Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Cú mèo và rượu hoa (tiếp theo và hết)

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Tâm và Mừng ở biển về. Dạo này Tâm thích theo Mừng đi tàu ra khơi buôn cá. Những con sóng làm Tâm tỉnh táo. Hai tay kéo lưới cùng Mừng, cơ bắp đã quay lại. Hai cái đùi cứng dần lên. Có duy nhất bộ nhớ là đi luôn không trở lại. Tâm tiếp nhận đời sống như trang giấy mới. Không quá khứ, không biết cha mình là cái ông quanh năm nằm trong cái phòng bên rìa núi đầy hoa. Không biết mình bao nhiêu tuổi. Tâm cười suốt ngày, ăn khỏe, uống rượu không say. Rảnh tay rảnh chân đi phá núi, làm vườn. Sim và cu Hợp chạy ra đón bố với bác Tâm, khệ nệ kéo vào một con cá song, dễ đến chục cân. Bốn người đang ngất ngây rượu ngon, bụng no, bừng tỉnh. Chủ đề về cá bắt đầu, và cuộc nhậu mới tiếp tục.
Ngày phá đá, bạt rừng cũng đến.
Từ sáng, những tiếng nổ rung chuyển một vùng, đất lung lay tận ra mép biển. Vài tiếng nổ ban đầu còn làm ngập ngừng người nghe, sau đó, cả vùng quen dần nên cuộc sống đâu lại vào đấy. Chuông nhà ông Nhân vẫn thỉnh đều, riêng biệt tách bạch khỏi những tạp âm, thong dong vang xa.
Đến ngày thứ sáu của công cuộc phá núi, thì tai nạn xảy ra.
Cả nhà Sim đang ngồi bên ông Nhân. Hôm nay ông mệt bất thường. Sim đổ nước cháo cho ông thìa nào, nó trôi ngược ra thìa đấy. Có vẻ cơ thể ông không tiếp nhận bất cứ giọt nước nào vào trong nữa. Sim và Mừng nhìn nhau. Sau một thoáng, Sim đứng lên, đi xuống khu nhà kính, cẩn thận bắc ghế trèo lên lô tủ tường sát trần nhà, lôi ra một cái thùng các tông vuông vắn. Ôm cái thùng xuống nhà, đặt trước mặt Mừng. Mừng mở hộp. Một bộ com lê áo trắng, cravat, giầy đen... và nhiều đồ dùng cũ mới khác của ông Nhân được xếp cẩn thận. Một tờ giấy có dòng chữ: - Những việc cần làm khi tôi chết. Lưu ý, làm đúng trình tự, sẽ không bị rối, và quên. Tất cả đều là chữ của ông Nhân. Những dòng chữ đều tăm tắp, đuôi chữ g hay đầu chữ h đều dài, nghiêng nghiêng đẹp như chữ viết bằng khen. “Quần áo mặc theo chỉ dẫn. Tất chân tất tay đi hai lớp cho không mất xương. Rượu lau xác tôi, tôi hạ thổ góc vườn, chỗ có ba viên đá cuội đỏ. Lau xác xong, tranh thủ khi tôi chưa cứng hẳn, nhớ kéo thẳng cái chân liệt (nếu đến hôm chết, không biết có liệt thêm cái chân kia không, nếu chân kia cũng liệt, co lên, thì phải nắn ngay cả hai). Danh sách những người đến viếng lễ tang tôi: toàn bộ người dân xung quanh khu vực xóm núi, nơi tôi đang sinh sống. Ngoài ra, tôi không có bà con, họ hàng thân thích, không bạn bè, không cơ quan. Tiền phúng viếng đề nghị không nhận của ai, vì ở đây người dân nghèo lắm. Ngôi nhà này, toàn quyền của con trai tôi là Thiện Tâm. Con trai tôi bị tai biến, tâm trí không bình thường, nên quyền kiểm soát, chăm sóc con trai tôi giao cho anh chị Mừng Sim. Nếu sau này, con trai tôi khuất núi, anh chị Mừng Sim toàn quyền sử dụng ngôi nhà này. Tái bút: cũng không biết có ai đến đòi chia chác hay đòi nhà, ví dụ cô Túy, thì anh Mừng chị Sim mở tiếp hộp sắt thứ hai tôi cất trong ngăn kéo tủ số 5. Đấy là bằng chứng để cô Túy không được hưởng bất cứ tài sản nào của cha con tôi, và sau này là của anh Mừng chị Sim...” Mừng đọc đến đâu, lưng gù gập xuống sát nền nhà đến đó. Bàn tay ông Nhân khua khua như gọi. Sim vội chồm lên, mắt sáng bừng “Ông tỉnh rồi. Anh cho ông uống sữa đi”.
Đúng lúc ông Nhân nuốt trôi được thìa sữa thì ngoài đường, tiếng la hét, đập cửa rầm rầm như muốn phá nhà. Mừng nhìn Sim, rồi đẩy nhanh cái thùng vào gầm giường, Sim còn kịp nhìn thấy chồng chùi nước mắt loang một bên gò má.
Ngoài cửa, khung cảnh hỗn loạn của một đám đông. Những khuôn mặt quen, những khuôn mặt lạ đều thất thần, hoảng loạn, mắt trợn ngược nhìn Mừng. Họ đang vừa khiêng, vừa giữ một người phụ nữ, tóc xổ tung, quẫy đạp quằn quại như muốn vùng chạy khỏi những bàn tay chắc nịch giữ chặt. Giống như khiêng một con lợn to khỏe quẫy đạp sắp bị chọc tiết. Đoàn người kéo vào khu giữa những căn nhà gỗ, nhà kính, ném đánh phạch người đàn bà rũ rượi điên loạn xuống cái sân đá đỏ. Phần vì mệt, phần vì nặng, phần vì ai cũng đang thất kinh hoảng loạn một chuyện gì đó, nên việc ném người đàn bà hơi quá tay, không làm ai quan tâm. Họ nằm vật ra sân nhà Mừng, tự nhiên, tan nát. Mừng thấy, trong gần chục người la liệt nằm ngồi quanh người phụ nữ đang úp mặt xuống đất gào khóc, làm nhảm nói gì không nghe rõ, là ba người trong đoàn khảo sát địa chất, đã từng no say phè phỡn ở nhà anh mấy lần. Nhìn kỹ, thì người phụ nữ bị ném như ném con lợn cả tạ xuống đất kia chính là cô nghiên cứu sinh vật học duyên dáng luôn bắt người khác phải làm theo mình không thích có chồng đẻ con. Mừng nhận ra, vì mái tóc cô xõa đầy nền đất, và hai cánh tay trần trắng hồng, dài thẳng thượt. Mái tóc này Sim và Mừng đã ngắm hàng giờ, cô gái còn dạy cách chải đầu làm sao cho tóc không rụng, Sim làm theo, quả nhiên tóc bớt rơi rụng thật. Một người trong nhóm ba người quen, nói khi Sim chạy ra, hoảng hốt nhìn “Em cho mọi người uống nước đi. Khát quá”. Sim gật, quay người chạy xuống nhà dưới. Mừng đến ngồi bên cô gái, đang đập chân xuống nền gạch, nắm lấy bên vai đang giật lên đùng đùng của cô, dằn mạnh xuống. Lật ngửa người cô, Mừng hét vội “Ai lấy cho tôi cái thìa không cắn vào lưỡi bây giờ”. Có bàn tay đưa cái thìa vào và Mừng chặn ngang miệng cô gái. Giữ chặt chân tay lại, không cho giẫy nữa.
Mọi người răm rắp nghe lệnh Mừng. Sim quỳ bên cạnh, lấy nước từ chiếc khăn mặt, vắt nhẹ vào miệng cô gái. Cô bớt giẫy giụa, gào thét. Mềm dần người. Sim mang một cốc nước nâu sánh như mật, mùi khen khét hăng hăng, lấy cái thìa nhỏ, xúc chút nước quánh đặc, đặt lên môi bầm giập của cô gái, cho giọt mật chảy từ từ vào lưỡi, khoảng năm phút sau, cô nằm im, ngực phập phồng hơi thở đều. Mọi người nín thở, rồi cùng vật ra đất. Người già nhất trong nhóm, đưa cho Sim cái ba lô to, giọng đứt quãng, khản đặc “Đây là hai bộ cốt, xương không đủ vì gẫy vụn rồi. Hai cái đầu lâu cũng trong này. Lạ lắm, theo sự hiểu của tôi, thì hai người này già rồi, hồi sống dùng kháng sinh nhiều nên xương rỗ trắng hết. Nhưng khi chết, hai cánh tay ngoắc vào nhau như thể họ rủ nhau tự tử. Chẳng nhẽ, tuổi đấy lại tự tử vì tình. Nhờ gia đình làm cái lễ, kiếm chỗ đất rừng nào, làm cho họ hai cái mộ. Không biết thì thôi, chứ xương cốt họ rơi xuống đầu mình, mình cũng thương lấy họ cô ạ”. Sim hỏi, khi Mừng mở cái ba lô, lồng tay vào cái túi ni lông, lôi những khúc xương chân, xương tay, rồi hai cái đầu lâu, sau cùng là cái mắt giả ra. Con mắt vẫn nguyên như ngày nào. To, tròn, hàng mi có mờ đi, không đen như trước. Con ngươi màu xám tro, long lanh xoáy sâu như có luồng điện nhìn chăm chú người đối diện. Sim ngoảnh mặt đi. Ọe mấy cái. Rồi cô quay lại, nhìn sâu vào miếng vải Mừng lôi ra sau cùng. Mảnh vải nhung, hoa trắng nhỏ. Đấy là mảnh váy của cú mèo vợ. Và một cái tay áo màu đỏ sẫm. Mảnh áo của cú mèo chồng. “Chúng tôi cố hết sức, chỉ nhặt được có ngần ấy xương thôi. Không biết từ đâu rơi ra. Theo nhận định, thì hai cái xác này mắc trên ngọn cây rất cao. Khi cưa gốc, xác rơi xuống anh chị ạ. Mọi người đoán là họ phải leo lên nơi rất cao rồi buông mình xuống và mắc ở một ngọn cây. Họ chết cũng đến năm năm rồi chứ không mới đâu”.
***
Đêm có trăng. Mùa hanh hao nên mây ít, trời cao vòm rộng mênh mông. Gió núi se lạnh. Nhóm người địa chất ở lại nhà Sim Mừng. Cháo gà, tôm hấp, rượu hoa rừng. Họ nằm ngồi la liệt, thân quen. Anh Tâm tíu tít cười khua tay múa chân khoe những khung gỗ tiện bóng loáng, rồi chạm khắc những con giống nho nhỏ. Trông chẳng biết con gì, cua hay tôm, gà hay chó lẫn lộn, nhưng mà đẹp. Cô gái ngủ thanh thản trên giường vợ chồng Mừng. Ông Nhân thế nào lại uống được sữa, hơi thở đều, mặt thong dong mắt nhắm hờ, hai gò má có sắc hồng, thỉnh thoảng cười vu vơ nằm im trong giai điệu tình ca Nga nhỏ đủ nghe. Cái thùng đựng đồ nghề, di chúc của ông vẫn dưới gầm giường. Chuyện cô gái giẫy đành đạch sùi bọt mép làm gián đoạn dòng nước mắt của Mừng, khi mở cái thùng của ông Nhân chuẩn bị từ lâu, dặn vợ chồng Mừng “Khi nào tôi hấp hối, hai người mở ra, tôi đi đến đâu, hai người làm theo chỉ dẫn đến đấy”.
Ngày hôm sau, đoàn địa chất lên đường vào chiều tối, sau bữa cơm rau rừng, cá kho thịt muối. Người già nhất đã bàn giao hai cái cốt cho Mừng và Sim, hỏi Sim cho Mây uống cái nước thánh gì mà cô ấy chuyển từ điên loạn sang trầm tư thế. Sim cười, không ra đùa không ra thật, bảo “Nước của rừng bác ạ. Người xấu uống như uống thuốc độc, chết không kịp nhắm mắt. Người tốt uống, sắp chết sống lại”. Ông già cười, bảo cô xin rừng cho tôi một ít, tôi cất trong nhà, đứa nào mất dạy khốn nạn, tôi đổ vào mồm nó”. Tất cả cùng cười hớ hớ rồi đi. Mây thôi gào thét, nhưng chậm chạp, ngơ ngác. Hai mắt mở to, ráo hoảnh, nhìn hút về một nơi xa. Không cười, không nói, lặng lẽ ngồi như hồi sinh sau một chuyến đi dài vào nơi tệ hơn cái chết. Mây lúc này vô tri vô giác, giống anh Tâm hôm ngã đập đầu xuống sân gạch, sau cơn hôn mê, thành người bảng lảng sương khói. Hôm ấy, những người phá núi, cắt cây đi trước mở đường, đoàn khảo sát của Mây đi sau. Người lấy mẫu đất, người ghi chép hiện trường. Mây tổng hợp số liệu về địa hình nguyên thủy của nơi mà sau này sẽ thành một bãi đất bằng phẳng, dấu vết của rừng chỉ còn trong quá khứ, qua những lời kể, hay vài bản báo cáo cất kho. Đang đi, thì bộp. Một vật khá nặng, to bằng trái bưởi, cứng đanh bổ thẳng vào trán. Mây choáng, ngã ngửa ngồi bệt xuống lớp cành cây nhỏ, lá cây còn tươi, ôm lấy trán, chỗ bị vật cứng rơi từ trên cao xuống, hét lên. Mấy người xung quanh quay sang, thấy thế, cười “Có lộc rồi. Xem quả gì rơi mà mạnh thế?” Cái quả mà mọi người nói đó văng ra cách đấy vài mét. Một anh đạp lá, ra nhặt rồi rú to “Ôi giời ơi, đầu lâu”. Tất cả hoảng loạn, không ai bảo ai, cùng ngước nhìn lên trời. Chếch đó một đoạn, những chiếc máy cưa cây vẫn đang rít lên, tiếng cây đổ, tiếng người hét nhau chuyển hướng cưa, ầm ĩ những âm thanh hỗn loạn. Mây thất sắc, mặt tái nhợt, lắp bắp “Sao lại đầu lâu? Đầu lâu con gì?”, “Đầu lâu người”, “Cái gì?” Chỉ kịp hỏi lại rồi rú lên, hai tay chà xát như điên dại lên chỗ cái đầu lâu người choảng vào Mây vài phút trước. Người đàn ông trót vồ lấy cái đầu lâu, ném vội xuống bãi lá dày xanh mướt, quay đi, lấy cái máy ảnh, chụp liên tục các góc hiện trường. Một người lấy túi ni lông, hót cái đầu lâu vào, buộc lại, đặt ra một góc. Tiếng cưa máy vẫn rít mạnh phía trước. Tiếng mìn phá đá nổ đánh ầm. Nhát một. Tiếng đá vỡ âm âm. Bộp. Quả bưởi cứng thứ hai, nhè giữa mặt Mây choảng mạnh. Mây chỉ kịp ối một tiếng, ngã vật. Lần này thì không chỉ đau, mà máu trên mặt tóe ra. Những tiếng gọi băng bông cấp cứu, hô nhau khiêng Mây nằm ra bãi lá phẳng. Tiếng hét lệnh ra khỏi đây ngay. Tiếng một người thảng thốt “Hay là mình phá rừng, bọn thú nhặt đầu lâu ném đuổi”. Có người ngơ ngác nhìn lên trời cao, phán đoán là nếu bị ném, thì người ném nấp ở đâu, chẳng nhẽ tàng hình? Người chửi thề, nói bố ai biết được, cây cối súc vật nó đang yên, vào phá nó, nó choảng cho biết đâu mà lần. Người lại cãi “Sao nó không ném ai, cứ nhè cái Mây mà ném?” Mây đang gào rú, hoảng loạn. Bình thường, cô cao và gầy, trông thanh mảnh thong dong, thế mà bây giờ, khiêng Mây ra khỏi đám lá cây, ba người chật vật. Điên dại, tóc xõa tung, mồm ngoạc ra gào, chân tay giẫy đạp, vệt máu loang trên khuôn mặt biến dạng. Cái đầu lâu thứ hai to, dài hơn cái thứ nhất, chắc khi lao vào mặt Mây, phải nhờ một lực đẩy rất lớn mới làm rách toạc bên má, kéo dài sang sống mũi. La hét, vùng vẫy như trúng thuốc làm điên, Mây khác hẳn Mây lạnh lùng vô cảm trước đấy vài phút. Mùi lá cây giập vỡ loang trong không gian. Đột nhiên. Mây im bặt, ú ớ. Mọi người đang ghìm giữ không cho cô quẫy đạp, và thu xếp đồ nghề rời khỏi đây, quay sang nhìn, bất ngờ. Mắt trợn ngược, miệng há hoác, tay Mây khua khua như muốn nói, có cái gì trong miệng tôi, lấy ngay ra đi. Tắc thở đến nơi vì một vật to trong như quả mận Hậu nằm trọn trong miệng, mặt cô chuyển từ trắng xanh sang thâm, máu vẫn rỉ ra từ vết rách bên má. Một người ngồi thụp xuống, bóp chặt hai bên cằm, thò một ngón tay vào cạy cái quả tròn tròn, nhưng không lôi ra được vì nó lọt thỏm trong miệng, càng lúc càng tụt sâu vào cổ họng. Mây thở dốc, tắc nghẹn. Mặt tím bầm. Có tiếng người hét “Dựng nó ngồi lên, đập mạnh vào lưng, nhanh không vào sâu là chết ngay đấy. Nó tắc thở đến nơi rồi”. Mây ngay lập tức được xốc thẳng ngồi lên, và bàn tay người đàn ông xòe năm ngón, đập một phát, dứt khoát vào dưới gáy. Phát thứ hai. Mây hộc lên, rướn người, mắt trợn ngược đầy nước. Phát thứ ba. Quả mận rừng bay vèo ra khỏi miệng. Cô cũng đổ gục xuống, run lên bần bật, bắt đầu thở dốc.
***
Một đêm. Sim xoa bụng, trong ấy có đứa bé thứ hai, em thằng Hợp sau này, rồi nhìn sâu vào bóng tối của rừng, vang về tiếng cú rúc dài, nói “Hôm ấy, lúc uống rượu của rừng xong, mụ cú mèo lả lướt ngất ngư nên có quăng xuống vực cũng nhẹ. Lão chồng còn nhẹ hơn ấy nhỉ”. Mừng gật gù “Đã quên chuyện vợ chồng cú mèo, tưởng xong, ai ngờ, xương cốt lại quay về đúng nhà mình. Vẫn phải làm cho hai cái mộ, cứ như hồn ma chúng bắt đền ấy” Sim ngồi lên, nhìn sâu vào Mừng, mặt như triết gia “Thảo nào, mấy lần nhìn thẳng vào cú mèo vợ, em đã thấy mắt mụ ấy nhìn em không giống mắt người bình thường. Mụ già gần bảy mươi, da nhăn nheo, sao cái mắt lại trẻ đẹp thế. Nó to choán hết hốc mắt, lúc nào cũng trong veo. Trong khi mắt bên kia thì chết hẳn, đục mờ. Mấy lần tức chuyện gì, mụ ấy cứ lấy tay xoa xoa, giữ giữ rồi ôm chặt lấy cái mắt đẹp. Bây giờ mới hiểu, không giữ, nó chả bắn ra ngoài ngay”. Mừng tợp ngụm rượu thơm ngọt nồng trong hơi mưa rừng khuya. Sim lại nói: “Mà đã mất công làm một mắt giả, sao không làm nốt mắt bên kia nhỉ?” Mừng thôi cười, thở hắt “Vợ chồng cú mèo có một đứa con mới chớm nghiện đem tống luôn vào trại, viết đơn từ con cho khỏi tốn tiền nuôi. Con cũng chẳng bằng tiền. Làm được cái mắt giả như thật thế, to tiền lắm. Em không thấy mụ cú mèo mới có một mắt mà soi còn kỹ hơn người đủ hai mắt. Thế thì cần gì phải làm hai con mắt giả cho phí”.

____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét