Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Xử lý đạo văn: Bó tay?

- Hiện tượng đạo văn của giới cầm bút thì dường như không theo kỳ nào, mùa nào. Phát hiện đạo văn khó, nhưng xem ra xử lý đạo văn còn khó hơn. Bàn về thực trạng này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số người trong nghề, các nhà thơ: Hồ Thanh Điền, Vương Tâm và Trang Thanh.

Trong khi chúng tôi đang bàn về vấn đề đạo văn thì trên số báo Văn nghệ mới nhất - số 30 ra ngày 24/7/2010, phần dự thi “Thơ về Hà Nội”, trang 5, trong bài thơ Chợt giao mùa của Trần Trương có câu: “Mặt Hồ Gươm xanh xanh màu cổ tích” khá giống với câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy ra đời rất lâu và được đông đảo độc giả nhớ là “Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích” trong bài Một góc chiều Hà Nội. Quả thật với trường hợp này thì không biết là do “ý tưởng lớn trùng nhau” giữa nhà thơ Trần Trương và Nguyễn Duy? Tất nhiên, nếu trùng nhau thì hẳn nhà thơ Trần Trương đã không biết đến một câu thơ hay trong bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Duy. Hay vì lý do nào khác?

Cũng ở trang này, trong bài thơ Hà Nội mưa của Đoàn Vũ có câu: “Hà Nội mùa này đâu vắng những cơn mưa” chỉ khác một từ trong ca khúc quen thuộc của Trương Quý Hải phổ thơ Bùi Thanh Tuấn. Thiết nghĩ trường hợp này tác giả không chú thích cũng nên in nghiêng câu thơ đó.

Dẫn một vài ví dụ nhỏ và mới nhất trong đời sống văn học để bạn đọc cùng suy ngẫm trước khi theo dõi cuộc trao đổi.

PV: Thời gian gần đây giới cầm bút có một số vụ đạo văn, trong đó có những người trẻ. Theo nhà thơ thì hiện tượng này nói lên điều gì?

Nhà thơ Hồ Thanh Điền: Người đạo văn phải gọi là ăn cắp. Sở dĩ có hiện tượng đạo văn là do không tin tưởng vào bản thân mình, mà những người trẻ tuổi không tin tưởng vào bản thân mình thì cũng có thể xảy ra lắm. Nhưng từ không tin tưởng vào bản thân mà ăn cắp thì thật đáng xấu hổ.

Nhà thơ Vương Tâm: Hiện tượng đạo văn là một hành vi lưu manh của những cây bút háo danh. Họ chộp giật thành quả của người khác, tìm cơ may qua việc đánh lừa bạn đọc, để hòng khẳng định tài năng của mình. Đây là hình ảnh của một thị trường văn học hết sức nhốn nháo đang diễn ra. Đặc biệt nhiều cây bút trẻ xuất hiện quá dễ dãi bằng đồng tiền, tự in tự bán, hoặc thông qua các kênh thông tin trên mạng. Những tác phẩm của họ nhiều khi giống một ai đó, câu chuyện đã từng viết, bố cục y chang, kết thúc gần nguyên bản. Gần đây nhất, đôi ba bài thơ giống nhau tử tứ thơ, câu thơ, thậm chí đến cả tên bài thơ cũng là điều dễ hiểu. Người ăn cắp biết rằng chẳng ai làm gì được nhau, nên thường sửng cồ, thách đố. Đó là mầm xấu xuất hiện trong trào lưu văn học trẻ đang mất phương hướng và không thể nào kiểm soát như hiện nay.

Nhà thơ Trang Thanh: Đạo văn đã bị lên án từ rất lâu và người cầm bút coi đó là một sự sỉ nhục. Xã hội nói chung coi kẻ đạo văn không có nhân cách nhà văn. Trong thực tế sáng tác, đôi khi có thể có những ý tưởng, cấu tứ ngẫu nhiên na ná giống nhau ở mức độ có thể chấp nhận được. Nhưng cố ý đạo văn của người khác làm văn của mình khiến ngay cả người đọc bình thường cũng có thể nhận ra, thì lại là việc làm không thể chấp nhận được ở mọi góc độ. Kẻ cố ý đạo văn, theo tôi, họ không có ý gì tốt cho văn chương hay cho ai cả, mà chỉ có ý đồ, mục đích riêng cho chính họ, nhưng rất đáng tiếc là cả ý đồ và việc làm đó lại cho thấy sự xuống cấp về nhân cách của họ.

PV: Cá nhân nhà thơ nhìn nhận vấn đề đạo văn như thế nào?

Nhà thơ Hồ Thanh Điền: Theo tôi thì hiện tượng ăn cắp thơ văn của người khác cần phải dẹp đi, càng sớm càng tốt.

Nhà thơ Vương Tâm: Chuyện đạo văn nên nhìn nhận đó là sự biến tướng của một căn bệnh tha hoá, thất đức trong xã hội, thuộc lĩnh vực văn chương. Trước kia có những cuộc mổ xẻ tranh luận về nghi án đạo văn của một nhà văn rất nổi tiếng, nhưng chỉ dừng lại ở khả năng trùng lặp ý tưởng, bố cục, chứ không hề có chuyện mạ lại nguyên bản cốt truyện, hoặc từng câu chữ như hiện nay. Nó xuất hiện một cách tưởng như vô thức, đày bản năng, của những kẻ lừa đảo, miễn sao có hiệu quả trước mắt. Vừa qua những sự cố đạo văn, bị dự luận báo chí nêu lên, của một số người ở ngay trong Hội Nhà Văn, cũng là một ví dụ điển hình cho căn bệnh trầm kha này Nhưng rồi mọi chuyện đều rơi vào im lặng. Cùng lắm là tự xử nội bộ. Kết quả như thế nào ai cũng đã rõ.

PV: Với những trường hợp tác phẩm được đăng ký bản quyền thì việc xử lý vi phạm căn cứ theo pháp luật. Tất nhiên luật pháp vẫn bảo hộ cho cả tác phẩm chưa đăng ký bản quyền, nhưng dường như chưa hiệu quả lắm, bởi nhiều lý do. Vậy chúng ta nên xử lý như thế nào với trường hợp bị phát hiện đạo văn, nhất là với những cây bút trẻ?

Nhà thơ Hồ Thanh Điền: Theo tôi thì phải có luật, dù luật pháp có bảo hộ cho cả những tác giả chưa đăng ký bản quyền thì vẫn chưa sát. Nhất là giới văn chương của ta thường “nhẹ” với những người ăn cắp văn. Họ có thể bỏ qua nếu người ăn cắp chủ động gặp tác giả, xin lỗi, hoặc đó là người thân quen. Cái này rất khó thay đổi ở nhà văn vốn cả nể. Tất nhiên tuỳ từng người và tuỳ từng trường hợp mà họ có thể đưa ra pháp luật.

Nhà thơ Vương Tâm: Bó tay thôi. Vì đâu đã có luật để xử lí các vụ đạo văn. Còn chuyện bản quyền ư? Ngay đến Cục Bản quyền tác giả Văn học-Nghệ thuật, của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có lẽ cũng chưa đưa ra chi tiết về chuyện đạo văn để làm căn cứ, chứ chưa nói đến Trung tâm quyền tác giả văn học của Hội Nhà văn hiện nay. Vậy đối với các cây bút trẻ khi có nghi án đạo văn chỉ có mỗi thủ tục rất hành chính là kiểm soát theo thời gian ấn loát, nhưng chưa có cơ sở pháp lý giống đến như thế nào, bao nhiêu khổ, hoặc bao nhiêu dòng, hay câu chữ để làm căn cứ kết tội đạo văn. Ngay kể cả nếu có đưa ra toà cũng vậy thôi. Các luật sư sẽ dựa và điều luật nào, lắp vào tội danh đạo văn ở mục nào để luận tội. Thật chẳng dễ. Do đó một số ý kiến cho rằng cần luật hoá Điều lệ Hội nhà văn là cần thiết, vì chẳng cứ chuyện đạo văn, mà ngay các quy định khác cũng không thể cố sửa bằng được để đạt mục đích nào đó.

PV: Nếu như một ngày nào đó bị ai ăn cắp tác phẩm của mình thì nhà thơ làm thế nào?
Nhà thơ Hồ Thanh Điền: Có lẽ tôi cũng giống các nhà văn khác, chỉ làm “nhẹ” thôi, nếu họ biết sai và xin lỗi. Nếu không thì tôi mới nhờ đến luật.

Nhà thơ Vương Tâm: Tôi xin nói lại: Bó tay! Trừ khi đạo nguyên bản, còn nếu chỉ giống cốt chuyện, các chi tiết, thậm chí đến tổ chức các tuyến phát triển, nhưng đã thay tên nhân vật và hành văn khác đi cũng không thể kết luận được. Bởi lẽ mức độ, bao nhiêu phần trăm giống ấy, chưa được luật đề ra để khép tội danh đạo văn và khung hình phạt. Những người có kinh nghiệm viết, nếu đạo cũng chả dại gì bệ nguyên xi, mà họ chỉ cấn mạ cốt chuyện y chang để viết lại cũng chẳng kết luận được. Cùng lắm chỉ có chút ít dư luận bàn tán sang tai nhau mà thôi. Thế mới khó.

* Xin cảm ơn ý kiến của các nhà thơ!

Hà Anh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét