Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Tại sao văn học Việt chưa có tác phẩm đỉnh cao?

Trần Thị Trường

Khát vọng thụ hưởng tác phẩm đỉnh cao là một nhu cầu chính đáng, ngoài ra, khát vọng đất nước có tác phẩm đỉnh cao còn là niềm kiêu hãnh của mọi người con của đất nước ấy.

Đại hội Nhà văn (ĐH NV) lần thứ VIII diễn ra ở Hà Nội là một sự kiện lớn của văn giới, thu hút sức quan tâm lớn của toàn xã hội. Nhưng một lần nữa câu hỏi: Tại sao cho tới thời điểm này, Hội Nhà văn VN có tới khoảng 1000 hội viên mà chưa có, hoặc rất ít tác phẩm ngang tầm thời đại?

Tài năng người viết hay cơ chế xã hội?

Câu hỏi không chỉ được các nhà báo nêu ra mà bất cứ một người yêu văn học nào, trong câu chuyện vỉa hè cũng như nghiêm túc đều nhắc đến. Câu hỏi khiến cho nhiều nhà văn hội viên đỏ mặt. Và câu trả lời, có thể chia ra làm hai: Một thì cho rằng lỗi ở khách quan, ở cơ chế, một khác cho rằng tài năng nhà văn chưa đủ độ.
Người ta vẫn nói văn học là nhiệt kế của thời đại, có khả năng dự báo thời cuộc, hướng dẫn tinh thần, hay nói cách khác, văn học đủ sức chia sẻ với buồn vui khổ sướng, đồng hành cùng con người trong cuộc đời, cho con người một điểm tựa, một hy vọng... Vậy thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, cũng có nghĩa là thiếu vắng sự chia sẻ cần thiết, khả năng dự báo bị nhiễu loạn.

Khát vọng thụ hưởng tác phẩm đỉnh cao là một nhu cầu chính đáng, ngoài ra, khát vọng đất nước có tác phẩm đỉnh cao còn là niềm kiêu hãnh của mọi người con của đất nước ấy.

Trước hết, ta điểm danh một số tác phẩm được tôn vinh, xứng danh đỉnh cao mà đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến như: "Bác sĩ Rivagho" của Pasternak, "Nghệ nhân Maraghita" của Bulgakop, "Chiến tranh và hoà bình" (Lev Nikolaevich Tolstoy) "Con đường đau khổ" (Alexay Tolstoi) của Nga, thế kỷ trước. Hay, gần đây nhất ở Trung Quốc, một loạt các tác phẩm của Giả Bình Ao ("Phế Đô"...) Mạc Ngôn ("Phong nhũ phì đồn", "Cây tỏi nổi giận", "Cao lương đỏ"), Cổ Hoa "Thị trấn phù dung"... cũng có thể kể đến "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện, hoặc của Orhan Pamuk "Tên tôi là đỏ"...
Có hai yếu tố cơ bản làm nên một tác phẩm văn học: Tài năng người viết và xã hội - đối tượng mà nó phản ánh.

Ta thử khảo sát một người như Lev. N. Tolstoy, sẽ thấy để làm nên tài năng và bút lực trên từng trang viết Tolstoy không chỉ dựa vào bản năng vốn có trời ban cho ông mà còn vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một bộ óc siêu việt.

Sinh ra trong 1 gia đình người Nga có đời sống bá tước, ông là thành viên có ảnh hưởng của gia đình quý tộc tên tuổi mà ảnh hưởng của dòng họ là rất lớn trong xã hội Nga. Những nỗ lực khám phá thế giới của ông đã đưa ông tới vị trí của nhà triết học, nhà tư tưởng đạo đức kiên định với với chủ nghĩa hoà bình, nhà cải cách giáo dục. Tên tuổi của ông không chỉ có trong văn đàn mà còn trong danh sách những nhà tư tưởng chống lại cái ác. Ông cũng từng tham gia chiến tranh trong vai người lính.

Một sĩ quan quý tộc nhưng khi tham dự chiến đấu ông tỏ ra rất tài giỏi nhờ óc quan sát. Ông cũng tham dự những trận đánh có tầm quan trọng lớn nhất thế kỷ. Và khi rời quân ngũ, khi cầm bút ông biểu lộ rõ ràng thái độ hoàn toàn ghê tởm sự chém giết vô nghĩa mà ông đã chứng kiến trong chiến trận.

Những năm sau cuộc chiến ông được giới trí thức Petersburg và Moscow ca ngợi là một trong những người tài giỏi nhất. Nhưng ông không muốn gần họ. Ông là một nhà quý tộc quá chân chính để có thể giống với giới trí thức nửa tự do này. Tất cả suy nghĩ trong đầu ông đều trái ngược với suy nghĩ trong đầu số đông. 2 tác phẩm lớn nhất mà người đọc Việt biết đến là "Chiến tranh và hoà bình" và "Anna Karenina" miêu tả sự phóng khoáng và hiện thực của cuộc sống Nga.

Khảo sát thứ hai hướng tới Mạc Ngôn. Mạc Ngôn sinh 1955 tại Sơn Đông, Trung Quốc. Do Cách mạng Văn hoá, ông phải nghỉ học và tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn. Năm 1976, ông nhập ngũ. Sau giải ngũ ông đi học và tốt nghiệp khoa văn Học viện Nghệ thuật, sau lại học nghiên cứu sinh và tốt nghiệp thạc sĩ...

Những tác phẩm gây sốc cho bạn đọc toàn thế giới của ông được xuất bản những năm 1990. Những tác phẩm đó khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa. Từ những số phận khác nhau lịch sử được tiếp cận dưới nhiều góc độ. Chính những chi tiết sống động đó của hiện thực lịch sử qua ngòi bút của Mạc Ngôn, đã thu hút hàng triệu triệu người đọc trong thời kỳ văn học nghệ thuật không còn giữ được vị trí tương xứng như nó vốn có.

Viết cái vừa vừa...

Ở Việt Nam, nếu chúng ta không có những người cầm bút có đời sống bá tước với sức ảnh hưởng như ở xã hội Nga, cũng như cuộc chiến tranh có mức độ thế kỷ giữa Nga hoàng và Napoleon thì chúng ta cũng có thể có những người cầm bút có cuộc sống tương tự như Mạc Ngôn. Và môi trường xã hội với những điều kiện sống, bản sắc văn hoá, và phải đối mặt với một cuộc chiến tranh mà mức độ ảnh hưởng không thể nói là không lớn trong toàn bộ đời sống xã hội.

Và cũng có thể nói, chúng ta đã từng có "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường, "Bến không chồng" của Dương Hướng. Những tác phẩm đó xuất hiện cũng vào đầu những năm 90, thời kỳ đổi mới hay còn gọi là văn học được cởi trói, với khởi xướng của cố TBT Nguyễn Văn Linh và người có nhiều công để các tác phẩm đó xuất hiện là TBT Báo Văn Nghệ Nguyên Ngọc. Ở một mức độ có thể gọi đó là những tác phẩm đỉnh cao của chúng ta. Cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Nhưng từ đó đến nay thì sao? Hiếm vắng các tác phẩm hay, mặc dù cũng có cuốn "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn. Nhưng từ Bùi Ngọc Tấn đến "Ba người khác" của Tô Hoài là vắng hẳn, hay có thì mức độ gây chú ý không nhiều. Bạn đọc có thể nói, tác phẩm có được nhờ tài năng của những tên tuổi đó. Nhưng bạn đọc có thể không biết đến những tác phẩm đó hoặc bị thu hồi, hoặc các NXB bị nhắc nhở - có thể bằng văn bản, bằng thông báo hoặc có khi chỉ là bằng truyền miệng.

Nhà văn, tư tưởng và cảm xúc thì mãnh liệt, khi nghĩ, khi viết thì không thấy mình kém những người như Bulgacov (Liên Xô), có thể sản sinh ra những tác phẩm mang sức nặng như "Trái tim chó", "Những quả trứng định mệnh". Nhưng Bulgacov không được viết thì "giống như bị chôn sống", còn nhà văn Việt Nam, mối dây ràng buộc của người viết với gia đình nhân thân là rất mạnh mẽ. Vì thế người cầm bút Việt Nam không viết những cái gây nguy hiểm cho mình, mà viết cái vừa vừa, cái có khả năng ra tiền vừa để sống, vừa an toàn cho vợ con.

Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: Nhà văn- anh là ai? Nghệ sĩ, chiến sĩ, cán bộ làm công ăn lương? Hay tất cả trong một? Có cần phải là hội viên Hội Nhà văn mới được coi là nhà văn hay tác phẩm làm nên danh xưng - nhà văn hay không? Trong Điều lệ hội còn nói rõ "Hội là tổ chức chính trị nghề nghiệp...". Người ta không hiểu rằng không một nhà văn nào lại không có ý thức chính trị, có tư tưởng và văn hoá, tác phẩm sẽ được sinh ra từ đó cộng với cảm xúc thường nhật hoặc tức thời.

Nhà văn khi cầm bút muốn tác phẩm có giá trị là phải được tự do nói lên sự thật. Không bắt đầu từ sự thật, không đả động đến sự thật, không coi sự thật là tiêu chuẩn của chân lý và văn học nghệ thuật không phản ánh sự thật đó thì tác phẩm hỏi có giá trị gì. Nhưng ai sẽ chịu xuất bản những cuốn sách đó?!

Còn vấn đề khác nữa nhỏ thôi, nhưng vẫn cần nhắc đến, đó là giải thưởng, yếu tố khuyến khích tác phẩm xuất hiện. Những cuốn sách được giải Hội Nhà văn năm 1991 như Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma chẳng những tôn vinh nhà văn mà còn làm cho Hội Nhà văn sang giá và sáng giá. Ngày nay thì thế nào? Sách được giải có gây được ấn tượng trên văn đàn không, có được người đọc đón nhận không và có là tác phẩm đỉnh cao không?

_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét