Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Vua gái

Truyện ngắn của Đoàn Lê

Tôi là ai đây? Nhiều khi tôi cố quên những hình ảnh luôn hiện về từ một thời vàng son rất xa xưa, cố đẩy lùi những ái ố hỉ nộ bất ngờ trỗi dậy. Nhưng không xong. Tại sao lại thế? Thực sự tôi là ai trong hai con người: Tôi - Lý Chiêu Hoàng? Tôi, cô sinh viên y khoa năm thứ hai? Trường hợp này phải chăng y học kết luận trong tôi có hai con người, hai nhân cách cùng tồn tại?
Nhiều khi ngồi trước gương tôi hoàn toàn xa lạ với hình ảnh cô gái có cặp mắt to đang chòng chọc nhìn. Cô sinh viên Y khoa kia từ đâu tới, cô mượn cái lốt này với mục đích gì? Cô khiến tôi tê liệt trước niềm vui cuộc sống hôm nay và làm khổ tâm hồn tôi với những trăn trở dằn vặt vô lối từ bảy, tám thế kỷ trước.
Sách Đại Việt toàn thư ghi: “Năm Mậu Dần 1218, tháng 9, hoàng thứ nữ sinh, sau phong làm công chúa Chiêu Thánh. Tháng 10 năm Giáp Thân, 1224 công chúa Chiêu Thánh được truyền ngôi hoàng đế”.
Tôi phải dành dịp nghỉ hè tra cứu ngày tháng, tìm hiểu nhân thân của tôi trong lịch sử, cái thuở làm vua gái. Thật là một tiền kiếp kinh hoàng tôi ơi!
Đôi lúc tỉnh táo, tôi lại mừng đến tê dại. Thiên hạ hẳn sửng sốt khi được biết một cô sinh viên Y khoa bé nhỏ tầm thường hiện đang nắm giữ một sự kiện vô cùng bí mật của lịch sử.
Tôi sẽ nói Lý Chiêu Hoàng là con Trần Thủ Độ chứ không phải con Lý Huệ Tôn. Ông vua èo uột khi còn là Hoàng thái tử Sảm, mười lăm tuổi, lấy cô gái đẹp nổi tiếng nhà họ Trần ở một vùng biển trong lúc chạy giặc, lánh nạn tại đó. Cô gái Trần Thị Dung xấp xỉ tuổi Hoàng thái tử, chắc hẳn khi ấy đã mang nặng tình ý với người anh nuôi họ Trần, Trần Thủ Độ, một chàng ngư dân ít chữ nghĩa nhưng khỏe mạnh, cơ mưu võ lược đứng đầu đám gia binh. Cô gái bất đắc dĩ phải lấy Hoàng thái tử Sảm vì quyền uy trói buộc, vì mưu đồ của cả một dòng tộc nhiều tham vọng đè nặng lên vai. Để dắt mũi một cậu Hoàng thái tử non choẹt với quân bài mỹ nhân kế, luôn luôn phía sau có người anh ruột cô gái là Trần Tự Khánh và chàng trai Trần Thủ Độ đầy mưu đồ che chắn.
Mùa xuân Canh Ngọ năm 1210, giặc đã yên, vua Cao Tôn đón Hoàng thái tử Sảm về triều, cô gái thì cho ở lại nhà cha mẹ. Mùa đông vua Cao Tôn chết, Hoàng thái tử Sảm lên ngôi thành vua Lý Huệ Tôn. Khi ấy Huệ Tôn mới mười sáu tuổi. Nhà vua phái thuyền rồng đi đón Trần Thị Dung, nhưng Trần Tự Khánh chưa đưa em gái đi ngay vì cớ đương thời loạn lạc. Mãi tháng 2 năm 1211 Trần Thị mới được đón về cung, lập làm Nguyên phi.
Tại sao Trần Thị chậm được tiến cung? Hơn một năm ăn ở với ông hoàng yếu ớt tại miền biển quê nhà, nàng không có dấu hiệu mang thai, họ Trần có thể sợ cô gái về triều địa vị không được vững vàng chăng?
Bao nhiêu câu hỏi rắc rối mà tôi cần lý giải cho chính cha mẹ mình.
Mấy hôm nay trời oi nồng, mọi người như sống trong lò bánh mì. Nếu không được phơi trần dưới quạt, bảo đảm sẽ biến thành bánh đa nướng trong mớ quần áo. Tôi bảo Cương, anh chàng sinh viên khoa Sử sắp ra trường, hai năm nay lúc nào cũng quấn quýt bám trụ tại nhà trọ của tôi:
- Cậu làm phúc đi khỏi đây vài tiếng trưa nay cho tớ nhờ. Tớ cần được giải phóng vài tiếng không bị áp bức.
Cương ngạc nhiên khẽ hỏi:
- Tớ khủng bố cậu đến thế sao?
- Thế cậu nghĩ tớ làm Eva trước mặt cậu được ư?
- Hiểu. Khủng khiếp. Trái đất đang nóng dần lên có nghĩa đen thế này đây. Nhưng sẽ rất hoang vắng nếu Eva thiếu Ađam. Bị nàng đuổi ra khỏi vườn địa đàng suốt cả buổi trưa hỏi còn sống làm gì? Được rồi, chiều tớ mang xe đến đưa cậu đi hồ Tây cho hạ hỏa.
- Không, chiều nay tớ bận truy tìm ông Trần Thủ Độ.
- Để làm gì, nói cho tớ nghe! Hình như cậu quyết diệt ông Trần Thủ Độ hả? Nhưng chiều nay cậu đừng thành Lý Chiêu Hoàng có được không?
- Cậu sắp thành nhà sử học, tớ hỏi cậu: thời gian bà Trần Thị Dung sinh công chúa đầu lòng Thuận Thiên ở bãi Cửu Liên, ông Trần Thủ Độ đang ở đâu? Nếu ông ấy vẫn kè kè hộ giá, cùng một nhúm hoàng gia lang thang chạy giặc, đích thị ông ấy… có vấn đề.
Tức thì Cương vồ lấy cuốn Đại Việt toàn thư tôi để trên bàn, mở đến trang tôi đánh dấu
- Ừ nhỉ, ở đây không thấy nói.
- Giai đoạn này ông ấy đang cần ẩn mặt. Nhưng rõ ràng Trần Tự Khánh không thể để cô em gái đơn thân sống trong vòng hành hạ ghét bỏ của bà Đàm thái hậu, mẹ vua Lý Huệ Tôn. Trần Thị Dung từng bị Thái hậu ép phải tự tử, bị đầu độc ngay cả lúc nàng đang mang thai, mà khi ấy nhà vua chưa có đứa con nào. May nhờ Lý Huệ Tôn che chắn mọi bề nên Trần Thị Dung mới thoát chết. Đến mức vua và vợ nửa đêm phải trốn về với Trần Tự Khánh. Đương nhiên Trần Thủ Độ phải luôn bên cạnh nhà vua cùng hoàng hậu để bảo vệ họ.
- Tại sao Đàm Thái hậu ghét hoàng hậu Trần Thị Dung thế nhỉ? Chắc hẳn bà biết rõ con trai bà tức vua Lý Huệ Tôn mang trong mình chứng bệnh nan y không thể có con? Và bà biết đứa con do Trần Thị Dung sinh ra là con Trần Thủ Độ?
- Chính thế. Đến lúc thoái vị, nhà vua mới ngoài ba mươi tuổi nhưng trong tam cung lục viện Lý Huệ Tôn cũng không hề có người con nào khác ngoài hai công chúa do hoàng hậu Trần Thị Dung sinh ra… Bất lực hoặc vô sinh, tớ đoán vậy. Và này…
Cương mở to mắt chờ đợi điều tôi sắp nói. Mắt hắn nâu đen, nói chính xác là màu bã trầu, sáng ướt long lanh. Rõ là có nắng trong đó. Để nắng đi vào trong mắt em… Trái tim tôi bỗng thổn thức rất lạ. Tôi biết đấy là nỗi thổn thức của nhân cách thứ hai trong tôi… Hỡi chàng Trần Cảnh tội nghiệp, chúng ta đã bị ngọn lửa quyền lực, cháy lên từ cái ngai vàng, thiêu ra tro tuổi thanh xuân lẫn tình yêu thời trinh nguyên quý giá. Đây, được nhìn vào mắt nhau sung sướng biết bao nhiêu!
Tôi nói rành rọt từng lời mà không hề rời đôi mắt nâu thăm thẳm trước mặt.
- Nghe cho rõ, hỡi nhà sử học tương lai. Ta là Lý Chiêu Hoàng. Theo Đại Việt sử ký, ta được mẫu hậu mang thai vào mùa xuân năm Mậu Dần 1218 trong khi vua cha Lý Huệ Tôn đã nổi bệnh trúng phong ngay từ cuối năm Bính Tý 1216, và mùa xuân năm Đinh Sửu 1217 vua đã điên dại rất nặng. Làm sao ông ấy sinh được ra ta vào năm 1218? Chẳng phải cũng do Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, đêm ngày cai quản trong cung mới có thể tự do bịt mắt một ông vua tâm thần lẫn đám hầu hạ hèn mọn sao? Cả mẫu hậu ta lẫn Trần Thủ Độ đều trông chờ ở lần mang thai thứ hai được một Hoàng thái tử, ai ngờ lại là gái nữa. Thì họ buộc phải ép Lý Huệ Tôn sớm rời ngôi để bày cuộc nhà Lý nhường ngôi cho nhà Trần một cách ngoạn mục kiểu ấy. Chả phải vậy sao?
Cương lập tức chúi đầu vào cuốn sử, kiểm tra từng năm tháng những lời tôi vừa nói. Khi hắn ngước mắt lên, tôi nhận ra nét kinh ngạc chứa đầy trong đôi mắt nâu mở lớn hết cỡ. Hắn nắm lấy tay tôi thì thào khẩn khoản:
- Rồi sao nữa Lý Chiêu Hoàng?
- Sao ư? Chỉ có Thái hoàng Thái hậu Đàm Thị biết rành mạch điều đó, nhưng trước thế lực mạnh mẽ khuynh loát triều đình của họ Trần, cái mạng sống của bà cũng còn ngàn cân treo sợi tóc, huống hồ. Và rất dễ hiểu vì sao Trần Thủ Độ không tha Lý Huệ Tôn, bức chết cả khi nhà vua đã nhường ngôi cho ta, xuống tóc quy y. Có vậy mới thỏa nỗi hận của một người tình với một tình địch.
- Đáng thương ông vua bệnh hoạn thất thế. Cương thở dài.
- Sự đời luôn cay đắng như vậy. Nhưng ta hoàn toàn khâm phục quan Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Đó là người đàn ông đích thực, dám vì nghiệp lớn hy sinh tình riêng, lại dám vì tình yêu bất chấp tất cả. Sau khi dựng cơ đồ xong, người đàng hoàng đón mẹ ta về chung sống, thủy chung suốt đời, dành trọn vẹn tình yêu duy nhất cho người đàn bà duy nhất, không màng danh vọng chức tước, không hề lập thêm phu nhân nào khác.
Cương nắm lấy tay tôi, cười rất dịu dàng:
- Mình cũng cố noi tư cách phong độ của một chàng trai ngư dân, không kém chút nào đâu Lý Chiêu Hoàng ạ.
*
* *
Ta, Lý Chiêu Hoàng, vị vua gái thứ chín triều Lý. Ta lên ngôi thiên tử lúc bảy tuổi. Nói chính xác, ta mới sinh ra đời sáu năm một tháng đã được đặt lên ngai vàng. Thoạt tiên đang là công chúa Chiêu Thánh ta bỗng nhận sắc phong của phụ hoàng Lý Huệ Tôn lập làm Hoàng thái tử rồi truyền ngôi cho. Hừm, sau này ta mới hay cha đẻ đích thực của ta đã không thể chờ lâu hơn, người muốn đi thật mau tới cái đích lớn lao đúng thời cơ đã định.
Thế là vì tình hình thế sự, ta thành vị Vua gái đầu tiên trong lịch sử Đại Việt. Bảy tuổi, ta nhớ rằng khi ấy mới khỏi bệnh đái dầm, vẫn sợ hết hồn những đêm trời nổi dông gió sấm sét. Khi dạo chơi cùng các phu nhân trong vườn thượng uyển ta khóc thét vì một con bướm đậu vào vai áo gấm. Ngày đăng quang, quan đại thần Phụ quốc Thái úy Trần Thừa, ông bác ruột đồng thời là bố chồng ta sau này, khoác lên vai ta tấm áo hoàng bào chẳng khác một tấm chăn vàng ngọc thùng thình, nặng trịch, phải hai thị vệ đứng bên nâng giùm. Nếu không, chắc chắn ta đổ sụp dưới sức nặng của nó.
Các ông quan văn võ đứng xếp hai hàng dưới sân rồng. Trước con mắt ngơ ngác của ta, họ bỗng quỳ sụp cả xuống tung hô vạn tuế. Ta cố nén sợ lấy hết sức hét to như mẫu hậu dặn:
- Miễn lễ! Các khanh bình thân!
Ta nghe rõ giọng trẻ con của ta vang lên khắp cung điện mênh mông im lặng như tờ.
- Chúng thần tạ ân hoàng thượng. Kính dâng thiên tử hai chữ vạn thọ như cương.
Ông quan đứng đầu hô tiếp rồi tất cả đồng thanh:
- Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!
Tiếng hô như sấm rền. Ta giật mình làm lệch cái mũ triều thiên suýt rơi. May sao thị vệ đứng bên giúp ta kịp giữ. Mong cho mọi nghi lễ khó chịu này sớm chấm dứt để ta trở về cung thôi.
Sau đó yến tiệc linh đình. Họ bày trò múa hát vui lắm.
Xem ra lên ngôi vua cũng chẳng có gì mới. Ta vẫn luôn phải đánh lừa hoàng bà (nhũ mẫu của vua) nhổ những ngụm thang sặc vị thuốc bắc, do ông ngự y râu dài buộc ta uống. Mặt ông ấy nghiêm như tượng đá khiến ta rất sợ.
Lên ngôi trời chỉ có nghĩa mỗi đêm hoàng bà bế ta đi tiểu phải cung kính nói:
- Muôn tâu thánh thượng, xin thứ tội cho phép thần được hầu hạ.
Trong lúc mơ màng ngái ngủ, nghe thấy thế ta gà gật lẩm nhẩm:
- Mình là Vua... là Vua…

Để nhập tâm điều đó không dễ. Mỗi khi vào vấn an Thái hậu, ta buộc phải xưng Hoàng nhi, phải lạy chào đúng lễ, không được chạy ào tới ôm chầm mẹ, phải nhận lễ ngược lại của chị gái ta là công chúa Thuận Thiên mỗi khi gặp mặt. Thật khó chịu những thứ lẩm cẩm ấy.
Và cũng thật phức tạp không thể tưởng được những nghi lễ triều chính. Thái hậu luôn kèm cặp ta không ngơi, và chưa lúc nào ta vuột khỏi ánh mắt quan tâm săn sóc của quan Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Ta được mẹ dạy phải luôn nhất nhất vâng lời con người này, dù chưa thể hiểu ngọn nguồn vì sao.
Nhưng bằng linh cảm ta biết người đó chính thực là cha đẻ ta. Nhất là khi mẹ ta rời cung về sống với quan Điện tiền. Ta biết chứ.

(còn nữa)
_______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét