Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Duyên âm

Truyện ngắn của Đoàn Thị Tảo


1. Khi tôi ba mươi lăm tuổi, người đầu tiên bấm lá số tử vi cho tôi là ông thầy cúng bậc sư phụ của chú tôi.Ông cùng chú tôi ở dưới quê lên chơi. Thầy bấm đốt ngón tay an sao rồi phán rằng:
- Người này cao số lắm đây... Mệnh có cô thần quả tú... Có đào hoa cự môn xung chiếu... Mã khốc khách, lâm cung tỵ. Đường chồng con vất vả, lấy chồng muộn mới tốt, có lấy sớm cũng chôn người ta sớm. Đã chả chính thất thì chớ, cung tử lại dị bào, mẹ gà con vịt, lít nhít nuôi một lũ con chồng. Số khốn nạn con ạ! Đi tu mà tạo phúc, may ra còn bảo có người nghe, đe có người sợ...
Mẹ tôi lườm thầy rõ dài, quay xuống bếp trách chú tôi: Chú có đưa ngay người ta đi không... Thầy bà gì... Chỉ được cái nói lăng nhăng. Con gái người ta như tấm lụa nõn, lấy đâu chẳng được chồng. Sau chuyện ấy, mẹ săm soi đám bạn trai của tôi cốt tìm con rể quý, thi thoảng nhắc nhở tôi: “Tuổi băm lăm cũng là muộn rồi đấy, liệu mà chồng con”. Mẹ ghét ông thầy tử vi thật, nhưng lời ông nói cũng làm mẹ băn khoăn. Qua tuổi băm lăm tới băm tám rồi ngấp nghé bốn mươi, mà tôi vẫn chưa tìm thấy cái nửa kia của mình. Nào tôi có kén chọn gì cho cam, cũng đâu thua chị kém em cho lắm. Tính cởi mở, tôi giao du rộng rãi. Người yêu cũng chả ít, nhưng chẳng mối tình nào đi được tới hôn nhân. Với tôi chuyện đó không mấy phải lăn tăn suy nghĩ, nhưng với mẹ tôi thì khác, cụ sốt ruột nhìn thấy đám bạn của con gái vơi dần. Họ bận bịu với vợ chồng con cái, mà con mình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Cụ buồn, rồi cụ đi xem bói cho đường tình duyên của tôi. Một cô đồng nghe đồn giỏi lắm mãi tận bên Trại Chuối. Cô khơi khơi phán rằng:
- Này cô bảo cho cái ghế già biết nhé, nhà ngươi mau mau cắt duyên âm cho con gái đi. Có một cái vong chết trẻ nó theo đấy. Hứa hẹn gì với người ta thì xin giải lời thề...
Bao nhiêu năm rồi, trải qua sóng gió thăng trầm của cuộc đời, tình bạn tình yêu trắc trở, đường chồng con của tôi không mấy may mắn. Người yêu tôi, và cả người tôi yêu độ năm bảy đám, nhưng chẳng đâu vào đâu. Xoay sở mãi mà tôi không có nổi người đàn ông cho riêng mình, để trịnh trọng đặt vào cái chức danh thiêng liêng “phu quân” cho ổn thỏa. Với tôi thì không lấy gì làm buồn cho lắm. Nhưng, lại là nhưng, mẹ tôi sốt ruột ghê gớm, nhất là khi tôi đã bước qua ngưỡng bốn mươi. Sức khỏe của cụ có phần kém sút, không biết ra đi lúc nào. Cụ bảo với mấy bà bạn đi chùa:
- Nó chưa đi lấy chồng, tôi có chết cũng không nhắm được mắt. Nó ngang bướng lắm, bảo làm hình nhân thế mạng, mời thầy cắt mối duyên âm, nó gạt phắt, bảo với tôi: Mẹ đừng có tin mấy người đồng cô bóng cậu, nói năng nhảm nhí...
Mẹ nói nhiều, tuy không tin nhưng tôi cũng phải chiều theo ý cho mẹ vui lòng. Khổ một nỗi, thầy bói cứ khăng khăng một mực là tôi đã hứa hẹn nặng lời. Vong này chết trẻ lại được hầu hạ cửa cha cửa mẹ, nên không thể tróc nã được. Phải lập bài vị mà thờ như một đời chồng, ngày đêm hương khói. Người ta có căn duyên với mình, có tên trong sổ ông tơ bà nguyệt, đâu phải gió trăng theo đường theo chợ mà giũ bỏ.
Thế là cụ nháo nhào lễ bái đó đây, đền nọ phủ kia. Mà con gái cụ vẫn không đậu được bến nào trong mười hai bến nước. Tôi bước qua tuổi bốn mươi cũng đồng nghĩa với tuổi ế chồng. Cụ căn vặn nhỏ to đêm ngày. Cụ bảo tôi hãy nói cho cụ biết cái vong đó là ai để cụ lập đàn cầu siêu cho người ta được giải thoát mà buông tha cho con gái cụ. Tôi nghĩ mãi không ra. Có vài ba người bạn trai đi bộ đội, hai người hy sinh trận chiến Mậu Thân 1968. Cả hai đều có người yêu sắp cưới – nhưng không phải là tôi. Chuyện còn chưa ngã ngũ thì mẹ tôi đột ngột lâm trọng bệnh. Cụ ra đi sau đó ít lâu. Không hiểu sao cụ đi rồi mà chuyện cái vong kia lại ám ảnh tôi đến thế. Đây là lúc tôi nghĩ đến Khang, cậu bé đầu trọc lớp 5A trường Lý Tự Trọng. Chả nhẽ Khang theo tôi sao?...
2. Hai đứa tôi cùng học lớp 5A. Tuổi chừng 13-14, làm sao tôi có thể thi vị hóa chuyện tình cảm của những đứa trẻ vào tuổi ấy được. Không hiểu sao các bạn trong lớp lại gán ghép tôi với Khang. Tôi xin lấy danh dự của một học sinh mà đảm bảo: chúng tôi không có gì một nghìn phần trăm (sau này thì tôi cho rằng đó là điềm báo của định mệnh). Sự gán ghép ấy cũng làm chúng tôi phần nào ngượng ngùng và có chút ý tứ hơn, không dám “vô tư đi” như trước nữa.
Khang mê đá bóng, là một cầu thủ xuất sắc trong đội bóng trường tôi. Khang là một trò nhỏ so với các anh lớp sáu, lớp bảy nhiều tuổi hơn, nhưng được cái nhanh nhẹn hoạt bát, chan hòa, cởi mở nên được nhiều người quý mến. Thường thì sau khi tan học, đội bóng tụ tập nhau dàn trận trên bãi cỏ trong công trường xây dựng nhà hát nhân dân (hồ Quần Ngựa). Chính bãi cỏ mênh mông ấy cũng là nơi kiếm sống của các cư dân bốn chân: trâu, bò, chó, lợn. Rồi tới một chiều định mệnh oan nghiệt – Cả đội mê mải vờn bóng, mồ hôi nhễ nhại trên sân cỏ hò hét inh ỏi. Sân bóng thiên nhiên này nhan nhản mảnh chai, đinh gỉ và cả phân trâu bò... Khang bị cuốn vào trận đấu gay cấn, quên cả bàn chân đau với vết mảnh chai xẻ toạc không chịu hàn miệng từ chiều qua. Vết xẻ được buộc qua quýt bằng miếng giẻ bẩn thỉu bụi bặm. Những bãi phân trâu bò bị giẫm bét nhè, tơi tả. Chính nó là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của Khang.
Ngay đêm đó, Khang sốt rất cao. Cơn co giật liên tiếp hành hạ. Gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Việt Tiệp khi trời chưa kịp sáng. Ngày hôm sau Khang vẫn lúc mê lúc tỉnh. Bác sỹ cho biết vi trùng uốn ván đã xâm nhập vào não bộ, khó mà qua được. Bạn bè tới thăm Khang rất đông. Sáng ngày thứ hai có một lúc Khang tỉnh táo lạ thường, ngước đôi mắt nhìn mọi người chăm chú như muốn in đậm lại trong ký ức mình. Rồi hổn hển nói với anh trai:
Anh ơi... Tảo đâu... Bạn ấy không có đây à... Anh bảo đến thăm em đi...
Nghe tin Khang vào viện, tôi còn lưỡng lự chưa dám đến thăm, sợ các bạn trêu đùa. Buổi chiều cô bạn gái thân thiết gần nhà là Lương Thịnh đến rủ đi học, cô bảo:
- Sợ gì chúng nó... Sáng nay tao rủ mày lại không chịu đi. Nó đang chờ mày đấy. Anh nó nhờ tao bảo với mày là nó muốn gặp...
- Thôi được, tan học tao sẽ vào viện thăm nó...
Nhưng tôi đâu có ngờ mới học xong tiết thứ ba, người nhà Khang đến báo: Khang đi vào lúc một giờ kém (cũng là lúc tôi hứa với Thịnh sẽ đi thăm Khang). Khang đã được chuyển xuống nhà xác. Chiều hôm sau khâm liệm và đưa đến nghĩa trang Ninh Hải. Tôi đi trong đoàn học sinh, lặng lẽ theo sau linh cữu bạn. Trong đoàn người chuyển động, tôi như thấy cái đầu trọc của Khang nhấp nhô phía trước. Vậy là tôi và Khang học với nhau vỏn vẹn có năm tháng ít ỏi.
Hè năm ấy trường tôi giải tán. Học sinh được phân theo tuyến về các trường. Trường lại xé lẻ hai ba người vào một lớp. Trường cũ xây nhà cao tầng. Bạn cũ tan tác không còn gặp lại. Trường lớp ấy và cả Khang nữa lùi vào dĩ vãng mờ nhạt dần và mất hẳn.
3. Khi mẹ tôi còn sống, cụ căn vặn nhiều lần về cái vong chết trẻ theo tôi. Có đôi lần tôi nghĩ đến Khang. Dù bán tín bán ngờ, vì chiều lòng mẹ, tôi đã định kể cho cụ nghe về Khang, nhưng không kịp. Cụ ra đi mang theo cả nỗi băn khoăn, thắc mắc về bên kia thế giới. Cụ không còn thì cũng không có ai nhắc nhở thúc ép tôi lập đàn cắt duyên âm nữa. Kể cũng lạ, từ đó trở đi thi thoảng tôi lại nhớ đến Khang trong cảm giác mơ hồ. Hình ảnh mờ nhạt của cái đầu trọc loáng thoáng trong mớ ký ức hỗn độn của tôi. Đôi khi len cả vào giấc mơ của tôi trong thân xác một người đàn ông không rõ mặt, nhưng trong tâm thức thì tôi vẫn cho đó là Khang. Có lúc người trong mộng âu yếm vuốt ve tôi, lúc lại nằm kề bên, đánh thức người đàn bà trong tôi, khát khao chờ đợi.
Tôi dường như đã tin anh vẫn còn hiện diện trên cõi đời này với một tình yêu chung thủy trẻ thơ. Điều đó an ủi rất nhiều khi tôi đã ở tuổi xế chiều, cũng có thể nói là đã già, trong tình trạng lẻ bóng. Tôi thấy ấm lòng hơn khi nghĩ rằng ở cõi thánh thiện kia, vẫn có một chú bé mãi mãi yêu tôi, luôn dõi theo từng bước thăng trầm cuộc đời tôi. Khang theo từng mối tình hoa nguyệt mà ngăn chặn kịp thời những quyết định nông nổi, sai trái, để bảo vệ tình yêu “chung thủy trẻ thơ” của mình...

___________________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét