Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Cần chấn hưng nền văn học

(ANTĐ) - Đến đầu tháng 8 Đại hội Nhà văn Việt Nam mới diễn ra nhưng ngay từ bây giờ dư luận đã “nóng” lên xung quanh chuyện nhân sự Đại hội cũng như việc làm thế nào để chấn hưng nền văn học Việt Nam. Điều đó cho thấy Hội Nhà văn vẫn luôn nhận được sự quan tâm của không chỉ các nhà văn mà còn cả của bạn đọc yêu thích văn chương. Báo ANTĐ xin nêu những kỳ vọng của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam trước thềm Đại hội.

- Người cho rằng BCH Hội nhà văn đang “lão hóa”, người lại bảo cần những người có kinh nghiệm, ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Với tuổi trung bình của BCH hiện thời khoảng 56, tôi không nghĩ đã đến lúc chúng ta phải báo động về sự “lão hóa” nhưng cho thấy đó là một BCH già. Có lẽ bởi quan niệm trẻ của nhiều nhà văn khác quá nên họ đã bầu ra một BCH như vậy. Tôi năm nay đã 53 tuổi và vẫn được coi là một nhà văn trẻ. Điều mà các hội viên đang lo ngại khi dư luận cho là hình như có một sự không thống nhất và có người cho là giữa các nhà văn trẻ và các nhà văn lớn tuổi trong BCH chưa tìm được tiếng nói chung. Nếu đúng vậy thì đây mới là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ.

- Vậy, theo ông sẽ cần có những gương mặt trẻ trong BCH Hội Nhà văn nhiệm kỳ tới?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nếu hỏi vậy, tôi nghĩ ai cũng sẽ trả lời là có. Bởi đó là một quy luật tất yếu của sự phát triển hay có thể nói một cách khác đó là sự chuyển động của lối sống văn minh. Nhưng đã nhiều nhiệm kỳ mà đại hội vẫn không bầu ra được một BCH khả dĩ hội tụ các tài năng của các thế hệ.

- Nhà thơ cho rằng tiêu chuẩn thành viên BCH Hội nên như thế nào để hội tụ tài năng của các thế hệ ?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ các nhà văn cần thống nhất trên lý thuyết về tiêu chuẩn của các thành viên BCH. Đó là những người có uy tín văn học, có ảnh hưởng xã hội nhất định, có khả năng tập hợp, có năng lực tổ chức, có trách nhiệm, trung thực và dân chủ. Những người đó phải hiểu rằng: tham gia vào BCH là chọn lựa sự cống hiến cho phong trào sáng tạo và sự phát triển của Hội. Những ai tìm kiếm danh tiếng và lợi ích cho cá nhân mình thì không nên vào.

- Hội Nhà văn cần phải làm gì để “tẩy rửa” những thứ ngoài văn học?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn học chúng ta trong khoảng mười năm trở lại đây đang bị bạn đọc dồn vào chân tường với câu hỏi như vậy mà chưa tìm ra câu trả lời uy lực nhất là chính tác phẩm. Hội Nhà văn không thể “mách nước” cho các nhà văn phải viết như thế nào để có tác phẩm đáp ứng sự mong đợi của bạn đọc bởi sáng tạo nghệ thuật là sự lao động cô độc của nhà văn. Nhưng Hội Nhà văn có sứ mệnh tạo ra một môi trường trong sạch, công bằng và đầy trí tuệ trong việc xác lập những giá trị đích thực của văn học. Thông qua những hoạt động với nhiều hình thức của Hội Nhà văn, các nhà văn phải mang đến cho nhau cảm hứng lớn về đời sống và khát vọng lớn về sự sáng tạo chứ không phải những tiêu chuẩn hay chế độ nào đó mang tính vật chất.

- Theo ông, đã đến lúc cần phải chấn hưng nền văn học nước nhà hay chưa?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sự chấn hưng nền văn học, tôi nghĩ, lúc nào cũng phải đặt ra và đặt ra ngày ngày với nhà văn. Sự chấn hưng này phụ thuộc vào cá nhân từng nhà văn mà Hội Nhà văn chỉ là một chất xúc tác đôi khi rất mơ hồ. Sự thật là vậy.

- Với tư cách là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông có kỳ vọng gì vào kỳ Đại hội lần này?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Điều tôi kỳ vọng ở Đại hội lần này là các nhà văn hãy cùng nhau cất tiếng nói về những vẻ đẹp đang ngày một mất đi trong đời sống văn học. Và tiếng nói của nhà văn về điều đó phải được vang lên ngày ngày trong suy tưởng của nhà văn và trên những trang giấy trắng. Bởi nếu nhà văn không luôn luôn hướng đến điều đó thì chúng ta chẳng còn nơi nào để hướng đến nữa? Chẳng lẽ nhà văn đến Đại hội chỉ là để trách móc thậm chí lên án nhau vì những lý do phi văn học và khổ sở với việc bầu bán thôi ư. Nếu chỉ như vậy thì chúng ta (trong đó có tôi) sẽ trở nên thật tội nghiệp.

Đinh Kiều Nguyên
(Thực hiện)
_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét