Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Uy lực của những con chữ

Rốt cuộc, bí quyết chủ chốt của một nhà văn danh tiếng đã được khám phá: tác giả chỉ cần làm cái việc hết sức đơn giản là chọn những con chữ cho chuẩn xác…

Danh tiếng của nhà văn này hay nhà văn nọ thường được giải thích bởi nhiều yếu tố: độ nén của diễn biến cốt truyện, vẻ đẹp của ngôn từ, sức biểu cảm, thế giới quan của chính tác giả, v.v… Nhưng tất cả những cái đó chỉ là thứ yếu, chìa khóa thành công là ở chỗ: một quyển sách, một văn bản của nhà văn bao gồm những chữ gì? Đó là ý kiến của tiến sĩ y học Alexey Birkin, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên châu Âu, một trong những nhà sáng lập Cục Tâm lý học của lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Bộ não và computer

Ý tưởng lạ thường ấy được bộ môn sinh lý học thần kinh hệ mách bảo, trên cơ sở đó, tiến sĩ A. Birkin đã mở ra một hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học: mật mã tâm sinh lý của ngôn từ. Tư tưởng chính của ông là: bộ não - với tư cách công cụ chủ yếu đảm bảo sự sống ở dạng sinh học của con người - luôn tiến hóa và thích ứng với từng khoảnh khắc lịch sử của thông tin. Từ thời cổ xưa, khi loài người đã thôi chỉ dùng tay ra hiệu trong giao tiếp, họ bắt đầu học được cách dùng âm thanh và chữ viết để truyền thông điệp cho nhau. Sự việc này, theo những cách đánh giá khác nhau, diễn ra từ 100.000 đến 30.000 năm về trước. Từ bấy đến nay, tập tính tiếp nhận các dữ liệu từ môi trường bên ngoài nhờ tiếng nói và chữ viết đã ăn sâu vào gien và được trau chuốt đến độ hoàn thiện. Ở thời điểm hiện nay, mức phát triển của các gien đó đã đạt đến đỉnh cao, minh chứng là một trường hợp hiếm thấy: cháu bé chào đời ngày 11.4.2009 tại Norilsk vừa lọt lòng mẹ đã có thể nói.
Cho đến bây giờ, bộ não người đã có thể sánh với computer, chỉ khác một điều: các microchip và block hệ thống của con người không phải bằng chất dẻo tổng hợp hoặc hợp kim, mà là chất hữu cơ. Bàn phím và con chuột chính là mắt ta, tai ta. Màn hình, máy in và các linh kiện khác là cảm xúc, hành động của con người phản xạ những thông tin vừa được thu nhận và xử lý. Những con chữ mà nhà khoa học gọi là mật mã của ngôn từ, được ta chọn lọc theo chế độ tự động. Cái khác nhau là ở chỗ: nếu như computer “suy nghĩ” lâu đến đâu chăng nữa cũng chẳng sao trước một đề bài đặt ra (tất cả phụ thuộc vào năng suất của cả một hệ thống), thì sự sống còn của con người trong thế giới này bị lệ thuộc vào tốc độ quá trình tính toán. Trước kia - cần phản ứng nhanh đến mức tối đa trước sự tấn công của thú dữ, bây giờ - sự sống còn phụ thuộc vào thời gian tiếp nhận thông tin, khi chúng ta nhìn thấy các biển báo dọc đường, nghe thấy tín hiệu cảnh báo của người làm công tác trực ban trong những tình huống cấp bách. Trên thực tế, toàn bộ thông tin quan trọng đi vào ý thức chúng ta ở dạng mật mã mà bộ não đã sơ bộ có được. Mật mã đó chính là những con chữ, những âm thanh. Thuở con người chưa biết viết chữ và nói năng trôi chảy thì ngôn ngữ vốn hoàn toàn khác - điều đó cũng không quan trọng gì. Đó là thứ ngôn ngữ cụ kỵ, nhờ đó sản sinh ra tất cả các ngôn ngữ khác, trong đó có ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng hiện nay, và tất cả những cái đó đều liên quan mật thiết với nhau.

Có ba vạn người đọc mới bắt đầu nổi tiếng

Alexey Birkin khẳng định rằng từng con chữ và âm thanh tương ứng với nó đều tạo nên một sức tải nhất định đối với chiếc computer - hữu - cơ của chúng ta, bất kể bảng chữ cái vốn là một hệ thống trọn vẹn như thế nào. Do đó tất cả con chữ đã xuất hiện không phải đồng thời đồng loạt, mà là ở những thời kỳ khác nhau trong quá trình tồn tại của loài người, tần suất sử dụng chúng trong ngôn từ cũng rất khác nhau. Và đối với bộ não, mức độ thích ứng cho sự tiếp nhận các mật mã khác nhau của ngôn từ cũng khác nhau nhiều lần. Những nguyên âm “o”, “e”, “a” và những phụ âm “t”, “n”, “x” hẳn là đã xuất hiện sớm nhất, cho nên sử dụng chúng khá dễ, còn những phụ âm khác “k”, “kh”, “c”, “ch”, “tr”, “th”... xuất hiện muộn hơn cả, cho nên, nếu sử dụng chúng tràn lan trong một văn bản dễ khiến cho hệ thống máy tính hữu cơ phải quá tải. Tác giả nào vô tình chiều nịnh độc giả bằng những chữ hiếm gặp thì sẽ chẳng ai buồn đọc, và tác giả ấy sẽ chẳng bao giờ nổi tiếng. Nhưng, nếu những mật mã ngôn từ ấy được thay thế bởi những con chữ đơn giản hơn, có thể vượt qua cái ngưỡng 30.000 người đọc (theo quan điểm của tiến sĩ A. Birkin, chính lượng người đọc đó là tiêu chuẩn khiến một nhà văn bắt đầu nổi tiếng), và còn tăng gấp đôi. Đơn giản vì những con chữ có một hấp lực nào đó.
Sức hút thần diệu của con chữ xét theo quan điểm tâm sinh lý học không đến nỗi bí ẩn đến thế. Nếu bộ não là chiếc computer thì trong nó phải có một hệ thống phiên dịch một cách thông thoát các tín hiệu âm thanh và hình ảnh thành một mật mã kép độc đáo. Các tín hiệu từ võng mạc hoặc màng nhĩ đi đến bộ não ở dạng con chữ hình và con chữ âm. Nhưng bộ máy phân tích – tức tư duy của chúng ta – có khả năng tiếp nhận thông tin và tạo ra những hình tượng của mình, nhờ đó người ta suy nghĩ chỉ ở dạng bit (hệ thống kép). Để phiên dịch sang dạng cần thiết, trong đầu đã có một “thiết bị” đặc biệt – tương tự “hộp đen”, đảm nhiệm việc mã hóa các tín hiệu đến từ bên ngoài. A. Birkin gọi nó bằng một thuật ngữ mới: “thấu thức”, và ông công nhận rằng nó cũng có phần họ hàng với “vô thức”, song ở những lĩnh vực khác, nó không được biết đến một cách rõ ràng như ở lĩnh vực tâm sinh lý học.
Trong “hộp đen” có những nhóm neuron thần kinh, mỗi nhóm chuyên trách mã hóa một cụm tín hiệu nhất định nhận được từ môi trường bên ngoài. Những nhóm neuron thần kinh này thường xuyên ở chế độ trực ban, khi võng mạc nhận được một con chữ này hay con chữ kia, neuron thần kinh chịu trách nhiệm về con chữ đó sẽ thức dậy, giải mã nó và chuyển tiếp cho nhóm neuron thần kinh chịu trách nhiệm mã hóa lại từ ngữ rồi lại chuyển sang chế độ “trực ban”. Những neuron thần kinh chuyên trách việc mã hóa những con chữ, những âm thanh được sử dụng nhiều hơn sẽ có sự tiến hóa phát triển hơn, bởi vì trên thực tế chúng quen làm việc thường xuyên – chúng chỉ cần độ một mili giây để phục sức. Nhưng khi trong văn bản có quá nhiều con chữ hiếm thấy và lạ thường, những neuron thần kinh chịu trách nhiệm về những con chữ này sẽ chóng bị quá tải và suy giảm năng lực. Bắt đầu sự “quá tải” của bộ não dẫn tới sự trì trệ trong phản xạ của con người. Chất xám dùng để duy trì sự sống của toàn bộ hệ thống bắt đầu được bơm truyền từ thiết bị phân tích thông tin sang “hộp đen”. Kết quả là bộ não phải làm việc ì ạch với văn bản, nhưng sự tiếp nhận diễn ra thiếu sự thẩm định cần thiết, mặt khác, dẫn tới tình trạng mệt mỏi khiến con người buồn ngủ. Tình trạng ấy cũng giống như cơn say.

Lý thuyết và thực tế chỉ cách nhau một bước

Trên cơ sở hiện tượng ấy mà có những trạng thái như say sưa, thăng hoa. Hơn thế nữa, cả những câu hát ru dường như cũng tác động đến đứa trẻ theo nguyên lý đó. Nghe đi nghe lại những giai điệu khá phức tạp theo quan điểm tâm sinh lý học, đứa trẻ thiếp ngủ đi vì bộ não bị quá tải. Người lớn vẫn quen coi rằng những văn bản khoa học hoặc những cuốn sách chứa đầy những con chữ “phức tạp” thì không thể hiểu được ngay trên tổng thể nó đang nói đến chuyện gì. Đọc đi đọc lại vài lần văn bản đó, kết quả là con người sẽ thấm mệt. Nếu như bắt buộc phải đọc một tài liệu, cần phải tập trung đầu óc, nhắm mắt ngồi yên độ vài giây – điều này sẽ giúp ta tạm tắt nguồn thông tin và giúp bộ não phục hồi được sự cân bằng giữa tư duy và thấu thức.
Một ý tưởng đẹp giúp giải thích được nhiều chuyện, nhưng làm sao để chứng minh được nó? Bởi vì, nếu không có sự xác nhận bằng thực nghiệm thì giả thuyết nào cũng vẫn chỉ là giả thuyết và không thể đưa vào khuôn khổ của học thuyết. Tiến sĩ A. Birkin có may mắn được tiến hành các cuộc thực nghiệm tại phòng thí nghiệm bệnh viện trung ương của Bộ Giao thông Nga. Một con người bình thường, tâm lý hoàn toàn vững vàng đứng trên một bục chuyên dụng ghi lại bất kỳ một sự nghiêng lệch nào so với trục thẳng đứng. Trước mặt người đó là một màn hình có chiếu văn bản, tứ phía có đặt máy điện đồ. Kết quả đã làm kinh ngạc nhiều người, ngoại trừ tác giả của học thuyết này: khi nghe hoặc đọc một văn bản nặng nhọc, cơ thể bắt đầu bất giác đung đưa, như đã được ghi trong điện đồ. Hình êlip biểu thị độ nghiêng so với trục thẳng đứng tỉ lệ thuận với độ khó của văn bản. Đấy đúng là điều cần phải chứng minh: ngay cả chức năng sinh học quan trọng nhất đảm bảo sự cân bằng cũng có phản xạ đối với những thông tin qua văn bản.
Để ứng dụng lý thuyết của mình vào thực tế, tiến sĩ A. Birkin đã lập được một chương trình máy tính cho phép xác định độ khó của văn bản. Nhập dữ liệu vào chương trình, người sử dụng có thể đánh giá mức chịu tải của mình là bao nhiêu. Và có thể ướm thử bất kỳ một văn bản nào: từ tham luận chuyên đề đến thành ngữ, tục ngữ; từ tác phẩm văn học cổ điển đến tập văn xuôi hiện đại. Hơn thế nữa, nếu cần, chương trình máy tính sẽ tự động tính toán và báo cho tác giả biết những con chữ nào ở những chỗ nào cần được thay thế để làm cho tác phẩm dễ đọc một cách tối đa và nhờ thế, dễ phổ biến hơn.
Nhờ chương trình đó, nhà tâm sinh lý học đã phân tích được hơn một triệu văn bản khác nhau, trong đó hầu hết các tác phẩm văn chương cổ điển Nga, những văn bản chính thức và các dị bản thành ngữ, tục ngữ. Bấy giờ mới vỡ lẽ: vì sao người đời phong Pushkin là thiên tài ngôn ngữ, là viên ngọc của mật mã ngôn từ. Tất cả tác phẩm của ông đều dễ được tiếp nhận đến mức ta cứ ngờ rằng hình như ông cũng biết đến môn tâm sinh lý học. Còn trường ca Ngõ hẻm của Marina Svetaeva thì thuộc loại văn bản “nặng”...
Tiến sĩ A. Birkin khuyên những người muốn làm nghề viết văn và đạt được thành công trong việc đó nên tránh dùng những từ ngữ có mật mã “nặng nề” và phải biết chọn những từ cô đọng để kết cấu thành những câu văn không dài dòng. Khi đó, độc giả sẽ hiểu và đánh giá bạn một cách chính xác nhất.

Theo Itogi (Nga)
Đăng Bẩy
________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét