Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Cú mèo và rượu hoa (tiếp theo)

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Ánh sáng bừng lên trong phòng ngủ, phải mất một lúc mới thấy, có một thằng đàn ông, đùi tròn to như cái cột gỗ nhà sàn, trắng nõn, đang gác qua bụng Túy. Hai người da trắng ngà ngọc bên cạnh hai chai Wishkey nằm ngang trên đất. Say mềm, quắp chặt say nồng, nên có chuông cửa chuông điện thoại điếc hẳn không nghe. Ông cũng chẳng hiểu mình, lúc ấy lại bỏ xôi gà trái cây bọc đủ bộ như túi đồ lễ ngày rằm mùng một xuống, sang phòng bếp, chọn con dao phay mũi nhọn mang từ Nga về, ánh thiếc xanh lét. Con dao nặng sắc, Túy thích nó nhất vì mỗi lần chặt gà, vịt, miếng thịt thẳng tưng, không tòe loe nát như chặt bằng dao khác. Tay cầm dao, ông đến gần, ngắm nghía hai cơ thể đẹp như hai bức tượng dưới ánh đèn vàng, loay hoay không biết nên sờ vào đâu để gọi họ dậy. Rồi ông nắm cổ chân Túy, vì nó thân quen, đang ở bên dưới bắp chân tròn của người đàn ông tóc dày đen nhánh, râu rậm, bụng phập phồng áp lên bụng Túy thở đều. Giật khoảng bốn cái thì Túy tỉnh. Cô không mở mắt, mà lại rúc thêm vào ngực ông bồ, hít hít mãn nguyện. Nhìn cú rúc mặt của Túy, ông Nhân bừng tỉnh. Bàn tay ông khỏe, quyết liệt giật liên tục, đến nỗi, cái chân to nặng của người đàn ông rung rinh và tuột xuống, hai người rời nhau ra, trần truồng ngủ say như hai xác chết.
Chuyện cũng kết thúc, khi đôi gian phu dâm phụ hiểu là ông Nhân đang cầm con dao đứng trước mặt. Càng tỉnh hơn khi thấy ông rất nhiệt tình đưa con dao nhọn sắc vào tay Túy, chân thành, cầu khẩn “Em giết anh đi. Anh chết rồi, em muốn làm gì cũng được. Chứ anh đang sống lù lù thế này, em làm thế này, anh đau quá”. Sau mấy phút thất thần hoảng loạn, mỗi đứa vớ cái chăn che thân, định chạy, nhưng ông Nhân lại xông đến, dứ con dao sát mặt hai người hơn. Lúc này, người giật con dao trên tay ông là Túy. Túy gào to, lải nhải chửi ông lừa tôi, ông yêu thương gì tôi đâu, lấy tôi về cốt làm con ở nuôi con trông nhà cho ông. Đàn ông gì mà đến sinh hoạt với vợ cũng phải theo lịch, đúng giờ. Đã vậy, lại còn đúng số phút, dài hay ngắn hơn sách dạy đều phản khoa học, thế thì chó nó chịu được chứ người không ai chịu được hết. Túy khóc, gào như hóa điên. Ông Nhân cũng khóc, chẳng ra hối lỗi với vợ hay không biết phải làm gì, hai tay đấm ngực bình bịch. Đại gia nhiều tóc, rậm râu quấn chăn, ôm quần áo chạy biến, không giày không tất, không cặp tài liệu. Được vài bậc cầu thang thì nghe tiếng rú, giọng của Túy và ông Nhân thất thanh. Đại gia xốc quần không thắt lưng quay lại, thấy ông Nhân quằn quại ôm cái cẳng chân đầy máu. Con dao rơi cái cheng ở góc nhà. Túy tuột mất cái chăn, khỏa thân, tóc xổ dài che kín hai bầu ngực cao rắn chắc của gái chưa con lao về phía đại gia, giọng vút cao “Đi khỏi nhà quỷ ngay. Lão già điên cứ bắt phải giết lão nếu không lão giết anh. Ở đâu ra cái thằng già rồ thế. Em chém cho một nhát, đứt cái gân chân, khỏi đi. Lão sẽ ở nhà mà trông thằng con, không phải lừa ai về hầu bố con lão”. Khi đôi trai tài gái sắc cuốn quần áo, ít đồ dùng quen ra khỏi nhà giữa đêm khuya, là lúc Tâm sơ cứu vết thương cho bố. Nó im lặng, lau máu trên sàn nhà bằng cái khăn, vắt kiệt máu. Lại lau. Vắt kiệt. Cho đến khi vặn ngược cái khăn bông màu trắng ngà, không còn màu nước đỏ, nó bình thản phơi lên dây. Ông Nhân mắt mở to, nhìn sâu vào bóng đêm. Bất chợt. Sau lưng, giai điệu dân ca Nga vang lên da diết. Màn đêm mở rộng dần, bừng sáng một màu vàng của cánh đồng lúa mì. Những cô gái Nga má lấm tấm tàn hương, ngực to, mông chắc đang di chuyển trên cánh đồng, cười môi đỏ khoe răng trắng đều.
Ông ngồi như vậy, từ tối ấy, đến hôm nay, dính chặt mình vào chiếc xe lăn chất thép xanh xám, nhìn thì mảnh mai nhưng nặng, ba người mới nhấc nổi. Thép là thứ hấp dẫn, từ con dao chặt đứt chân, cho đến cái xe đỡ ông một đời, đều là thép. Trên mặt xe, chỗ ngồi là miếng gỗ khoét một lỗ tròn nhỏ để ông vệ sinh. Thuận tiện, ngay ngắn, sạch sẽ, kín đáo rất lịch sự. Ông thành một người cha tốt. Một người đàn ông dừng lại.
***
Tâm đêm nay vật vã. Ông Nhân cũng vật vã.
Những cơn vật vã kiểu này, Mừng giải thích là giời vật. Giời cũng có lúc mệt chứ. Thế nên, bình rượu thuốc ngâm Sim cho Mừng luôn tác dụng. Chẳng biết trong ấy có những cây hoa lá gì, xương cốt con vật nào mà giọt rượu xanh như màu rêu lâu năm. Hương từ bình tỏa ra mỗi khi rót thứ nước sóng sánh lục thẫm, ngát mùi hoa. Không thể biết đó có phải là hương Ngọc Lan, đôi khi phảng phất hương hồng phai, pha chút hắc của nguyệt quế. Mỗi lần rót rượu, sự quyến luyến của hương làm thành nghi lễ, người rót cũng như người uống không ai nói ra, đều mang tâm trạng kính cẩn, nâng niu.
Ông Nhân nhấp ngụm rượu từ cái chén hạt mít gốm Mừng đưa, chưa kịp nuốt thì dừng lại, bởi một giọng quen, nên người nói vào đến giữa nhà, chó không sủa
“Giờ này mà ông vẫn rượu”. Không bao giờ Sim chào ông Nhân bằng câu thông thường, nhạt nhẽo, chào bằng câu hỏi. Ông Nhân ngoảnh sang, nhìn sâu vào bóng đêm, hơi cười “Thế giờ là mấy giờ mà cô còn sang đây?” Sim sà vào gần ông Nhân, thân thuộc “Cháu sang biếu ông miếng cao vừa mua. Cao thật ông ạ. Mấy lại, tiện sang chào ông, cháu ra Tuyên Quang vài tháng chạy hàng cho người nhà. Ở đây mùa này vắng khách, vất lắm”, “Sao phải ra mãi đấy. Cô ăn là mấy, tiêu là mấy mà suốt ngày cứ quần quật với tiền thế”, “Thì có mỗi cái quần quật vì tiền mới hết thời gian, chứ không thì ông bảo cháu làm cái gì?”
Mừng đến sau Sim, chìa tay, ồm ồm “Cao đâu. Con gì? Đứa nào có cao mà bán?” Cầm gói vuông nhỏ, có cục cao nâu nhạt, Mừng ghé răng cắn nhẹ một mảnh, chíp chíp cái lưỡi, mặt ngây ngây nghe, rồi cho vào túi áo, gật nhẹ. Sim quay người. Mừng nắm khủy tay Sim, giật lại “Tự nhiên dở chứng đi Tuyên. Có thằng nào trên đấy gọi à”. Sim lườm, giật tay lại, đi nhanh vào bóng đêm.
Khoảng ba giờ. Hai người lặng lẽ về, con chó nằm đợi Mừng, ngủ hai tai chảy thõng. Ông Nhân ngồi ngủ gật, lưng khòng khòng khẽ thẳng. Mắt nhắm trong bóng đêm, tai ông nghe Tâm lảm nhảm nói chuyện với người trong mộng, tiếng bốn bàn chân nhón trên những viên sỏi. Ông cười, gục thấp đầu. Ngủ.
***
Sim về sống với Mừng tại nhà ông Nhân, làm công việc nội trợ, giặt giũ dọn dẹp cho cả nhà được bốn tháng, thì nhận tin, sắp có khách phương xa đến. Hai vợ chồng người em sát ông Nhân từ một nước phương Tây báo trước một tháng, chính xác từ giờ đến, ngày đến, mục đích của chuyến trở về. Tất cả ghi cụ thể trong bức thư nhiều số, nhiều chữ. Thư riêng dài năm mặt giấy, cuối cùng có rất nhiều chữ ký, giống biên bản bán nhà hay vay nợ ngân hàng. Ông Nhân nhận thư, đọc thong thả mấy buổi sáng mới đến trang cuối, ngồi lặng nhiều chiều nhìn sâu vào những đỉnh núi, cao xa, trập trùng xanh thâm hiểm huyền bí. Lại nhiều chiều Mừng đưa ông ra trước biển. Nhìn hút sâu như lần đầu thấy sóng xô bờ. Nhìn như muốn tìm sau những con sóng một điều gì ông đợi mong. Qua những chiều tối hay sớm mai nhìn sâu vào núi, xoáy sâu vào những con sóng, cũng đến ngày những người hẹn đã đến, dù ti vi hàng ngày đưa tin, núi lửa ở một nước nào đấy bỗng dưng bùng cháy, tro than bay đầy trời, làm máy bay ngừng cất cánh. Nhiều nước đóng cửa sân bay, người nằm ngồi la liệt như đang ở bãi biển. Ông Nhân thở dài, nói chẳng cứ thế giới xa xôi núi lửa phun trào, mà mình đây, núi một bên, biển một bên mà cũng sắp nổ tung vì nóng rồi. Vậy mà hai người em của ông cũng vượt qua tro bụi, xuất hiện trước khuôn cửa gỗ nâu mái chùa, chậm bốn mươi lăm phút, không phải do vợ chồng em, mà là do cậu lái tắc xi đi đổi tiền đô ở ngân hàng giúp em, sau đấy em trả nó tiền taxi theo số đồng hồ báo, hết bảy trăm tám mươi hai nghìn, nó không có tiền lẻ trả lại, phải chạy mấy nơi mới có mười tám nghìn đồng thối lại không thì em đã đúng giờ hẹn. Gớm. Xa xôi tận đâu về không muộn một phút, thế mà cách nhà anh có một đoạn, gặp bao trục trặc. Em dâu ông một mắt thong manh, trắng đục như mắt cá chết. Mắt còn lại to tròn, hai mí rõ và hàng mi cong vút, dày rậm như mắt con gái, con ngươi màu tro, giống như mắt con cú mèo trong đêm, trừng trạo gằm ghè, khó chịu lườm Sim, then thét giọng kim rít rít khô như tiếng máy khoan bê tông. “Sao anh lại về cái nơi quê mùa, bẩn thỉu này sống? Sao anh lại xây cái nhà như cái chùa, trong khi cả nhà mình theo đạo Thiên chúa? Sao anh không đưa thằng Tâm vào viện tâm thần, đóng khoản tiền thuê từ A đến Z, người ta hầu nó tận răng, nó lại có thế giới toàn bọn tâm thần của nó, nói cười hiểu nhau? Sao anh lại thuê lắm người làm thế. Cái con ở vừa đen, vú nó to như hai cái ấm tích ấy, hai cái mắt nó nhìn em trợn ngược lên, làm như một mình nó có hai con mắt ấy. Trông ngứa cả mắt. Có ngày nó cướp nhà anh mà xem? Sao anh bán nhà ở Sài Gòn, không gọi em về. Em mua lại. Trừ phần chia tài sản của em, thiếu bao nhiêu, em trả anh cho sòng phẳng? Anh em ruột thịt lại càng cần sòng phẳng, có thế, con cháu sau này nó mới tôn kính mình? Sao anh không đi tìm con Túy xem nó với thằng bồ ở đâu, đưa chúng nó ra tòa rồi giam nó lại cho sạch xã hội? Sao anh không thuê bác sĩ hầu anh có phải chuyên nghiệp không? Hai cái đứa nhà quê này, nó chết đói chết khát ở đâu, vớ được hai bố con vừa điên vừa liệt như bố con anh, có bao nhiêu của, chúng nó chẳng ăn hết à?”
Chỉ có hỏi. Hỏi. Hỏi. Những câu hỏi đề tài luôn mới ném đi, không có câu trả lời ném lại. Ông Nhân thực ra đã bị teo hai chân từ ba năm nay, nửa người bên phải mỏng hơn nửa bên trái. Không đo được trong não phần nào teo phần nào còn nguyên, chỉ biết, với ông, mớ câu hỏi bất tận văng ra từ miệng em trai và em dâu từ ngày họ đến, tới ngày họ đi, ông không thể trả lời. Vợ chồng ông em cũng hỏi như một phản xạ, thấy gì nói nấy, cũng chẳng kịp đợi nghe người kia trả lời, đã chuyển sang câu khác. “Con kia, mày để cái gác bếp thế này mà cũng coi được sao? Quần áo của anh tao rặt mùi người chết thối, mày phải phơi ra nắng giữa trưa, trước khi phơi, phải ngâm vào nước thơm. Khốn nạn cái xứ này. Bên tao, máy nó chạy theo công đoạn, tao cho đồ vào, bấm cái nút, đi đâu một hồi quay lại, mang quần áo khô phưng phức ra, chuyển sang phòng là hơi. Cứ gọi là thơm vào tận ruột tận gan chứ không vừa chua vừa tanh thế này. Sao cái thằng Mừng kia mày không làm thêm một đường ống dẫn nước từ cái ống máng kia ra lấy nước mưa mà uống, nước ấy chúng mày uống thẳng, chả mát lịm ấy chứ. Mày có biết, ở bển, chúng tao tiêu tiền gấp trăm lần ở bên này, thế nhưng nước dùng là tiết kiệm như máu ấy. Vì nước nào cũng uống được. Mày có hiểu là mở vòi nước ra, là nước tinh khiết (làm động tác mở vòi nước ở góc sân, Tâm làm để tưới giàn phong lan). Chính vì nó quý, nên chúng tao đái ỉa có giờ, xếp hàng đi trước đi sau, phải năm sáu lần nặng nhẹ mới giật nước một lần cho khỏi tốn. Không đâu phung phí vô lối như cái xứ này. Đái có mấy giọt cũng giật cái ầm, hết cả chục lít nước. Đã nghèo, còn hoang, chả trách không khá lên được. Mà tao nói cái con kia, mày đi chợ cho nhà anh tao, phải ghi lại hết. Hôm qua, tao nhẩm ra, mày còn cầm tiền của tao đưa mày mua cua thịt dễ đến hai mươi nghìn ấy, vì cua gạch đắt hơn cua thịt, mày mua được ba con gạch, còn bốn con thịt, giá chênh nhau gớm đấy”. Sim im lặng, cổ nổi gân chằng chịt nhìn vào bên con mắt cú mèo to tròn, khác hẳn bật hẳn ra khỏi khuôn mặt tròn mỏng, mũi khoằm, miệng rộng, môi mỏng, hàm răng đều tăm tắp như hai hàng ngô, thắc mắc là sao mọi thứ trên mặt bà em dâu này nó cứ lung tung thế nào. Chẳng cái gì khớp vào cái gì. Mũi một nơi, mắt một nẻo, hai cái môi mỏng chẳng ăn vào hàm răng. Sim bị ám ảnh, thắc mắc nhất về cái mắt còn lại nằm tách biệt, đẹp đẽ trên khuôn mặt già nua biến dạng của bà em dâu, nên cô quên tức giận vì từ ngày hai người đến, việc duy nhất của họ là sai bảo, chửi bới, khinh bỉ, ghê tởm nơi chốn này, những con người ở đây. Sim và Mừng một đêm trắng vì uất, trả thù bằng cách đặt tên cho hai em ông Nhân là vợ chồng cú mèo.
Vợ chồng cú mèo nói từ lúc tỉnh dậy mỗi sáng, vẫn ngồi trên giường chưa hạ chân xuống đất, cho tới đêm, khi tiếng ngáy của cú mèo mái vang rền góc nhà, tiếng nói mê lảm nhảm dính thành chùm không nghe ra câu nào vào câu nào của cú mèo trống, thì những người đang thức chong chong mới hết phải nghe những câu hỏi. Đêm thứ ba, khi Mừng và Sim ngồi bóp hai cái chân bé như cổ tay thằng lên mười cho ông Nhân đang run bần bật chùi nước mắt, anh Tâm co quắp trên giường, mắt thao láo nhìn vào tấm hoành phi nạm vàng, lảm nhảm “Tôi không ở chợ. Cho tôi về nhà. Tôi muốn về nhà”. Mừng dè dặt cúi gằm mặt vào bàn chân teo nhỏ, trắng xanh, những ngón chân chỉ còn lớp da bọc cái xương “Ông tha lỗi, hai đứa con không thể chịu thêm được ngày nào nữa. Sim đang có thai, ba đêm nay hai mẹ con Sim mất ngủ vì uất. Ông chịu khó vài ngày, bao giờ họ đi, hai đứa con lại về hầu ông”. Sim tiếp luôn “Hai đứa con nguyện hầu ông và anh Tâm hết đời. Nhưng nghe thêm một câu, nhìn mặt thêm một lần hai người em của ông thì chúng con chịu. Nhất là cái mắt người em dâu ông, con sợ cái mắt ấy lắm, mỗi lần nhìn con, con mắt ấy như phát ra tia điện ông ạ. Cổ con nó thít lại đến đây rồi, con sắp tắc thở vì uất rồi ông ạ”. Sim bặm môi, người giật giật. Ông Nhân biết, Sim đang kìm nén để không chửi bậy. Cô gầy rộc vì nghén, nhưng hai bầu vú lại sưng như món xôi phồng mới thịnh hành ở mấy quán ăn cao cấp, thật gợi cảm sau làn vải phin màu cánh chả. Ông chắp hai tay, mắt tràn nước như mất cái van khóa, nước từ máy bơm cứ thế phun ra “Tôi chắp tay, tôi lạy cô chú. Cô chú mà bỏ tôi, bỏ thằng Tâm, hai bố con tôi chết tươi. Cô chú là cái chân của tôi, là cái não của thằng Tâm. Tôi là anh nó, nó chửi không tiếc câu nào. Nhà có hai anh em, nó đi nước ngoài rồi ở luôn bên đó. Ở đây, ông nội bà nội ốm đau, tay bố tôi chăm. Bố tôi chết, tôi ở cái nhà ông nội để lại cho bố tôi. Hoạn nạn làm tôi thành ra thế này, đời tôi không sướng bằng con chó nhà lão Bảng trước mặt, vì con chó có bốn chân khỏe, muốn chạy đâu thì chạy, đi đâu thì đi. Thấy tôi và thằng Tâm tàn phế thế này, vợ chồng không mảy may thương xót, nhè tôi ra mà chửi, mà hỏi. Đừng bỏ bố con tôi. Sau này tôi và thằng Tâm chết đi, nguyện vọng của tôi là cô chú thay tôi toàn quyền ở ngôi nhà này. Nếu khu này có nhiều khách du lịch, hai người xem có mở cửa cho khách vào tham quan công trình thằng Tâm nó làm. Cả đời nó tâm huyết xây cái nhà này, nửa chừng đứt đoạn ngã ra mà thành điên. Nếu cô chú làm nốt phần việc của nó, có chết đi, hai bố con tôi cũng thề đi theo phù hộ cô chú”.

(còn nữa)
______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét