Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Tắc thì làm ruộng chứ đừng “núp sau bụi rậm” sáng tác

A Sáng

Có ông nhà văn sau khi thấy trên mạng xuất hiện một bài viết không hay về mình thì lập tức đùng đùng nổi giận, viết ngay một bài to sụ để chửi lại, dù ông không biết tác giả đó là ai, và những kiểu bài viết như thế chẳng có giá trị gì. Giới văn chương vẫn thiếu một cái gì đó gọi là tính văn nhân, rất dễ bị kích động, nổi đoá như dân hàng thịt.

Internet ra đời và kèm theo đó là sự thay đổi kỳ diệu của cuộc sống con người. Giới văn chương bắt đầu thoả sức "xuất bản" những tác phẩm của mình mà không hề lệ thuộc vào bất cứ nhà xuất bản hay tờ báo nào. Chưa bao giờ những người cầm bút được tự do - hết sức tự do để công bố tác phẩm của mình trước bàn dân thiên hạ như vậy. Họ tự lập trang Web, Blog... và thoả sức sáng tác. Đã xuất hiện nhiều trang Web xuất sắc, thu hút rất bạn đọc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với cư dân nghiền mạng.

Thế nhưng cũng bắt đầu từ đó, mạng trở thành mảnh đất để những kẻ cầm bút thiếu bản lĩnh, vô trách nhiệm, hèn kém, hoặc có thể nói là vô văn hoá lợi dụng. Họ dấu tên hoặc mượn một bút danh nào đó và bắt đầu viết những bài báo thiếu lành mạnh. Họ bắt đầu công kích ông A, bà B, anh C... hết sức thoải mái. Thậm chí, nhiều cây bút còn kể những chuyện hết sức kém, hoặc bịa tạc câu chuyện nào đó nhằm hạ nhục một người khác. Và chẳng thiếu gì những bài phê bình văn chương cực kỳ độc đoán nhằm đè bẹp nhà thơ X, nhà văn Y vì trong họ đã sẵn lòng đố kỵ, hay ganh ghét.
Có những bài viết hết sức công phu, dẫn chứng hùng hồn, quy chụp mạnh mẽ... nhưng tất cả tác giả đều giấu tên, hoặc mượn bút danh nào đó. Điều này cho thấy giới văn chương của chúng ta vẫn thích ném đá giấu tay, hay nói nôm na là thiếu bản lĩnh. Nếu chúng ta không thích thơ hay văn của ai đó tại sao không thẳng thắn viết ra những ý kiến riêng của mình và chịu trách nhiệm trước những lời lẽ ấy? Chỉ có những người hèn, yếu bóng vía, hoặc bất tài mới núp đằng sau công nghệ mạng để công kích người khác. Người đó biết rõ ràng rằng, những bài viết kiểu thế sẽ không được bất cứ tờ báo chính thống nào đăng tải, nếu có họ cũng sẽ yêu cầu biết chính xác tác giả để còn chịu trách nhiệm, vì thế họ mượn Web, Blog hay một cái gì đó ở trên mạng để công bố. Như thế người ta gọi là núp trong bụi rậm chửi ra, đứng ngoài bóng tối ném đá vào... làm như vậy chỉ hợp với những người không đàng hoàng mà thôi.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ trước kỳ Đại hội Nhà văn toàn quốc, những trang Web, Bolg cá nhân nóng lên hừng hực vì những bài viết kiểu thế. Và chỉ cần ngửi qua cũng biết đó là những nhà văn của chúng ta tự viết. Họ nói xấu nhau, dè bỉu nhau, lên án nhau, hạ bệ nhau bằng một thứ được gọi là "văn chương" nhưng tất cả đều núp sau bụi rậm, chỉ rất ít những cây bút lấy tên thật đàng hoàng và nếu có cũng hết viết hết sức lố bịch. Cái dòng thông tin không chính thống ấy chẳng có tác dụng gì, nhưng xem ra nó rất hấp dẫn với những cây bút hèn hạ. Thế nhưng khi vào thảo luận trong đại hội, tất cả họ im re, chẳng ai lên tiếng một cách mạnh mẽ như đã từng viết trên mạng. Hèn! Đó là kết luận của những ai quan tâm tới văn chương mạng.

Có người phải thốt lên rằng, sao các nhà văn, nhà thơ của mình có nhiều thời gian cho việc viết những thể loại nhăng nhít thế? Cái thời gian ấy nếu để sáng tác có lẽ được cả rổ tác phẩm chứ chẳng đùa. Đáng buồn thay, suốt nhiều năm qua bạn đọc chẳng được thưởng thức tác phẩm văn chương nào ra hồn, vẫn chỉ những tác phẩm lẹt đẹt, hoặc thể loại "dâm thư" rẻ tiền. Không ít các nhà văn vì ấm ức chuyện gì đó với thủ trưởng, bạn bè, hay xã hội đã tự "xổ" vào Blog của mình. Nhưng nếu chỉ viết để giải toả, hoặc giữ cho riêng mình thì chẳng sao, nhưng ngay lập tức họ cho nó nổi lên mạng để người khác đọc.

Cũng có ông nhà văn sau khi thấy trên mạng xuất hiện một bài viết không hay về mình thì lập tức đùng đùng nổi giận, viết ngay một bài to sụ để chửi lại, dù ông không biết tác giả đó là ai, và những kiểu bài viết như thế chẳng có giá trị gì. Giới văn chương vẫn thiếu một cái gì đó gọi là tính văn nhân, rất dễ bị kích động, nổi đoá như dân hàng thịt. Sự tranh luận nếu có xuất hiện ở những tờ báo chính thống và mang tên tác giả đàng hoàng cũng chỉ nhằm công kích cá nhân. Rất hiếm hoi bạn đọc được chứng kiến một cuộc tranh luận trên diễn đàn để đi đến một sự khai mở nào đó trong học thuật. Nhà văn A viết phê bình về vấn đề của nhà văn B, và ngay lập tức nhà văn B nổi đoá không thèm để ý hay phân biệt đâu là tranh luận, đâu là cãi vã, cứ thế viết ào ào chửi lại.

Ở tờ tuần báo Văn nghệ - cơ quan ngôn luận chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam đã không ít lần chứng kiến cảnh các nhà văn chúng ta ầm ầm lao đến toà soạn, bắt phải in bài tranh luận. Nhưng khi công bố, các biên tập viên thường phải cắt bớt, hoặc chỉnh sửa cho nghiêm chỉnh, hoặc có văn hoá hơn... thì ngay lập tức họ lao tới chửi bới rằng, chữ nghĩa của tao là chuẩn mực không được cắt xén, chỉnh sửa. Tao kiện! Nhưng nếu đăng nguyên văn bài viết kiểu ấy sẽ thấy nó là một bài chửi ngoa ngoắt, thậm chí hết sức tục tĩu. Thế mới thấy cái chất văn nhân của một số nhà văn còn quá nghiệp dư và cách xa văn hóa. Việc bạn đọc phải đợi mãi chưa thấy tác phẩm nào đàng hoàng xuất hiện cũng là điều dễ hiểu, nhiều tác phẩm chỉ nhăng nhít, oằn èo.

Và thứ ấy nó đầy rẫy trên mạng. Ôi! Các văn nhân! Xin hãy dùng thời gian vàng ngọc vào sáng tác, nếu bế tắc thì về quê làm ruộng, hoặc ra quán uống bia cho sướng cái thân, tội gì mò mẫm bên bàn phím để viết ra những thứ như thế làm gì. Và nếu dũng cảm hơn thì gặp nhau mà nói chuyện đàng hoàng, cùng lắm oánh nhau một trận cho ra chất hảo hán. Đằng này cứ núp sau bụi rậm, âm mưu trong bóng tối, mượn công nghệ tiên tiến của nhân loại để thoả mãn sự hèn làm gì. Ôi! Đáng thương! Đáng hổ thẹn!

________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét