Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Cái bất biến của văn chương hay âm hưởng của phê bình mácxit

(Toquoc)- Văn chương xưa nay vô cùng đa dạng và bao giờ cũng biến chuyển theo thời cuộc, nhưng mối quan hệ máu thịt giữa nó với đời sống luôn là điểm gặp gỡ chung nhất đồng thời là cái bất biến nhất của văn chương chân chính mọi thời mọi nước.

PV: Sự phát triển của văn học luôn có quan hệ chặt chẽ với các hệ thống xã hội khác và chỉ trong xã hội, những quy ước và chuẩn mực về văn học mới được hình thành (R.Wellek). Nếu xét từ góc độ đó, theo ông, hiện nay những quy định nào về mĩ học đang chi phối, điều khiển diễn ngôn văn chương?

PGS.TS Phạm Quang Trung: Chắc anh muốn nói đến “những quy ước và chuẩn mực văn học” chi phối bởi tư tưởng chính thống trong xã hội ta. Có điều hiện giờ, trên xa lộ Internet thông thoáng, “những quy ước và chuẩn mực văn học” tác động tới sự diễn biến của văn chương đương đại Việt Nam rộng mở và phức tạp hơn nhiều. Đó là một thực tế buộc lòng phải thừa nhận nếu ta còn có ý định tôn trọng sự thật khách quan. Thực tế ấy có cái hay và cái thuận cho sự phát triển văn chương nước ta trong những đòi hỏi ngày một cao của quá trình hiện đại hóa liên quan mật thiết đến quá trình hội nhập tất yếu với thế giới. Tuy nhiên, cũng đã nảy sinh thêm nhiều cái khó trong những thử thách cũng rất tất yếu, không thể nào tránh khỏi. Vấn đề là phải thấu hiểu tình hình để có thể đi tới làm chủ tình hình. Bởi vì chưa bao giờ tư tưởng chính thống lại được đặt trong quan hệ nhiều chiều với các hệ thống tư tưởng đa tạp khác thuộc xu hướng bàng thống và á thống như bây giờ. Chỉ bàn tới đường hướng chủ đạo về tư tưởng, nhất là tư tưởng văn chương, tư tưởng nghệ thuật tôi e là chưa thật đủ. Do vậy, dầu “đứng từ góc độ đó” để nói tới “những quy định mĩ học đang chi phối, điều khiển diễn ngôn văn chương” hiện nay thì cũng không thể tách rời khỏi chu cảnh rộng lớn và phức tạp vừa nêu. Nói khác đi, đó dứt khoát phải là một định hướng “mở”, hướng về nhiều phía, theo cách nhìn hiện đại “ngoài trời này còn có nhiều trời khác” nữa. Chưa bao giờ định hướng nghề nghiệp lại cần như bây giờ. Cũng chưa bao giờ sự định hướng ấy lại khó như bây giờ. Việc “chỉ đạo” rất cần phải uyển chuyển, vì luôn tùy thuộc vào một năng lực và một tầm nhìn vừa khoáng đạt vừa chắc chắn mang tính “chuyên sâu”. Mọi chủ trương máy móc, cứng nhắc chỉ cản trở tới sự phát triển của nền văn chương theo xu hướng dân tộc - hiện đại…

PV: Mối quan hệ giữa văn học và xã hội là một vấn đề được đặt ra thường xuyên. Ngay từ những năm 30 của thế kỉ XX đã có có một số nhà phê bình đã nhìn nhận văn học theo lí thuyết xã hội như Hải Triều, Hải Thanh, Bùi Công Trừng… Ông có cho rằng cách đặt vấn đề như thế là chủ yếu xét văn học từ bình diện bên ngoài, là sự phê bình xây dựng trên cơ sở những tiêu chí phi văn học không?

PGS.TS Phạm Quang Trung: Ở đây cần phân biệt hai góc nhìn. Nếu xét từ quy trình văn chương Đời sống - Tâm thức - Nhà văn - Tác phẩm - Người đọc (theo tôi, ở đây có 5 yếu tố chứ không như một số nhà lý luận chỉ nói tới 4 yếu tố thôi đâu! - họ thường bỏ qua yếu tố rất quan thiết là Tâm thức xã hội) thì quả thật mối quan hệ giữa văn chương và đời sống “chủ yếu” là thuộc bình diện bên ngoài văn chương. Có điều, nếu bám sát đặc thù của văn chương, khi mà sản phẩm linh diệu do nhà văn sáng tạo ra là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau thì không thể xem mối quan hệ cốt tử - tôi xin được nhấn mạnh - giữa văn chương và đời sống lại là nền tảng “phi văn học”. Như tôi đã có dịp thẳng thắn trình bày trong cuộc Hội thảo, cho dầu văn chương xưa nay vô cùng đa dạng và bao giờ cũng biến chuyển theo thời cuộc, nhưng mối quan hệ máu thịt giữa nó với đời sống luôn là điểm gặp gỡ chung nhất đồng thời là cái bất biến nhất của văn chương chân chính mọi thời mọi nước. Tôi xin lưu ý tới từ chân chính. Thêm nữa, chớ nên nhìn mối quan hệ của 5 yếu tố làm nên đời sống văn chương một cách giản đơn. Đó phải là mối quan hệ qua lại, nhiều chiều, mà đời sống chính trị, xét riêng nó và theo nghĩa rộng nhất, bao giờ cũng là một trong những nhân tố then chốt làm nên “sinh quyển” của văn chương đúng như ý kiến thấu đáo nêu trên của nhà lý luận R. Wellek. Vậy hà cớ gì khi bàn tới vấn đề này ta chỉ nói tới “một số nhà phê bình đã nhìn nhận văn học theo lí thuyết xã hội như Hải Triều, Hải Thanh, Bùi Công Trừng…”. Vào thời ấy, những Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư… theo xu hướng rõ ràng là khác với họ cũng gắn bó với đời sống chứ! Tất nhiên cần hiểu sự “gắn bó” này theo một cách khác…

PV: Đặt vấn đề văn học phản ánh hiện thực phải chăng là một cách đặt vấn đề của lối phê bình xã hội? Ông có thể cho biết đôi nét về ưu điểm (hạn chế) của lối phê bình này? Phải chăng lối phê bình xã hội ở ta vẫn là chính thống và độc tôn? Hội thảo văn học phản ánh hiện thực đất nước, ngoài nội dung đánh giá các thành tựu, khuynh hướng, những hạn chế, thiếu sót trong nhận thức hiện thực… có nhằm khôi phục lại vị thế của một chủ thuyết - lý thuyết phê bình?

PGS.TS Phạm Quang Trung: Không hiểu sao, từ ngày thực thi Đổi mới, trong tư duy lý luận, tôi tự nhiên rất có mặc cảm với mệnh đề quen thuộc đến thành sáo mòn một thời “văn học phản ánh hiện thực” mà anh vừa nhắc tới. Cái lỗi, cái hại của nó, trên thực tế, lớn lắm đấy, chớ nên xem thường. Hẳn nhiên sự lầm lạc không nằm ở cách nói. Suy cho cùng, có cái gì thuộc lĩnh vực nhận thức và tư tưởng mà lại không bằng cách này cách khác phản ánh đời sống đâu. Trong khi có sự phản ánh nào vào đầu óc con người lại không có phần biến đổi sáng tạo! Vậy mà mỗi lần nghe mệnh đề ấy vang lên trên lĩnh vực mỹ học tôi cứ thấy thế nào ấy. Nó cứ vô tình hạn chế tới tính sáng tạo. Không hợp lắm đâu. Có thể nó rất cần trong một thời đoạn nào đó. Nhưng phải thấy đó là những thời đoạn lịch sử đặc biệt, nghĩa là buộc ta phải ứng xử với mọi thứ, trong đó có văn chương, một cách đặc biệt. Còn từ sau ngày Toàn thắng 1975 mà cứ khư khư nghĩ và làm vậy thì kỳ lắm. Ở đây, anh có đề cập tới lối phê bình xã hội. Ưu thế thì rõ rồi, nó luôn lấy yêu cầu của đời sống để xem xét mọi giá trị văn chương. Tôi biết, chẳng có nhà phê bình đứng đắn nào trên đời lại không lưu tâm tới những nhu cầu của đời sống con người trong phẩm bình, xét đoán văn chương cả. Con người sinh ra văn chương để làm gì nếu không phải là nhằm thỏa mãn nhu cầu hoàn thiện chính mình. Nói như nhà thơ lớn Chế Lan Viên, máu người đẻ ra thơ mà thơ lại định quên chăng! Không, những loại văn thơ ấy chắc chắn là lầm đường lạc lối rồi. Nhưng xin nhớ, văn chương đích thực bao giờ cũng giải quyết mối quan hệ này bằng chính đặc thù của mình. Về bản chất, có lẽ lối phê bình xã hội không quên điều này. Nhưng trên thực tế, các nhà phê bình theo xu hướng đó lại cứ hay quên. Đó là mặt hạn chế chí tử của nó khiến ngay cả các chủ tướng của xu hướng phê bình xã hội cũng phải tìm đến sự hỗ trợ của những trường phái phê bình khác khi cần thiết. Không lúc này thì lúc khác. Không ở chỗ này thì ở chỗ khác. Vậy nên, tôi nghĩ, chớ nên độc tôn lối tiếp cận nào cả. Cho dầu nó tỏ ra ưu việt đến mức nào. Vì văn chương vốn diệu kỳ lắm! Nó là “sự sống”, hơn thế là “sự sống tinh thần” kia mà. Cũng cần nhớ, lối phê bình xã hội hiện vẫn đang thống trị ở ta, tự nó, chẳng có lỗi gì cả. Nó có cản trở các nhà phê bình tìm đến các khuynh hướng khác đâu. Vả chăng, sự vận dụng nếu có lầm lạc thì lỗi ít khi thuộc về học thuyết. Người sử dụng khi nào chẳng quyết định tới hiệu quả sử dụng. Do đó, tôi không nghĩ cuộc Hội thảo “ngoài nội dung đánh giá các thành tựu, khuynh hướng, những hạn chế, thiếu sót trong nhận thức hiện thực…”, còn “nhằm khôi phục lại vị thế của một chủ thuyết - lý thuyết phê bình”, như phê bình xã hội. Trong thời buổi bây giờ, chỉ có những nhà phê bình văn chương “gà mờ” mới nghĩ thế!

PV: Ông có đánh giá cao “nhà văn hiện thực, lối viết hiện thực” không? Trường hợp hay hiện tượng văn học nào có thể minh định cho quan điểm của ông?

PGS.TS Phạm Quang Trung: Tôi đánh giá các “nhà văn hiện thực” khẳng định giá trị của ngòi bút mình bằng “lối viết hiện thực” cao như các “nhà văn hiện thực” khẳng định giá trị tác phẩm của mình bằng “lối viết phi hiện thực”. Xin nhớ tới thành tựu đáng nể trọng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh mà trong tham luận vừa rồi của tôi đã nêu ra. Vấn đề sau rốt chính là hiệu quả nghệ thuật được thừa nhận rộng rãi. Nhận xét này chẳng cần tới sự “minh định” làm gì. Vì nó quá phổ biến. Chỉ cần nhìn Giải Nobel Văn chương vào những năm gần đây cũng đủ rõ. Mà hiệu quả cuối cùng, như người đời thường nói, lại hoàn toàn tùy thuộc vào chân tài. Trước sau gì tôi vẫn cho rằng chẳng thể sinh ra tài năng được đâu. Tuy nhiên, ta lại có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho mọi tài năng được phát tiết. Không loại trừ những điều kiện vật chất. Nhưng trước hết và trên hết vẫn là các điều kiện tinh thần. Cốt lõi nằm ở chỗ nào? Phải đi tìm câu trả lời xác đáng ở trong đặc thù của lao động sáng tạo của nghề văn thôi. Vâng, đây là một nghề sáng tạo đúng nghĩa. Đã vậy thì phải chấp nhận phiêu lưu chứ! Thế giới nghệ thuật do nhà văn tài năng tạo ra đã xuất hiện bao giờ đâu. Cần hết sức thận trọng khi xem xét, đánh giá mọi sự thể nghiệm văn chương. Mà cũng rất cần cho phép nhà văn cái “quyền” được sai lầm nữa. Vấn đề là ở chỗ có thực tâm và thiện chí hay không mà thôi! Về điểm này thì chẳng thể lừa dối được. Cuộc đời dạy ta thế mà!

PV: Theo ông có mấy khuynh hướng phản ánh hiện thực đất nước hôm nay? Đặc điểm của những khuynh hướng ấy? Sự hình thành những khuynh hướng phản ánh hiện thực đất nước như thế cho thấy sự thay đổi ra sao về tư tưởng, nhận thức, và quan điểm thẩm mỹ của người viết?

PGS.TS Phạm Quang Trung: Mấy khuynh hướng ư? Như thường thấy: tất thảy tùy thuộc vào hệ tiêu chí đưa ra để phân định. Nếu dựa vào chất lượng thì có khuynh hướng thể hiện giản đơn và sâu sắc. Nếu dựa vào tính chất thì có khuynh hướng tích cực và tiêu cực. Còn nếu dựa vào năng lực thì có khuynh hướng sáng tạo và sao chép… Tiêu chí nào cũng có thể đi theo hai ngả đối lập nhau. Nên lưu tâm đến thành công của tác phẩm. Xét trên hệ quy chiếu đối với hiện thực, tôi luôn đặc biệt đề cao hai khả năng thường hòa quyện vào nhau: sức khám phá và sức soi sáng hiện thực của nhà văn qua tác phẩm. Và nếu thế, thì không thể tách bạch “khuynh hướng phản ánh hiện thực đất nước” với “tư tưởng, nhận thức, và quan điểm thẩm mỹ của người viết” đúng như anh yêu cầu. Cũng nên lưu tâm tới thực chất của quan niệm. Chẳng hạn, thế nào là “tích cực” trong thể hiện đời sống? Có người nghiêng về khẳng định, biểu dương; lại có người nghiêng về phủ định, phê phán. Đấy là chưa nói còn có người nghĩ tích cực là phải góp phần bảo vệ chính thể… Riêng tôi thì chú ý tới tác động biến cải hiện thực và xu hướng đề cao nhân tính. Đại thể, “bách gia bách niệm” mà. Do vậy mới cần hội thảo. Và thành công của một cuộc hội thảo bao giờ cũng phụ thuộc vào khả năng biết lắng nghe những ý kiến khác nhau, những ý kiến khác mình. Từ đó mới nảy sinh ra những cuộc đối thoại lý thú và bổ ích, nhằm làm giàu có nhau và làm giàu có tài sản tinh thần chung của chúng ta…

* Xin cảm ơn ông!

Trần Thiện Khanh (thực hiện)
______________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét