Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Thi sĩ Hữu Loan, trung chuyển tính cách Thanh với kẻ sĩ Bắc Hà?

Xuân Ba

Không hiểu sao mỗi bận ăn theo đám bạn rẽ qua Nga Sơn được ngồi với cụ Hữu Loan, lại váng vất chất thơ Huy Trụ nhà thơ xứ Thanh: Đến đất này phải chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói cũng nửa rừng nửa biển/ Đến con sông cũng là sông ngựa/ Chảy ngang tàng giữa bãi mía nương dâu. Tính cách dân xứ Thanh, mà nhất là kẻ sĩ, đa phần ngang thẳng. Giai thoại thì chả biên ra đây làm chi. Nhưng có lẽ điển hình nổi trội là cụ Lộc Khê hầu Đào Duy Từ.
Tuổi mới 21 cha mẹ mất sớm bản tính thông minh Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bách Gia Chư Tử… không sách nào không đọc. Hiểu rộng tam giáo cửu lưu mà về thơ văn từ phú lại càng tinh xảo. Triều đình mở khoa thi kén kẻ sĩ bèn thu xếp hành trang về kinh đô dự thí. Nhưng khảo quan ở trường thi theo quy định nói rằng hễ là con nhà ca xướng thì không được dự! Lộc Khê hầu Đào Duy Từ nổi giận chửi vỗ mặt ngay tại trường thi rồi đùng đùng trở về đất Văn Trai, Tĩnh Gia. Về sau, ông vào Nam phò các chúa Nguyễn được trọng dụng nhiều lĩnh vực. Mà Lũy Thầy là công trình lưu danh hậu thế của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ!
Chỗ rẽ vào Vân Hoàn gặp chúng tôi hỏi thăm nhiều người mau mắn "Các bác vào nhà cụ Tú ạ chỗ tê, chỗ tê". Ai cũng một hai cụ Tú cụ Tú... Chao ôi cái bằng tú tài năm 1941 của nhà thơ Hữu Loan mới danh giá làm sao. Những tiến sĩ rồi trên cả tiến sĩ thời buổi này sao thiên hạ hững hờ quá vậy? Người Pháp chiểu danh sách những cậu tú điểm nhất nhì ba cho vời Hữu Loan can dự ngay vào cơ chế, nhưng Hữu Loan không ưng không ưa.
Không ưng không ưa là tính cách Hữu Loan hay là sức hút của cái thuở ban đầu tham gia Việt Minh đã khiến Hữu Loan vừa có sự chùng chình lẫn dứt khoát? Tôi gạ thêm: thời điểm ấy ở thị xã Thanh Hóa cuộc gặp với cụ Trần Trọng Kim với mục đích gì? Thi sĩ nói ngay là ông ấy giao cho mình chức Tổng đoàn trưởng thanh niên. Trần Trọng Kim phong cách cẩn trọng cởi mở dễ gần, kiến thức lúc đằm lúc lồ lộ uyên bác khiến Hữu Loan nể phục. Nể mà nhận chứ chưa có hoạt động gì vang danh lẫn ấn tượng.
Rồi phong trào của Mặt trận Việt minh vuột ông hẳn về một phía mà trọng trách cao nhất là Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Những ngày đầu tham gia chính quyền lâm thời của tỉnh Thanh Hóa, một lúc ông phụ trách 4 Ty (bây giờ là Sở) Giáo dục; Thông tin; Thương chính; Công chính. Ông cười bảo rằng, có lẽ ông không có khiếu lãnh đạo! Khiếu? Hóa ra ông không biết bợ đỡ cả nể kể cả cúi luồn nữa. Không ít những người thân thuộc họ hàng sau này chửi ông là ngu, khổ là phải, vì khi ấy ông cho cả làng vào làm nhân viên, làm công chức cũng được nữa là vài người. Nhưng ông đã thẳng thừng từ chối rằng bay hãy cứ đợi đã!
Chả có ai kiên gan để đợi được ông. Bởi ông đã tham gia Vệ Quốc đoàn phới thẳng vào theo đợt Nam tiến đầu tiên dừng chân bên Đèo Cả núi cao ngất/ Mây trời Ai Lao/ Sầu đại dương hái cam quýt dại lưng đèo/ chua đến ăn nheo cả mắt. Có lẽ tính khí Hữu Loan phải có một thứ tráng ca như Đèo Cả thì mới dung chứa được? Chứ cái tạng phóng sự hay lục bát hoặc ngũ ngôn thất ngôn hay tứ tuyệt sẽ dễ mà vỡ òa? Một người ông gặp tuy không làm thay đổi số phận nhưng khiến ông gần như tri âm là một ông tướng. Tướng Nguyễn Sơn. Người ta vẫn nắc nỏm đôi khi thở dài về tính cách của những danh sĩ Bắc Hà ngang kiêu nhưng đằm chứ không phát lộ một cách ồn ào như xứ Thanh?
Chả biết tính ngang thẳng bạo liệt của họ Vũ làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm có dây mơ rễ má chi với mạch đất Vân Hoàn, Nga Sơn, nơi sinh thi sĩ Hữu Loan không nhưng được ông tướng Nguyễn Sơn coi như bạn tâm giao. Nâng chén rượu trắng Nga Sơn lên nhưng thi sĩ lại đặt xuống. Ông nheo mắt nói mãi về một Nguyễn Sơn tài danh ngang tàng phóng túng trên đất Thanh những năm cuối 40 mà ông thi thoảng lại cặp kè. Đâu đó lác đác có những đêm tâm giao bên chén rượu. Nhưng không túy lúy bét nhè mà như ông từng giảng cho tôi nghe câu "Tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo, tri kỳ linh" (uống phải biết vị, biết hương, biết cái huyền ảo và linh hồn của rượu. Nghe mà chợt cám cảnh cho thi sĩ.
Hằng bao năm ông vẫn dùng bữa đực bữa cái cái thứ rượu ngang cất bằng sắn bằng ngô trắng ởn cay nống đặc xịt vị độc anđêhyt). Người vợ mới của tướng quân, bà Hằng Huân em vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng một tay ông mai mối. Ông thở dài khi kể cái đoạn ông từng đùng đùng bỏ cuộc cà phê mà tướng Nguyễn Sơn mời bạn bè về nhà riêng cũng chỉ tại cái riđô hoa cà chăng ngang gian khách với buồng ngủ mà ông thấy chướng mắt anh là đồ tiểu tư sản. Chủ nhiệm tờ báo Vệ quốc Hữu Loan của Sư 304 đã độp thẳng vào mặt ông tướng như vậy! Kèm theo một cái thở dài nữa khi ông bộc bạch tiếc rằng mình hơi kém duyên không được ở lâu với con người ấy và người ấy cũng không được bén duyên bằng hữu với anh em. Cái thở dài sau cùng là nhớ tiếc một tài danh, một tính cách nhưng mệnh yểu. Tưởng bao thứ vất vưởng buồn khổ lẫn nhố nhăng khiến mạch nhớ của ông đứt đoạn nhưng vẫn ào ào tuôn chảy hào sảng khi ông mồn một những câu trong một tráng ca khóc tướng Nguyễn Sơn năm 1956: … "đám tang đi/ không bao giờ đến huyệt/ Nguyễn Sơn như một con tàu khổng lồ/ mang giông tố đại dương/ đi đến đâu không cho sóng ngủ...".

(còn nữa)
____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét