Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Nặng lòng với cõi nhân gian

Hoài Nam


Sau Ngụ cưThức giấc, đầu năm 2010, nhà văn Thùy Dương cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết thứ ba của chị: Nhân gian.

Nhân gian không phải là thiên giới - tức cõi trời, cõi của thần tiên Phật thánh và những linh hồn bất tử. Nhân gian không phải là địa phủ - tức cõi âm, cõi của Diêm vương, ma quỷ và những vong hồn vất vưởng. Mà nhân gian là cõi người. Là cõi của những con người đang sống, đang bươn chải đang tranh giành để được sống và sống được dưới ánh mặt trời. Là nơi mà mọi buồn vui, được mất, hy vọng và thất vọng, sung sướng và đau khổ đang hiện tồn đắp đổi trên những số phận người. Thế nhưng, Nhân gian của Thùy Dương(*) không chỉ là cõi người, không chỉ là những câu chuyện về con người đang sống. Có thể nhận thấy, theo ba tuyến tự sự của tác phẩm - được vận hành bằng ba giọng kể từ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít - một “Nhân gian” hoàn toàn là cõi âm, một “Nhân gian” hoàn toàn là cõi người, và một “Nhân gian” bán âm bán dương. “Nhân gian cõi âm” là thế giới của những người chết, có người là bộ đội giải phóng quân, có người là lính chiến “phe địch”, lại có cả những vong hồn của quan quân từ thời xa xưa nữa. “Nhân gian cõi người” đương nhiên là thế giới của người đang sống, nhưng ở đây, nó thu hẹp lại chủ yếu trong môi trường xã hội, diện quan hệ và sự trải nghiệm của cô gái con ông phó chủ tịch một tỉnh nọ. “Nhân gian bán âm bán dương” nằm ở phần bản lề của hai “Nhân gian” trên: đó là trường hoạt động của những người đang tìm kiếm hài cốt liệt sỹ - những người ấy sống, nhưng dường như ý nghĩa cuộc sống của họ luôn bị ám ảnh và bị chi phối bởi sự tồn tại của người đã chết.
Kết cấu nội dung như vậy, có thể nói, so với hai tác phẩm Ngụ cư và Thức giấc trước đó, tiểu thuyết Nhân gian của Thùy Dương đã được tăng cường khá đậm tính chất ảo. (Thật ra đây không phải một trường hợp dị biệt. Vì, kể từ thời kỳ đổi mới, dường như không còn thấy bằng lòng với việc phản ánh hiện thực chỉ ở bề nổi của nó, nhiều tiểu thuyết gia Việt Nam đã rất quan tâm khai thác những mối liên hệ huyền bí giữa thế giới bên này và thế giới bên kia, giữa người sống và người chết, giữa cái khả tri và cái bất khả luận giải). Nhưng tính chất ảo trong Nhân gian của Thùy Dương, xét cho cùng, là cái ảo được nhìn qua lăng kính của cái thực. “Nhân gian cõi âm” của tiểu thuyết không ngưng đọng, không tịch mịch. Trái lại, nó xáo động, nó chộn rộn theo đúng tinh thần “trần sao âm vậy”. Nó như một phiên bản khác, đầy phức tạp, của “Nhân gian cõi người”. Người ta bảo: chết là hết. Nhưng những người chết ở đây không chịu hết những day dứt, những bồn chồn khắc khoải. Họ vẫn giữ vẹn nguyên trong mình những kỷ niệm đẹp xưa (như anh Khắc kể về người vợ yêu với Hoàng, người xưng Tôi ở tuyến tự sự này: Ngày xưa cô ấy thường run rẩy mỗi khi được tôi hôn vào sau tai, kêu buồn nhưng cứ thích. Da thịt cô ấy mịn màng như tơ nõn. Bàn tay mình thô vụng, chạm vào cũng phải khẽ khàng... Cô ấy nhỏ nhắn, cái gì cũng xinh xinh. Đến cả bàn chân bàn tay cũng xinh xẻo nuột nà, chẳng giống con nhà nông tí nào. Tr. 137). Họ đau khổ vì bất lực, vì biết hết nhưng không thể can thiệp được vào những gì không may đang xảy ra với người thân của mình trên dương thế (vẫn anh Khắc kể về vợ: Đêm cô ấy đi lấy chồng, cái thằng đốn mạt lột phắt quần vứt vào xó giường, kéo dạng hai chân cô ấy ra rồi hùng hục đẩy cái của hắn vào. Chẳng khác gì trâu húc mả! Rồi hắn vật ra ngủ, đầu ngoẹo về một bên, ngáy như có cục gì chẹn cổ. Cô ấy nằm ngửa mặt lên đình màn, hai mắt mở chong chong. Nước rịn cả ở hai kẽ mắt. Tr. 137). Họ bịn rịn quyến luyến với đồng đội đồng chí, không chịu rời nhau khi có người may mắn được thân nhân tìm ra hài cốt, có người không. Đồng thời, họ vẫn bị ám ảnh bởi những định kiến ý thức hệ, lập trường chính trị, cái giới tuyến chia cắt “quân địch” và “quân ta”. Sân và Si hệt như những người đang sống!
“Nhân gian cõi âm” còn thế. Vậy thì “Nhân gian cõi người”, bản gốc của nó, tất sẽ xáo động chộn rộn hơn gấp nhiều lần. Cái xáo động chộn rộn, thậm chí là hỗn tạp và bất an, của một xã hội đang phải mày mò tìm kiếm cho mình những giá trị chuẩn mực. Không khó để nhận thấy ở đây, trước hết là cả một collection những nhãn mác hàng hóa tiêu dùng xa xỉ “nồng danh khét tiếng” trên thế giới được bày ra, được nhắc đến với một mức độ đậm đặc (Armani, Jimmy Choo, Hermes, Gucci, Chanel, Valentino, Kenzo, Louis Vuiton, Burberry, Escada...), cứ như thể để gỡ gạc cho việc suốt một thời gian dài cả nước chỉ biết tới các mặt hàng nội địa kém chất lượng! Tiếp đến là thái độ sùng bái nhãn mác hàng hóa xa xỉ của các nhân vật (một chồng và một L một V), là tâm lý thỏa mãn khi được sở hữu những món đồ đắt tiền, là sự tự tin khi tìm thấy giá trị của cá nhân mình qua giá trị của đồ vật. Một thứ chủ nghĩa bái vật giáo của thời hiện đại chăng? Một ngoại hiện của sự rỗng tuếch trong đời sống tinh thần chăng? Để thực hành được thứ chủ nghĩa bái vật giáo hiện đại này, cần phải có tiền, thật nhiều tiền. Mà một trong những phương cách hiệu quả nhất để có thật nhiều tiền là phải có quyền. Và ở đây, “Nhân gian cõi người” của cuốn tiểu thuyết là cả một thế giới vừa sục sôi vừa căng thẳng bởi những âm mưu, những thủ đoạn tranh giành quyền lực. Nhìn từ con mắt của cô gái con ông phó chủ tịch tỉnh - người có may mắn được hưởng một nền giáo dục đặt căn bản trên sự tôn trọng cá nhân và những nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh - cái thế giới ấy, cái thế giới của chính cha mẹ cô, thật đáng ngờ, đôi khi là tàn nhẫn và vô luân! Trong tuyến tự sự này, tác giả đã cho “chạy” song song hai giọng văn khác nhau: một giọng giễu cợt hài hước, đậm chất suồng sã với những khẩu ngữ phố phường, những lối nói kiểu “chị em” lúc túm năm tụm ba; một giọng trầm lắng trữ tình, khá tinh tế trong những cảm nhận thoảng qua của nhân vật. Giọng thứ nhất xuất hiện ở những tình huống mà “Nhân gian cõi người” đang như con thiêu thân lao vào quyền lực, tiền tài, đồ vật (nhân vật Mai Vĩ nói về bà mẹ chồng tương lai - bí thư tỉnh ủy phu nhân - với người kể chuyện xưng Tôi: Bước chân của bác gái thật dứt khoát, bước một bước từ thời bao cấp vào thẳng thời của đồ hiệu. Tr. 181). Giọng thứ hai - như một đối trọng của giọng thứ nhất - xuất hiện ở những tình huống con người trở về với trạng thái bản nhiên của mình, với những yêu ghét buồn vui đã được gột sạch mọi lớp sơn toan tính (một đoạn tả cảnh yêu đương đầy chất erotic của cô gái Việt và chàng bác sĩ người Mỹ có thể được dẫn ra làm ví dụ: Vách gỗ, sàn gỗ. Chỉ với tay qua khe lều là gặp sen. Tôi ngắt lá sen trải xuống làm chiếu. Hái một bó hoa ngắt cánh hồng và nhị vàng rải làm gối. Trưa vắng nghe rõ con cá quẫy dưới nước. Nắng vàng óng ngoài kia. Trong lều mát thơm rượi mùi sen. Rush quỳ một bên nhìn tôi. Tôi lần lượt cởi áo, cởi váy ngả xuống chờ đợi. Tr185). “Nhân gian cõi người”, nếu nó có thể còn có một ý nghĩa nào đó giúp cho người ta sống và tin, phải chăng là nhờ vào chính sự tồn tại mong manh ở cái trạng thái - tình cảm bản nhiên này?
“Nhân gian bán âm bán dương” trong tiểu thuyết của Thùy Dương chụm lại ở nhân vật người chị dâu liệt sỹ Nguyễn Huy Hoàng. Một kiểu nhân vật mang màu sắc lý tưởng, có thể nói như vậy. Chị yên phận bề ngoài nhưng giàu cảm xúc nội tâm. Chị dửng dưng với mọi tranh giành đấu đá, chị đắm mình trong thế giới lung linh của những trang sách nhưng cũng không quên những ao ước nhỏ mọn đời thường của người phụ nữ hết lòng vì chồng con (chẳng hạn, một căn nhà khiêm tốn ở “đất thánh” để con tiện ăn học và lập nghiệp sau này). Chị sẻ chia đến cùng với chồng trong công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đầy nhọc nhằn (và tốn kém). Chị thông linh được với vong hồn của người em chồng đi lính, hy sinh. Là khâu trung chuyển giữa “Nhân gian cõi âm” và “Nhân gian cõi người”, chị cũng đóng luôn vai trò của một chứng nhân, một người ghi nhận giá trị của những cái chết, trong quá khứ và trong hiện tại: có những người hy sinh vì một lý tưởng; lại có những người chết tức tưởi đau đớn - bị cắt thành ba khúc ném trôi sông - chỉ vì cái “tội” mắng đứa con trai khi bắt gặp nó đang cạy tủ lấy tiền để ngồi quán net. Kết thúc câu chuyện, chính chị là người thấy được sự đồng hiện của quá khứ và hiện tại trong một ngày trở giời kỳ lạ: “Tôi nhìn đằng trước vẫn thấy Hoàng, ngoái về đằng sau lại thấy cô ấy. Cả ba chúng tôi cứ thế mà lững thững dọc bờ sông. Tôi ngoái lại một lần nữa - một cô gái đẹp của thời hiện đại như thế mà lại có vẻ đau thương gì nhỉ?” (Tr. 299). Nhân gian, đó là cõi người, cả người xưa và người bây giờ, cả người chết lẫn người sống. Là sự trầm luân tương tục của bao kiếp người, mà để hóa giải nó, có lẽ phải cần đến sự không biến mất của lòng bác ái trên thế giới này?
“Đêm ấy về thay bằng đọc sách tôi cầm lấy cây bút. Và câu chuyện này được bắt đầu như thế...” Có lẽ chăng, câu chuyện này cũng được bắt đầu từ tình cảm kép của người viết: chán chường đấy, mà vẫn không thôi nặng lòng với cõi nhân gian?
______________
(*) NXB Hội Nhà văn và Công ty Hà Thế, 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét