Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Cú mèo và rượu hoa (Phần 1)

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Mừng bán cái đùi nai thứ tư cho vợ chồng khách Hà Nội về nghỉ mát ngày nào cũng tự đi chợ mua đồ về thuê nấu, cũng là lúc cô gái tên Sim, có hai bầu ngực bự nổi tiếng, quẩy gánh rau rừng đến nơi. Sim thở dốc, bầu vú to như vú gái đẻ căng sữa sau vạt áo mỏng, ướt mồ hôi, lo lắng nhìn quanh. Mừng cắm cúi nhặt những miếng thịt xương vụn, đỏ máu, còn thừa xếp vào miếng ni lông dày, hỏi Sim “Lấy xương nai về ninh không, hôm nay đếch thiết bán?”, “Thì mang về mà luộc uống rượu”. Nói thế, nhưng Sim lại đưa tay ra, cầm nguyên bọc ni lông đủ các thứ vụn vặt sót lại của con nai. Mừng quay người bỏ đi, tay cầm cái túi vải to, đầy phồng, có vẻ nặng. “Nhà có rau chưa, lấy một nắm mà nấu tép riu?”, “Có rồi, hôm nay ông già thèm đậu luộc chấm mắm cáy”. Sim dúi bọc thịt xương nai vụn vào góc gánh rau, đi nhanh ngược hướng của Mừng, trong màn chiều xuống chậm. Ngoài biển, sóng như tiếng mấy người đàn bà ngồi giặt quần áo mạnh tay. Oàm oạp. Oàm oạp. Đều đặn vang dọc con đường ven biển dài.
Mừng lấy chân đạp cánh cổng gỗ tiện và đánh bóng phẳng lừ, lách cái thân chắc lẳn, cao gần mét tám mươi qua, chợt đá phải bánh sắt chiếc xe lăn của ông Nhân. Trong bóng chiều tím đỏ, thâm thẫm tối, mắt ông Nhân ngời ngợi. “Ông đợi con ở đây à? Con bán hết thịt nai rồi, mua cho ông chục đậu tươi, với mấy con rạm. Hai cái quần của anh Tâm con thuê người ta cắt ngắn ống, anh ấy đi chắc không vấp nữa”. Ông Nhân cười, mắt lấp lánh, hàm răng trắng càng trắng trong bóng đen đang phủ trùm nhanh. Ông chìa bàn tay ra, đón hai cái quần Mừng lôi trong túi ra, vuốt ve, nói một mình “Hai chân nó sẽ không ngoắc vào nhau khi đi. Cắt thế này là vừa”.
Ba người đàn ông ngồi quanh cái bàn ăn, gỗ bóng, đóng kiểu đời Minh. Giản dị, nhưng sang. Mâm cơm bằng gỗ, những cái bát phíp đỏ trong đen ngoài, bóng lộn. Toàn bộ đồ dùng như bát, đĩa, thìa đũa đều của Nhật, màu nâu đỏ, mỏng và nhẹ, người già cầm nhẹ tay, có rơi cũng không vỡ. Tâm, con trai ông Nhân, trên bốn mươi tuổi, ngúc ngoắc cái đầu như đang chọn món ăn. Cười cười chọc đũa vào bát canh rau đay, rồi lại chíu vào miếng đậu phụ, chọc rồi bỏ không gắp đậu, lấy một cái đũa, chấm cái đầu đũa vào bát mắm tép, cho lên miệng mút mút như trẻ con mút kẹo que, cười hềnh hệch. Mừng lặng lẽ làm thành thạo những việc như thể từ lúc sinh ra tới giờ anh chỉ làm như vậy. Xúc vào bát ông Nhân thìa thịt xay xào sả ớt, Mừng cười.
“Ông ăn xem con xào thịt hươu với sả thế nào. Băm đều tay hơn hôm trước, anh Tâm ăn chắc không sặc đâu ông ạ”. Tâm vẫn ngúc ngoắc cái đầu của người bị tâm thần. Mừng cúi xuống gầm bàn, lôi ra bình rượu, nhẹ nhàng rót ra một chén, đặt trước mặt ông Nhân.
Ba bề bốn hướng ngôi nhà, nhuốm màu đen kịt. Tiếng côn trùng, tiếng dế rúc thật dài. Lâu lâu, ngoài rừng có tiếng hú nhỏ. Ông Nhân với tay, ấn cái nút trên máy catset để góc bàn. Thứ nhạc duy nhất ông nghe là những bản tình ca Nga tình cảm, dạt dào, mềm mại vang ra. Bóng tối như bị xé rộng, đẩy lùi sâu vào phía những tán cây ngoài cánh rừng. Tiếng nhạc êm đềm lan đến đâu, không gian rộng ra đến đấy. Cái đặc quánh của một bầu không khí cô tịch tan loãng, thoắt trở nên sôi động, tíu tít vui. Ông Nhân nói với Mừng, khi ngày đầu anh đến làm quản gia ở nhà này, đúng lúc cái catset nhỏ dùng băng hết pin, ông phải lôi mấy cục pin ẩm ra lau, rồi cho vào lại, để nghe tiếp bản tình ca “Những bài hát Nga luôn làm ông thấy như đứng trước một cánh đồng lúa rộng đến chân trời. Có các cô gái, mặc váy bó chẽn hông, ngực to, mông nở, những tà váy dài trùm xuống. Các cô đang cúi xuống cánh đồng vàng, chổng lên trời những cái mông thật to, rồi lại ngẩng lên, má đỏ như hai quả táo. Táo bên Nga không to như táo Trung Quốc bây giờ. Quả táo nhỏ, đỏ thẫm, thơm rất sâu”. Ông Nhân có thể nói về nước Nga nơi ông sống gần mười năm từ khi ngủ dậy, cho tới khi mắt nhắm lại đi ngủ, nhưng miệng vẫn kể.

Bữa cơm hôm nay, Tâm đánh rơi bát hai lần, thìa một lần. Có tiến bộ hơn bữa tối hôm qua. Mừng chia thuốc làm hai vốc nhỏ, cầm cốc nhựa đựng nước cho Tâm uống dần. Tâm ngúc ngoắc cái đầu, mắt trợn trợn, ngậm ngậm nước, rõ ràng rất muốn nuốt, nhưng thật khó khăn. Mừng ngồi sát bên, lấy bàn tay to bè, đập nhẹ nhẹ vào gáy Tâm. Khoảng ba mươi phút, Tâm uống xong hai vốc thuốc. Ông Nhân nói, lẫn trong tiếng nhạc réo rắt “Hai ngày nữa, anh đi lấy thêm cho thằng Tâm thuốc chống bại liệt. Mấy hôm nay, tôi thấy chân trái nó cứ thõng xuống. Gõ cái gậy vào, giật nhẹ lắm”, “Vâng, ông cứ ghi hết yêu cầu ra giấy, con đi mua”. Nhạc tắt. Bóng tối đặc. Căn nhà ăn bằng gỗ chìm trong bóng đêm. Lúc này, đèn hai nhà hai bên bật sáng. Căn nhà gỗ to kiểu nhà chùa vừa làm nhà ăn, vừa để ông Nhân ở. Bên nhà kính với những tấm kính cao ghép vào nhau phong cách hiện đại, là nơi Tâm ở. Cấu trúc khu nhà đặc biệt, cổ kính kèm hiện đại, vùng miền Trung này, nó là cái duy nhất. Không phải kiến trúc sư, cũng không bao giờ Tâm nghĩ mình sẽ là người tự tay làm ra một cái nhà tréo ngoe vắt ngang sườn núi thế này. Từ nhỏ đến lớn, Tâm mê hai thứ, đấy là tiếng Anh và máy tính. Không một dòng chữ tiếng Anh nào, từ tờ báo rách, hay cuốn tạp chí giắt ngang góc quán cà phê ông Tây nào đó đọc xong bỏ lại, Tâm không cuống lên giật lấy. Sau này, khi có thêm môn tin học, máy tính là hơi thở thứ hai của Tâm. Nhà của gia đình Tâm ở quận Nhất, giữa đất Sài Gòn rực rỡ quanh năm nắng. Hai vợ chồng ông Nhân người Bắc, chuyển vào sống do yêu cầu của bố ông Nhân. Vợ chồng ông đẻ được độc Tâm, thì ông Nhân được cử đi Nga nghiên cứu sinh. Chín năm, thông tin liên lạc đứt đoạn, phần vì hoàn cảnh, phần vì ông là người ham học, ham khám phá. Ngoài những lúc ở thư viện, thú vui duy nhất của ông là đứng trước những cánh đồng vàng, nó như là ma túy, đủ để ông quên mình có một người vợ ở nhà nuôi cu Tâm, vào đúng thời tâm sinh lý đàn bà thay đổi. Trẻ chưa qua, già chưa tới, căn nhà hai trăm mét bốn bề gió thổi, không hơi đàn ông, làm nàng hóa dại. Thà nàng lén tìm cho mình một người ra vào cho có hơi thì chuyện không tồi tệ. Đằng này, thủ tiết thờ chồng giữa đất ăn đất chơi, lại mặn mà nhan sắc, nàng điên loạn lúc nào không biết. Đến một ngày, cu Tâm đi học về, thấy cổng nhà mình túm tụm người, nó cười chạy đến thì bị mấy người đàn ông xốc lên vai vác đi. Một người nói, không cho nó nhìn thấy mắt mẹ nó còn mở, về bắt theo đó. Đến tối, khi nó gào thét đòi về với mẹ, người ta mới nói là mẹ con chết rồi. Con không còn mẹ nữa. Sài Gòn mùa khô, nhà còn mình Tâm lên mười, hôm trước hôm sau, tổ dân phố làm đám rồi chôn luôn. Trong đám tang gọn nhẹ do tổ dân phố đứng ra tổ chức, có duy nhất một chiếc khăn trắng Tâm đội trên đầu. Một vòng hoa nhựa. Vài thẻ hương. Chiếc quan tài nhẹ. Mọi người bảo mẹ Tâm lao từ trên lan can lầu hai xuống sân, chết ngay, hai mắt mở trừng trừng không làm sao mà kéo cho nhắm lại. Một tuần sau, ông Nhân về. Ôm con ngồi ngoài nấm mộ đắp quấy quá, ông lầm bầm, con phải có mẹ, bé thế này, không có mẹ không được. Mấy người đại diện tổ dân phố từ ngày mẹ Tâm mất, chăm sóc cu Tâm hết lòng, ngong ngóng ông bố về cho đỡ tủi thằng bé mồ côi mẹ, nghe thấy ông Nhân nói đi nói lại chuyện Tâm phải có mẹ, ai cũng sững sờ. Hàng xóm khu phố nghèo quanh nhà ông Nhân hiền, khi tức giận mặt ai cũng tái ngắt, ánh mắt lóe sáng tia khinh bỉ, coi thường loại đàn ông đã bỏ vợ con ở nhà, đi tận đẩu tận đâu. Vợ nhớ chồng, điên loạn nhảy lầu mà chết, chưa qua cái lễ tuần, đã tính đường kiếm mẹ mới cho con. Họ lẳng lặng bỏ về. Từ hôm đó, quá lắm không có đường khác đi qua thì cắm mặt đi thẳng, đi nhanh giống như nhà ông Nhân là bãi rác, rất nhiều phân tro, chuột chết hôi thối. Ông Nhân cũng không hiểu tại sao mọi người xung quanh không nhìn mặt mình nhưng quan tâm đến thằng Tâm. Nếu ông đi cùng con, có gặp ai đầu hẻm, cười chào, họ nhìn ông như không quen, nhưng lại cười rồi bẹo má cu Tâm. Sau ngày vợ chết, ông phải bỏ ngang công trình nghiên cứu bên Nga, về làm cán bộ một viện. Đời công chức, sáng đi tối về. Tâm sống vất vưởng, gầy còm, buồn hiu hiu. May mà có hàng xóm, cứ ngang qua nhà, thấy chưa có cái xe máy ông Nhân dựng ở sân, lại gọi Tâm đang đục đẽo mấy thanh gỗ trong nhà, dúi cho cặp bánh ướt, cái bánh mì nóng thơm ngậy chống đói.
Hai năm sau. Tâm có mẹ mới. Người đàn bà quê Đồng Tháp, tên Túy, hàng ngày bán bún cá trước cổng cơ quan ông Tâm. Hai năm ăn sáng món bún cá, để rồi quyết đưa cô Túy về làm mẹ thằng Tâm, cũng là nghị lực lớn của ông Nhân trước dư luận cơ quan và bà con tổ dân phố. Khó chấp nhận chuyện chưa mãn tang vợ cũ đã rước vợ mới của ông. Hàng xóm chia phe tranh luận, nói vì ông ở Tây lâu nên nhiễm thói Tây. Thế là đánh nhau. Phe khác nói thằng ấy mất nết, chứ Tây nào như nó. Có ông Tây vợ chết, tự ngâm tẩm, ướp rồi ôm xác vợ trong nhà biệt thự mười lăm năm, không ai biết. Sao cứ cái gì hay thì mình nhận của mình, cái gì dở thì đổ cho Tây. Có một bí mật chỉ riêng ông biết, là từ nhỏ đến lớn, ông chưa phải làm cho ai điều gì. Ông tồn tại hay biến mất, chẳng liên quan đến ai. Thế nên, việc hai năm dặt dẹo nuôi thằng Tâm mười tuổi là sự vĩ đại chưa từng có trong đời ông.
Túy cao gần mét bảy mươi, da trắng, mắt dài đuôi, tóc dày phải cuộn làm hai mới gọn hở gáy cao. Nhanh nhẹn, răng nhỏ cười duyên, Túy cũng một đời chồng, chẳng may về cõi bên kia đánh tạch, sáng ra còn hỏi, tối nay có con vịt què nhà hàng xóm cho, có tiết canh không, để còn mua ít me om chỗ xương, thì trưa đã nghe tin dữ, chị ơi, chồng chị leo lên tầng bốn cái nhà đang hoàn thiện, chúi đầu ra ngoài xem hai con chó nó ỉn nhau ngoài nắng, thế quái nào bay thẳng xuống cái đống gạch mới nhập về, chẳng kịp dặn câu nào, đi luôn.
Trong những sáng ăn bún cá, Túy và ông Nhân đã kịp xuýt xoa, sao số chúng mình giống nhau, vợ anh với chồng em đều chết kiểu lao đầu từ trên cao xuống, mắt trợn ngược, vuốt thế nào cũng không nhắm lại được. Có bao nhiêu cách chết không chết, cứ nhè đất mà phi xuống như thế. Những người lớn tuổi lại nói, kiểu chết như vợ ông Nhân hay chồng cô Túy là biểu hiện của những người tốt, chẳng bắt ai hầu hạ ngày nào, tự mọc ra trên đất, thoắt một cái, biến đi như gió. Túy khật khừ rượu say, chỉ mặt ông Nhân, nói như thầy tướng “Có cả triệu ông góa vợ, nửa triệu bà góa chồng, thế quái nào mình vớ phải nhau, kiểu góa của mình giống nhau, nên mình cũng sẽ chết như nhau. Sống sẽ dai nhanh nhách, bệnh tật kiểu gì cũng không chết được, báo hại con cháu hầu khốn khổ”. Hớ hớ hớ, nói xong Túy cười.
Thực ra, mọi người ba bề tứ hướng hiểu sai về ông Nhân. Ông không phải là người háo sắc, hay phải cần có người đàn bà bên cạnh ấp hơi như bóng với hình. Ông lấy vội vợ vì một lý do duy nhất là con ông cần có mẹ, ông cần có thời gian vào thư viện làm việc của mình. Ai muốn hiểu sai, kệ. Đúng sai, chẳng liên quan gì đến việc cá nhân ông thích làm điều ông muốn. Túy không biết mục đích của ông, cần cô phải làm mẹ một thằng ranh mắt lúc nào cũng mở to, buồn như mắt con bò con, miệng cười nhưng mắt không cười. Từ ngay Túy về, trước nó đã hiếm khi cười, giờ tắt luôn cả những cái nhếch mép. Ông Nhân không quan tâm con trai cười hay khóc, thấy mãn nguyện khi có bóng người đàn bà trong nhà mỗi sáng mỗi tối. Ông ở lỳ thư viện, làm nốt việc hơn hai năm trước dở dang. Túy quẳng gánh bún cá, loay hoay trong bốn bức tường. Nhìn ở ngoài vào, thấy như mẹ thằng Tâm hiện về. Được vài tháng, ngộ ra thân phận mình, thấy tại sao lại bỏ ngày tháng của mình cho ông chồng nói hay, làm dở và thằng nhóc mặt hằm hằm mẹ mẹ con con, có chui từ trong bụng mình ra đâu mà mẹ với con thế này. Túy không chọn đường chết ngu dại như mẹ đẻ Tâm. Tự xem số cho mình, cho chồng, nên cô biết, hai người sẽ sống nhay sống nhách, không bệnh tật hay tai họa nào làm họ chết trước tám mươi tuổi. Rất nhanh sau cái sự ngộ ra, Túy có bồ. Đơn giản, nhanh gọn, vớ ngay anh đang làm giám sát xây dựng công trình khách sạn cho một công ty ngay đầu phố. Lần đầu tiên ngồi ăn tô hủ tiếu, sau khi sinh hoạt ở nhà nghỉ bình dân ra, Túy dặn “Làm gì thì làm, chứ anh đừng có trèo lên cao rồi thấy cái gì bên dưới hay hay, ngó cổ ra nhòm là chết lòi mắt đấy”. Chàng giám sát cười hềnh hệch, bia uống một chai một hơi, nói từ ngày làm cái nghề này đến chục năm có lẻ, đi đâu có gái đấy, chưa thấy con nào dặn anh cái câu như em. Làm giám sát mà không trèo cao nhòm kỹ thì chủ chó nào nó thuê mình”. Túy cay mũi, một tay nắn bóp đùi chàng giám sát viên kìm nén để miệng không phun ra câu chửi thề, tao biết là người thì đông thật đấy, nhưng mà ông trời đã cho gặp nhau, nghĩa là có căn có cốt. Thằng chồng trước của tao cũng nghề mày, trèo trèo leo leo chết không kịp ngáp, giờ tao gặp mày, sinh hoạt với nhau dù có là chơi bời qua ngày cũng có tí tình tí nghĩa, dặn một câu có thừa đâu mà mày cười đểu. Cuộc tình đậm mầu sinh lý tàu nhanh hai bên cùng có lợi kết thúc khi Túy gặp một đại gia tỉnh lẻ, lên thành phố mở công ty cho thằng con nghiện trốn dư luận ở địa phương nơi cha đang phấn đấu lên chức. Một tình yêu đích thực. Nhờ mối tình này, một năm sau, ông Nhân ngồi dính chặt vào xe lăn cho đến ngày nay.
Chuyện ông Nhân bị người tình của vợ chém đứt gân trong chính nhà mình không ai biết, ngoài mấy đương sự và Tâm. Vào đêm bất ngờ về sớm hơn hẹn hai tối do việc xong trước thời hạn, lại có tiền thù lao hậu hĩnh, ông nổi lên chút trách nhiệm với vợ mới con cũ, mua gà, xôi, trái cây, nhảy xe hàng từ miền Đông về, cuống quýt bấm chuông lúc một giờ sáng. Tất cả im lìm, như dưới hầm thời chiến. Gọi điện thoại, chuông đổ dài không ai thưa. Trèo tường háo hức vào nhà định gây bất ngờ tăng kịch tính.

(còn nữa)
________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét