Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Nguyễn Đình Thi - một quãng đời

Tuệ Minh

Mùa thu năm ấy…
Nhà văn Nguyễn Đình Thi phải giải quyết dồn dập nhiều việc công và cả tư.
Trải qua những ngày rất khó khăn, căng thẳng, nhiều lúc cũng nguy hiểm nữa… ông càng hiểu rõ chân dung từng người.
Rất may, có những người thực tâm chia sẻ vui buồn cùng ông, nếu không có họ - không có nguồn động lực tinh thần ấy, và sự săn sóc sức khỏe cho ông kỹ lưỡng đến vậy, chắc chắn sẽ còn nhiều cam go. Thậm chí, không phải chỉ khó khăn cho riêng ông… mà còn không ích lợi gì cho công việc chung nữa.
Thực sự ông rất cần họ - ông đã nói vậy.
Làm chủ được thời gian của mình, ông bay vào Sài Gòn thăm gia đình vừa chuyển vào vài tuần nay. Cả nhà cùng ra Tân Sơn Nhất đón ông, háo hức chờ máy bay hạ cánh.
Được gặp mặt đông đủ tất cả, ông cảm động ôm hôn từng người. Thằng cháu nhỏ cứ dính chặt lấy ông, đeo bám ông suốt.
- Về tới nhà mình rồi – Thói quen, ông nói một mình.
Lại nhớ những năm tháng xa xưa… Hai chúng tôi luôn phải vào Nam công tác, ông đã gắng thu xếp để vào làm việc cùng một dịp, nhưng thật hiếm hoi.
Được nghỉ, chúng tôi lại đi chơi. Ấy thế, cũng có lúc phải chờ nhau khá lâu, đứng hàng giờ trú dưới hiên mưa tầm tã, hoặc giữa trưa nắng đổ lửa. Dù đã đến giờ về làm việc, vẫn cố chờ để nhìn thấy nhau mạnh khỏe mới yên tâm, chẳng còn thì giờ mà hờn dỗi nữa, rồi vội vàng lại ai lo việc nấy cho cơ quan (hồi đó chưa có điện thoại di động, “Sểnh nhà ra thất nghiệp” ngay thôi). Thấy vậy, nhà văn NQS đã thuê giúp vợ chồng tôi một chỗ ở gần trung tâm, đi lại rất thuận tiện.
Hai chúng tôi uống bia để tiễn chân nhà thơ XD về Hà Nội trước. Dòng chữ anh viết tặng tôi trên tập thơ, còn đậm nét bút đây.
Họp xong, nhà văn NT bỏ vào túi ông một ít tiền: “Có người nhờ gửi cho ông đấy”. Nói rồi nhà văn biến đi chơi ngay, đố ai tìm thấy được.
Chúng tôi thường đến gia đình các em ruột, thăm bà con đôi bên trong họ, thăm bạn bè, và ăn quà vặt thay cơm.
Ăn quà là “chương trình” ông Thi rất thích, có những món quà thông thường, nhưng với ông lại mới mẻ và rất thú vị.
*
Ông Thi làm tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (nay gọi là chủ tịch) khoảng ba chục năm, mãi tới đại Hội Nhà văn năm 1989 ông mới được nghỉ việc này. Đồng thời ông trao lại việc tổng biên tập tạp chí Tác phẩm mới, để ban chấp hành mới phân công người khác phụ trách. Việc này ông cũng phải thuyết phục mấy nhà văn đã cùng ông công phu gây dựng lại, để mọi người được vui vẻ.
Chưa hẳn đã nhẹ nhõm và yên ổn trong lòng, còn một việc ông chưa xong nhiệm kỳ - ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Á - Phi. Tổ chức quốc tế này vẫn mời ông Thi làm tổng biên tập tạp chí Hoa sen - tại nước ngoài, nhưng ông dứt khoát từ chối.
Quỹ thời gian ông ngại còn quá ít. Ông cần có mươi năm được sống thảnh thơi, và không bận bịu công việc quản lý cơ quan, mới có thể viết kịp bộ sách về Điện Biên Phủ, đã từ lâu ông trăn trở, mong chờ.
Những ấp ủ viết về người mẹ của mình, cứ bị công việc cuốn theo tháng ngày. Hình ảnh Mẹ cưỡi ngựa trắng xa tít tắp khi ẩn, khi hiện… tận miền rừng núi Luang Prabang, bên nước Lào, vẫn đậm sâu trong ký ức cậu bé lên năm tuổi…

Qua nửa thế kỷ ấy, ông đã kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện…
Từ khi tôi còn là một cô em nhỏ tuổi, ông đã rất tin tôi. Ông cởi mở tâm sự những niềm vui, những nỗi buồn, những nghĩ suy... Tôi tôn trọng ông. Hiểu ông. Có những điều không nên nói ngay. Hoặc, những điều bao giờ cũng không nói.
Khi biết sắp phải giã từ nhau… ông vẫn cố vui, nói thêm với tôi bao điều dang dở… Vẫn hy vọng, sẽ viết xong cuốn Bóng ngựa trắng, kịp tặng lại bạn đời.
Nhưng... cuốn sách ông viết sẵn trong đầu ấy, đã đi theo ông rồi!
Coi như món nợ Mẹ, và món nợ đồng đội vẫn còn nguyên đấy.
Khi sống, vốn là một người có trách nhiệm, khiêm nhường, liêm khiết... nên ông thường phải gánh vác việc chung. Đôi lúc cũng vì quá nể nang, để rồi lại tự dằn vặt mình, tự chuốc bận vào thân.
Cũng do cả nể, ông phải nhận làm chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, trong lúc ông đã tự giải phóng cho bản thân, để ngồi viết. Thế này là khổ rồi đây! Phải xếp việc của mình lại, ít nhất cũng mất đứt hai năm “loay hoay như gà mắc tóc” mãi vẫn chẳng gỡ ra được!
Giận thân, ông nói một mình.
*
Lúc này, chớ thúc ép, hoặc trách móc ông, ông sẽ nổi nóng và mắng ngay tức thì.
Lần nữa, tôi muốn xin lỗi chị bạn – Đài PT, đến làm việc đã bị ông nổi giận đùng đùng. Tôi cũng rất mong vong linh chú C em ruột ông Thi đừng buồn, vì đã bị ông anh mắng!

Cháu nhỏ đang chơi ngoài sân bị ngã, òa khóc “Ông ơi… ông!” Ông chạy ra đón cháu, nước mắt nước mũi con bé đầm đìa trên vai áo ông. Xoa xoa lưng cháu, giọng ông khàn khàn “Cái cò, cái vạc a cái nông”… Bé thôi khóc ngay, nó vừa nhìn thấy chú văn thư ôm bọc tài liệu to tướng đứng ở cửa, sợ ông lại đi nữa, nó vội ôm lấy cổ ông.
Con bé – cũng tựa một dòng suối êm đềm và trong suốt vừa chảy qua, khiến ông nguôi dần những gì đang phiền muộn.
Khuya lắm rồi ông chưa ngủ, vẫn lúi húi ký vào từng giấy mời, đọc lại các văn kiện, thông báo... để cơ quan kịp gửi về các tỉnh, hoặc gửi tới các nghệ sĩ lão thành khi sắp đón năm mới.
Đã nhiều năm phải viết báo cáo, một việc làm mà ông rất ngán ngẩm. Tuy vậy, ông vẫn nghiêm túc và kiên trì ngồi viết. Cũng mất vài ngày đêm. Vậy là nhanh hơn cả thời gian ông sợ và trốn việc này. Sau đấy, ông thường bị ốm khá nặng.
Rồi nhiều đêm khác, ông vẫn hào hứng thức tới sáng để viết lời chào mừng từng hội, không dập khuôn, không sáo rỗng. Ông chân thành gửi gắm tình cảm của mình trong bài viết. Đâu thể “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, đến hội này, không đến hội kia, mà trên sáu chục hội toàn quốc – mỗi hội một khác, nên ông rất băn khoăn không thể đến hết được.
Cũng không thể trả lời hết thư từ của rất nhiều người ở khắp các châu lục gửi đến. Có những người không hề quen biết, đã khẩn nài đề nghị ông xin với chính phủ nước ấy, cho họ được ân xá…
*
Ông vui mừng, vì công việc cơ quan đã dần vào nền nếp, ổn định. Có thể rút khỏi vị trí này được rồi! Ông nghĩ vậy, và đã đệ đơn lên cấp cao, xin được nghỉ.
Thế nhưng, mọi người càng nài ép ông ở lại làm việc. Ông lại nể nang nhiều.
- Cứ loay hoay như gà mắc tóc mãi thế này!
Giận thân lắm, nhưng ông lại chỉ nói một mình. Trên lưng ông, như trĩu nặng thêm.
Những năm sau này, ông thường phải nằm viện, cả tháng trời chưa hết bệnh.
Tôi không thể quên được… Rất cảm ơn những người bạn tốt, đã hết lòng săn sóc và thăm hỏi ông khi đau yếu.
Vậy mà, có những người lại bất chấp mọi sự. Họ xin gặp ông để kiện cáo nhau, để bịa đặt chuyện đời, và có người thì đã quen xin tiền ông.
Nhà văn – mặc áo lính. Suốt mấy chục năm, ông đã lăn lộn khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, đã trải qua hai cuộc chiến tranh lớn, nhiều phen ông đã chết hụt… Ông đã sống cùng chiến sĩ, chung một chiến hào với họ, và hiểu rõ người lính cần gì, thiếu gì, đang nghĩ gì… trước khi anh ta bước vào cái chết!
Ông sẽ phải viết về những người Anh Hùng vô danh, về những đồng đội rất thương yêu đã ngã xuống. Nhất định ông sẽ viết về Điện Biên Phủ - viết về mặt trận quyết định sự sống còn của dân tộc Việt Nam.
Khi chờ lệnh nổ súng, muốn vỡ tung cả lồng ngực, ông đã nghe rõ một giọng hát khe khẽ: “Đây, Hồ Gươm... Hồng Hà… Hồ Tây…” Anh lính rất trẻ ấy, không hề biết tác giả, một chính trị viên gan dạ. Anh đang kề sát bên họ, giữa giây phút thiêng liêng hồi hộp khác thường, tại Điên Biên Phủ này!
Những tư liệu về trận Điện Biên (cũ sờn, đánh bằng máy chữ, trên giấy mỏng, rất mờ khó đọc) ông thu thập cất giữ đã ngày một đầy ắp mấy ngăn sách.
Ông, là hình ảnh của một chú ong – lao động nghiêm túc, cần cù, siêng năng…
Vợ ông tếu táo, hay đùa, thích vui… Mà sao lại sống với nhau rất thuận hòa?
Giản đơn là họ thật lòng yêu thương nhau!
Thoáng chốc, đã trên bảy năm vắng ông.
Những mong ước của ông sẽ viết về Điện Biên Phủ, viết truyện Bóng ngựa trắng không bao giờ thành hiện thực. Bây giờ, tôi không thể làm được gì để giúp cho ông nữa.
Những người đồng nghiệp của chồng tôi! Hẳn các bạn đang viết, hoặc sẽ viết về Điện Biên Phủ. Đó là việc hết sức nặng nhọc và khó khăn. Tôi thấu hiểu được. Cầu mong các bạn sớm hoàn thành tác phẩm. Tôi cũng sẽ được an ủi…
Những tư liệu nhà văn Nguyễn Đình Thi dày công sưu tầm, để viết về Điện Biên Phủ, tôi vẫn giữ nguyên vẹn.
Trộm nghĩ, những tư liệu này chưa hẳn đã quý hiếm với tất cả, nhưng biết đâu lại rất cần cho lớp trẻ sau này. Cho những ai chưa phải ra trận mạc, chưa hề biết mùi thuốc súng, và chưa bị mất mát, hy sinh bao giờ. Và nếu, anh sẽ trở thành người cầm bút, muốn viết về thế hệ cha ông sát kề, thì…
Tôi xin mạn phép chồng tôi, tặng cho Hội Nhà văn, hoặc tặng cho các bảo tàng, với mong muốn những tư liệu này sẽ được sử dụng xứng đáng.

_______________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét