Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Có cần tác phẩm lớn?

Hoài Nam


Người đọc ngày hôm nay không chắc đã thông minh giỏi giang hơn người đọc ngày hôm qua, nhưng họ khác, bối cảnh xã hội cũng vậy, và đó chính là lý do cho sự “xuống giá” (nếu có) của các tác phẩm lớn được viết trong quá khứ.

Lâu nay, một cách khá thường xuyên, vẫn nghe thấy trong giới văn học của chúng ta những lời phàn nàn, những tiếng cảm thán nỗi văn đàn Việt Nam đương đại thiếu vắng các tác phẩm lớn. (Khi không thích, không mặn mà với khái niệm “tác phẩm lớn”, người ta có thể thay thế nó bằng vài ba khái niệm khác, như “tác phẩm đỉnh cao” hoặc “tác phẩm ngang tầm thời đại”). Trước thềm Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, dù không chắc đã ngây thơ đến mức đặt toàn bộ gánh nặng trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của cả nền văn học trên vai hội, nhưng với nhu cầu “tính sổ” một thời đoạn văn chương (5 năm), giọng thống thiết về nỗi thiếu vắng tác phẩm lớn lại trỗi lên hơn nữa trên các diễn đàn báo chí. Bỏ qua các ý kiến bàn bạc, tranh luận - có lẽ không bao giờ đến hồi kết - trước những vấn đề: “Tác phẩm lớn” là gì? Tác phẩm văn học cần phải lớn đến đâu mới được gọi là “tác phẩm lớn”? Phải đạt tới giá trị như thế nào mới đáng được coi là “tác phẩm đỉnh cao”? Phải phản ánh thời đại ở quy mô ra sao thì được dán cái mác “tác phẩm ngang tầm thời đại”? (Và, đến đây lại thêm một câu hỏi nữa nảy sinh: tầm thời đại là tầm như thế nào đây?) v.v... Vâng, bỏ qua những nỗ lực nhận thức - xét ra cũng rất “chính đáng” - ấy, người viết bài này muốn được “mạo hiểm” với một câu hỏi khác: thật ra thì nền văn học đương đại của chúng ta, và chính chúng ta, những người đọc của thời hiện tại, có cần tác phẩm lớn đến mức như vậy hay không?
Phải dùng chữ “mạo hiểm” ở đây là bởi, hoàn toàn có thể, người đặt ra vấn đề cắc cớ như vậy rất dễ bị trách cứ là kẻ ủng hộ cho một nền văn học chỉ toàn những tác phẩm làng nhàng. Tác phẩm lớn ư? Chúng ta luôn luôn cần đến nó. Bất cứ nền văn học dân tộc nào ở bất cứ giai đoạn nào cũng cần đến nó. Xét cho cùng, nếu người ta sẵn sàng bỏ qua một giai đoạn nào đó của lịch sử vì nó không có sự xuất hiện của các cá nhân kiệt xuất, vì nó chỉ là lịch sử được tạo nên bởi số đông vô danh, thì cũng vậy, người ta sẽ sẵn sàng không tính đếm đến sự tồn tại của một giai đoạn văn học nào đó vì nó không có những tác phẩm lớn. Tác phẩm lớn, đó là ngọn núi giữa bình nguyên, là cây đại thụ giữa rậm rịt những mớ thực vật dây leo, là ánh sáng huy hoàng lóe lên lúc trời đang chiều nhập nhoạng. Tóm lại, nó là một “cái gì đó” đầy khiêu khích và mang tính áp chế. Nó đập vào mắt người quan sát, bắt họ phải chú mục, thúc giục họ phải mở rộng trường nhìn hơn nữa để thấy được tầm vóc và vẻ đẹp của nó trong khung khổ không gian của nó. Hiểu theo hướng này, tác phẩm lớn vừa là niềm vinh dự to lớn vừa là sự cứu vãn tuyệt vời cho một giai đoạn, thậm chí cho cả một nền văn học. Chúng ta vị tất đã phải nói đến thi ca Trung Quốc thời Đường một cách đầy ngưỡng mộ nếu ở đó không có thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy. Chúng ta vị tất đã phải thán phục và vô cùng yêu mến văn học Pháp thế kỷ XIX nếu ở đó không có những vần thơ “khuấy bão tố từ dưới đáy bình mực” của V. Hugo, không có công trình tiểu thuyết kỳ vĩ mang tên Hài kịch nhân gian của H. Balzac. Văn học cổ điển Đức sẽ là gì nếu thiếu đi Faust của Goethe và một loạt kịch phẩm xuất sắc của Schiller? Và “thời đại vàng” của nền văn học Bạch Nga, liệu nó có được vẻ tráng lệ đến thế nếu không có những tác phẩm của L. Tolstoy, F. Dostoyevsky, N. Gogol, I. Turgheniev trong gia tài của mình? Gần gặn hơn nữa, ta nói tới văn học Việt Nam thời kỳ trung đại: hãy thử hình dung sẽ ra sao nếu các tác phẩm của Nguyễn Trãi, thơ Nôm của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, thơ chữ Hán và Truyện Kiều của Nguyễn Du bỗng dưng như chưa bao giờ xuất hiện? v.v và v.v... Những ví dụ kể trên có thể và cần phải được liệt kê ra gấp nhiều lần hơn thế mới mong đạt tới sự đầy đủ tương đối về các tác phẩm lớn và vị thế của chúng trong lịch sử của nền văn học các dân tộc. Và nếu là như vậy, hà cớ gì lại đặt vấn đề thắc mắc về sự cần thiết của tác phẩm lớn trong văn học hôm nay?
Câu trả lời, với người viết bài này, một phần nằm ở “gánh nặng” của tác phẩm lớn mà người đọc ngày hôm nay đang phải “chịu đựng”! Phải sống tới vài cuộc đời và phải đọc một cách thật chăm chỉ thì một người đọc “có văn hóa về văn học” mới có thể “ngốn” hết các tác phẩm lớn mà lịch sử văn chương của cái nhân loại già nua này đã sản sinh. Đó là việc làm bất khả. (Cứ nói rằng thế giới bây giờ đã trở thành một cái làng, nhưng cộng đồng cư dân ở góc này của làng đâu phải đã biết cộng đồng cư dân ở góc kia viết lách những gì. Với người Việt Nam, sự hiểu biết của chúng ta về văn học của thế giới Arab hoặc văn học của Lục địa Đen chẳng hạn, là rất không đáng kể, nhưng ai dám quả quyết rằng ở đó không có những tác phẩm lớn?) Những người có quyết tâm hành xác với việc đọc ở mức cao nhất cũng chỉ thực hiện được yêu cầu đó trong muôn một. Vậy mà, hãy thử hình dung xem sự thể sẽ thế nào nếu kể từ đây, một năm qua đi, một thập kỷ qua đi, một thế kỷ qua đi, các tác phẩm văn học lớn cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở (ơn Chúa, nếu trong số đó có những tác phẩm của văn học Việt Nam hôm nay)? Hẳn là người đọc của một ngày mai nào đó sẽ phải ngộp thở trước sự vây bủa của các tác phẩm lớn. Hẳn là anh ta sẽ sớm phải kiệt sức trên con đường chiếm lĩnh các tác phẩm lớn nếu anh ta muốn được yên tâm rằng mình là một người đọc có văn hóa về văn học!
Mặt khác, phải chăng khi đã được công nhận là tác phẩm lớn rồi, một cách nhất thành bất biến, tác phẩm văn học “cứ mãi lớn”, mặc xác tất cả, như kim cương bất hoại? Cần phải thận trọng với điều này. Ngay trong nền văn học của chúng ta chẳng hiếm những ví dụ về các tác phẩm từng được suy tôn là lớn, nhưng chỉ vài ba chục năm sau, khi nói về phẩm tính “lớn” của chúng, người ta phải nói với ít nhiều sự châm chước, thậm chí pha cả thái độ chế giễu. Văn học thế giới cũng vậy. Hài kịch nhân gian của H. Balzac vĩ đại là thế, nhưng đối với ông trùm của Tiểu thuyết Mới Alain Robbe Grillet, thì những sáng tạo nghệ thuật của Balzac ở bộ tiểu thuyết đó như “cốt truyện”, “nhân vật” v.v... chỉ đáng để dán cho cái nhãn “những khái niệm đã lỗi thời”. Mới đây thôi, vnexpress đã đăng bài viết của một nhà phê bình văn học người Anh, kể tên 10 kiệt tác văn học mà người đọc của thế kỷ XXI không cần phải biết đến - trong số đó có Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy và Đi tìm thời gian đã mất của M. Proust - với lý do là chúng dài dòng, thậm thượt, thừa thãi những miêu tả, những phân tích “không biết để làm gì”. Những phán đoán như vậy đúng hay sai? Tạm gác việc trả lời câu hỏi này sang một bên, ít nhất, điều mà chúng ta dễ đồng thuận với nhau là tác phẩm dù lớn đến đâu chăng nữa cũng chỉ đạt tới giá trị cao nhất trong một khoảng thời gian nào đó, với những yêu cầu xã hội và nhu cầu thẩm mỹ nhất định. Người đọc ngày hôm nay không chắc đã thông minh giỏi giang hơn người đọc ngày hôm qua, nhưng họ khác, bối cảnh xã hội cũng vậy, và đó chính là lý do cho sự “xuống giá” (nếu có) của các tác phẩm lớn được viết trong quá khứ. Do vậy, nếu người viết của ngày hôm nay cứ nhăm nhăm đặt cho mình cái cao vọng phải viết cho được tác phẩm lớn - mà yếu tính của nó là siêu việt thời gian - thì xét cho cùng, cũng là “chẳng biết để làm gì”. Một nhà văn có lần tâm sự rằng, người đọc của 100 năm sau sẽ có lớp tác giả của riêng họ, những nhà văn của hôm nay chẳng việc gì phải lo cho người đọc 100 năm sau không có tác phẩm hay để đọc, anh hãy viết và hãy chinh phục những người đọc hôm nay bằng cái viết của mình, thế thôi. Tôi chia sẻ với cách nghĩ (có vẻ thực dụng) này, và xin được thêm vào một suy nghĩ cá nhân: sứ mệnh của người cầm bút là khai thác đến tận độ năng lực sáng tạo trong bản thân mình, đi đến chót cùng xác tín nghệ thuật của mình, chứ không phải là sự lo lắng tác phẩm rồi đây sẽ lớn hay không lớn, sẽ sống muôn đời hay chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Hy sinh cái ngày hôm nay rõ ràng, đo đếm được, cho một cái ngày mai mơ hồ và những độc giả còn chưa được biết đến, đôi khi chỉ đơn giản là cách che giấu cho sự thiếu thốn tài năng!
Bớt đi sự sốt sắng về nỗi tác phẩm đỉnh cao trong văn học hôm nay còn có thể tránh cho chúng ta một vài điều không hay khác. Chuyện đầu tư tiền của để có các tác phẩm đỉnh cao chẳng hạn. Người ta đưa cho nhà văn vài ba chục triệu và tin tưởng rằng với số tiền ấy, nhà văn sẽ biết cách thu xếp những điều kiện tốt nhất cho công việc sáng tác của mình, và rồi từ đó, biết đâu, tác phẩm đỉnh cao sẽ ra đời. Thưa rằng, với vài ba chục triệu được “đầu tư”, nhà văn chắc chắn có thể tậu về cho gia đình một chiếc tivi LCD loại tốt hoặc cho phép mình có một đợt nghỉ dưỡng tại Vinpearl. Còn tác phẩm đỉnh cao, có đầu tư gấp trăm lần số tiền như thế cũng chẳng lấy gì làm chắc. Nói chung, tôi không phản đối việc người ta quan tâm lo lắng và muốn giúp cho cuộc sống của nhà văn bớt phần khó khăn bằng cách cho họ một khoản tiền kha khá nào đó. Nhưng hãy “gọi sự vật bằng tên của nó”, đưa tác phẩm đỉnh cao vào như một sự biện minh trong trường hợp này là việc hai lần không nên: nó vừa tạo ra những phấn khích không cần thiết đối với người cầm bút, vừa làm giảm giá bản thân khái niệm “tác phẩm đỉnh cao”.

____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét