Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Phê bình văn học trẻ: Chưa sững sờ được

NGUYÊN HẠNH

Khái niệm lí luận phê bình trẻ những năm gần đây được nhắc nhiều đến như một sự nhắc nhớ rằng có hai dòng chảy lí luận song song cùng tồn tại. Thực hư ra sao? Thoạt tiên chúng ta thấy hiện nay cái gì cũng chia giữa một bên trẻ và một bên không trẻ (tôi tạm gọi như thế). Rõ ràng là với bộ môn phê bình lí luận chúng ta thấy rằng không có sự phân chia nào như thế cả, đó chẳng qua là cách định danh để phân biệt những người đã làm nghề lâu năm, với những người mới bước vào nghề.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Phê bình văn học là sự phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học, đồng thời kèm theo việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện tượng đời sống mà tác phẩm nói tới…Phê bình văn học được coi như một hoạt động tác động trong đời sống văn học và quá trình văn học như một loại sáng tác văn học, đồng thời còn được coi như một bộ môn thuộc nghiên cứu văn học... Trong phê bình văn học hiện đại, các thể tài thường dùng có thể là các bài báo, bài điểm sách, bài tổng quan văn học, tiểu luận, bài viết về các chân dung văn học, bài đối thoại phê bình văn học, thậm chí là các trào lưu bút chiến văn học v.v. .

Thôi thì chúng ta tự bằng lòng và chấp nhận khái niệm phê bình lí luận trẻ. Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến vị trí của những người làm lí luận phê bình hiện nay.

Tất nhiên so với người sáng tác thì người làm lí luận phê bình cả già và trẻ đều có những thiệt thòi riêng. Trước tiên họ không tạo ra hiện tượng. Những người sáng tác, có quyền tham dự hết cuộc thi này đến cuộc thi khác thì những người làm lí luận phê bình có rất ít cuộc thi dành riêng cho họ (trước đây, khá lâu rồi, Tạp chí Kiến thức ngày nay có tổ chức cuộc thi bình thơ), họ ít được độc giả biết đến nhiều, đặc biệt những người trẻ. Song dường như những điều đó cũng chẳng làm họ phiền lòng, họ biết nghề nghiệp đặc trưng của họ, và họ là những người đứng sau nhà văn, sản phẩm của họ ra đời sau những sáng tác của nhà văn, hay như có những người gay gắt cho rằng họ là người ăn theo nhà văn. Thêm nữa, nếu trong một vài năm gần đây, văn học trẻ nổi lên hiện tượng Cánh đồng bất tận, Bóng đè, Chuyện của thiên tài rôm rả trên văn đàn, trên các phương tiện truyền thông thì lí luận văn học cũng chẳng có nhiều chuyện để nói. Có người cho rằng các cuộc trao đổi văn học mấy năm qua chỉ là thứ cãi cọ vụn vặt, không rốt ráo, do đó chẳng đi tới đâu.

Hầu hết những người làm công tác lí luận phê bình văn học hiện nay đều làm ở Viện Văn học, dạy ở Khoa Văn các trường Đại học, hoặc là giáo viên Văn phổ thông, thậm chí làm báo. Hoạt động nhiều nhất lại thuộc về những người làm báo, làm thơ, viết văn đánh sang mảng lí luận với những bài giới thiệu sách, điểm sách, điểm lại những hoạt động của địa phương, cơ sở. Điều đó, phần nào cho thấy lí luận phê bình văn học hiện nay đã có nhiều thay đổi song phần nào lại cũng cho thấy một điều chúng ta phải phân biệt giữa phê bình hàn lâm, và phê bình truyền thông. Thực sự trong vài năm gần đây phê bình truyền thông đang được công chúng chú ý. Đơn giản là nó thể hiện ngay được đời sống văn học đang chuyển động, những tác giả hiện nay đang làm gì, nghĩ gì, và tác phẩm của họ có sự trưởng thành hay không? Điểm hấp dẫn ở những nhà lí luận phê bình truyền thông là họ đưa được nhiều thông tin mới, nhiều màu sắc, không quá cứng nhắc, và chắc chắn là không làm người đọc đau đầu với hàng mớ những lí thuyết kinh viện. Nhưng nói đi thì phải nói lại chúng ta không thể phủ nhận phê bình hàn lâm bởi nó chính là nghiên cứu những nguyên tắc tổ chức nên một tác phẩm văn học.

Hướng phê bình truyền thông là cách lựa chọn của những người trẻ. Điều đó không có nghĩa những nhà lí luận trẻ nghiêng về những gì sáo rỗng, sến, thậm chí là những cái không đâu vào đâu với những bài viết cũng không đâu vào đâu. Tất cả những người làm công tác này dù trẻ đều được đào tạo một cách bài bản, họ thường ngày vẫn đọc và theo dõi đời sống văn học hiện tại. Chúng ta vẫn thường cho rằng những người trẻ hiện nay nói riêng và những người làm công tác phê bình nói chung đang theo hướng bình là chính, phê là phụ. Điều này đơn giản với một lí do rằng chúng ta vẫn đang trung bình ở tất cả mọi khía cạnh, kể cả sáng tác lẫn phê bình. Tình trạng làng nhàng, bình bình là tâm lí mà người đọc hơn ai hết phải đón nhận và chấp nhận.

Một câu hỏi đặt ra : Không có một cuốn sách lí luận văn học nào ra đời khiến mọi người phải sững sờ. Hàng năm giải thưởng của Hội nhà vănViệt Nam cho mảng Lí luận văn học cũng thực sự là tôn vinh những tác giả thành danh rồi. Và những người trẻ thực sự là họ cũng mới dừng ở những bài báo, những bài nghiên cứu. Rồi những Hội nghị lí luận phê bình văn học cũng vẫn là cuộc đến hẹn lại lên, với những bài tham luận dài dằng dặc, chỉ ra các hiện tượng lí luận phê bình hiện nay và không tôn vinh được chính nghề nghiệp của mình, cũng như không thể là động lực kích thích những gương mặt mới xuất hiện.

Tại sao lại thiếu vắng những nhà phê bình trẻ. Nhà phê bình Đinh Quang Tốn cho rằng: Đến các nhà phê bình già còn ẩn bóng thì các nhà phê bình trẻ thiếu vắng là phải. Lý do thì nhiều, thật khó để trả lời cho đầy đủ. Tôi chỉ có một ý nghĩ thế này, là phải chăng một phần do cơ chế hiện nay hàng thật thì khó bán mà hàng giả thì lại bán chạy? Còn nhà văn Ngô Thảo thì lại có một cái nhìn khác: Thật ra phê bình phải là công việc của người trẻ, ở độ tuổi 20 -30, còn nghiên cứu thì cần già. Bởi vì người trẻ nhanh nhạy, cảm xúc mới mẻ. Ngay như Hoài Thanh bước vào phê bình cũng trẻ lắm. Thuở chúng tôi làm phê bình cũng rất trẻ, 40 đã bị coi là già rồi. Còn hiện nay phê bình không còn hấp dẫn lớp trẻ là do văn chương của chúng ta thiếu lý tưởng. Ngay người sáng tác nhiều khi không biết mình sáng tác vì cái gì thì nhà phê bình không biết nên nhìn nhận cái gì. Nói như thế không có nghĩa chúng ta không có một lực lượng kế cận lớp những nhà phê bình tài hoa trước đây. Những nhà phê bình trẻ như: Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Huy Bắc, Phạm Xuân Thạch, Hoài Nam, Nguyễn Hoà, Nguyễn Thanh Tú …không hoàn toàn là những người làm phê bình truyền thông, thực sự họ vẫn miệt mài nghiên cứu, và lặng thầm cho ra đời những sáng tác có chất lượng. Trẻ hơn chút nữa có Đoàn Minh Tâm, một biên tập viên của tạp chí Văn nghệ Quân Đội, hay Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương, Quách Thu Hiền.. và còn nhiêù người công tác tại Viện văn học. Đó có thể được xem là một số lượng quá ít ỏi so với lớp những nhà văn trẻ đang sáng tác. Chúng ta vẫn cứ hy vọng sẽ có nhiều gương mặt lí luận xuất hiện cho dù có rất nhiều lí do khiến họ dễ dàng trễ nải với công việc này.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để chúng ta có được một lực lượng những nhà phê bình kế cận đủ trình độ, đủ tâm huyết. Và làm sao để họ có vị trí xứng đáng so với nghề nghiệp của họ. Rằng sản phẩm của họ không phải ăn theo sáng tác, rằng chính họ chưa làm được như những gì bạn đọc mong muốn. Không thể yêu cầu một hiện tượng gì đặc biệt ở những người trẻ. Đối với họ cách tốt nhất hiện nay là làm việc, học hỏi và đọc thật nhiều để có những mỹ cảm riêng với nghề nghiệp. Một khi sáng tác của chúng ta không thực sự phát triển thì liệu những nhà phê bình trẻ có khả năng cho ra đời những tác phẩm lớn được không. Nói như Phan Triều Hải, họ thuộc một thế hệ khác, có thể không hay ho hơn, nhưng khác. Cái khác đó chính là sự chờ đợi của người đọc. Bởi đơn giản không thể mãi mãi chúng ta cứ phải đọc những cái cũ, chúng ta phải tiếp cận văn học theo lối cũ, những người trẻ có con đường riêng của họ. Chấp nhận hay không, lo lắng hay không, lại phải chờ thời gian.

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét