Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Thử định vị tầm của tác phẩm văn học Việt Nam trên trường quốc tế

(Toquoc)-Một trong những vấn đề quan trọng nhất của văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI là phải hội nhập với nền văn học thế giới. Câu hỏi đặt ra trước khi hội nhập là vị trí của văn học Việt Nam hiện ở đâu. Để cung cấp cho độc giả thông tin về vấn đề này, báo điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà văn có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch thuật văn học Việt Nam.

PV: Là người có nhiều năm làm công việc dịch thuật, theo dõi tình hình văn học trong và ngoài nước, ông đánh giá Văn học Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực và thế giới?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Trước hết cần nói rõ điều này: tôi không phải là người nghiên cứu Văn học Việt Nam nên tôi chỉ có thể trả lời với tư cách là một người đọc bình thường, biết sao nói vậy.
Thật ra, đây là câu hỏi rất cần thiết, nhưng không dễ, vì muốn trả lời một cách nghiêm túc, thuyết phục thì phải: 1/ Thống nhất dùng những tiêu chí nào để đánh giá các nền văn học; 2/ Nắm được những con số thống kê về các nền văn học - trước hết là của Việt Nam - để so sánh. Tôi không có các điều kiện đó, mà ở nước ta hình như cũng chưa có ai làm chuyện này. Tôi hi vọng và đề nghị Viện Văn học, hoặc Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra làm bảng xếp hạng các nền văn học thế giới (như bảng xếp hạng bóng đá, GDP hoặc nhân quyền hàng năm ấy) để minh định vị trí văn học Việt Nam ta. Còn ở đây tôi nói chỉ hoàn toàn theo cảm tính cá nhân.
Tôi hình dung các nền văn học thế giới thành một hàng diễu hành xếp theo thứ tự to trước nhỏ sau, và thấy văn học nước mình chìm khuất ở tít đâu đâu ấy. Không nói đến sự che lấp, lấn át của những gã khổng lồ như Nga, Anh, Mĩ, Italia… ngay cả những tên ngoài văn học chẳng có gì ghê gớm lắm (về kích cỡ của đất đai, dân số, kinh tế…) như Ba Lan, Guatemala, Nigeria, Thổ Nhĩ Kì… ta cũng không được xếp ngang hàng, mà thậm chí cả những anh chàng được cho là tí hon (dân số chưa bằng 1/10 nước ta) như Áo, Na Uy, Thụy Sĩ… ta vẫn còn phải theo sau. Dân tộc Ireland bốn triệu người có năm Giải Nobel Văn học; còn Iceland 300 ngàn dân, Saint Lucia chỉ 160 ngàn cũng mỗi nước một Giải. Đến nay đã có 35 nước được trao giải này, mà giờ nếu ai ước mơ Việt Nam nhận Giải Nobel Văn học thì sẽ bị coi là một trò đùa tai quái. Nói về khu vực, ở phạm vi châu lục thì tình hình cũng không khác đi bao nhiêu khi mình phải đứng cạnh những “ông lớn” như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc; còn thu gọn lại trong khu vực Đông Nam Á thì may ra Văn học Việt Nam được xếp vào loại khá, không đến nỗi thua chị kém em, mặc dù có những quốc gia đông dân hơn hoặc tương đương Việt Nam như Indonesia, Philippine, Thái Lan… Riêng trên bán đảo Đông Dương thì có vẻ như mình có cơ chiếm ngôi đầu bảng!

PV: Ông có vẻ… chê bai Văn học Việt Nam? Chẳng lẽ Văn học Việt Nam thật sự không có gì nổi bật so với thế giới? Ông nghĩ như thế nào về sự phát triển của chính nền Văn học Việt Nam hiện nay?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Tôi không chê bai, tôi cũng yêu quí và tự hào với Văn học của ta chứ, nhưng đó là hình dung của tôi về bức tranh toàn cảnh. Không nên nói đại lên về một nền văn học phát triển rực rỡ, tiên phong gì đó khi ra nước ngoài người ta chưa biết mình là ai, như thế nào (cứ nghe lại những chia sẻ chân tình của bạn bè các nước trong Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới đầu năm vừa rồi thì rõ). Nhìn chung, nền Văn học của Việt Nam hiện nay thuộc loại chưa phát triển vì chưa có các tác giả có thể ra thế giới làm nên tên tuổi của mình.
Bản thân việc đánh giá “sự phát triển” của nền văn học Việt Nam hiện nay cũng có vấn đề cần xem xét. Nói đến “nền văn học” là nói đến đỉnh cao, chứ không phải các Câu lạc bộ Thơ hàng ngàn hội viên nhà nhà làm “thơ”, người người in “thơ”. Văn học Việt Nam trong nhiều năm gần đây không có đỉnh cao. Phải ghi nhận một thực tế là khi điểm các thành tựu Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay, các nhà nghiên cứu nghiêm túc (và trong nhận định của bạn đọc hiểu biết) chỉ nhắc đi nhắc lại Vũ Trọng Phụng, Thơ Mới, Nam Cao… sau đổi mới là Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, rồi đến Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh là dừng - nghĩa là thành tựu gần đây nhất cũng đã xa đến hơn 20 năm rồi, nghĩa là suốt bốn nhiệm kì Đại hội Nhà văn trôi qua vẫn chưa có tác giả, tác phẩm nào tương xứng được kể tiếp - chứ chưa nói thay thế những thành tựu đã định danh cũ! Thỉnh thoảng cũng rộ lên dư luận về cuốn này cuốn nọ, nhưng nhìn kĩ lại thì thường là vì những lí do nằm ngoài văn chương, nằm ngoài tác phẩm, rồi chìm dần, chìm hẳn… Giải thưởng của Hội Nhà văn hàng năm cũng có đấy, nhưng cứ mỏng, cứ thưa dần, và hình như trao rồi là… quên.

PV: Trong nhiệm kỳ vừa rồi, tức 5 năm về trước, chúng ta có “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư được xem là đáng chú ý. Như vậy không thể phủ nhận nỗ lực của Hội Nhà văn?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Đúng, “Cánh đồng bất tận” được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong mấy chục năm gần đây, nhưng nó lại rơi vào một trường hợp “điển hình” không lấy gì làm vui của Văn học Việt Nam hiện nay. Lần đầu, truyện được đăng ở báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn - cơ quan văn chương lớn nhất của nước ta - mà không ai để ý; nhưng mấy tháng sau khi xuất hiện trên báo Tuổi trẻ thì tạo nên dư luận sôi nổi. Đến khi “bị đánh”, nó trở thành một hiện tượng; năm 2006 được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hàng năm. Theo tôi, sự nổi tiếng này ít nhiều cũng có tác động của dư luận báo chí. Bản thân tác phẩm hay thì là hay thật, nhưng Ngyễn Ngọc Tư hình như vẫn chỉ mới dừng lại ở đó, chưa phải là một tác giả tiêu biểu ở mức độ cao. Còn coi đây là ‘nỗ lực” của Hội Nhà văn thì e không thỏa đáng.

PV: Thưa ông, vậy thì một số tác phẩm văn học Việt Nam có mặt ở nước ngoài trong thời gian vừa rồi nói lên điều gì?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Nó nói lên rằng Văn học Việt Nam vẫn có thể có chỗ đứng trong đoàn diễu hành của văn học thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa rằng nó đứng hàng đầu - tiên phong. Và Việt Nam cần phải nỗ lực thật nhiều để có được vị trí tương xứng với điều mong muốn và có thể.

PV: Chúng ta có thể cải thiện vị trí đó được không? Nếu có thì bằng cách nào?

Đoàn Tử Huyến: Mọi thứ đều có thể cải thiện được, nhưng phải có điều kiện. Tôi muốn đề cập đến hai điểm sau đây.
Một là, làm thế nào để ta có những thành tựu văn học được bạn đọc thế giới chú ý và hoan hỉ đón nhận? Đó phải là đích thực những tác phẩm nghệ thuật phản ánh được cảm quan của thời đại. Thử nhìn lại, văn học ta trong những năm qua không có nhiều tác phẩm như vậy - những Tướng về hưu, Nỗi buồn chiến tranh, Cánh đồng bất tận... Sở dĩ có cái sự “không có nhiều” ấy là do ở ta chưa có đủ điều kiện để nhà văn sáng tác. Để làm nên tác phẩm (hay dở chưa nói) cần ít nhất một trong ba động cơ, hoặc là hai hoặc cả ba. Một là cái nghiệp, tức là sự thôi thúc nội tâm, không viết không được, dù là tài ít hay tài nhiều. Hai là vì tiền, có thể viết theo đơn đặt hàng, thậm chí viết thuê cho người khác mà không kí tên. Ba là vì danh, có người bỏ tiền ra in sách hoặc trực tiếp mua lấy danh. Cả ba động cơ đó đều có thể tạo nên những tác phẩm để đời (như trường hợp Balzac, Vũ Trọng Phụng, viết vì mưu sinh là chính), nhưng phải với điều kiện là họ được tự do viết những điều họ nghĩ và được xuất bản tác phẩm của mình. (Tất nhiên, tài năng là tiên quyết, điều đó không cần phải nói). Một nền văn học muốn phát triển thì phải để cho cả ba động cơ ấy được tự do thể hiện và sau đó xã hội lựa chọn tác phẩm nào là đích thực văn chương - nghĩa là có sự kết hợp giữa nghệ thuật và nhu cầu cuộc sống. Còn ở ta, nói vì tiền thì nhuận bút quá thấp, không đủ để sống; nói vì danh thì phải lựa cách để không bị đánh cho thân bại danh liệt - nghĩa là khi viết vẫn canh cánh sao cho sách được in và an toàn (có như vậy mới có tiền và có danh!). Đó là chưa nói đến động cơ lớn nhất, bao trùm làm nên giá trị tác phẩm, là nghiệp - tức là không thể không viết những cái muốn viết, chứ không phải viết theo ý người khác: làm nên cái nghiệp, cái thiên chức của nhà văn là sự nhạy cảm, đồng cảm với những số phận bé nhỏ, bị áp bức trong vị thế người phản biện đối với cơ chế luôn bảo thủ trong tương quan với nhu cầu phát triển của xã hội, mà động đến cái đó ở nước ta thì cầm bằng không được in là cái tương đối chắc!
Phải ra, một xã hội, một nhà nước thông minh luôn cố gắng tìm cách vượt lên mình để giải quyết, đáp ứng nhu cầu đó - tự do sáng tạo - và tạo điều kiện tốt nhất cho sự ra đời những tác phẩm văn chương nghệ thuật có thể đến được với người đọc thế giới.
Hai là, cách tổ chức để đưa những tác phẩm đã có ra thế giới như thế nào (1). Về điều này nhà văn Hồ Anh Thái đã nói khá đủ trong bài Con đường xuất ngoại cho văn học Việt Nam (eVan, 4/8/2010, nguồn từ Văn nghệ); tôi xin nhấn mạnh thêm là để thành công thì phải có vai trò đầu tư của nhà nước và phải có định hướng đúng: muốn thành công trong việc đưa Văn học Việt Nam ra nước ngoài thì phải dựa vào tiêu chí văn chương, nghệ thuật chứ không phải bất cứ tiêu chí nào khác - như tuyên truyền chính trị, quan hệ cá nhân... Cho đến nay điều này chưa làm được, hi vọng ở tương lai khi những người quản lí hiểu ra và thực sự giải quyết vấn đề. Ở đây xin có tiếp một nhận xét nhỏ, là nhìn chung thì Văn học Việt Nam chưa có đỉnh cao nổi bật - đặc biệt là ở thể loại nặng: tiểu thuyết - để làm điểm ngắm cho bạn bè nước ngoài, nhưng ở một mặt bằng nào đó thì thơ, và cả truyện ngắn của ta không đến nỗi quá sút kém. Thơ Việt Nam (nói chung, không chọn riêng tác giả), nếu được chăm chút chọn dịch ra thế giới thì có thể được tiếp nhận và đánh giá khá cao. Bằng cứ là dư luận gần đây đánh giá khá tốt về các tập thơ Việt Nam do nhóm Nguyễn Duy, Nguyễn Đỗ - Paul Hoover dịch ra tiếng Mĩ, nhóm Lâm Quang Mĩ - Pawel Kubiak dịch sang tiếng Ba Lan, hay tập Thơ Việt Nam do Nhà xuất bản Tranan (Thuỵ Điển) hợp tác thục hiện với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Truyện ngắn cũng vậy, những nhà văn Việt Nam được giải thưởng ở nước ngoài (không kể giải Asian!) phần nhiều là do truyện ngắn (Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê…). Thơ và truyện ngắn là những thể loại có truyền thống của Văn học Việt, lại gọn nhẹ (về dung lượng chữ) nên nếu biết cách giới thiệu trúng, chuẩn ra nước ngoài thì tôi tin sẽ có vị trí xứng đáng hơn là hiện nay đang có trên thế giới.

PV: Để giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài, vừa mới đây thôi, chúng ta đã có một Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam khá rầm rộ?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Về Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài của Hội Nhà văn thì thực tế là thất bại. Thất bại ở chỗ, có tiếng đấy, có sự kiện đấy nhưng tiền tiêu quá nhiều, công sức bỏ ra cũng khá nhiều (của các đại biểu trong nước và nước ngoài) mà hiệu quả quá ít. Việc làm như thế không vì văn chương, những động tác không vì văn chương nghệ thuật thì không thể thúc đẩy sự phát triển của văn chương. Tôi dám nói rằng, cho tôi một số tiền như vậy, trong một vài năm tôi sẽ đưa được ít nhất vài chục tác phẩm ra nước ngoài (bằng sách in với bản dịch hoàn chỉnh) và trong đó có những tác phẩm được dư luận đánh giá tốt làm thay đổi cái nhìn của bạn bè quốc tế về bộ mặt của Văn học Việt Nam.

* Xin cảm ơn dịch giả!

Hiền Nguyễn (thực hiện)
------------------------
(1) Vừa rồi thông tin từ Hội Nhà văn là đã có 570 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, theo tôi nếu hiểu chính xác thì đây là con số không thể có (không kể cách gọi một bài thơ, một truyện ngắn được in trong các tuyển tập hoặc trên báo chí cũng là một tác phẩm, hay đây là con số thống kê tất cả các đầu sách văn học Việt Nam được in ở tất cả các nước trên thế giới).

_________________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét