Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

Cú mèo và rượu hoa (tiếp theo)

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Ông Nhân vái rầm rập, nước mắt tuôn xối xả trên khuôn mặt vẫn vương những đường nét rõ ràng, chút thanh lịch văn minh phảng phất không phai. Mừng và Sim mủi lòng. Có bao giờ thân phận một thằng kiếm củi bán dạo từ năm lên chín không biết chữ, với con bé quanh đời sống trên thuyền trôi vật vờ ngoài mé biển, hết chạy buôn cá lại đến phơi cá, học hết lớp ba thì bỏ tắt đi buôn vặt với mẹ, đâu ngờ đến ngày, có hẳn tiến sĩ thành phố vái đầu lạy ràm rạp thế này. Thế quái nào, ba người khóc tu tu. Còn Tâm vẫn nằm nguyên một góc, ngoẹo ngoẹo lầm bầm “Tôi không ở chợ. Cho tôi về nhà. Chợ đông quá. Tôi về nhà tôi”.
***
Trước ngày về bển, vợ chồng cú mèo bỗng hạ nhiệt, thoắt tử tế, pha chút thương người. Vẫy Mừng vào, đưa ra một cuộn giấy dày, hoa văn chìm màu sắc rất tươi, to và dài gấp ba lần cuộn giấy vệ sinh nhà ông Nhân thường dùng “Cho mày đấy. Tao thấy mày cũng thật thà, chăm chỉ hầu anh tao, cháu tao”. Mừng cầm cuộn giấy, nhìn, gọn lỏn “Thì cũng giấy chùi đít chứ gì” Nghe thấy thế, con mắt duy nhất trên mặt cú mèo vợ giật lên đùng đùng, nháy nhanh như có người cầm dây giật con rối. Vội lấy bàn tay gầy, móng tay đính đá bảy màu, mu bàn tay gân to bằng cái đũa nổi chằng chịt, xoa nhanh, xát mạnh lên con mắt cú mèo to màu tro xám đang nhắm nghiền lại. Bàn tay vừa xoa rối rít, vừa như muốn giữ cho con mắt khỏi bật ra. Bà bị kích động mạnh. Cú mèo chồng rít lên “Mày nói năng thế hả? Láo. Đúng là giấy chùi đít, nhưng mà là của Tây. Với loại chúng mày, có mang chùi mồm cũng phí đi. Đường sá xa xôi, cất công mang về đây cho, mày cất vào cái tủ kính kia kìa, ai vào cũng nể đấy”. Mừng lì lì mặt, cầm cuộn giấy mang đặt vào trong ngăn tủ kính, cạnh mấy cái bằng khen của ông Nhân. Giấy khen của trường Nga tặng, nằm trong khung cũng mang ở Nga về, thời gian trôi lâu, màu vàng vẫn không xỉn. Thêm một cái mở rượu vang, một móc khóa có hình cái tháp rất cao. Xếp vào tủ kính hết. Cú mèo vợ cho Sim ba cái chân váy, mai kia mày chửa to, mặc cho mát. Nhà quê chúng mày không quen mặc thứ đồ xa xỉ này, ngượng lắm đấy, nhưng cứ mặc cho quen dần với văn minh đi. Cú mèo chồng cho Mừng một cái quần, lúc về đây, nó chưa rách gấu, chẳng may đi chơi, móc vào que sắt ven đường biển, toạc một đoạn. Mày khâu lại, mặc chục năm không bạc màu đâu.
Sau cái đêm ông Nhân lạy cồm cộp Mừng và Sim, ba người ra nghị quyết là im lặng, đón nhận bình thản tất cả mọi lời lẽ, hành động của vợ chồng cú mèo, vì đằng nào họ chẳng biến. Thế nên, cho chân váy, lấy luôn. Cho quần rách, vâng, cháu xin, sẽ vá lại mặc chục năm còn bền. Anh em chia cái nhà đã bán bằng cách anh viết giấy nợ tiền em, trả dần trong hai năm, theo giá vàng. Bán vàng, đổi sang đô la chuyển vào tài khoản là gọn. Bữa cơm chia tay toàn món hai vợ chồng cú mèo thích. Cua biển lột, chất lượng đến từng cái chân. Tôm bơi, bóc vỏ chấm mù tạt, một con thế này ở bển đến trăm đô không ít. Mừng chạy lên hàng bán đồ biển to nhất vùng, mua được vài lạng ốc hương, thứ này xưa đầy không ai thiết, giờ có con gì ngon, bổ là bán sang Tàu, phải dặn mãi, mới kiếm được chục con ốc, đắt lòi con mắt bà cú mèo. Bốn người quây quần bốc bốc mút mút. Riêng anh Tâm, ngẩn ngơ nhìn chân núi xa, giục mọi người ăn nhanh cho tôi về nhà, mấy hôm nay cứ bắt tôi ra chợ ở, đau đầu quá. Ở nhà, tôi đang xây tháp treo cái chuông, chiều đến thỉnh cho không vắng mé rừng.
Chiếc taxi hôm nào đưa hai vợ chồng cú mèo về nhà ông Nhân, rõ ràng hẹn chắc chắn mà quá gần một giờ, vẫn không thấy đến. Mừng và Sim nói, để chúng cháu kéo va li cho cô chú ra ngoài đường nhựa, đón xe khác đi không có muộn giờ. Các cuộc chia tay bao giờ cũng bồi hồi, bịn rịn như thể không có những ngày rin rít tiếng khoan bê tông của cú mèo mái, tiếng chì chiết trách móc của cú mèo trống. Tâm vẫn cười nụ cười từ sau khi ngã đập đầu xuống gờ đá, ngô nghê như trẻ sáu tháng tuổi, người lớn bảo “làm xấu đi” thế là nhíu cái mũi, nhành cái miệng làm xấu cho người lớn vỗ tay. Ông Nhân được Mừng đẩy ra tận cổng, vòng cánh tay cong cong như nửa cái mắc áo, ôm lấy thằng em duy nhất ngày xưa, nó bị đau bụng, anh cõng em trên vai chạy đi gọi bố. Đưa được em vào viện truyền nước xong, thở phào, quay về. Đi đến đâu cũng thấy mọi người nhăn mũi, bịt miệng. Mãi mới biết là cu em vãi cứt đầy lưng thằng anh, suốt một con đường dài.
Mừng và Sim kéo hai chiếc va li to đi trước. Đường dốc. Vợ chồng cú mèo đeo túi nhỏ đi sau, không dừng miệng chửi thằng taxi làm ăn mất dậy. “Cái xứ này cấm không tin được ai, ở bên kia mà thế này, có ngay luật sư kiện mày sạt nghiệp. Mà đây là vùng du lịch, phục vụ thế này, chả trách khách trót dại đến một lần, chạy mất tiêu. Kinh quá, kinh quá. Không vì cái việc bán nhà của ông Nhân, đừng hòng ông lôi tôi về cái nơi man rợ này. Ở bển, muốn ra được sân bay, không bị cướp giật giữa đường, tao đã phải nghi binh trước cả tuần. Bọn chuyên săn người về thăm quê hương, biết có mang theo tiền bạc về quê, toàn chặn đường cướp ngang. Mày biết không, va li gửi ở khu siêu thị, khi đi khỏi nhà, tao phải làm như đi mua đồ một lúc rồi về. Hàng xóm láng giềng may không quan hệ với ai nên có đi hay về, chẳng đứa nào quan tâm”. “Con gái cô có biết cô về quê không?” Sim hỏi. “Điên à, ba năm nay chúng tao không nhìn mặt nó. Mày biết là dây với nghiện thì có mà sạt nghiệp. Nó con tao đẻ ra thật, nhưng cơn nghiện lên, nó chỉ quý thuốc, chứ biết ai là cha là mẹ. Cái loại ấy, cứ cho vào trại, cảnh sát dạy”. “Thế cô chú về đây không ai biết à”. “Chúng tao sống ở bển văn minh độc lập lắm, không kéo dây kéo dắt như lũ chúng mày ở xứ này. Ông bà con cháu chui rúc vào một cái nhà không biết kinh”. Sim và Mừng thoáng nhìn nhau, Mừng hỏi tiếp, như thể câu chuyện vu vơ làm cho đường dốc bớt cao, đường dài bớt xa: “Thế cô chú sang bên ấy, không chơi với ai, lúc buồn thì đi đâu?”, “Xời, lo gì buồn. Lão ấy trồng vườn, tỉa lá. Tao thì xem ti vi. Cứ phim truyền hình dài tập mà xem, có mà hết năm này qua tháng khác không hết phim”. “Thế cũng buồn” Sim đế thêm, nhìn Mừng. “Buồn còn hơn dính với người. Vợ chồng tao kinh nhất là phải dính đến người. Tao ghét người nhất chúng mày ạ. Bao năm nay, lâu lắm, tao mới ở chung với đông người như mấy ngày vừa rồi mà chưa phát điên đấy. Kể ra, ở với vợ chồng chúng mày, cũng được”. Cú mèo mái nói một hồi, quay sang, chợt thét lên the thé, sao không có xe, đi bộ sưng chân rồi. Cú mèo trống đang nhìn đăm đăm phía trước, không nghe thấy vợ hết người chửi, quay sang chửi chồng, mắt hút vào đường rãnh giữa hai cái mông tròn đầy của cô gái đang gò người đạp xe leo dốc. Gió biển thổi tung tà áo cánh hở mảng lườn đầy cong, thấy rõ khóe mông hồng.

Họ đi bộ giữa trưa. Hôm nay trời âm u. Gió biển thổi ràn rạt và tiếng sóng vọng về, như có chục người đàn bà ngồi giũ quần áo bên bờ ao. Tâm ngồi ngoài cổng, đang chơi với mấy thanh gỗ, cậu lấy cái bào, bào nhẵn, rồi vẽ lên đó hình những con cua. Ông Nhân được Mừng nhấc lên mặt đường, ngồi lặng trên xe, chưa thích nghi ngay được với sự bình yên vốn dĩ của ông bao năm nay đang quay về. Như tìm thấy một nơi chốn, một không gian, trống toang, trong lành, sung sướng quá, đến nỗi không biết phải làm gì với nó. Nhìn bốn người lếch thếch đi dần về cuối con dốc, những lọn tóc hung vàng của cô em dâu bay quẩn trong gió, cái váy nhung đen lấm tấm hoa trắng bay tạt về sau làm dáng em dâu thêm cao. Bên cạnh là tấm lưng ngay ngắn của thằng em trai, áo sơ mi màu đỏ huyết bầm. Từ bé, nó luôn thích mầu máu đông này. Ông Nhân phải tự lấy hai ngón tay bàn tay trái, cấu cấu, rồi cấu thật mạnh vào cánh tay phải của mình. Cấu mạnh. Cấu thật mạnh. Trong một trưa gió bỗng lộng và cuốn cát bay mịt mù.
***
Trong những cơn mê sảng lảm nhảm Tâm nói với Mừng và Sim, họ đọc ra được điều Tâm muốn về ngôi nhà đang xây dang dở. Năm năm trôi qua. Tâm bớt hoang dại, điên loạn, hai bàn chân đi bén đất chắc chắn, đỡ được thân xác cong queo do cơn tai biến, cũng là lúc ông Nhân liệt toàn thân. Chuyện liệt thêm phần trên người mình, ông không thấy quan trọng mà tệ nhất lúc này là hai mắt hoàn toàn mờ đục. Luôn có một tấm vải dày, màu trắng ngả vàng giăng trước mặt. Ông cũng chia tay chiếc xe lăn chuyên dụng ngày xưa giúp ông ra được biển, ngó nghiêng chợ chiều. Giờ, ông nằm im trong căn phòng gỗ, hai mắt mở to, toàn thân xuội lơ như không xương, không máu chảy. Giường kê sát cửa sổ mở. Với một đôi tình nhân, ngôi nhà này, cái giường này, khuôn cửa gỗ mở ra, bên ngoài bạt ngàn hoa, khi thì màu nghệ phủ dày, xen lẫn tím nhạt, khi thì vàng chóe, lẫn sắc trắng mong manh, quả là một thiên đường không có thật nơi trần thế. Những con chim lông mượt, ức đầy vừa nhảy chuyền cành, vừa kêu chích chích. Tiếng cú rúc. Tiếng gió dạt dào thổi trên những tán cây. Sương mai đọng đầu cành lá thấp, đất ẩm ướt sau cơn mưa đêm, lan tỏa mùi lá cây giập gẫy, mùi hoa dại ngai ngái và mùi không gian tinh khôi. Tâm ngày xưa, đã không nhầm khi chọn nơi này làm chốn thiên đường cho hai bố con ẩn náu phần đời còn lại. Một đời ông Nhân phiêu dạt. Một đời ông Nhân sẽ sống rất lâu, nhưng không bay nhảy được, phải ở để nuôi thằng con của ông, chứ đừng có kiểu lấy thêm vợ để kiếm người trông con cho ông rảnh rang. Lời rủa năm nào của Túy đã hiệu nghiệm. Tâm ngày ấy, sau khi bỏ việc, bán nhà cùng bố về đây định cư, đã tự thề trước mộ mẹ, là một đời không dính vào đàn bà. Trong sạch tử tế như mẹ, rồi cũng chết không nhắm mắt. Không tốt đẹp, đức hạnh như dì Túy, đời cũng chẳng hay ho gì. Ai ngờ, cú ngã khi leo trèo sửa cái góc nhà làm Tâm thành điên dở. Bây giờ, Tâm tỉnh táo dần, cái phần não liệt năm nào thoi thóp sống lại, đủ cho một việc duy nhất là hoàn thiện lắt nhắt những góc nhỏ của ngôi nhà. Tuyệt nhiên, Tâm không nhớ là mình đang ở đâu, có người bố chết dần chết mòn, và những gì đã qua.
Con của Sim và Mừng tên Hợp hơn bốn tuổi. Nhà này không gần trung tâm thành phố, lại là vùng du lịch đang phát triển, nên khách thập phương đến, đi, dân bản xứ chỉ quan tâm đến bán hàng và thu tiền. Ngôi nhà của ông Nhân nổi tiếng trong vùng, không phải vì mấy người sống ở đấy, mà vì kiểu kiến trúc độc đáo, nhất là khi tòa tháp xây xong, cứ sáng chiều, hai hồi chuông ngân dài. Tiếng chuông vang, sâu, âm chuông lan xa mãi. Tiếng chuông đúng giờ, ngày mưa bão hay nắng hanh hao, tiếng chuông như lời chào, như lời nhắc giờ, như tín hiệu của sự sống. Chạy từ ngoài đường về, cu Hợp vừa hét vừa đập vào lưng Sim “Có khách có khách”. Nhà nuôi nhiều loại chim, yểng, sáo, vẹt, và nhiều con không biết thuộc chủng loại gì, Mừng đi rừng mang về do chúng bị thương. Con nào khỏe, anh thả cho bay. Con nào què, mang về chăm nuôi. Nhà như khu nuôi chim vườn thú. Hợp lớn lên, nói ngắn từng câu đúng giọng con yểng già “Có khách có khách”. Yểng già đáp lại lời Hợp, nhảy rối rít mừng trên cái cành khô. Rồi yểng già phi thẳng xuống, nhảy trước mặt Sim, mách.
Ngoài ngõ, bốn người đi vào. Ba đàn ông, một đàn bà. Họ mải nhìn nhà bằng con mắt thán phục, bất ngờ nên chân vấp. Tiếng xuýt xoa vì đau, lẫn trong tiếng ồ à. Khách có người làm công tác nghiên cứu địa chất, người bên quy hoạch. Phía bên kia núi, đứng ở nhà Sim nhìn thấy sắp tới được xây thành khu vui chơi giải trí, vị trí đắc địa, nằm trên cao, lại hướng ra biển. Hai nhà đầu tư người Canada góp vốn, hợp tác với một doanh nghiệp trong nước xây dựng, kinh doanh. Đoàn khảo sát làm việc lần cuối, trước khi bên xây dựng tiến hành phá núi, bạt rừng và thi công. Hai năm sau, nơi ấy sẽ là một quần thể vui chơi giải trí đẹp nhất vùng miền Trung. Chưa kể đến, nếu phát triển nữa, sẽ có một sòng bạc, và sau nữa, một sân bay.
Bốn người từ uống nước lá cây giải nhiệt Sim mời, chuyển sang ăn nai khô do Mừng hun góc bếp, uống đến rượu ngâm tổng hợp từ nhụy các các loài hoa. Họ không nhấc chân ra khỏi khu nhà giờ kéo dài vắt vẻo sườn núi. Những gì trong bản vẽ tay nguệch ngoạc của Tâm ngày ấy, giờ thành hiện thực. Bên nhà gỗ, cách một vườn hoa với những con chim không nhốt trong lồng mà chẳng bỏ đi, rồi sang bên nhà kính, sau đấy đến hồ sen, vườn cây thuốc. Bốn tổ ong góc vườn, mùi mật quyến luyến ngày mưa. Nhóm khách say, no bụng, nằm lăn các góc. Cô gái duy nhất trong đoàn má hồng, tóc đen nhức sổ dài, không nhìn thẳng vào mặt, chỉ nhìn lên trán người đối diện bằng cặp mắt to, con ngươi màu xám tro, lạnh và khô, đung đưa trên võng, ngắm nhìn thế núi, lẩm bẩm “Anh phải làm nhanh thống kê để em viết xong báo cáo về giống cây trước khi phá núi”. Một người nói lại “Sao lúc nào ở miệng em cũng có từ phải? Chưa bao giờ anh thấy em không ra lệnh cho người khác phải thế này phải thế nọ. Không biết thằng nào nó chịu được em”. Cô gái cười miệng rộng răng trắng ngà, nhưng hai mắt vẫn khô ráo, không cười “Em cứ ra lệnh thế mà khối người chịu được đấy”. “Khó chịu vừa thôi cô, hơn băm rồi, không định lấy chồng đẻ lấy đứa con à?”, “Điên mà lấy chồng đẻ con cho nó nặng thân. Em chỉ thích ở với chính cái thân em, không phải lo cho ai, nhẹ xác, muốn đi đâu làm gì thoải mái”. Cô gái mắt ráo nói xong, cười phá lên. Tiếng cười chạy lan vỡ dài trên những tán cây, chạy về phía cuối đường, chui sau vào những khe núi xa.

(Còn nữa)
_______________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét