Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Trần Đăng Khoa - một bí ẩn cần lý giải

Võ Gia Trị

Từ góc sân đến khoảng trời

Một hiện tượng lạ đã xảy ra trong lịch sử văn học Việt Nam thời đất nước chống xâm lược Mỹ, đó là sự xuất hiện thơ ca Trần Đăng Khoa. Hiện tượng đó đến nay vẫn chưa được nghiên cứu, lý giải thấu đáo và thống nhất. Bí ẩn của nó dường như vẫn nguyên vẹn với biết bao thú vị. Danh hiệu Thần đồng thơ ca của Khoa gắn với việc ra đời tập thơ “Góc sân và khoảng trời” được Ty Giáo dục Hải Dương cho xuất bản lần đầu năm 1968.

Một tác phẩm tươi mới, gây được ấn tượng trong bạn đọc của một hồn thơ vẫn còn ở lứa tuổi thiếu nhi, lúc đó Khoa mới 10 tuổi và đã làm thơ trước đó khoảng hai ba năm. Như vậy, đến nay đã 40 năm ra đời tập thơ kỳ lạ đó, một hiện tượng trong văn học Việt Nam hiện đại. Nó kỳ lạ vì một chú bé mới 7 tuổi đã có thể sáng tác được những bài thơ mà thậm chí cả những nhà thơ chuyên nghiệp cũng không làm được, mười tuổi đã là tác giả của cả một tập thơ hay và đã nổi tiếng trong làng thơ. Thật ra, thuở đó không chỉ Khoa mà còn rất nhiều những trẻ em khác cũng làm thơ viết văn như Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Khánh Chi, Phan Thị Vàng Anh, rồi tiếp đó là Ngô Thị Bích Hiền, Quỳnh Thơ… Đó là hiện tượng thăng hoa trong làng thơ Việt Nam, tiếng nói bí ẩn của tự nhiên, của nghệ thuật được thể hiện xiết bao kỳ lạ trong văn học thiếu nhi Việt Nam và Khoa gần như có thể coi là hiện tượng đầu tiên trong thời văn học hiện đại. Rõ ràng, Khoa là hạt mầm thơ ca trời cho, được gieo trồng và lớn lên trên đất Việt Nam, được hưởng khí trời mây mưa sương khói của đất, của nước, của trời, của biển Việt Nam… Và như quy luật tất yếu. Hơi thơ và khẩu khí văn chương của Khoa cũng thấm nhuần phong cách Việt. Giọng thơ đặc sắc đó mang dấu ấn sâu đậm của văn hoá dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, nó thể hiện không chỉ chất tâm hồn của riêng Khoa, Khoa còn là tiếng nói hồn nhiên của thời đại, của thiên nhiên, trời đất Việt. Cái hồn vía lung linh kỳ diệu của thơ ca Khoa thể hiện rõ nhất ở giai đoạn khi Khoa còn là một chú bé.

Một trong những bài thơ của Khoa được trẻ em yêu thích là bài “Mưa”, một bài thơ hồn nhiên Khoa viết với cảm xúc rất thật của mình “Săp mưa/Sắp mưa/Những con mối/ Bay ra/Mối trẻ bay cao/Mối già bay thấp/ Gà con/Rối rít tìm nơi/ẩn nấp”. Đó là quan sát trực diện của một đứa trẻ, đó là ngôn ngữ xiết bao bình dị, nhưng nó tạo được không khí khi đất trời chuyển giông bão với những phản ứng tự nhiên của các sinh linh nhỏ bé. Khoa đã đưa bạn đọc vào cái nhịp chuyển động của trời đất. Cái nhìn của Khoa độc đáo “Ông trời/Mặc áo giáp đen/Ra trận/Muôn nghìn cây mía/Múa gươm/Kiến/Hành quân/Đầy đường”. Không chỉ độc đáo mà những câu thơ của Khoa còn nói lên được không khí hào hùng của một thế hệ thanh niên lên đường ra trận, tướng sĩ một lòng phụ tử, cả đến ông trời cũng mặc giáp ra trận, còn những thần dân ra trận thì như kiến trùng trùng điệp điệp. Những câu thơ xứng đáng được coi là Thần đồng bởi nó nói được cái khí lực của cả dân tộc đang gồng mình đánh giặc ngoại xâm. Nhưng mặt khác, thật thú vị khi những câu thơ đó vẫn không ra ngoài hình tượng tả mưa giông. Chúng ta không cảm thấy khiên cưỡng, tất cả đều tự nhiên như vốn dĩ nó xảy ra trong cuộc đời. Nếu đoạn trên Khoa nói đến phản ứng của động vật trước sự chuyển mình của trời đất thì đoạn tiếp theo Khoa miêu ta phản ứng của giới thực vật “Lá khô/Gió cuốn/Bụi bay/Cuồn cuộn/Cỏ gà rung tai/Nghe/bụi tre/Tần ngần/Gỡ tóc/Hàng bưởi/Đu đưa/Bế lũ con/Đầu tròn/Trọc lóc” Đó là những cây cỏ quen thuộc, những cư dân xiết bao thân thuộc của đồng quê mà Khoa cả đời yêu mến.

Khoa đã giải mã thật thành công và sinh động tiếng nói của cây cỏ trong mảnh vườn thân yêu của mình. Hiện tượng thiên nhiên cứ mạnh dần lên “Chớp/Rạch ngang trời/ khô khốc/Sấm /Ghé xuống sân/Khanh khách/ Cười”. Đó là tiếng nói của đất trời, tiếng động chuyển mình của một cơn mưa vừa khách quan, vừa hồn nhiên sinh động qua hình ảnh nghệ thuật của Khoa. “Cây dừa/.Sải tay/ bơi/Ngọn mùng tơi/Nhảy múa/Mưa/Mưa/ù ù như xay lúa/Lộp bộp/Rơi/Rơi…/Đất trời /Mù trắng nước/Mưa chéo mặt sân/Sủi bọt/Cóc nhảy chồm chồm/Chó sủa/Cây lá hả hê/Bố em đi cày về/Đội sấm /Đội chớp/Đội cả trời mưa…” Có thể nói cơn mưa đến ào ạt sinh động và tươi tắn, bạn đọc không chỉ nghe được tiếng mưa rơi xa, gần, hình thể những giọt mưa bay trong gió, mà còn cảm được cả hơi nước, cả sự sinh sôi hả hê của muôn loài. Bài thơ được kết bằng hình tượng người cha, người cha thân yêu của Khoa, chủ nhân của đất đai “Đội sấm/Đội chớp/Đội cả trời mưa”. Hình tượng đó thần thoại trong mắt trẻ thơ, nhưng cũng rất đời như cuộc sống vất vả và không chút yên lành thuở đó. Có thể nói Khoa đã tạo được một nhịp thơ thật sinh động như tiếng gió thổi, như nhịp mưa rơi, phù hợp với diễn biến của hình tượng nghệ thuật. Những con chữ tươi tắn, yêu thương và nói được nhiều hơn, rạng rỡ hơn trong không gian nghệ thuật mà Khoa tạo ra không chỉ thực mà còn độc đáo. Chỉ một trận mưa, một trận mưa bình thường, mà Khoa nói được thật nhiều điều và đó là cái tài của chú bé Thần đồng này. Khoa còn rất nhiều những bài thơ hay khác, nhiều bài được trẻ em nhớ và yêu thích như “Hạt gạo làng ta”, “Sao không về Vàng ơi”, “Bé kể chuyện này”...

Khoa là tài năng thơ ca bẩm sinh, trưởng thành theo đúng với nhịp sống tâm hồn anh, nghĩa là khi Khoa là trẻ con, thơ Khoa hay và nằm trong phạm trù thơ thiếu nhi. Khi Khoa là thanh niên thơ anh phù hợp với đối tượng thanh niên, Khoa có nhiều bài thơ tình được thanh niên ưa thích. Và khi Khoa vào tuổi già có lẽ tất yếu thơ ca Khoa cũng sẽ hay theo kiểu tuổi già. Khoa có một lối viết chân thực, đô sâu sắc dần tăng theo lứa tuổi nhưng độ tươi non cũng giảm đi theo lứa tuổi. Thực ra giai đoạn thơ thiếu nhi là giai đoạn nổi trội nhất của Khoa, đó là giai đoạn thăng hoa nhất, giai đoạn Thần đồng của Khoa, nó đem lại cho Khoa danh tiếng độc nhất vô nhị trong văn học hiện đại. Và như một định mệnh mang tính duyên nghiệp, cái tên Trần Đăng Khoa gần như gắn nhiều hơn với văn học thiếu nhi Việt Nam. Còn giai đoạn sau đó Khoa viết bằng trái tim , khối óc, mồ hôi và bằng cả sự học hành của chính mình, nghĩa là tỷ lệ phần trăm tài trời cho trong thơ Khoa giảm đi và tỷ lệ lao động nghệ thuật thật sự tăng lên. Chính điều đó cho thấy Khoa trưởng thành và đang hoàn thiện phong cách nghệ thuật của mình. Thật ra điều này có thể thấy rõ nhất trong thể loại trường ca mà Khoa làm trong lúc bé thơ. Đây là thể loại nghệ thuật lớn đòi hỏi không chỉ tài năng bẩm sinh mà cả sự từng trải, nó đòi hỏi chiều sâu suy nghĩ, đòi hỏi tầm nhìn, kinh nghiệm và sức khái quát cao… những cái đó tất nhiên ở tuổi Khoa lúc đó còn thiếu nhiều.

Đọc trường ca của Khoa, ta có cảm giác có cái như diễn ca, có cái còn non non, như một thứ mô hình nghệ thuật mang tính minh họa cho một ý đồ bồng bột của tác giả. Tất nhiên nhờ trời trong những trường ca đó, đây đó có những đoạn những câu hay bột phát và phải nói Khoa có được cái nền cảm xúc tươi trẻ của một hồn thơ sung mãn, thêm nữa cũng nhờ danh tiếng Thần đồng của Khoa mà các tác phẩm này đứng được trong bạn đọc. Tất nhiên sau này có thể chúng được Khoa sửa lại. Nhưng dù sao nó cũng là nhân chứng cho một sự lạ nhiều hơn ý nghĩa thực của chúng. Tâm lý chung của thời đó, thời kỳ nở rộ của trường ca trong văn học Việt Nam, người ta luôn cho rằng muốn làm nhà thơ lớn, phải viết trường ca và Khoa cũng vô tình bị cuốn vào trào lưu này. Một em bé làm được một bài thơ hay đã là khác thường thôi, còn trẻ con viết trường ca thì quả là chuyện “kinh hoàng”. Âu đó cũng là lẽ tự nhiên của một thời đã qua. Lúc đó Khoa thích viết trường ca… sau này không thích nữa thì thôi, và suy đến cùng bản chất của nghệ thuật cũng nằm trong chữ thích đầy bí hiểm của tâm lý con người và cộng đồng. Đó cũng là điều cho đến nay có lẽ vẫn chưa ai lý giải nổi. Thậm chí cũng có thể Khoa đã tạo nên được một kiểu trường ca riêng của mình mà ta tạm gọi là trường ca con trẻ.

Khi trở thành người lớn, Khoa không cần phải cố gắng tìm cái mới đâu xa, mà tìm ngay trong chính con người Khoa. Người thơ viết về tình yêu chia li, nó như chợt lạ và mới trong “Thơ tình người lính biển”, Những câu thơ da diết dịu dàng “Anh ra khơi/Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng/Phút chia tay anh dạo trên bến cảng/Biển một bên và em một bên…” Có thể nói thật hay khi Khoa ví mình như con tàu lắng sóng “Biển ồn ào em lại dịu êm/Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ/Anh như con tàu lắng sóng từ hai ngả/Biển một bên và em một bên”. Ta gặp ở Khoa những câu thơ mộng mơ, những câu thơ trong veo thăm thẳm của trời biển, thơ viết về sự cô đơn mà không hề lạnh lẽo, đó là cái mới của một hồn thơ đã trưởng thành “Ngày mai, ngày mai khi thành phố đã lên đèn/Tàu anh buông neo dưới chòm sao xa lắc/Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc/Biển một bên và em một bên…”

Có thể nói 40 năm qua, kể từ tác phẩm đầu tay “Góc sân và khoảng trời” đến nay thì cái góc sân đó cũng đã đổi và khoảng trời cũng đã khác… Nhiều tác phẩm của Khoa đã ra đời, Khoa không chỉ làm thơ mà còn viết văn, viết bình luận văn chương và ở lĩnh vực nào Khoa cũng gây náo động. “Chân dung và đối thoại” là tập bình luận văn chương được bàn luận sôi nổi nhất. Đó là cuốn sách đọc rất thú vị bởi lối viết rất thẳng thắn, rất thật, một sự thật dễ làm mất lòng những người Khoa đề cập đến, thậm chí có cả những người Khoa quý và họ cũng quý Khoa. Đằng sau những câu chuyện như bông đùa là những vấn đề nghiêm túc. Đó là một lối văn linh hoạt và dân dã, một lối triết lý đậm chất hương đồng gió nội. Những điều Khoa đề cập đến thật ra không mới, nhưng nó là cuộc sống sinh động. Xem ra đó cũng là phong cách phê bình văn học mới của riêng Khoa và từng có lúc gây xôn xao dư luận. Thật ra, phần đông bạn đọc muốn Khoa cứ mãi bé như cái thuở Thần đồng, bởi theo quan niệm chung thì được làm thần linh cũng sướng hơn làm thần dân. Bạn đọc quá yêu nên luôn nghĩ những điều có lợi cho Khoa và cũng để thoả cái trí tò mò vốn là thiên bẩm của họ, được duy trì cái cảm giác là lạ mà một Thần đồng tạo ra. Ví dụ như tôi chẳng hạn, thuở nhỏ tôi cũng rất háo hức khi dược nghe chú Hồ Thiện Ngôn nói với ba tôi (nhà thơ Võ Quảng) là sẽ dẫn Thần đồng Trần Đăng Khoa đến thăm ba tôi. Với lũ trẻ chúng tôi, đây quả là một sự kiện kỳ thú, mẹ tôi làm nem rán để đãi Thần đồng, còn chúng tôi chọn chiếc chiếu đẹp nhất trải ra để đón Thần đồng. Chúng tôi tưởng tượng Thần đồng phải béo tốt, trắng trẻo, môi đỏ tươi, phải có giọng đọc thơ sang sảng. Và chú Hồ Thiện Ngôn theo lời hứa đã dẫn Khoa đến nhà chúng tôi thật. Trước mặt chúng tôi là một chú bé gầy gò đen đủi. Tôi lúc đó đã còi, thì Khoa còn còi hơn. Thần Đồng không ăn nói sang sảng mà có giọng nói nhỏ nhẹ thậm chí hơi khàn và có phần rụt rè.

Chú Hồ Thiện Ngôn có việc bận phải đi có việc và nhờ tôi sau đó đưa Khoa về nhà chú. Cùng là trẻ con với nhau chúng tôi nhanh chóng nói chuyện khá rôm rả. Ba tôi chỉ ngồi lặng lẽ nghe, mỉm cười và gắp thức ăn cho Khoa. Còn mẹ tôi thì tiếp tục rán nem và tốc độ ăn có vẻ như nhanh hơn tốc độ rán, Qua câu chuyện chúng tôi được biết ở Hà Nội Khoa rất ngạc nhiên với chiếc quạt máy biết tự quay và làm mát cho mọi người, Khoa được đi thăm thú nhiều nơi. Theo yêu cầu, Khoa đọc cho mọi người nghe một bài thơ mới sáng tác, đó là bài thơ Khoa làm sau khi thăm Quảng trường Ba Đình. Mọi người vỗ tay hoan hô, riêng tôi thấy bài thơ của Khoa không hay lắm. Sau đó tôi có nói điều này với ba tôi. Ba tôi cười và nói rằng: “Không phải lúc nào cũng làm được thơ hay. Em Khoa làm được như vậy là giỏi rồi.” Sau cuộc gặp gỡ tôi đưa Khoa về, từ nhà tôi đến nhà chú Ngôn đường chim bay chưa đến một cây, có thể đi bộ, nhưng việc bắt Thần đồng đi bộ tôi cảm thấy không ổn, còn xe song mã hay xe hơi thì tôi lại không có. Chúng tôi chỉ có chiếc xe đạp Thống nhất nữ cũ, xe vốn dành cho người lớn, nhưng vì khung xe thấp nên trẻ con đi cũng được, tất nhiên là phải đi theo kiểu trẻ con, nghĩa là đi mà không ngồi lên yên. Chúng tôi đành dùng tạm vậy, dù sao cũng là xe đưa xe đón, hơn là đi bộ. Lúc đi ba tôi chỉ dặn: “Hai đứa đi cẩn thận.” Cẩn thận có nghĩa là đừng tự đâm vào cây cối bên đường, chứ thời đó đường vắng và người lớn nhìn thấy trẻ con đã tránh từ xa. Tôi đèo Khoa và cảm thấy có lẽ vì Khoa là Thần đồng nên mọi xe trrên đường đều như nhường đường cho chúng tôi. Nhà chú Ngôn ở gần nhà hát Lớn, tôi tranh thủ giới thiệu cho Khoa toà nhà tuyệt đẹp này, nhưng Khoa có vẻ không chú ý lắm. Chắc nó không thú vị bằng ngôi nhà và góc sân ở quê Khoa. Trước nhà chú Ngôn có quán bia và theo tôi nếu nó là một hàng kem thì tốt hơn, vì nếu vậy tôi sẽ có cơ hội thuận tiện đãi Khoa chầu kem. Đến nơi tôi đã thấy chú Ngôn đứng ở cổng có ý chờ. Chú khen và xoa đầu hai đứa chúng tôi. Ra về tôi cảm thấy vui vui cho dù Thần đồng không thật giống Trần Đăng Khoa như Thần đồng trong tưởng tượng của tôi. Và sau này khi Khoa đã là người lớn, anh vẫn là một bí ẩn cần được lý giải – dù đã có rất nhiều cách cắt nghĩa về một hiện tượng rất riêng của làng văn Việt Nam.

Nguồn: Văn nghệ
__________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét