Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Kim Lân - một nét cuối đời

PHAN QUANG

Buổi bế mạc Đại hội Hội Nhà văn năm 2005 tại Hội trường Ba Đình, anh em đến khá đông, ngồi kín phòng họp lớn, chờ mãi, Ban tổ chức chắc đang hội ý ở bên trong. Tôi đứng ở lối đi ngang hội trường, quay mặt về phía dưới, chụp hình chân dung một số bạn hữu. Chợt thấy nhà văn Kim Lân mặc chiếc áo ngắn màu sáng, đầu đội mũ nồi đen, chống gậy đi từ hành lang vào, vừa đi vừa thở.
Tôi đang đứng ở lối đi, vội bước tới đón, đưa ông vào, vừa dìu ông vừa hỏi:
- Dạo này sức khỏe anh Kim Lân thế nào?
Ông lắc đầu, vừa thở vừa đáp:
- Kém lắm, kém lắm...
Tôi nói:
- Đến tuổi anh mà còn đến được, để gặp anh em thế này là quý hóa quá rồi. Mỗi năm chúng mình đều già thêm một tuổi, biết làm sao anh! Anh đến tuổi 85 mà sức còn được thế này, khối người ganh tị đấy…

Một nhà văn trẻ đứng dậy nhường chỗ ngồi cho Kim Lân. Ông chậm chạp ngồi vào chỗ, bên cạnh nhà văn Nguyễn Kiên, gác chiếc can bên cạnh, miệng vẫn thở phì phò. Tôi quay lại, tiếp tục làm công việc phó nháy nghiệp dư để giết thời gian.
Chợt Kim Lân bước ra khỏi ghế, đến bíu vai kéo tôi ra sát phía tường. Ông vẫn vừa thở vừa nói:
- Tôi có chuyện này muốn nói với anh Phan Quang.
Tôi nghiêng tai chờ:
- Có một lần, tôi đã nói hỗn với anh...
Tôi hiểu ra ngay, vội ngắt lời ông:
- Thôi thôi, tôi xin anh, anh Kim Lân ơi! Chuyện vặt thời xửa thời xưa, hồi chúng mình còn trẻ, quên từ lúc nào rồi. Nay thọ được đến tuổi anh, để bụng làm chi những thứ ấy cho nặng cái đầu, hở anh.
*
Hồi ấy, cơ quan Hội Nhà văn còn đóng ở phố Nguyễn Du. Một hôm, tôi có việc đi ngang qua cổng. Nhà văn Đỗ Chu đang cùng mấy người bạn ngồi uống nước ở quán vỉa hè nhìn thấy, chạy ra vẫy tay rồi chặn xe lại bảo vào chơi với anh em. Tôi thoái thác vì đang có hẹn. Đỗ Chu vẫn níu chặt ghi-đông xe máy hỏi:
- Anh làm gì mà ông Kim Lân quạu cho dữ vậy? Hôm ấy, em đi vắng, về nghe anh em nói lại...
Tôi cười:
- Có chuyện gì đâu. Một câu nói vui ấy mà.
Và rồ máy chạy luôn.
Mà đúng là chuyện chẳng có gì. Trước đó ít lâu, có một lần tình cờ gặp Kim Lân, tôi vừa cười vừa hỏi:
- Thế nào, anh Kim Lân? Nhà văn đã trở thành nhà giáo rồi sao? Tôi hỏi thăm anh, nghe nói nhà văn đang bận lên lớp giảng bài?
Tôi nói năng cách ấy bởi vài ba hôm trước, tình cờ nghe ai đó hỏi Kim Lân đâu, và một người khác đáp: “Kim Lân hôm nay bận giảng bài tại Trường viết văn Nguyễn Du”. Bỗng dưng Kim Lân trở nên quạu quọ, lớn tiếng gắt:
- Thôi anh ơi, tôi van anh, tôi lạy anh. Xin anh để yên cho anh em chúng tôi sống với!
Tôi chưng hửng, rất ngạc nhiên. Lát sau mới mang máng nghĩ ra. Có lẽ tôi đã nhỡ lời, vô tình chạm phải một cái gì đó nhạy cảm trong đời ông.
Kim Lân và tôi quen biết nhau đã lâu song không chơi thân. Tuy vậy hồi ấy tuổi còn nông nổi, lâu ngày gặp anh em quen biết bên Hội Nhà văn, tôi thường bỗ bã nói đùa, châm chọc đôi ba câu, ngỡ những câu nói của mình trêu anh em là… thông minh trí tuệ lắm (!). Chưa bao giờ bị ai phản ứng. Lần này là một.
Mấy hôm sau, có cuộc họp ở Hội Nhà văn bàn việc gì đó, tôi không quan tâm nhiều. Thực tế hồi tôi đang bị hút vào việc quản lý báo chí bộn bề, nhận được giấy mời thì đến cho có mặt thôi. Khi Kim Lân phát biểu, ông nói rất gay gắt. Có một ý không chỉ đích danh ai, song mọi người có mặt tại cuộc họp đều hiểu ông nhằm vào tôi. Tôi chỉ ngồi im, một phần cũng nhận ra cái lỗi của mình mấy hôm trước. Vả chăng, cũng chẳng có lý do gì để phản ứng, bởi vì diễn giả nói trống không.
*
Một chuyện vặt, rồi cũng phôi pha với thời gian. Tôi ngày càng ít giao du với anh em văn nghệ, trừ một số bạn thân nhau từ trước. Thi thoảng gặp, Kim Lân và tôi gật đầu chào nhau, không thiếu lịch sự mà chẳng phải mặn mà, nhưng cũng chưa bao giờ trò chuyện riêng. Có vẻ cả anh và tôi, hai bên đều muốn quên đi sự cố chỉ vì một câu nói đùa.
Ngẫu nhiên, một hôm gặp nhau tại đám cưới con trai đầu nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Bổng tổ chức bữa cơm thân tại nhà, mời mấy người bạn. Ngoài gia đình, độc một cái bàn dành cho khách. Mà thực ra căn nhà của Nguyễn Văn Bổng - Hồ Vân tại phố Nguyễn Thượng Hiền cũng chỉ có thể tiếp ngần ấy khách mời. Có Nguyễn Tuân, Kim Lân, Thợ Rèn, họa sĩ Sỹ Ngọc, một ông bạn làm công tác văn hóa và cũng là thông gia của Bổng, và tôi. Sáu người ngồi, còn Nguyễn Văn Bổng đứng sau lưng mời rượu, cạn chén rồi đi. Chị chủ nhà chạy qua chạy lại chào mời, tiếp thức ăn cho khách.
Bầu không khí rất thân tình, có tính chất gia đình. Chẳng ai nói nhiều. Họa sĩ Sỹ Ngọc lặng lẽ nhấm rượu vodka Nga chính cống, Nguyễn Văn Bổng mua tại cửa hàng Tông Đản, một tháng vài chai rượu ở bên Nga ê hề như rượu quốc lủi của ta, coi như… đặc quyền đặc lợi. Thợ Rèn, ít uống, khảnh ăn, chỉ nhấm nháp và cười tủm tỉm. Kim Lân cũng ít chuyện trò. Đã có cụ Nguyễn Tuân nói thay cho tất cả, hôm ấy cụ vui, bốc lắm, nói thao thao. Đang giữa bữa, Nguyễn Tuân bỗng lớn tiếng gọi:
- Pháo đâu, mang ra đây bác đốt mừng hai cháu!
Làm gì có sẵn pháo trong nhà. Cậu con trai thứ hai của Nguyễn Văn Bổng vội vàng lao xuống phố, lát sau mang về phong pháo dài. Nguyễn Tuân tự tay bóc, đốt. Pháo nổ vang nhà, khói tỏa mù mịt cả gian phòng (Câu chuyện này tôi đã có lần kể trong bài Mùi hương viếng bác Nguyễn, viết ít lâu sau khi bác từ trần).
Hình như bầu không khí thân tình hôm ấy làm mọi người, khách cũng như chủ, đều xởi lởi. Trước khi chia tay, Kim Lân xiết chặt tay tôi, hình như định nói gì đó nhưng hai anh em cùng đi sóng đôi xuống hết cầu thang rộng, đến cổng ông vẫn lặng im.
Chuyện vặt ấy cách đây đã lâu lắm rồi, sao ông còn nhớ nhỉ.
… Kim Lân vẫn bíu vai tôi, tiếp tục thì thầm bên tai:
- Anh không nhớ nhưng tôi nhớ. Anh quên nhưng tôi không quên. Tôi đến tuổi này rồi mà không có dịp có nhời nói lại với anh, thì tôi chết không nhắm mắt...
Tôi cảm động thực sự. Tôi dìu ông về ghế ngồi. Vừa lúc ấy, tiếng loa của ban tổ chức vang lên, yêu cầu mọi người về chỗ ngồi, giữ trật tự...
Ít lâu sau Đại hội, nhà văn Kim Lân qua đời ở tuổi 87. Đọc tin qua các báo, tôi bồi hồi nhớ lại lần cuối gặp ông. Còn nhớ như in, cách ông dùng từ, “có nhời nói lại”, nền nã vùng Kinh Bắc ta.
Tôi thích truyện ngắn Kim Lân nhưng không biết nhiều về ông. Phải chăng câu chuyện nhỏ trên đây cũng là một nét của con người ấy?

________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét