Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Nhân loại "sợ" chữ và "cưu mang" chữ

Đỗ Minh Tuấn (Nhà văn)

Chữ nghĩa quan trọng lắm, linh thiêng lắm và cũng nguy hại lắm. Cho nên kẻ chơi chữ là kẻ sang trọng, cũng ngang với trò chơi "đế vương". Kẻ dùng chữ làm vũ khí thường làm các bậc vua chúa "kiêng dè, kinh sợ". Chữ nghĩa văn chương đã gây ra biết bao nhiêu buồn vui, xáo trộn và đe dọa, khiến người ta cảnh giác, nghi ngờ song vẫn cưu mang nó. Nhưng khi nó bị chính văn nhân quên lãng, người ta mới cảm thấy bối rối, xót xa.

Chữ nghĩa quan trọng và "nguy hiểm" lắm

Nhiều người bảo rằng chữ nghĩa, văn chương là thứ quan trọng lắm, "bút sa gà chết", chỉ đặt sai một dấu phẩy thôi là có thể gây chết người như bỡn. Người ta vẫn dẫn ra câu chuyện thầy thuốc thấy sách viết "Đau bụng uống nhân sâm" vội kê đơn cho con bệnh. Khi xảy ra án mạng, giở lại sách xem thì trang sau còn có hai chữ "tắc tử", nghĩa là đau bụng uống nhân sâm thì chết ngay lập tức.

Sách dạy nghề ý tứ thẳng băng mà chữ nghĩa còn đỏng đảnh khùng điên độc ác thế, sách văn chương rậm rít ý tình, ngoắt nghéo tâm tư, đọc một suy mười, chữ nghĩa còn đáng kinh sợ hơn gấp bội. Trong lịch sử, chẳng đã từng xảy ra bao nhiêu án văn tự đó ư? Chả cứ gì chữ nghĩa trong văn chương, chữ nghĩa ở đời nói chung là nguy hiểm chết người.

Anh hùng cái thế gặp nhau trong Tam Quốc, chỉ giống nhau một chữ "Hoả" viết trong lòng bàn tay thôi mà trời đất đảo điên, khói lửa mịt mù, giang sơn binh biến. Chỉ luận sai một chữ trong mớ chữ cung quăng của bác sĩ thời nay là có thể làm toi mạng bệnh nhân. Chỉ một chữ "duyệt" viết sai chính tả của các quan chức, là hàng ngàn tỷ của nhân dân có khi trở thành mây khói, chui vào túi bọn người tham nhũng.
Nhà văn thì cho rằng Trời sinh ra chữ để con người ký thác sinh mệnh hồn vía mình trong đó. Có thần thánh hiển linh trong chữ để làm chứng cho tài nghệ văn chương. Trước khi viết một chữ để thờ, người xưa thường trai giới tâm niệm cả tháng trời để như thể dọn đường cho thần thánh đăng quang trong nét bút xuất thần.

Chữ quan trọng lắm, linh thiêng lắm và cũng nguy hại lắm. Cho nên kẻ chơi chữ là kẻ sang trọng, cũng ngang với trò chơi "đế vương". Kẻ dùng chữ làm vũ khí thường làm các bậc vua chúa "kiêng dè, kinh sợ". Kẻ lấy chữ làm phương tiện lập thân bị người xưa khinh chê vì đem cái cao sang nhất để phục vụ cho những dục vọng cá nhân tầm thường, nhỏ bé. Trong lịch sử trầm luân của nhân loại, chữ nghĩa văn chương đã gây ra biết bao nhiêu buồn vui, xáo trộn và đe dọa, khiến người ta cảnh giác, nghi ngờ với sức mạnh và phép thuật của nó.

Từ khi báo chí ra đời, chữ nghĩa lại có thêm tầm quan trọng khác. Báo chí lợi hại lắm, chữ nghĩa không thận trọng cũng dễ làm lòng người phân tâm. So với chữ trên báo thì chữ nghĩa trên sách lại có vẻ ít đáng sợ hơn, vì nó thu lu trong tủ sách, trong thư viện, gáy bìa chễm chệ, như thể quan văn lụng thụng áo dài, yếu đuối vòng vo.

Chữ trên báo như quan võ xông xáo trong đời. Nó vừa múa may trên tay bác xích lô xong, đã thấy quát tháo trên bàn ông Bộ trưởng. Ngay cả khi tờ báo bị cặp mông núng nính của bà bán thịt đè lên, chữ nghĩa vẫn không chịu chết. Có thể vào lúc nghỉ trưa nằm khểnh bên mẹt thịt, bà ta tiện tay đưa mảnh báo lên xem. Thời quá độ người dân như bà có bao nhiêu bức xúc, bực dọc vì bị đám thuế vụ, lưu manh, quản lý chợ, đầu gấu trấn tiền các kiểu, vì con cái học thêm tốn nhiều tiền quá, vì cái loa của thằng bé bán báo ra rả quảng cáo về vụ án như nện búa vào đầu dây thần kinh, vì cái chân giò ôi không bán được.v.v. Lúc ấy, mẩu báo bà đọc dễ như đổ thêm dầu vào lửa lắm. Vì thế, biên tập báo phải kỹ, chớ để "sểnh" ra một câu chữ.
Đó là lý do vì sao chữ nghĩa trên báo thường trơn tru trụi trần như gà vặt sạch lông khiến nhiều người viết báo tỵ nạnh sao chuyện kia viết được trong tiểu thuyết, truyện ngắn mà không thể viết ra trên báo? Rốt cuộc, trên những vị trí trang trọng nhất của tờ báo thường là những cụm từ tân văn mòn sáo...

Trong kỷ nguyên truyền hình lên ngôi, người ta nói hình ảnh quan trọng lắm, báo hình có sức mạnh gấp nhiều lần báo viết. Nếu hình ảnh trên ti vi không quan trọng thì tại sao mới chỉ qua một đợt chiếu phim "Hoàn Châu Cách Cách" thôi mà đồ chơi Tàu, áo mũ Tàu, mặt nạ Tàu, tràn ngập cả Tết trung thu của người Việt? Hình ảnh có sự năng động, có ma thuật lớn thôi miên ám thị người xem, bắt họ phải mua nước ngọt Cocacola, dùng bột ngọt Azinomoto và bỏ phiếu cho ngài Mitterand trở thành Tổng thống.

Vì hình ảnh quan trọng thế nên phim ảnh chiếu trên truyền hình phải cân nhắc lắm, không thể thoải mái như phim nhựa chiếu ngoài rạp hay băng đĩa xem trong gia đình được! Người ta có thể xuất bản cả bộ tiểu thuyết tình dục "Kim Bình Mai" hoặc tự do thuê đĩa phim này ở ngoài quầy băng về xem, nhưng không thể chiếu trên ti vi cho toàn dân xem được. Hình ảnh quan trọng là thế, những tưởng nó đánh bạt được chữ nghĩa. Ai dè, chữ nghĩa quỷ quái vẫn ăn theo tầm quan trọng của hình ảnh, thậm chí nhiều khi làm cho hình ảnh bị lộ tẩy, bị gánh tội oan...

Chẳng hạn, khi một vị giữ trọng trách nào đó đang xem phim truyền hình phải chạy vào toilet, thì lúc ấy trên tivi có thể tha hồ trình diễn các hình ảnh yêu đương bạo lực mà chẳng hề hấn gì vì vị ta có nhìn thấy hình ảnh nào nữa đâu! Nhưng nếu chẳng may lúc ấy có một câu thoại gai góc buột ra len lỏi vào tai vị ta, có thể làm vị ta giật mình, đòi xem lại bộ phim và chấn chỉnh, phê bình nhà đài, nhà báo. Thế là chữ nghĩa vẫn quan trọng hơn hình ảnh trên thực tế.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi có vị duyệt phim truyền hình theo kiểu nhắm mắt lại lim dim nghe lời thoại. Khi nghe thấy có câu nào gờn gợn là vị ta choàng tỉnh đòi tua ngược lại băng để định vị giây phút bắt cắt, bắt sửa câu thoại nguy hiểm ấy sao cho êm tai vô hại. Thế mới biết ngôn ngữ vẫn vô cùng quan trọng.
Hình ảnh có thể làm cả một lớp trẻ trở nên bạo lực, dâm đãng, buông thả, đua đòi, làm sôi động cả thị trường mốt thời trang và thị trường hàng mã, làm hàng triệu người ngượng chín mặt khi xem quảng cáo, song nó không làm ai mất ghế. Nhưng một câu thoại gai góc, lập lờ có thể làm mất chức một vị quan như chơi. Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào, cứ thiến sạch những câu thoại khả nghi là yên tâm nhất. Nền điện ảnh có vì thế mà trở nên tầm thường, xuống cấp thì cũng chẳng chết ai! Có truyền hình rồi mới thật tin chữ nghĩa quả là quan trọng nhất !

Khinh chữ, gác chữ và cưu mang chữ

Chữ nghĩa quan trọng và nguy hiểm thế nên xưa nay người ta "canh gác" chữ cẩn mật lắm. Thậm chí, để phòng vệ với chữ nghĩa từ xa, nhiều khi người ta đề cao những người nói năng viết lách nhợt nhạt và công thức, chữ tác đánh chữ tộ, dây cà ra dây muống vì họ là những người có một bản lĩnh ghê gớm để trị lũ chữ nghĩa. Họ khinh chữ, tạt tai ngữ pháp, đá đít văn phạm..., y như một dũng tướng một mình một ngựa xông vào làm toán loạn đám giặc cỏ vậy.

Những diễn văn ậm ờ luộm thuộm của họ chính là bãi chiến trường nơi bọn giặc chữ bị chết như ngả rạ. Xét ra, sự bóng bẩy sinh động gai góc của chữ nghĩa văn chương cũng đã có sứ mệnh thiêng liêng cao cả, nhưng sự mòn sáo và nhàm chán còn thiêng liêng và cao cả hơn nhiều, vì rốt cục thì chữ nghĩa có bị cạo trọc, lột trần, cũng là vì một sự thanh bình yên ổn trong cõi thế mà thôi! Văn chương chữ nghĩa phải lùi đi, phải hy sinh cho hoà bình, phồn vinh và trật tự mới của toàn nhân loại.
Cái tâm thế đó đã sinh ra những tên "đao phủ" chữ, những biên tập viên chặt chém không thương tiếc những chữ nghĩa khả nghi theo phương châm "giết nhầm còn hơn bỏ sót". Nhưng mặt khác, nó cũng sinh ra những biên tập viên tri kỷ tri âm, biết trân trọng xót thương và cưu mang chữ nghĩa như cưu mang Chúa trong cơn thương khó. Họ biến hoá khôn lường như những thầy phù thủy. Khi buộc lòng phải xử trảm những câu chữ tâm đắc nào đó, họ thường tìm cách cho chữ nghĩa "cải trang" chạy trốn. Ngòi bút của họ quyết liệt, nghiêm minh, nhưng thực ra họ chỉ vung đại đao chém cụt bộ râu dài, như Tào Tháo cắt râu khi chạy trốn, làm biến dạng câu chữ để câu chữ ấy tiếp tục sống.

Cái kiếp chữ thời phong kiến đầy huý kỵ phải sống chui sống lủi kể cũng nhục nhằn. Nhưng thật trớ trêu, chữ nghĩa có khả năng biến cải hình hài, biến vải liệm thành áo bào của nó. Chỉ cần một ánh mắt tri âm tri kỷ chạm vào nó là chữ nghĩa lại hiện nguyên hình. Như thể nó là một Tiên ông hoá thân thành kẻ ăn xin rách rưới và hèn kém để thử thách lòng người, ai nhìn thấy cái bản lai diện mục đằng sau những hình tướng tầm thường, kẻ đó đáng được hưởng ân sủng của thánh thần.

Chữ nghĩa tàng hình, biến hình thật quỷ quái tinh ma. Vì thế nó thật đáng sợ. Những người biên tập văn chương có thiện chí, có lương tâm đôi khi phải bôi thêm bùn, trát thêm nhọ vào cốt cách Tiên ông của chữ nghĩa để giấu kín chữ nghĩa hơn, đó chỉ là cách họ giúp cho chữ nghĩa tìm ra kẻ tri âm đích thực, kẻ cưu mang đích thực mà thôi!

Ngày xưa, kiểm duyệt và biên tập là hai nghề khác nhau. Kiểm duyệt chữ nghĩa của đám nhân văn sĩ tử, kể cả thiên tài nhiều khi cũng chỉ cần vài người biết đọc thông viết thạo, viết sai chính tả cũng được, nhưng phải thuộc luật và biết gạch xoá cho rõ nét. Chữ của nhà văn siêu hạng cũng chỉ cần một nhát gạch y như chữ của bọn người vừa tập tọng viết văn, làm thơ.

Thế nhưng, dù kiểm duyệt khắc nghiệt đến đâu, người ta vẫn tuyên án tử hình chữ nghĩa trang trọng công khai, không đối xử với chữ nghĩa của văn sĩ thi nhân lạnh lùng, vô cảm. Ở những chỗ kiểm duyệt gạch bỏ người ta in công khai dòng chữ "Kiểm duyệt bỏ đoạn này", như thể xây cho những chữ bị xử trảm một nghĩa địa có khuôn viên trang trọng, để những người động lòng trắc ẩn với chữ nghĩa có thể biết mà tìm kiếm xác những câu chữ bị tử hình để khâm liệm và mai táng.

Chữ nghĩa thanh cao và thâm sâu vẫn luôn được các văn nhân và những người tri kỷ cưu mang trong những cơn thương khó. Ai ngờ đâu có một ngày, chính các văn nhân lại trở thành kẻ vô địch trong trò chơi tạt tai chữ nghĩa, dẫm bẹp văn chương như ở Đại hội nhà văn lần thứ 8 vừa qua.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét