Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

Sân khấu thiếu lành mạnh

THANH HIỆP

Không thể có được “thánh đường” nghệ thuật nếu nghệ sĩ và khán giả vẫn tồn tại ý thức làm nghề và cách thưởng thức nghệ thuật lôi thôi, luộm thuộm như một số nơi hiện nay

Sân khấu cải lương trong giai đoạn này dù có trải qua đại phẫu, tốn hao bao nhiêu thời gian cho những cuộc họp, hội thảo cũng khó lấy lại tính chuyên nghiệp vốn đã có từ những năm thập niên 1960 khi tình trạng bát nháo của nó đã lên đến đỉnh điểm mà nguyên nhân không ngoài ý thức làm nghề của một số nghệ sĩ và khán giả đến thưởng thức nghệ thuật.

Có quá nhiều chương trình, vở diễn không mang lại hiệu quả nghệ thuật như mong đợi chỉ vì nhận thức làm nghề của một số nghệ sĩ ngôi sao quá kém. Vở diễn nghệ thuật bị biến thành “lẩu thập cẩm”. Một ngôi sao nhất quyết đòi đưa cho được người tình của mình vào vở diễn để chỉ hát mở màn một ca khúc, dù vở diễn đó không cần có ca khúc minh họa. Một danh hài đưa con trai vào vở diễn, cho dù cảnh diễn của vở kinh điển đó không cần nhân vật phụ.

Chưa kể để thu hút khán giả, một vở cải lương mời nghệ sĩ hài, phải mời luôn người đang diễn trong nhóm hài của nghệ sĩ đó, để đáp ứng thỏa thuận “không bị mất sô, không để bạn diễn thất thu” như một nghệ sĩ hài đã nói, chính vì thế vở diễn càng dài, càng dai, càng dở. Vở Một ông, hai bà của Sân khấu Vàng đã từng làm NSƯT Lệ Thủy đau đầu, khi mời nghệ sĩ Kim Ngọc thì phải tìm vai cho Hiếu Hiền, mời nghệ sĩ Mỹ Chi thì phải để một vai cho Phúc Béo (bạn diễn chung nhóm với Mỹ Chi). Hoặc nhóm nghệ sĩ Chiêu Hùng dựng vở Bên cầu dệt lụa, mời nghệ sĩ Khánh Nam diễn thì phải mời nghệ sĩ Tùng Linh đóng một vai nhỏ, vì cả hai là bạn diễn tấu hài.

Sân khấu kịch hiện nay cũng đang gặp trường hợp tương tự. Thời buổi nghệ sĩ có điều kiện chạy sô thì những người biên tập cũng phải chìu theo ý của họ. Diễn viên A. đòi kèm theo vài đệ tử. Danh hài B. “muốn có tôi phải có tụi nó”. Thế là những bè cánh này chen chân nhau trong một vở kịch, khiến người thực hiện phải đẻ thêm mảng miếng, kéo dài lê thê thời lượng vở diễn, hệ lụy là chất lượng một số vở kịch nhạt đi.

Khán giả tiếp tay

Khán giả là đối tượng thứ hai tạo nên “thánh đường nghệ thuật” nhưng nhìn tình trạng khán giả cải lương hôm nay thì chẳng ai còn trông mong gì điều đó. Vở diễn đang diễn giữa chừng thì có tiếng la ó, cãi cọ nhau giữa khán giả và người bán vé chợ đen. Khán giả mua vé muốn có vé tốt thì phải mua chợ đen. Mua rồi nhưng chưa trả tiền liền mà phải chờ vào rạp xem có được ngồi đúng số ghế tốt không mới chịu trả tiền.

Một dạo rạp Hưng Đạo đã cương quyết không cho dân bán vé chợ đen vào thu tiền vé, nhưng không làm được vì còn những khán giả tiếp tay cho phe vé. Dân bán vé chợ đen có thể mua một vé hạng bét để được vào rạp tìm khách thu tiền. Cảnh tượng khán giả đi xem hát ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm, ngồi gác chân lên ghế trong các đêm diễn của sân khấu cải lương là rất phổ biến.

Khán giả sân khấu kịch phần nhiều là giới trí thức nên yên ổn hơn. Thế nhưng khi có một số vở diễn chiều theo thị hiếu khán giả bình dân thì cũng xuất hiện những khán giả kém ý thức như ở sân khấu cải lương. Họ nói lớn tiếng trong khán phòng, vô tư ăn quà vặt, la ó phản đối vô cớ trong lúc xem kịch khiến các nghệ sĩ ngao ngán.

“Thánh đường nghệ thuật” không làm nên bởi nhà hát quy mô lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại mà bằng sự cộng hưởng, tương tác giữa người biết làm nghệ thuật và người biết thưởng thức nghệ thuật. Cho dù rạp Hưng Đạo có được xây dựng thành trung tâm biểu diễn cải lương hiện đại hay có được những nhà hát kịch hiện đại thì cũng không thể có được thánh đường nghệ thuật nếu nghệ sĩ và khán giả vẫn tồn tại ý thức làm nghề và thưởng thức nghệ thuật lôi thôi, luộm thuộm như một số nơi hiện nay.

[Khán giả thời @ còn đáng sợ hơn

NSƯT Minh Vương cho biết: “Khán giả cải lương thời @ còn đáng sợ hơn. Không hài lòng nghệ sĩ nào là họ lên mạng chửi bới đủ lời. Chúng tôi rất buồn khi nhận được những lời lẽ chỉ trích thiếu thiện chí. Việc nghệ sĩ này hát với nghệ sĩ khác đó là chuyện bình thường, hiệu quả nghệ thuật mới là điều quan trọng. Hễ thấy không ưa là lên giọng khích bác”.

Một nét đặc trưng của khán giả sân khấu cải lương là yêu mến thần tượng của mình đến cuồng nhiệt. Những cảnh khán giả thuộc phe của nghệ sĩ A. chửi phe nghệ sĩ B., ẩu đả nhau, chê bai, khích bác diễn ra ngay trong những suất hát dù có đông hay vắng khán giả. Cảnh tượng khán giả đua nhau tặng hoa, quà, tung hê ngôi sao là thần tượng của mình diễn ra một cách ồn ào mất trật tự mà chính lực lượng bảo vệ rạp cũng bó tay.]

_____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét