Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Truyện “mini” của Y Ban

LTS. Nhà văn Y Ban vào nghề với truyện ngắn Bức thư gửi Mẹ Âu Cơ đầy ấn tượng, và gần đây thì đình đám với tập I am đàn bà (Tôi là đàn bà). Chị sống hồn nhiên, khi cần cũng mạnh mẽ khiến giới mày râu vừa yêu mến vừa ngại ngần. Như là để ghi chép lại những câu chuyện vui hay kể khi gặp bạn văn, Y Ban viết một loạt truyện “mini”, mỗi truyện một vẻ, hấp dẫn trí tuệ và sự thân gần, đặc biệt có giá trị xả “stress”… Hồn Việt xin trích giới thiệu một vài truyện “mini” của chị.

1. TẶNG SÁCH

Thi sĩ H.H bỏ tiền túi in một tập thơ mới với bao toan tính trong đầu. Xứ sở này có đến hơn 20 triệu người xuất khẩu thành thơ, 5 triệu người có thơ được in trên giấy và 500 người có tiền để in thơ thành tập nhưng chỉ có khoảng vài chục người được thiên hạ biết đến thơ mình. Như vậy H.H rơi vào con số 500 người và mơ mộng rằng sẽ được là vài chục người kia (H.H là nữ thi sĩ nên sự mơ mộng lớn hơn thi sĩ nam).
H.H bèn lên một kế hoạch tặng sách cho 10 nhà thơ nổi tiếng, để biết đâu có 2 người đọc tập thơ và một người thích một vài câu thơ trong tập thơ. Để nhân một dịp nào đó phát biểu về thơ ca và nhắc đến mấy câu thơ của H.H. Thế là H.H nổi tiếng. Và khi đã nổi tiếng rồi thì sẽ được thiên hạ đọc thơ của mình.
Một sáng nọ H.H đạp xe đến Hội Nhà thơ, nơi có nhiều nhà thơ đến và thi thoảng có cả nhà thơ nổi tiếng cũng đến. Thật may hôm ấy, ngay ở cổng, H.H đã gặp ngay nhà thơ Đ.Đ, một nhà thơ nổi tiếng. Thi sĩ H.H bèn níu nhà thơ Đ.Đ lại để tặng tập thơ của mình. Thi sĩ H.H nắn nót viết ở trang đầu tiên: Kính tặng nhà thơ Đ.Đ, người tôi luôn ngưỡng mộ. Thi sĩ H.H nâng tập thơ trên hai tay cung kính tặng nhà thơ Đ.Đ. Nhà thơ Đ.Đ cầm lấy tập thơ rồi nói: - Vâng, quý hóa quá, cảm ơn nhiều.
Thi sĩ H.H cảm động đến rộn rạo trong lòng, lúng túng dắt xe đi. Đi được hơn chục bước bèn ngoái lại nhìn thần tượng của mình. Thì thấy nhà thơ Đ.Đ cầm tập thơ vẩy vẩy vào mặt người vá xe trên vỉa hè và nói (nói to): - Này cho cậu, lúc không có khách mà đọc, chán không đọc được thì kê mà ngồi. Đưa tập thơ cho người vá xe xong nhà thơ Đ.Đ đút tay vào túi quần đi vào Hội Nhà thơ.
*
2. NÀY, HỎI THẬT ĐÃ NHÌN THẤY GÌ CHƯA ĐẤY?

Sếp, từ vụ trưởng trở lên sẽ có phòng làm việc riêng và có toa-lét trong phòng làm việc. Trong toa-lét phải có bình nóng lạnh. Nhiều cơ quan muốn bảo vệ sức khỏe cho sếp còn kê thêm cả giường.
Sếp của cơ quan này là sếp nữ và có bằng cấp rất cao: tiến sĩ. Sếp rất nghiêm khắc và bài bản trong công tác lãnh đạo. Sếp luôn mang một gương mặt lạnh lùng oai nghiêm. Sếp mang hàm vụ trưởng nên tất yếu là sếp phải có phòng riêng và toa-lét riêng. Nhưng nguyên tắc của sếp nữ là không bao giờ khép kín cửa phòng. Phòng có điều hòa sếp cũng không bao giờ đóng kín. Sếp còn nói trước cuộc họp cả cơ quan rằng: Trong giờ làm việc, khi tôi còn ở cơ quan làm việc thì các đồng chí vào làm việc với tôi không phải gõ cửa. Phòng làm việc không có gì khuất tất mà phải gõ cửa trước khi vào.
Cơ quan mới nhận thêm một nhân sự mới. Một tiến sĩ trẻ mới tốt nghiệp ở Soóc-bon về, đẹp trai như tượng, làm việc ở phòng nghiên cứu khoa học.
Năm giờ kém mười lăm phút, mùa hè, tức là còn 15 phút nữa mới hết giờ làm việc, tiến sĩ trẻ kia được trưởng phòng sai đưa lên trình sếp bản dự toán. Tiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, trí tuệ và sức trai nhảy hai bậc cầu thang để tiến về phòng sếp. Phòng sếp mở cửa he hé. Vì đã được học nội quy trước khi ký hợp đồng làm việc với cơ quan nên tiến sĩ trẻ mở cửa đi vào phòng sếp, bỏ qua khâu gõ cửa. Tiến sĩ trẻ đẹp trai như tượng lọt vào phòng sếp mà không thấy sếp đâu, chỉ thấy đầy ắp tiếng hát rộn ràng vọng ra từ nhà tắm. Và rồi sếp xuất hiện với những giọt nước còn vương trên tấm thân ngọc ngà. Tiến sĩ trẻ đẹp trai như tượng phi thẳng ra khỏi phòng, chạy cầu thang 3 bậc một.

Một lát sau, thời gian vừa đủ để lau khô người và mặc áo quần chỉnh tề sếp xuống phòng nghiên cứu khoa học. Sếp đến thẳng chỗ tiến sĩ trẻ đẹp trai như tượng đang ngồi cắm mặt vào màn hình vi tính. Sếp nói:
- Này hỏi thật, lúc nãy có nhìn thấy gì không đấy.
Tiến sĩ trẻ đẹp trai như tượng không nói gì và cũng không ngửng mặt lên. Sếp hỏi lại:
- Này hỏi thật, lúc nãy có nhìn thấy gì không đấy.
Trong phòng có tiếng cười rúc rích. Sếp đi ra khỏi phòng. Tiếng cười lập tức rộ lên. Trưởng phòng đến bên tiến sĩ trẻ đẹp trai như tượng, vỗ vào vai:
- Bài học đầu tiên đã xong. Xin chào mừng đến với viện nghiên cứu nguyên tố lạ. Đừng có phủ lên mặt mình nguyên tố lạ như vậy. Đi, đi khao phòng một chầu bia, rồi bọn tớ sẽ nói cho trong cái lúc ấy cậu đã nhìn thấy gì của sếp.
Sau chầu bia tiến sĩ trẻ đẹp trai như tượng đã trút bỏ bộ mặt nguyên tố lạ, cười rất khoái khi biết rằng, chiều nào sếp cũng tắm và khi tắm thì hát véo von, ra khỏi nhà tắm thì sếp không mặc gì.
*
3. BỨC TƯỢNG QUY RA TIỀN LÀ BAO NHIÊU

Con gái Xuân đã thi đỗ Đại học văn. Con gái Xuân vui thì ít mà Xuân vui thì nhiều. Bao nhiêu công sức đẻ con rồi nuôi con. Niềm vui cứ dâng tràn làm Xuân thao thức không ngủ được. Xuân nhớ như in mọi hình ảnh về con gái, từ lúc nó đỏ hỏn chui ra khỏi dạ mẹ. Cô đỡ túm cổ nó giơ cho Xuân xem mặt. Xuân bỗng đau nhột tim khi nhìn thấy cái lợi của nó trước, để ngờ rằng con bị sứt môi rồi. Thì ra không phải, con bé ra ngôi mặt, làm cái mặt nó hơi bị sưng, môi cong lên thành ra hở lợi. Đến ngày thứ 3 thì con bé đã xinh xắn lắm rồi. Dãy dài các bà mẹ ngồi cho con bú ở nhà sơ sinh, mà vẫn có những con mắt nhòm sang con bé khen xinh quá.
Mười hai năm đi học của con bé không được hanh thông cho lắm. Hai mẹ con Xuân đã xác định, sức học của con thế nào thì sẽ theo trường đó, không a dua chạy vào trường điểm. Đơn giản vì nhà Xuân nghèo, vợ làm công chức, chồng làm nghệ sĩ.
Chồng Xuân rất tài hoa. Chồng Xuân tạc những bức tượng rất đẹp. Chồng Xuân đã tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước, ngoài nước, được báo chí và các nhà phê bình khen ngợi. Chỉ có điều tiếng cả nhà thanh, những bức tượng không có người mua. Nếu nói như các cụ xưa, đếm cua trong lỗ, đặt tiền cho những bức tượng thì tài sản nhà Xuân cũng khấm khá. Có thể mua nhà lầu xe hơi. Năm con gái Xuân thi vào cấp 3, còn thiếu nửa điểm nữa thì được vào lớp chuyên văn. Con gái Xuân buồn lắm. Xuân hiểu được nỗi buồn của con nhưng cũng chỉ biết thở dài. Có người làm cùng cơ quan bảo Xuân:
- Chị ngốc lắm, nửa điểm chạy dễ dàng không ấy mà. Tôi quen chị vợ của hiệu trưởng trường này, để tôi nói cho. Chị cứ bảo thủ mà làm hỏng tương lai của con.
Xuân thấy người đó nói phải. Xuân sợ nhất là câu người ấy nói, chị cứ bảo thủ làm hỏng tương lai của con. Xuân bèn nhờ người đó móc nối hộ. Quả là người hiệu trưởng trường đó đồng ý cho Xuân gặp mặt trình bày. Xuân gặp mặt thấy thầy hiệu trưởng đạo mạo nên nói năng ấp úng. Sau một hồi nghe Xuân trình bày nguyện vọng thầy hiệu trưởng bảo:
- Việc của con chị không khó. Chúng tôi chỉ cần hạ điểm chuẩn nửa điểm là con chị vào. Nhưng cái khó là nhà chị cám ơn nhà trường được bao nhiêu?
Xuân bỗng phấn chấn nên giọng nói lưu loát hẳn:
- Thưa thầy thế này ạ. Bố cháu là nhà điêu khắc rất có tiếng. Nhà cháu có rất nhiều tượng. Bố cháu vừa làm một bức tượng chim hạc cách điệu bằng đồng. Nhà thầy giáo chắc phải cao đẹp lắm ạ?
- Vâng vâng, nhà tôi cũng rộng rãi, mới xây mới xây, cũng đẹp cũng đẹp.
- Vậy thì để bức tượng đó trong nhà thì đẹp mà sang lắm ạ. Tối nay chúng tôi sẽ mang đến tặng thầy ạ.
- Này tôi hỏi nhỏ một tí.
- Vâng ạ.
- Bức tượng đó trị giá bao nhiêu?
- Dạ. Xuân lúng túng một lúc vì chưa nghĩ ra ngay. Bức tượng là nghệ thuật. Nghệ thuật thì vô giá. Nào ai đã đặt giá cho nó đâu. Nhưng quả là lúc này nó phải có giá chứ. Thôi thì cứ đặt cho nó giá rẻ rẻ vậy. Bức tượng đặt ở góc tường nhà Xuân. Xuân thích nó lắm nên đã nói với chồng: khi nào nhà mình giàu rồi, xây được nhà đẹp thì anh cho em bức tượng này, em để ở trong phòng ngủ của em. Lạ thế. Ý nghĩ đẩu đâu lại chen vào cái lúc này. Xuân nhìn lên gặp ánh mắt của thầy hiệu trưởng đang nhìn xoáy chờ câu trả lời. Xuân thở dài đến sượt rồi nói bừa:
- Dạ thưa thầy khoảng 3 vé ạ.
- Thế à, thế thì qui bức tượng ra thành tiền nhé.
Vậy là con Xuân đã không được học lớp chuyên văn.
Trời ơi, thật may làm sao Xuân đã không làm hỏng tương lai của con. Không phải do Xuân bảo thủ mà chỉ vì Xuân đã không quy được bức tượng thành tiền.

_________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét