Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Thi sĩ Hữu Loan, trung chuyển tính cách Thanh với kẻ sĩ Bắc Hà?

Xuân Ba
(tiếp)

Lâu rồi, tôi nghe câu được câu chăng cái đoạn đêm trước khi ông bỏ tờ Văn Nghệ rời Hà thành về núi Vân Hoàn ở hẳn. Chưa tiện biên trích ra đây những gì ông và nhạc sĩ Văn Cao đã trao đổi với nhau gần như suốt đêm cứ loanh quanh bên hồ Thiền Quang. Hồi ấy ông chưa biết có một Nguyên Hồng đột ngột cứng cỏi ngang ngạnh rằng tao đ. chơi với chúng mày nữa khi chất nồi niêu thúng mủng từ biệt Thủ đô mà về ấp Cầu Đen ở Bắc Giang. Nếu có biết ông cũng chả học theo kiểu Nguyên Hồng nhưng hai người có lẽ gặp nhau ở cái sự tiết tháo không chịu được nhục? Tôi không mấy tin duyên do chính là cái cớ người ta dè bỉu "Màu tím hoa sim" là tạch tạch sè tiểu tư sản mềm yếu ủy mị xúc phạm đến tình yêu của ông với người vợ cũ Đỗ Thị Ninh khiến ông nổi xung lên. Mà phải là cái gì kia, không ghê gớm lắm như ông nói chỉ là cái thói gian dối trong đám quan chức lẫn văn bút mà ông rất chi là dị ứng!
Câu chuyện một chiều muộn ngả sang cái đoạn ông đi đánh đá ven chân núi Vân Hoàn bán gạo để nuôi một đàn con lít nhít mà đâu có yên để hành cái nghề thổ mộc nặng nhọc khốn khổ ấy. Vẫn có người theo dõi cật vấn ông. Cả những lý do nhố nhăng thi thoảng lại hạch hỏi giấy tờ. Như người ta nhịn đi cho yên nhưng có mấy lần ông cự lại. Mà không cự bằng lời bằng miệng mới rách việc. Với nắm đấm gân guốc của người quen tay với việc thổ mộc, ông tương thẳng vào mặt bọn hàm hồ. Kết cục ông bị chúng đánh cho tơi tả, đêm về nằm ổ rơm cho bà vợ nước mắt lã chã bóp lá cúc tần.
Có một ông chức quan cũng kha khá ở Hà Nội là chỗ quen biết chúng với mấy anh em không hề can dự vào việc viết lách nhưng một lần cứ đòi theo đám chúng tôi ghé ông. Hỏi lý do thì ông cười, các ông xem cụ Hữu Loan có để lại nhiều tác phẩm lắm đâu. Tất nhiên có những văn nhân người đời nắc nỏm danh lưu hậu thế chỉ một bài, một cuốn sách... Nhưng cụ Hữu Loan tôi phục nhất là cái tiết tháo. Mà thứ ấy bây giờ kiếm được, lùng được khó lắm. Tôi biết cụ dị ứng với các loại quan chức. Có vào các ông cũng đừng giới thiệu kẻo cụ đuổi ra. Bữa ấy, nhân chén rượu trắng, hăng lên tôi cứ giới thiệu bừa nhưng thi sĩ chả đuổi mà còn mời rượu nữa...
Bặt đi một thời gian dài, tôi không được hầu chuyện ông cũng là có duyên do cả. Cùng quê Nga Sơn với thi sĩ là nhóm thơ nhóm viết những anh Đỗ Xuân Thanh, Lã Hoan, Trịnh Thanh Sơn mà thi sĩ rất quý. Riêng nhà thơ Trịnh Thanh Sơn có khí chất cũng tờ tợ như nhà thơ Hữu Loan. Tôi thi thoảng được hầu cũng là đi ké với các anh như thế. Oái oăm cái nỗi cả ba anh, mỗi người lần lượt theo nhau mà đi vì bạo bệnh. Được hầu chuyện ông là cái vui, là cái may nhưng nhõn một mình như thế thấy chống chếnh thế nào. Năm ngoái có hai cuộc chống chếnh như thế... Trong đó có cuộc đưa anh bạn làm phim ở phía Nam ra... Khi ấy sức khỏe thi sĩ còn khá nhúc nhắc đi lại được.
Điều ưng ý với cả nhóm có lẽ là chứng kiến cảnh cô cháu nội học lớp 9 của nhà thơ cùng thi sĩ song đọc với nhau bài thơ Hoa Lúa mà ông nói hồi ấy viết tặng bà vợ bây giờ. Bà vợ mà những năm khốn khó quang gánh tất tả làm trộm bánh cuốn bánh đa bán dấm dúi ở các chợ, phụ giúp với việc đánh đá của chồng nuôi 10 đứa con nay tất thảy đều phương trưởng những dâu rể và hơn 40 đứa cháu nội ngoại.
Người ta nói tính cách vùng miền họp nên thứ quốc tính của dân tộc. Chả biết nữa, nhưng có lẽ tính cách xứ Thanh, dẫu thế này thế khác cũng đã can dự vào việc neo giữ sự ấm êm của mái nhà này qua bao phen tao loạn tưởng như tan tác?
Bửng tưng sáng nay, nghe đài thông báo cái tin "Màu tím hoa sim" đã về trời bỗng giật thột tưởng như sắc cước mái tóc bồng bềnh của thi sĩ Hữu Loan đang rung rung bên mái đầu xanh cháu nội khi hai ông cháu hòa giọng cùng Hoa Lúa: Ta đi/ đầu sát bên đầu/ Mắt em/ thăm thẳm/ đựng/ mầu trời quê. Chao ôi, thiếu chi những loài hoa, giống hoa mà là hoa lúa? Chỉ có giống thi sĩ lẫn... tính cách Thanh mới có lúc mềm đi như thế!

__________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét