Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Hai đề xuất nhân sự BCH Hội nhà văn VN

Bầu trúng một Chủ tịch giỏi có hơn bầu được một BCH đẹp?

Đọc cái đầu đề có một chút "gây sự" này sẽ có người nghĩ tôi tếu táo, phá ngang! Không đâu, những điều tôi nghĩ và viết ra ở đây là hoàn toàn nghiêm túc (và trách nhiệm). Để tránh "vặn vẹo" tôi xin được trình bày quan điểm riêng, thế nào là Chủ tịch giỏi, thế nào là Ban chấp hành đẹp!
Chủ tịch (Hội nhà văn) giỏi phải là người giỏi chuyên môn (là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng) có đạo đức, sức khoẻ tốt và đặc biệt phải mưu cao!.
Ban chấp hành đẹp là một Ban chấp hành bầu đủ số lượng đã dự tính, cân đối, tròn trịa: Có già, có trẻ, có miền Nam, có miền Bắc lại có cả miền Trung; có người số thiểu (Tày, Nùng, Mông, Dao ....) bên cạnh người số đa (Kinh); có đại diện của các Chi hội khu vực, có nữ bên cạnh nam....
Kỳ đại hội tới nếu chúng ta bầu được một Chủ tịch giỏi và một Ban chấp hành đẹp thì thật tuyệt vời (trên cả tuyệt vời !). Đó là phúc lớn cho hội ta, nhưng thật khó lắm thay! Tôi là người không cầu toàn nên chỉ mong mọi người bầu trúng một Chủ tịch giỏi để hội ta có cơ hội khởi sắc. Nhìn lại các Ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam từ khoá I tới khoá VII thì không phải khoá nào Ban chấp hành cũng đủ và đông người. (Những khoá đầu Ban chấp hành đông (khoá I: 32 người; khoá II: 33 người; Khoá III: 44 người). Các khoá sau số lượng thành viên ít hơn nhiều, cao nhất chỉ có 9 người (khoá IV: 9 người, khoá V: 5 người, khoá VI: 9 người, khoá VII: 6 người).
Bản thân con số thống kê không trả lời được các câu hỏi đại loại như: Ban chấp hành nhiều người có làm việc tốt hơn Ban chấp hành ít người không? Vậy nên chúng ta không nhất nhất phải bằng mọi giá bầu một Ban chấp hành đủ số người đã trù tính trước (khoá này khoảng 15 người trở lên). Cứ cho Hội viên đề cử và ứng cử thoải mái đi và kết quả bầu cử là phải lấy những người có số phiếu quá bán. Có thể chỉ lấy được 5 người, 7 người thậm chí chỉ 3 người (3người vẫn cứ là một Ban chấp hành: 1 Chủ tịch: 1 phó Chủ tịch, 1 uỷ viên thường trực). Không nên ép, gợi ý, đề nghị hội viên bầu năm lần, bảy lượt mệt mỏi lắm!
Nhớ kỳ Đại hội VII (đại hội đại biểu). Có 557 nhà văn dự thì danh sách đề cử, ứng cử vào Ban chấp hành là... 361 người, đoàn Chủ tịch gợi ý các ứng viên tự nguyện "rút lui". Danh sách chốt lại còn 72, qua 2 vòng bầu, chọn được 6 vị. Ban chấp hành có vẻ thiếu thiếu, dự định sẽ bầu thêm (tỷ lệ 1/10) nhưng cho đến hết khoá số được bầu thêm (0,6 hoặc 1 người) vẫn chưa thấy. Chắc là kích rích quá! Có lẽ ban chấp hành có thêm một người (hay 0,6 người) cũng chẳng khoẻ thêm là bao. Vậy nên số lượng thành viên ban chấp hành kỳ này không phải là điều gì quá quan trọng để các nhà văn "lao tâm, khổ tứ" bầu cho đủ.
Tôi thì tôi vẫn chăm chắm nghĩ làm sao bầu trúng một Chủ tịch giỏi! Đó là một việc khó nhưng cũng không quá khó đến mức không thể làm được. Chỉ cần quy chế, luật lệ mở một chút là được. Chẳng hạn, kỳ này xin được bầu trực tiếp Chủ tịch tại Đại hội (như Đảng ta có hướng mở bầu trực tiếp Bí thư). Một Chủ tịch đủ tài, đủ tâm, được tín nhiệm và trao cho thêm nhiều quyền hành sẽ có cơ hội, có điều kiện làm cho hội viên dễ thở hơn, có điều kiện sáng tác tốt hơn...

Hoàng Quảng Uyên (hội viên Hội nhà văn VN)


“Chủ tịch trọn đời” hay Chủ tịch trên 2 nhiệm kỳ là không cần thiết

Dĩ nhiên vẫn bầu cử như lệ thường, để “thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở các hội”, nhưng nên chăng cần mời một số chủ tịch, ủy viên các ban chấp hành tiền nhiệm vào ban cố vấn?
Không một ai nghĩ rằng các chủ tịch hội, các ủy viên ban chấp hành đều có ở mỗi người một núi sáng kiến, mỗi người là một mỏ tài nguyên ý tưởng mới, có giá trị thực thi, không bao giờ cạn.
Vì thế, việc chỉnh sửa quy chế, điều lệ để có một “chủ tịch trọn đời” hay một người có thể đảm đương trên hai nhiệm kì là không cần thiết. “Chủ tịch trọn đời” vốn thuộc cơ chế dân chủ trước đây, trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Nhưng, có những cái ngày xưa là “ổn”, nay đã không còn được xem là “ổn” nữa. Trong lúc này, như thế là trái với nguyên tắc dân chủ thời Đổi mới. Khát vọng dân chủ mà ở giữa thời Đổi mới lại làm trái với dân chủ được sao? Thậm chí, hiện nay tán thành với việc làm trái dân chủ như thế cũng đã khó coi rồi (1)!
Tôi nghĩ, các vị đã hoàn tất nhiệm vụ trong một hoặc hai nhiệm kì như quy chế, điều lệ quy định, đặc biệt là các cựu chủ tịch hội, rất nên tham gia vào ban cố vấn. Đây chính là lệ truyền ngôi của triều Trần trong lịch sử nước ta. Nên chăng, cần được giới cầm bút văn chương kế thừa, vận dụng trong thời Đổi mới, bùng nổ thông tin? Theo tôi nghĩ, rất nên, rất cần thiết.
Với vai trò trong các ban cố vấn, các vị đã hoàn tất nhiệm vụ nói trên vẫn có thể góp ý, bàn bạc công việc với những người đương nhiệm. Hơn nữa, họ có thể và có quyền tham gia các cuộc họp của các ban chấp hành với tư cách cố vấn. Và một khi ý kiến của họ không được các ban chấp hành trẻ hơn họ lắng nghe, biểu quyết tán thành, thực thi, họ có quyền đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả những điểm mạng các loại. Tất nhiên, ý kiến của họ, họ vẫn giữ bản quyền.
Như vậy, về bản quyền, từ người cầm bút ngoài hội cho đến các thành viên ban cố vấn, không một ai góp ý, hiến kế mà không được chứng nhận bản quyền với tên tuổi cụ thể. Những cụm từ “ý kiến tập thể”, “ý kiến đồng nghiệp”, “ý kiến quần chúng” chung chung, mơ hồ đều không nên sử dụng với dụng ý “mập mờ” nữa.
Nói rõ hơn, tên tuổi mỗi tác giả của mỗi ý kiến, mỗi bản hiến kế đều phải được công khai, cụ thể. Các ban chấp hành khi thực thi cần nêu rõ là đã làm theo, đã vận dụng ý tưởng, kế sách của ai, chứ không nên “mập mờ”.
Tôi nghĩ như thế là công bằng, dân chủ.
Tôi tin chắc, nếu được vậy, sẽ chẳng có nhiều người cần thiết phải ứng cử hay vận động để được đề cử với mục đích là đích thân thực hiện cho bằng được “chương trình hành động” của mình (2), vì không một người cầm bút nào xem chức sắc là quan trọng hơn tác phẩm của chính mình cả. Tác phẩm mới khẳng định tài năng của nhà văn chương, chứ đâu phải là chức sắc này nọ. Có nhà văn chân chính, đích thực nào đi vào văn học sử nhờ chức sắc chủ tịch hội, ủy viên ban chấp hành đâu!

Trần Xuân An (hội viên Hội nhà văn TP HCM)

___________________________________

(1) Trích chỉ thị 30-CT/TW, kí ngày 09-03-2009: “… làm tốt công tác nhân sự ban chấp hành mới theo hướng lấy tiêu chuẩn làm chính, kết hợp với có cơ cấu phù hợp, thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở các hội”. Căn cứ vào chỉ thị này, nhiều người cầm bút cho rằng, ý kiến về “chủ tịch trọn đời” hay đảm trách cương vị đó trên 2 nhiệm kì ở các hội nhà văn chỉ có ý nghĩa thăm dò về công tác nhân sự thêm mà thôi.

(2) Chỉ thị 30-CT/TW, kí ngày 09-03-2009, đã ghi rõ: “thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở các hội”. Hiện nay, hẳn nhiều người cầm bút và đông đảo người đọc đều hi vọng nhiều người trẻ có tinh thần trách nhiệm tự ứng cử hay được đề cử. Việc nhà văn Vũ Hồng ở Bến Tre tự ứng cử và đã đạt số phiếu ủng hộ khá cao, nói lên điều đó.

_________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét