Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Con dao hai lưỡi

Đặng Huy Giang


Trong thơ, có người ưa dùng chất liệu tinh, có người ưa dùng chất liệu thô. Điều này cũng giống những người chơi đồ vật, chơi cây cảnh vậy. Nhưng việc sử dụng chất liệu thô chỉ dành cho những bậc cao thủ. Bởi vì chất liệu thô giống như con dao hai lưỡi. Lơ mơ là đứt tay liền.

Tôi gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật lần đầu tiên vào tháng 10/1978. Thời điểm ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật mới chuyển về Báo Văn nghệ làm biên tập viên thơ thay nhà thơ Xuân Quỳnh chuyển sang Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Sở dĩ tôi nhớ như in như thế vì có một kỷ niệm khó quên: Bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trên báo Văn nghệ cùng với Thi Nhị, Nguyễn Đình Chính, Trần Việt Dũng… vào tháng 10/1978 trong số báo có một trang thơ viết về Hà Nội.

Ngày ấy, tôi mới làm thơ, nên có dịp gặp được một nhà thơ đàn anh mà tôi hằng ngưỡng mộ như Phạm Tiến Duật thì quả là may mắn. Nhớ có lần gửi ông bài thơ "Tiễn người bên bến nước sông Thương" tôi mới viết, khi đọc đến câu: "Đôi mắt ai như hai dấu nặng", thì ông lắc đầu. Ông nói luôn: "Viết câu này không ổn. Em nên sửa ngay. Nếu đôi mắt mà như hai dấu nặng thì là đôi mắt của người mù à?". Rồi, không hiểu sao, tự nhiên ông quay ra nói về chất liệu tinh và chất liệu thô trong thơ:

- Trong thơ, có người ưa dùng chất liệu tinh, có người ưa dùng chất liệu thô. Điều này cũng giống những người chơi đồ vật, chơi cây cảnh vậy. Nhưng việc sử dụng chất liệu thô chỉ dành cho những bậc cao thủ. Bởi vì chất liệu thô giống như con dao hai lưỡi. Lơ mơ là đứt tay liền. Rồi như để minh chứng, ông đọc những câu thơ rời rạc của nhà thơ nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmét: "Bà nội trợ đứng ở ban công phô bầy bộ ngực/ Và khi ta nhễ nhại, đói ăn, điên dại/ Ta có nỗi mê mải của kẻ đi săn để cắn vào thịt em". Đến 2 câu (cũng của Nazim Hikmét) thì ông dừng lại rất lâu và đọc như nhấn, như xoáy vào từng từ:

"Anh ra tù ba tháng/ Vợ anh liền có chửa".

Hai câu thơ này, tác giả đã sử dụng ngôn từ trực tiếp, thoạt nghe tưởng thô nhưng lại không thô và hàm chứa ẩn ý. Nazim Hikmét đã tố cáo sự giam cầm, không chỉ giam cầm người tù mà còn giam cầm cả sự sinh sôi. Bởi vì thế nên khi người tù ra tù ba tháng thì vợ của người tù liền có mang.

Gần đây, trên một tạp chí văn, vô tình tôi đọc được mấy câu thơ rất thô (hay là mấy câu thơ sử dụng chất liệu thô) qua bài "Ghi ở chợ trời". Bài thơ kể về một người có tuổi đi bán sức lao động. Đang lúc chán chường vì không gặp khách thì:

Mắt bác chợt ánh lên
Khi một sề luống tuổi
Vừa khép váy rỉ tai:
Em mua mình một buổi.

Và, ngay lập tức, người bán sức lao động có tuổi phản ứng:

Bác lắc đầu quầy quậy:
- Tôi chỉ bán sức thôi
Cái "kia" không dùng được
Mảnh bom "cúp" đi rồi…

Nhắc đến cái "kia" đã sợ. Nhưng sợ hơn là cái "kia" đã bị mảnh bom "cúp" mất. Chả nhẽ nhà thơ không có cách diễn đạt khác? Chả nhẽ làm thơ mà cứ phải nói sát sàn sạt theo lối "tự nhiên chủ nghĩa" như thế sao? Theo tôi, đây là hai câu rất phản cảm và không có gì đáng gọi là thơ cả. Và chúng không chỉ dừng ở thô mà đã tiến tới... thô lậu từ lúc nào không hay.

Tuy nhiên, có người lại nói với tôi: Không chỉ có tác giả bài thơ "Ghi ở chợ trời" phạm vào "phốt" ấy đâu nhé. Trước đây, cũng đã có một vài nhà thơ dùng những từ rất "mạnh" khiến nhiều độc giả đọc xong hoặc phát hoảng hoặc đỏ mặt đấy. Đó là những câu: "Em ơi giao hợp nơi đâu"; "Đêm về anh tiết canh em"; "Chiều hôm nay có mầu quần lót của em…"...

__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét