Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Văn nhóm: một thiếu vắng

Hoài Nam

Hai điều kiện then chốt cho việc hình thành và vận hành các nhóm văn chương trong đời sống: thứ nhất, văn nhóm phải có cơ quan ngôn luận hoặc cơ quan xuất bản của riêng mình. Thứ hai, văn nhóm phải có “thủ lĩnh”, tức một cá nhân có tài năng, có uy tín, có chính kiến, có ý chí tạo lập một đường lối phát triển riêng mang ý nghĩa tích cực trong văn chương.

Đến với các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, người đọc rất hay được tác giả mời dự khán những đại hội võ lâm. Thành phần tham gia đại hội võ lâm đương nhiên là các nhân sĩ võ lâm, những người đặt cuộc sống và mạng sống của mình trên đầu đao mũi kiếm. Nhân sĩ võ lâm vốn có “dăm bảy đường”, nhưng ở đây xin chỉ nói tới hai loại: một loại ngang dọc trên giang hồ với tư cách những “cá nhân đơn trị”. Họ đến đại hội, tự mình đại diện cho chính mình, tự mình chịu trách nhiệm về mình, danh tính của họ ngoài cái tên cha sinh mẹ đẻ và ngoại hiệu do đồng đạo giang hồ đặt cho thì không còn gì thêm nữa. Một loại khác, cho dù đó là những cao thủ thượng đẳng, lại đại diện cho môn phái hoặc bang hội mà họ là thành viên, nói gọn lại là “nhóm”. Với loại này, danh tính của người và danh xưng của nhóm thường gắn chặt với nhau khi được xướng lên trong đại hội (ví dụ: Hoa Sơn Nhạc Bất Quần, Võ Đang Trương Thúy Sơn v.v...).
Đang trong thời gian có đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Chưa rõ nội dung Đại hội VIII này có gì mới, nhưng về thành phần thì chắc chắn cũng như bảy lần đại hội trước: các nhà văn tham gia đại hội tự đại diện cho chính mình, và chỉ mình mà thôi. Không tồn tại cái gọi là “nhóm văn học” ở đây. Ai đó sẽ phản bác rằng: khi một nhà văn tham gia đại hội, nếu anh ta không là đại biểu của khối các lực lượng vũ trang thì sẽ là đại biểu của khối các cơ quan trung ương hoặc chi hội nhà văn địa phương nào đó v.v... Tóm lại là anh ta đại diện cho một cái gì đó rộng lớn hơn chính bản thân anh ta. Xin thưa: “cái gì đó” chẳng có gì chung với khái niệm “nhóm văn học” cả. Trở lại một chút với câu chuyện tào lao về nhóm trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung ta sẽ thấy ngay: sự khác nhau giữa các nhóm ở cái thế giới đầy đao quang kiếm ảnh này không chỉ là sự khác nhau giữa chính phái với tà phái, hắc đạo với bạch đạo, hay sự khác nhau về nghề nghiệp hoặc vị thế xã hội. Cơ bản hơn, nó là sự khác nhau về phẩm tính võ công của các môn phái, bang hội. Võ công của Thiếu Lâm khác Võ Đang, Hoa Sơn khác Tung Sơn, Đào Hoa Đảo khác Thiết Chưởng Bang. Khác ở tư tưởng về võ học, khác ở quy trình tu tập, khác ở lộ số chiêu thức công thủ. Sự khác biệt này, nếu được áp vào văn học, nó sẽ biểu hiện ra bằng sự khác biệt ở quan niệm nghệ thuật về văn học, quan niệm về chức năng xã hội của người cầm bút, quan niệm về thể loại và ngôn ngữ văn học v.v và v.v... Đây chính là cơ sở cốt yếu của sự hình thành nhóm và sự phân biệt giữa các nhóm trong văn học, là điều kiện cực kỳ cần thiết cho cái tạm gọi là “sự đa dạng sinh thái” của đời sống văn học, điều đang hiện diện như một sự thiếu vắng trong nền văn học của chúng ta.
Hiện tại không có, nhưng trước kia - tôi muốn nói tới giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945 - rõ ràng có các nhóm văn học trong đời sống văn học Việt Nam, và ta hoàn toàn có thể gọi tên của chúng.
Thoạt tiên, phải nói tới Tự Lực văn đoàn, nhóm văn học do Nguyễn Tường Tam sáng lập, hoạt động sôi nổi nhất trong khoảng 1932 - 1939. Các văn gia cột trụ của nhóm gồm: Nguyễn Tường Tam (tức Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (tức Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Lân (tức Thạch Lam), Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng), Hồ Trọng Hiếu (tức Tú Mỡ), Nguyễn Thứ Lễ (tức Thế Lữ), và Ngô Xuân Diệu. Nhóm có cơ quan ngôn luận là tuần báo Phong Hóa và tuần báo Ngày Nay (ra năm 1936, trước khi tờ Phong Hóa bị đóng cửa) cùng một cơ quan xuất bản là nhà xuất bản Đời Nay. Tôn chỉ 10 điều của Tự Lực văn đoàn (đăng trên Phong Hóa số ra ngày 2 tháng 3 năm 1933) có thể được tóm tắt theo cách của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi: “Mục tiêu của Tự Lực văn đoàn là xướng xuất một trào lưu sáng tác văn học theo hướng hiện đại hóa, lấy nguyên tắc nghệ thuật của “Thái Tây” làm chuẩn mực; chống lại lễ giáo phong kiến và mọi thứ khuôn phép của đạo Khổng từ lâu vẫn đè nặng lên toàn xã hội, phơi bày cho mọi người thấy vô vàn tập tục luân lý cổ hủ vô nhân đạo, sản phẩm của gánh nặng đó vẫn đang tồn tại, nhất là ở nông thôn. Hướng con người vào cuộc đấu tranh nhằm giải phóng cá nhân và tìm cách cải lương xã hội theo lý tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của phương Tây...” (Từ điển văn học, bộ mới. Tr. 1900, 1901). Trên thực tế, mục tiêu ấy đã được Tự Lực văn đoàn thực hiện một cách khá rốt ráo bằng sáng tác của các thành viên trong nhóm. Và điều quan trọng hơn cả, là họ để lại dấu ấn rất tích cực trên tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam hiện đại. “Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại thực sự hình thành và ghi được những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này” (Nguyễn Huệ Chi. Sđd, tr. 1903) - nhận định đó có lẽ là nhận định ngắn gọn và chính xác nhất về đóng góp của nhóm Tự Lực văn đoàn đối với lịch sử văn học nước nhà.
Cùng thời, nhưng cách thức hoạt động có nhiều phần rất khác với nhóm Tự Lực văn đoàn là nhóm Tân Dân của Vũ Đình Long. Cái khác cơ bản giữa Tự Lực văn đoàn và Tân Dân là cái khác giữa một văn nhóm có tổ chức chặt chẽ, có sự lập thuyết rõ ràng, và một văn nhóm thì không. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung không hề quá lời khi nhận định: “Tân Dân thực chất chỉ là một cơ sở kinh doanh văn chương, trong đó các nhà văn là những người làm thuê theo hợp đồng, mà giá cả tùy thuộc vào việc bán chạy nhiều hay ít tác phẩm của mỗi người” (Từ điển văn học, bộ mới. Tr. 1274). Mặc dù vậy, với sự cộng tác thường xuyên của một đội ngũ tác giả gồm những cái tên đáng chú ý như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Lê Văn Trương, Lan Khai, Nam Cao, Bùi Hiển, Tô Hoài, Kim Lân v.v... nhất là với sự giúp việc của Vũ Bằng trong vai trò một thư ký tòa soạn rất biết nhận ra và phát huy sở trường của cộng tác viên, ông chủ nhà xuất bản Tân Dân cũng đã làm được khá nhiều điều cho văn học. Hãy cứ đặt những cái tên kể trên của nhóm Tân Dân bên cạnh “thất tinh” của nhóm Tự Lực văn đoàn ta sẽ thấy ngay: nếu “thất tinh” Tự Lực văn đoàn làm thành cực lãng mạn chủ nghĩa, thì dưới “ngọn cờ” Tân Dân chủ yếu là những tác giả làm thành cực hiện thực chủ nghĩa trong văn học Việt Nam hiện đại. Đúng, rằng Tân Dân là nhóm văn học không tuyên ngôn, không xác lập tôn chỉ mục đích rõ ràng. Đúng, rằng nhiều khi do chạy theo thị hiếu của số đông độc giả bình dân, Tân Dân đã tung ra thị trường những tác phẩm viết một cách khá dễ dãi, không trau chuốt. Nhưng không thể vì thế mà lại phớt lờ một thực tế là không ít tác phẩm vào loại xuất sắc nhất của văn xuôi hiện đại trước năm 1945 chính là do Tân Dân xuất bản hoặc đăng tải. Nội điều đó có lẽ đã đủ để lưu danh nhóm Tân Dân trong văn học sử.
Nhóm văn học thứ ba phải kể đến là nhóm Hàn Thuyên, thành lập năm 1941, theo một chủ trương lớn: “Kiến thiết được một hệ thống văn hóa mới để làm kim chỉ nam cho hoạt động tiến thủ”. Những nhân vật chủ chốt của Hàn Thuyên gồm: Nguyễn Bách Khoa, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Nguyễn Tế Mỹ... trong đó, giữ vai trò linh hồn của nhóm chính là Nguyễn Bách Khoa. Nhóm có một lực lượng cộng tác viên với những cái tên rất sáng giá: Đặng Thai Mai, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Huy Phồn, Chu Thiên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp v.v... Trong khoảng sáu năm hoạt động, Hàn Thuyên đã ấn hành được gần một trăm đầu sách, trong số đó có không ít cuốn gây được tiếng vang. Về sáng tác văn học, có Một chuỗi cười của Bùi Huy Phồn, Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, Bút nghiên của Chu Thiên, Ngoại ô và Ngõ hẻm của Nguyễn Đình Lạp, v.v... Về sách thuộc loại nghiên cứu, biên khảo có Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, Nghệ thuật thi ca của Lương Đức Thiệp, rồi một loạt tác phẩm của Nguyễn Bách Khoa: Kinh Thi Việt Nam, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều... Theo tôi, chính là với mảng sách thứ hai này, nhóm Hàn Thuyên đã “ghi điểm” trong văn giới. Không phải chờ đến Hàn Thuyên thì văn học Việt Nam mới biết đến loại tác phẩm nghiên cứu, biên khảo, nhưng quả đúng là phải đến lúc Hàn Thuyên xuất hiện thì sách nghiên cứu, biên khảo của văn học Việt Nam mới lần đầu tiên có được cái nhìn “duy vật sử quan”, những tư tưởng mỹ học Mácxít mới lần đầu tiên được phổ biến trong giới nghiên cứu văn học. Công ấy, xét ra không phải nhỏ.
Từ ba nhóm văn học kể trên đã có thể nhìn ra được hai điều kiện then chốt của sự hình thành và vận hành các văn nhóm trong đời sống. Thứ nhất, văn nhóm phải có cơ quan ngôn luận hoặc cơ quan xuất bản của riêng mình (Tự Lực văn đoàn và Tân Dân có cả hai). Thứ hai, văn nhóm phải có “thủ lĩnh”, tức một cá nhân có tài năng, có uy tín, có chính kiến, có ý chí tạo lập một đường lối phát triển riêng mang ý nghĩa tích cực trong văn chương (Nhất Linh và Nguyễn Bách Khoa là những ví dụ khá tiêu biểu cho nhân cách thủ lĩnh nhóm). Điều kiện thứ nhất đảm bảo cho nhóm sự chủ động trong việc phổ biến tác phẩm của các thành viên cũng như tác phẩm của những tác giả cộng tác với nhóm. Điều kiện thứ hai xác lập cho nhóm một tiếng nói riêng, một dòng chảy riêng, không bị lẫn với các dòng chảy khác trong đời sống văn học. Trong bối cảnh hiện tại, không dễ có được điều kiện thứ nhất. Còn điều kiện thứ hai, có lẽ phải trông chờ ở “tầm” và “tâm” của những vị lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản chuyên (hoặc nghiêng) về văn học. Nói chung, với quan điểm riêng của người viết bài này, tôi không thấy tin tưởng lắm vào khả năng hiện thực hóa của văn nhóm trong văn học Việt Nam ở một tương lai gần.

___________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét