Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

Nhà văn không cần dùng cô đơn để gây kịch tính

VNT Phỏng vấn Nguyễn Danh Lam

PV: Là một người vừa làm thơ, viết truyện ngắn, và cả tiểu thuyết nữa. Anh đã bao giờ rơi vào tình trạng được/ bị người đọc đánh giá về những sáng tác của mình trên bình diện tư tưởng. Vì mọi người vẫn có thói quen nhận xét một tác phẩm hay là phải có nội dung tốt, mang tính tư tưởng cao. Tại sao không nghĩ một cách khác, vì biết đâu tâm thế người sáng tác ngay khi bắt đầu đặt bút đã đặt ra tiêu chí đơn giản là giải trí. Đọc/ viết tiểu thuyết điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?

NGUYỄN DANH LAM (NDL): Cho đến lúc này, nếu tự nhìn nhận, tôi thấy những trang viết của mình “có chứa đựng tư tưởng”, một cách chủ động, chủ đích. Đến độ, một trong những nguyên nhân để tôi… không dám làm thơ nữa là do tôi đã “nhét” vào thơ quá nhiều… triết lí! Thuở bé đọc văn học Nga cổ điển, tôi còn lưu trong trí nhớ những trang viết dài dặc, nơi tác giả, nhân vật “tung hoành” với triết lí. Bước vào tuổi thanh niên, với bước chuyển hậu bao cấp, kéo theo đó là bao đổi thay, như chiếc xe chạy qua khúc cua, hay con thuyền phút bẻ lái chòng chành, tôi càng chú trọng đặt cho mình vấn đề lí tưởng sống. Kế đó, tôi đọc nhiều sách triết. Vừa đọc vừa viết và rơi vào tình thế… lí sự. Cho đến nay, tôi vẫn đang nỗ lực rút dần ra khỏi mớ “lí sự” này, hòa nó vào ngôn từ, mà đích đến tự đặt ra là “văn học có suy tư”. Còn “những tác phẩm văn học có nội dung tốt, tính tư tưởng cao”, câu này mỗi người có thể hiểu theo một cách khác nhau. Tôi thực hiện nó theo cách của mình. Riêng tiêu chí “đơn giản là để giải trí”, tôi đang “đánh đu” với nó bằng những công việc khác, chứ không dùng văn học.

PV: Khi nhận định về tiểu thuyết trẻ hiện nay nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan cho rằng “Một số tiểu thuyết trẻ tôi đọc thì thấy hàm lượng tri thức không nhiều. Không nên coi tưởng tượng như là mơ mộng bịa tạc và kiến văn như là trí nhớ của một giáo sư đáng kính nào đó. Trí tưởng tượng của một nhà văn nằm ngay trên ngôn từ của tác phẩm. Phần nhiều tiểu thuyết trẻ chưa có được ngôn từ riêng của mình”. Anh có thể chia sẻ những suy nghĩ của anh với bạn đọc?

NDL: Mọi nhận định và phát biểu đều có “căn cớ” riêng của nó, tôi nghĩ Nguyễn Chí Hoan có lí của anh, cho dù có nhận được sự đồng tình hay không. Tôi không phải là người phát ngôn của những bạn viết tiểu thuyết trẻ hôm nay, chỉ xin tự soi mình, tôi thấy cái thiếu của tôi là… vô tận! Trong đó có nhiều cái thiếu không thể khắc phục được, bởi nó đã thuộc về vô thức, nền tảng. Khi đọc những người cùng trang lứa với tôi trên thế giới, như Kiran Desai với Di sản của mất mát, hay Jonathan Littell với Những kẻ thiện tâm… cùng rất nhiều ví dụ khác, tôi không đủ huyễn hoặc để an ủi mình, ta chẳng thua gì họ!

PV: Có người cho rằng văn chương trẻ hoặc là quá nhiều triết lí, nhiều tuyên ngôn, hoặc là quá nhiều những câu sáo rỗng, sến. Hai khuynh hướng đó có quá cực đoan không khi rõ ràng có rất nhiều tác giả đã tạo được tên tuổi của mình, tạo được thương hiệu của mình, và điều đơn giản nhất là mỗi khi họ xuất hiện bạn đọc đều chờ đợi và tò mò xem sẽ có cái gì mới?

NDL: Những nhận xét trên, cũng như nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, đều có “căn cớ” của nó. Nhưng tôi nghĩ những thứ “bệnh” này là tất yếu, giống như ho gà, sởi, sốt xuất huyết… ở trẻ em vậy! Thậm chí nó còn cần thiết ở mặt nào đó. Nó giúp cho các cây bút tự điều chỉnh, qua đó mà tiến lên. Có thể lấy ví dụ như khi bạn chạy xe, để có thể tiếp tục chạy, bạn phải liên tục đánh tay lái qua lại, nghĩa là chuệch chọac, lảo đảo một tí. Còn nếu ai đó đem cột thẳng đơ tay lái chiếc xe của bạn, không cho nó “lắc lư” chút nào cả, tôi đảm bảo bạn ngã lăn quay ngay! Không tin bạn cứ thử cột mà coi!

PV: Có lẽ chẳng ai phải thử điều đó nếu muốn chiếc xe của mình đi được. Trong tiểu thuyết mới nhất của anh “Giữa dòng chảy lạc” những nhân vật đều mang những nỗi cô đơn, sự lạc lõng trước cuộc sống của mình thậm chí không còn cảm giác gì nữa. Đó dường như là tâm trạng của những người trẻ thời hiện đại. Sự bế tắc là tâm sự của một thế hệ hay phải chăng nỗi cô đơn dễ tạo nên những kịch tính, những dằn vặt và cả những suy tư của con người, của câu chuyện?

NDL: Nếu tôi trình bày ở đây mọi thứ tôi cần nói, có thể vấn đề sẽ đi sang một hướng khác, không gần lắm với phạm vi câu chuyện này. Hơn nữa, tôi cũng không muốn nói thêm ngoài những gì mà mình đã viết ra. Tuy nhiên, tôi có thể phác qua. Tương ứng với giai đoạn “mười mấy đôi mươi” của thế hệ tôi là thời kì thoát khỏi nền kinh tế bao cấp, cùng nhiều thứ liên quan. Kế theo một khoảng nôn nao chuyển đổi, những “giá trị sống mới” bắt đầu hình thành, rồi “lên ngôi”. Khi tôi ngồi học trong nhà trường, thì lí tưởng vẫn là những thứ rất… sách vở, nhưng bước ra khỏi cổng lại là một thực tế rất khác. Tôi bắt đầu cảm nhận, mình là thành viên của một “Lost Generation”, khi cái cũ đã qua mà cái mới còn chưa tới. Ở vế thứ hai của câu hỏi, nhìn vào bề mặt cuộc sống hôm nay, bằng những thông tin từ báo chí, thì những gì văn học đang “phản chiếu” vẫn còn rất hiền hòa! Vì thế, tôi không nghĩ nhà văn phải dùng đến cô đơn để làm chất liệu gây kịch tính. Thậm chí, cô đơn là thứ lắng lại sau những dằn xóc bề ngoài mà người trẻ đang phải đối mặt, dù có chủ động ý thức hay không.

PV: Nói như thế có nghĩa nhà văn hiện nay có rất nhiều tư (chất) liệu, nhiều điều để viết và cần viết. Cái quan trọng là viết thế nào cho người đọc cảm thấy hứng thú, rằng đó không phải là cuộc sống được bê nguyên xi vào, mà đó là cuộc sống thông qua con mắt của những người trẻ. Vậy trong số những tác giả trẻ hiện nay anh chú ý đến cây bút nào?

NDL: Tôi vẫn tìm đọc lại Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Đỗ Phước Tiến… vì rất thích họ. Dù họ không còn trẻ về tuổi nữa! Ngoài ra, sau này tôi đọc Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy… Đọc, chứ không phải “chú ý” vì họ đã ở đó rất rõ ràng rồi!

PV: Và còn một điều tôi muốn nói đó là vẫn còn đâu đó lối viết coi tiểu thuyết chỉ là tả và kể cho xong một câu chuyện dài mà ít chỗ dừng lại để ngẫm ngợi, suy tư dằn vặt về cuộc sống quá vội và cũng có quá nhiều cạm bẫy như hiện nay?

NDL: Tôi đang thực hiện công việc của mình theo chu trình: có sẵn cái “ngẫm ngợi”, sau đó mới tìm một câu chuyện, giống như một li nước để hòa cái “ngẫm ngợi” kia vào đó, đem tới người đọc, như kiểu pha một li cà phê, thay vì bắt họ… ăn cà phê bột, hoặc ngược lại chỉ đem tới cho họ nước đuờng.

PV: Anh từng nói mỗi truyện ngắn trước đây anh viết khoảng một đêm. Những truyện sau này viết chậm hơn, khoảng ba đêm. Riêng “Đất”, khoảng một tuần, với mỗi đêm chừng hai tiếng vì lúc ấy anh bận nhiều việc. Còn với “Giữa dòng chảy lạc” phải mất bao lâu cuốn tiểu thuyết này mới hoàn thành?

NDL: Tôi phải làm báo kiếm sống, mất rất nhiều thời gian, mỗi tuần nỗ lực thu xếp lắm cũng chỉ rảnh ra được đôi ba tiếng để có thể viết văn. “Giữa dòng chảy lạc” được tôi viết túc tắc hơn một năm, với hơn 100 ngàn từ (âm tiết), so với hai cuốn tiểu thuyết trước đó thì quá chậm!

PV: Anh đang nói nhiều đến những suy tư. Liệu điều đó có bao giờ làm anh cảm thấy mỏi mệt không? Và anh đến với văn chương vì lẽ gì, giải thoát hay giãi bày đây?

NDL: Không, “con người là cây sậy biết suy tư” mà. Nên suy tư đâu hẳn đồng nghĩa với mỏi mệt. Thậm chí chừng nào không còn biết suy tư nữa mới là “mệt”! Văn chương là một phần đời sống, công việc, của tôi. Nên nhiều khi tôi đã “quên” mất lí do sự tồn tại của nó bên mình. Vì vậy không loại trừ khả năng nó “ở đó” bằng tất cả những lí do như, giải thoát, giãi bày, trách nhiệm công dân, cây cầu bắc giữa mình với đời sống xã hội…

PV: Để nói về thế hệ những nhà văn trẻ theo anh, họ đang thiếu điều gì và cần phải đánh giá họ như thế nào cho công bằng?

NDL: Xét riêng trường hợp của mình, ngoài những thứ thiếu “bó tay” thuộc về nền tảng như tôi đã nói, cái mà tôi thấy thiếu nhất bây giờ là… thời gian. Thời gian để đọc, để học, để suy tư, để viết một cách chuyên nghiệp. Còn việc đánh giá? Lại là “giải pháp” cũ mèm “xin chờ thời gian”.

PVVNT thực hiện

Nguồn: VNT

___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét