuộc sống, của văn học và nghệ thuật. Và tôi xin nhắc lại rằng : đôi khi để yêu được một điều giản dị, bình thường nhất trong cuộc đời này, người ta phải đi qua một hành trình của máu chảy, chết chóc, tuyệt vọng.

Xin chân thành cảm ơn!

nguồn: TUẦN VIỆT NAM
___________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét