Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân (Phần cuối)

Truyện ngắn của Uông Triều

(tiếp theo và hết)

Bồn chồn.
Tiếng gà gáy sớm…
Pháp Không khơi thêm bấc đèn, phòng lửa tàn. Điều Ngự nét mặt bình yên, phẳng lặng sau cơn giông bão. Ánh mắt ngài đang thấu vào cõi xa xôi, xuyên qua màn đêm, nhập vào cõi hư vô tận cùng, ánh lửa từ nghìn xa trập trùng tràn về. Cảnh tượng lạ kỳ. Luồng khí sáng từ trong thảo am Ngọa Vân bỗng cựa quậy, thoát ra khỏi tường vách chật hẹp, tỏa ra bốn phương trời, mười phương đất, rực sáng như muốn thiêu đốt lần cuối. Ánh sáng ngụt mạnh, bốc như hỏa lò, căng đượm, nóng rực, rát bỏng mặt người. Một sức nặng ngàn cân từ thảo am Ngọa Vân đang rời khỏi mặt đất, chầm chậm, yên bình, hướng thẳng lên trời.
Pháp Không xiết mạnh hai bàn tay vào nhau, hỏi khẽ.
- Bảo Sái đang đi xem những chỗ để kinh sách dưới Thông Đàn, đề phòng mưa gió làm ướt hỏng, một chốc sẽ quay lại. Tôn đức có nỗi lòng, có muốn sai bảo điều gì chăng?
Tiếng Người đáp lại nghe như gió thoảng.
- Bữa trước hai vị tì kheo Tử Danh và Hoàn Trung dìu ta lên đây, họ muốn ở lại nhưng ta không giữ. Ta bảo họ việc sinh tử không thể xem thường, cũng không cần ồn ã. Ta đang chờ thôi.
Điều Ngự nghiêng mình. Trời đất chuyển vận, những đợt gió day dứt, quất siết bắt đầu giạt dụa, dềnh dang, im lịm rồi tắt hẳn. Trời quang đãng, sáng rực lên. Giữa đêm, không khí thoáng rộng lạ thường.
Pháp chủ mở rộng đôi bàn tay cho khí mát tràn vào. Ta chắc không phải đợi lâu, cũng chẳng vội gì. Ngày của ta đã định, càn khôn đang chuyển mình. Rừng Ngọa Vân yên lặng như ngày ta mới lên đây, thảm trúc vẫn tươi tốt rì rào. Tiếng nước chảy dưới khe, nghe rõ và trong quá, tiếng của đất trời, của rừng xanh, của muông thú quây quần, tiếng của lòng ta. Một vệt sáng, chói rực trên trời…
Bảo Sái quay lại thấy Pháp Không đang túc phục bên thượng hoàng. Nhìn nhau, bồn chồn.
- Trời yên gió phải không?
- Dạ, trời lặng, sáng bừng lên.
- Giờ này là giờ gì?
- Thưa, giờ Hợi.
- Chưa đến giờ của ta.
Phía trời Bắc một vì tinh tú sáng rực trụt xuống. Tiếng vượn kêu khóc ngừng bặt, lá cây thôi trút. Vũ trụ yên lặng, sức nặng đang tút sâu xuống đỉnh Ngọa Vân như dòng thác ánh sáng. Đức Nhân Tông gật đầu, vẻ mặt thanh thản.
Chùa kế bên, môn nhân bỗng vung búa đánh một tiếng chuông ngàn. Âm thanh rền, trầm, tỏa xung bốn bề. Tiếng chuông đập vào vách thảo am, phả ra khoảng lặng mênh mang, đổ tràn xuống thung lũng, tràn ngập khắp cây cối, muông thú, hoa lá, chạy rung trên mặt đất, lọt vào khe sâu, suối nước, vọng tưởng trong lòng pháp chủ Trúc Lâm.
Rề……nn.
Kẻ tu hành thì sướng sao được. Khi ta rời bỏ vương quyền vào chốn thâm sơn cùng cốc đã có người bảo sau lưng rằng. Lão ấy vốn ham hư danh thôi, muốn được ngang hàng với thái tử Tất Đạt Đa ở nước Ấn xa xôi. Làm gì phải nhọc công đến nơi cùng cốc. Khó nhọc ai nấy thấy từ đầu. Ta vốn là bậc quân vương, những ngày đầu tu tập chay tịnh, khổ luyện không phải là không có lúc nhọc người. Tương một hũ, cà một lọ, rừng rú âm u, rau rừng thay cho mỹ vị, tiếng muông thú thay cho đàn địch. Ta đâu than phiền, hối tiếc. Ta viết Sơn phòng mạn hứng để tỏ nỗi niềm.
Ai buộc mà đi giải thoát tìm?
Không phàm sao phải kiếm thần tiên
Vượn mòn, ngựa mỏi ta già phải
Như cũ am mây một sập thiền
Phải trái tâm theo hoa sớm rơi
Lợi danh dòng lạnh mưa đêm rồi
Hoa tàn, mưa tạnh non im ắng
Một tiếng chim kêu xuân hết thôi

Tôn Đức ngồi thế thiền, giữ cho lưng thẳng thắn, thấy mình nhẹ bỗng như lông vũ chim thiên tước. Hai đệ tử túc phục. Pháp Không tay đan siết vào nhau, suy tư cực độ. Bảo Sái bình lặng như nước hồ thu, sóng cồn chuyển dội từ đáy. Con muỗi rừng bấu vào mu bàn tay, Bảo Sái phẩy tay, muỗi bay vọt lên, tiếng vo ve giận dữ. Pháp Không giật mình. Bảo Sái bấm nhẹ vào tay: “Đừng để ý đến những chuyện ấy.’’
Trời bỗng sáng rực lên.
Chừng ấy người thôi. Những người theo ta, họ có thực lòng hay chỉ theo danh một ông hoàng mà mưu danh phật pháp. Lòng người khó lường, biết ai là chân thật. Ta có nghi ngờ chăng? Đức tin của ta đặt đúng chỗ chăng? Hai bàn tay úp rồi lại mở ra, đời người cũng như hai bàn tay thôi. Đệ tử cũng như hai bàn tay ta, ngón ngắn, ngón dài.
Một ngôi sao sáng rực trôi vào đêm tối mịt mùng, Tôn đức quay sang:
- Có thấy gì không?
- Thưa, một ngôi sao đáp hạ về Nam.
- Có điềm lạ chăng?
- Khi đệ tử lên Ngọa Vân, qua suối Doanh thấy nước dâng cao đến mấy trượng.
Đức Nhân Tông bỗng nói to lên:
- Ta biết được ta, ngươi hãy nghỉ đi một chốc, đừng lo lắng nhiều nữa. Điều tất đến sẽ đến.
Nhân Tông yên lặng, mường tượng những việc xung quanh. Trước mặt ngài nổi lên một đài sen giống như thiếu thời nằm mộng trong chùa Tư Phúc. Giấc mộng khi xưa đã rất gần, đài sen vươn dần lên khỏi mặt nước. Cánh sen hồng đậm, hoa sen xếp dày từng lớp. Hoa sen của ngày khai mãn. Đài sen đang mở ra, đợi một người lên ngồi ở trên ấy. Ngày của ta đã đến, chiếc lá rừng giật mình rơi tạt ngay dưới chân thượng hoàng.
Người ta nhẹ đi, đến giờ định rồi chăng? Phật pháp có ngày hưng thịnh, có ngày suy vi. Ta truyền lại y bát cho Pháp Loa, tất nhiên trong lòng có điều khó nói. Phật pháp cao cả, trí người có hạn, làm sao để việc hoằng pháp còn mãi về sau không bao giờ dứt. Chim hồng hộc bay cao mãi cũng phải dừng cánh nghỉ ngơi.
Thái Tổ đã từng dứt hoàng bào về Yên Tử học làm Phật, quốc sư Trúc Lâm thưa rằng. “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm. Tâm lặng lẽ và sáng suốt, đó chính là Phật.” Nhưng bắt đầu thế nào? Ta xác lập được chí hướng của mình, nếu không sẽ thành công cốc. Ta từng dạy đệ tử rằng. “Pháp tức là tính, Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp, tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật…”
Ta độ cho mấy nghìn người, như thế đã gọi là mãn nguyện chưa. Đệ tử thông hiểu Phật pháp hay còn mải mê hư vị hão huyền, đến khi tìm ra huyền diệu thì không còn gì là sức lực nữa. Đường đi chông gai, biết đâu là chỗ trú chân yên lành được.
- Hãy thắp một nén hương thơm cung kính.
Niêm hương.
Hương làm bằng rễ bài mọc dưới chân Yên Tử đốt đượm và thơm quá, mùi hương cho trí não thanh tịnh, hương thơm bay khắp chốn cùng.“Một nén hương này, khói lành thơm phức, khí tốt bay lên, ngưng đọng năm phần pháp thân, biến mười phương lễ diệu… Một nén hương này, nướng cũng không chín, đốt cũng không cháy, gõ vào không mở, kéo lại không đến, ngó trộm thì con ngươi khô kiệt, ngửi thì cửa não tách đôi…”
Có ai dõi theo ta không? Chẳng ai cả. Ta xuất gia tu hành nhưng vẫn là bậc quân vương, người đời e dè, kiêng nể. Ta tự mình nghiêm cẩn với mình thôi. Cũng có lúc không khỏi trông thấy miếng thịt gà, bát canh cá chép. Nếu ta lén ăn thì ai dám nói điều gì? Nhưng ta giữ mình cho chính ta. Mâm cao cỗ đầy nhưng lòng người đâu thèm muốn. Những bài học kinh pháp đầu tiên là của Tuệ Trung thượng sỹ. Nhưng thấy thượng sỹ sống rất thế tục, ta sinh ra ngờ vực, bèn giả bộ ngây thơ lén hỏi. “Chúng sinh quen nghiệp uống rượu, ăn thịt thì làm sao tránh được tội báo?” Thượng sĩ giải rõ. “Giá như có người đứng quay lưng lại, bỗng nhà vua đi qua sau lưng, người kia bất ngờ ném một vật gì đó trúng nhà vua. Người ấy có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như vậy phải biết hai việc không liên quan gì tới nhau.” Ta có làm được như ngài? Ta đã là vị chân chủ. Làm thế e phiền lòng, các đệ tử không yên trí mà tu hành được. Nhưng chuyện đó qua lâu rồi, ta đâu phải bận tâm nữa.
Nửa đêm.
Mây gió ngừng bặt. Không gian khoáng đạt, mát lộng. Tiếng vượn hú não dứt hẳn, trời đã qua cơn vận mình ghê gớm. Đằng đông, một ngôi sao sáng rực đang đốt cháy lần cuối. Đức Phật hoàng cố ngồi dậy nhưng không nổi, Bảo Sái muốn giúp nhưng ngài bảo.
- Đã không được thì thôi, đừng níu giữ. Bây giờ là giờ gì?
- Thưa, giờ Tí.
Điều Ngự hé môi, tiếng nhỏ, mỏng như gió, đôi mắt bình thản yên bình.
- Đây là giờ ta đi.
Lặng ngắt. Nghe thấy cả tiếng thở của rừng già nén lại. Sột soạt. Rì rầm. Râm ri. Người đệ tử trung thành không một giây chớp mắt.
- Thưa Tôn đức đi đâu?
Không có tiếng trả lời. Pháp chủ đang nhập dần vào cõi hư không.
- Ngươi nghe bài kệ của ta đây.
- Dạ, đã sẵn nghiên bút.
Pháp chủ đọc chậm rãi:
Mọi pháp đều không sinh
Mọi pháp đều không diệt
Nếu hiểu được như vậy
Phật hiện ra trước mặt
Không đến cũng không đi
Bảo Sái hỏi khẽ:
- Nếu không sinh, không diệt thì thế nào?
- Tai ngươi điếc rồi chăng?
Nói xong ngài nằm như thế sư tử, lặng lẽ ra đi.
Trên đỉnh Ngọa Vân mưa bắt đầu tuôn rạt, gió rừng gào thét tiễn đưa Tôn đức về cõi Niết bàn.
Đó là đêm mùng một, tháng mười một, năm Mậu Thân (1308), cách đây vừa tròn bảy thế kỷ.

___________________________________________________

1 nhận xét: